Cuộc tranh cử sôi nổi vì các cuộc thăm dò cho thấy cả 2 ứng cử viên Clinton và Trump đều không được lòng cử tri. (Hình: Getty Images)
Nguyễn Văn Khanh
Hơn một năm sau ngày bắt đầu cuộc vận động tranh vòng sơ bộ, cuộc đua chính trị tranh ghế tổng thống Hoa Kỳ đã thật sự bắt đầu với 2 ứng cử viên: ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa và bà Hillary của đảng Dân Chủ. Ông Trump được biết đến qua cương vị một tỷ phú thành công ở thương trường, bà Clinton được biết đến vì là người góp mặt với chính trường trong suốt 40 năm qua.
Ông Trump và bà Clinton tranh cãi với nhau, cử tri Hoa Kỳ cũng bắt đầu tranh luận xem nên chọn “bà Dân Chủ” hay “ông Cộng Hòa.” Ngay trong những chương trình thảo luận chính trị được các đài truyền hình thực hiện mỗi sáng Chủ Nhật, các bình luận gia, nhà quan sát, và ngay cả những nhà báo nổi tiếng của nước Mỹ cũng không đồng ý với nhau về chuyện ai thắng ai bại vào tháng Mười Một tới đây. Bằng chứng rõ nhất là những gì được nói tới trong chương trình “This Week” của đài ABC: khách mời mỗi người nói một cách, có người dự đoán bà Clinton thắng lớn, cũng có người dự đoán bà Clinton thua đậm, chưa kể đến một nhà bình luận nghĩ rằng nếu cuộc bầu cử diễn ra ngay trong tuần này, “số phiếu cử tri đoàn 2 bên có được sẽ bằng nhau.”
Trên chương trình “Meet The Press” của đài NBC, khách mời cũng mỗi người một ý, người bảo ông Trump sẽ thắng Ohio và Florida để trở thành vị tổng thống thứ 45 của quốc gia, người nói bà Clinton nắm Pennsylvania và Virginia để trở thành người phụ nữ đầu tiên cầm chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc.
Bất kể đúng sai như thế nào, các nhà phân tích bầu cử đồng ý với nhau ở những điểm sau đây:
1-Cuộc tranh cử sôi nổi vì các cuộc thăm dò cho thấy số phiếu cử tri ủng hộ 2 bên ngang nhau. Sau Đại Hội Cộng Hòa, ông Trump dẫn trước từ 2% cho đến 5%; sau Đại Hội Dân Chủ, tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Clinton hơn số phiếu nói dành cho ông Trump từ 4% đến 7%. Theo chiến lược gia Cộng Hòa Don Sullivan, ông Trump có cơ hội chiến thắng vì là “cư dân bán thời gian” ở Florida và thu hút được lá phiếu của lực lượng công nhân tiểu bang Ohio. Ý kiến này không được ông Cựu Thống Đốc Dân Chủ Ed Rendell chấp nhận, giải thích ông Trump sẽ thất bại vì “không được phiếu ủng hộ của phụ nữ, không được phiếu ủng hộ của người da mầu, không được phiếu ủng hộ của giới sinh viên trẻ, chỉ được 15% phiếu của tập thể cử tri Latino.”
2-Cuộc tranh cử sôi nổi vì cả ông Trump lẫn bà Clinton cần phải thắng ở những tiểu bang cử tri chưa quyết định ủng hộ cánh Cộng Hòa hay sẽ dồn phiếu cho phe Dân Chủ. Theo một số quan sát viên bầu cử, ông Trump bắt buộc phải thắng ở Michigan, Ohio, Pennsylvania và Florida, đường đến thành công của bà Clinton cũng chẳng dễ dàng, phải thắng ở Colorado, Virginia, Florida và Ohio.
3-Cuộc tranh cử sôi nổi vì cả 2 bên đều tính đến chuyện sẽ vận động kiếm phiếu ngay tại những tiểu bang được xem là thành trì của đối thủ. Phía ông Trump đang bàn tình cách hay nhất để vận động ở những tiểu bang Dân Chủ như California, Connecticut, New Jersey và New York, bên bà Clinton cũng muốn giành phiếu ở các tiểu bang Cộng Hòa như Arizona, Georgia và ngay cả Texas. Tuần trước, ông Trump đến vận động ở Maine với hy vọng cử tri tiểu bang Dân Chủ này sẽ đổi chiều, tuần này bà Clinton đến Nebraska cũng với mục đích kêu gọi cử tri tiểu bang này đừng tiếp tục dồn phiếu cho ứng cử viên Cộng Hòa.
4-Cuộc tranh cử sôi nổi vì các cuộc thăm dò cho thấy cả 2 ứng cử viên đều không được lòng cử tri. Theo kết quả thăm dò của Viện Gallup, chỉ có 37% cử tri Hoa Kỳ hài lòng với ông Trump hay bà Clinton, 58% không thích cả hai người. Dù vậy, dàn cố vấn của ông Trump tin tưởng sẽ chiến thắng vì “cử tri Hoa Kỳ đang giận dữ, bực bội với những chính trị gia chỉ nói mà không làm.” Bên bà Clinton cũng tin vào lý do để thành công: có thể cử tri không ưa bà “nhưng cuối cùng khi so sánh bà Clinton với ông Trump, họ thấy bà là người có kinh nghiệm để lãnh đạo quốc gia.”