Bìa hai tập Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa, EFEO, Paris.RFI / Tiếng Việt
Từ năm 1895 đến 1897, đại úy pháo binh Hải Quân Pháp Eugène Gibert giữ chức phó đô đốc pháo binh tại Huế, « trung tâm chính trị và tri thức của người An Nam ». Tại đây, vị sĩ quan Pháp được tiếp xúc trực tiếp và rất ấn tượng với truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), một tác phẩm ca ngợi phẩm chất đạo đức và nét đẹp của Khổng Giáo cũng như văn hóa dân gian Nam Bộ.
Được lưu trữ tại Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương thuộc Viện Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres, Institut de France), bản thảo Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa (1889) là tác phẩm đầu tiên có tranh minh họa toàn bộ Lục Vân Tiên. Nổi bật với những nét vẽ tỉ mỉ, sống động và nhiều mầu sắc rực rỡ, mỗi bản vẽ được chia thành ba hàng với những hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường. Khối chính giữa của hàng thứ hai là những câu thơ lục bát chữ Nôm, được viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
Lục Vân Tiên cổ tích truyện có tranh minh họa đã được hai nhà nghiên cứu người Pháp Pascal Bourdeaux (trường Cao Đẳng Thực Hành, EPHE) và Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác Cổ, EFEO) biên tập và được Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành vào tháng 04/2016 (*).
Ban tiếng Việt đài phát thanh quốc tế Pháp, RFI, đã có cơ hội trao đổi với nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux về sự kiện này.
RFI : Thưa nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux, có thể nói Lục Vân Tiên cổ tích truyện có minh họa là bản thảo minh họa màu đẹp nhất và sống động nhất của tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu. Và cũng có thể nói là bản thân bản thảo này đã là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Vậy tại sao phải chờ đến gần 120 năm sau, độc giả mới được chiêm ngưỡng tác phẩm này ?
Pascal Bourdeaux : Để trả lời câu hỏi này, có thể nói là « Có trời mà biết ! ». Cũng phải nói là có một cơ hội rất đặc biệt khi một người Việt Nam đến Pháp, được mời đến Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp để có thể tìm lại bản thảo này, đúng là được « ngủ » khoảng 100 năm trong kho tài liệu cũ của Viện này. Người đó là giáo sư Phan Huy Lê, được mời đến Paris và đoàn đi theo giáo sư đã rất may mắn tìm được tài liệu này. Cô phụ trách thư viện của Viện đã mở « fond » và đã cho xem một số tài liệu rất quý và rất cũ của Việt Nam, và trong đó có bản thảo này mà chưa ai biết.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải công bố bản thảo này. Và vì đúng thời điểm đó, Viện Viễn Đông Bác Cổ mở văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi quyết định biến công việc này thành biểu tượng cho hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong ngành khoa học xã hội-nhân văn. Nói một cách khác, việc xuất bản và công bố tác phẩm này là bước đầu tiên của quá trình hợp tác và nghiên cứu, mà chúng tôi hy vọng là bền lâu, giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là với miền nam Việt Nam.
RFI : Ông có thể cho biết một chút về nguồn gốc tác phẩm minh họa Lục Vân Tiên này của tác giả Nguyễn Đình Chiểu ?
Pascal Bourdeaux : Vào khoảng năm 1895-1897, một nho sĩ của Triều đình Huế, tên là Lê Đúi (Đức) Trạch, còn gọi là Thó, đã minh họa Lục Vân Tiên cổ tích truyện theo yêu cầu của một người Pháp, một sĩ quan Hải Quân đang làm nhiệm vụ tại Huế. Ông khám phá ra Lục Vân Tiên nhờ bản dịch sang tiếng Pháp năm 1883 của Abel des Michels. Eugène Gibert rất mê truyện thơ này và đã đề xuất với « thư lại chế họa đồ thức » (một viên chức làm việc trong một cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình Huế) tự do thể hiện tác phẩm theo cảm nhận của họa sĩ. Khi tác phẩm hoàn thành, những bức tranh mà chúng ta thấy là sự thể hiện theo đúng phong cách Việt Nam, một sáng tạo của một nghệ sĩ người Việt theo yêu cầu của một người Pháp.
Một trong những điểm đặc biệt là không phải chỉ có một mà có hai họa sĩ vẽ minh họa tác phẩm này. Lo ngại họa sĩ đầu tiên, Lê Đức Trạch, không hoàn thành được toàn bộ khối lượng công việc, nên Eugène Gibert đã đề xuất một họa sĩ khác tiếp tục công việc. Có thể nói, đó là một kiểu cạnh tranh giữa hai họa sĩ. Thế nhưng, Lê Đức Trạch là người hoàn thành công việc. Trong tác phẩm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng được 5 bản vẽ, xuất hiện ở phần cuối tác phẩm, do nghệ sĩ thứ hai thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng cho phép so sánh công việc của hai họa sĩ.
RFI : Xuất phát từ bản thảo bằng chữ Nôm, tác phẩm Lục Vân Tiên cổ tích truyện do Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành, lại được in thành ba thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp), ông có thể giải thích một chút quá trình biên tập và phát hành tác phẩm đã được thực hiện như thế nào ?
Pascal Bourdeaux : Toàn bộ công việc mất khoảng 5 năm, tính từ lúc phát hiện ra bản thảo vào tháng 09/2011 đến lúc phát hành vào tháng 04/2016. Chúng tôi làm việc dựa trên bản chữ Nôm được chép trên các bản vẽ và bản dịch sang tiếng Pháp và chữ quốc ngữ mà Eugène Gibert đã sử dụng, có nghĩa là bản dịch của Abel des Michels năm 1883. Thực ra, trước bản dịch của Abel des Michels đã có hai bản dịch khác và tính đến nay có 8 bản dịch sang tiếng Pháp. Điều này thật đặc biệt !
Chúng tôi cố gắng tôn trọng bản gốc của Abel des Michels nhưng có sửa một số lỗi vì chữ quốc ngữ trong bản dịch thời kỳ đó, lại có nhiều phương ngữ miền nam Việt Nam vào thế kỷ XIX, vẫn chưa đồng nhất như hiện nay.
Nhận thấy giá trị thẩm mỹ và thị giác của bản thảo, chúng tôi quyết định dịch sang cả tiếng Anh để những người không biết tiếng Pháp hay tiếng Việt có thể thưởng thức. Việc dịch sang tiếng Anh được dựa trên văn bản tiếng Pháp. Dĩ nhiên, việc này sẽ đặt câu hỏi về tính khoa học, nhưng chúng tôi đã giải thích rõ nguyện vọng là đưa ra một bản tiếng Anh sát với bản gốc nhất. Vì vậy, chúng tôi chú giải các bản dịch tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Pháp, cũng như thêm vào các lời giải thích.
RFI : Có thể nói là Viện Viễn Đông Bác Cổ luôn có những tiêu chí rất cao về chất lượng của một ấn phẩm, vừa về nội dung và kỹ thuật. Đây có phải là một trong số những lý do mà tác phẩm Lục Vân Tiên được xuất bản tại EFEO ?
Pascal Bourdeaux : Đúng vậy, điều mà chúng tôi muốn là làm chủ công việc nghiên cứu và quá trình kỹ thuật. Bản thảo đẹp đến nỗi buộc chúng tôi cố gắng làm mọi việc một cách chính xác, tỉ mỉ để sao phóng như bản gốc (fac-similé). Chúng tôi mong là khi cầm tác phẩm trong tay, độc giả tưởng như đang được cầm bản gốc. Chính vì vậy, kỹ thuật hiệu chỉnh mầu và tất cả công việc liên quan đến kỹ thuật chụp ảnh, khắc hình chuyên nghiệp đã cho phép chúng tôi gần như giữ nguyên mầu sắc của bản thảo.
Phải nói đây là một điều may mắn, vì trong vòng một thế kỷ, không một ai động đến tác phẩm này. Vì thế, mọi sắc tố, mầu sắc vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó, chúng tôi đã in theo gần đúng khổ của bản thảo, chỉ lệch 5%. Cuối cùng, chúng tôi đã làm việc với một nhà in chuyên về các loại tác phẩm như vậy để có được tác phẩm hoàn thiện nhất và giống với bản thảo gốc nhất.
***
Để thay lời kết, trong lời nói đầu (tập II) của Lục Vân Tiên, giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận xét : « Đây là truyện nôm đầu tiên của Việt Nam được minh họa đầy đủ đến như vậy (…). Tôi có cảm nhận bước đầu là những tranh vẽ này mang ảnh hưởng hay có nguồn gốc từ tranh dân gian Việt Nam, nhất là dòng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Vấn đề cần nghiên cứu so sánh cụ thể nhưng rõ ràng đây là một nguồn tư liệu quý mở ra khả năng nghiên cứu nghệ thuật minh họa sách với nguồn gốc và phong cách nghệ thuật của nó (…) ».
(*) Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên cổ tích truyện (có tranh minh họa) - Histoire de Lục Vân Tiên - The Story of Lục Vân Tiên, Paris, EFEO, 2016, 2 tập.
|