ĐIỆP
MỸ LINH
Trong khi nhích dần theo toán quân nhân nơi cửa hông
của chiếc phi cơ C-130, Sinh nhìn bâng quơ. Thấy những áng mây chờn vờn trên
đồi núi chập chùng, Sinh mơ tưởng đến khuôn mặt xinh đẹp của Quyên-Di. Sinh nhớ
lại những ngày chàng chờ Quyên-Di trước cổng đại học Huế. Chờ nhau chỉ để được
đi xa xa phía sau, ngắm vành nón em nghiêng nghiêng, nhìn mái tóc em mềm mại
trên nền áo trắng ngần. Sinh cũng không quên được những lần hẹn nhau đi xi-nê,
chỉ để được ngồi cách nhau 5, 6 cái ghế rồi thỉnh thoảng “hai đứa” liết nhau,
cười. Chỉ có rứa thôi mà hạnh phúc vô biên. Chỉ có rứa thôi mà tình yêu gắn bó.
Chỉ có rứa thôi mà anh nhớ em điên cuồng!
Sau khi bước vào phi cơ, đặt người vào ghế ngồi bằng
dây ny-lông đỏ, đẩy cái xắc tay xuống lườn ghế, Sinh chợt chú ý đến hai quan
tài được phủ cờ Việt-Nam, đặt gần cuối thân phi cơ. Nhìn hai quan tài tự dưng
những nôn nao, háo hức trong lòng Sinh tan đi; thay vào đó là những nghĩ ngợi
vu vơ về kiếp người và về cuộc chiến tương tàn. Sinh sửa thế ngồi nhiều lần mà
cũng vẫn không xua đuổi được sự ám ảnh về một ngày cuối cùng của đời lính!
Rời phi trường, Sinh đón một chiếc xe nhà binh, hỏi
chú tài xế xe đi về đâu. Chú tài đáp xe về Nam-Giao. Sinh xin đi nhờ. Từ
Nam-Giao, Sinh đón xích-lô, đến thẳng trường đại học.
Đến nơi, nhìn ngôi trường cũ, Sinh cảm thấy lòng lâng
lâng trong nỗi buồn nhè nhẹ. Sinh đi tìm Tôn-Nữ Quyên-Di – sinh viên ngành báo
chí – giữa những ánh mắt tò mò. Bỗng dưng Sinh nghe tiếng gọi tên chàng. Quay
lại, Sinh thấy Thành đang chạy tới. Hai người mừng rỡ bắt tay nhau. Thành niềm
nở:
- Người về từ Pleime! Về khi mô?
- Mới chừ đây. Chưa về nhà.
- Quyên-Di biết mi về không?
- Không, dành bất ngờ mà.
- Rứa à? Mi đến đây bằng chi?
- Xích lô.
- Tau đưa mi về, hỉ?
- Ừ, tốt quá. Quyên-Di không có lớp hôm ni răng, mi?
- Không. Mi ra cổng đợi tau. Tau đi lấy cái “ếch bà”.
Gia đình Quyên-Di biết rõ mối tình thắm thiết giữa
Sinh và Quyên-Di. Nhưng từ ngày Sinh giã từ đại học theo lệnh tổng động viên,
bà Lộc – Mạ của Quyên-Di – đổi ý. Bà Lộc thấy rõ, không những đường học vấn của
Sinh bị gián đoạn mà tương lai của Sinh cũng nhiều bất trắc, lắm hiểm nguy. Bà
Lộc buộc nàng nhận lời cầu hôn của Tùng – sinh viên y-khoa. Quyên-Di phản đối
bằng mọi cách, nhưng vẫn không lay chuyển được quyết định của Mạ. Cảm động
trước mối tình của bạn và em, Thành giúp Sinh.
Dừng Vespa cạnh hàng rào bông bụp trước nhà Sinh,
Thành quay lui, hỏi:
- Chương trình của mi ra răng?
- Tau tính đến thăm bác và Quyên-Di.
- Mi đến thăm Mạ tau thì được. Nhưng chắc chắn một
điều là mi không thể đưa Quyên-Di đi mô cả.
- Mi cũng biết lý do tau về phép rồi, phải không,
Thành?
- Mi vô thăm gia đình mi đi, rồi thay đồ dân sự, chờ
tau. Tau về chở Quyên-Di qua, cho mi mượn Vespa luôn. Chiều 5, 6 giờ mi đưa
Quyên-Di về đây, tau chở cô nàng về. Mi nhớ đừng đưa Quyên-Di đến chỗ đông
người, họ đồn đải, em tau mang tiếng, tội nghiệp, nghe mi.
Sinh siết tay Thành thật lâu.
Nhờ sự giúp đỡ của Thành, Sinh đưa Quyên-Di đi thăm
lại những nơi “hai đứa” thường hẹn hò; đi thăm lại lăng tẩm xưa; đi ăn những
món ngon mà chỉ Huế mới có. Sinh hỏi Quyên-Di về việc học và về sự ngăn cấm của
bà Lộc. Quyên-Di đáp, giọng buồn buồn:
- Là con trai Huế anh còn lạ chi. Anh đừng nên trách
Mạ em. Đó là tâm trạng chung của Cha Mẹ. Anh chỉ cần biết em yêu anh, rứa là
đủ.
- Anh muốn vấn đề trở nên chính thức. Anh không thích
lén lút.
- Nhưng em không làm chi được. Không ai có thể giúp em
trong lúc ni. Anh gắng chờ em một thời gian. Lúc đó có thể Tùng sẽ không còn
kiên nhẫn nữa và có thể lúc đó anh được thăng Trung-Úy.
- Anh lên Trung-Úy để làm chi? Em yêu anh hay là em
yêu cái lon Trung-Úy?
- Anh đừng hiểu lầm. Dù anh là chi em cũng vẫn yêu
anh. Nhưng với gia đình em thì khác. Mọi người cần một bề ngoài hào nhoáng. Xã
hội ni là rứa đó. Anh đã thấy biết bao cô gái Huế yêu một người mà phải làm vợ
một người khác không?
Ngưng một chốc, Quyên-Di tiếp bằng giọng đầy nước mắt:
- Anh hãy nhìn vào thực tế. Các anh là anh hùng chốn
biên ải, địa đầu. Người ta ca ngợi các anh trong văn, thơ và âm nhạc. Nhưng
trên đường tình có bao nhiêu cô gái Huế được phép từ chối những mối tình vương
giả để làm vợ mấy ông nhà binh? Lý do vì họ không muốn lo âu, không muốn hồi
hộp theo từng chuyến hành quân, để rồi không biết họ sẽ trở thành quả phụ giây
phút nào!
Sinh chồm tới, nhìn thẳng vào mắt người yêu:
- Nếu em nghĩ như rứa, tại răng em còn yêu anh?
- Em không thể cản lòng em được. Như Henry Louis
Mencken đã nói: “Love is like war; easy to begin but
very hard to stop.” Chúng ta là những kẻ thọ nạn của quan niệm cổ xưa và
của cuộc chiến tàn tệ hôm nay. Anh phải hiểu và gắng giúp em; nếu không, chúng
ta sẽ mất nhau.
Những lời của Quyên-Di đánh thức thực trạng trong tâm
hồn Sinh. Sinh thở dài và nỗi ám ảnh về hai quan tài trong lòng phi cơ lại trở
về.
Nhìn Sinh, Quyên-Di cảm thấy xót xa, vội nép người gần
Sinh và tỏ cử chỉ âu yếm. Sinh chỉ nhìn mặt nước phẳng lặng, thở dài. Như muốn
tình thế bớt căng thẳng, Quyên-Di chuyển đề tài để khỏi phải tranh luận:
- Anh à! Mấy tháng ni em viết cho tờ Tiền-Tuyến với
tính cách tập sự. Họ thích bài của em lắm.
- Anh không ngạc nhiên, vì anh biết em có năng khiếu.
Quyên-Di tựa đầu vào vai Sinh:
- Sau những lá thư anh viết từ Pleime, anh kể về những
trận đánh đẩm máu, về những vô lý và vô nhân của chiến tranh, em muốn trở thành
một phóng viên chiến trường. Muốn viết thật rõ, thật chính xác, thật đầy đủ về
cuộc chiến hôm nay thì chỉ có một cách đó thôi, phải không, anh?
- Em có người yêu là nhà binh mà còn bị Mạ em li gián;
không cách chi Mạ em có thể để em “lăn” vào trò chơi của thần chết được!
- Where there’s a will, there’s
a way.
Sinh cảm thấy nguôi buồn, vừa mân mê mái tóc óng mượt
của người yêu vừa nói:
- Những người có tâm hồn như em đáng ra trời không bắt
phải sinh ra tại Huế.
- Em chỉ ước mơ một ngày nào đó em theo đoàn quân,
viết lại những trận đánh oai hùng trên đồi núi cao nguyên. Trong những trận
đánh đó dĩ nhiên là có anh, người yêu của em.
- Người ta bảo các cô gái Huế lãng mạn; nhưng cái lãng
mạn của em cao cả vô cùng.
…Thành ngưng câu chuyện vì thấy bà Lộc lặng lẽ chậm
nước mắt bằng ống tay áo cà-sa.
Trong khi bà Lộc âm thầm hối hận và khóc thương
Quyên-Di thì Quang thở dài, lòng đầy thương cảm. Nghe một phần câu chuyện do
Thành kể rồi nhìn dòng sông Hương mờ dần trong bóng hoàng hôn Quang chợt nhớ
lại những buổi chiều xưa, khi đoàn giang đỉnh neo giữa sông Cái Lớn…
… Nơi tầng trên của chiếc Command, Quyên-Di ngồi trên
thùng đạn rỗng, hơi xa những sĩ quan của Giang-Đoàn. Nhìn mặt sông phẳng lặng
và ánh nắng chiều tỏa rộng trên rừng dừa nước mênh mông, Quyên-Di cảm thấy buồn
và nhớ những buổi chiều theo Mạ đi lễ chùa.
Những buổi chiều xưa, trong khi bà Lộc niệm kinh, đảnh
lễ, Quyên-Di lén ra ngoài, chạy lên chạy xuống mấy bậc cấp trước chùa Thiên-Mụ.
Đến khi mệt, mỏi chân, Quyên-Di ngồi nơi bậc cấp trên cùng nghỉ chân. Nhìn
những con đò nhỏ âm thầm di động trên sông Hương, lưu lại phía sau những gợn
nước lăn tăn, Quyên-Di chưa cảm nhận được vẻ đẹp yêu kiều của quê Mẹ. Nhưng khi
nghe tiếng hò văng vẳng từ dòng sông quyện với tiếng chuông đồng vọng trên đồi
cao, Quyên-Di mới cảm thấy buồn – một nỗi buồn không duyên cớ, nhưng chao ơi!
Buồn chi buồn lạ buồn lùng!
Chừ đây, nhìn dòng sông Cái Lớn và rừng dừa nước từ từ
chìm vào hoàng hôn, Quyên-Di cũng cảm thấy buồn chi buồn lạ buồn lùng! Đối với
Quyên-Di, Huế như người tình đầu tiên, mình có thể xa nhưng không thể quên!
Đang lúc Quyên-Di nghĩ về Huế với tất cả niềm thương nhớ dạt dào thì lời ca của
một tình khúc – mà ngày trước Quyên-Di thường hát trong những buổi văn nghệ do
trường tổ chức – chợt đến. Quyên-Di hát nho nhỏ: “Ai về
bến Ngự cho ta nhắn cùng. Bến xưa, non nước Hương Bình, có những ngày xanh, lưu
luyến bao tình, vương mối tơ lòng… Thuyền ơi, đưa ta tới mô? Tìm trăng, trăng
khuất đã lâu. Sương xuống trên bến Vân-Lâu, thêm sầu…”(1) Quyên-Di vừa
ngân nga đến đây chợt giật mình kinh hãi vì nhiều tiếng …Ầm…Ầm…Ầm… rền vang và
từng khối nước khổng lồ tung lên rồi đổ chụp lên đoàn giang đỉnh.
Ngay tức khắc, Thiếu-Tá Quang – chỉ huy trưởng Giang
Đoàn – ra lệnh đoàn giang đỉnh phân tán mỏng.
Sau khi xác định được vị trí pháo kích của Việt-Cộng,
đoàn giang đỉnh phản pháo. Tiếng súng cối 81 ly từ chiếc Command nổ đều nhưng
cũng vẫn không át được tiếng trọng pháo của địch. Quyên-Di nghe âm thanh phát
ra từ máy truyền tin, nhưng vì họ dùng toàn ám từ truyền tin, Quyên-Di không
hiểu. Cuối cùng nàng nghe Thiếu-Tá Quang đáp: “Nhận năm,
thẩm quyền.” Thiếu-Tá Quang khom xuống, bấm đèn pin – giang đỉnh không
mở đèn, ngại lộ mục tiêu – nhìn vào bản đồ hành quân, tìm vị trí đồn Nghĩa-Quân
mà Giang Đoàn được lệnh đến giải cứu.
Đoàn giang đỉnh tiến hàng một về nơi mô Quyên-Di không
hề biết; chỉ thấy xa xa ánh hỏa châu lơ lửng, chập chùng. Mãi một lúc sau
Quyên-Di mới cảm biết dường như đoàn tàu đang tiến về vùng có hỏa châu rơi.
Khi đoàn giang đỉnh vừa rẻ vào con sông nhỏ, Quyên-Di
nghe nhiều tiếng súng lớn nổ phía trước. Cặp fom dẫn đầu bắn trả dữ dội.
Quyên-Di nghe Thiếu-Tá Quang ra lệnh đoàn tàu giang hành sát bờ để tránh thủy
lôi. Vừa khi đó, chiếc Command trúng B40. Chiếc Command rung rinh, Quyên-Di
hoảng hồn nhưng mọi người và các xạ thủ vẫn giữ nguyên vị trí. Ngay tức khắc,
hai chiếc fom từ cuối đoàn giang đỉnh vượt lên, vừa chạy kề bên như bảo vệ
chiếc Command vừa bắn vào những điểm tình nghi.
Đến vùng có hỏa châu, đoàn giang đỉnh ủi thẳng vào
trước đồn Kiên-Tân, nơi cuộc giao tranh đang diễn ra rất ác liệt. Nhờ ánh hỏa
châu, Quyên-Di thấy nhiều thân người mặc y phục đen bị kẹt giữa những vòng thép
gai. Nhiều người cố chạy khỏi tầm đạn của Hải-Quân, nhưng quá muộn! Nhiều người
hoảng, nhào đại xuống sông, liền bị mấy cây đại liên từ giang đỉnh bắn theo.
Quyên-Di nghe tiếng súng lớn và nhiều cột nước phun
lên quanh đoàn tàu. Quang chụp cái nón sắt lên đầu Quyên-Di, xô nàng xuống và
hét: “Nằm xuống. Nó bắn ra tàu.” Quyên-Di nằm
được một chốc lại lồm cồm ngồi lên, cố ý quan sát trận địa để viết bài tường
thuật cho tờ Tiền-Tuyến. Nhưng mỗi lần nàng vừa lồm cồm liền bị người mô đó xô
xuống. Quyên-Di nghe rõ âm thanh rợn người khi đạn của súng nhỏ trúng thành
tàu.
Từ xa hai chiếc khu trục ào đến, chúc xuống, nghiêng
cánh. Bom nổ rền phía sau đồn. Đất, đá, bùn và cát văng lên giang đỉnh nghe rào
rào. Hai chiếc khu trục vòng đến lần thứ ba thì tiếng súng phía sau đồn thưa
dần, thưa dần.
Ánh sáng le lói cuối chân trời.
Một chiếc LCM Giang-Cảnh cặp vào chiếc Command.
Trung-Tá Cuội, Quận-Trưởng quận Kiên-An, bước lên chiếc Command. Vừa khi đó,
một trực thăng đáp xuống bãi đáp dã chiến, đối diện với đồn Kiên-Tân.
Trung Tá Cuội, Thiếu Tá Quang cùng vài sĩ quan rời
chiếc Command, sang chiếc fom. Chiếc fom đưa cả nhóm sang bờ bên kia, về hướng
trực thăng.
Từ trực thăng Tư-Lệnh Sư-Đoàn bước xuống. Tất cả sĩ
quan dưới đất đưa tay chào. Mọi người lên chiếc fom, trở lại bờ bên này.
Trong khi Tư-Lệnh Sư-Đoàn và tất cả sĩ quan đứng trên
mô đất cao quan sát trận địa, Quyên-Di thấy mấy anh Nghĩa-Quân nhặt xác đồng
đội để một bên, xác những người mặc bà ba đen để một bên. Rất nhiều xác người
mặc bà ba đen bị kẹt giữa mấy hàng thép gai chưa được nhặt ra.
Thấy Tư-Lệnh Sư-Đoàn và tất cả sĩ quan đi dần về chiếc
fom, Quyên-Di nghĩ có thể Tư-Lệnh Sư-Đoàn sắp rời vùng hành quân, nàng rút cuốn
sổ nhỏ, cây bút, rời tàu, bước nhanh về hướng chiếc fom.
Sau khi tự giới thiệu, Quyên-Di hỏi:
- Thưa Thiếu-Tướng, sau khi quan sát trận địa, xin
Thiếu-Tướng cho biết nhận xét của Thiếu Tướng về cuộc đụng độ vào tối hôm qua?
- Thường thường những đồn bót trong khu vực này chỉ bị
pháo kích hoặc bị du kích tấn công lẻ tẻ. Nhưng tối hôm qua địch đã mở cuộc tấn
công rất quy mô. Địch quân dùng chiến thuật “xa luân chiến”, xung phong nhiều
đợt, nhưng vẫn bị quân đồn trú chống trả mãnh liệt. Và, bây giờ, như cô thấy,
quân ta làm chủ tình hình.
- Thưa Thiếu Tướng, có phải vì địch quân dùng chiến
thuật “xa luân chiến” mà quân đồn trú phải xin Hải-Quân và Không-Quân yểm trợ
hay không?
- Hải-Quân là lực lượng yểm trợ đồn bót hữu hiệu nhất
tại Vùng IV chiến thuật. Còn Không-Quân, dạo này theo chương trình Việt-Nam-hóa
chiến tranh, xin được một phi tuần cũng khó khăn lắm.
- Thưa, Thiếu-Tướng có nghĩ đến Pháo-Binh hay không?
- Những đơn vị đồn trú gần dân làng tôi không muốn xử
dụng Phái-Binh.
Quyên-Di cảm ơn Thiếu Tướng rồi xoay sang Thiếu-Tá
Quang, hỏi:
- Thưa Thiếu-Tá, theo kinh nghiệm chiến trường,
Thiếu-Tá nghĩ sự pháo kích của địch vào đoàn giang đỉnh trên sông Cái Lớn và sự
tấn công của địch vào đồn Kiên-Tân có liên hệ gì không ạ?
- Có chứ. Địch muốn cầm chân Hải-Quân ở sông Cái Lớn
trong khi những đơn vị khác của họ tấn công đồn Kiên-Tân. Tôi nghĩ địch cũng
biết rằng họ không thể cầm chân Hải-Quân được cho nên họ vẫn phục kích Hải-Quân
chỗ ngã ba rẽ vào đồn Kiên-Tân.
- Thưa, tổn thất về phía ta và địch như thế nào?
Thiếu-Tá Quang cười, chỉ quanh đồn:
- Cô thấy đó. Chúng ta có tổn thất, nhưng không đáng
kể so với sự thương vong của địch.
- Thưa, sự tổn thất của Hải-Quân như thế nào?
- Chiếc Command bị lủng một chỗ. Xạ thủ Vọng bị
thương.
Quyên-Di cảm ơn mọi người rồi trở về chiếc Command,
viết một cách say sưa.
Đây không phải là lần đầu tiên Quyên-Di say sưa viết
bài tường thuật mà đây chính là lần đầu tiên nàng viết về sự tham chiến của một
đơn vị chiến đấu Hải-Quân.
Kể từ khi bị bà Lộc đưa “tối hậu thư”: Phải nhận lời
cầu hôn của Tùng, nếu không, bà Lộc sẽ không cho Quyên-Di tiếp tục đi học nữa
thì Quyên-Di âm thầm rời Huế, muốn tìm cuộc sống tự lập. Nàng vào Saigon và
được chủ nhiệm báo Tiền-Tuyến thâu nhận ngay. Ngòi bút của Quyên-Di thu hút
được sự chú ý và cảm tình của rất nhiều độc giả. Bây giờ bài tường thuật về
cuộc giải cứu đồn Kiên-Tân lại cho mọi người thấy Quyên-Di quả là ngòi bút xuất
sắc với những nhận xét bén nhạy, sự quan sát tường tận và sự tường thuật trung
thực.
Sự thành công nhanh chóng của Quyên-Di làm cho bà Lộc
và Sinh hãnh diện vô cùng. Bà Lộc hồi tâm, liên lạc với Quyên-Di và hứa sẽ tha
thứ tất cả. Điều Quyên-Di vui mừng nhất là bà Lộc hứa sẽ gả nàng cho Sinh.
Để tạo cơ hội đích thân đem tin mừng cho Sinh,
Quyên-Di xin đặc phái lên Quân-Đoàn II để viết phóng sự dài về những trận đánh
mùa mưa.
Trong bộ quân phục rằn ri, Quyên-Di đến Pleiku vào một
chiều mờ sương. Quyên-Di được tiếp đón ân cần, niềm nở và được tạm trú tại
phòng vãng lai sĩ quan.
Sau khi đến phòng hành quân để xin tháp tùng các cánh
quân, Quyên-Di tìm đến sĩ quan trực, nhờ giúp liên lạc với Sinh. Điều bất ngờ
đầy thú vị là sĩ quan trực tên Sang, người cùng quê với Quyên-Di và cũng xuất
thân cùng khóa sĩ quan Thủ-Đức với Sinh.
Không ai có thể diễn tả được nỗi vui mừng của Sinh khi
chàng nghe giọng nói của Quyên-Di và được biết nàng đang có mặt tại Quân-Đoàn.
Chỉ còn khoảng 70 cây số nữa thôi, anh sẽ gặp em. Ý nghĩ này khiến Sinh không
giấu được xúc động:
- Em gắng chờ anh một tối ni thôi. Anh sẽ xin vài ngày
phép đặc ân. Mai anh sẽ gặp em sớm. Dạo ni tụi hắn tấn công liên miên.
- Dạ. Em chờ.
- Em ở tạm chỗ mô?
- Các anh ở đây lo cho em tươm tất lắm. Anh đừng lo.
- Quyên-Di ơi! Em về đâu chứ em về Quân-Đoàn II thiếu
chi đề tài cho em viết. Từng ngày, từng giờ, chiến trường hừng hực lửa đạn cho
em tường thuật để người thành phố hiểu rõ cuộc chiến đấu tự vệ thần thánh của
người lính V.N.C.H. Anh hãnh diện vì em, vì được là người yêu của em. Anh yêu
em, Quyên-Di.
- Anh! Mình đang nói chuyện bằng điện thoại nhà binh.
- Nhà binh cũng cần tình cảm, cũng biết yêu đương chứ
bộ nhà binh chỉ biết “uýnh” nhau thôi sao, em!
- Em có một tin rất vui, gặp anh em mới nói.
- Tin chi vui mà làm eo dữ rứa? Nói anh nghe chừ đi.
- Thôi, chuyện ni “bí mật”, chỉ một mình anh nghe được
thôi.
- Em không thèm nói cho anh nghe thì thôi, hẹn mai làm
chi cho anh sốt ruột.
- Anh “dễ ghét” dễ sợ. Chỉ một tối ni thôi mà làm bộ
hờn chi rứa?
- Tối ni chắc anh ngủ không được, vì nôn nóng gặp em
đó, Quyên-Di.
Quả thật tối đó Sinh ngủ không được! Sinh ngủ không
được không phải vì nôn nóng gặp Quyên-Di mà vì áp lực của địch gia tăng gấp
bội. Càng về khuya vòng vây của địch quanh đồn Pleime càng siết chặt.
Đồn Pleime được xây trên sườn đồi, cạnh dòng suối nhỏ.
Dòng suối nhỏ nhưng lòng suối rất sâu và nước chảy xiết như thác lũ. Không ai
biết thổ dân gọi dòng suối ni bằng tên chi; nhưng những quân nhân trong đồn
Pleime thì gọi dòng suối ni là suối Pleime. Suối Pleime là nguồn cung cấp nước
ngọt cho khoảng 100 quân trấn thủ.
Chỉ với khoảng 100 quân mà, theo tin tình báo, đồn
Pleime đang bị 3 Trung-Đoàn chính quy Bắc Việt vây hãm! Mức độ pháo của địch
gia tăng đến độ không ai có thể ló đầu ra khỏi hầm được! Quân trong đồn bị
thương, chết, phải chịu đói và chịu khát nữa. Hệ thống truyền tin hoàn toàn bất
khiển dụng!
Ngồi trong hầm chống pháo kích, Sinh bi quan, viết vội
lên mảnh giấy nhỏ: “Quyên-Di ơi! Lẽ nào chỉ vượt 70 cây
số đường trường mà anh không được gặp lại em! Anh hẹn em chỉ một đêm thôi mà
chừ đã ba đêm rồi! Chuyện chi vui răng em không nói mà hẹn đến mai? Với lính –
như ngạn ngữ Tây-Tạng có câu – ‘kiếp sau và ngày mai, không biết cái mô đến
trước!’ Anh yêu em, Quyên-Di.”
Trong khi Sinh nắn nót hai chữ “Quyên-Di” thì, tại
Quân-Đoàn, Quyên-Di đứng ngồi không yên.
Sau khi lệnh giải cứu đồn Pleime được ban hành, phải
khó khăn lắm Quyên-Di mới thuyết phục được vị Tư-Lệnh Quân-Đoàn cho phép nàng
tháp tùng đoàn viện binh.
Đoàn viện binh được trực thăng vận đến Pleime. Đoàn
viện binh chia thành nhiều cánh quân. Những cánh quân này tiến rất chậm, vì
địch đã đào hầm trú ẩn và giăng bẫy sập. Người lính V.N.C.H. phải lao vào từng
hố cá nhân đánh xáp lá cà với địch. Quân hai bên quần thảo nhau, quyết tranh
nhau từng gốc cây, từng mô đất. Địch quân ở dưới đất quân ta có thể thấy và
tiêu diệt; nhưng những người bị chính cấp chỉ huy của họ khóa xích trên cây thì
quân ta không thể phát hiện được.
Chính những tràng đạn bắn lén từ trên cây đã gây trở
ngại lớn cho quân ta. Thế nhưng người lính V.N.C.H. đã đánh với chiến thuật
thần tốc, ào ạt để biến Pleime thành một trận chiến để đời.
Cánh quân M – có Quyên-Di tháp tùng – là cánh quân đầu
tiên chọc thủng vòng vây của Bắc quân. Cánh quân M chậm lại gần bờ suối Pleime,
liên lạc phối trí với những cánh quân bạn.
Thấy tình hình tạm yên, những người lính trong đồn
Pleime bước đi thất thểu trong hoang tàn, đổ nát để nhặt xác anh em, xác bạn
bè. Trong những thương binh, Thượng Sĩ hỏa-đầu-vụ là người bị thương nặng nhất;
vì Ông đã nhảy lên ụ súng máy, quạt hằng loạt đạn vào địch quân – sau khi Ông
thấy xạ thủ bị bắn ngã. Sinh đã tận tình săn sóc Ông suốt mấy ngày qua.
Sinh xách nón sắt, men theo triền đồi, xuống suối,
muốn lấy nước về đun sôi để rửa vết thương cho thương binh; vì tất cả dụng cụ y
tế trong đồn đều bị trúng đại bác của địch.
Đang lấy nước, Sinh thấy, xa xa bên kia bờ suối, quân
bạn đang hướng về phía dòng suối. Nửa mừng nửa tủi khi thấy quân bạn đến “tiếp
hơi”, Sinh nhìn toán quân thật lâu. Bất ngờ Sinh thấy một quân nhân trông rất
mảnh khảnh, khăn quàng cổ màu tím. Khăn màu tím! Sinh giật mình, nghĩ đến chiếc
khăn quàng màu tím mà Quyên-Di thường dùng vào mùa Đông.
Toán quân M đến gần hơn. Nhận ra Quyên-Di, Sinh vất
nón sắt, vừa tìm cách băng qua dòng suối Pleime vừa reo mừng: “Quyên-Di!” Nghe tiếng gọi, biết người đó là Sinh,
Quyên-Di bương bả chạy đến.
Ba tên Việt-Cộng bị xích trên cây gần đó mà không ai
biết. Hai tên đã chết trong lúc giao tranh. Tên Việt-Cộng còn sống đang âu lo
về số phận của hắn cho nên hắn không để ý khi Sinh xuống suối. Tiếng gọi “Quyên-Di” của Sinh làm hắn giật mình và hắn phát hiện
sự có mặt của Sinh. Hắn lên đạn và đợi Sinh di chuyển đến gần.
Khi Sinh chỉ còn cách Quyên-Di một mô đá nhỏ thì tiếng
súng nổ. Sinh gục xuống. Máu từ vết thương bên trái lồng ngực của Sinh loan
trên phiến đá.
Trong khi tất cả nòng súng của toán M đều bắn lên ngọn
cây có tên Việt-Cộng thì Quyên-Di thét lên, chồm tới đỡ Sinh. Nhưng Sinh rơi
vào lòng suối. Sinh dùng đôi chân và tay phải để nhoài người, cố cưỡng lại sức
đẩy của dòng suối. Một tay Quyên-Di bấu vào bờ đá, một tay nàng vươn dài về
phía Sinh. Sinh vói cánh tay phải, cố nắm lấy bàn tay của Quyên-Di. Tay Sinh
vừa chạm vào mấy ngón tay của Quyên-Di thì dòng nước cuồn cuộn, tiếng suối lao
xao, đẩy Sinh ra. Quyên-Di thét lên hãi hùng khi tay Sinh vuột khỏi tay nàng!
Từ cuối dòng thác lũ, hai tiếng “Quyên-Di” vang vọng núi đồi!...
… Sang vừa kể đến đây, bà Lộc chịu đựng không nổi nữa,
vội đứng lên. Thành đứng lên theo, vịn vai, dìu bà Lộc đi vào chùa.
Quang thở dài, nhìn theo Thành:
- Tội nghiệp cậu Thành. Ở Mỹ bao nhiêu năm, học hành
đỗ đạc rồi mà cũng vẫn không lập gia đình, cứ bảo ở vậy để lo cho Mẹ và em.
- Anh chị ở cùng tiểu bang với anh Thành, phải không?
- Hồi trước, lúc mới qua theo diện H.O., chúng tôi
sống cùng thành phố với Thành. Sau khi con gái của tôi lập gia đình với người
cháu họ của Thành, chúng tôi dời về Cali.
Cả hai im lặng. Một lúc sau, Quang hỏi:
- Anh Sang! Tại sao anh cũng là sĩ quan mà anh không
xin đi Mỹ theo diện H.O. lại ở đây làm nghề xe ôm?
- Dạ, khi em ở tù, Ba Mạ em lo quá, bán nhà bán đất để
lo cho em ra tù sớm. Không ngờ, khi có chương trình H.O., em không hội đủ điều
kiện.
Sang vừa nói đến đây thì Thành trở lại. Sang tiếp:
- Cho em số điện thoại, mai em sẽ liên lạc để đưa hai
anh đến chùa Sư Nữ thăm ni sư Thích Nữ Thiên-Di. Chừ em phải vô trong chùa kêu
thằng bạn của em ra để hắn và em đưa hai anh về. Tối rồi.
Sau khi Sang đi tìm người bạn xe ôm, Quang bật hộp
quẹt, mồi điếu thuốc. Bập bập điếu thuốc vài lần, Quang lấy điếu thuốc gắn lên
môi Thành. Thành im lặng, rít một hơi dài rồi thở khói ra nhè nhẹ.
Qua làn khói mỏng Thành thấy dòng Hương giang lung
linh, nhạt nhòa dưới ánh đèn đường. Tự dưng Thành cảm thấy nhớ đoài nhớ đoạn
những buổi tối Thành và Quyên-Di cùng ngồi học dưới trụ đèn trước nhà. Nhiều
lần Quyên-Di hỏi: “Anh Thành! Tại răng Ba Mạ lại đặt tên
em là Quyên-Di mà không đặt là Thiên-Di? Em thích tên Thiên-Di.” Thành
tự hỏi đó có phải là điềm báo trước cho duyên nghiệp của Quyên-Di hay không?
Ôm niềm thắc mắc trong lòng, Thành im lặng bước theo
Quang xuống dãy bậc cấp trước chùa Thiên-Mụ. Nhìn vòm trời đầy sao, Thành tưởng
như chàng có thể nghe được tiếng hát nồng nàn của Sinh năm xưa, khi bạn bè tổ
chức tiệc tiễn Sinh trở lại Pleime: “Em tôi ưa đứng nhìn
trời xanh xanh. Mang theo đôi mắt buồn vương khóc thương. Vu vơ đắm đuối theo
ngàn áng mây…Bao giờ tôi về gần em cùng đếm này trăng này sao kia nhé em. Trăng
sao dâng ý thơ. Mây bay khắp trời. Thuyền tình lung linh trong khói sương lam.
Ngày về xa quá, người ơi!...”(2) Nhớ bạn và thương em ngập lòng, Thành
thở dài, thầm nhủ: “Thiên-Di! Mai anh sẽ đến thăm em.”
ĐIỆP
MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
1.-Đêm Tàn Bến Ngự của Dương-Thiệu-Tước.
2.-Em Tôi của Lê-Trạch-Lựu.