Hôm Thứ Hai 25, Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ là ông Wilbur Ross đã tới Bắc Kinh gặp giới lãnh đạo kinh tế Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Uông Dương và ông Hà Lập Phong, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Chuyến thăm viếng được Bộ Thương mại Mỹ thông báo là để giải tỏa một số mâu thuẫn trong quan hệ mậu dịch giữa hai nước và cũng để chuẩn bị cho việc Tổng thống Donald Trump sẽ tới Trung Quốc vào Tháng 11 tới đây. Nhưng trước đó, thị trường đã có vài dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc bị những ảnh hưởng bất ngờ từ phía Hoa Kỳ. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu việc đó….
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tỷ phú Wilbur Ross am hiểu thị trường kinh doanh và có kinh nghiệm khá sâu về các nước Châu Á trước khi nhậm chức Tổng trưởng Thương mại cho Chính quyền Donald Trump. Chuyến đi của ông sẽ khai thông một số chướng ngại và đồng thời chuẩn bị cho việc Tổng thống Mỹ có thể thăm Trung Quốc vào Tháng 11 sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn tất Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc cho khóa 19 vào tháng tới. Vì vậy, các thị trường tài chính đều theo dõi những biến cố này để ước đoán về tình hình giao dịch giữa hai nước.
Ngày nay, Trung Quốc vẫn chưa đi hết tiến trình chuyển hóa đó và bắt đầu gặp những giới hạn mà các nền kinh tế kia đã thấy. - Chuyên gia KT. Nguyễn Xuân Nghĩa
- Nói về bối cảnh để ta hiểu ra quan điểm và chủ trương thương mại của lãnh đạo Bắc Kinh, tôi thiển nghĩ là sau hơn 30 năm áp dụng kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á đi trước, như Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Nam Hàn, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhờ dân số rất đông có nhân công rẻ và tạo ra điều kỳ diệu cho những ai không chú ý đến phép lạ kinh tế của các nước đã đi trước. Ngày nay, Trung Quốc vẫn chưa đi hết tiến trình chuyển hóa đó và bắt đầu gặp những giới hạn mà các nền kinh tế kia đã thấy. Đó là thuần túy về kinh tế.
Nguyên Lam: Khi ông nói là “thuần túy về kinh tế” thì có lẽ cũng hàm ý là còn nhiều yếu tố ngoài kinh tế nữa. Thưa ông, những yếu tố đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nên chú ý là người Trung Hoa có hai đặc tính là ưa chuộng lịch sử và giỏi buôn bán. Về lịch sử thì họ từng hãnh diện là cường quốc trung tâm của thế giới trong mấy ngàn năm mà sau lại lụn bại trong trăm năm ô nhục, từ khoảng 1839 tới 1949 vì bị các nước khác vượt qua và uy hiếp. Từ khi giành lại quyền lực từ năm 1949 họ còn lụn bại hơn vì chính sách của lãnh đạo thời đó là Mao Trạch Đông cho tới khi Đặng Tiểu Bình sửa sai từ đầu năm 1979 với chính sách cải cách và cởi mở. Về buôn bán, họ rút tỉa bài học lịch sử và có chủ đích ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc, trong tinh thần học hỏi và tiếp nhận tư bản cùng kiến thức của ngoại quốc nhưng chung cuộc thì vẫn nhằm giành lợi thế cho doanh nghiệp của mình, chủ yếu là doanh nghiệp của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một đảng độc quyền. Vì vậy, Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh mà các nước kia không có.
- Nhưng ngược lại và vì đã mở cửa buôn bán với bên ngoài, họ cũng gặp những hạn chế và ngày nay chưa biết tính sao. Nói cho gọn thì họ thấy ly nước đã nửa đầy so với thời bế quan toả cảng và ngăn sông cấm chợ, nhưng biết là ly nước vẫn nửa vơi nếu mở ra cạnh tranh với các nước khác. Vì vậy chúng ta nên hiểu rằng kinh tế xứ này chưa ra khỏi thời chuyển hóa.
Nguyên Lam: Thưa ông, một cách cụ thể thì việc chuyển hóa ấy có nghĩa là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với cái thói đi tắt của kẻ đi sau, Trung Quốc mất 15 năm đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và kèo nèo để xin được 15 năm mới trở thành nền kinh tế thị trường đích thực. Trong giai đoạn ấy, họ chưa áp dụng quy luật thị trường. Kỳ hạn 15 năm đó đã kết thúc vào cuối năm 2015 mà họ vẫn duy trì chế độ bảo hộ và ngày nay đang bị nhiều nước than phiền, kể cả Hoa Kỳ, mà không chỉ có Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Quốc vẫn còn nhiều nhược điểm và bị chế tài chứ không mạnh như người ta nghĩ. Trong khi đó, và đây mới là chuyện đáng chú ý mà nhiều người chưa thấy ra….
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen dần với cách đặt vấn đề khá bất ngờ của ông! Thưa ông, nhược điểm của Trung Quốc là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hôm Thứ Năm 21, hệ thống thẩm định giá trị trái phiếu là Standard & Poor’s Global Ratings lần đầu tiên kể từ 1999, hạ công khố phiếu Trung Quốc xuống một cấp, từ cấp AA- xuống A+. Quyết định rất chuyên môn ấy làm Bắc Kinh khó chịu nhưng chẳng đáng ngạc nhiên vì từ Tháng Năm, công ty thẩm định kia là Moody’s cũng hạ công khố phiếu Trung Quốc từ cấp Aa3 xuống A1. Lý do là đà gia tăng tín dụng của Trung Quốc gây rủi ro cho kinh tế. Và hậu quả của việc giáng cấp là giới đầu tư sẽ đòi phân lời cao hơn khi cho vay.
- Tôi xin được nói thêm một chút về chuyên môn: trong lĩnh vực tín dụng, khi cho doanh nghiệp vay tiền thì người ta ước tính là bị rủi ro cao hơn là khi cho nhà nước vay. Bây giờ, khi công khố phiếu là giấy nợ của nhà nước mà bị quốc tế giáng cấp thì các doanh nghiệp đi vay sẽ phải trả lãi cao hơn. Vì kinh tế Trung Quốc đã mở ra ngoài nên phải chịu sự phán đoán của thị trường và sự phán đoán ấy sẽ gây khó cho Bắc Kinh sau khi ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế mà cứ tưởng là hay! Từ vài năm nay, người ta nói đến núi nợ chất ngất ấy, có thể bằng 260-280% Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc, mà thiên hạ vẫn cứ trầm trồ ngợi khen! Đã vậy, tuần qua, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn giáng thêm một trùy mà ít ai chú ý….
Trung Quốc vẫn còn nhiều nhược điểm và bị chế tài chứ không mạnh như người ta nghĩ. - Chuyên gia KT Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Theo dõi câu chuyện kinh tế của ông thì thính giả của chúng ta thấy hồi hộp như xem phim trinh thám vậy! Khi ông nói Ngân hàng Trung ương Mỹ vừa giáng thêm một trùy thì đấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ lại là sau vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 rồi nạn Tổng suy trầm Toàn cầu năm 2008-2009, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới số không và còn tung ra ba đợt bơm tiền vào kinh tế lên tới con số khổng lồ khoảng bốn ngàn 500 tỷ Mỹ kim để kích thích kinh tế. Khi kinh tế Hoa Kỳ tạm phục hồi dù chưa mạnh thì từ năm 2015 tới nay, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tăng lãi suất và thông báo là sẽ hút lại lượng tiền đã bơm ra. Tuần qua, sau hai ngày hội họp vào Thứ Ba và Thứ Tư, cơ chế độc lập này cho biết là sẽ hút lại tiền từ Tháng 10 này. Định chế tài chính này được lập ra để giải quyết vấn đề kinh tế của nước Mỹ, nhưng quyết định tài chính này lại gây sức ép bất ngờ cho kinh tế Trung Quốc. Nó còn có ảnh hưởng lớn hơn những hăm dọa của Chính quyền Donald Trump.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho cái chuyện ly kỳ này…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể tăng hay giảm lãi suất ngắn hạn và cũng có thẩm quyền mua trái phiếu dài hạn để làm giảm phân lời, tức là lãi suất dài hạn trên thị trường vay mượn nhằm kích thích kinh tế trong ổn định tiền tệ. Tuần qua, định chế này không nâng lãi suất ngắn hạn nhưng quyết định sẽ bán ra trái phiếu để hút tiền về. Điều ấy sẽ khiến phân lời hay lãi suất dài hạn sẽ tăng, đồng Mỹ kim cũng lên giá như chúng ta trình bày vào một kỳ trước. Nhưng hậu quả cho lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh ở bên kia địa cầu là gì?
Nguyên Lam: Vâng thưa ông, hậu quả cho lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh ở bên kia địa cầu là gì sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định sẽ hút tiền về?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta cần hiểu ra nhiều bài toán nan giải hiện nay của Bắc Kinh. Thứ nhất, họ biết là trái bóng đầu cơ địa ốc đang gây rủi ro lớn nếu bị bể nên thận trọng tăng lãi suất thật chậm và tùy ngành để bóng xì chứ không bể là gây ra khủnh hoảng. Thứ hai, họ chưa dám thả nổi mà vẫn giàng đồng Nguyên vào đô la Mỹ và cố giữ cho đồng Nguyên khỏi sụt giá để tránh nạn tẩu tán tư bản ra ngoài và dùng tư bản đó cho việc xây dựng hạ tầng trong nước, nhất là tại các địa phương lạc hậu đang cần tái phân lợi tức để tránh loạn. Mấy bài toán ấy khiến Bắc Kinh phải cân nhắc từng chút về lãi suất ở bên trong, không quá cao vì sẽ giảm đà tăng trưởng và làm phí tổn trả nợ sẽ tăng, mà cũng chẳng quá thấp vì sẽ lại thổi lên trái bóng đầu cơ. Bây giờ, việc trị giá công khố phiếu bị sụt điểm vì hai công ty thẩm định quốc tế và việc Hoa Kỳ hút lại lượng tiền đã bơm ra đều dẫn tới hậu quả trực tiếp và gián tiếp là phân lời và lãi suất sẽ tăng tại Trung Quốc ngoài những đắn đo cân nhắc của Bắc Kinh. Đấy là quyết định khách quan của thị trường chứ không do âm mưu chính trị gì của Chính quyền Trump. Hóa ra tai họa kinh tế của Trung Quốc là cứ đóng mở nửa vời mà vẫn bị thị trường chi phối khi ngồi dưới một núi nợ sẽ đổ. Có khi Tổng trưởng Thương mại Wilbur Ross đang tủm tỉm cười tại Bắc Kinh mà mình không biết!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.