Tuesday, 2 August 2016

Dân Sài Gòn ăn nước heo thối chẳng ai biết, nhà nước cũng mù tịt

vanquang.jpg
     Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 01.8.2016


“Còn đâu những buổi chiều dạo chơi bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng.
Xin cho tôi được sống lại với Hải Phòng và Sài Gòn của tôi những ngày xa xưa...”
                                                                                                                                             VĂN QUANG

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2016/7/30-Jul-2016/0730%20van%20quang%20song%20saigon.jpg
Xe cộ di chuyển trên đại lộ chạy hướng Đông-Tây dọc theo bờ sông Sài Gòn, trong hình chụp năm 2013.
                                                                                                        (Hoang Dinh Nam/ Getty Images)

Nói đến dòng sông, tôi không thể nào quên có một thời tôi đã sống ở Hải Phòng. Ở đó cũng có một dòng sông, nước trong xanh soi bóng những dãy nhà lầu xuống như có thành phố thứ hai và những hàng cây ven sông thật đẹp. Buổi chiều, tôi thường cùng bạn bè dong chơi trên những khu như công viên chạy dọc theo bờ sông. Những cặp tình nhân cũng nắm tay nhau đi trên những con đường cát mịn trong vườn hoa.
Cuộc hẹn hò đầu tiên trong đời tôi cũng ở đấy. Người con gái trường trung học Ngô Quyền mà tôi theo đuổi mới 17 tuổi, tóc xõa ngang lưng rất hồn nhiên. Tôi chẳng biết cách nào đến gần bởi tôi dạy học ở một trường khác. Đành viết một “lá thư màu xanh” gửi đến nàng. Nàng biết tôi và đón nhận nhưng không dám hồi âm.
Tôi viết lá thư thứ hai “liều mạng” hẹn nàng ra bờ sông hồi đó được gọi là Bến Bính, một nơi ai cũng biết. Trước giờ hẹn tôi đã có mặt và hồi hộp đợi từng phút. Đúng 5 giờ chiều vẫn chưa thấy, tôi ngẩn ngơ. Nhưng bất ngờ không lâu sau đó, nàng xuất hiện và... tôi lúng túng như gà mắc tóc, tiến lại gật đầu chào. Cái nhìn e ấp đáp lại.
Chẳng biết nói lời nào phút ban đầu ấy. Chúng tôi lẳng lặng đi bên nhau, nhìn dòng sông mà chẳng biết nhìn cái gì. Đi một đoạn dài tôi mới bạo dạn cất tiếng. Ôi cái thứ chuyện ban đầu lôi thôi lắm. Chỉ biết rằng cuối cùng rồi chúng tôi cũng nắm tay nhau. Và tình yêu như bắt đầu từ đấy nhưng chẳng ai dám nói “ai yêu ai.” Hiểu ngầm như thế là quá đủ.
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2016/7/30-Jul-2016/05.jpg
Heo được các thương lái bơm nước bẩn rồi vận chuyển về Sài Gòn tiêu thụ.

Tiếc rằng quãng thời gian đó quá ngắn cho đến khi tôi được lệnh động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và rồi cuộc di cư năm 1954 đã chia cắt chúng tôi, chẳng bao giờ còn gặp lại. Thôi thì để một chuyện tình đẹp ngây ngô ấy qua đi...
Tôi ở lại làm việc tại miền Nam và ở mãi cho tới nay gần 60 năm rồi. Ở đây cũng có dòng sông Sài Gòn và cũng có những vườn hoa dọc theo dòng sông với những nhà hàng khá sang khác hẳn bờ sông Hải Phòng. Dòng nước cũng trong xanh soi bóng những dãy nhà được gọi là “cao ốc,” những khu phố cực kỳ “hoành tráng” của dân nhà giàu.
Ở bờ sông Sài Gòn đã ghi dấu trong tôi quá nhiều kỷ niệm. Tình bạn, tình yêu cùng đồng hành ở đấy cho đến cái tuổi già tôi không còn có cái thú đi dạo bên bờ sông như xưa nữa. Nhưng tất nhiên tôi cũng như hàng chục triệu dân Sài Gòn vẫn ăn uống, sinh họat hàng ngày với nước dòng sống ấy và vẫn cứ đinh ninh rằng dòng sông vẫn như xưa.
Nhưng thật bất ngờ khi đọc trên báo thấy cái tít to tướng trên đầu trang – mà dân làm báo gọi là tít vơ đét – báo động: “Dân Sài Gòn ăn nước pha xác heo thối.”
Theo báo Thanh Niên: “Cái sự mù mờ của người dân Sài Gòn có lẽ không hơn gì các vị lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Họ cũng có biết gì đâu. Vì đã rất nhiều lần doanh nghiệp Đài Loan (lại Đài Loan) đóng tại xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản vứt xác heo thối xuống sông Sài Gòn, nhưng chỉ khi báo chí khui ra các vị ấy mới chịu chỉ đạo điều tra làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp làm bậy. Mà cũng không hiểu cơ quan chức năng ở tỉnh này làm việc kiểu gì, cứ làm lơ, hay đang bảo vệ doanh nghiệp sai phạm?
“Ông phó chủ tịch tỉnh khi được hỏi đã trả lời rằng không biết gì vì chưa nhận được báo cáo về vụ việc. Chuyện động trời mà lãnh đạo phải chờ báo cáo mới biết? Hay thật!”

http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2016/7/30-Jul-2016/02.jpg
Khốn khổ vì xác heo chết vứt dọc đường.

Bà Phó chủ tịch... nghẹt mũi

Hay quá là hay, nhất là khi nghe bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm thanh minh thanh nga, “Hằng năm, đoàn của phòng, Sở Tài Nguyên - Môi Trường, lãnh đạo huyện Hớn Quản, xã Minh Tâm tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhưng không phát hiện công ty này xả thải ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm.”

Tin vào những phát ngôn của bà này chỉ có nước đổ thóc giống ra mà ăn. Dân biết nhưng bà ấy là “phương diện quốc gia” muốn nói gì thì nói, tin thì chẳng tin cũng chẳng chết thằng Tây nào, bà chủ tịch vẫn cứ yên vị ngồi đấy. Phát ngôn nữa đi thưa bà chủ tịch. Dân ngửi thấy mùi thối nhưng bà không ngửi thấy, có lẽ bà bị... nghẹt mũi. Xin thông cảm!

Cái gì cũng đúng quy trình làm mộc đỡ đạn

Thật ra chuyện này người dân khu vực nhiều lần kêu cứu lên chính quyền địa phương vì tình trạng hôi thối kinh khủng khắp vùng do khu chăn nuôi này gây ra thì với chính quyền địa phương nhưng mọi chuyện vẫn êm re.
Có phải đó chính là “điểm tựa” để mấy doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẵn sàng coi VN như bãi rác của họ - bãi rác công nghệ, bãi rác xả chất thải, khí thải. Cứ bảo rằng họ làm lén lút, nhưng hàng trăm xác heo thối vứt thẳng ra sông hoặc chất đầy bờ sông thì sao gọi là lén lút được. Trừ khi tiền đã cản mũi thì chẳng ai nhìn ra thứ gì hôi thối trước mặt. Chỉ nhìn thấy nét đẹp của đồng đô la.
Một người bạn của tôi đang ở Mỹ bảo, ở Mỹ, nếu rác thải đựng trong bao rách văng vãi ra ngoài, không để đúng chỗ, đúng giờ, không phân loại sẽ bị phạt mỗi lần ít nhất $35 đô. Nhưng đấy là luật của... thiên hạ. mình chẳng ăn nhậu gì. Luật của mình khác. Luật là do các quan làm, các quan bảo nó là “đúng quy trình” là đúng, bảo sai là sai, anh dân làm gì có quyền xía vô. Đã có các quan “no.”
Việc xử lý chất thải không đúng quy định tưởng chỉ là hành vi vi phạm hành chính nhưng thực ra, đó là hành động đầu độc cộng đồng. Ai dám chắc 10 năm nữa những đứa trẻ mới sinh ở khu vực mà Formosa xả thải độc hại sẽ không mắc những chứng bệnh quái gở vì cha mẹ chúng đã phải sống trong môi trường bị nhiễm độc? Hay việc vứt xác heo chết xuống thượng nguồn sông Sài Gòn khác nào cố tình phá hoại môi trường, hủy diệt nguồn nước và lan truyền dịch bệnh cho hàng chục triệu người dân sống nhờ vào nguồn nước sông Sài gòn?

Chủ doanh nghiệp tàn nhẫn

Chủ các doanh nghiệp biết rất rõ hậu quả việc làm của họ. Nhưng họ lại biết hành động của mình sẽ được lờ đi, được tiếp tay, thậm chí nếu bị khui ra thì cũng chỉ là “giơ cao đánh khẽ,” phạt mấy chục triệu đồng thì ăn thua gì, hà cớ gì họ phải bỏ qua. Tiền họ bỏ túi mang về nước, độc hại, chết chóc, nghèo đói mình chịu. Thế là doanh nghiệp đồng lõa với kẻ thù để đồng bào mình tự giết lẫn nhau. Còn có thứ kẻ thù nào nham hiểm hơn kẻ thù giấu mặt đó.
Bộ Luật Hình Sự của ta trước đây chủ yếu chỉ phạt hành chính các doanh nghiệp gây ô nhiễm, dù là hành vi cố ý và gây hậu quả nghiêm trọng, nên không gây được áp lực với doanh nghiệp vi phạm. Nay Bộ Luật Hình Sự sửa đổi năm 2015 được quốc hội khóa 13 thông qua và có hiệu lực từ 1 tháng 7, 2016 đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tăng nặng hình phạt doanh nghiệp vi phạm. Bộ Luật Hình sự 2015 bổ sung hình phạt đối với pháp nhân là tội phạm môi trường. Theo giới luật sư thì thời gian tới chắc chắn nhiều pháp nhân vi phạm môi trường sẽ bị xử lý hình sự.
Nhiều chuyên gia luật pháp đề nghị thêm, việc xác định hậu quả môi trường không dễ, vì vậy cần xử lý theo hành vi, cách mà thế giới vẫn áp dụng và phải có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa để dễ dàng định tội danh và hình thức xử lý.
Người dân đã đặt nhiều hy vọng vào bộ luật hình sự mới như là liều thuốc mạnh chấn chỉnh lại tình trạng lọan xả thải hiện nay. Nhưng một tin không vui từ Quốc Hội vừa cho biết, Bộ Luật Hình Sự được Quốc hội khóa 13 thông qua phải tạm “treo” do phát hiện nhiều sai sót lớn.
Không biết đến bao giờ bộ luật này mới được thông qua đây. Dân dài cổ chờ. Nhưng đợi đến khi luật ban hành rồi, liệu có ai dám bảo đảm các cấp thừa hành sẽ tuân thủ đúng hay lại mập mờ làm ngược lại, khi bị hỏi vẫn cho là “đúng quy trình.”
Cái sự “đúng quy trình” này đang là cái mộc đỡ đạn cho tất cả những việc làm tai quái của các quan tham, không tham thì dốt, không dốt thì đổ vạ lung tung rằng “chưa nghe,” “chưa có báo cáo,” “chưa thể xử lý được,” “khi nào điều tra xong sẽ xử đúng người đúng tội.”
Ôi, câu trả lời nhẹ nhàng ngon ơ như thế người dân vẫn thường nghe, phải chăng đó là con đường chạy tội nhanh nhất, đỡ vất vả nhất? Còn bao giờ xử lý là chuyện nói sau hay chẳng bao giờ nói nữa. Thế là huề cả làng.
Còn nhiều chuyện vô đạo đức nữa, tôi chỉ nêu một vấn đề tiêu biểu trong thời gian gần đây

Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~