Friday, 16 October 2015

Niềm đau “kiều hối”

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 61
(Nguồn: Tuần báo Đời Nay Washington ngày 2.10.2015)

Theo tài liệu Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), năm 2015 ước tính người Việt hải ngoại gửi về quê cũ giúp thân nhân là 12 tỉ đô-la Mỹ, trong đó riêng người Việt tại Hoa Kỳ chiếm 6.8 tỉ. Một con số chóng mặt.
Tiền này được VC gọi là “kiều hối”, tức ngoại tệ mạnh do “những khúc ruột xa vạn dặm” thắt lưng buộc bụng gửi về giúp người thân nhưng cuối cùng vào túi VC đã giúp chúng tiếp tục nắm quyền cai trị, tiếp tục gây tội ác và đày ải người dân.
Năm 1975, khi bị “đồng minh” cúp viện trợ, nếu VNCH có mười phần trăm số “kiều hối” hiện nay để mua vũ khí thì đã không sụp đổ và bọn VC ác ôn đã không nhặt được chiến thắng bất ngờ để khua môi nói phét “đại thắng mùa xuân”, “bên thắng cuộc”, (thật ra là “bên thua cuộc” vì “hậu phương lớn” Liên-sô, thành trì của chủ nghĩa Mác-Lê đã sụp đổ tan tành năm 1991 khiến đám con mồ côi VC biến thành “Mafia đỏ” để kéo dài cơn dẫy chết.

Hình như không phải “chúng ta” không biết gửi tiền về Việt Nam là nuôi béo bọn “Mafia đỏ” và giúp chúng tiếp tục ngự trị trên đầu trên cổ thân nhân mình nhưng “chúng ta” vẫn cứ gửi và có thể càng ngày càng gửi nhiều hơn.
Đây là một sự nghịch lý rất khó giải thích, và không ai muốn tìm hiểu để nói cho rõ ngọn nguồn, có lẽ vì sợ va chạm, bứt dây động rừng, và bị chửi.
Gần đây, ông Thái Cẩm Hưng, giáo sự tại Đại học Pomona ở California, một cựu thuyền nhân, đã làm một cuộc nghiên cứu về vụ “kiều hối” nhức đầu này và viết thành một cuốn sách bằng Anh ngữ tựa đề “Insufficient Funds” (tạm dịch: “Thiếu tiền trong quỹ”).
Tại sao lại “thiếu tiền trong quỹ”?
Giáo sư Hưng, qua lời thuật của báo Người Việt, nói rằng tựa đề ấy là do một người Mỹ gốc Việt ở Virginia (mà ông Hưng gọi theo kiểu VC là “Việt kiều”) ông ta đã gặp tại Việt Nam. Người này thường gửi tiền về VN giúp thân nhân, nhưng chính ông ta một hôm ra ATM rút tiền thì trong tài khoản của mình lại “thiếu tiền”. Thay vì có tiền chạy ra khỏi máy, ông ta nhận được một mảnh giấy với hàng chữ phũ phàng: “Insufficient Funds: Sorry, you can not withdraw money at this time”.
“Thiếu tiền” hay “không đủ tiền” thì cũng có nghĩa là ông ta đã sạch túi vì đã gửi quá nhiều tiền về Việt Nam, ngoài khả năng tài chánh của mình. Hiện tượng đáng buồn và đáng suy nghĩ này đã là chủ đề để GS Hưng nghiên cứu và viết cuốn “Insufficient Funds”.
Theo báo Người Việt, “Insufficient Funds” đã nhận được Giải thưởng Sách hay nhất năm 2015 về Á Châu của Hội Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Sociological Association).
Các nhà phê bình gọi đây là một “cuộc nghiên cứu thành công rực rỡ mang tính bước ngoặt”, một tường trình về tài chánh của người di dân, một “đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết của chúng ta về sinh hoạt kiều hối”, theo thông cáo báo chí của Đại Học Pomona.
Quả thật, không phải là người Việt Nam thì không ai có thể hiểu được tại sao những người di dân phần đông được coi là thành phần “nghèo” trong xã hội lại có thể gửi về VN hàng tỉ đô-la mỗi năm để giúp người khác. Có người phải làm 2, 3 “jobs” với đồng lương tối thiểu, có người sống bằng tiền trợ cấp xã hội, tiền hưu. tiền già, nhưng vẫn có thể gửi về VN hàng ngàn đô mỗi năm, chưa kể những chuyến đi VN rất tốn kém.
GS Hưng cho biết:  “Tôi nảy ý định viết cuốn sách này là vì tôi nhìn thấy sự tiêu xài gần như vô độ của Việt kiều khi về nước. Cho nên tôi muốn tìm hiểu để coi có nguyên nhân gì khiến họ làm như vậy, nguyên nhân sâu xa hơn là khoe khoang, lấy le.”
GS Thái Cẩm Hưng cùng gia đình vượt biên và định cư tại Mỹ vào đầu thập niên 1980 ở tuổi thiếu niên. Ông ta nói: “Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó ở tiểu bang Mississippi,tôi từng chứng kiến cảnh cha mẹ tôi gởi tiền về Việt Nam để rồi người nhà trong nước lâm vào cảnh phá sản, mất cả chì lẫn chài,”
Vì vậy tác giả đã có kinh nghiệm bản thân về sự đau nhức trong vấn đề “kiều hối”.
Báo Người Việt viết như sau về nội dung cuốn sách của GS. Hưng:
“Một trong những điểm đáng chú ý, tác giả nhận định rằng rất nhiều mối quan hệ gia đình của người Việt đã bị ‘tài chánh hóa’, nghĩa là nền tảng tình cảm gia đình được xây dựng dựa trên tiền bạc. Gửi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam là cách biểu lộ tình thương. Rất đông gia đình gốc Việt ở nước ngoài gửi tiền cho thân nhân với giá quá đắt, bất chấp sự bấp bênh tài chánh của họ ở ngay tại đây. Những gia đình này làm chỉ vừa đủ ‘trên mức nghèo’, theo ấn định của chính phủ là $23,000/năm cho gia đình bốn người, hoặc $14,000/năm cho một người. Thế mà, vì gửi tiền về VN, họ phải sống trong cảnh nghèo nàn, túng thiếu. Họ tự đặt mình vào một tầng lớp mà các nhà xã hội học gọi là ‘the missing class’, một giai cấp bị lãng quên, trong các cuộc thảo luận về an sinh xã hội hoặc cơ hội tìm việc làm.
Họ tiện tặn, không dám tiêu xài để gửi tiền trên mức họ làm ra cho nên trong khi họ có thể trợ giúp cho thân nhân ở VN có được cuộc sống thoải mái, bao nhiêu người đã mang công mắc nợ. Đây là một hy sinh lớn. Khổ nỗi, rất hiếm người nhận tiền ở VN thấu hiểu được sự hy sinh này bởi vì chẳng bao giờ người gửi lại nói thật hoàn cảnh tài chánh của mình, của những người đã sang đến Mỹ. Họ muốn để người nhà nghĩ rằng họ đã đạt được ‘giấc mơ Mỹ’ và đón nhận sự nể phục và tôn kính của thân nhân.”
Ở chương Sáu, sách bàn về chuyện gửi tiền lâu dần thành thói quen. Đa số, khi đã gửi tiền vài lần thì thân nhân bắt đầu có hy vọng, trông mong, nên người gửi buộc phải tiếp tục gửi vì không muốn người nhà thất vọng.
Chương Bảy bàn về tình trạng những đòi hỏi của người trong nước bị cám dỗ bởi những nhu cầu vật chất phải xài đồ ngoại một cách thiếu thực tế nên tạo áp lực thân nhân nước ngoài.
Chương Chín đề cập những câu chuyện thương tâm: một ông và một bà coi chuyện gửi tiền như một bổn phận, vì gửi quá nhiều tiền trong thời gian dài nên lâm vào hoàn cảnh phá sản. Xấu hổ và mặc cảm với thân nhân đã khiến họ không dám liên lạc nữa, họ  cắt đứt với gia đình trong lúc gia đình ở VN không hiểu lý do gì.
Ở góc nhìn khác, khi về nước, những ‘Việt kiều’ này thường tiêu tiền phung phí khiến thân nhân không thể ngờ rằng người nhà của mình ở hải ngoại lại có thể lâm cảnh túng thiếu được.
Tác giả Thái Cẩm Hưng khẳng định: “Tôi xin nhấn mạnh, cuốn sách này hoàn toàn không phê bình hay châm biếm những người gửi tiền được đề cập mà là để chúng ta cảm thông cho họ, cho hoàn cảnh của họ. Tôi có cảm giác rất trái ngược khi viết cuốn ‘Tiền không đủ’. Một là buồn, và hai là thích thú. Buồn cho những cảnh sống quá thê thảm và tạm bợ. Còn thích thú là vì những tình thương quá sâu đậm qua sự hy sinh cho thân nhân.
GS Hưng cho rằng người Việt di cư có những lợi điểm hơn những sắc dân khác như da trắng hoặc da đen nghèo vì họ có chỗ để cho và tiêu xài.
Người Việt di cư tìm được giá trị và nhân phẩm mà họ không thể có được nếu không có quê hương nghèo nàn để quay lại. Ông nói: “Tôi cảm động vô cùng khi nghe về quyết định của một số người. Có người cố tình lấy hết tiền trong thẻ tín dụng để gửi về VN bởi vì họ có được sự hài lòng. Nhân phẩm, cảm giác thương yêu gia đình, cảm giác thành đạt là những gì chúng ta tìm được khi giúp đỡ thân nhân ở VN.” (hết trích)
Cao đẹp biết bao! Nhưng rất nhiều người nhận tiền “viện trợ” ở VN đã không hiểu được sự hy sinh ấy. Họ nghĩ rằng người thân của họ ở hải ngoại là những con nợ suốt đời của họ. Họ sống một cuộc đời ỉ lại, ngày ngày không làm gì hơn là rong chơi, nhậu nhẹt, mua sắm, nhảy đầm, chơi quần vợt, tổ chức mừng sinh nhật hoành tráng với ban nhạc sống, vân vân… trong một xã hội đầy những người nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhan nhản trước mắt họ.
Tệ nạn này một phần cũng do những con bò sữa đáng thương ở hải ngoại. Có nhiều người không nói thật “job” của mình ở bên Mỹ, bên Tây… Nghe họ nói, bà con cứ tưởng họ làm “quan chức” gì đó ở Lầu Năm Góc hay Ngân Hàng Thế Giới. Họ có làm việc ở Pentagon, ở World Bank thật nhưng họ làm việc vào ban đêm sau khi các quan chức đã ra về: đổ rác, hút bụi, chùi rửa nhà vệ sinh…
Trong lịch sử mấy ngàn năm cho tới ngày 30.4.1975, dân tộc Việt Nam luôn luôn tự lực cánh sinh, tự làm lấy mà ăn, nhưng từ khi được cái mà VC gọi là “giải phóng” thì người nào chạy được đã bỏ nước ra đi, kẻ còn ở lại trở thành ăn xin. Cả nước ăn xin trong hơn 40 năm (gần nửa thế kỷ) và còn kéo dài không biết tới bao giờ.
Gần đây, khi những “nhà đấu tranh” ở Mỹ kêu gọi đồng hương  tên vào “thỉnh nguyện thư” đệ lên TT Obama xin có biện pháp trừng phạt kinh tế VC để chúng nới lỏng đàn áp và trả lại quyền làm người cho dân Việt Nam, có một người Mỹ nào đó (chắc là da trắng) đã viết thư sỉ vả “chúng ta” (những người Mỹ da vàng), gọi “chúng ta” là “loại người gì” trong khi vừa gửi hàng tỉ đô-la về VN lại vừa xin chính phủ Mỹ đừng cho tiền VN (VC).
Ôi, niềm đau kiều hối!
Ký Thiệt