Trong vòng chưa đầy ba năm, có gần 4,500 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắn phá, đâm chìm và bắt bớ trên biển Đông. Cũng trong vòng chưa đầy ba năm, có hơn 2000 ngư dân bị bắt bớ, đánh đập và bắn giết. Đây là một con số quá khủng khiếp cho một làng nghề! Và cái chết, sự mất mát của những người chịu nắng, chịu gió, chịu mọi khổ đau của chính trị nhược tiểu để bám biển, để thực thi chủ quyền lãnh hải chỉ có Mẹ Biển chứng kiến, ôm lấy thân thể họ cùng tiếng ai điếu của trùng khơi. Họ là những người con của biển cả, của danh dự trong âm thầm và anh hùng trong bóng tối. Họ là đứa con của biển Việt Nam.
Điều này khác xa với những anh hùng của chế độ, đương nhiên, cái chết và sự mất mát của những phi công đã tập dượt, tìm kiếm cứu nạn và cuối cùng mất tích trên biển Đông là một sự mất mát lớn của chế độ, cũng là sự mất mát của dân tộc. Bởi suy cho cùng, dân tộc, nhân dân đã cưu mang, che chở và nuôi sống chế độ. Từ chiếc áo cho đến chén cơm, chiếc máy bay, xăng để bay và mọi thứ trang bị cho người phi công đều do nhân dân mà có. Những phi công đã mất tích và tử nạn trên biển Đông cũng là những đứa con của nhân dân, con của biển cả!
Nhưng, sự khác nhau rất rõ rệt giữa những ngư dân và các phi công nằm ở chỗ, ngư dân vừa đóng vai trò nhân dân để nuôi chế độ, vừa đóng vai trò người lính giữ vững tiền tiêu và bảo vệ chủ quyền lãnh hải lại vừa đóng vai trò đứa con của biển khơi khi cái chết ghé đến, sự im lặng, không tên tuổi mang cái chết của họ đi như bọt sóng trong một ngày gió lớn. Cái chết đầy bi hùng của người vạn chài chìm trong im lặng và hình như quốc gia đã không hay biết để đưa tang cho họ.
Ngược lại, cái chết của những đứa con chế độ thì khác, cái chết của họ vô hình trung làm khuấy động bầu không khí vốn đóng băng suốt nhiều năm nay trong lòng chế độ. Sự đóng băng của tính tham lam, ích kỉ và vô cảm. Sự đóng băng của những đố kị, kèn cựa địa vị, thủ đoạn hất nhau tranh quyền lực đã được hâm nóng bởi một vở kịch mà ở đó, cả báo chí nhà nước lẫn giới quan chức cấp cao trong quân đội, không ai nói ai, tất cả tự biến mình thành một kịch sĩ của nước mắt và bi ai.
Cái chết của những đứa con chế độ được bi kịch hóa đến đỉnh điểm, ở đó, người ta khóc mếu máo… Từ tướng lĩnh cho đến trí thức nhà nước, quan chức và những người lính… Tất cả họ chìm trong một trận bi ai của một kịch bản soạn sẵn, những ai chứng kiến đều phải rơi nước mắt. Có thể nước mắt của nhiều binh sĩ, sĩ quan quân đội Cộng sản là nước mắt thật chảy ra từ đáy lòng. Bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu nỗi đau của đồng nghiệp, đồng chí và họ cũng thấu hiểu nỗi khốn khó của một người lính phải sống, học tập và chiến đấu trong một thứ cơ chế mà ở đó hiện hữu tất cả sự gian trá và đau khổ dành cho họ. Thậm chí, có thể họ hiểu cả nguyên nhân của cái chết, một nguyên nhân không phải bởi sự sơ xuất của người lính hay viên đạn, hòn tên của kẻ thù mà chính ở sự mất nhuệ khí, sự bạc nhược của chế độ mà họ đang phục vụ.
Và, có một vấn đề then chốt để thấy rằng cái chết của những người con biển cả khác xa cái chết của những người con chế độ. Bởi cái chết của những người con biển cả âm thầm và lặng lẽ, thậm chí thiếu cả những tiếng kèn trống ai điếu. Nhưng bên trong cái chết không tên tuổi ấy là sức mạnh của của một dân tộc là niềm tin vào lẽ phải và sự quyết liệt của con dân Việt Nam trong ý chí bảo vệ biển đảo, bảo vệ lãnh hải.
Những cái chết không tên tuổi, không tiếng vang của các ngư dân đã để lại trong lòng biển Đông những con sóng, những làn sóng yêu nước và quyết tâm giữ lấy biển đảo quê hương. Không ai nói ai, tự trong lòng mỗi người nhận ra sự tàn khốc của kẻ thù và chuẩn bị cho mình một tư thế để chiến đấu với quân xâm lược. Những cái chết tưởng chừng nhỏ nhoi ấy lại thắp lên ngọn lửa yêu nước và niềm hy vọng chống quân bành trướng, xua kẻ thù ra khỏi lãnh địa, lãnh hải quốc gia mạnh hơn bao giờ hết.
Ngược lại, những cái chết của đứa con chế độ, tuy kèn trống rình rang, lời bi ai tràn ngập trên các mặt báo và có vẻ người ta còn có khuynh hướng biến những cái chết ấy thành một bản anh hùng ca của thời đại. Nhưng rất tiếc, những cái chết ấy lại gieo một nỗi tuyệt vọng cho dân tộc, cho nhân dân hơn bao giờ hết.
Bởi khác xa với những ngư dân bám biển tay không tất sắt, không viên đạn phải đối đầu với sóng gió, tàu sắt và súng đạn của Trung Quốc, những người con chế độ được trang bị đầy đủ, từ chiến đấu cơ hiện đại cho đến cơ số đạn dược và các loại công cụ hỗ trợ tối tân nhất. Bên cạnh đó, họ là những con người mà mỗi kĩ năng họ có được có thể đánh đổi bằng tài sản của một gia đình ngư dân. Họ là những người mà nhân dân tin rằng một khi họ xuất kích thì câu chuyện an ninh và chủ quyền quốc gia được đảm bảo bất khả xâm phạm.
Thế nhưng (xin lỗi anh Khải và các sĩ quan, binh sĩ trên CASA 212!), cái chết quá ư đơn giản và có chút gì đó chưa sạch nước cản trên đường bay của các anh đã làm sụp đổ hoàn toàn niềm hi vọng của nhân dân vào chủ quyền quốc gia. Cái chết của các anh chỉ cho thấy sự yếu ớt và mất khả năng đề kháng của quân đội Việt Nam.
Báo chí trong nước từng ca ngợi đội bay của không quân Việt Nam là biệt đội ưu tú nhất, sẵn sàng chiến đấu với mọi kẻ thù và là biệt đội thần thánh. Thế nhưng cái gọi là biệt đội thần thánh của các anh lại là mới bay tập dượt đã lâm nạn và những người đi tìm kiếm cứu nạn bằng phương tiện hiện đại như CASA 212 mà người lái là một con chim đầu đàn trong đội bay, có kinh nghiệm lão luyện , trong điều kiện thời tiết bình thường cũng không thoát khỏi tử thần, cùng tám đồng đội oan uổng.
Thử nghĩ, suốt nhiều năm nay, dù muốn hay không thì nhân dân vẫn kì vọng vào quân đội, bởi chức năng lớn nhất của quân đội là bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Nhân dân đã góp từng đồng thuế để nuôi quân, góp từng đứa con để tạo nên quân đội. Thay vào đó, quân đội lại cho nhân dân nỗi tuyệt vọng khôn tả! Và lẽ ra, trong tình thế hiện tại, cái chết của những phi công tử nạn trên đường tập dượt cũng như tìm kiếm cứu nạn phải được biến thành lời thề máu của quân đội, thành quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ những gì còn lại và lấy lại những gì đã mất của quốc gia, dân tộc. Thì đằng này, cái chết của các anh được biến thành vở kịch mếu máo, khóc sướt mướt và đánh động bi tâm, đánh động lòng thương xót của nhân dân.
Đúng, nhân dân sẽ thương xót những người đã ngã xuống. Nhưng chắc chắn một điều, nhân dân thương xót các anh một thì nhân dân thương xót cho vận mệnh đất nước đến mười. Nhân dân sẽ thương xót cho những người thân các anh bị mất con, mất chồng, mất cha. Nhưng nhân dân còn thương xót gấp triệu lần nữa vì dân tộc đã mất đi nhuệ khí, nhân dân đã mất đi chỗ dựa là sức mạnh quân đội và niềm tin chiến thắng quân ngoại xâm hoàn toàn mất đi.
Trong lúc này, ông Nguyễn Chí Vịnh, một chỉ huy cấp cao của quân đội Cộng sản Việt Nam đã im lặng, từ chối sự giúp đỡ của Mỹ để tìm kiếm cứu nạn những nạn nhân trên chiếc CASA 212, trong khi đó ông ta lại tiếp tục khẳng định mối quan hệ răng môi với Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc mang bốn tàu hải quân, hai tàu tuần cảnh và hai tàu cứu hộ, cứu nạn cùng hai máy bay tiến thẳng vào biển Việt Nam.
Và đáng sợ nhất là ông Vịnh đã bắn tiếng xin Trung Quốc hỗ trợ, cho phép tàu thuyền Việt Nam tìm kiếm, cứu hộ người Việt Nam ngay trên biển Việt Nam! Vô hình trung, cái chết của những người con chế độ làm lộ rõ gương mặt thật đớn hèn và bạc nhược của cả quân đội và chế độ Cộng sản.
Và đám tang của Đại tá Khải cũng song hành với đám tang của dân tộc Việt Nam đưa tiễn những tháng ngày bi hùng về nơi chín suối. Những gì còn sót lại chỉ là sự đớn hèn!
Biết đâu, trong buổi hội ngộ nơi suối vàng, linh hồn anh Khải lại gặp linh hồn của những ngư dân bám biển, và họ sẽ cùng ngồi với nhau để nhìn lại nước non ngàn dặm héo mòn!