Friday, 23 October 2015

Đời của trang mạng - Huy Lâm

Viết từ Dallas: Đời của trang mạng
Trong khoảng 20 năm qua, có thể nói không có lãnh vực nào phát triển nhanh cho bằng kỹ thuật tin học. Trong đó, nếu chỉ nói tới sự phát triển của các trang mạng thôi, cả về số lượng lẫn nội dung, thì cũng đủ làm cho chúng ta chóng mặt rồi. 
Trước khi đi sâu vào chi tiết, thiết tưởng chúng ta cũng nên giải quyết một vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ, bằng không rất có thể sẽ gây ra nhiều ngộ nhận và dễ hiểu lầm. Trong tiếng Anh, thuật ngữ website mà chúng ta vẫn thường hiểu và dịch sang tiếng Việt là “trang mạng”. Vậy, chữ webpagethì phải dịch là gì? Nói theo ngôn ngữ kỹ thuật, một website được bao gồm hay chứa trong đó nhiều webpages. Mỗi khi lên mạng, nếu chúng ta nhấp chuột vào một cái gì đó trên màn ảnh computer thì ngay lập tức chúng ta sẽ nhận được thông tin hiện lên có liên quan đến thứ chúng ta tìm. Đó được gọi là một webpage. Hiểu theo cách đó thì chúng ta có thể tạm thời giải quyết được thắc mắc của ngôn ngữ kỹ thuật, và được quyền tiếp tục hiểu một cách thông thường như chúng ta vẫn thường hiểu từ trước tới nay: website là một trang mạng; và webpage là một trang thông tin lẻ nằm trong trang mạng đó. 
Kỹ thuật tin học xuất hiện trước đây đã khá lâu, nhưng thật sự phát triển là trong khoảng 20 năm vừa qua. Từ đó đến nay nó tiếp tục phát triển không ngừng và biến đổi dưới nhiều hình thức khác nhau cũng như sản sinh ra nhiều cái mới. Đầu tiên, mục đích của nó là để người ta liên lạc nhau qua email; sau đó, là những trang mạng tìm kiếm thông tin (search engine), rồi báo chí; tiếp đến là các cửa hàng bán lẻ, khách có thể mua từ cây kim cho đến chiếc máy bay, thậm chí còn có cả một chợ trời mạng (eBay) nơi khách có thể trả giá hoặc đấu giá rất om xòm nhộn nhịp; rồi các trang mạng xã hội xuất hiện và sau đó biến hóa thành muôn hình vạn trạng – nơi người ta có thể lên đó trao đổi thông tin hay tâm tình, cũng có nơi tạo cơ hội để trước lạ sau quen, hẹn hò gặp gỡ nhau, trong đó nhiều người đã nên vợ nên chồng (eHarmony, match.com), thậm chí nếu ai đó chán cơm nhà muốn hưởng chút hương vị phở bên ngoài, tìm người tình một đêm hoặc vài đêm cũng có (Ashley Madison). Nhưng hãy coi chừng, hoạ vô đơn chí, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không ai có thể ngờ trước. Như vụ tin tặc tấn công vào trang mạng Ashley Madison mới đây làm nhiều thành viên tá hoả, nhiều gia đình lục đục, vợ chồng đay nghiến nhau, nhưng nhờ vậy chúng ta mới chứng kiến vài chiếc mặt nạ bị rơi xuống. 
Người ta vẫn thường ví đây là một thế giới ảo. Hiểu theo nghĩa đó thì nó không có thật. Nhưng thật ra, đằng sau cái thế giới ảo đó vẫn là những hoạt động có thật với những con người thật. Trong thế giới đó người ta có thể yêu nhau hay ghét nhau, nói với nhau những lời ngọt ngào hay khích bác xỉ vả nhau, đùm bọc tương trợ nhau hay lường gạt ăn cắp của nhau. Nói chung, đó là một cõi ta bà không khác gì cái thế giới thực sự chúng ta đang sống. Chiến tranh cũng xảy ra nơi đó dưới nhiều hình thức, trong đó những cuộc tấn công tin tặc có lẽ là dữ dội nhất, xảy ra từng giờ từng phút một.
Để hiểu được sự phát triển tột bực của mạng lưới tin học, chúng ta chỉ cần nhìn vào những con số thôi thì cũng đã ngộp thở. Ví dụ, năm 1994, có ít hơn 3.000 trang mạng hoạt động. Đến năm 2014 vừa qua, con số đó đã vượt mức 1 tỉ. Xin nhắc lại là 1 tỉ trang mạng có đăng ký tên miền hẳn hoi. Có nghĩa là trong 20 năm, số trang mạng đã tăng 33 triệu phần trăm. Một con số không thể tưởng tượng nổi. 
Nếu tính gọn dân số trên thế giới hiện có 7 tỉ người, thì cứ trung bình bảy người là có một trang mạng. Vậy thì nó đâu có thua gì hiện tượng mà các nhà dân số học vẫn thường gọi là nạn nhân mãn. 
Nhưng đó chỉ là con số , một con số không hoàn hảo và không thật sự rực rỡ như người ta tưởng. Dựa vào kết quả của một số cuộc nghiên cứu, người ta phỏng đoán có khoảng ba phần tư những trang mạng đó mặc dù còn tồn tại nhưng gần như không hoạt động gì cả. Sự phù du của nó cũng có nghĩa là con số những trang mạng cũng tăng giảm rất thất thường. 
Còn một điều này nữa là phần lớn những trang mạng trên tuy còn tồn tại nhưng lại vắng như chùa Bà Đanh, họa hoằn lắm mới có khách vào thăm. Theo một cuộc thăm dò của cơ quan Nielson năm 2013, một người bình thường thì không siêng năng vào mạng internet tung hoành tự do như nhiều người nghĩ, mỗi tháng họ chỉ ghé thăm khoảng 96 trang mạng – tức trung bình khoảng ba trang mạng một ngày, một con số khá khiêm tốn. 
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào số lượng các trang mạng thôi thì ta cũng chỉ có khái niệm tương đối về sự gia tăng của những trang mạng, nhưng nó thật sự không cho chúng ta thấy rõ những thay đổi trong cách người ta sử dụng internet trong 20 năm qua. Vì vậy, hãy xem thử hoạt động của những trang mạng cung cấp dịch vụ truy tìm thông tin (search), trong đó phải kể đến Google, trang mạng cung cấp dịch vụ truy tìm thông tin lớn nhất hiện nay, và chỉ cần nhìn vào sự phát triển của Google chúng ta cũng có thể đoán được phần nào sinh hoạt của người sử dụng internet. 
Google được thành lập năm 1998. Theo tác giả John Battelle, tháng 8 năm 1999, mỗi ngày Google nhận được 3 triệu lượt truy tìm. Một năm sau đó, số lượt truy tìm nhảy lên thành 18 triệu một ngày. Đến năm 2012, năm gần đây nhất mà dữ liệu có được, Google phục vụ hơn 3,5 tỉ lượt truy tìm mỗi ngày – tương đương khoảng 40.000 lượt truy tìm mỗi giây. 
Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với những trang mạng cũng có dịch vụ truy tìm thông tin như Yahoo!, AltaVista, Lycos và Bing, Google có lối tiếp cận khác trong việc truy tìm – dễ dàng và chính xác hơn. Từ khi xuất hiện, Google đã có những ảnh hưởng rất lớn đối với đủ mọi lãnh vực từ kỹ thuật, quảng cáo, tài chánh, truyền thông, văn hóa, đến kết bạn, tìm việc làm v.v…, nghĩa là ở bất cứ lãnh vực nào có liên quan đến đời sống của con người thì Google đều có dính dáng tới. Mỗi ngày, với hàng tỉ lượt truy tìm thông tin qua Google hé mở phần nào những nhu cầu, ước mong, nỗi sợ hãi, niềm đam mê trong đời sống của nhân loại hôm nay.Từng mỗi chữ người ta đánh máy trong lúc truy cập vào trang mạng sẽ được lưu giữ lại vĩnh viễn và sau này khi cần tìm lại thì chỉ mất một phần của một giây là có ngay. Vì vậy, có thể nói đây là một kho hồ sơ dữ liệu khổng lồ mà trước đây cho dù ai đó có óc tưởng tượng phong phú cách mấy cũng không thể nào nghĩ tới. 
Hiện nay, mỗi ngày có hàng vài chục ngàn trang mạng được thành lập. Nhưng phần lớn những trang mạng này đến rồi đi, xuất hiện rồi biến mất. Dựa theo nhận định của một số chuyên gia về internet, tuổi thọ trung bình của trang mạng là từ 4 đến 12 năm. Nhưng tuổi thọ của những trang thông tin lẻ (webpage) thì phù du hơn nhiều. Một trang thông tin lẻ hiện có tuổi thọ khoảng đâu đó 100 ngày, nghĩa là những trang lẻ này sẽ biến mất chỉ sau độ ba tháng.Tuy nhiên, thời gian như thế là khá dài so với trước đây: năm 1997 là 42 ngày, năm 2001 là 75 ngày. 
Vậy thì, tuổi thọ của các trang mạng dài hay ngắn chắc là phải tùy thuộc vào một số những yếu tố nào đó. Một trang mạng sống lâu có thể là vì nó bao gồm trong đó cả hình thức lẫn nội dung hấp dẫn người sử dụng, hoặc mang lại những ích lợi thiết thực nào đó hợp với nhu cầu của nhiều người. 
Hay thử nhìn tuổi thọ ở một góc độ khác. Nếu chúng ta tưởng tượng một trang mạng cũng giống như một sinh vật sống trong một hệ sinh thái luôn thay đổi. Để tồn tại, mỗi sinh vật phải luôn trong tình trạng thay đổi để thích nghi với những thay đổi xảy ra quanh nó. Điều đó đã chứng minh cho ta thấy nhiều lần từ những sinh vật nhỏ li ti cho tới những con vật to lớn từng sống trên mặt đất: những vi khuẩn chống chọi với thuốc kháng sinh lâu ngày thì dần dà chúng sẽ quen thuốc và biết cách chống trả lại; giống voi sống ở Phi châu có những đặc điểm khác với giống voi sống ở Á châu, và biết tự biến hóa những đặc điểm khác đó để thích hợp với môi trường sống nơi chúng hiện hữu. 
Mạng internet cũng là một thứ hệ sinh thái luôn thay đổi. Mỗi ngày có cả hàng chục ngàn trang mạng mới được thành lập, mở rộng thêm kích thước của hệ sinh thái đó, và những khuynh hướng mới, những sáng kiến mới được triển khai, làm các trang mạng khác phản ứng lại bằng cách tự thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Ví dụ, trang mạng Google vẫn thường tự thay đổi cách thức kỹ thuật tìm kiếm thông tin mỗi năm cả chục lần, và tất nhiên làm ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm. Nhưng đổi lại, những trang mạng xài ké vào Google bắt buộc phải điều chỉnh theo những thay đổi của Google. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ tiếp diễn hoài, và người ta gọi đó là “sự tiến hóa của internet.”
Một trang mạng không chịu thay đổi mà cứ dậm chân tại chỗ sẽ thành một trang mạng chết. Người sử dụng có thể truy cập một hai lần đầu nhưng đến lần thứ ba vẫn không có gì thay đổi thì người ta sẽ thấy nhàm chán và không trở lại nữa. Thế nên, tất cả các trang mạng, cho dù là thuộc loại nào, luôn phải thay đổi để tự làm mới mình, nội dung lúc nào cũng được cập nhật, tạo cho người truy cập cảm giác luôn mới mẻ thì lần tới người ta mới hăm hở trở lại. 
Đấy, đời sống của trang mạng cũng không khác gì đời sống của con người, cũng phải luôn cập nhật theo đà tiến hóa ở xung quanh và cạnh tranh nhau để tồn tại. Nếu có khác thì sự khác biệt đó là sự cạnh tranh để tồn tại của các trang mạng khốc liệt hơn nhiều. Một người nếu không có tinh thần cầu tiến thì vẫn có thể có một cuộc sống tà tà không bị ai cướp mất đi. Một trang mạng mà không chịu tiến hóa thì sớm muộn gì cũng chết. 
Huy Lâm