Hành động quốc tế đầu tiên của chánh quyền Mỹ với TT Trump chứng tỏ Mỹ Vĩ Đại Trở lại là vận động thế giới và được 68 nước tham gia trong công cuộc chống quân khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo hay IS. Phất cờ, tiến quân là TT Trump và Ngoại Trưởng Rex Tillerson của Mỹ vốn là hai nhà kinh doanh giỏi hành động, chớ không phải chánh trị gia lão làng nói nhiều mà làm ít. Bộ tham mưu cận điều binh khiển tướng, phối hợp liên quân Mỹ và các nước, của nội các Trump gồm các tướng lãnh. Nắm Bộ Quốc Phòng Mỹ Tướng Mattis, cựu tướng 4 sao của Thuỷ Quân Lục Chiến, Bộ Nội An Tướng Kelly cũng của TQLC và Trung Tướng H. R. McMaster làm Cố vấn An ninh Quốc gia.
68 nước tham gia công cuộc chống quân khủng bố do Mỹ chủ xướng và Ngoại Trưởng Mỹ Tillerson chủ toạ cuộc họp. Điều này cho thấy một số lớn các nước trên thế giới vẫn coi Hoa kỳ là đệ nhứt siêu cường thế giới. Hoa kỳ vẫn được thừa nhận có đầy đủ thế lực và uy tín đứng ra phối hợp, kết hợp giải quyết chiến tranh cũng như hoà bình. Uy tín lãnh đạo của Mỹ có tính thế giới, toàn cầu rõ ràng, khác với TC chỉ có song phương và vùng thôi.
Chính Mỹ thời TT Trump mới nắm chánh quyền hai tháng đã kêu gọi và được đáp ứng của 68 quốc gia đến thủ đô của Mỹ là Washington DC để tham dự cuộc họp vào ngày 22/3 tỏ tinh thần đoàn kết cùng nhau và thống nhất hành động bài trừ quân khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS). Dù TT Trump mới nắm chánh quyền nhưng nhờ uy tín lâu đời của Mỹ mà số các nước tham dự và lấy quyết định chung mau hơn dự tưởng. Điều này cũng cho thấy kinh nghiệm 40 năm đàm phán kinh doanh qua mấy chục nước của Ô Tillerson cho tập đoàn xăng dầu Exxon Mobil của Mỹ.
Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái. Chính Tổng thống Trump thề sẽ đặt cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo lên ưu tiên hàng đầu và hồi tháng 1/2017 đã chỉ đạo Ngũ Giác Đài cùng các cơ quan khác trong một tháng phải đệ trình kế hoạch đánh bại IS. TT Trump gặp riêng Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trước hôm 20/3. Lực lượng chính phủ Iraq được hậu thuẫn bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu chiếm lại một số thành phố ở Iraq từ tay IS năm ngoái và giải toả thành phố miền đông Mosul. Thông cáo từ Tòa Bạch Ốc sau cuộc họp nói rằng Tổng thống Trump và Thủ tướng Abadi quả quyết “Chủ nghĩa khủng bố không thể bị tiêu diệt chỉ bởi sức mạnh quân sự” và hai nhà lãnh đạo kêu gọi siết chặt quan hệ thương mại hơn nữa.
Trong một diễn biến khác, dù các nhóm nhân quyền chỉ trích ông Trump kỳ thị Hồi giáo, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu các đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn cầu phải xem xét các tài khoản trên mạng xã hội của những người xin visa vào Mỹ bị tình nghi có liên hệ khủng bố hay từng sinh sống trong những khu vực bị nhóm Nhà nước Hồi giáo kiểm soát. Đương đơn đủ điều kiện được cấp visa, nhưng có những yếu tố trong danh sách đó thì cần phải bị rà soát kiểm tra thêm và có thể bị khước từ visa.
Như đã biết quân khủng bố không từ quốc gia, dân tộc nào. Mục đích tối hậu của quân khủng bố là làm cho dân chúng khiếp sợ để củng cố tuyên truyền cuồng tín, chánh trị chuyên chính của họ. Chống khủng bồ hữu hiệu là bình tĩnh không sợ chúng, và đoàn kết đập chúng tơi tả, làm cho chúng sợ. Chúng khủng bố bằng một vài người, ta phản công, tấn công lại chúng bằng cả biển người, bằng chiến tranh toàn dân, toàn diện bao vây, trấn áp họ và tình báo nhân dân làm kính chiếu yêu đào tận gốc, trốc tận rễ họ. Như trường hợp 5 triệu công dân Pháp, 50 lãnh đạo các nước cùng tổng thống Pháp, và cả mấy chục nước trên bày tỏ tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và dũng cảm chống quân khủng bố sau vụ tấn công thảm sát nhắm vào tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo, vào các nhân viên cảnh sát và vào một siêu thị Do Thái ở thủ đô Paris.
Mỹ, Anh, Pháp cùng nhân dân và chánh quyền của các nước văn minh, chánh trực đều đồng ý nhứt quyết phản công, làm cho khủng bố phải sợ. Nhứt là Mỹ nước bị quân khủng bố tấn công đầu tiên hồi năm 2001. Mỹ quyết chiến, quyết vào sào huyệt đem quân khủng bố ra trước ánh sáng công lý, sống hay chết, theo lời nguyền của TT Bush.
Tiêu biểu, tin truyền hình của C-Span phỏng vấn nữ trung úy Heather Penney, thuộc binh đoàn phòng vệ Quốc gia của Washington DC và một nam đại tá. Hai sĩ quan phi công này nhận lịnh phải cất cánh hoả tốc 2 F16, máy bay không gắn kịp hoả tiễn. Biết mình không có vũ khí cần thiết để hạ máy bay nên cả hai quyết định dùng máy bay của mình làm hỏa tiễn. Hai người đồng ý máy bay của đại tá đâm vào buồng lái và máy bay của trung úy đâm vào đuôi máy bay nào không nghe lịnh tránh xa thủ đô Mỹ. Mục đích đâm vào đầu và đuôi là hy vọng giảm bớt nguy cơ cho hành khách thuờng ngồi ở giữa.
Nhưng những hành khách Mỹ và phi hành đoàn của chiếc máy bay 93 của Mỹ bị không tặc hành động anh hùng trước. Những người Mỹ này đã khống chế không tặc và máy bay rớt chết hết ở một cánh đồng TB Pennsylvania. Qua thời TT Obama, toán SEAL 6 đã đột kích bắn chết trùm khủng bố Bin Laden của al Qaeda.
Quân khủng bố giết người, phá hoại tài sản, gây tiếng nổ làm cho người khác khiếp sợ để củng cố tuyên truyền của họ. Kinh nghiệm sống còn của Con Người chánh trực trước bọn cuồng sát, cuồng tín khủng bố ấy, là phải chống khủng bố một cách cương quyết, đoàn kết, dũng cảm, tin tưởng vào chánh quyền, quân đội và các lực lượng an ninh. Người dân phải ý thức, phải hy sinh chút ít tự do cá nhân, nhượng một chút dân quyền để chánh quyền rộng tay và mạnh tay với quân khủng bố thường “chém vè”, lẫn lộn, trà trộn trong dân và lấy dân làm bình phong che chở cho chúng và làm mục tiêu khủng bố cho chúng.
So tương quan lực lượng, quân khủng bố không có nghĩa lý gì cả đối với lực lượng an ninh, tình báo của một quốc gia, thậm chí đối với một địa phương. Không có vụ khủng bố nào trên thế giới không bị lực lượng an ninh bắt bớ hay tiêu diệt, sớm muộn, trước hay sau thôi.