Saturday 8 April 2017

DĐKTTG Khóa 21 Quân Y Hiện Dịch QLVNCH (1967 - 1974)

 

le man khoa 21 QYHD
Bạch Thế Thức & Phạm Anh Dũng    

       
Đời nhà binh của chúng tôi, những người thuộc khóa 21 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch không dài. Đa số gia nhập Quân Y khi còn là sinh viên y khoa năm thứ 1 hay thứ 2. Học qua hết học trình Y Khoa, các năm thứ 3, năm thứ 4, năm thứ 5 và năm thứ 6. Sau khi ra trường, chúng tôi có một thời gian ngắn học Hành Chánh ở trường Quân Y và thêm về Cấp Cứu Hồi Sinh ở Tổng Y Viện Cộng Hòa rồi cuối cùng ra đơn vị.

        Thời gian chúng tôi ở các đơn vị tác chiến hay bệnh viện khá ngắn. Chỉ có một hai tháng sau là đến mùa Xuân buồn 1975 khi các đơn vị của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa lần lượt giải tán hay tan hàng và cuộc đời quân ngũ của chúng tôi cũng chấm dứt.

         Ngược lại, thời gian khi là sinh viên quân y của chúng tôi thì dài hơn nhiều, ít ra là 5 năm hay 6 năm hoặc có vài trường hợp 7, 8 năm nếu là những người học lớp trước bị ở lại.

          Ở trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, chúng tôi những người của khóa sinh viên sĩ quan khóa 21 thuộc vào lớp Y Khoa 1968-1974, hay 1967-1974 nếu kể cả lớp Dự Bị Y Khoa. Chúng tôi đi học trường, thực tập bệnh viện, và có sinh hoạt khác y như những sinh viên dân sự y khoa. Nhưng ngoài ra lại thêm đời quân nhân đặc biệt của sinh viên quân y.

          Nếu những kỷ niệm khi ra đơn vị có nhiều chuyện đau buồn, cay đắng... muốn quên đi, nhưng khó mà quên được, thì những kỷ niệm đời sinh viên quân y thường là vui, thú vị... muốn nhắc nhở, để nhớ mãi...

          Tháng 11 năm 1968 là lúc bắt đầu sáu tuần lễ huấn nhục của người đầu tiên của khóa chúng tôi nhập ngũ. Đó là Nguyễn Quốc Anh, Trương Ngọc Hiền, Võ Dũng, Lê Huy Hòe, Mai Thanh Hồng, Nguyễn Đỗ Quan, Lê Văn Cẩm, Trần Duy Thanh, Tề Văn Tiếng, Trần Ngưu Tử, Nguyễn Phan Khuê, Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Tiến Dũng, Bạch Thế Thức... Tổng cộng đám vào lính kỳ này là 24 người chúng tôi. Lúc đó tất cả đang học lớp Y Khoa 1.

        Chúng tôi thường cứ nghĩ   là sĩ quan quân y chỉ sẽ có gian khổ khi ra trường lúc chiến đấu, còn lúc là sinh viên quân y thì chỉ tập tành quân sự chút ít mỗi mùa Hè, và trong năm thì giờ dành cho việc học.

          Nhưng sự thật không như vậy. Trường Quân Y là một trong ba trường sĩ quan hiện dịch của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hai trường kia là trường Sĩ Quan Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và trường Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị. Các trường Sĩ Quan Hải Quân và Sĩ Quan Không Quân đào tạo sĩ quan trừ bị như trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Tân Sinh Viên Quân Y ngoài sự huấn nhục thể xác và tinh thần ở trường Quân Y, chắc chắn không thể so với trường chuyên nghiệp quân sự Võ Bị Đà Lạt. Nhưng chúng tôi còn thêm sự lo lắng như những sinh viên Y Nha Dược ngoài dân sự là vẫn phải đi học, học bài. Và nếu không thi đỗ thì bị ở lại lớp hay "ra trường sớm" tức là bị loại khỏi trường Y Khoa, nếu thi trượt hai lần.

          Trong sáu tuần lễ huấn nhục, ngày nào cũng vậy, sáng sớm chúng tôi thể dục, tập tành cả giờ đồng hồ rồi mới đi đến trường Y Khoa học và buổi chiều về lại một màn tương tự thêm vào môn cơ bản thao diễn nữa. Chưa hết vì còn buổi tối có những buổi "đặc biệt" lại xếp hàng ra học căn bản sơ khởi về quân sựù. Nghĩ lại thấy khá cực nhưng những ngày đầu tiên đó trong cuộc sống quân ngũ đã đưa đến tình đông đội gắn bó giữa chúng tôi.
          Sáu tuần huấn nhục với mồ hôi, bụi bậm rồi cũng qua đi.  Chúng tôi không phải tập nhiều ở trường Quân Y nữa và thì giờ sau đó để vào việc học, việc thi cử ở trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn.

          Chả mấy chốc thì đến Tết Mậu Thân 1968 với biến cố Mậu Thân, cuộc Tổng Tấn Công của Cộng Sản Việt Nam. Bao nhiêu là thành phố bị gây rối, tấn công. Sinh viên quân y được lệnh phải cấm trại. Khoảng thời gian đó, đa số chúng tôi sống ở ngoài trường Quân Y và chỉ có một số ít ở nội trú trong trường. "Quân y" được lệnh hì hục đem nón sắt, ba lô... vào trại tức là trường Quân Y để ứng chiến. Đêm Giao Thừa, nằm dưới lều vải, chúng tôi nhớ lại những cái Tết năm trước, thuở đất nước còn thanh bình, đời sống dân sự trong ba ngày tết thật là thú vị và hấp dẫn.  Mỗi đứa chúng tôi, không muốn nói ra cho nhau nghe bằng lời nói, nhưng đều cảm thấy có một niềm luyến tiếc những ngày đã qua. Nghe tiếng súng xa xa, nghe từ cái radio nhỏ chạy pin một ca sĩ hát bài Phiên Gác Đêm Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông "Đón giao thừa một phiên gác đêm. Chào Xuân đến súng sa vang rền. Xác hoa tàn rơi trên báng súng...". Thấy sao mà thấm thía cho cuộc đời lính tráng.

          Tháng 3/69, toàn thể trường Y Khoa Sài Gòn đều ngỡ ngàng trước cái chết bất ngờ của thầy Trần Anh. Năm thứ I Y Khoa đánh dấu bằng  chuyện đau lòng này. Giáo Sư Thạc Sĩ Trần Anh, một bác sĩ rất giỏi chuyên về Cơ Thể Học, đang đảm nhiệm chức Viện Trưởng Viện Đại Học Sàigòn, ngoài chức Trưởng Khu Cơ Thể Học Viện của Đại Học Y Khoa. Thầy Anh bị ám sát trong khi đi bộ từ trường Y Khoa về nhà gần Đại Học Xá Minh Mạng. Lúc đó không ai biết rõ lý do. Mãi về sau này, sau 1975 mới rõ là ông bị Việt Cộng hãm hại.

          Vì thầy Trần Anh là giáo sư hướng dẫn cho  Lớp Y Khoa 1 nên chúng tôi được cử đứng ra tổ chức tang lễ. Trung Đội 1 Quân Y gồm những sinh viên quân y của Y Khoa 1 được chỉ định đứng gác bên linh cữu thầy. Chúng tôi, với quân phục trận chỉnh tề thêm mũ beret tím than và khăn quàng cổ đỏ cứ từng cặp hai người thay phiên nhau đứng gác cho mãi đến giờ động quan. Đám tang thầy Anh được tổ chức thật trọng thể và cảm động với hàng trăm người tham dự. Biết bao nhiêu là vòng hoa được đem đến thăm viếng luyến tiếc người quá cố.

          Trở về đời sống quân sự của sinh viên quân y. Thật ra cũng rất giản dị.

          Chúng tôi đi học ở trường Y Khoa Sài Gòn hay các bệnh viện ở Sài Gòn như những sinh viên Y Khoa dân sự (thường gọi là "dân y" để phân biệt với "quân y" chúng tôi). Nhiều bạn sinh viên quân y vẫn mặc quần áo "dân sự" đi học ở trường Y Khoa Sài Gòn thành có vẻ không khác gì đám "dân y" ở ngoài. Chỉ có khác họ rõ ràng là tóc cắt rất cao và thật ngắn.

          Trong cả cuộc đời sinh viên quân y ngoại trừ lúc có lý do như ốm đau, đi nghỉ phép...mỗi sáng thứ Hai "quân y" phải mặc quân phục, đeo khăn đỏ đi sớm vào trường Quân Y để làm lễ chào cờ hàng tuần và nhận chỉ thị. Anh nào quên lễ chào cờ thì bị phạt trọng cấm. Ngoài ra thỉnh thoảng có những buổi phải vào tập họp bất thường ở trường Quân Y vì có chuyện như là lễ ra trường của khóa đàn anh, lễ gắn alpha của khóa đàn em...

         Sinh hoạt khác của trường Quân Y là những chuyến đi Dân Sự Vụ để khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào tị nạn tại các trại định cư. Chúng tôi còn nhớ mỗi lần đi công tác như vậy, các sĩ quan cán bộ của trường Quân Y "dậy bảo" đại khái như sau: "Thuốc của Quân Đội rất dễ dùng, thứ nào cũng thế, ngày đều uống bốn lần, mỗi lần một viên. Trẻ con thì chia đôi phân lượng mà cho". Chuyện khó tin nhưng có thật!

          Về việc huấn luyện quân sự, vào mùa hè chúng tôi phải đi đến các trường huấn luyện quân sự. Những khóa trước thì được cử đi Trường Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Đến lượt chúng tôi thì Trường Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và rồi Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, chỗ huấn luyện Tân Binh Quân Dịch, là nơi học quân sự. Chỉ cần đi hai lần, mỗi lần sáu tuần, là "xong cái nợ" quân sự của đời sinh viên quân y.

           Mùa Hè 1969 sau khi thi lên lớp khóa 1, một số khá đông chúng tôi được đưa ra Trường Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức để thụ huấn sáu tuần lễ về quân sự. Chúng tôi đa số đã "nếm mùi quân trường" thành cũng không ngỡ ngàng nhiều. Năm trước đó ở lớp Dự Bị Y Khoa, hầu như tất cả đã tham dự chương trình Quân Sự Học Đường và do đó đã có đi học quân sự  bốn tuần lễ ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung . Lại vẫn chỉ có tội nghiệp cho những bạn không đậu hết các môn học, nhưng vẫn muốn đi học quân sự cho bớt được "một cái nợ", phải đem sách vở Y Khoa ra học để sửa soạn cho khóa 2.

          Cuối năm 1969, có thêm 36 người của lớp Y Khoa 1967-1974,  gia nhập Quân Y. Chúng tôi còn nhớ kể ra được Vũ Đức Giang, Phạm Hồng Hải, Phan Thanh Hải, Đoàn Trung Bửu, Nguyễn Phong Nghi, Nguyễn Văn Thịnh, Trịnh Nhật Toản, Nguyễn Văn Như, Nguyễn Văn Công, Lê Vĩnh Thịnh, Nguyễn Minh Huấn, Phạm Anh Dũng...

          Những bạn bè vừa kể tên họp với 24 người nhập trường Quân Y năm trước và một vài người học lớp trước ở lại như Nguyễn Tài Mai, Vũ Ngọc Tuấn, Bùi Ngọc Sĩ... cũng là sinh viên sĩ quan tốt nghiệp Khóa 21 Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch ra trường năm 1974. Chỉ có một số rất nhỏ, một hai người gì đó, thi trượt cuối năm bị ở lại lớp sau.

          Những bạn ký giấy vào lính năm 1969 thì đặc biệt được "hưởng" thời gian huấn nhục dài hơn, tám tuần lễ thay vì sáu như năm trước. Chương trình huấn nhục bắt đầu vào tháng 1, 1970. Những năm trước cũng có thời gian huấn nhục nhưng cũng không đến nỗi khắt khe lắm. Khóa này thì đặc biệt  có nhiều đàn anh quân y với lý tưởng mạnh và lòng nhiệt thành. Họ muốn huấn luyện chúng tôi thành những sĩ quan nòng cốt cho ngành Quân Y trong tương lai. Và chỉ khổ cho đám Tân Sinh Viên phải hít đất, chạy... nhiều hơn! Phải công nhận đó là "những tuần lễ của mồ hôi và đôi khi của nước mắt". Vài ông đàn anh rất là "sắt máu", phạt đàn em liên miên. Đám sinh viên quân y mới bị "hành hạ" vô tội vạ và có vẻ bất mãn. Ba người là Vũ Đức Giang, Nguyễn Minh Huấn và Phạm Anh Dũng đã bực mình đến nỗi đứng ra khỏi hàng để đòi "rời khỏi quân đội". Cả ba đều bị một đêm phạt dã chiến như cái "mền" nhưng đến sáng ra vẫn "giữ vững lập trường". Vụ này lúc đầu làm lúng túng cả ban sinh viên cán bộ, nhưng sau cũng được giải quyết êm đẹp. Chúng tôi được các đàn anh giải thích là vì muốn các tân sinh viên sĩ quan trong thời gian huấn nhục hãy cố quên đi cá nhân mình và chỉ nên nghĩ đến tập thể, quân đội, quốc gia... Thế rồi "ba ông bất mãn" Giang, Huấn và Dũng cũng lại "trở vào hàng ngũ quân đội" "một cách nhẹ nhàng."

          Những tuần lễ huấn nhục của Tân Sinh Viên cũng qua đi, trở thành những kỷ niệm thú vị không bao giờ quên. Đêm lễ gắn alpha và buổi văn nghệ mãn khóa lúc kết thúc tám tuần huấn nhục.

          Mùa Hè 1970, một lần nữa chúng tôi một số lại hành trang đi Thủ Đức để được huấn luyện sáu tuần lễ về quân sự. Cuộc sống quân trường cũng tương tự như năm trước thôi. Một lần nữa những bạn chưa hoàn tất cuộc thi khóa 1 mà vẫn muốn xong bớt nợ huấn luyện quân sự là lo lắng.

          Một chuyện đáng nhớ là lúc sinh viên sĩ quan quân y tham dự cuộc Diễn Binh  của ngày Quân Lực 1971 tại Đại Lộ Thống Nhất. Đây là lần đầu tiên từ lúc chúng tôi nhập ngũ có sinh viên quân y tham dự diễn binh. Chúng tôi mỗi ngày đều đặn phải tập dượt, sửa soạn hàng tháng trước để đi cho đúng, cho đều, cho đẹp... Vũ Ngọc Tuấn là một sinh viên quân y cùng khóa nhưng đặc biệt rất giỏi về cơ bản thao diễn và được cử làm một trong những huấn luyện viên. Ngày Quân Lực năm đó, đội hình sinh viên quân y gồm 150 người mặc Đại Lễ Phục áo trắng tinh, quần đỏ có nẹp đen. Thật đúng là:"Quần chàng đỏ tựa ráng phai. Áo chàng sắc trắng như là tuyết in". Các sinh viên quân y sau đó đã hoàn thành cuộc diễn hành một cách khả quan. Toán diễn hành sinh viên quân y được chấm điểm, xếp hạng khá cao trong số rất nhiều đơn vị cử người về biểu diễn.

          Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 xẩy ra khi chúng tôi đang học năm thứ Tư Y Khoa.

          Lệnh Tổng Động Viên được chính phủ ban hành. Nhiều bạn "bên dân y" gặp khó khăn, phải "xếp bút nghiên theo việc đao cung" giã từ trường Y Khoa Sài Gòn để nhập ngũ.

          "Phía quân y" chúng tôi một số được cử ra miền Trung cứu trợ Y Khoa cho các nạn nhân chiến tranh vì cuộc chiến bùng nổ lớn ở miền Trung. Dân Quảng Trị chạy giặc vào tạm trú hàng chục ngàn người ở những trại tỵ nạn xung quanh Đà Nẵng. Tình trạng y tế của các trại tỵ nạn rất nghèo nàn. Không đủ y sĩ để săn sóc dân và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải nhờ đến các sinh viên quân y giúp. Những người đi tăng phái miền Trung như Nguyễn Trọng Nghĩa, Đoàn Trung Bửu, Phạm Anh Dũng... được cử ra miền Trung để giúp vào việc lo y tế cho đám dân tỵ nạn vài tháng. Đối với đời sinh viên quân y thì chuyến đi có những lo lắng, nhưng cũng thật thú vị và hồi hộp. Có điều đáng tiếc là vì thiếu sự phối hợp của các viên chức ở địa phương và thiếu yểm trợ tiếp liệu, các sinh viên sĩ quan quân y không được tận dụng đúng mức hay đúng chỗ.

        Các sinh viên quân y đi ra miền Trung hơi có cảm giác lạc lõng bị bỏ quên. Chúng tôi lang thang ở những trại tỵ nạn và làm việc với những phương tiện bị giới hạn tối đa.

        Sau khi đám sinh viên quân y ở Đà Nẵng được vài tháng, tại Sàigòn Y Sĩ Đại Tá Nhẩy Dù Hoàng Cơ Lân về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y thay Y Sĩ Đại Tá Hải Quân Phạm Vận. Đại Tá Lân là một người đầy nhiệt huyết và thanh liêm có tiếng. Tính tình ông nóng nẩy, nhưng thẳng thắn và ông rất được kính nể trong ngành Quân Y. Đại Tá ra lệnh cho tất cả về lại Sàigòn để tiếp tục việc chính là học Y Khoa. Theo quan niệm của ông, vấn đề quan trọng nhất trong việc đào tạo sĩ quan quân y giỏi là sinh viên quân y phải nghĩ đến chuyện học trước hết. Chuyện chữa bệnh cho dân tị nạn để cho người khác và chính phủ lúc này đã xoay sở lấy được.

          Cũng vì Đại Tá Lân về trường Quân Y nhiều chuyện thay đổi. Bộ Chỉ Huy, Ban Sĩ Quan Cán Bộ Sinh Viên của trường được thay đổ hoàn toàn.  Vì là "gốc" Nhẩy Dù nên Đại Tá Hoàng Cơ Lân hơi có ý thiên vị cho binh chủng này và có lẽ chính ông đã  tuyển lựa nhiều sĩ quan Nhẩy Dù về trường Quân Y, Y Sĩ  như Trung Tá Vũ Khắc Niệm, Thiếu Tá Hoàng Ngọc Giao, Thiếu Tá Lê Văn Châu, Đại Úy Đường Thiện Đồng..., Dược Sĩ như Đại Úy Trần Mạnh Anh... đa số giữ những chức vụ huấn luyện cho đám sinh viên quân y. Thật sự đây là điều  tốt vì những vị này phần lớn đều khá và xứng đáng được làm gương.

          Về vấn đề y phục ông Tân Chỉ Huy Trưởng ra lệnh cho tất cả sinh viên quân y phải đổi sang mặc kaki vàng, đội mũ nồi tím than, đeo lon sinh viên sĩ quan mầu đỏ ở cầu vai. Các sĩ quan cán bộ, quân nhân cơ hữu của trường Quân Y vẫn mặc quân phục trận mầu xanh. Có điều hơi lạ là ông Lân lại cho phép chỉ chính ông  được mặc quần áo nhẩy dù đội nón đỏ,  dù ông chẳng có còn làm việc ở binh chủng nhẩy dù nữa.

          Đại Tá Lân lại để ý đến sinh viên từ những chuyện tầm thường nhất như đi đứng, ăn uống... cho đến những chuyện quan trọng thi cử, học hành...Chính ông thường bất thần xuống khu nội trú xem xét đời sống sinh viên hầu như mỗi ngày. Chúng tôi có cảm tưởng khác nhau nhiều về vị chỉ huy trưởng mới. Có người nghĩ ông coi các sinh viên quân y như là những em nhỏ của chính ông cần săn sóc cho thành người tốt và chuyện ông làm là đúng. Có người nghĩ giản dị cho là ông đã sai lầm "xâm phạm" vào tự do cá nhân của các sinh viên một cách quá đáng. Nhưng đúng hay không thì ai cũng đành phải chịu thua thôi, vì ông vẫn là "xếp lớn."

          Khu nội trú cho sinh viên quân y được chính thức thành lập và sinh hoạt như một trại lính. Trước đó thì vấn đề nội trú chỉ là tự ý, ai muốn ở trong hay ở ngoài trường Quân Y cũng được và chả mấy ai muốn vào trường ở cả. Nhưng từ lúc đó, ngoại trừ những người lập gia đình có vợ con, tất cả sinh viên quân y phải nội trú bắt buộc trong trường Quân Y để tập quen với đời lính. Có bạn vì không muốn ở nội trú đã làm giấy giá thú trước khi thật sự lấy vợ để được tự do ở ngoài. Và cũng nhân thể được thêm lương vợ!

          Chúng tôi bắt đầu một cuộc sống gò bó, có quy luật hơn và nhiều khi có vẻ quá máy móc. Những ngày tháng đầu tiên mọi người đều thấy khó chịu. Những giờ cơ bản thao diễn giữa nắng gắt buổi trưa, những lúc tập họp trên sân cờ muộn màng buổi tối , những buổi khám quân phục, giầy, tóc... là những "cực hình" cho đa số chúng tôi. Những quy tắc, kỷ luật chặt chẽ của quân đội có lẽ đã trở thành quá đáng, quá hình thức không hoàn toàn thích hợp với cuộc sống đặc biệt của các sinh viên Y Dược Nha. Tuy vậy dần rồi chúng tôi cũng quen đi tuy nhiều khi vẫn cãm thấy bực bội, mất tự do.

          Dạo đó buổi tối, sinh viên quân y mỗi người đều phải tham dự hai giờ đồng hồ ngồi học, gọi là "étude surveillé". Tám giờ tối, một hồi chuông reo, mọi người đã mặc quần áo đàng hoàng ngồi vào bàn học một cách yên lặng. Trước mặt mỗi người phải có một quyển sách. Ngồi học chứ không được nằm học hay đứng học.  Sĩ quan cán bộ và nhiều khi cả ông Lân cũng tới lui, đi lại kiểm soát. Sinh viên nào không nghiêm chỉnh sẽ được gửi đi "nghỉ mát" ở Tổng Tham Mưu. Tuy vậy chỉ là vấn đề hình thức vì các sinh viên quân y dĩ nhiên đọc sách hay nghĩ vớ vẩn thì cũng chả ai biết được. Thật tình mà nói, đa số chúng tôi đều không học được nhiều trong giờ học bắt buộc này vì cảm thấy bị mất tự do. Đúng mười giờ tối một hồi chuông khác reo lên và buổi học chấm dứt. Mọi người lại trở về sinh hoạt tự do. Nghĩa là ăn uống, hát, cãi nhau, ngủ, mặc "áo thung" hay quần đùi... và đây mới là giờ phút sinh viên quân y cảm thấy thoải mái. Lúc này thì nằm hay đứng học cũng được và học được nhiều hơn! Phải có tự do mới học được chứ!

          Thế rồi có một dạo, ba bốn ngày liền khu nội trú sinh viên quân y tối nào cũng bị cúp điện vào khoảng tám giờ tối. Mất điện thì làm sao "étude surveillé"? Bộ chỉ huy nhà trường đã tổ chức một cuộc "bố ráp" chớp nhoáng tại khu nội trú. Họ tịch thu hàng chục dụng cụ dùng điện như bàn ủi, nhất là rất nhiều dây điện trở để nấu nước sôi. Sau buổi "bố ráp" đó một vị sĩ quan của trường, ông Y Sĩ Đại Úy Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Sinh Viên Quân Y lấy làm đắc ý tuyên bố đại khái rằng: "Từ nay nếu còn việc mất điện trong khu nội trú, cứ việc chặt đầu tôi đi!". Và... đúng tám giờ tối ngày hôm ông tuyên bố câu nói "rùng rợn" đó, khu nội trú lại bị mất điện! Và cũng thật kỳ lạ, vì đó là lần sau cùng khu nội trú bị cúp điện.

          Đại Tá Hoàng Cơ Lân có rất nhiều ý kiến mới lạ khác áp dụng vào việc huấn luyện sinh viên. Có những ý kiến dở, không thực tiễn như chuyện "étude surveille"ù nhưng cũng có những điểm hay.

          Ông lập võ trường cho sinh viên tập Nhu Đạo và có hai Y Sĩ Thiếu Tá Lê Trọng Tín và Đỗ Danh Thụy hướng dẫn. Ông còn ra lệnh tổ chức những buổi nói chuyện cho sinh viên mở rộng kiến thức. Một số nhân vật nổi tiếng được mời thuyết trình. Nhà văn Hoàng Hải Thủy diễn thuyết về "Y Sĩ và Văn Nghệ", linh mục Thanh Lãng nói chuyện về "Văn hóa dân tộc và vấn đề Hùng Vương"...  là các vấn đề tổng quát, văn học nghệ thuật. Về chuyên môn Y Khoa có các  Bác Sĩ  Giáo Sư Hoàng Tiến Bảo, Giảng Sư Trần Xuân Ninh, Đinh Hà... dậy giảng. Và còn có nhiều diễn giả là đàn anh quân y của chúng tôi đã ra trường như các Y Sĩ Đại Tá Văn Văn Của, Thiếu Tá Trần Xuân Dũng...  nói chuyện, truyền kinh nghiệm.

          Ngày 19 tháng 6 năm 1973, Tiểu Đoàn Sinh Viên Quân Y lại tham dự lễ diễn binh Ngày Quân Lực. Năm đó cuộc diễn binh tổ chức ở trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Đội diễn hành là đa số sinh viên hai lớp "lớn" nhất trong trường, những người sau tốt nghiệp Khóa 20 và 21 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch và một số sinh viên đàn em. Trong lần tham dự diễn binh này phái đoàn trường Quân Y đã gặp vài khó khăn và đã không thành công như lần trước.

          Cuộc sống trong khu nội trú quân y sau này cũng được cải thiện dần dần nhất là sau khi Khóa 20 Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch ra trường và là lúc Khóa 21 trở thành khóa đàn anh lớn nhất ở trong trường. Chúng tôi đã "tranh đấu" tích cực hơn và do đó có kết quả hơn. Những sinh hoạt quá hình thức và đôi khi có vẻ phô trương được bãi bỏ. Những buổi “étude surveillé” được bãi bỏ hẳn. Những buổi tập cơ bản thao diễn được giảm thiểu tối đa. Những lúc khám quân phục, khám tóc tai cũng bớt đi rất nhiều. Nhất là những ngày gần kỳ thi thì hầu như không có những hoạt động như vậy. Cuộc sống nội trú của sinh viên quân y sau này rõ ràng thoải mái, dễ chịu hơn trước nhiều.

           Có điều thấy rõ là khi sống chung với nhau tình cảm giữa các sinh viên quân y đối với nhau trở thành gắn bó hơn. Đó là một điểm son của đời sống nội trú.

         Một thành công đáng kể của anh em quân y khóa chúng tôi là khi một số chúng tôi tham dự kỳ thi tuyển Nội Trú Thực Thụ Bệnh Viện của trường Đại Học Y khoa Sài Gòn. Sau một thời gian gặp rắc rối kỳ thi tuyển Nội Trú Thực Thụ Bệnh Viện lại được tổ chức lại và có đến 15 người trong khóa quân y của chúng tôi thi đậu. Thủ khoa nội trú năm đó là Phan Thanh Hải. Những người trúng tuyển khác là Mai Thanh Hồng, Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Phan Khuê, Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Khánh Hỷ, Trần Ngưu Tử, Nguyễn chí Vỹ, Trần văn Cương, Bạch Thế Thức...

          Năm cuối cùng ở trường Quân Y là năm mà buổi tối đêm chúng tôi ít ở trong trường Quân Y nhất vì trực gác ở những bệnh viện nhiều hơn. Cũng năm này vài người trong số chúng tôi được đề cử phụ trách huấn nhục cho khóa đàn em mới vào. Và "lịch sử" lại tái diễn. Chúng tôi giờ là những đàn anh hò hét, phạt các Tân sinh viên Quân Y.
          Sau khi thi bệnh lý ở trường Y Khoa, Khóa 21 Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch làm lễ ra trường. Tại Vũ Đình Trường của trường Quân Y vào một ngày của tháng 12 năm 1974. Có 81 người được gắn lon cấp bậc Trung Úy trong đó có  8 Dược Sĩ, 5 Nha sĩ và 68 Y Sĩ Trung Úy.

          Sau đó chúng tôi được học về Hành Chánh là những buổi học về cơ cấu, tổ chức của quân đội, của cục Quân Y... và rồi về Cấp Cứu- Hồi Sức ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.

          Ngày 26 tháng 2 năm 1975, tất cả chúng tôi gặp lại nhau một lần nữa. Hôm đó là lúc chúng tôi chính thức chọn nhiệm sở và nhận giấy ra đơn vị. Sau khi tất cả chọn đơn vị xong, chúng tôi tập họp chụp tấm hình lưu niệm với Đại Tá Chỉ Huy Trưởng trước khi rời trường.

          Tấm hình đó là kỷ niệm cuối cùng có tất cả chúng tôi trước khi phân tán đi khắp bốn phương trời.

          Khóa 21 Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch là khóa Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y Hiện Dịch tốt nghiệp cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

          Ngày nay nhiều người còn ở Việt Nam, nhiều người lưu lạc khắp nơi trên thế giới.
          Và nhiều người nay đã không còn nữa...

Bạch Thế Thức và Phạm Anh Dũng
Tháng 10, 1996 / California, USA 


http://www.svqy.org/khoa21.html