Tình cờ tôi nghe giai điệu trẻ trung trong bài hát “Xích lô” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Xích lô ai không hay ước mơ / cứ vui đùa nhé cứ mơ lặng lẽ cứ lom khom đi về… La la lá la…” Lời bài hát làm tôi nhớ đến một bài báo của ký giả Charles Sidilaire đăng trên tạp chí Đông Dương số tháng 4/1952 về nghề phu xích lô từ xa xưa. Tác giả ghi nhận rằng, dường như người phu xích lô không có một ước mơ lớn trong cuộc đời, chỉ mong kiếm sống hằng ngày với đôi chân gồng cơ bắp trên đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn.
Ðó là thời chiến tranh Ðông Dương, sau khi Nhật rút quân về nước và quân đội Anh nhảy vào giúp người Pháp trở lại Việt Nam, cho đến năm 1952 thì dân số Sài Gòn-Chợ Lớn tăng vọt do tác động cuộc di dân từ nông thôn lên thành thị, lên đến một triệu bảy trăm ngàn người. Chính giai đoạn này là thời kỳ vàng son của nghề phu xe xích lô đạp. Và tiếp đến xích lô máy cũng bắt đầu xuất hiện khi dân số đô thành tiếp tục trên đà gia tăng trong cuộc di cư sau năm 1954 của hàng trăm ngàn người từ Bắc vào Nam.
Nhưng hãy từ từ chuyện xích lô máy để tôi tiếp tục chuyện xích lô đạp theo dòng sự kiện, mặc dầu xích lô gắn máy xuất hiện chỉ sau khi xích lô đạp chạy đầy Sài Gòn-Chợ Lớn chừng mười năm, tức là đầu thập niên bốn mươi. Thời gian trước đó, người Hà Thành và Sài Thành vẫn sử dụng xe kéo tay, khiến hai nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cuốn “Ngựa người người ngựa” và Tam Lang Vũ Ðình Chí viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” để nói lên sự cùng cực của dân đen kiếm sống dưới thời thuộc địa.
Xích lô đạp thay thế xe kéo, thịnh hành và phát triển mạnh nhất ở Sài Gòn. Ðầu thập niên năm mươi, đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn có chừng 6,500 chiếc xích lô. Thời đó, phu xích lô phải có giấy phép lái xe do Sở cảnh sát cấp mới được phép hoạt động. Nhưng thực tế không phải ai cũng đi xin giấy phép trong khi số phu xe xích lô lên đến gần mười hai ngàn người. Một số người phải thuê xe xích lô đạp kiếm sống vì nghề này cực nhọc nhưng mỗi ngày trừ chi phí thuê xe chừng 20 đồng Ðông Dương ra thì có thể kiếm 30 – 40 đồng để nuôi sống được gia đình. Do đó, ở Sài Gòn-Chợ Lớn xuất hiện nhiều nhà giàu đầu tư cho phu thuê xe hai ca sáng chiều. Tuy vậy, theo ký giả Charles Sidilaire thì hầu hết giới phu xe vẫn nghèo và là giai cấp thấp trong xã hội. Không ít phu xe kiếm được đồng nào thì đem đi cờ bạc tại Ðại Thế Giới và sòng bạc Kim Chung để tìm vận may đổi đời.
Nhà cho thuê xe phải là người khá giả, giàu có. Có nhà đầu tư vài chiếc, hay quy mô hơn vài chục chiếc, vài trăm chiếc, kiếm vài trăm đến vài ngàn đồng bạc Ðông Dương bỏ túi mỗi ngày là chuyện dễ dàng. Vào thời Bảy Viễn làm thủ lĩnh Bình Xuyên kiêm Tổng trấn Sài Gòn-Chợ Lớn, ngoài việc thầu sòng bạc Ðại Thế Giới, ông còn làm chủ chừng 30 chiếc xích lô cho thuê. Ðến năm 1955, ông bị Thủ tướng Ngô Ðình Diệm dẹp tan vì chống đối chính phủ và sau đó lưu vong sang Pháp.
Việc ký giả Charles Sidilaire nhắc đến ông trùm sòng bạc Bảy Viễn, là một nhà đầu tư cho thuê xe xích lô với số đầu xe ít ỏi cũng chỉ để thấy làm nghề cho thuê xe là công việc tay trái kiếm tiền một cách dễ dàng của người Sài Gòn giàu có. Mặt khác đó là cách viết đẩy đưa dẫn dắt trước đó gần mười năm, một nhà đầu tư công nghiệp người Pháp tên Pierre Coupeaus, người đầu tiên thành lập hãng Pedi-Cab ở Phnom-Penh vào cuối thập niên 30 và khoảng cuối thập niên 40, ông thành lập hãng Pedi-Cab ở số 6 đường Marne Wharf (Bến Vân Ðồn ngày nay). Chính tại đây, làm ra những chiếc xe xích lô đạp với phụ tùng sên líp nhập từ Pháp quốc; và đầu thập niên 50, nơi đây cũng là đầu mối nhập cảng cả ngàn chiếc xích lô máy cùng với xe taxi Renault chạy khắp Sài Gòn-Chợ Lớn. Theo bài báo, thời điểm 1952, Sài Gòn có đến 1,800 chiếc xích lô máy. Một cạnh tranh thương trường trong ngành giao thông bùng phát vì chiếc xe không còn dùng sức cơ bắp đôi chân, lại chạy nhanh, giá cả bình dân so với xe taxi chỉ dành cho giới thượng lưu đương thời.
Nói về chuyện cạnh tranh giữa xích lô đạp và xích lô máy, thằng bạn thân của tôi rất rành. Ba của hắn chạy xích lô máy vào thuở chúng tôi còn chưa ra đời. Vào những năm cuối thập niên 50, giá một chiếc xe xích lô máy khoảng tám cây vàng. Một số tiền không nhỏ nhưng một cuốc xe xích lô máy từ Sài Gòn vô Chợ Lớn chỉ mắc gấp đôi xích lô đạp. Vừa nhanh, chở nhiều khách, có khi cả gia đình bốn năm người chất lên xích lô máy đi Lăng Ông Bà Chiểu thì còn gì tiện lợi hơn. Vì thế, khách đi xích lô máy rất nhiều, có khi khách kêu không kịp ăn uống.
Bạn kể, nghe đâu xích lô máy của Ba bạn là loại xe được chế tác lại từ kiểu xe nguyên thủy mới nhất của xe Triporteur Peugeot hai thì chạy bằng xăng pha nhớt, sản xuất tại Pháp. Loại xe này nguyên là xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng nông thôn đến các chợ hoặc siêu thị bên Pháp. Hình dáng của nó gần giống xe ba gác máy chở hàng. Dàn phía sau là của xe Triporteur, còn dàn phía trước rập khuôn xích lô đạp nên gọi là xích lô máy. Công việc chạy xích lô máy khấm khá, cho đến khi ông gom góp đủ tiền mua chiếc taxi chở khách nước ngoài ở khu vực gần phi trường Tân Sơn Nhất vào giữa thập niên sáu mươi. Và chính trong thời gian này, xe Lam (Lambro) du nhập vào Sài Gòn, một cuộc cạnh tranh khác mà chủ yếu với loại xe xích lô máy. Xe Lam chở nhiều khách, rẻ tiền và nhiều hàng hóa trên mui khiến cho nghề xích lô máy dần sa sút và biến mất sau năm 1975 do khan hiếm xăng dầu.
Tôi nhớ vào năm 1979, sau khi hồi phục từ ca mổ ruột thừa tại bệnh viện Nguyễn Trải, tôi đã đón xích lô máy về nhà. Xích lô máy lúc ấy không còn nhiều như thời trước và mãi cho đến năm 1985 mới có lệnh cấm xích lô máy hoạt động, khiến một số chủ bán xe, số khác chế tạo lại thành xe ba gác máy chở hàng ở các chợ đầu mối vùng ngoại thành rồi tuyệt tích “giang hồ” từ đó.
Thế nhưng, tôi vẫn nghe nhiều người nhớ tiếc xích lô máy hơn xích lô đạp, và xích lô đạp đang biến mất dần với những lệnh cấm hoạt động trên nhiều tuyến đường trong nội thành. Nghe nói, hiện nay còn chưa tới ba trăm chiếc xích lô, mà đa phần phu xe là người từ các vùng quê khác vào Sài Gòn mưu sinh, đạp xe ở các khu vực ngoại thành.
TN