Ken Burns đồng sáng lập Florence Films Inc với Lynn Novick, Geoffrey C. Ward từng nổi tiếng và nhận nhiều giải thưởng về phim tài liệu, được giới học giả và sinh viên khoa lịch sử Mỹ biết đến nhiều nhất.
Burns và Novick đã bỏ 10 năm để thu thập tài liệu, bao gồm cả 6 năm hoàn tất Bộ phim Vietnam War 10 tập do Đài truyền hình Công cộng PBS trình chiếu từ 19-09-2017.
Kẻ khen người chê có lẽ do phần thuyết minh đầu tiên của Burns và Novick đã đánh động tới những ký ức Chiến tranh Việt Nam liên quan đến sự chia rẽ tại nước Mỹ và sự thiệt mạng của 58,000 thanh niên và 300,000 bị thương, tốn 180 tỉ USD hoặc 1,000 tỉ. Đặc biệt chạm tự ái vì Mỹ coi như bị thua một nước nghèo và lạc hậu về kỹ thuật. Ký ức của người Mỹ từ khung truyền hình gia đình do các ký giả, bình luận gia thiên tả đã chọn lọc tin tức để lung lạc dư luận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN, Lê Thị Thu Hằng phát biểu “cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa … đã đi tới chiến thắng và thống nhất đất nước”.
Tuy ra sức ve vản, nhưng, Hà Nội vẫn chưa cho phép chiếu tại Việt Nam.
TS.Nguyễn Ngọc Sẵng được đại diện đài truyền hình PBS và Thư Viện địa phương mời vào Ban Điều Hành Thảo Luận (discussing panel) đã xem kỹ phim The Vietnam War hơn ai hết.
Tiến sĩ Sẵng nhận định "các sự kiện trong phim mang tính tuyên truyền cũ rích như tấm hình Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Việt Cộng Bảy Lốp trên đường phố Sài Gòn, bản kết tội Trung úy William Calley sát hại 128 thường dân, chuyện thả bom napalm vào một số làng mạc gây thương tích cho thường dân".
Nguyễn Ngọc Sẵng nói với 200 khán giả toàn người Mỹ “Việt Cộng pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy ngày 9 tháng 3 năm 1974 làm thiệt mạng gần 200 em học sinh tiểu học, trong trận Tết Mậu Thân người cộng sản sát hại gần 6 ngàn đồng bào vô tội tại Huế, sự kiện chấn động cả thế giới mà sao Đài truyền hình PBS không biết? Trận chiến nào cũng khó tránh trường hợp bắn hoặc dội bom lên đầu bạn hoặc thường dân".
TS Sẵng kể “Sau buổi hội thảo, một sử gia Mỹ tên Bill Laurie gặp tôi và ông nói Bảy Lốp là tên khủng bố đã sát hại 6 người thân của viên chức VNCH, nên bắn Lốp là không vi phạm công ước Genève”.
Vì thế, Chiến tranh Việt Nam nên được nhìn trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh (1947-1991) mới hiểu rõ mục đích và cách vận hành của các quân cờ: Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà.
Chủ nghĩa Cộng sản phát triển mạnh sau Đệ nhị Thế chiến nên Mạc Tư Khoa và Trung Quốc đua nhau đe doạ sự sống còn của Chủ nghĩa Tư bản (tuy cách gọi này hơi gượng ép, nhưng dễ hiểu) tạo ra cuộc Chiến tranh Lạnh bao trùm quả địa cầu.
Mao Trạch Đông làm chủ Trung Hoa Lục Địa năm 1949 được sự đồng ý của Mạc Tư Khoa đã xua 1.4 triệu Giải phóng quân cộng với 266,000 lính Bắc Triều Tiên xâm lăng Đại Hàn vào năm 1950, vùng đất đang chịu sự bảo trợ của Hoa Kỳ.
Liên quân Quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đẩy lùi phe Cộng trở về phía Bắc vĩ tuyến 38 và buộc phải ký Thoả ước Đình chiến vào năm 1953 mà cho tới nay vẫn chưa có Hiệp định Hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh sợ Hiệp định Hoà Bình sẽ thống nhất Triều Tiên chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa Tư bản hiện đại áp sát sát biên giới Trung Quốc.
Trung Quốc không dám công khai trực chiến với Hoa Kỳ tại Việt Nam nên vừa yểm trợ tối đa về kinh tế, chính trị, ngoại giao, kể cả 180,000 đến 300,000 lính đóng ở Miền Bắc Việt Nam để Cộng sản dồn nổ lực xâm lăng Việt Nam Cộng Hoà (1955-1975).
Liên Xô cung cấp các loại vũ khí tối tân mà Trung Quốc chưa sản xuất, chiến cụ có thể khắc chế vũ khí của Mỹ như phi cơ MIG, hoả tiễn SAM, súng AK, B40 vượt trội Garant M1, Carbine và súng phóng lựu của Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, đào tạo sĩ quan cho Quân đội CSVN, xây dựng hệ thống phòng không cho Bắc Việt.
Phe cộng sản gồm có Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Đông Âu, Bắc Triều Tiên quyết nhuộm đỏ Đông Dương trên con đường tiến xuống Đông Nam Á dựa và sự cuồng tín của Hồ Chí Minh và đồ đệ. Tổng Bí Thư Lê Duẩn công khai tuyên bố "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc".
Lực lượng Cộng sản Quốc tế đồ sộ và hung tàn đã chủ động tiến hành cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hoà.
Trong tác phẩm “The Creation of States in International Law”, James Crawford, giáo sư hàng đầu về công pháp quốc tế và là một thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế đã cho rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng Hòa là hai quốc gia. Bởi vì Hiệp định Genève 1954 thiết lập hai vùng tập kết quân sự phải được xem như sự thiết lập hai quốc gia. Hiệp định Paris 1973 cũng giữa hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Việt Nam Cộng Hoà.
Việt Nam Cộng Hoà nối tiếp Quốc gia Việt Nam sau năm 1955 còn rất yếu ớt, dĩ nhiên khó đương đầu với lực lượng đồ sộ và hung tàn của cộng sản, nhưng, vẫn tiếp tục chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc.
Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh nên hàng triệu triệu công dân Việt Nam Cộng Hoà đã nhập ngũ tòng chinh, xếp bút nghiên lên đường cứu nước. Sau Tết Mậu Thân 1968 được mục kích sự tàn ác của cộng sản nên số thanh niên tình nguyện nhập ngũ tăng gấp bội. Hơn 600,000 cán binh cộng sản hồi chánh và hàng trăm ngàn thanh niên miền Bắc bị đày trên vùng rừng núi Bắc Việt trước năm 1975 vì bị kết tội “B Quay” tức đào ngũ trên đường xâm lăng Việt Nam Cộng Hoà. Trái lại, chỉ có vài nhóm binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà được Hà Nội dựng thành show tuyên truyền.
Báo chí thế giới chưa bao giờ phanh phui vụ "B Quay" tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một thanh niên Miền Bắc không thi hành nghĩa vụ quân sự thì cả nhà bị cô lập, miệt thị, đói rách triền miên. Ở miền Nam, du kích cộng sản sẵn sàng cắt cổ bất cứ ai có thái độ không ủng hộ làm cho con người có óc không dám nghĩ, có miệng chẳng dám nói. Cộng sản không mạnh cũng được truyền thông tả phái Phương Tây thổi phồng do lấy tin từ các nguồn cộng sản.
Việt Nam Cộng Hoà thành lập sau Hiệp định Geneve chỉ có 14 triệu dân như một em bé chập chửng lại phải đương đầu với Khối Cộng quốc tế chẳng khác nào đem trứng chọi đá. Người Việt Nam nào dám tự hào sẽ đánh thắng hai tên hung tàn đó? Vì thế, khi Mỹ phủi tay thì tất yếu toàn dân Việt Nam Cộng Hoà phải rơi vào miệng cọp.
Trước tương quan lực lượng như thế, Sử gia Mark Moyar viết "Tổng thống Lyndon Johnson công khai thừa nhận Việt Nam Cộng Hoà không thể tồn tại nếu chẳng có một sự cam kết đầy đủ của Hoa Kỳ. Nhưng, đã thất bại trong việc thuyết phục công chúng ủng hộ cuộc chiến Việt Nam".
Sử gia quân sự Kevin Boylan tại University of Wisconsin-Oshkosh viết trên The New York Time ngày 22-09-2017 " Mặc dù các yếu tố tâm lý và sự ủng hộ của quần chúng rất quan trọng, nhưng thái độ của người Việt Nam, chứ không phải Mỹ, là quyết định ... Đa số dân chúng thích cộng sản".
Tổng động viên là điều mà quốc gia nào lâm chiến cũng phải thực hiện. Việc trốn lính tại Việt Nam Cộng Hoà tương đối ít trong khi đó thanh niên Mỹ trốn ra nước ngoài, hoặc xé thẻ trưng binh, tham gia phong trào phản chiến. Đa số du học sinh Việt Nam Cộng Hoà trở về nước phục vụ, kể cả trong quân đội, ngoại trừ số ít trốn lại ở Mỹ để tham gia phong trào phản chiến.
Boylan viết tiếp "Chính phủ Nam Việt Nam tham nhũng, phi dân chủ và phe phái - cả dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, lẫn chính phủ quân sự kế tiếp - tỏ ra không có khả năng cung cấp chính nghĩa cho người dân và lực lượng vũ trang". Chính Tổng thống Johnson đã nói dối trong sự kiện Vịnh Bắc bộ chứ nào riêng gì Việt Nam Cộng Hoà.
Thế chiến Thứ hai, Hoa Kỳ đã giam giữ 110,000 công dân gốc Nhật từ tháng 3-1942 đến tháng 1-1944, nhưng, tất cả các trại tập trung cho tới 1946 mới đóng cửa. Chính phủ Hoa Kỳ phải bồi thường 1.6 tỉ USD.
Đừng so sánh nền dân chủ Hoa Kỳ với một quốc gia ra đời năm 1955 đang bị đe doạ của thế giới cộng sản. Thử hỏi vào thời điểm đó, ngoại trừ Nhật Bản, có nước nào dân chủ hơn Việt Nam Cộng Hoà. Sao không so sánh với Việt nam Dân chủ Cộng hoà?
Chẳng phải CIA đã dàn dựng vụ đảo chánh 1963 làm mất chính nghĩa chứ chẳng do nhà cầm quyền Nam Việt Nam.
Kinh nghiệm Bán đảo Triều Tiên không cho phép Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc bung ra từ hướng Việt Nam. Việt Nam Cộng Hoà có nhu cầu bảo vệ độc lập dân tộc phù hợp với chính sách kiềm chế Trung Quốc nên Việt Nam trở thành chiến trường đọ sức giữa Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản.
Tài liệu Pantagon Papers dài 7,000 trang được giải mật năm 2011 đã chứng minh Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam chỉ để kiềm chế Trung Quốc.
Sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam khiến cho thế chiến lược của Hoa Kỳ gia tăng: (1) Liên Xô không dám tấn công các quốc gia Châu Âu vì sợ Mỹ sẵn sàng can thiệp mạnh vào Khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương. Khối Warsaw cũng không dám can thiệp khi các quốc gia Đông Âu làm cuộc cách mạng bất-bạo-động vào thập niên 1980. (2) Trung Quốc không dám trực tiếp tham chiến như tại Bán đảo Triều Tiên 1950-1953. Tại Indonesia khi Tướng Suharto đảo chánh Tổng thống thiên tả Sukarno năm 1965 đã sát hại từ 500,000 đến 1 triệu đảng viên cộng sản do một người Tàu cầm đầu và cộng đồng Minh Hương cũng như loại thiên tả.
Thiệt hại của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến uỷ nhiệm này như sau: (1) Phía Bắc Việt có 950,765 binh sĩ tử trận, gần 600,000 bị thương, số mất tích ước tính khoảng 300 ngàn người. (2) Phía Việt Nam Cộng Hoà có 275 ngàn chiến sĩ thiệt mạng, khoảng 1.170.000 người bị thương, không có con số mất tích được liệt kê. (3) Khoảng 2 triệu thường dân thiệt mạng, chưa kể hơn nửa triệu chết trên đường vượt biên, vượt biển sau năm 1975.
Giả định: (1) Nếu người Mỹ không tham chiến có thể Cộng sản đã chiếm Việt Nam Cộng Hòa sớm hơn và con số thương vong cũng ít hơn. (2) Thế giới có những chứng cứ xác thực về thiên đường xã hội chủ nghĩa từng bị bưng bít. (3) Hoa Kỳ có cơ hội trở thành siêu cường duy nhất từ năm 1991 mà chẳng tốn viên đạn nào.
Kết quả Chiến tranh Việt Nam "Hoa Kỳ đã thắng vì kiềm chế được Trung Quốc. Cộng sản Việt Nam thua vì tổn thất quá lớn về mọi mặt. Trung Quốc thua phân nữa vì chưa nhuộm đỏ được Đông Nam Á. Nga thua vì bị hất cẳng ra khỏi Việt Nam. Dân tộc Việt Nam thua triệt để trên mọi phương diện với hậu quả lâu dài và khó sửa chữa".
Trong phần thuyết minh, Ken Burns nói "Hơn bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta vẫn chưa thể quên Việt Nam".
Các đạo diễn và viết kịch bản hình như chưa tìm được nguyên uỷ cuộc chiến tại Việt Nam mà chỉ có trút hết tội lỗi lên những người Việt Nam ôm khát vọng tự do, tự chủ và hoà bình để phát triển có khác chi với những nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ.
Họ cố tình lập lại những thước phim đã chiếu cảnh chiến tranh tại Việt Nam, bỏ qua các biến cố quan trọng mang tính chiến lược như các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ từng ca tụng và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Giai đoạn 1955-1960 không những ổn định cuộc sống của 2 triệu người di cư từ miền Bắc mà còn giúp cho sự hài hoà giữa hai nếp sống văn hoá khác biệt. Việt Nam Cộng Hoà đã có Học viện Quốc gia Hành chính, các Đại học Luật Khoa cho ra các luật sư, thẩm phán nhen nhúm truyền thống pháp trị, Y khoa cung cấp bác sĩ thay thế cho người Pháp. Văn học Nghệ thuật hướng về CHÂN THIỆN MỸ.
Chuyện CIA đạo diễn vụ lật đổ và sát hại anh em Tổng thống Diệm mà ai cũng biết lại không được soi sáng mà chỉ nói tới vụ tự thiêu của Thượng toạ Thích Quảng Đức. Có thể do TT Diệm từ chối cho Mỹ đưa quân vào mà chỉ yêu cầu Hoa Thịnh Đốn yểm trợ vật chất và một Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương.
Chẳng lẽ họ không đáng trọng hơn những tên đồ tể và bán nước như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và đồng bọn mà Hoa Kỳ đang đón tiếp?
Đại-Dương
TB: Một bộ phim với những hình ảnh cũ đã từng phổ biến rộng rãi, bỏ qua các sự kiện quan trọng nhằm xoa dịu nỗi đau của dân Mỹ hơn đi tìm một sự thực nên tôi không muốn nghe những lời tuyên truyền nhân danh quyền tự do báo chí.