Friday, 23 October 2015

Trung Cộng đề nghị tập trận chung với ASEAN tại Biển Đông, vị trí của Việt Nam đứng ở đâu?

Trong hội nghị không chính thức giữa bộ trưởng quốc phòng Trung Cộng và người tương nhiệm các quốc gia trong khối ASEAN tại Bắc Kinh vừa qua, TC đã đưa ra đề nghị tập trân chung tại Biển Đông vào năm 2016. Đây là một cách thử phản ứng của các nước trong vùng. Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLCQ đối với vị trí của Việt Nam trước lời đề nghị này, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Giữa lúc cuộc chiến tại Syria chưa có lối thoát, cộng với những bất ổn tại Trung Đông đã tạo ra tình trạng di dân khổng lồ, làm cho thế giới mất ăn mất ngủ, thì chúng ta lại chứng kiến những diễn biến khác trên mặt trận ngoại giao tại vùng Đông Nam Á do Trung Cộng gây ra, dẫn đến những bất ổn, khiến nhiều quốc gia liên hệ phải gia tăng sức mạnh quân sự để tự vệ, dẫn đến một cuộc chạy đua võ trang rất nguy hiểm.

Đầu mối của bất ổn trong vùng Châu Á Thái Bình Dương chính là Trung Cộng, khi quốc gia khổng lồ này ngang ngược đòi chiếm giữ trên 80% diện tích Biển Đông bằng một đường vẽ mơ hồ, chồng lấn trên các vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Việc làm phi pháp này bị thế giới lên án. Nhưng cũng vì phản ứng bất lợi này, TC đã hướng sự chú ý của quần chúng trong nước vào mục tiêu khác; khi nhà cầm quyền độc tài Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách đố nghiêm trọng khi nền kinh tế khựng lại, sau ba thập niên có mức phát triển cao, tình trạng này có thể dẫn đến sụp đổ toàn bộ hệ thống kinh tế của TC, mà hậu quả tất yếu là bất ổn xã hội, kéo theo những bất ổn chính trị, có thể làm thay đổi cục diện của Hoa lục, phá vỡ mộng bá quyền của TC do Tập Cận Bình lãnh đạo.

Từ những sự kiện nêu trên, TC liên tiếp tung ra những ngón đòn hiểm độc để vừa công vừa thủ. Ở thế công, TC tỏ ra quyết đoán và thao túng các quốc gia lân bang; cụ thể là Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á gọi tắt là ASEAN. Trong những năm qua, TC luôn tìm cách phân hóa xé lẻ tổ chức này, như mua chuộc Campuchia, Lào, Thái Lan bênh vực quan điểm của TC về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Còn ở thế thủ, TC tỏ ra mềm mỏng khi phải đối diện với một thế lực to lớn hơn gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu. Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng những quốc gia này đang tạo ra một vòng đai bao vây TC. Vòng đai mỗi lúc mỗi thắt chặt thêm trên mặt ngoại giao, kinh tế, nên TC cũng phải tìm cách phá vỡ vòng vây bằng chính sách ngoại giao uyển chuyển hơn, như thành lập ngân hàng phát triển hạ tầng AIIB, và hòa hoãn với các nước mạnh để dễ bề làm ăn buôn bán.

Trở lại vấn để tranh chấp Biển Đông, mặc dù Hoa Kỳ đang chuyển sức mạnh quân sự từ Tây sang Đông, và đã nhiều lần khẳng định rằng không đứng về bên nào trong việc tranh chấp chủ quyền, nhưng không nhìn nhận sự áp đặt của TC, đồng thời mạnh mẽ phủ nhận các đảo nhân tạo do TC bồi đắp, xem đây là sự vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Để thể hiện lập trường này, Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng sẽ đưa tàu chiến vào bên trong 12 hải lý thuộc các đảo nhân tạo do TC trấn giữ. Lời tuyên bố này được Philippines và Nhật Bản lên tiếng ủng hộ, nhưng Việt Nam thì không đồng tình với hai quốc gia bạn này. Điều này cho thấy VN không muốn hay không dám làm phật lòng TC. Mặc dù cho đến hôm nay Hoa Kỳ chưa làm những gì như đã nói.

Về phía TC, để dành được thế thượng phong tại Biển Đông, họ đã lôi kéo được một số nước trong khối ASEAN chấp nhận quan điểm của mình, trong ấy Cambochia mạnh mẽ cổ võ cho lập trường này, gồm: Thứ nhất việc tranh chấp Biển Đông thuộc các quốc gia liên hệ trong vùng, các nước ngoài khu vực không được xen vào. Thứ hai là tranh chấp chủ quyền biển đảo được thảo luận song phương giữa TC và quốc gia trực tiếp liên hệ. Khối ASEAN đứng ngoài. Và thứ ba là không chấp nhận đàm phán đa phương, và chống lại việc quốc tế hóa vụ tranh chấp Biển Đông.

Trong hội nghị Hương Sơn tại Bắc Kinh, Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân Ủy trung ương TC đã tuyên bố rằng Bắc Kinh không chủ trương tăng cường kiểm soát Biển Đông. Việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa không cản trở tự do, an ninh hàng không, hàng hải của khu vực. TC vẫn kiên quyết theo đuổi đàm phán tay đôi với từng nước, và cương quyết gạt Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông. Nhưng TC luôn nói một đàng, mà làm một nẻo.
Trong hội nghị không chính thức giữa bộ trưởng Quốc Phòng TC là Thường Vạn Toàn và các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Bắc Kinh hôm 15-16 tháng 10 vừa qua. Ông Thường nói rằng TC sẵn sàng tiến hành các cuộc tập trận chung với các quốc gia ASEAN ở Biển Đông vào năm 2016, để tránh các cuộc đối đầu bất ngờ trên biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.......
Đây chắc chắn là một động thái để TC phô trương sức mạnh hải quân của mình trước các nước trong vùng; và cũng để đo lường phản ứng của Hoa Kỳ và những quốc gia thân thiết với Hoa Kỳ tại Á Châu nữa.

Đây cũng là phép thử mà TC đã tính toán rất kỹ khi đưa ra lời tuyên bố này, bởi nó sẽ tạo ra sự chia rẽ giữa các nước trong khối ASEAN, những quốc gia không có tranh chấp chủ quyền với TC thì việc tập trận chung tại Biển Đông là chuyện bình thường, nhưng các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với TC thì phải tính toán hơn thua trước khi có quyết định. Nếu đồng ý tham dự vào cuộc tập trân chung do TC khởi xướng tại Biển Đông, đó là một cách nhìn nhận Biển Đông là ao nhà của TC rồi. Nếu không muốn tham dự, thì có đủ bản lãnh khước từ sự chào mời, khi các quốc gia khác tham dự hay không? Câu hỏi này cần đặt ra cho nhà cầm quyền CSVN.

Chúng tôi cho rằng, ở vào vị trí của Việt Nam, thì cần xác định Biển Đông thuộc chủ quyền nước ta, nên không thể nào cho phép TC cũng như bất cứ quốc gia nào sử dụng nơi ấy để phô trương lực lượng mà không được sự đồng ý của chủ nhà. Nếu cần thiết có các cuộc tập trận chung để bảo đảm an ninh, nâng cao kỹ năng của quân đội, thì chính VN phải chủ động mời TC và các quốc gia khác tham dự. Đó là lập trường chúng ta phải giữ vững.
Cám ơn quí thính giả đã lắng nghe quan điểm của chúng tôi.

Lực Lượng Cứu Quốc