Một trong những hình thức tham nhũng của độc tài là gia đình trị. Trong chế độ CSVN, tệ nạn này thường xuyên xảy ra từ trung ương đến địa phương. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngọc Huy với tựa đề: "Có gì lạ đâu?."sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Người ta đang xôn xao chuyện anh chàng 30 tuổi với sở thích chơi chim Hoài Bảo làm quan sở. Cũng bây giờ, dư luận đang xôn xao bởi cái tin Bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện.Tại đây có nhiều cán bộ UBND huyện là người nhà của bí thư huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện. Theo tố cáo, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí quan trọng của UBND huyện có liên quan trực tiếp tới Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang.
Cụ thể đó là Bà Lê Thị Vĩnh, Trưởng Phòng Tài chính, là cô ông Sang; bà Đỗ Thị Lê Hương, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, là con thông gia với ông Sang; ông Lê Văn Nhiệm, phó ban quản lý dự án, là em họ ông Sang; bà Lê Hải Hồng, Phó Phòng Kinh tế, là chị họ ông Sang; ông Lê Văn Sức, Trưởng Phòng Dân tộc học, gọi ông Sang bằng chú; bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, là em bên họ vợ ông Sang; Nguyễn Thị Duyên, kế toán Phòng Quản lý đô thị, con dâu ông Sang...
Một ví dụ khác tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa khi mà chức danh ở xã đều là họ hàng của ông Đặng Tín, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tâm. Có đến hơn 2/3 cán bộ ở xã là bà con, dòng họ của bí thư Đảng ủy. Nhiều người trong số đó không có trình độ, không có chuyên môn trong khi những người có bằng đại học lại không thể xin được việc ở xã này. Trong số 23 cán bộ xã đã có 18 người là bà con họ Đặng hoặc bà con phía vợ của vị bí thư này. Ngay Ban Thường vụ Đảng ủy 3 người, có 2 người là chú cháu, gồm Bí thư Đặng Tín và Phó Bí thư Đặng Thị Dung. Tất cả những cáo buộc này đều do báo Người Lao Động của đảng nêu ra, thế mới là điều đáng nói !
Nghe thì có vẻ là bất công và đầy phẫn nộ. Nhưng mà thực tế nó lại là chuyện nhỏ như con thỏ vì các cấp lớn nó còn lộ liễu và khủng khiếp hơn mấy ông quan xã, huyện, tỉnh đang làm. Đặng Văn Chi ở ủy ban trung ương đảng cài cắm con. Nguyễn Bá Thanh thì cài cắm Nguyễn Bá Cảnh. Phùng Quang Thanh giao cho con Phùng Quang Hải nắm giữ kinh tài cho cha. Trước đó, con gái hơn hai mươi tuổi đầu của Tô Huy Rứa lên nắm quyền một công ty xây dựng lớn. Đó chẳng phải là chuyện lạ nữa rồi.
Chưa hết, nếu chúng ta nhìn thấy cách Nguyễn Tấn Dũng sắp sếp cho con cái như Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Thanh Nghị thì có thể thấy đất nước Việt Nam không thể nào khá lên được, đơn giản bởi vì con cháu của đảng thì chẳng cần tài, chẳng cần đức, chỉ cần quyền và tiền rồi dựa thế ông cha mà tiếp tục đè đầu cưỡi cổ người dân. Chẳng có gì là lạ cả.
Đảng cộng sản từ trước đến nay chửi bới chế độ phong kiến về cái gọi "con vua thì lại làm vua". Nhưng nếu nhìn cái bộ mặt của đảng thì có lẽ nó còn tệ hại hơn cái thời phong kiến ấy. Vì vậy đất nước Việt Nam ngày càng kém phát triển và đổ nát. Sự thụt lùi trước Thailand, Singapore đã là quá khứ. Giờ đây đất nước Việt Nam còn không bằng cả Lào và Campuchia nữa. Thế mới đau cho dân tộc chúng ta có nhiều tài nguyên, thắng cảnh và cả con người thông minh nhưng vớ phải ngay cái họa cộng sản ...
Ngày xưa, người ta ngạc nhiên về việc Nông Đức Mạnh vô học, bất tài nhảy từ anh cán bộ Nông Trường lên làm chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư. Người ta mãi về sau mới phát hiện ra họ Nông là tông của họ Hồ. Vì vậy anh chàng lấy bồ của con trai Nông Quốc Tuấn đã có ngai vàng ngồi thênh thang nhờ cái bóng của Hồ Chí Minh. Tiếp nối theo đó, họ Nông đưa con Nông Quốc Tuấn về làm cái quan to sau khi có thời gian "tu nghiện" ma túy ở xứ Đông Âu về. Cũng có thể nhìn thấy Lê Kiên Thành đã nhờ cái bóng cha – Lê Duẩn thế nào để có số tiền khổng lồ từ 16 tấn vàng mà chế độ VNCH đã để lại để có cơ nghiệp đại gia ngân hàng Techcombank và nhiều tài sản khác.
Cho nên có một sự thật là người dân đừng lạ lùng trước các hiện tượng con ông cháu cha ở địa phương. Nó là một thực tế để duy trì độc tài cộng sản của cả chế độ thự hiện. Đau đấy, buồn đấy nhưng mà ngồi đó than thở cũng vậy. Phải vạch trần và đứng dậy chứ không chỉ dừng lại ở những lời than thở. Đó là con đường chấp nhận sự hi sinh, sự thương đau nhưng mới giã từ được những thực tế đau lòng mà hàng ngày chúng ta đang phải chứng kiến.
Ngọc Huy