Monday 29 January 2018

Năm Mậu Tuất lẩm cẩm về họ nhà "Cẩu” - Lương Phúc Thọ CVA65

Có thể vì tôi tuối Bính Tuất nên có nhiều duyên nợ với họ hàng nhà "Cẩu", cho tới bây giờ ít nhất gia đình tôi cũng qua bốn lần cưu mang các cậu công tử bốn chân: Bobby, Kiki, Worth, Buddy
**********

Bobby:

Số là có một hôm đương đi trên đường gần nhà thấy một bà người Tầu khó nhọc dẫn một lần tới 5 chú "chó bông lông trắng tuyền"  trông rất dễ thương. Tôi dừng lại buột lời khen "They look so beautiful! I wish I have one like that". Bà nhìn tôi nói "Are you serious?" tôi trả lời "Of course!", bà liền đề nghị  "Ok! They are Mommy, Daddy and three children. You can have one puppy".  Tôi ngập ngừng nói "Do I owe you some money?" , bà sa sầm nét mặt "I don't sell them, I only give them to a dog lover". Tôi mừng hết lớn, cám ơn rối rít và mang ngay một chú về nhà.

Khi gặp chú puppy này con gái thứ hai của tôi "love him at first sight". Thế là nó trở thành cháu ngoại đầu tiên của tôi.

Con gái tôi đặt tên nó là Bobby. Bobby thuộc giống bichon frisé rất là dễ thương, lông trắng mịn trông như là một nắm bông gòn. Bobby rất thông minh mặc dù còn là puppy nhưng không hề cắn phá đồ đạc (house wrecking) và rất dễ dậy, chẳng bao giờ "làm bậy" ra nhà cũng như không bao giờ sủa bậy. Hàng xóm ai cũng biết và thích Bobby vì Bobby rất “friendly”, nhất là đối với trẻ con. Mấy đứa con tôi thương và săn sóc Bobby như một em út trong nhà. Mỗi khi đi học về là túa đi tìm Bobby để mà ôm ấp nâng niu cũng như dẫn đi dạo quanh thăm hàng xóm láng giềng.



Bobby

Thấy Bobby quá dễ thương, vợ chồng tôi cũng muốn có một chàng Cẩu cho riêng mình.

**********

Kiki:

Một bữa nọ cũng đang rảo bước trên hè phố, tôi lại thấy một chú chó rất nhỏ, lông mầu nâu, được đặt trong một hộp giấy trước cửa một nhà tư gia. Tôi tò mò đứng lại nhìn thì bà chủ nhà bước ra, bà là một người Mỹ già da trắng, tôi hỏi bà "What happened with this dog", bà cười và trả lời "I rescued him from the shelter to give to some body who loves to have a dog.  I plan to bring him to New Jersey to show a friend to see if she loves to have him, but I am not sure if she would" rồi bà ngập ngừng nói "Would you like to have him to save me a trip, he is a Chihuahua". Một lần nữa tôi lại mừng húm, cám ơn bà, xách ngay chú cẩu về nhà khoe bà xã. 
Thêm một cậu con út của gia đình. Chúng tôi đặt tên nó là Kiki và Kiki được vợ chông tôi săn sóc như một đứa con thơ, cho ăn uống, tắm rửa, chải lông và đi bác sĩ thú y chích ngừa đủ thứ. 
Vì Kiki biết nó được cưng chiều nên lên mặt với các con tôi, nhất là khi  được bà Xã ẵm trên tay, nó thường nhe răng, nhíu mũi "gừ gừ" doạ nạt mỗi khi các con tôi tới gần, có lẽ vì sợ chúng dành mất Mommy. Các con tôi liền đáp lễ bằng cách cũng nhăn mặt nhe răng “gừ, gử” lại, ỏm tỏi cả nhà. Sau đó ai cũng ôm bụng cười “bò lăn bò càng”. 
Bà xã tôi mỗi khi đi làm về là ôm ấp, nựng nịu cho tới khi đi ngủ. Lúc đầu, tối nào nó cũng len vào đòi ngủ chính giữa, sau vì sợ ngủ quên đè bẹp, bà xã tôi để riêng một cái gối dưới chân giường cho nó nằm. Thế là tối nào, khi biết vợ chồng tôi sắp vào phòng ngủ, y như rằng cu cậu lon ton chạy trước, nhẩy thốc lên giường, ngoan ngoãn nằm gọn lỏn trên gối dưới chân.

Kiki

*********

Worth:

Con gái lớn tôi học tại đại học xa nhà, ở Ithaca Upstate New York. Một bữa đi siêu thị, mua xong đồ, ra parking lot lấy xe ra về, thì thấy một chú chó beagle gầy còm, có vẻ đang bị lạc. Thấy con gái tôi bước ra khỏi xe thì nó chạy sán lại, tỏ ra friendly, con gái tôi vuốt nó và tìm "name tag" nhưng không thấy. Khi con gái tôi đi vòng vòng parking lot tìm kiếm xem có chủ nó hay không thì nó chạy theo sát bên chân, hỏi mấy nhân viên của siêu thị thì họ nói đây là lần đầu tiên họ thấy nó. Ai cũng đều đồng ý "He is a stray dog".
Khí hậu ở Ithaca khá lạnh về đêm mà trời lại sắp tối, con gái tôi có ý định tạm mang nó về nhà một đêm rồi hôm sau sẽ đi tìm chủ nó, mở cửa xe thì nó nhẩy tót lên ngồi chễm chệ trên passenger seat. Về nhà, sau khi mang nó vào bồn tắm rửa sạch sẽ, cho nó ăn đồ ăn "left over", nó ăn một loáng, vét đĩa "sạch sành sanh", có vẻ như bị nhịn đói nhiều ngày.
Vài ngày kế tiếp, con gái tôi chạy xe vòng vòng khắp Ithaca town và vùng lân cận cũng chẳng thấy ai post "Lost Dog", "Missing Dog" gì cả. Thế là con gái tôi không còn cách nào hơn là adopt chú cẩu này và đặt tên nó là "Worth" với sự mong muốn là nó xứng đáng được nuôi.
Và sự mong muốn đó đã trở thành sự thực, sau khi ra trường trở về ở lại New York city, một bữa con gái tôi dẫn Worth ra công viên chơi thì có một chàng trai tiến tới gần mở lời làm quen "Your dog is so cute, can I pet him?" , "It's OK, he is very friendly", con gái tôi trả lời. Thế là cái này tiến tới cái kia, kết quả là một đám cưới nhờ có "Worth" làm mai.

Tôi cũng hai lần gặp trường hợp na ná với con gái tôi. Một lần gặp một cô beagle đi lạc, tôi cũng đỗ xe và cô nàng cũng chui vào băng sau ngồi ngoan ngoãn, nhưng nhờ có name tag mà tôi gọi được chủ tới mang về. Lần khác là một chàng rottweiler đi lạc, không có name tag, nhưng hôm sau thấy gần nhà có dán giấy “Tìm chó lạc” với hình của anh chàng, nên tôi chỉ phải giữ chưa tới 12 tiếng đồng hồ.



​Worth

**********


Trong thời gian ở với chúng tôi các công tử bốn chân này cũng đôi khi làm chúng tôi lên ruột.

Thí dụ như có lần con gái tôi quên đóng cửa rào vườn sau nhà, thế là chàng Worth hí hửng chui ra đi chu du thiên hạ. Lúc khám phá ra, chúng tôi hốt hoảng túa ra đi tìm, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Vài tiếng sau trong khi mọi người đang rầu rĩ, lo in bích chương “Lost Dog” thì nghe có tiếng nó sủa trước nhà. Chạy ra thấy chàng ta đang chễm chệ ngồi trước cửa rào, vẫy đuôi lia lịa. Cũng may đó là lần lạc duy nhất của Worth, có lẽ vì gia đình con gái tôi cẩn thận cửa nẻo hơn hay cũng vì chàng ta sau một lần xém lạc, tởn tới già, không dám chui ra một mình đi lang thang nữa.

Lần khác là Kiki đi lạc và lần này li kỳ rùng rợn hơn. Kỳ đó con gái tôi vẫn còn đi học và chưa có thằng Worth. Nhân dịp về thăm gia đình đã mang theo thằng Kiki lên Ithaca chơi 1 tuần vì con gái tôi lúc đó đã dọn ra college town chứ không còn ở nội trú trong trường.

Tôi còn nhớ hôm đó lúc sáng sớm, vợ chồng còn đang ngủ thì có tiếng chuông điện thoại reng vang, bà xã tôi nhấc máy nghe được vài phút thì mặt mũi tái xanh, tay trao điện thoại cho tôi, giọng run lẩy bẩy, nói không ra hơi “anh ơi thằng Kiki đi lạc rồi”, tôi bổ chửng ngồi dậy cầm điện thoại nói chuyện với con gái tôi. Sau khi vắn tắt tường thuật mọi việc xẩy ra, con gái tôi cúp máy để thay quần áo lái xe vòng vòng đi tìm và cùng bạn bè, hàng xóm lo dán giấy “Lost Dog” quanh vùng.  Bà Xã tôi thì thức dậy lo thắp nhang bàn Thờ Phật, cầu khẩn Trời Phật phù hộ cho thằng Kiki tìm thấy lối về hay có người tìm thấy sẽ gọi điện thoại báo tin vì thằng Kiki có đeo Name Tag. 

Qua đến ngày thứ hai khi chúng tôi bắt đầu lên ruột vì nghĩ rằng nó quá nhỏ bé, mà thời tiết ở Ithaca lại khá lạnh ban đêm, không biết làm sao nó tìm ra được thức ăn, nơi trú ẩn qua đêm. Cho tới gần 9 giờ tối hôm đó,trong khi bà Xã tiếp tục tụng kinh cầu Trời, cầu Phật thì lại có tiếng reng của chuông điện thoại. Lần này chúng tôi nhận được tin mừng từ con gái tôi gọi về  “Đã tìm lại được thằng Kiki”.

Số là có ông già Mỹ thấy nó đi lạc, tìm cách bắt được và theo số điện thoại trên poster gọi cho con gái tôi tới nhận mang về. Bà xã tôi hớn hở khoe to “thấy không! nhờ Phật Trời nghe lời khấn của em mà phù hô cho tìm thấy nó, linh thật anh có thấy chưa?” Tôi cũng đang vui nên lặng thinh không tranh luận như mọi lần mỗi khi bàn tới cầu xin,  khấn khứa Phật Trời mà tôi cho là mê tín dị đoan của mấy bà.

**********
Thời gian lặng lẽ trôi qua, mau vùn vụt. Theo đúng định luật thiên nhiên có sanh thì phải có tử.

Sau khoảng 11 năm chung sống với gia đình con gái lớn của tôi, Worth đã từ giã cõi đời sau cơn bạo bệnh, Worth mất trước tiên vì khi tìm được, theo Bác Sĩ Thú Y, nó đã hơn 3 tuổi. Vợ chồng con gái tôi thương thằng woth nên đem tro nó chôn ở Nghĩa Địa Thú Vật tại Long Island (Long Island pet cemetery).

Rồi đến lượt Kiki bị bệnh nặng, khi được 12 tuổi, phải đem tới bác sĩ Thú Y. Sau vài ngày nằm tại phòng mạch để tìm cách điều trị, Bác sĩ  cho biết vô phương cứu chữa, chỉ còn cách chích thuốc cho ngủ luôn (Animal euthanasia) để tránh cho Kiki phải bị đau đớn thêm vì bị bệnh hành và cho cả chúng tôi không bị kéo dài sự đau khổ tinh thần. Chúng tôi không còn cách nào hơn là phải nuốt lệ bằng lòng.

Kiki được hoả táng và chôn cùng mộ với Worth. Sáng hôm sau khi vào sở làm việc, đã có lúc tôi khóc ròng, sau khi chủ và các đồng nghiệp biết được nguyên nhân đều an ủi “We understand your pain. We have a dog to love too”.

Đúng như người ta thường nói “Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai”,  “Bad luck comes in three”, năm sau tới lượt Bobby, sau khi ở với chúng tôi được 14 năm. Một lần nữa chúng tôi lại có cảm giác như mất thêm một thành viên trong gia đình. Bobby cũng được chôn cùng chỗ với Worth và Kiki, để chúng tôi tiện việc tới thăm hàng năm.

Từ đó chúng tôi không có ý định nuôi thêm một chú bốn chân nào nữa, vì không muốn một lần nữa phải trải qua những phút khổ đau như trước. 

Cháu gái tôi khi mới 4 tuổi đã tỏ ra rất thích các chú “gâu gâu”, mỗi khi mẹ dẫn nó ra công viên chơi, thấy chó  là chạy bổ tới vuốt ve. Nhưng mẹ nó chỉ cho nuôi một nàng và một chàng họ Miêu mà thôi.

**********
Nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, “định mệnh đã an bài”, chúng tôi lại có thêm Budy

Buddy:

Câu chuyện xẩy ra như sau. 

Chú em vợ tôi ở Atlanta, Georgia, vì chiều cậu con trai 6 tuổi, đã tới Pet Store bỏ 500 đô ra mua một chàng West Highland White Terrier. 

Mang Buddy về nhà sau vài tuần là vợ chồng em vợ tôi bắt đầu cãi nhau ỏm tỏi. Vì Buddy là puppy đang trong thời kỳ house wrecking và chưa được training. Vợ chồng cậu em đi làm suốt ngày, chồng cầy hai jobs để trả morgage, cậu con trai thì quá bé để làm siêng takes care Buddy. 

Thế là Buddy tha hồ cắn giầy, cắn giép, pee-pee, doodoo trên thảm, trên sàn. Ngày ngày hai vợ chồng đi làm về, đã mỏi mệt, lại phải hì hục hốt phân, lau nước tiểu, giặt thảm, lau nhà...khổ ơi là khổ.

Cuối cùng chịu hết nổi, đành phải quyết định đi cho Buddy. Cậu em gọi cho vợ chồng tôi trước hỏi xem chúng tôi có nhận nuôi không, nếu không thì mới cho người khác. Tất nhiên chúng tôi phải chấp nhận rồi, làm sao để Buddy ở với người khác vì không biết họ có đối xử tử té với nó hay không?

Mới đầu chúng tôi đề nghị gởi Buddy tới New Yok bằng máy bay, nhưng vì thủ tục thuê người đi theo máy bay mang về cũng phức tạp, nhiêu khê nên em vợ tôi quyết định lái xe không nghỉ mang Buddy tới cho chúng tôi và dự tính trở về Atlanta ngay ngày hôm sau. 

Lúc ấy trước Lễ Giáng Sinh chỉ hơn một tuần, cậu em tới nơi lại bị trận bão tuyết lớn (December 2009 blizzard) bị kẹt ở lại, làm anh chàng nhấp nha nhấp nhổm trong tình trạng "Rầu rĩ râu ria ra rậm rạp, rờ râu râu rụng, rờ rún rún rung rinh". May quá sang tới ngày thứ ba thì bão ngừng, chàng ta vội vã phóng xe về một mạch, cho kịp dự Lễ với vợ con.

Thế là Lễ Giáng Sinh năm ấy, chúng tôi đã có thêm một thành viên gia đình. Buddy cũng có quà sinh nhật như mọi người, mỗi khi bóc quà của nó, mọi người đều vỗ tay rộn rã reo hò.

Con trai tôi nhận nuôi Buddy. Vì còn trẻ, chưa có con nên cưng Buddy như một con trai thực sự, Những hôm Chủ Nhật đẹp trời đều cùng với bạn gái dẫn Buddy ra South Mountain Reservation park, hiking cả buổi mới về.

Buddy ở với con trai tôi cho tới bây giờ, đã hơn 8 năm rồi.


​Buddy

**********
Xin tạm chấm dứt tại đây. Chúc các bạn và gia đình:
Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN
Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG
Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
Công thành danh toại chúc VINH QUANG

Lương Phúc Thọ CVA65