Friday 16 October 2015

Afghanistan: giá nước Mỹ phải trả sau chiến tranh VN

TT Barak Obama hay ai thì cũng phải nhận lãnh cái quả từ cái nhân tiền nhiệm.
Sao không nghe Bob Dylan hay Jane Fonda hát cho hòa bình thế giới?
(Kỳ này nước Mỹ không trút trách nhiệm vào "đồng minh"?)

Phong trào chống chiến tranh tại Âu Châu hay các đại học Mỹ không còn mạnh như thời 1968. Cũng không thấy nhóm phản chiến tại Nhật hoạt động gì cả?

Những con ngựa mà ISIS xài mang tên Toyota. Cũng là cái quả từ cái nhân tư bản.

Kỳ này nước Mỹ không mời ts Henry Kissinger qua Afghanistan để thương lượng hòa bình. Nếu có nhân vật như ngoại trưởng Laurent Fabius của Pháp  và Henry Kissinger của Mỹ qua Trung Đông thương thuyết, thì chuyện gì mà chẳng xong?

Đinh Thế Dũng

Mỹ buộc phải duy trì quân đội tại Afghanistan sau 2016

mediaTổng thống Mỹ Barack Obama thông báo kế hoạch duy trì quân đội Mỹ tại Afghanistan, Washington, ngày 15/10/2015.REUTERS/Jonathan Ernst
Sau đợt phản công bất ngờ của quân Taliban tại Kunduz, và tương quan lực lượng bất lợi cho quân đội Afghanistan, hôm qua, 15/10/2015, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố Washington sẽ giãn thời hạn rút quân khỏi nước Cộng hòa Nam Á. Theo dự kiến, toàn bộ khoảng 10.000 binh sĩ đang được triển khai tại quốc gia này sẽ phải rút toàn bộ từ nay tới đầu năm 2017. 
Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington,
« Đây là một quyết định rất khó khăn đối với Barack Obama, bởi Tổng thống Hoa Kỳ trước đó đã hứa rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, thực tế lại rất khắc nghiệt với việc quân Taliban phản công và sự yếu kém của lực lượng Afghanistan tại Kunduz trong những tuần qua buộc Obama phải ra quyết định trên.
Về vấn đề này, Tổng thống Obama đã trực tiếp nói chuyện với binh sĩ Mỹ : ‘‘Với tư cách là tư lệnh quân đội, tôi không thể vô tâm đưa quân nhân Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm. Tôi cho rằng sứ mạng này hết sức quan trọng với an ninh quốc gia của chúng ta’’. Ông Obama khẳng định ông biết người Mỹ lưỡng lự với việc này, và quan điểm của ông là không ủng hộ một cuộc chiến kéo dài vô tận. Nhưng với những gì diễn ra tại Afghanistan, Tổng thống cho rằng nỗ lực nhỏ này sẽ có ý nghĩa đáng kể, có thể tạo ra một thực tế rất khác.
Tổng thống Obama khẳng định ông sẽ duy trì lực lượng hiện tại ở Afghanistan là 9.800 người trong năm 2016. Sứ mạng của họ sẽ không thay đổi, với hai nhiệm vụ cụ thể : đó là huấn luyện các đơn vị Afghanistan và chiến đấu chống Al-Qaida.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter hy vọng các đối tác trong liên quân quốc tế sẽ có cùng một quyết định.
Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ giải thích, Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng trong thời gian hơn một năm tới, ông không muốn để cho người kế nhiệm mình, dù là thuộc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, phải đối mặt với một tình hình tồi tệ hơn năm 2009 ».
Như vậy, với 14 năm kể từ khi can thiệp quân sự tại Afghanistan, cộng với chi phí khoảng 60 tỷ đô la để đào tạo và huấn luyện quân đội Afghanistan, Hoa Kỳ đã không đạt được kết quả dự định. Kể từ khi đa số các nhóm binh sĩ Mỹ rút khỏi nước này, hòa bình còn xa mới đạt được. Trong những tháng gần đây, các lực lượng Taliban đã tiến hành nhiều cuộc phản công, đặc biệt là tại thành phố Kunduz, với 300.000 dân, và kiểm soát được địa điểm này trong một thời gian. Kunduz cuối cùng chỉ được chiếm lại, với sự hỗ trợ của không quân Mỹ.
Tướng John Campell, chỉ huy lực lượng NATO và quân đội Mỹ tại Afghanistan ca ngợi các nỗ lực của quân đội nước này trong những năm gần đây, có các tiến bộ « đáng ngạc nhiên », nhưng nhấn mạnh rằng họ vẫn luôn cần được sự hậu thuẫn bên ngoài.
Quyết định của Tổng thống Mỹ được đưa ra hôm qua dựa trên kế hoạch của cựu Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey hồi đầu tháng 10/2015. Sự thật hiển nhiên đối với Washington là chính quyền Kabul đã không thể tự kiểm soát được an ninh của đất nước. Theo kế hoạch mới, khoảng hơn một nửa của số lực lượng hiện nay, tức 5.500 binh sĩ Mỹ sẽ được duy trì trong năm 2017, tại ba căn cứ quân sự Bagram, Jalalabar và Kandahar.
Trả lời AFP, ông Michael O’Hanlon, một chuyên gia về quốc phòng thuộc nhóm tư vấn Brookings, nhận định cần phải duy trì khoảng từ 5.000 đến 7.000 người tại Afghanistan trong một khoảng thời gian không hạn định. Đây là một ý kiến được nhiều chuyên gia chia sẻ. Nhà tư vấn Anthony Cordesman, thuộc trung tâm CSIS, thậm chí còn cho rằng, lực lượng quân đội nước ngoài tại Afghanistan cần phải được tăng cường sau 2016, mỗi đơn vị chiến đấu của quân đội nước sở tại cũng cần đến sự hỗ trợ của các cố vấn Mỹ, chứ không chỉ các cơ quan chỉ huy.

Mỹ điều tra nguồn gốc xe Toyota trong tay IS

mediaXe Toyota trong video truyền bá của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Chính quyền Mỹ muốn điều tra tại sao tổ chức Nhà nước Hồi giáo lại có trong tay những chiếc xe Toyota mới "láng cóng", thường xuyên xuất hiện trên những bức ảnh và video tuyên truyền của tổ chức này. Trong khi đó, nhà sản xuất Nhật Bản cũng không lý giải được.
Theo nhận định của một số quan chức Mỹ chống khủng bố khi trả lời kênh truyền hình ABC News, có vẻ như chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo rất ưa chuộng dòng xe bán tải Hilux và xe đường trường gầm cao Land Cruiser của Toyota. Còn ông Mark Wallace, phụ trách tổ chức phi chính phủ “Dự án chống Chủ nghĩa cực đoan” (Counter Extremism Project) thì lấy làm tiếc « khi thấy rằng hai loại xe này hiện là lại hình ảnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ».
Độ bền cao
Nhà sản xuất Nhật Bản khẳng định không thể theo dõi được số lượng xe hơi có thể bị đánh cắp hay được mua, rồi sau đó được các nhà trung gian bán lại cho những kẻ xấu. Hãng Toyota cũng nhắc lại là đã ngừng bán xe trực tiếp tại Syria từ nhiều năm nay nhằm tránh việc xe hơi của hãng “bị quân sự hoá”.
Manh mối có thể bắt nguồn từ phía Irak. Đài truyền hình ABC ghi nhận số lượng loại xe Hilux và Land Cruiser được bán ra trên thị trường nước này đã tăng hơn gấp ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013. Trả lời phỏng vấn đài ABC, đại sứ Irak tại Mỹ Lukman Faily cho biết, hàng trăm chiếc xe thuộc hai dòng này đã được các nhóm thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo mua từ một nhà trung gian “chưa xác định được danh tính”. Một số khác có thể có nguồn gốc từ kho xe Toyota mà các nước, như Libya chẳng hạn, đã mua từ vài năm trước đó. Sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ, những kho này rơi vào tay các tổ chức khủng bố.
Vậy tại sao tổ chức Nhà nước Hồi giáo lại chuộng xe do Toyota sản xuất ? Lý do thường được nêu ra là xe của nhà sản xuất Nhật Bản có độ bền cao. Thậm chí, vào năm 2010, chương trình “Top Gear” của đài BBC đã giành hẳn một số, “Killing a Toyota” và đã dùng trăm phương nghìn kế để thử “giết chết” một chiếc xe bán tải Hilux, song không thành công.
Sau khi bị cố tình va chạm và đâm vào các chướng ngại vật, bị ngâm dưới nước biển cho tới đêm tối, bị đốt cháy và thậm chí nổ theo một tòa nhà cũ bị đánh sập bằng chất nổ, chiếc xe vẫn tiếp tục... chạy dù tả tơi. Độ bền chắc bất chấp mọi thử thách rõ ràng đã thuyết phục được người sử dụng trên đường trường hay tại các vùng chiến sự như tại Syria.
Ngoài lý do độ bền, sở dĩ xe Toyota được dùng nhiều còn vì tránh được bị phụ thuộc vào kênh phân phối của các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Theo phân tích của Wassim Nasr, chuyên gia về các phong trào thánh chiến tại đài truyền hình France 24, các nhóm khủng bố dễ dàng có được các linh kiện thay thế của một chiếc xe hơi Nhật Bản hơn là một chiếc xe Mỹ.
Phe Taliban cũng chuộng xe Toyota
Quỹ Hoà bình Thế giới (World Peace Foundation) của Mỹ nhắc lại rằng nhiều dòng xe của Toyota cũng đã từng được quân Taliban sử dụng trong những năm 1990. Thậm chí, ngay từ năm 2001, nhật báo New York Times từng tiết lộ đó còn là những chiếc xe ưa chuộng của Oussama Ben Laden và đội quân cận vệ của trùm khủng bố.
Sau giai đoạn đó, những chiếc xe Toyota đã xuất hiện tại nhiều địa điểm nằm trong vòng kiểm soát của các tổ chức khủng bố hay phiến quân trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Phi. Nhà nghiên cứu các xung đột tại Châu Phi Asim Elhag, hiện đang làm việc tại World Peace Foundation, nêu ví dụ những chiếc xe địa hình Land Cruiser « rất phổ biến tại những khu vực khô hạn thuộc sa mạc Sahel và Sahara, cũng như tại Somalia ». Ông đánh giá, sau hơn 15 năm, đã tới lúc Toyota phải tiến hành lắp đặt các hệ thống kiểm soát hiệu quả hơn để ngăn những chiếc xe của hãng trở thành công cụ phục vụ chiến tranh của các tổ chức khủng bố.
Toyota sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra Mỹ
Toyota đã nhanh chóng đưa ra phản ứng trước những thông tin mà đài truyền hình Mỹ ABC News công bố. Ngày 08/10, ngay sau khi được Bộ Tài chính Mỹ liên lạc, trong thông cáo gửi tới hãng AFP, tập đoàn sản xuất thuộc vùng Nagoya, miền trung Nhật Bản, khẳng định : « Chúng tôi ủng hộ cuộc điều tra của Bộ Tài chính Mỹ về các kênh cung cấp quốc tế cũng như nguồn vốn và mặt hàng tại Trung Đông » liên quan tới sản phẩm xe hơi Toyota.
Toyota cũng khẳng định có chính sách nghiêm ngặt cấm bán các phương tiện vận tải cho những đối tượng có thể biến chúng phục vụ các hoạt động bán quân sự hay khủng bố. Vẫn theo văn bản gửi AFP, Toyota cho biết « đã tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn sản phẩm của hãng có thể bị chuyển hướng sang mục đích quân sự bất hợp pháp ».
Tuy nhiên, Toyota cũng chia sẻ thực tế khó khăn mà một nhà sản xuất phải đối mặt vì rất khó có thể kiểm soát được các chi nhánh gián tiếp hay bất hợp pháp. Thông qua các đại lý này, xe của Toyota có lẽ đã bị rơi vào tay kẻ xấu.
Năm 2014, hơn 820.000 xe của nhà sản xuất Nhật Bản đã được bán ra trên thị trường Trung Đông. Loại xe bán tải của Toyota, cũng như các dòng xe cùng loại do các hãng Mitsubishi Motors, Isuzu hay Hyundai sản xuất, rất được các nhóm nổi dậy và quân đội trên thế giới ưa chuộng vì khoẻ và có "tuổi thọ" cao.