Trong tuần lễ cuối cùng của tháng Giêng năm 2018,
các tin tức nổi bật nhất vẫn xoay quanh khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Hai sự
kiện được báo chí và các hãng thông tấn thế giới đề cập đến nhiều nhất cũng vẫn
về Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Một số nét chấm phá mầu hồng đã tô điểm cho
bức tranh thế giới bớt đi phần nào ảm đạm vào đầu năm 2018, tuy nhiên còn rất sớm
để biết mầu hồng nay sẽ tồn tại được lâu dài hay sẽ bị mầu xám lấn át.
Trước hết nhìn về quê hương Việt, một mặt các đàn
áp, khủng bố, bắt giam các nhà tranh đấu ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền vẫn
tiếp tục leo thang. Gần nhất là ngày 23/1/2018, tòa án An Giang đã tuyên án tổng
cộng 31 năm tù cho bốn nhà hoạt động Phật Giáo Hòa Hảo về tội « tuyên truyền chống
Nhà nước » vì đã treo cờ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/04/2017.
Mặt khác, các tổ chức nhân quyền trên thế giới vẫn
lên tiếng yêu cầu nhà nước cộng sản Việt Nam (CSVN) phải thả hết các tù nhân
lương tâm này vì họ đã bị bắt giữ và bị chồng những án thật nặng nề một cách
phi lý. Ngày 24/01/2018, tổ chức Human Rights Watch đã ra thông cáo đòi nhà cầm
quyền CSVN thả những nhà họat động cho nhân quyền như Hoàng Đức Bình và Nguyễn
Nam Phong vì họ đã chống lại công ty Formosa làm nhiễm độc biển của Việt Nam,
và tổ chức này cũng lên án việc CSVN áp dụng luật hình sự lên các cuộc tranh đấu
ôn hòa cho dân chủ, dân oan, và môi trường. Dù bị lên án gắt gao, nhà cầm quyền
CSVN vẫn làm ngơ trước các đòi hỏi chính đáng của các tổ chức nhân quyền trên
thế giới, và hàng trăm các tù nhân lương tâm vẫn nằm trong các trại giam khắc
nghiệt.
Ba bản tin đã
đem lại vài tia sáng cho tình hình đen tối tại VN. Thứ nhất là cuộc viếng thăm
của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đến Việt Nam ngày 26/1/2018 và viễn
ảnh Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson và Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ sẽ ghé
cảng Cam Ranh trong năm 2018. Ngoài ra, Bộ Trưởng James Mattis khi ghé
Indonesia cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ yểm trợ Jakarta trong những nỗ lực quân sự chống
lại Trung Cộng tại Biển Đông, và công nhận tên vùng biển bắc Natuna là lãnh hải
của Indonesai không thuộc Biển Đông. Bản tin thứ hai là trả lời phỏng vấn dành cho báo Nikkei trước khi lên
đường sang Tokyo ngày 26/01/2018, bà Florence Parly, Bộ Trưởng Bộ Quân Lực Pháp
lên án hành động lấn chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông, đặt quốc tế
trước « chuyện đã rồi », và cho biết Pháp và Nhật sẽ sẵn sàng can
thiệp chung khi tình thế đòi hỏi, sẽ nâng cấp các cuộc tập trận chung trong
vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Pháp và Nhật tập đổ bộ lên nhiều nơi, tầu chiến
Pháp sẽ tuần tra xuyên qua Biển Đông nhiều lần, kể cả các vùng đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, vì bà bộ trưởng Pháp cảnh cáo: “Không phải cứ cấm cờ ở nơi nào đó,
thì nơi đó đổi chủ”. Bản tin thứ ba về sự hợp tác của Ấn Độ với 10 nước trong khối
ASEAN theo Chính sách Hành Động Hướng Đông (Act East Policy) mà thủ tướng Ấn Độ
khởi xướng từ năm 2014, để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng tại Biển
Đông.
U.S.S. Carl Vinson
Nhìn sang Châu Mỹ La Tinh, tờ Le
Courrier International xuất bản tại Bogota nói về « Cuba, chủ
tịch hậu Castro ». Ở tuổi 86, Raul Castro sẽ rời chức vụ vào ngày 19/4
tới, và dường như ngôi vị sẽ được nhường cho phó chủ tịch hiện nay là Miguel
Diaz-Canel. Lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ qua, tân chủ tịch Cuba sẽ không
là một người nhà Castro, mà là một kỹ sư điện tử 57 tuổi tóc muối tiêu, trông
hơi giống Richard Gere. Phong trào cải cách ở Cuba hiện đã bị chựng lại, vì
chính sách mới của chính quyền Mỹ hiện nay. Hơn nữa, Raul Castro vẫn là tổng bí
thư cho đến năm 2021, nên không mong đợi có những thay đổi lớn tại đảo quốc náy
trong thời gian tới.
Nhưng trên hết, Biển Đông và Bắc Triều
Tiên vẫn luôn là đề tài nóng bỏng vì là nơi có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc
chiến thế giới. Tuần báo Anh The Economist chủ đề: «
Cuộc chiến sắp tới », trong bài « Sắc xám: Không chiến cũng chẳng
hòa », phân tích về chiến lược nhập nhằng để giành chiến thắng, một
thủ đoạn nham hiểm của Bắc Kinh trên Biển Đông. Không tạo ra mầu trắng của hòa
bình, cũng không mầu đen của chiến tranh, mà một mầu xám gậm nhấm của Bắc Kinh
trên Biển Đông và trên thế giới. Bắc Kinh đã khôn khéo tránh né sự đối đầu với
Hoa Kỳ - ít nhất là từ nay cho đến giữa thế kỷ 21, vì biết đối đầu hiện nay với
Mỹ là tự sát, để Trung Cộng dành sức khống chế các nước ven biển Thái Bình
Dương. Bắc Kinh tạo ra một « vùng xám » trong đó các cường
quốc như Nga, Trung Cộng và Iran có thể tấn công và cưỡng bức các quốc gia khác
mà không bị trừng trị. Điển hình nhất cho chiến lược vùng xám là việc Nga can
thiệp vào Ukraina, thái độ hung hăng của Trung Cộng trên Biển Đông, và việc
Iran giựt dây lực lượng dân quân để tạo ảnh hưởng từ Syria đến Liban. Đây là
những lỗ hổng mà Nga, Tầu, và Iran đã khai thác để tránh đối đầu với sức mạnh
của phương Tây. Ngược với chiến tranh truyền thống, chiến lược
vùng xám tuy không tạo ra kết quả mang tính quyết định tức thời nhưng cả Nga và
Trung Cộng đều đã chứng nghiệm rằng một cuộc chiến tranh hỗn hợp, nếu không bị
đẩy đi quá xa, có thể đạt đến các kết quả lâu dài mà chẳng tốn kém gì cả. Ông
Mark Geleotti, Viện Quan Hệ Quốc Tế ở Praha gọi cung cách này là « du
kích về chính trị địa lý.”
Ban Nhạc
Moranbong của Bắc Hàn (ảnh trên Net)
Cuối tháng Giêng
đầu năm 2018 cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng gây nhiều hoài nghi cho các
nhà quan sát quốc tế: đó là việc Bắc Hàn đột nhiên thay đổi thái độ và muốn đàm
phán với Nam Hàn sau hơn 2 năm căng thẳng đối đầu. Phái đoàn Bắc Hàn đã bước
qua lằn ranh Phi Quân Sự ở Bàn Môn Điếm để nói chuyện với phái đoàn của Nam
Hàn, không những để làm dịu tình hình chính trị, đưa các vận động viên của họ -
kể cả đoàn văn công nữ Moranbong được yêu thích ở Bắc Triều Tiên, cùng tham gia với Nam Hàn trong một đoàn thi
đấu chung tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Pyeongyang, Nam Hàn vào tháng 2 năm
nay, mà còn tính tới chuyện thống nhất hai miền nam bắc. Các bình luận gia cho
rằng đây là một thủ đoạn chia rẽ Mỹ và Nam Hàn của Bình Nhưỡng, và không tin
vào thiện chí thống nhất của Bắc Hàn. Cũng có thể vì phê phán gắt gao của cộng
đồng thế giới, Bình Nhưỡng buộc phải tạm hoãn chương trình thử nghiệm hạt nhân,
hoặc họ đang gặp khó khăn trong chương trình này, nên quay sang đàm phán và tham
gia Winter Olympic Games để đánh lừa thế giới. Dầu sao cũng phải chờ qua tháng
2, sau khi Thế Vận Hội này bế mạc, sau các hội đàm song phương, thái độ sắp tới
của Bắc Hàn như thế nào, và bán đảo Triều Tiên có hòa bình hay có chiến tranh,
sẽ có những chỉ dấu. Theo Asia Pacific, AFP, Bắc Hàn đang muốn hòa dịu với
Seoul (North Korea Moves Towards Détente with Seoul), có thể vì Bình Nhưỡng bắt
đầu thấm đòn trừng phạt cấm vận của thế giới, và muốn làm sợi dây quá căng
chùng xuống. Theo tạp chí Newsweek, một chuyên viên người Nga đang thăm viếng
Bình Nhưỡng cho biết một nhà ngoại giao dấu tên tiết lộ với ông rằng các giới
chức Bắc Hàn đang có xung đột với Mỹ một cách nghiêm trọng, nhưng họ sẽ không
tấn công trước, nhất là bằng hạt nhân, vì họ biết như vậy sẽ là tự sát. (Tin Tổng
Hợp)