Đã vào tháng Tư, không còn bao lâu nữa là tới Ngầy Quốc Hận 30 tháng Tư, 1975. Quốc Hận là Quốc Hận. Quốc Hận là sự kiện lịch sử Ông Trời cũng không đổi được. Lịch sử sẽ vô ích nếu Con Người không vận dụng, nếu Con Người không nhớ để rút kinh nghiệm, để ôn cố tri tân. Để chống lại kẻ ác, để kẻ ác không thể tái diễn sai lầm tai họa cho quốc gia dân tộc nữa và cho Loài Người nữa. Nhớ và tưởng niệm vì thế là bổn phận của cá nhân và nghĩa vụ của xã hội trong dòng lịch sử, trên phương diện nhân sinh quan và vũ trụ quan.
Nên mạnh dạn dẹp qua một bên những lời khuyên giả đạo đức, thực dụng và lợi dụng, bảo “để quá khứ ra phía sau, hướng về tương lai phía trước”, của những đám tàn dư phản chiến, thiên tả Mỹ, những chánh trị gia thân Cộng thập thò đi đêm với CSVN. Những người CSVN mà Thượng nghị sĩ McCain có lần đi Hà nội đã nói đó là “bọn ác đã thắng” và đang thống trị Việt Nam. Những người CSVN đã từng tuyên truyền dối gạt, dụ dỗ nữ tài tử Jane Fonda ngồi lên và khen cây súng và các “chiến sĩ” của CS Bắc Việt đã bắn phi cơ Mỹ ở Hà nội để chụp hình tuyên truyền chống Mỹ, nhưng sau này hối hận, khóc trước những cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại VN.Và nhớ Ba Mươi Tháng Tư là Ngày Quốc Hận của quốc gia dân tộc VN, là cơ hội tưởng niệm, là bổn phận của người đi sau nhứt là thế hệ trẻ sanh sau Chiến tranh VN nhớ những người đi trước, nhớ và tìm hiểu những biến cố đã qua để rút kinh nghiệm. Ở Âu Châu, nhơn cơ hội kỷ niệm 60 năm ngày được giải thoát ra khỏi gông cùm Hitler và Đức Quốc Xã, lớp trẻ nhớ 6 triệu người Do Thái đã bị Đức Quốc Xã diệt chủng bằng lò thiêu và bằng nhiều hình thức khủng bố đen, trắng, xám trong Đệ Nhị Thế Chiến. Thảm kịch trần gian ấy được các nước Âu Châu kể cả Đức Quốc chánh thức ghi và đem vào chương trình môn lịch sử bó buộc học ở các trường trung tiểu học - gọi là Holocaust hay Shoah.
Ở Mỹ cũng thế, người Mỹ đem vào chương trình học sử của trung tiểu học để thường xuyên nhắc nhở cuộc Nội Chiến vì lý do nô lệ Da Đen thời Hoa kỳ còn non trẻ, Con Đường Nước Mắt chánh quyền Mỹ cưỡng bức dời cư người Da Đỏ thời Viễn Tây, lập khu tập trung cấm cố người Nhựt thời Thế Chiến 2. Để tuổi trẻ đừng quên – lớp trẻ có bổn phận nhớ vì đó là môn thi ở trường lớp.
Chẳng những giáo dục ở trường lớp mà còn tổ chức du khảo, cho sinh viên học sinh thăm Trại Tập Trung Auschwitz ở Ba Lan, để tận mắt thấy những lò thiêu, thấy những hành động dã man, tàn ác và dối trá mà con người Đức Quốc Xã đối với người Do Thái. Nhiều học sinh, sinh viên nam nữ, đứng chết trân hoặc hét lên kêu Thượng Đế khi thấy hình ảnh hàng ngàn người mẹ Do Thái mình không quần áo, tay bồng con, đứng chờ đi vào chỗ chết mà tưởng đi tắm vì nghe “quản giáo” bảo xếp hàng để đi tắm.
Làm như thế người Âu Châu lẫn người Mỹ chánh yếu muốn thảm cảnh trần gian diệt chủng đừng tái diễn trong hiện tại và tương lai nữa. Làm thế là để giúp cho đàn hậu tiến có những thông tin, những dữ kiện đầy đủ để biết rõ một lãnh tụ độc tài bịnh hoạn như Hitler, một ý thức hệ phi nhân như Đức Quốc xã đã giết người hàng loạt, giết hàng triệu lương dân chết oan uổng. Để từ đó đàn hậu tiến thấy có nhiệm vụ ngăn chận thảm cảnh trần gian, tránh sai lầm của chế độ.
Thì thế hệ trẻ Việt trong ngoài nước, nhất là ở Mỹ có bổn phận phải nhớ. Nhớ phụ huynh mình, gần 300.000 quân dân cán chánh VN Cộng Hòa, do Ủy Ban Quân Quản của CS Hà Nội gọi trình diện “học tập cải tạo” trong vòng một tháng để bị đày đi tù biệt xứ và lao động khổ sai hàng chục năm mà không có xét xử.
Rất cần nhớ một lãnh tụ như Ô. Hồ Chí Minh và một đảng như Đảng CSVN đã gây vô vàn đau thương, tang tóc, máu đổ thịt rơi, mồ hôi nước mắt cho hàng triệu đồng bào Việt suốt nửa thế kỷ. Theo cuốn “Hắc Thư về Cộng sản” của nhà sử học Stephane Courtois, tội ác giết người của Cộng sản Đệ Tam tính ra hàng trăm triệu. Và Ô. Hồ chí Minh trong thành tích diệt chủng Việt, tính ra còn cao hơn Paul Pot, Mao Trạch Đông và Staline cộng lại nữa. 1 triệu người Việt Miền Bắc phải di cư tỵ nạn CS vào Nam năm 1954. Gần 4 triệu tỵ nạn CS ra khỏi nước, trong đó 1 triệu dùng thuyền nan vượt đại dương đến bến bờ và nửa triệu làm mồi cho cá. Cả thế giới bàng hoàng, lương tâm Loài Người chấn động, rụng rời tay chân. Toàn dân Việt rúng động. Thảm kịch này chưa xảy ra lần nào trong lịch sử 4.000 năm của nước nhà VN. Chưa xảy ra suốt ba lần Bắc Thuộc, một lần Pháp Thuộc... Và cũng chưa thấy lần nào trong lịch sử thế giới với qui mô lớn như vậy. CS Nga, Tàu, Đông Âu, Cuba, không có nước nào làm cho dân phải vượt biên tỵ nạn CS đông như vậy.
Lớp trẻ có bổn phận nhớ nếu không có những thân nhân là quân dân cán chính VNCH dẫn theo trên đường tỵ nạn CS và định cư ở Mỹ, thì dù đậu tiến sĩ đôi ba bằng nếu không có gia đình là quân dân cán chính VN, không phải là con cháu HO, con cháu thuyền nhân cũng không thể được định cư ở Mỹ, được hưởng nhiều cơ hội tiến thân trăm lần hơn những bạn đồng trang lứa còn kẹt sống trong chế độ CSVN.
Thế mà gần đây CS Hà Nội và một số nhà chánh trị thiên tả, thực dụng và lợi dụng và một số tài phiệt siêu quốc gia ở Mỹ, lớn tiếng kêu gọi bỏ quá khứ ra phía sau và nhìn tương lai phía trước.
Những người đó vì quyền lợi riêng tư, phe đảng đã giả đạo đức, đã tung hỏa mù. Một mặt để thế hệ trẻ Mỹ Việt xem thảm cảnh diệt chủng của CS ở VN suốt nửa thế kỷ như không có. Mặt khác để chụp mũ “nặng quá khứ nên quá khích” cho những người nhớ bài học lịch sử đau thương nhứt của người Việt.
Lịch sử Âu châu dài hơn lịch sử Mỹ. Người Âu Châu vì thế có nhiều kinh nghiệm đau thương với độc tài dưới mọi hình thức và với ý thức hệ phi nhân hơn người Mỹ. Giáo quyền độc tôn trên thế quyền thời Trung Cổ Đen Tối; Đức Quốc Xã; Cộng sản chủ nghĩa thời cách mạng kỹ nghệ đều xuất phát từ Âu Châu. Nên người Âu Châu chú trọng bài học lịch sử hơn. Người đi trước cảm thấy có nhiệm vụ truyền đạt kinh nghiệm đau thương cho lớp trẻ. Còn lớp trẻ cũng nhận thấy có “bổn phận phải nhớ” (devoir de mémoire) để ngăn chận lịch sử đen tối đừng tái diễn.
Người Việt Nam ở sát nước Tàu một người khổng lồ coi mình là Con Trời, coi các nước xung quanh là nhược tiểu, là man di, hễ có dịp là xâm lăng, thôn tính. Người Việt có kinh nghiệm lịch sử đau khổ còn hơn người Âu Châu nữa. Nên người Việt coi ôn cố tri tân là bổn phận. Kinh nghiệm đau thương nhứt và gần đây nhứt là kinh nghiệm CS.
Do vậy nhiều người lớn tuổi cảm thấy rất ấm lòng khi dầm mưa dãi nắng, chịu nóng, chịu lạnh, tham dự các cuộc biểu tình chống CS.
Ngày Quốc Hận người Việt không tiếc thì giờ và tiền bạc, chuẩn bị cả tháng trước trong việc tổ chức cả một chuỗi sinh hoạt công đồng, đoàn thể, tôn giáo tưởng nhớ Quốc Hận 30 tháng Tư. Không phải mới làm đây, mà làm suốt 42 năm rồi, làm liên tục và còn làm nữa vì đó là tình liên đới của các thế hệ, bài học ôn cố tri tân của con người trong dòng lịch sử.