Friday, 23 October 2015

Đoàn Khắc Xuyên - Hà Nội: Đi tìm (lại) linh hồn đô thị


Đi tìm lại sự tử tế cho thành phố này? Khó lắm! Khi sự tử tế mất đi rồi, khó đòi lại được. 

Từ chỗ tự hào “thanh lịch như người Tràng An”, nay Hà Nội đang dự tính ban hành quy chế chống nói tục, chửi thề trong cơ quan nhà nước và không gian công cộng. 

Vì đâu nên nỗi?

Trong bài Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội (10.6.2015), Báo Petro Times viết: “Tưởng chừng chỉ có những người ít học, chợ búa mới văng tục, chửi bậy. Nhưng hiện nay, “văn hóa chửi” ăn sâu cả vào giới tri thức, người nổi tiếng”. Blogger Hiệu Minh, một người Hà Nội, nhận xét: “Mấy tháng qua, có dịp đi qua nhiều vùng miền từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, tôi có thể kết luận, người Hà Nội hay nói đúng hơn những người đang ở, đi lại trên đường, ăn uống sinh hoạt (ở Hà Nội), nói tục nhất nước”.

“Văn hóa ứng xử xuống cấp trầm trọng là hiện tượng đáng báo động khi tiêu cực xã hội gia tăng, những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách mà còn là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác” - Petro Times nhận định về nguyên nhân của nạn “mất dạy”. Với PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển thì nguyên nhân là do xã hội có mặt nào đó giả dối nên có thể thấy, việc giới trẻ nói tục tĩu, chửi bậy là để phản ứng lại cái giả dối của xã hội.


Blogger Hiệu Minh dẫn ra nhiều nguyên nhân hơn nữa: “Văng tục có nhiều lý do, bức xúc, bị đánh oan, bị ức hiếp, bị làm tiền vô lối. Xã hội có nhiều bất cập sẽ văng tục nhiều hơn. Chiến tranh kết thúc, người may mắn trở về, có người được chứng nhận thương binh, có người bị thương hẳn hoi nhưng giấy chứng thương thất lạc, muốn được trợ cấp, phải làm đơn kính chuyển. Vì ngập trong đơn từ kêu cứu, người thấp cổ bé họng từng hy sinh vì đất nước sẽ “Đan Mạch” thôi. Bạn có một mảnh ruộng nhỏ, là nguồn mưu sinh của gia đình, bỗng dưng một ngày bạn nhận được cái giấy báo mảnh ruộng ấy thuộc đất dự án ABC, khi chưa có quyết định thu hồi, chưa có thỏa thuận đền bù hoặc trả cho bạn một mét vuông đất với giá một tô phở, liệu trong trường hợp đó cao bồi Mỹ có rút súng và fuck hay không? Bạn vác đơn đi kiện, các cơ quan ban ngành làm lơ bạn, bảo bạn quay về địa phương, nơi mà họ lợi dụng chính sách đất đai là sở hữu toàn dân để cướp đất của bạn. Bạn không được kẻ cướp đất giải quyết, lẽ dĩ nhiên, bạn lại vác đơn đi kiện với sự kiên nhẫn vô bờ, bạn bị kết tội khiếu kiện vượt cấp. “ĐM” không? Hằng ngày đi đường, bạn có thể thương tật nằm một chỗ hoặc chết bất đắc kỳ tử bởi xe buýt hung thần, taxi hung thần, ô tô hung thần, xe máy hung thần... Hoặc giả nếu bạn không chết vì bị đâm xe thì bạn sẽ chết vì bị dao đâm sau khi nó đâm xe bạn hoặc tài xế sẽ cán đi cán lại bạn cho kỳ chết bởi pháp luật quy định đền mạng người rẻ hơn nuôi thương tật. Nếu rơi vào một trong các trường hợp trên, có “Đan Mạch” không? Biết bao thủ tục hành là chính làm người dân chẳng biết đâu mà lần. Rơi vào trường hợp đó bạn có muốn “Đan Mạch” không? Những chỗ trồng cây mới được vài tháng, bỗng một hôm gió lốc đi qua, lật gốc cây vẫn còn bao bố bọc rễ cây. Nhìn cảnh đó liệu người yêu thiên nhiên có “Đan Mạch” hay không?...”


Còn người viết bài này có lần ra thăm Hà Nội, đi cùng anh bạn là dân thổ địa lái xe ra ngoại thành nhưng vì không rành đường nên hỏi thăm một cậu thanh niên. “Tiền đây!” (Đưa tiền đây) là câu trả lời. Ở Sài Gòn, chưa bao giờ hỏi đường mà gặp cảnh đó nên tôi ngạc nhiên quá đỗi trong khi anh bạn của tôi chẳng tỏ vẻ gì ngạc nhiên. Lần khác ra thăm Hà Nội vào mùa thu. Trời đẹp, mát mẻ, chỉ muốn đi bộ loanh quanh trong phố cổ để ngắm phố phường. Nhỏ nhẹ hỏi đường một bà. Câu trả lời nhận được là: “Sao không đi xích lô? Đồ bủn xỉn”. Ngỡ ngàng. Cả hai lần hỏi đường đều nhận được câu trả lời trực tiếp hoặc gián tiếp dính tới chữ tiền. Những “dáng kiều thơm” và bao nhiêu thứ đẹp đẽ từ trong sách vở Tự Lực văn đoàn mà một thời những người không biết Hà Nội mơ về, bỗng chốc biến đâu hết. Lại nhớ và thương Hà Nội của Nỗi lòng người đi của Anh Bằng, của Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương. Hà Nội đó còn không? Tôi cũng đã nghe người Hà Nội chửi tục vào cái lần đầu tiên gặp Hà Nội đâu khoảng đầu những năm 1980 và rất sốc. Nhưng càng về sau càng bớt thấy sốc. Nhưng cái chữ “tiền” kia mới ghê. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng nhận xét: “Chỉ từ những năm kinh tế khá lên... thì nói tục, chửi bậy cũng nhiều hơn. Nền văn minh lúa nước ở đồng bằng sông Hồng đã tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm cũng bị phá vỡ”.

“Tiền đây!” với một người khách từ nơi khác đến hỏi thăm đường, đó không còn là chuyện thanh lịch hay văn hóa, mà có lẽ nằm ở tầng sâu hơn. Phải chăng là sự tử tế đã bị đánh mất? Chợt nhớ lời cảnh báo của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây đúng 30 năm qua phim Chuyện tử tế, một cảnh báo chẳng những không được lắng nghe lúc ấy mà còn bị cấm đoán suốt hai năm sau khi phim hoàn thành.

Với Hà Nội, sự đứt gãy xã hội, đứt gãy văn hóa do những xáo động lịch sử để lại, thật sâu sắc. Nhưng sự đứt gãy do lịch sử để lại ấy là không thể đảo ngược. Đi tìm cách khắc phục nạn nói tục, chửi thề mà đổ mọi nguyên nhân cho người ngoại tỉnh, người “nhập cư” (sao lại là “nhập cư” trên chính quê hương mình?) là bế tắc, coi như không có giải pháp. Bởi chẳng lẽ để tìm lại sự tử tế phải trục xuất hết người ngoại tỉnh (mà làm sao trục xuất được?), hay gọi người Hà Nội cũ trở lại? Vả chăng, có thủ đô (metropolis) nào trên thế giới không thu hút người từ khắp nơi đến mưu sinh do những cơ hội mà đô thị lớn mang lại? Và những thành phố lớn khác như Sài Gòn, như Đà Nẵng cũng thu hút người tứ phương đến làm ăn, sinh sống nhưng hồn cốt đô thị đã hình thành, dù có thể suy giảm, đâu có biến mất?

Mỗi đô thị có hồn cốt của nó, hay gọi là linh hồn cũng được. Linh hồn của nó, hồn cốt của nó (chẳng hạn sự tử tế hay lối sống phóng khoáng của cư dân) được làm nên bởi đất, nước, bởi sinh cảnh, con người và lịch sử của chính nó. Vậy để đô thị tìm (hay tìm lại) được hồn cốt hay linh hồn của mình, cư dân của nó (bất luận cũ, mới vì cũ, mới gì cũng phải chung sống thôi) cần thực hiện một soul-searching - một tự vấn sâu xa. Đừng dừng lại ở vẻ ngoài, ở cái gọi là văn hóa ứng xử hay sự thanh lịch khi cái nền tảng bên trong đã mất hoặc suy giảm nhiều. Đô thị, và cư dân của nó, phải tìm kiếm linh hồn của mình (soul-searching, dịch từng chữ, cũng có nghĩa là tìm kiếm linh hồn), nếu có mà đánh mất thì phải tìm lại hoặc xây dựng mới, nhưng chắc chắn phải khởi đi từ một tự vấn sâu xa.

Khi người ta biết sống tử tế với người khác, người ta sẽ không hoặc ít chửi tục hơn. Ngược lại, không phải cứ có học, có “văn hóa” là biết sống tử tế, đạo đức. Cái gốc của chửi thề không phải ở chỗ chửi thề. Tấn công vào đó là tấn công vào cái ngọn. Bên cạnh việc xóa bỏ những nguyên nhân gây bức xúc xã hội dẫn đến nạn chửi thề, nói tục thì tìm lại, xây dựng sự tử tế giữa người với người mới là cái gốc để chống lại nạn nói tục, chửi thề.

“Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm...” (Trích lời bình phim Chuyện tử tế).

Theo Đoàn Khắc Xuyên