Friday 23 October 2015

That’s nonsense - Nguyễn Thơ Sinh

That’s nonsense 
Mỗi khi người Mỹ không hiểu chuyện gì đang xảy ra hoặc khi họ thực sự bất ngờ với những chuyện không thể tin được, không thể tưởng tượng được, họ thường thở mạnh ra: That’s nonsense! 
Có lẽ nền văn hóa dân chủ của Mỹ rất đặc trưng (vô tình) khiến nhiều người cảm thấy ở đây có quá nhiều câu chuyện nonsense. Chẳng hạn như đi máy bay khứ hồi thì rẻ hơn đi One-way. Hoặc nhiều người chẳng chịu đi làm mà vẫn được ăn đủ mọi thứ tiền (đặt giả thiết họ biết cách xin và biết chỗ xin). Hay chuyện người dân có quyền bày tỏ ý nguyện của mình, miễn là không gây phương hại và tổn thương đến người khác. Tức họ không được vu khống hay bôi nhọ. Nhưng họ có thể bày tỏ suy nghĩ của mình theo kiểu: Tôi thích con chó của tôi hơn thích mấy ông trong Quốc hội, làm gì cũng lèng èng, lè nhè. Hay như chuyện Mỹ là cường quốc số một thế giới. Vậy mà cứ hai năm một lần lại thấy nói rục rịch sẽ shutdown vì hết tiền. Hay chuyện đồ xài còn tốt nguyên mà vẫn vứt ra đường. Nhiều cái nonsense lắm. Hầm bà lằng. Đủ thứ hết trơn. Nên nhiều người lắc đầu: Thiệt tình là cái xứ Mỹ. 
Một trong số những chuyện khiến người ta cảm thấy nonsense – Nonsense thực sự chứ không phải nonsense kiểu cãi-chày-cãi-cối. Một thứ nonsense khiến người ta buồn. Cái nonsense của những mạng người tự dưng lâu lâu bị bắn chết oan (trong khi) cuộc sống của họ lẽ ra vẫn diễn ra tốt đẹp. Cái nonsense của những người trẻ cầm súng đến những nơi đông người rồi nã đạn. Đề tài này (thật đáng buồn) không còn lạ lùng gì ở xứ Mỹ nữa. Mỗi lần một vụ bắn người hàng loạt xảy ra cứ thấy khó tin. Khó tin đến nỗi chữ nonsense sử dụng trong trường hợp này không biết có đúng không? 
Ở Mỹ, cái nôi của những giá trị nhân bản nhiều nơi khác trên thế giới thèm muốn có được: Dân chủ và Tự do. Nhưng cũng chính bởi cái dân chủ và tự do ấy những cái nonsense đã có dịp xảy ra. Thật là khó hiểu. Càng cố gắng tìm hiểu càng thấy bế tắc.
Mới đây lại xảy ra một vụ bắn người. Trường Đại học cộng đồng hẳn hoi. Chín mạng chết tại chỗ. Hung thủ cũng thiệt mạng. Nhiều người bị thương được xe cứu thương hụ còi chở thẳng đến bệnh viện. Lẽ ra những cái nonsense này đã không nên xảy ra. Nạn nhân có làm gì nên tình nên tội. Tương lai của họ. Gia đình và người thân. Họ còn trẻ và chưa sống được bao lâu. Thâm thù oán hận gì đâu. Bắn người mình không quen biết. Bắn khơi khơi như vậy đó! 
Người bắn (nếu gọi là hung thủ không biết có oan ức cho chàng trai ấy hay không) một buổi sáng bước vào lớp viết luận văn (Writing class) tại một trường đại học cộng đồng ngoại ô một thành phố của tiểu bang Oregon rồi nã đạn. Trước khi bắn, theo lời một nạn nhân tường thuật lại, người thanh niên 26 tuổi ấy đã hỏi các nạn nhân họ theo tôn giáo gì. Động cơ của việc bắn người hiện nay vẫn chưa được xác định rõ (và hiện đang là một bí ẩn), song cái chết của các nạn nhân là rất thực. 
Khi phòng học kế bên nghe tiếng súng nổ. Giảng viên bảo sinh viên hãy chạy đi. Các lớp học túa ra. Người ta nhốn nháo bổ chạy về phía trung tâm của trường. Những đôi mắt ngơ ngác. Chuyện bắn người tại nơi công cộng với họ không lạ lẫm gì. Nhưng xảy ra ở đây ư? Xảy ra vào ngày hôm nay ư? Chuyện đó sao mà khó tin. Còn (cái) lớp viết luận văn kia mới xui xẻo làm sao. Nhưng nếu lớp học đó không bị bắn (thì) một lớp học khác, như lớp toán, lớp tâm lý học, hay một lớp lịch sử nào đó chẳng hạn, sẽ bị bắn. That’s nonsense. Absolutely nonsense! Chuyện nghe không lạ nhưng khó chấp nhận. Cái nonsense kiểu này nó khiến người ta cảm thấy buồn. 
Trường UCC (Umpqua Community College) thuộc một town nhỏ tên Roseburg, từng là nơi khai thác gỗ, cách Portland về phía nam khoảng 180 dặm. Vụ bắn này là vụ lớn nhất trong lịch sử tiểu bang Oregon. Sau vụ nổ súng giết người này, trường UCC với khoảng 3.000 sinh viên sẽ không còn bình thường như trước nữa. DefinitelyNothing can bring it back to the day before the shooting! 
Coi TV, nhiều người bàng hoàng. Chuyện gì thực sự đang xảy ra với đất Mỹ đây? Niềm tự hào vì mình được sống tại một xứ sở văn minh. Nơi cơ hội sống bình yên được coi là tuyệt hảo; chẳng lẽ cuối cùng lại như thế này? Sau các vụ bắn người tại trường đại học, tại rạp hát, tại các chợ, các trường tiểu học, tại doanh trại quân đội, tại tư gia (khi sát thủ đến từng nhà một)… Rồi đây chuyện bắn người tương tự như thế sẽ xảy ra ở đâu nữa? 
Có khi nào trong các hãng xưởng sẽ có người nổi điên. Rất có thể lắm. Nhân viên trong cơn bực dọc vì nhiều lý do khác nhau. Sếp và cai làm khó làm dễ. Giọt nước cuối cùng sẽ tràn ly. Một phút nghĩ không sáng suốt. Súng có sẵn. Đạn có sẵn. Thế là một buổi sáng mùa thu, một buổi chiều cuối đông, hay một ngày cuối tuần của mùa lễ Tạ Ơn… Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. 
That’s nonsense. That’s unacceptable. That’s scary. That’s just unthinkable. 
Joe Olson – Cựu chủ tịch của trường UCC sau khi nghe tin về vụ nổ súng đã phát biểu: Tôi tin rằng sau vụ này các trường Đại học cộng đồng sẽ phải làm một cái gì để đối phó với các vụ tương tự. Cơ khổ. Trường ĐH cộng đồng có giống như phi trường đâu mà nói có thể set up những checkpoint. Ngay cả phi trường cũng chẳng an toàn gì. Hung thủ cũng có thể bắn người nếu như họ muốn thế. Hãy tưởng tượng. Một sáng nào đó bà con mình (khá đông) xếp hàng trước quầy của Hãng hàng không Korean Airline tại Phi trường DFW của Dallas. Tiếng súng nổ rền. Người ta bắt đầu nhốn nháo. Máu. Máu lênh láng khắp nơi. Chuyện gì đã xảy ra. Lại tiếng nổ súng nữa. Lại thấy máu. Khi hiểu chuyện. Một hung thủ vừa mới bắn xả vào các hàng khách đang xếp hàng chờ làm thủ tục check-intại quầy vé. Ah. That’s nonsense. Why? Câu trả lời dù được truy tận gốc vẫn cứ thấy khó tin. 
Chris Harper Mercer – Tên của chàng trai 26 tuổi. Cái tên thật hiền lành. Một khuôn mặt hiền lành. Cuộc sống của thành phố Roseburg thật hiền hòa. Trường UCC rất hiền hòa. Những sinh viên cần cù chăm chỉ. Cuộc sống bình yên. Tương lai tốt đẹp đang chờ đợi trước mặt họ. Bỗng nhiên… Súng và Đạn. Siết cò và máu me bê bết. That’s nonsense. Cuộc sống này đã có quá nhiều những phiền toái.We don’t need any more trouble! Chàng trai Chris Harper Mercer ấy cuối cùng đã tự sát chứ không để cảnh sát bắn gục khi cảnh sát xuất hiện. Cái chết của tay súng ấy đã mang theo câu chuyện riêng của anh xuống mồ: Tại sao anh lại bắn người? Tại sao trước khi bắn lại hỏi họ theo tôn giáo nào? 
Tìm thấy tại hiện trường là 3 khẩu súng ngắn (trong đó có một khẩu 9mm Glock pistol), một khẩu súng trường và 5 băng đạn. Cơ quan BATFE (Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives) cho Thông tấn xã AP biết vũ khí tại hiện trường gồm có: 9mm Glock pistol và .40-caliber Smith & Wesson (nằm trong hồ sơ đăng ký do hung thủ đứng tên). Các vũ khí khác được đăng ký dưới tên người khác. Kiểm tra căn hộ của hung thủ cảnh sát điều tra tìm thấy nhiều loại vũ khí khác nữa. 
Chris không có tiền án tiền sự. Một hóa đơn cho thấy trước vụ nổ súng hai hôm anh đã mua một cuốn sách giáo khoa tại bookstore của trường. Chris sống tại một căn hộ chúng cư gần Winchester. Hàng xóm của Chris là Bronte Harte cho biết Chris không thân thiện lắm. Anh thường ngồi hàng giờ ngoài ban công khi trời tối om. Một phụ nữ sống ở tầng trên, theo Bronte Harte (thì) đó là mẹ của Chris. Bà đã khóc nức nở khi nghe tin động trời liên quan đến cậu con trai thân yêu. 
Cuộc sống của Chris khép kín. Tại trang MySpace anh chỉ có hai người bạn. Tại một trang website dành cho người hẹn hò (dating site) anh có đăng ký một hồ sơ tìm bạn tâm tình. Ngoài ra anh cũng có ghé vào một vài trang mạng bạo lực (a torrents streaming account), và một trang blog. Thế thôi. 
Đó là những gì chúng ta biết được về kẻ sát nhân. 
Trường UCC sẽ khác trước. Lịch sử Roseburg sẽ thay đổi. Oregon sẽ không còn như xưa nữa. Báo chí và các trang mạng xã hội, cùng với các đài truyền hình, truyền thanh có dịp loan tải những cái tít lớn về vụ này. Tại Washington D.C., giới vận động hành lang lại tiếp tục những nỗ lực siết chặt kiểm soát súng ống. Đảng Dân chủ sẽ có dịp để lên tiếng đòi hỏi súng đạn phải được kiểm soát. Chắc chắn các nỗ lực này không trả lại mạng sống cho các nạn nhân. Còn các hãng sản xuất súng thì khó chịu. Họ đâu muốn những chuyện như thế này xảy ra. Ít nhiều gì họ cũng có những liên hệ gián tiếp. Riêng Đảng Cộng hòa thì lo tìm cách thuyết phục dân chúng Mỹ chuyện này chỉ là… chuyện nhỏ. 
Trong khi đó trước mắt… vẫn là những cái nonsense và người ta không biết giải thích như thế nào cho ổn thỏa (vì không thể hình dung được). Chín mạng người nữa đã nằm xuống. Phải chăng chính Hollywood cũng có phần trách nhiệm? Những cuốn phim bạo lực. Những tác phẩm điện ảnh dựa trên những câu chuyện có thật (based on true story). Những vụ án rùng rợn được chuyển thành phim màn ảnh rộng… Hay lỗi do gia đình? Do hoàn cảnh riêng của Chris Harper Mercer? Do xã hội? Hay do các hãng sản xuất súng? Hay do văn hóa Mỹ cho phép những cái nonsense có thể xảy ra. Để rồi chúng ta nghe chuyện chỉ biết nhìn nhau rồi ngán ngẩm lắc đầu: Không nonsense như vậy đã không phải là Mỹ nữa. 
Nguyễn Thơ Sinh