Bất ngờ thấy tiêu đề bài viết là 4 mẫu tự “LGBT”, chắc bạn ta cũng ngỡ ngàng, phân vân đôi chút vì nó là cái quái gì phải không ạ? Xin cứ tà tà mà .... đọc rồi sẽ biết.
Sau 10 năm cập nhật, Bộ từ điển Kojien (『広辞苑』 "Quảng từ uyển") nổi tiếng của nhà xuất bản Iwanami 岩波, đã giới thiệu bản version 7 mới nhất, bao gồm những từ đã được “dân gian” dùng trong suốt 10 năm qua. Đây là quyển từ điển phổ thông Nhật-Nhật được rất nhiều người dùng trong các công việc nghiên cứu, học thuật; bạn ta có thể tìm thấy trong thư viện của các trường học, quận, huyện, thành phố v.v...
Tuy nhiên sau khi phát hành vào ngày 12/1 năm nay, thì nhà xuất bản đã gặp một số than phiền từ các giới học giả, ngoại giao về cách giải thích một số các định nghĩa mới. Trong số đó có cụm từ “LGBT” khiến người viết để “tâm”.
Được biết “LGBT” được ghép từ mẫu tự đầu của
“Lesbian”: đồng tính nữ,
“Gay”: đồng tính Nam,
“Bixesual”: thích cả nam hay nữ và
“Transgender”: người chuyển giới từ nữ sang nam hay ngược lại.
Nghĩa là có 4 loại, nhưng lại được tự điển này giải thích: “là những người có khuynh hướng tình dục khác với đa số” khiến các học giả chỉ trích vì: Lời giải thích này mới có 3 là “L”, “G”, “B” chứ chưa có “T” trong đó. Nhà xuất bản đã nhận lỗi và xin sửa lại.
Thế thì việc này có liên quan gì đến bài viết dưới đây? Dạ thưa, có liên quan một chút, vì dựa vào các tranh cãi này, người viết đã “khảo sát” và “tổng hợp” với xung quanh và thú thật là vẫn còn một vài loại không biết nên xếp vào “thể loại” nào theo như định nghĩa trên. Hay là cần có một định nghĩa rộng hơn? Vì thế xin có vài hàng lăng nhăng góp “vui” với bạn ta đọc cho qua ngày qua tháng.
Thế thì việc này có liên quan gì đến bài viết dưới đây? Dạ thưa, có liên quan một chút, vì dựa vào các tranh cãi này, người viết đã “khảo sát” và “tổng hợp” với xung quanh và thú thật là vẫn còn một vài loại không biết nên xếp vào “thể loại” nào theo như định nghĩa trên. Hay là cần có một định nghĩa rộng hơn? Vì thế xin có vài hàng lăng nhăng góp “vui” với bạn ta đọc cho qua ngày qua tháng.
“Onê-ê” オネエ, Pê Đê (Bóng) và…..
Những năm gần đây, trong các chương trình giải trí trên truyền hình Nhật thường hay xuất hiện các nhân vật mà tiếng Nhật gọi là “Ônê-ê” (Pê Đê) tiếng Việt ta gọi là “Bóng” để chỉ những loại thanh niên mang thân xác là đàn ông nhưng tính tình và cách sống thì hoàn toàn là phụ nữ và muốn trở thành phụ nữ nếu… điều kiện cho phép”. Có 2 loại Ônê-ê: một loại khi nhìn thì là “giai” nhưng thực ra thì tính tình ngược lại, còn một loại nhìn vào thì giống như “gái” và lẽ dĩ nhiên là “ẻo lả”…. Nhóm này lại chia ra làm 2, một thì “để nguyên thế” không chỉnh trang, một thì “chỉnh trang chút ít” nhìn biết liền khỏi giải thích. Quí vị xem những tấm hình dưới đây thì sẽ thấy.
Nhìn thì là “giai” đấy nhưng ẻo lả lắm Kurisu Matsu Mura – Tanoshi Shingo
Ai bảo là “giai”? Haruna thì chỉnh trang – Mitsuman – Matsuko thì…. vẫn để nguyên như thế
Những “Ônê-ê” này rất thông minh và ăn khách, thường là diễn viên “regular” (thường trực), nhất là trong các chương trình “tạp lục”. Nhũng chương trình này thường có tiết mục hỏi ý kiến về cuộc sống, tranh đua kiến thức giữa nhiều nhóm với nhau như nhóm “xướng ngôn viên”, nhóm “nghệ sĩ”, nhóm “thể thao” và nhóm “Onê–ê”…. và trong nhóm “Bống” này không ít người đã trở thành... “đại gia”, tiền vào như nước. Đúng là nhất nghệ tinh nhất thân vinh.
Xin kể bạn ta nghe chuyện gian nan của một “Ônê-ê” mà hầu như khán giả cùa “màn ảnh nhỏ” ai cũng đã có lần thấy qua hoặc thấy ..... dài dài.
Xin kể bạn ta nghe chuyện gian nan của một “Ônê-ê” mà hầu như khán giả cùa “màn ảnh nhỏ” ai cũng đã có lần thấy qua hoặc thấy ..... dài dài.
Đoạt giải “Mr. Hoa hậu thế giới”
Chưa gặp “anh” tôi vẫn nghĩ rằng: có “nàng” thiếu nữ đẹp như.... trăng
Ngày 31 tháng 10/2009, tại Thái Lan, Ban giám khảo của giải “Miss International Queen 2009” đã chọn Haruna Ai (37 tuổi) là người đẹp nhất thế giới hay nói chính xác hơn là “hoa hậu chuyển giới” mà tiếng Nhật gọi là “new half”. Vinh quang này tuy không rợp trời về tiền bạc (khoảng 10,000 mỹ kim cho “hoa hậu”), không được đón nhận nồng hậu như những lần Nhật đoạt giải hoa hậu khác nhưng cũng đã làm cho.... lẽ dĩ nhiên là đương sự nở mày nở mặt, ngẩng cao đầu với.... bố và nhất là được nghệ giới quan tâm hơn và con đường công danh của “hoa hậu chuyển giới” này sẽ mỗi ngày mỗi thăng tiến.
Được biết giải này qui tụ ....21 “Hoa Hậu” đến từ 13 nước như Mỹ, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Nhật v.v..... qua mấy kỳ chọn qua chọn lại còn 18, cuối cùng thì người đẹp..... chuyển giới đại diện xứ Anh Đào là Haruna Ai 37 tuổi đã lọt vào mắt xanh của ban giám khảo. Khi nghe công bố kết quả thấy tên mình, “nàng” thốt ra câu nói bằng tiếng Anh theo giọng Nhật “unbiribabo” (unbeliveable) với cái giọng ồ ề vì trên cổ vẫn còn trái táo Adam không lấy ra được. Sau đó, trong lúc nước mắt chan hòa làm trôi mất một “mảng” phấn son... trên mặt, Haruna đã thông báo ngay cho ông bố khó tính: “Bố ơi, con đã làm được điều bố dặn rồi, nhất thiên hạ bố nhớ không?”. Chẳng biết ông bố có nhớ hay không nhưng cũng trả lời: “Vậy à, tốt quá”.
Khi còn nhỏ, Haruna Ai nguyên là con trai chính hiệu con nai vàng.... ngơ ngác với cái tên “thuần túy đàn ông” Onishi Kenji. Có lẽ bị bạn cùng trường ăn hiếp, học hành cũng chẳng đến đâu, hay bỏ học tìm những nơi.... vắng vẻ nên “cô nàng” luôn mang ý nghĩ muốn trở thành nữ giới. Dần dần chàng Onishi Kenji ẻo lả cứ như con gái, thích trang bị đồ phụ nữ mỗi khi ra ngoài, thích nhìn ngắm nữ trang, thích đeo.... lông mi giả. Nàng cũng từng xuất hiện trên TV trong các chương trình bắt chước giọng nữ ca sĩ (Manemono), ngày 3/3/1985 Haruna đã đoạt giải nhất trong chương trình này với bài hát Rock'n Rouge của nữ ca sĩ Matsuda Seiko.
Rồi đến 1 ngày trong năm 1991, Haruna công khai thú thật với bố: “Kể từ hôm nay, xin phép bố cho con trở thành nữ giới”. Ông bố tức giận: “Mày muốn thành gì thì thành nhưng với điều kiện là phải nhất thiên hạ.”. Không hiểu ông bố muốn nói theo ý gì, hoặc chỉ nói để mà nói cho qua chuyện.
Kể từ hôm đó, Haruna nhất quyết từ giã kiếp “anh là mây bốn phương trời” để trở thành “em là gái bên song cửa”, nhờ kỹ thuật dao kéo tân trang toàn diện thân thể mà nàng đã trở thành người đẹp “xóm bóng” có lối ăn nói “bộc trực đầy nam tính”.
Được biết vào tháng 5/2009, Chương trình “Ma nữ lúc 22 giờ” của Đài truyền hình số 4 Nhật Bản đã đề nghị Haruna tham dự giải. Tuy nhiên vào thời điểm đó, “nàng” vẫn còn một thân thể tương đối đẫy đà: 64 kg quá tiêu chuẩn để mặc áo tắm, áo dạ hội, vì nếu mặc những bộ quần áo này vào thì trông sẽ giống như một khoanh giò không hơn không kém...... Cho nên Haruna đã được khuyến cáo nên tham gia “chương trình diet” cũng do chương trình này tổ chức. “Nàng” đồng ý và chấp thuận luôn điều kiện khá ngặt nghèo: trong 3 tháng nếu số cân lượng không giảm đến mức coi được thì sẽ bị..... cạo trọc đầu. Thế là, một chương trình huấn luyện đã được soạn thảo, đài này cử hẳn 3 nhân viên theo sát nàng từng cây số để nhắc nhở khi Haruna “ngựa quen đường cũ”: thích ăn và uống đồ ngọt. Nghe nói có lúc 3 nhân viên đi cùng phải làm đủ mọi cách xoa bóp cho người của “nàng” sao cho ra hết chất mỡ để chỉ trong 1 tuần phải xuống ít nhất 2 kg rưỡi, vì nếu không thì không kịp. Sau 3 tháng thử thách, “nàng” đã thành công với số cân lượng vừa đủ xài: 53,6 kg. Ngày 25/10, “nàng” lên đường sang Thái đại diện Nhật Bản và đã vinh quang đoạt giải.
Thành thật chúc mừng “nàng” và những người cùng phái đã được sống trọn vẹn trong một bầu không khí hoàn toàn thoải mái không kỳ thị......
Loại này thì đúng là “T”, đã bị bỏ sót trong lời giải thích của tự điển nói trên.
Ngoài ra, Nhật Bản lại có thêm một mẫu người giống “Ônê-ê” một vài điểm nhưng khác với Ônê-ê là họ không có ý muốn trở thành phụ nữ, kể quí vị nghe luôn cho đầy đủ và xin bạn ta cho biết nên xếp vào loại nào?
“Những chàng trai thích nhai cỏ”
Nhóm chữ này tạm dịch từ một thuật ngữ tiếng Nhật “Soshokukei dansei (草食系男子)” xuất hiện lần đầu vào năm 2006 trên một loạt bài viết của tác giả Fukasawa Maki. Theo bà Ushikubo Megumi, một chuyên gia nghiên cứu thị trường của một công ty lớn tại Nhật thì giới “Soshokukei” trong độ tuổi giữa 20 và đầu 30 có khuynh hướng lãnh đạm với tình dục, tính tình yểu điệu, ăn nói nhỏ nhẹ, thích trang điểm, yêu hình ảnh “dáng em gầy như liễu trong thơ cổ”, mê thời trang phụ nữ, hợp với mẹ hơn bố v.v..... và thiếu tính năng động so với những người đàn ông bình thường. Số này càng ngày càng... phát triển cho nên nhu cầu dành cho các chàng thanh niên thích nhai cỏ này cứ tăng dần theo ngày tháng.
“người hùng” thích nhai cỏ - váy, áo ngực dành cho”người hùng”
Kể từ tháng 11 năm 2008, doanh thu của một công ty chuyên về thời trang có tên WishRoom đã vượt quá dự định khi tung ra những sản phẩm vốn chỉ dành cho phụ nữ như áo ngực, quần lót.... Giám đốc công ty này là bà Akiko Okunomiya cho biết bà rất ngạc nhiên trước số lượng khách hàng nam giới quan tâm đặc biệt những sản phẩm này Chưa hết, bắt đầu từ giữa tháng 10 năm 2009 suốt cho đến nay thì một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Nhật Bản là Yamaguchi Shinya đã cho trình làng rất nhiều bộ sưu tập thời trang gồm những chiếc váy, áo len, quần bó dành riêng cho giới này. Vài tháng sau, các thời trang này đã xuất hiện bên cạnh hoặc bên trong những công ty sửa sắc đẹp cũng chỉ dành riêng cho nam giới như làm móng tay, cạo lông mặt, v.v..
Không biết đây có phải là một hiện tượng mà nói theo các nhà nghiên cứu xã hội: là “bùng nổ” hay không, vì những loại thanh niên thích ăn cỏ này thời nào mà chả có? Một vài giải đáp đã được tìm thấy qua hai quyển sách “Soshokukei Danshi no Ren-ai Gaku” (草食系男子の恋愛学 tạm dịch: môn học tình yêu của những chàng trai thích nhai cỏ), của giáo sư Morioka Masahiro đại học Osaka và “Soshokukei Danshi Ojo-man Ga Nippon wo Kaeru (草食系男子「お嬢マン」が日本を変えるtạm dịch: Những chàng trai thích nhai cỏ đang thay đổi nước Nhật) của bà Megumi Ushikubo.
Theo giáo sư Masahiro Morioka thì nguyên nhân là vì Nhật Bản có một nền hòa bình không bị đe dọa bởi chiến tranh trong suốt 60 năm qua; hiện tượng này không phải là hiện tượng mới lạ và đã xảy ra trong thời kỳ Edo (1603-1867), khi hòa bình thuộc triều đại Tokugawa Shognate kéo dài suốt 260 năm. Câu kết luận của ông là: thời gian hòa bình càng dài bao nhiêu thì chí nam nhi càng ngày càng cùn lụt, dẫn tới việc tính khí nam giới mỗi lúc mỗi gần nữ giới.
Còn theo bà Ushikubo Megumi thì nguyên nhân của hiện tượng này chính là kinh tế. Thế hệ trẻ Nhật ngày nay lớn lên trong điều kiện kinh tế suy sụp, công việc bấp bênh, thu nhập thấp khiến một số thanh niên tỏ ra thờ ơ với công việc vì có cố gắng cũng chỉ đến đó, vì thế các chàng có khuynh hướng đi tìm một điều gì đó nhẹ nhàng hơn.
“Những cô nàng thích nhai cỏ”
Đã có “những chàng trai thích ăn cỏ” thì cũng có những “cô nàng thích nhai cỏ” (tiếng Nhật gọi là 草食系女子Soshokuke-josi). Một cách vắn tắt thì thuật ngữ này được dùng để chỉ những cô nàng thụ động trong tình yêu, hoặc có những suy nghĩ chán chường về tình yêu, hoặc không thích cách tiếp cận quá tích cực của nam giới v.v….
Trong một chương trình truyền hình hỏi đáp về y học bàn về sự hiếm muộn, có một bác sĩ về phụ khoa đã kể lại câu chuyện của vài cặp vợ chồng cùng trường phái….ăn cỏ: bệnh viện của tôi thường tiếp những cặp vợ chồng muốn có con bằng phương pháp thụ thai nhân tạo. Bình thường ai cũng nghĩ nguyên nhân “vô sinh” là từ người chồng hay người vợ, nhưng có một vài cặp đã nói thật: lấy nhau cả chục năm nhưng chưa bao giờ….“làm chuyện ấy”. Chúng tôi mong có đứa con để bế để bồng, bò qua bò lại cho vui nhà vui cửa.
Có thể tạm kết luận: dù “nghịch cảnh” hay gì gì đi nữa, ai nấy cũng đều cần ít nhất là một người để cùng buồn, cùng vui với nhau trong những nỗi niềm …. sâu thẳm.
-----------------
Những “LGBT”, “Ônê-ê”, “chuyển giới” v.v...., thì ở Việt Nam cũng có, nhưng cách nhìn và cách cư xử thì lại tùy người “đối diện”.Vừa rồi, qua chương trình Sớ Táo Quân 2018 của cái đài gì đó ở Việt Nam, có dấy lên một số than phiền từ phái “chuyển giới”, vì một diễn viên hài trong chương trình gọi là “Cô Đẩu” sử dụng những câu nói mà giới này cho là miệt thị. Bên bênh cũng có bên chống cũng nhiều, ít nhiều cho ta thấy có điều gì bất bình thường nếu không muốn nói là mang hơi hám kỳ thị.
Những người này cũng y hệt như chúng ta, khi muốn sống hạnh phúc họ cũng cần phải có các nhu cầu, yếu tố thích ứng, dù cái điều họ cần hơi khác người một chút, nhất là chả hại ai nhưng lại bị biến thành trò chọc cười dưới “vỏ bọc”: phản ảnh một “mảng” thực tế của xã hội. Thật đáng buồn.
Đến đây đã đủ, hẹn bạn ta trong một ngày.... nào đó.
Sayonara
Vũ Đăng Khuê
Trang Vũ Ðăng Khuê
http://www.erct.com/2-ThoVan/VDKhue/VuDangKhue-menu.htm
Anh Vũ Ðăng Khuê (Exryu 72, Yokohama) là thành viên đắc lực trong ban tổ chức và cũng là Trưởng ban Văn Nghệ trong kỳ NHN 2004 tại Tokyo.
Những bài viết của anh Vũ Đăng Khuê được ưa chuộng trên Internet qua bút hiệu Trần Thái Huy
Anh Khuê hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật.
|