Friday, 16 October 2015

Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (15/10/2015)

China-vs-America-Dragon-arm-wrestling-Eagle
Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tại các vùng biển Đông Á sẽ định hình một trật tự khu vực mới trong thế kỷ 21 này. Sự thay đổi liên tục của các chiến lược và cách tiếp cận an ninh và quốc phòng, trong giới học giả cũng như trên thực địa, khiến cho Đông Á trở thành địa điểm gây được sự chú ý lớn từ giới quan sát.
Điển hình như việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo tại Trường Sa ở Biển Đông. Mới đây nước này tuyên bố khánh thành hai ngọn hải đăng tại Gạc Ma và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng hành động này sẽ giúp tăng cường năng lực đi lại của tàu thuyền khi đi qua khu vực. Bà Oánh cũng nhấn mạnh thêm rằng Bắc Kinh “sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở vật chất mang tính dân sự ở quần đảo Nam Sa (tên gọi Trường Sa theo tiếng Trung Quốc)”.
Đối với các học giả Trung Quốc, hành động này cổ vũ cho hoà bình và hợp tác, khi họ cho rằng đây chỉ đơn thuần là hành động dân sự, là một “nghĩa vụ quốc tế liên quan tới nghề cá, cứu hộ cứu nạn và tàu thuyền thương mại. Chuyên gia hải quân Ni Lexiong từ Thượng Hải còn cho rằng xây dựng hải đăng chỉ đơn thuần mang tính dân sự, và chúng không có bất kỳ giá trị nào khi chiến tranh xảy ra.
Người Mỹ xem hành vi xây đảo của Trung Quốc giúp nước này kiểm soát một cách thực tế toàn bộ Biển Đông và tăng cường vị trí địa chiến lược của mình tại khu vực. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng chiến lược này gặp phải những hạn chế cả về mặt chiến thuật lẫn chiến lược. Nghịch lý ở chỗ, Trung Quốc một mặt thúc đẩy hai đại dự án là Con đường tơ lụa mới và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), mặt khác tiến hành các chính sách gây hấn tại Biển Đông khiến cho căng thẳng với các nước Đông Nam Á càng ngày càng leo thang. Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tự mình định hình tương lai của khu vực Đông Nam Á trong khi các quốc gia ở khu vực vẫn bất đồng và không chắc chắn trong cách thức giải quyết tranh chấp. Rất tự nhiên, nước Mỹ có thể đóng vai trò một người tái cân bằng phù hợp.
Về mặt chiến thuật, theo Brian Andrews, các hoạt động xây đảo sẽ làm gia tăng căng thẳng với các nước khác có liên quan tới tranh chấp, dẫn tới tình hình an ninh khu vực có thể trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt hơn, nếu như Trung Quốc cố gắng cải tạo các đảo ở Trường Sa theo hướng quân sự hoá hay tiến hành hạn chế tiếp cận khu vực (áp dụng ADIZ), thì các nước láng giềng sẽ nhanh chóng sử dụng các chiến thuật thách thức cường độ thấp (sử dụng các tàu cá xâm nhập vào gần các đảo mà Trung Quốc xây dựng, không chấp nhận các lệnh cấm đánh bắt cá…). Điều này có thể khiến cho căng thẳng leo thang. Điểm thứ hai vốn đã được đề cập nhiều lần, đó chính là các hành vi gây hấn và thiếu minh bạch của Trung Quốc đã kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang lớn ở Đông Á.
Nhật Bản đã tiến hành giải thích lại Hiến pháp của mình và cho phép Lực lượng Phòng vệ có thể đưa quân ra bên ngoài lãnh thổ dưới danh nghĩa “phòng vệ tập thể”. Sức mạnh quốc phòng vượt trội của Nhật cũng cho phép Tokyo có thể đối phó hiệu quả hơn với sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc tại Hoa Đông. Các nước khác ở Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia hay Singapore mỗi nước đều đang tự mình hiện đại hoá năng lực quốc phòng. Mặc dù bản thân từng quốc gia khó có thể một chọi một với Trung Quốc, nhưng việc tiếp nhận thêm các loại tàu ngầm, máy bay, tên lửa hay tàu chiến có thể gia tăng độ rủi ro cũng như cái giá phải trả về phía Trung Quốc nếu như có xung đột xảy ra.
Về mặt chiến lược, các hành động của Trung Quốc đặt ra một câu hỏi cho toàn khu vực về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuyên bố ứng xử DOC được ký kết năm 2002 giữa Bắc Kinh và các quốc gia ASEAN rõ ràng thể hiện một Trung Quốc mong muốn dựa trên chuẩn tắc và luật lệ để giải quyết tranh chấp. Hiện nay chúng ta có thể thấy Bắc Kinh đi ngược lại hoàn toàn với đặc trưng này. Khái niệm về “mối đe doạ Trung Quốc” lại trỗi dậy và lòng tin của các nước khác đối với Trung Quốc bị xói mòn. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hay vai trò của AIIB có thể sẽ không đủ để giúp Bắc Kinh xây dựng được mối quan hệ bạn bè như Mỹ đã sở hữu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (hệ thống trục-nan hoa). Sự thiếu lòng tin khiến cho các nước ASEAN tìm kiếm yếu tố cân bằng và Washington đã có thể nằm lấy cơ hội đó. Với Philippines, nước này đã nâng cấp Hiệp định Hợp tác Quốc phòng với Mỹ, cho phép quân đội Mỹ hiện diện mạnh mẽ hơn cũng như thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực an ninh hàng hải. Với Việt Nam, chuyến thăm của Tổng bí thứ Nguyễn Phú Trọng tới Washington cho thấy hệ thống chính trị của nước này lần đầu tiên có vẻ thống nhất với nhau là sẽ phải đa dạng hoá các mối quan hệ của quốc gia để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Chiến lược xoay trục của nước Mỹ hiện tại không đơn thuần chỉ là một sáng kiến về quân sự. Cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton đã nhận xét rằng nước Mỹ cần phải có một cách tiếp cận toàn diện cả về mặt kinh tế lẫn chính trị đối với “xoay trục” nếu vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của mình tại Đông Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực và ngân sách, xoay trục về mặt quân sự và an ninh của Mỹ tập trung vào mặt “hợp tác” với việc xây dựng hệ thống “liên minh trong liên minh”. Cách tiếp cận này tập trung vào tăng cường năng lực hàng hải cho đồng minh và bạn bè truyền thống ở khu vực Đông Á.
Các chuyển động quốc phòng gần đây tập trung vào điểm này. Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây công bố sẽ tăng gấp bốn lần mức hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho bốn nước Đông Nam Á là Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia (từ 25 lên 100 triệu USD). Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ William Brownfield cũng đã nhấn mạnh rằng bước đi này không nhằm vào Trung Quốc. Sau đó, Washington cũng đã tuyên bố rằng sẽ tiến hành các hoạt động tập trận đa phương hoá với các nước Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2016. Mỹ đã có hàng loạt các cuộc diễn tập hằng năm như CARAT với chín quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á, hay như SEACAT với sáu nước châu Á. Đó là chưa kể tới đề nghị của Mỹ hồi đầu tháng 3 năm nay về việc tiến hành các hoạt động tuần tra chung với các nước ASEAN tại Biển Đông, vốn nhận được nhiều sự quan tâm. Dường như để tạo thêm sức nặng cho đề xuất này, Mỹ ngay trong tuần này cũng đã thông báo rằng các tàu chiến của Mỹ sẽ tuần tra trong khu vực xung quanh 12 hải lý của các vị trí mà Trung Quốc đang tiến hành mở rộng và cải tạo.
Một số tin vắn đáng chú ý
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ là thành viên chính thức trong cuộc tập trận hải quân chung Mỹ – Ấn tại Vịnh Bengal mang tên Malabar bắt đầu từ năm nay. Trước đó, Nhật Bản chỉ đóng vai trò khách mời trong cuộc tập trận này. Khởi đầu từ năm 1992, với một giai đoạn gián đoạn ngắn từ năm 1998 cho tới 2002, Malabar được tổ chức hằng năm nhằm tăng cường năng lực hàng hải cho các hạm đội của Úc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Singapore.
Một thẩm phán Philippines cho biết Bắc Kinh đã thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trên quần đảo Trường Sa. Ông Antonio Carpio nói rằng bất cứ máy bay Philippines nào bay ngang Trường Sa đều nhận được một lời cảnh báo phải “tránh xa khỏi khu vực”. Cũng theo Carpio, năng lực của Philippines là có hạn do tốc độ sản xuất tàu chiến của Trung Quốc là nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử thế giới trong thời bình.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Scott Swift đã đặt câu hỏi về tính cần thiết phải phân chia Thái Bình Dương ra làm hai khu vực tác chiến hải quân riêng biệt (Hạm đội 7 ở Tây Thái Bình Dương và Hạm đội 3 tại Đông Thái Bình Dương). Như là một dấu hiệu cho sự dịch chuyển này, Tư lệnh Hạm đội 3 là Phó Đô đốc Nora Tyson sẽ đại diện hải quân Mỹ tham gia vào Cuộc trình diễn của hải quân Nhật Bản vào ngày 18 tháng 10. Sự thay đổi về phạm vi và quy mô hoạt động và phối hợp giữa hai Hạm đội 7 và Hạm đội 3 sẽ không làm biến đổi về mặt cấu trúc nhưng sẽ giúp cả hai hạm đội phối hợp tốt hơn trong một khu vực “đầy bất ổn”. Điều này mới chỉ ở mức độ ý tưởng tuy nhiên sẽ giúp mở rộng vai trò của Hạm đội 3 dưới góc độ chỉ huy và kiểm soát.

Có thể bạn quan tâm:


  1. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (08/09/2015)
  2. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (23/09/2015)
  3. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (21/07/2015)
  4. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (07/07/2015)
  5. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (30/06/2015)
  6. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (16/06/2015)
  7. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (28/07/2015)
  8. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (11/08/2015)
  9. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (28/04/2015)
  10. Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (18/08/2015)