Thursday, 8 February 2018

Nhạc sĩ Lam Phương (2018): Đào hoa là do hoàn cảnh đưa đến

Tóm tắt tiểu sử Nhạc sĩ Lam Phương:
 Tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm
1937, làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch
Giá (ngày nay là phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, tỉnh
Kiên Giang).
 Hiện nay ông đang sinh sống tại khu Little Saigon, Quận
Cam, California.

E:\00-2018\IMG_1793_.jpg

Nghe tôi gọi điện thoại: “Chú ơi, con qua phỏng vấn chú để
viết bài cho báo Tết, nha chú”. Nhạc sĩ Lam Phương nói liền:
“Ừ, ghé qua chơi đi cháu!”. Khi nghe tôi nhấn thêm câu, “Kể
về những cuộc tình đã qua đời Lam Phương nha!” thì tác giả
thêm luôn “suốt đêm thao thức vì em” bật cười lớn “Giờ này
kể lạng quạng người ta uýnh cho, chạy không kịp”.

Cười vậy, nói vậy, nhưng ông vẫn kể, mà còn kể “mỗi người
có một chuyện nhỏ nhỏ vui vui để làm bài viết của cháu lạ
hơn.”

Nhìn ông ngồi trên chiếc xe lăn, cười nói một cách vui vẻ,
thỉnh thoảng lại pha trò một cách rất duyên để rồi bật cười
thoải mái, tôi thầm nghĩ “ông vầy mà không nhiều người mê
mới lạ.” Mà, ngược lại, nghe cách ông gọi điện thoại hỏi
thăm về cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đến thăm ông, tôi
cũng chợt nhớ câu “Chém cha cái kiếp đào hoa, mở ra rồi lại
trói vào như chơi” của Nguyễn Du.

Máu đào hoa thật sự chảy trong ông thấm vào từng thớ thịt,
cho nên, ông còn thở, là còn bật lên những câu đại loại: “Cô
đó đẹp quá hén!” cho dù sau đó ông tủm tỉm “chống chế”:
“Trời cho mình tâm hồn như vậy chứ đâu phải mình muốn
đâu”.


Phỏng vấn ai mà biết rằng họ sẵn lòng giãi bày, là tôi hỏi
thẳng liền vấn đề, chứ không cần lượn lượn dẫn dắt. Cũng
vậy, khi nghe ông nói “bốn người mà ông NNN nhắc đến trong
bài viết của ổng hồi mấy năm trước là bốn người chánh đó,” tôi
hỏi liền, “Còn những người phụ đâu?”. “Quên hết rồi, sao nhớ nổi”.
Người nhạc sĩ ở ngoài tuổi 80 trả lời một cách tỉnh bơ, gọn bâng và cười xòa.

Bốn mối tình sâu đậm

Bốn người, hay đúng hơn là bốn mối tình sâu đậm, đi qua
cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa (lẫn đào hoa) này chính là
ca sĩ Bạch Yến, ca sĩ Minh Hiếu, ca sĩ Hạnh Dung và người
đẹp Cẩm Hường.

“Và mối tình với kịch sĩ Túy Hồng nữa là năm, phải không
chú?” – “Không, đó là vợ”. “Trời, vợ không phải là tình sao!”
Tiếng kêu của tôi chỉ được trả lời bằng một nụ cười nhẹ của
người từng viết nỗi lòng “Tôi đã lầm khi đưa em sang đây”.

“Thế còn lời đồn về Họa Mi?” – “Họa Mi không có đâu, chỉ
là bạn thôi”, ông lắc đầu.

Và ông bắt đầu, như thể có đoạn phim đang chiếu chậm qua
dòng hồi ức của ông: “Cô Cẩm Hường đẹp lắm, đẹp số một
đó, từng là hoa hậu bên Pháp mà. Chú viết cho ‘bà’ đó mấy
chục bài lận, ‘Từ Ngày Có Em Về’, ‘Anh muốn đôi ta mãi
như người tình’… trong bài ‘Mùa Thu Yêu Thương’ đó,
‘Bài Tango Cho Em’, nhiều lắm…

Tôi cũng không hiểu sao ông lại bắt đầu kể về những mối
tình của mình bằng “mối tình chánh cuối cùng”, không biết
có phải vì cô Cẩm Hường đã qua đời, nên nói dễ hơn chăng?
“Chú quen ‘bà’ này 10 năm ở Pháp. Quen cô ấy khi cô ấy
đang có chồng, lúc chú từ Mỹ mới qua, gặp bà một cái là bà
bỏ chồng luôn.. Mà cổ đẹp lắm,” ông cười nhớ lại.

Người em rể vẫn ở bên cạnh chăm sóc nhạc sĩ Lam Phương
suốt thời gian, từ lúc ông đổ bệnh đến nay, kể thêm, “Cô
Cẩm Hường đẹp lắm, nói chuyện dễ thương lắm, mà chỉ nụ
cười thôi là thấy chết rồi.”

“Lúc đó cô Khánh Ly qua Pháp nhìn thấy, cô này chạy về
‘méc’ cô Túy Hồng. Cô Túy Hồng mua vé máy bay qua coi
mặt liền,” người em rể ‘tiết lộ’ chuyện xưa.

“Chàng Lam Phương im lặng nghe em mình kể, rồi thêm
vào: “Nhưng qua làm được gì nữa, vì lỗi bà trước, không
phải lỗi chú. Mà lúc đó cũng thôi rồi.”

Một khoảng im lặng để ông nhớ lại một thời mê đắm, trước
khi tôi tiếp: “Đây là mối tình dài nhất, đúng không chú?” –
“Không, có người kéo dài đến 20 năm lận?” – “Ai?” Tôi
bỗng nghệch ra. “Bà Tống Hùy” – “Là ai?” Tôi thật sự ngạc
nhiên. “Là Túy Hồng đó”. Úi trời, tôi bật cười lắc đầu, trong
khi ông ngồi cười khoái chí. Ông vẫn giữ được sự hài hước,
tếu táo đến vậy ở tuổi bát thập thì quả là tôi cũng nể ông
luôn.

“Có khi nào cùng lúc chú quen nhiều người không? – “Cũng
có, mấy cô nữ sinh đó. Nói nói chứ đừng viết ra nghen,” ông
bảo. Tôi trêu, “Sao lại không viết, không viết uổng à.”

“Trong thời gian sống với những người này vẫn có vô số
những cuộc tình phụ bao quanh. Ăn cơm còn kiếm cháo là
vậy đó. Toàn là người ta tìm tới thôi.” – Ông ‘ta thán’ về ông,
mà như thể ‘kể tội’ ai đó.

“Là một nhạc sĩ, việc quen nhiều người tạo cho chú nhiều
cảm hứng viết bài là sự thật, nhưng có khi nào chú cảm thấy
có điều gì làm cho chú khó chịu, áy náy không?” Tôi tò mò.

“Khó chịu là khi họ đụng nhau đó” – Ha ha ha. Tôi không
ngăn được tiếng cười lớn. Không có câu trả lời nào thật hơn
thế.

“Vậy giờ này chú còn quen nhiều người không?” – “Giờ hết
rồi,” ông trả lời ngay. “Hết người này đến người khác thôi,
chứ không đến một lượt.” Tôi phải mất hai giây để hiểu hết
câu trả lời “quỷ quái” mà thoạt nghe, tôi ngỡ ông đã thực sự
“rửa tay gác kiếm.”

Ông trầm ngâm trước khi “biện hộ” cho chính mình, “Chắc
tại số mình thôi, mình không muốn mà họ cứ tới,… mà mình
từ chối thì sợ người ta buồn.”

“Chú không tìm ai hết vì mình biết thân phận mình mà; lúc
nhỏ thì nhà nghèo, có thương cũng không dám tỏ tình với ai
hết. Giờ thì mình bệnh vầy, họ có đến với mình thì cũng vì
hiếu kỳ, ai biết dăm ba bữa đuổi mình đi sao,” ông nói cùng
nụ cười muôn thuở.

Bạch Yến, mối tình đầu?
Ông bảo ông không tìm ai, nhưng lại là người biết tỏ tình
sớm. Và người đầu tiên nghe được những lời tình tứ đó là
Bạch Yến.

“Nhớ năm đó ở khu Bàn Cờ có vụ cháy nhà lớn lắm, chú
cùng bạn bè đi làm thiện nguyện ở đó.. Nhà Bạch Yến cũng
trong khu xóm đó, nên gặp, làm quen. Gặp nhiều lần thì tình
cảm phát sinh,” ông kể về tình yêu đầu đời.

Ông cho biết “Bài hát đầu tiên viết cho Bạch Yến hình như
là bài ‘Nghẹn Ngào.’” – “Tại sao lại là ‘Nghẹn Ngào?’” –
“Vì chú có lỗi, làm bạn mình buồn nên bạn mình đuổi mình
về. Đó là chú tưởng tượng ra thôi… chứ không có ai đuổi
đâu. Đó như lời thú tội vậy mà, ‘Thôi anh đi về đi, xa xôi rồi
thăm nhau làm chi…’”

“Mà chú làm khổ cổ lắm. Lúc quen cổ rồi, chú còn trẻ cũng
bay bướm làm cho cổ buồn, cổ khổ lắm, phải bỏ đi Pháp, rồi
đi Mỹ cả 10 năm mới quay trở về. Khi về chú có gặp lại cổ,
khi đó cổ chưa có chồng. Nhưng chú thì có gia đình rồi. Cổ
lại đi tiếp,” tác giả “Tình Bơ Vơ” kể.

“Có một kỷ niệm vui với Bạch Yến… đó là quen cổ khi còn
là học trò mới lớn lên. Khi đó ‘bả’ đi về quê của ‘bả’,… tình
còn mới nên chú thấy nhớ nhớ, mới đón xe đò về quê gặp
‘bả’.. Xe đò chạy từ chiều đến 4 giờ sáng mới tới; mà lúc
giờ đó người ta còn ngủ hết, mình còn ở ngoài lộ… phải ngồi
trên băng ghế ngoài đường ngủ chờ trời sáng mới gặp được.
Đó là kỷ niệm mà chưa từng kể ai nghe,” ông cười với hồi
ức… cũng chừng có hơn 60 năm.

Xấu nên phải kiếm người đẹp
Một điểm chung của những người phụ nữ từng làm chàng
trai bước đi từ “Kiếp Nghèo” rung động, là, họ đều là những
người phụ nữ đẹp. Câu nào nhắc đến “người xưa” của ông
đều phải có dính đến chữ “đẹp.” “Vì mình xấu nên phải kiếm
người đẹp,” ông bảo thế, nhưng tin hay không là ở người
nghe.


“Cô ca sĩ Hạnh Dung thì không nổi tiếng nhưng đẹp,” ông
kể tiếp. “Nhớ có lần đi công tác ở Phù Cát. Sau khi biểu diễn
xong rồi thì về phòng ngủ. Nói là phòng, chứ chỗ nhà binh
thì chỉ trải chiếu ra nằm ngủ. Giữa đêm bị pháo kích, ù té
chạy tán loạn… Nhớ cổ cũng chạy thấy mình thì kêu ‘Em ở
đây nè, em ở đây nè.’”


Ca sĩ Hạnh Dung ở Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương,
chuyên đi hát cho lính nghe. Cô không là người nổi tiếng,
nhưng những bài hát ông viết trong giai đoạn quen cô là
ngững bài hát để đời, từ “Giọt Lệ Sầu,” “Tình Nghĩa Đôi Ta
Chỉ Thế Thôi,” đến “Phút Cuối” và đặc biệt là bài hát làm
“điên đảo” nhiều thanh niên trai tráng một thời: “Thành Phố
Buồn.”

Với ca sĩ Minh Hiếu, người ông cho rằng “tình nghệ sĩ thôi
chứ không phải đậm đà,” ông cũng mơ màng nhớ kỷ niệm
xưa. “Hồi mới quen, có lần cổ rủ về nhà ăn cơm. Cổ làm đĩa
gỏi, trên đó một bên cổ xếp sợi dây leo thành hình chữ MH,
bên kia thì chữ LP”.

Minh Hiếu chính là nguồn cảm hứng để ông viết bài “Biển
Tình” mà một người bạn tôi từng nhận xét “Trong tất cả
những bài hát của Lam Phương, ‘Biển Tình’ là bài hát có
giai điệu lạ nhất, nghe nhạc mà cảm giác như từng đợt sóng
từ ngoài khơi vô thẳng vào lòng mình.”

Mối tình nghệ sĩ không đậm đà với Minh Hiếu cũng ghi dấu
bằng những giai phẩm thật đẹp như “Biết Đến Bao Giờ” mà
lứa chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên sau năm 1975, khi bắt
đầu biết nghêu ngao những bản nhạc vàng thì đó lại là những
câu, “Đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào…” Ông kể
thêm, “Chú viết bài ‘Em ơi suốt đêm thao thức vì em”
(Em Là Tất Cả) là lúc chú lên nhà cổ chơi, khi ra về, cổ nói
‘nhớ mai lại nghe’. Chỉ một câu đó mà chú có ý tưởng viết
bài hát đó trong một đêm.”

Khi tôi hỏi, “Với chú, mối tình nào sâu nặng nhất, khiến chú
cảm kích người đó nhất?” Ông đã trả lời rất khéo, “Khó nói
được lắm, vì mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau.”

Hỏi ông khi nhìn lại hết những người phụ nữ mà ông từng
có tình cảm với, ông thấy đó là những tình cảm đẹp để nghĩ
về hay có gì hối tiếc, ông cho rằng, “Thường là đẹp, ít người
nào làm mình hối tiếc lắm. Vì khi mình thương người ta là
mình thương cái đẹp của người ta. Nhưng sau khi tan vỡ thì
những kỷ niệm đẹp làm mình nhớ.

Vừa viết vừa khóc
Theo ông, những sáng tác ông viết ra rất ít sự tưởng tượng,
mà hầu hết đều thoát thai từ chính những gì ông trải nghiệm,
liên quan đến cuộc đời ông, mặc dù có thể đó chỉ là những
cảm xúc thoáng qua, nhưng đó là của ông, không vay mượn.

“Có bài hát nào chú vừa viết vừa khóc không?” Tôi tiếp tục
cuộc chuyện trò, đôi khi tưởng chừng lạc ra ngoài đề tài đã
định.

“Có chứ. Đời chú có hai lần vừa khóc vừa viết: một lần là
khi viết bài ‘Kiếp Nghèo’; lần khác là khi viết bài ‘Một Mình
Viết mà khóc vì đó là viết cho chính thân phận mình, ông trả
lời.

Để phá vỡ không khí có phần trầm lại, tôi đưa luôn câu
“Vậy có bài nào chú vừa viết vừa cười không?”

Ông cười hiền lành, và trả lời, “Không.”

Cuộc đời chưa cười được. Ngay cả khi viết bài ‘Mùa Thu
Yêu Thương’ lúc gặp bà Cẩm Hường, giai điệu nhạc vui
tươi vậy nhưng nghe kỹ cũng sẽ thấy chứa trong đó nỗi buồn
bàng bạc, ông tâm sự.

“Vậy thì điều gì có thể làm chú cười vui?” – “Là những gì
không làm mình buồn.” – “Thế những gì làm chú buồn?” –
“Cũng không biết. Thật ra lòng mình giờ dường như lắng
đọng, không gì làm mình vui cũng như buồn. Muốn vui mà
không vui được, vì phải có người tạo cho mình vui, mà mình
đâu có ai đâu.”

Ông lại như rơi vào ‘khoảng lặng’ sau vài câu ứng đáp thật
nhanh.

Và ông lại như nói, dường như không phải để cho tôi, mà là
cho hết những người thương quý ông hiểu, “Đào hoa là do
hoàn cảnh đưa tới thôi, chứ mình có muốn cũng không được,
mà không muốn cũng không được. Hoàn cảnh thôi. Trời cho
mình tâm hồn như vậy. Hoàn cảnh đưa tới mọi thứ. Trời cho
đào hoa quá và giờ cũng cho luôn chiếc xe lăn ngồi một mình.

Tôi nhìn người nhạc sĩ ngồi đó, đôi tay đan vào nhau, mắt
lạc về một nơi nào, xa lắm. Không tấm hình nào chụp ông
lúc ngồi xe lăn mà lại thiếu nụ cười, một nụ cười chưa bao
giờ xuất hiện lúc ông còn trai trẻ. Nhưng, cả khi ông cười
tươi lẫn lúc ông cười mỉm, đôi mắt ông cũng đều buồn,…
nỗi buồn định mệnh của người đào hoa.

Báo Xuân Người-Việt Mậu Tuất
Nhạc sĩ Lam Phương: Đào hoa là do hoàn cảnh đưa tới,
trang 112-117
Bài viết: Ngọc Lan
Hình: Ngọc Lan & Trúc Linh, NV

E:\00-2018\IMG_1794_.jpg