Friday 23 March 2018

Tổng thống Trump chọc giận Trung Quốc về Đài Loan

đài loan
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)

Tóm tắt bài viết

  • "Đạo luật thăm Đài Loan" là chiến lược mới của Tổng thống Trump?
  • Sự tương phản giữa Đài Loan và Trung Quốc cho thấy sức mạnh của các giá trị truyền thống.
  • Một Tổng thống Trump dám nghĩ dám làm: Trung Quốc sẽ phải thay đổi cách cư xử của mình

Không phải là thương mại, Biển Đông hay quyền sở hữu trí tuệ, tuần qua Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Trung Quốc nổi giận khi ông ký một đạo luật liên quan đến vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh gọi là một tỉnh ly khai.

Chiếc thảm đỏ nghênh đón Tổng thống Trump và các cuộc chiêu đãi “siêu trọng thị” của Bắc Kinh dành cho ông (một sự tương phản rõ rệt với lần tiếp đón ông Obama) cũng không khiến vị tỷ phú Hoa Kỳ nhẹ tay hơn với Trung Quốc.

Bắc Kinh Trung Quốc trải thảm đỏ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông vào tháng 11/2017. Cựu Tổng thống Obama không nhận được sự tiếp đón này khi ông tới Bắc Kinh vào tháng 9/2016 (Ảnh: China Daily/AP)

Vài ngày sau khi ông Trump tăng mức thuế nhập khẩu thép và nhôm nhằm chống lại tình trạng cung ứng dư thừa của Trung Quốc, hôm 16/3 ông đã ký một đạo luật cho phép các quan chức Mỹ tới Đài Loan để gặp gỡ các đối tác tại hòn đảo này, một động thái khiến Trung Quốc tức giận.
Sự nóng mặt của Bắc Kinh là điều có thể tiên đoán trước vì quyết định của ông Trump đồng nghĩa với sự ghi nhận của Hoa Kỳ đối với vị thế của Đài Loan, vùng lãnh thổ với một chính phủ độc lập mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói đạo luật này “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc, nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ lời cảm ơn về “hành động thân thiện” của chính quyền Trump, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ ở mọi cấp.

Chiến lược Đài Loan của Tổng thống Trump?

Bà Cheng Yu-Chin, Giám đốc Viện Kinh tế Chính trị Liên minh châu Âu-Trung Quốc ở Prague (Séc), cho biết: “Đài Loan là một tấm thẻ ngoại giao để ông Trump sử dụng khi ông ấy cần chọc giận Trung Quốc”. Điều này có thể là một sách lược của Tổng thống Trump khi chính phủ của ông đang yêu cầu Bắc Kinh có kế hoạch cắt giảm thâm hụt thương mại hàng năm của Hoa Kỳ với Trung Quốc ở mức 100 tỷ USD, theo Nhật báo Phố Wall (WSJ).

Lập trường mạnh mẽ của Tổng thống Trump về Đài Loan có thể tìm thấy những người ủng hộ trong các Đảng viên Cộng hòa ở Nghị viện Hoa Kỳ, theo Bloomberg.. Thượng nghị sĩ bang Arkansas, ông Tom Cotton, đã chỉ trích Trung Quốc về việc cô lập Đài Loan và nói rằng “chỉ có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ mới có thể đẩy lùi sự gây hấn này”.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump khiến Trung Quốc bất an về lập trường của Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Tháng 12/2016, khi còn chưa chính thức nhậm chức tổng thống, ông Trump làm một điều mà những người tiền nhiệm gần 40 năm qua không dám làm: Điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. (Chi tiết)

Đài Loan Trung Quốc nóng mặt vì cuộc điện đàm vào tháng 12/2016 giữa ông Trump, khi đó là tổng thống đắc cử, và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Đáp lại những lời chỉ trích rằng cuộc điện đàm gây căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ – Trung, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa hai nước, ông Trump lập tức ‘phản pháo’ trên mạng xã hội Twitter về chính sách tiền tệ và hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Trung Quốc có xin phép chúng ta hay không khi họ phá giá đồng tiền của họ (khiến các doanh nghiệp của chúng ta khó cạnh tranh), hay đánh thuế thật nặng lên các sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vào đất nước họ (trong khi Mỹ không đánh thuế họ) hay khi họ xây dựng một khu phức hợp quân sự lớn ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ như vậy!”
 Một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông (Ảnh: Vox)

Trung Quốc và Đài Loan khác gì nhau?

Do ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhiều người trên thế giới không rõ Đài Loan thuộc Trung Quốc hay là một quốc gia độc lập. Các nhà lãnh đạo các nước, gồm cả Hoa Kỳ, cũng xem đây là một chủ đề nhạy cảm vì từ năm 1979, Mỹ thừa nhận chính sách Một Trung Quốc và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hay còn gọi là Trung Hoa Dân Quốc.

Đài Loan Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Ảnh: islamtimes.org)

Dù chung một nguồn gốc, sử dụng cùng một thứ tiếng, nhưng sự khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc là vô cùng to lớn.

Đài Loan có GDP bình quân đầu người cao gấp 4 lần Trung Quốc và tuổi thọ dự kiến của người Đài Loan cao hơn đáng kể so với người đại lục, theo Investopedia. Cụ thể, Trung Quốc được xác định là một nước đang phát triển với GDP bình quân đầu người năm 2016 là 9,844 USD và tuổi thọ dự kiến là 75. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Đài Loan ở mức 39,767 USD, dễ dàng được phân loại là một quốc gia phát triển, và tuổi thọ dự kiến là 79.

Không chỉ gây dựng một nền kinh tế phát triển, Đài Loan còn lưu giữ được những giá trị truyền thống vốn đã bị tàn phá ở Trung Quốc đại lục..

Cùng kế thừa nền văn minh 5000 năm Trung Hoa với những giá trị Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, thái độ của hai bờ eo biển Đài Loan – Trung Quốc đã dẫn đến những hệ quả tương phản. Ở đại lục, Trung Quốc đã phá hủy những giá trị truyền thống thông qua các cuộc vận động chính trị liên tiếp, đặc biệt trong thời Đại cách mạng văn hóa. Niềm tin về nhân nghĩa, thiện ác hữu báo bị xóa nhòa và thay thế bằng những quan niệm Giả – Ác – Đấu, không sợ trời đất, không sợ báo ứng.
văn hóa 

Phá chùa và đập tượng Phật là cảnh tượng thường thấy trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.

Cũng thời gian này, để bảo tồn văn hóa Trung Hoa và phản đối hành động phá hoại văn hóa truyền thống dân tộc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn 1.500 nhân sĩ Đài Loan đã viết thư cho Viện Hành Chính của Đài Loan nhằm phát động cuộc “Vận động phục hưng văn hóa Trung Hoa”. Nhà lãnh đạo đương thời, Tưởng Giới Thạch là người đi đầu trong phong trào tôn vinh các giá trị truyền thống. Nhờ vậy, đến nay Đài Loan vẫn giữ được nhiều di sản quý báu, và trở thành một trong những vùng đất trọng lễ nghĩa nhất thế giới.

Nhiều du khách đại lục tới Đài Loan có thể ngỡ ngàng khi tìm lại những điều đã bị đánh mất ở Trung Quốc. Một số người phải thốt lên rằng: “Tới Đài Loan, tôi mới nhận ra mình đã từng bị lừa dối“.

Một Tổng thống Trump dám nghĩ dám làm

Từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện ông là một nhà lãnh đạo dám làm những điều mà những người tiền nhiệm không dám làm, đặc biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên.

Chiến lược của chính quyền Trump về áp lực tối đa với Triều Tiên, cùng với những “nhành ô liu” thân thiện từ đồng minh Hàn Quốc, đã cho thấy tác dụng. Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp mặt lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 5 để đi đến phương án phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Dường như Tổng thống Trump đang bắt đầu siết chặt Trung Quốc bằng các biện pháp thương mại và giờ đây là Đài Loan.
Với sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, “sẽ có những thay đổi lớn trong cách mà Trung Quốc cư xử với Mỹ và thế giới, theo hướng tích cực hơn”, đó là nhận định của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour.

Ông cũng hy vọng ảnh hưởng của Tổng thống Trump sẽ khiến Bắc Kinh phải chấm dứt những vi phạm nhân quyền đối với những người tập Pháp Luân Công, môn khí công theo Chân – Thiện – Nhẫn được ca ngợi ở MỹCanada và nhiều quốc gia trên thế giới nhưng bị đàn áp đẫm máu tại Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.
Pháp Luân Công ở Đài Loan Bức ảnh cho thấy sự tương phản giữa Đài Loan và Trung Quốc về lập trường đối với Pháp Luân Công. Ảnh bên trái: Hàng nghìn học viên Pháp Luân Công ngồi thiền tại Quảng trường Tự do ở Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh bên phải: Cảnh sát mặc thường phục Trung Quốc bắt bớ một học viên Pháp Luân Công ở đại lục.

Mai Liên

 
Có thể bạn quan tâm :