Friday, 23 March 2018

Biển Tháng Ba - Bạch Liên

Biển Tháng 3

Là người con sinh sống ở miền Nam , chúng ta gần như ai cũng nghe câu nói quen thuộc rất bình dân khi nhắc nhở về sức gió ngoài biển khơi. Tôi mãi nhớ khi còn ở Sài Gòn, sau ngày dòng đời buồn tủi rẽ khúc vào tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, thỉnh thoảng trong lúc chuyện trò với nhau vô tình chen vào một câu mà được nhiều người dùng làm kim chỉ nam cho suy tính của mình. Bà già đi biển tháng ba có ngụ ý nói tháng ba biển êm, lặng sóng, rất thích hợp cho các chuyến ra khơi với mục đích an toàn đánh cá xa bờ.


Dòng lịch sử bức tử sang trang. Câu nói này bỗng dưng trở thành là cái móc, là điểm tựa nương cho việc thực hiện ước mơ được áp dụng vào các hoạch định thầm kín mà đêm đêm nhiều người thao thức tính toán cẩn trọng.  Nếu lỡ sai sót một chút, không đúng thời khắc có khi ta trượt ngã té đau và ân hận suốt đời. Kế hoạch bàn bạc chỉ trong vài người thân tín trải qua nhiều giai đoạn mới thực hiện được. Vượt tốc bất đạt nên những ai đang ấp ủ mộng vượt biển đều đi từng bước dò xét cho thật rành đường đi nước bước.

Có gan dạ vượt đại dương coi như giao mạng cho hên xui may rủi nên người có nhiệm vụ tổ chức chuyến đi đều suy nghĩ nát óc chứ không phải là chuyện lơ tơ mơ. Tất cả mọi hành động chịu khó mất thời gian cho chắc ăn tuy có chút dài lâu nhưng họ vẫn nhẫn nại chờ thời điểm chín mùi.  Đây là chuyến đi sinh tử có khi mất sạch tài sản dành dụm bấy lâu nay nên ai cũng phải dò xét chi li mọi rình rập của công an trong vùng chứ không bộp chộp nhanh chóng một ngày hay một bữa. Những ai có tên là tài công, người phụ xế tài lọt trên chiếc ghe được cấp giấy phép hoạt động cào cá phải tập tành quen thuộc ngõ ngách ra vào cửa biển tùy theo từng địa phương nơi mình đậu ghe. Nhất cử nhất động đều phải giữ gìn kín đáo để không bị hé lộ ý định dù nhỏ nhặt.  Người chủ chốt phải tính rất kỹ lưỡng sao cho an toàn về ngày giờ, địa điểm và còn cả chiều gió thuận lợi.  Quyết định cho một hải trình bỏ xứ ra đi tìm vầng sáng tương lai, gan lì cưỡi sóng đại dương cần phải có những trái tim quyết tâm đồng lòng chấp nhận mười tử mà chỉ có một là sinh mà thôi

Năm tháng rầm rộ bùng phát ý định vượt trùng dương, tôi còn non trẻ nên không hiểu nhiều về con nước lớn ròng hoặc thủy triều lên xuống ra sao, khi nào gió lộng, khi nào gió êm hiền hòa và thổi buồm theo hướng nào.  Tất cả mọi lo toan đều do các chú bác kinh nghiệm xét đoán thời điểm nào và hoàn cảnh nào là thích hợp nhất.  Khổ một nỗi, chúng ta cũng thường nghe câu nói, người tính không bằng trời tính. Vận xui hay hên ảnh hưởng đến số phận của từng mỗi chiếc lá gỗ lênh đênh giữa muôn trùng sóng vỗ. Không ai là tiên tri có thể quyết đoán chính xác số mệnh long đong của chiếc lá mong manh sẽ trôi giạt vào bến nào.  Một là quay về ở tù, hai là chết chìm dưới đáy biển mất biệt tăm hơi và ba mới tới may mắn sống sót an bình trong bầu trời tự do.

Không ai biết chuyến đi vào tháng ba biển sẽ êm như ru xuôi chèo mát mái thế nào.  Cũng như không ai dám tuyên bố, chắc chắn chiếc ghe bằng gỗ mộc đóng ghép đơn sơ sẽ được đấng thiêng liêng cứu mạng và hứa hẹn đưa đẩy đến bến bờ bình yên chăng, mặc dù bà già gầy yếu cũng có thể đi biển tháng ba. Công an biên phòng quá hiểu biết tháng ba biển lặng sóng êm nên có rất nhiều chuyến vượt biên. Họ càng xông xáo giăng bẫy rọ, chận xét gắt gao hầu túm bắt toàn bộ chiếc ghe và dĩ nhiên là thoải mái gom ẵm vàng rồi âm thầm chia chát nhau bỏ túi riêng một cách êm thắm.

Đôi khi cũng vì lo sợ sự canh gác dầy đặc vào tháng ba nên nhiều vị tổ chức đổi ý, cho ghe xuất bến vào các tháng khác cho dẫu biết biển khá động để không bị công an dòm ngó, theo dõi trù dập và bắt hốt hết bỏ vô chuồng cây.  Cũng may, nhờ bề trên cứu rỗi và Phật trời che chở, nhiều chiếc ghe bé nhỏ nhổ neo vào thời gian biển động cũng đã an toàn cập bờ đất nước bao dung. Vô số ghe con bạt mạng phiêu lưu vào tháng ba biển êm nhưng lại không may mắn thấy được ánh bình minh ở cuối chân trời mơ ước vì nhiều yếu tố thảm sầu khác xảy đến bất ngờ.  Như tài công không biết lái tàu, máy tàu hư, gặp bão bất chợt sóng quá mạnh đánh bật ghe bị nhấn chìm, hải bàn hư nửa chừng không còn biết phương hướng…

Một khúc quanh tím ruột thắt gan khắc ghi trăm ngàn câu chuyện đau thương của từng chiếc ghe may mắn hay bạc mệnh. Ghe mất dạng bị nhấn chìm sâu dưới lòng đại dương thì coi như hoàn toàn không ai còn sống sót để kể lại nguyên nhân vì sao ghe bị đắm. Ai bình an nhập vào trại tỵ nạn mà chịu khó cầm bút ghi lại từng chi tiết lâm ly thì trang sử Việt mới còn biết đến hành trình gian nan ra sao.

Nếu nửa triệu người đã từng mang thân phận thuyền nhân tề tựu ngồi lại, cùng ghi xuống bao nỗi kinh hoàng mình đã trải qua trong những ngày trèo leo theo bọt biển thuở nào thì kho tàng văn chương, lịch sử văn hóa chắc không đủ các kho để cất giữ cho hết các dữ kiện.  Ngoài ra, các hồ chứa nước mắt và máu đào loang chảy cũng đầy tràn triệu triệu giọt lệ khóc than cho biết bao thân phận yểu mệnh đã liều mình nhảy sóng cùng tử thần hầu thực hiện khát vọng.  Ước mơ đào thoát khỏi bóng đêm mịt mùng không còn giọt đèn tương lai nào le lói trong cạn cùng kiếp nhân sinh
Hơn nửa triệu người nát thịt tan xương dưới lòng biển mặn sâu thẳm. Tôi là một trong những người sống sót xin cám ơn biển Đông, xin nói lời cám ơn các quốc gia nhân ái đã dang tay ôm ấp những con người tả tơi phiêu bạt có tên gọi là Thuyền Nhân. 

 Thuyền nhân đều có những trái tim gan dạ dám liều lĩnh cá cuộc tánh mạng của mình trên biển Đông kinh hoàng với một tia hy vọng mong manh để kiếm tìm hai chữ Tự Do vô giá.

Bà già đi biển tháng ba
Gió thương thổi ghe ra xa
Ai ngờ mưa bão bất chợt
Mạng người tơi tả khóc la
*
Bơ vơ không thấy chân trời
Nước xanh đậm đặc muôn nơi
Quạnh hiu ghe cây giẫy chết
Rồi từng xác người thả rơi
*
Tháng ba biển có hiền hòa?
Đúng thật gió êm không ta?
Hay là bốc đồng nổi giận
Hất ghe chìm khuất xót xa

Bạch Liên