Lương Văn Can tự là Ôn Như, sinh năm 1854 tại Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), con của ông Lương Văn Tích. Thuở nhỏ học ở trường Ba cụ Tú trong làng, về sau học trường Cụ cử Nguyễn Huy Đức.
Năm 17 tuổi, ông đỗ khóa thi Hương, đến năm 21 tuổi đỗ Cử nhân, vì thấy nhà cầm quyền thối nát nên ông không muốn làm quan, ra Hà Nội dạy học. Sau đó, ông liên kết với những sĩ phu yêu nước lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục và được cử làm Thục trưởng.
Căn nhà của ông ở phố Hàng Đào được dùng làm trường học. Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Hán lẫn chữ Pháp. Chương trình học của Đông Kinh Nghĩa Thục, ngoài các kiến thức thuộc dạng khoa học phổ thông, còn có các bài học về lịch sử Việt Nam và thế giới,cùng với nhiều bài giảng về tư tưởng dân chủ, dân quyền, dân sinh.
Đặc biệt, trường còn tổ chức các cuộc diễn thuyết và in ấn phổ biến thơ văn đề cao lòng yêu nước, tinh thần phục vụ, hô hào chấn hưng kinh tế, dùng hàng nội hóa… Không những là người sáng lập, ông còn là một giáo viên từng biên soạn nhiều bài giảng, điển hìnhnhư Nam quốc Địa ca, Bố y thư (khuyên dân chúng dùng vải nội hóa).
Những việc ông làm được nhiều người, nhất là sĩ phu yêu nước nhiệt liệt hưởng ứng. Tiếng tăm của trường ngày càng lan nhanh, số học viên sau vài tháng đã lên đến vài ngàn.
Lo sợ trước sự phát triển của Đông Kinh Nghĩa Thục và nhất là mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường và phong trào chống Pháp lúc đó,nên thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa trường, đồng thời khủng bố tinh thần yêu nước bằng cách bắt giam một số giáo viên và học viên. Cụ Lương Văn Can cũng nhiều lần bị cảnh cáo, nhưng nhà cầm quyền thực dân không có lý do để bắt ông và vì ông đã lớn tuổi, cũng như chủ trương bất bạo động của ông.
Đến năm 1914, nhân vụ ném lựu đạn ở khách sạn Hà Nội, nhà cầm quyền ra lệnh bắt cả trăm người, trong đó có ông và kết án ông 10 năm biệt xứ, lưu đày sang Nam Vang, Miên. Ông bị giam ở Nam Vang hơn 7 năm, sau đó được giảm án và trở về Hà Nội vào ngày 25/11/1921.
Trở về Hà Nội, ông mở trường Ôn Như dạy học, chuyên tâm soạn sách. Trong thời gian ở tù tại Nam Vang và thời gian dạy học tại Hà Nội, ông soạn được những bộ sách tựa đề: Quốc sư phạm lịch sử, Hán học tiệp kính, Hán tự quốc ân, Âu học tùng đàm, Gia huấn, Thương học phương châm… Ông là một trí thức được nhiều người xem trọng, khi cụ Phan Chu Trinh ra Hà Nội vận động cho cuộccách mạng chống Pháp cũng đến tham khảo ý kiến của ông. Khi có dự định ứng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng từng ra Hà Nội trao đổi với ông về tình hình chính trị.
Ông qua đời tại Hà Nội ngày 13/6/1927, hưởng thọ 73 tuổi. Trước khi mất, ông đã nhờ một nhà in, in hàng ngàn mảnh giấy có 6 chữ “Bảo quốc túy, tuyết quốc sĩ” (giữ tinh hoa của nước, rửa nhục cho nước) để phân phát cho đồng bào.
* * *
Ngay từ thời trai trẻ, cụ Lương Văn Can đã tỏ ra khí phách khi một vị thầy cũ theo cách mạng bị xử chém, bêu đầu ở Phủ Hoài. Các môn đồ của người thầy này sợ bị liên lụy, không ai dám xin thi hài về chôn cất, chỉ có cụ Lương dâng sớ xin được chôn cất, được triều đình nhà Nguyễn cho phép và khen Cụ là người nghĩa khí.
Mặc dù chỉ là một hiệu trưởng, nhưng tên tuổi của cụ Lương luôn được các thế hệ con cháu nhắc đến một cách trang trọng vì tư tưởng cách mạng của Cụ. Đến nổi nhà cầm quyền Pháp đã phải khẳng định Đông Kinh Nghĩa Thục là một lò phiến loạn ở Bắc Kỳ.
Nhắc đến cụ Lương là phải nhắc đến lời dặn dò con cháu trước khi mất, phải “Gìn giữ tinh hoa, rửa nhục nước”. Lời dặn dò đã nói lên khí khái và tinh thần yêu nước của Cụ.
Cụ Lương sinh ra trong thời kỳ “nước mất nhà tan”, hưởng ứng phong trào Đông Du, Cụ đã bỏ nhiều tâm huyết vào việc dạy dỗ học trò và soạn nhiều tập sách để nâng cao tinh thần yêu nước. Mặc dù những điều đó vẫn chưa đủ để giành độc lập cho dân tộc,nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận công lao và ảnh hưởng của Cụ đối với những nhà trí thức cùng thời. Mà ngược lại, nhiều thế hệ sau này vẫn luôn dành sự tôn kính cho Cụ và thế hệ sĩ phu yêu nước vào đầu thế kỷ 20.
Điều đáng buồn là 72 năm trôi qua, trong khi đất nước không thiếu những bậc sĩ phu yêu nước như cụ Lương, nhưng các sĩ phu yêu nước này không được nhà cầm quyền cộng sản trọng dụng, thậm chí là bị thủ tiêu hoặc trù dập cho đến chết chỉ vì từ chối cộng tác với chế độ phi nhân. Hậu quả là đất nước Việt Nam ngày nay không những bị xem là một nước nhược tiểu, kém cả Lào - Miên, mà còn bị thế giới nhìn nhận là một dân tộc kém văn minh, thể hiện qua trình độ thiếu văn hóa và phi dân chủ của nhà cầm quyền cộng sản VN!
Việt Thái