Friday 23 March 2018

George Washington, hội Freemasonry, đền thờ Thánh Kukulkan, đạo Cao Đài và Cửu Trùng Thiên - Nguyễn Minh Việt Sơn

Chín từng trời đất thông truyền chứng tri
(kinh Niệm Hương của Cao Đài)


I - GEORGE WASHINGTON VÀ HỘI FREEMASONRY

Phần nhiều chúng ta biết về George Washington (1732-1799) là vị Tổng Thống đầu tiên, người anh hùng lập quốc của xứ Mỹ và cũng từng là người được sùng kính ở Mỹ như một người cha đẻ của đất nước. Về phương diện tôn giáo, ông là người theo đạo Baptist nhưng có một điều rất ít ai để ý đến là ông cũng là một hội viên và cũng là Đại Trưởng Lão (Grand Master) cấp 33, cấp cao nhất của Freemasonry (còn được gọi là Masonic). Freemasonry là một hội kín trên thế giới có tên tuổi quen thuộc ở Âu Mỹ mà nhiều người dịch sang tiếng Việt một cách nôm na là hội Thợ Nề. Không phải chỉ riêng ông mà các nhân vật nổi tiếng cùng thời như Benjamin Franklin, Marquis de Lafayette cũng như rất nhiều Tổng Thống và nhiều nhân vật quan trọng các đời sau nầy ở Mỹ cũng là hội viên của hội Thợ Nề (Freemasonry hay Masonic). 

Trên chính thức, tính ra có đến 14 trong số 44 Tổng Thống Mỹ đã là hội viên chính thức và cao cấp của hội Thợ Nề nầy (xem Hình 1). Người gần nhất sau nầy là Tổng Thống Gerald Ford, người cầm quyền xứ Mỹ trong những ngày sau cùng của chiến tranh VN. Ông Ford cũng chính là Đại Trưởng Lão (Grand Master) cấp 33 của Masonic được tấn phong ở một Grand Lodge (Đại Tịnh Thất) của Masonic ở Philadelphia. Một số người khác như Ronald Reagan chỉ là hội viên danh dự, Lyndon Johnson sau khi là hội viên cấp 1 thì bỏ cuộc vì bận rộn. Người ta nói Thomas Jefferson, một người sáng lập và là TT thứ 3 của xứ Mỹ, cũng là hội viên Masonic nhưng điều nầy không được rõ ràng cho lắm và ít thấy ai ghi tên ông là hội viên Masonic vì vẫn còn nhiều nghi vấn lịch sử đang bàn cãi.


               

Hình 1: Danh sách các Tổng Thống Mỹ từng là hội viên của Freemasonry.

II - FREEMASONRY

Như vậy thì ... Freemasonry là gì ?

Chữ “Thợ Nề” (Mason) ngụ ý đây là hội đã lập ra bởi những người thợ đặt gạch đá đã từng tham gia vào việc xây cất các Kim Tự Tháp của Ai Cập ngày trước và đã được tự do. Nhưng sự kiện xây dựng Kim Tự Tháp đã quá xa xưa và có thể nói là cách đây từ vài ngàn cho đến hơn 12 ngàn năm về trước (tuỳ theo bạn tin nơi giả thuyết nào). Như vậy có thể nào các hiệp hội Masonic đã có từ thuở xa xưa đó ?

Thật ra nguồn gốc của Masonic cũng không được rõ ràng cho lắm vì quá nhiều chi nhánh trên khắp Âu Mỹ và đào sâu vào lịch sử của họ là một sự khó khăn vô cùng, vì đây là các hội kín trong đó chỉ các hội viên cao cấp mới biết được những bí mật của hội. Một qui luật khe khắc nhất của hội là không ai được phép tiết lộ các bí mật nầy ra ngoài (nghe giống giống như Mafia của Ý hay Thiên Địa Hội của TQ). Tuy nhiên, Masonic có một điểm lạ đời hơn các tôn giáo khác mà chúng ta thường biết, đó là họ không bao giờ mở miệng ra trực tiếp hay gián tiếp chiêu dụ hay mời mọc người lạ theo đạo (hay gia nhập hội) của họ. Nguyên tắc hành động của họ là một câu văn danh tiếng trong Thánh Kinh là: “Gõ cửa, cửa sẽ mở”. Nếu các bạn tò mò tìm đến hỏi họ sẽ nói sơ sơ cho nghe, và nếu muốn thành hội viên thì phải trải qua một số thử thách (mà ... thật tình tôi không biết nhiều về các chi tiết, vì đã nói là đó là các nghi lễ bí truyền mà).

Có một điều tôi biết chắc chắn là Masonic có một điểm rất giống đạo Cao Đài ở VN, đó là nhìn nhận và tôn kính hình ảnh của một con mắt và biết đó là biểu tượng của Thượng Đế (Supreme Being hay All Seeing God).

Hình như qui luật chính của Masonic là bạn có thể theo bất cứ một tôn giáo nào nhưng nếu muốn là hội viên bạn phải là đàn ông, trên 21 tuổi và tin tưởng rằng có một đấng tối cao sáng lập ra vũ trụ, đó là Thượng Đế (Supreme Being). Điều nầy có lẽ sẽ làm tất cả các nam tín đồ Cao Đài VN hội đủ điều kiện tối thiểu để thành hội viên hội Thợ Nề (Masonic), nếu muốn.

Rất có thể là lời thề nhập môn của Cao Đài và Masonic có nhiều điểm rất tương đồng ?

III - FREEMASONRY VÀ NHỮNG NGÀY LẬP QUỐC MỸ

Một việc khác mà chắc các bạn có lẽ từng nghe qua, đó là việc phát họa bản đồ của thành phố Washington DC, thủ đô của xứ Mỹ, ngay từ lúc mới lập quốc là do bàn tay của hội Thợ Nề và các hội viên. Những cấu trúc dinh thự và đường xá ngay từ đầu là do Masonic làm ra. Ngạc nhiên ? Bạn có lẻ còn ngạc nhiên hơn nhiều nếu biết rằng điện Capitol, nơi Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ họp hành lo việc nước ngày nay, đã từng được chủ động xây dựng khởi công bởi hội Thợ Nề, chứ không phải được xây dựng nên bởi chính phủ Hoa Kỳ. Chính ông George Washington chủ tọa làm lễ khởi công (đặt viên đá đầu tiên) điện Capitol với tư cách là Đại Trưởng Lão (Grand Master) của Masonic chứ không phải với tư cách là một Tổng Thống Mỹ. Chắc các bạn nghĩ rằng tôi nói chuyện tưởng tượng.  Không, đó là các chuyện thật. Nên nhớ những điều tôi viết ra đây là các sự kiện lịch sử của Hoa Kỳ, không phải do tự tôi nghĩ ra mà là viết có các sách tham khảo cẩn thận.

Có ba câu chuyện quan trọng mà tôi muốn chia xẻ cho các bạn cùng biết, đó là câu chuyện 1 về chiếc yếm dãi Masonic của ông George Washington (apron, chiếc yếm đeo trước ngực mà ông đã từng mặc lúc làm lễ khởi công điện Capitol), câu chuyện 2 về biểu tượng Thiên Nhãn (con mắt của Thượng Đế, Eye of All Seeing God hay Eye of Providence) được vẽ lên trên các đồng tiền một dollar của Mỹ và một câu chuyện 3 khác về đền thờ thánh Kukulkan của người Maya ở miền  Nam xứ Mexico.

Chúng ta sẽ nhận xét về cấu trúc bên trong của Toà Thánh Cao Đài ở Tây Ninh (VN) và sẽ bàn về một sự trùng hợp vô cùng lý thú: Cửu Trùng Thiên.

IV - FREEMASONRY, THIÊN NHÃN VÀ ILLUMINATI 

Chắc các bạn thắc mắc về con số 33. Không biết rõ những ai từng có cấp bực thấp hơn con số 33. Theo ý riêng của tôi, trong Masonic có 3 sơ cấp (elementary) không tính vào bậc hội viên, như vậy cấp 33 chính là cấp bậc thứ 36. Và các ông bạn tín đồ Cao Đài giống như tôi chắc rất vui mừng khi nghe con số 36, nó phù hợp với 36 cõi trời (Tam Thập Lục Thiên) trong các kinh thơ của đạo Cao Đài. Các bạn có thấy sự gần gũi giữa Cao Đài và hội Thợ Nề ? Đừng vội nhận là đồng đạo, trong khi tín đồ Cao Đài VN lúc sơ khởi thì chỉ có đức tin và có thể thua kém rất nhiều về kiến thức khoa học và xã hội (đây là thánh ý của Thượng Đế theo kinh sách Cao Đài), các hội viên Masonic ở Âu Mỹ xưa nay đa số lại là các thành phần ưu tú và trưởng giả nhất trong xã hội, lý do chính là vì các hiệp hội Masonic đã có từ lâu đời rồi. Hai thái cực trong hai cõi Đông Tây nhưng lại cùng chia xẻ một niềm tin, thật là hi hữu, tôi nghĩ vậy. Trong khi các tín đồ Cao Đài VN chỉ lo tu hành, kinh kệ và lễ bái, các hội viên của các hội Thợ Nề ở Âu Mỹ đã và đang tích cực hoạt động bên trong trên các lãnh vực chánh trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và kinh tế. Gần đây nhất chắc các bạn có nghe nguồn tin hội Thợ Nề đã từng kín đáo nhúng tay vào chính trị của Pháp, từng họp nhau lại để xem ai sẽ được họ cử lên làm TT Pháp kỳ tới và họ đã từng nằm ẩn dật bên trong Toà Thánh Vatican của Thiên Chúa Giáo trong các vị trí quan trọng khá cao ? 

Song song bên cạnh Masonic ở Âu Châu vào thế kỹ 18 là một hội tương tự vốn biến thân từ Masonic là hội Illuminati mà nhân vật tăm tiếng nhất trong cuộc cách mạng 1789 ở Pháp là Maximilien Robespierre (1758-1794), một trong các Đại Trưởng Lão của Illuminati. Khác với Masonic, Illuminati dùng hình con mắt trái có đuôi làm phù hiệu (Eye of Horus). Robespierre chủ trương dùng bạo lực để đạt được bình đẳng xã hội, do đó ông đã lôi cổ bao nhiêu người lên máy chém, để rồi rốt cuộc chính ông cũng được kéo lên máy chém giống như các nạn nhân khác (đúng như lời Jesus nói trong Thánh Kinh :”Ai sống nhờ gươm giáo sẽ chết vì gươm giáo”).

Robespierre là người đã từng muốn biến xứ Pháp từ một xứ Thiên Chúa Giáo thành một xứ chỉ thờ Thượng Đế (Supreme Being) dù ông không hề đá động gì đến việc dùng Thiên Nhãn như là biểu tượng của Thượng Đế. Nếu Robespierre thành công lúc đó, chắc xứ Pháp ngày nay không còn các nhà thờ mà toàn các đền thờ Thượng Đế (Supreme Being).
Tôi có đọc được một tài liệu nói rằng cả hai người Leon Trotsky và Vladimir Lenin đều là cựu hội viên của Masonic và có thể Lenin trước khi thành lập đãng Cộng Sản Nga đã là Trưởng Lão cấp 31 (Grand Inspector) của Masonic ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên vì tài liệu nầy ấn bản ở Moscow sau nầy (khoảng 1990) cho nên có lẽ hơi khó tin tưởng một chút (fake news ?).

V - MASONIC LODGES

Có một điều khá thú vị ở Âu Mỹ là các hội Thợ Nề đều có Lodge (Nhà Hội hay Tịnh Thất) gần như ở mọi thành phố lớn nhỏ. Thử các bạn tra Google hay phonebook tìm một Masonic Lodge gần bên, bạn sẽ ngạc nhiên vì có thể nó chỉ nằm vài khoảng đường gần nhà bạn hoặc ở nơi các bạn lái xe hay đi bộ qua mỗi ngày mà không hề để ý đến, như một nhà thờ trong bao nhiêu nhà thờ khác ở Mỹ. Tuy nhiên những Lodges nầy rất yên lặng và kín cổng cao tường (chữ Tịnh Thất mà tôi dùng để dịch chữ Lodge, mặc dù hơi gượng gạo nhưng có lẽ thích hợp nhất), ngoài bảng tên trước cửa không có một dấu hiệu gì khác đáng để ý, nhất là các cửa sổ phần lớn không có, hoặc có mà lại đóng kín (đã bảo là hội kín mà !). Bạn có thể đến gõ cửa và hỏi han, chắc chắn họ sẽ đón tiếp bạn một cách vui vẻ và họ sẽ nói với các bạn rằng đây chỉ là một hiệp hội từ thiện và họ không biết được nhiều về các phù hiệu Thiên Nhãn hay các huy hiệu khác. Các hội nầy đúng là tổ sư về bí mật kia mà ....

Vào thế k 18 và 19, người dân Mỹ rất có cảm tình với Masonic mặc dù họ không biết gì nhiều về các nghi lễ cũng như hoạt động của những hiệp hội bí ẩn nầy. Lúc đó phần lớn các nhân vật quan trọng trong các thành phố Mỹ đều là hội viên Masonic. 

VI - MASONIC VÀ MỘT VỤ ÁN SÁT NHÂN NĂM 1919

Năm 1919 có một vụ án sát nhân đầy tai tiếng cho Masonic đã xảy ra tại tiểu bang New York. Người bị giết là một cựu hội viên hội Masonic đã bỏ hội đi ra còn tuyên bố ầm ĩ lên là sẽ nói cho báo chí biết về các bí mật của hội. Xác nạn nhân bị giết bỏ xuống trôi sông và được tìm thấy ở một nơi gần thác Niagara ngày nay, cảnh sát tìm ra thủ phạm là một hội viên khác của cùng hội Masonic. Dù không rõ là việc sát nhân nầy là do lệnh của hội đồng quản trị Masonic đó hay không (vì họ bí mật quá), hay chỉ là hành động bộc phát cá nhân, người dân Mỹ lúc đó cảm thấy đã quá đủ với các hiệp hội bí mật nầy rồi, phong trào chống đối Masonic nỗi lên ầm ĩ qua các cuộc biểu tình và các bài báo lên tiếng chỉ trích nặng nề trên các tờ báo lớn.

Kể từ đó các hội Masonic dần dần có ít hội viên hơn và sự kiện sát nhân năm 1919 đã tạo ra một vết nhơ đen to tát khó gột rửa được trong lịch sử của hội. Cũng từ ngày đó, giới trí thức trung lưu và thượng lưu của Mỹ cũng bớt đi sự tò mò tìm hiểu cần thiết để tham gia các hội Masonic.

VII - VIỆC KHAI ĐẠO CỦA CAO ĐÀI

Năm 1921, hai năm sau sự kiện đầy tai tiếng cho Masonic xảy ra tại Mỹ, thì có một sự kiện khá quan trọng khác xảy ra ở Hà Tiên (Việt Nam), đó là việc cư sĩ Ngô văn Chiêu (người đã từng sử dụng cơ bút để tiếp xúc với các đấng thiêng liêng từ năm 1919) trong lúc ngồi thiền bên vách núi đã nhìn thấy hình Thiên Nhãn nổi lên trên mặt biển nơi tiếp giáp giữa trời và biển. Ông Ngô văn Chiêu (1878-1932) được nhận chỉ thị qua cơ bút là phải dùng hình con mắt đó (mà ông đã nhìn thấy) để tượng trưng cho Thượng Đế mà thờ phượng. Đạo Cao Đài chính thức khởi đạo tại VN kể từ ngày đó. Các bạn có thể tìm đọc thêm chi tiết về lịch sử kỳ lạ của đạo Cao Đài qua Internet hoặc qua các sách ebooks phổ biến rộng rãi của Cao Đài Tây Ninh hoặc Cao Đài Tiên Thiên (hai khối Cao Đài nầy hoàn toàn không có dính dáng gì với nhau từ đầu mà chỉ biết nhau qua các thông điệp cơ bút, cùng nhận thông điệp từ một gốc, nhóm Tiên Thiên lập nên do các môn đệ của ông Ngô văn Chiêu). Ông Ngô văn Chiêu là người đã từ chối lời mời vào vị trí lãnh đạo Cao Đài Tây Ninh với một câu trả lời bất hủ :“Thân ngô bất độ, hà tha độ ?” (Mình chưa độ được chính mình thì làm sao có thể độ được người khác ?). Theo tôi được biết không có một ai trong số những người mở đạo Cao Đài đã biết gì hay có liên lạc gì với các hội Masonic trước khi biết và tin theo đạo Cao Đài theo qua cơ bút.

Vào đầu thế kỹ 20, theo các tài liệu tôi đọc được thì ở VN đã có đến 14 lodges của Masonic. Hai nhà văn nổi tiếng lúc đó, Nguyễn văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là hai trong số những hội viên gốc Việt đầu tiên của hội Masonic truyền sang VN từ Pháp.

VIII - CHIẾC YẾM DÃI (APRON) MASONIC CỦA GEORGE WASHINGTON 

Trở lại câu chuyện 1 đầu tiên tôi muốn nói là chiếc yếm dãi (apron, xem Hình 2) mà ông Washington đã mặc lúc làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây điện Capitol. Chiếc yếm nầy được may và thêu bởi bà phu nhân của Marquis (Hầu tước) de Lafayette trao tặng cho ông Washington. Ông Lafayette (1757-1834) là một trong những người đã có công lập quốc xứ Mỹ và là một vị tướng quí tộc người Pháp dưới quyền ông Washington, được ông nầy thương mến như con đẻ (ngày nay ở Mỹ có hơn chục tiểu bang có những thành phố lớn nhỏ mang tên Lafayette là để kỹ niệm về ông).
Người ta không biết rõ là trong hai người, Benjamin Franklin (1706-1790) và Lafayette, ai là người đã mang ông Washington vào hội Masonic vì cả hai ông nầy đều sống ở Pháp trong nhiều năm và đã là hội viên trước ông Washington khá lâu. Chiếc yếm dãi nầy có lẽ là theo đúng khuôn khổ mà hội Freemasonry ở Pháp của ông Lafayette đã từng sử dụng.

Theo như Hình 2 cho chúng ta thấy ở dưới cùng là một chiếc quan tài và kế tiếp là ba cấp bậc hình ca rô đen trắng, kế là một cái đài có sáu bậc thang, tiếp theo là một bàn thờ với hai cái compass đặt ngược chiều nhau (tượng trưng cho sự sáng tạo và xây dựng). Bên trên đó là 7 vì sao tượng trưng cho chòm sao Bắc Đẩu (Polaris) và bên trên cùng hết là hình một con mắt (không hẳn rõ ràng mắt phải hay mắt trái). Hai bên là hai biểu tượng Nhật Nguyệt, mặt trời và mặt trăng. Ngày nay các bạn có thể đặt mua một bản sao lại của chiếc yếm dãi nầy trên Internet với giá khoảng U.S. $850.

   

Hình 2: Chiếc yếm dãi (apron) Masonic của George Washington từng mặc lúc đặt viên đá đầu tiên xây điện Capitol. Đây là món quà tặng từ Marquis de Lafayette, may và thêu bởi bà phu nhân của ông.

Mặc dù có rất nhiều tác giả Âu Mỹ diễn tả các biểu tượng nầy với nhiều cách khác nhau và khoác cho nó một sự huyền bí khó hiểu, tôi không đồng tình với họ và nghĩ rằng chiếc yếm dãi mà ông Washington đã mặc trong các buổi lễ quan trọng của Masonic chỉ có một ý nghĩa duy nhất mà tôi diễn dịch như sau: “Khi con người ta chết đi, linh hồn sẽ phải vượt qua, trước hết là ba cõi bên dưới rồi đến sáu cõi bên trên, mới bước vào cõi tạo hoá vũ trụ mà trở về với Thượng Đế, hướng nơi chòm sao Bắc Đẩu và Thượng Đế là đấng cao cả sáng tạo ra nhân loại và muôn loài, là đấng toàn tri, luôn luôn nhìn thấy và hiểu biết tất cả mọi sự việc đang xảy ra trong vũ trụ. Mặt  trời và mặt trăng là biểu tượng cho sự tuần hoàn của ngày và đêm, cần thiết cho nhân loại và chúng sinh trên địa cầu”. 

Có phải đây là một trong những thông điệp bí mật mà các Đại Trưởng Lão các hội Freemasonry đã biết tự nghìn xưa, nhưng không bao giờ muốn diễn đạt ra trong văn từ ?

Năm 1922 hội Masonic có xây một đài tưởng niệm cho ông Washington (George Washington Masonic National Memorial) ở Alexandria, Virginia (nằm phía bên phải của đường tàu điện từ District of Columbia chạy về hướng Virginia, lúc vừa ra khỏi ranh giới). Hình 3 là bức hình mới nhất trên Internet của đền thờ nầy. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy 9 bậc thang trên đỉnh của đền, tương ứng với 9 bậc thang trong hình 2. Hình số 4 mở rộng hình số 3 cho thấy thêm chi tiết rõ ràng về một cái đài 9 tầng trên nóc đền. Điểm quan trọng là mặc dù Freemasonry nói rằng họ xây nhà tưởng niệm nầy giống như ngọn hải đăng ở Alexandria của Ai Cập ngày xưa (một trong 7 kỳ quan của thế giới cũ), tuy nhiên ngọn hải đăng Alexandria không có 9 bậc thang trên đỉnh và chắc chắn người kiến trúc sư biết điều đó và họ đã cố tình bày tỏ (nhưng không nói) biểu hiệu 9 cõi trời ngay trước mắt mọi người. Đây là một lối biểu hiệu ngôn ngữ mà Freemasonry thường hay sử dụng trong quá khứ.
Chín bậc thang là phần then chốt của bài viết nầy, vì theo tôi, đây chính là 9 bậc thang tiêu biểu cho Cửu Trùng Thiên, một bộ máy thanh lọc linh hồn tinh vi và vĩ đại của tạo hoá mà tôi sẽ phân tích ở phần sau.


Hình 3: Đền Tưởng Niệm ông George Washington
xây bởi Freemasonry ở Alexandria, Virginia năm 1922.


Hình 4: Chín bậc thang trên nóc của đền Tưởng Niệm ông Washington,
đề tài chính trong việc bàn luận trong bài nầy.

IX - HÌNH THIÊN NHÃN TRÊN ĐỒNG TIỀN MỘT DOLLAR

Trở lại vấn đề bức hình Thiên Nhãn trên đồng một đô la của Mỹ. Trên thực tế, ít người ngoại quốc và người Mỹ biết được là chiếc ấn quốc gia chính thức (quốc huy) của Mỹ có hai mặt: trước (front) và sau (rear). Hình 5 là bề mặt trước (front) của quốc huy có hình chim eagle (chim ưng là biểu hiệu của xứ Mỹ) với hai chân, một bên mang bó tên (tượng trưng cho võ lực) và một bên mang cành olive (tượng trưng cho hoà bình). Mười ba ngôi sao tượng trưng cho 13 tiểu bang lúc lập quốc. Hàng chữ E Plurius Unum có nghĩa là “One Out of Many” (nhiều hợp lại thành một, tượng trưng cho sự liên hiệp các tiểu bang). Hình 6 là bề sau (rear) của phù hiệu quốc huy Mỹ, có một tháp 13 tầng tượng trưng cho 13 tiểu bang đầu tiên, trên đó là một con mắt (Thiên Nhãn) sáng chói lọi trong một hình tam giác (Trinity). Tên chính thức của hình con mắt là Eye of Providence, con mắt của Thượng Đế đang nhìn xuống nhân loại (divine providence), ý nghĩa cũng tương tự như Eye of All Seeing God. Nên nhớ là trong các cổ tự Ai Cập, hình con mắt được dùng để viết (vẽ) và đọc ra là Thượng Đế.
Annuit Coeptis nguyên chữ Latin có nghĩa là “Xin chấp nhận việc khởi đầu”, Novus Ordo Seclorum có nghĩa là “một trật tự mới của nhiều thế hệ”. MDCCLXXVI là 1776, năm lập quốc của Mỹ.

Điều quan trọng ở đây là việc biểu hiệu Thiên Nhãn trong vòng tam giác của Freemasonry và Illuminati đã xuất hiện trong mặt trái của quốc huy của Mỹ từ lâu đời, trước khi đạo Cao Đài xuất hiện ở VN khá lâu (trên 150 năm là ít). Hình tam giác có thể diễn dịch thành nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo ý bạn muốn. Người Thiên Chúa Giáo xem đây là biểu hiệu của Trinity (God, Jesus and the Holy Spirit: Cha, Con và Chúa Thánh Thần). Các hội Masonic từ xưa ít khi dùng hình tam giác một cách chính thức (không thấy trên chiếc yếm dãi của ông Washington, mà chỉ thấy xuất hiện trên các biểu tượng của Masonic từ khoảng cuối thế kỷ 18). Còn đối với người theo các phong trào thần linh học và theo đạo Cao Đài, hình tam giác biểu hiệu cho Tam Giáo (Phật, Tiên và Thánh), Tam Bửu (Tinh Khí Thần), hay Toà Tam Giáo, nơi các linh hồn sẽ nhận được sự phán xét của ba vị thẩm phán thiêng liêng khi trở về nơi cõi trên.

Hình 7 là huy hiệu của Tổng Thống Mỹ mà các bạn thường thấy khi các ông nầy đứng ra nói chuyện. Huy hiệu nầy chỉ là mặt trước (front) của quốc huy và chỉ thêm vào đó một vòng tròn 50 ngôi sao tượng trưng cho 50 tiểu bang hiện thời của Mỹ (không một viên chức chính phủ nào dùng mặt sau làm huy hiệu cả). Hình 8 là phù hiệu của Đại Tịnh Thất (Grand Lodge) của hội Masonic ở bang Minnesota mà ta thấy đã có hình Thiên Nhãn trên đó kể từ năm 1853, không có hình tam giác chung quanh Thiên Nhãn. Hình 9 là hình đồng một đô la Mỹ ngày nay với đầy đủ hai mặt trước và sau của quốc huy. Hình 10 là bức vẽ đầu tiên của đồng đô la với chữ ký của TT Franklin Roosevelt năm 1935. Lưu ý là mặt trước và mặt sau của quốc huy đã bị đổi chỗ (trái sang phải và phải sang trái) theo lời yêu cầu của ông Roosevelt.

 

Hình 5: Mặt trước của quốc huy Mỹ.



Hình 6: Mặt sau của quốc huy Mỹ.
Hình Thiên Nhãn xuất hiện trên quốc huy từ ngày lập quốc.



Hình 7: Huy hiệu của Tổng Thống Mỹ với bề mặt trước của quốc huy.
Không viên chức nào của Mỹ dùng mặt sau làm huy hiệu.



Hình 8: Huy hiệu của nhà hội lớn (Grand Lodge) của Freemasonry ở Minnesota.




Hình 9: Đồng tiền 1 dollar Mỹ hiện hành với hình quốc huy mặt trước và mặt sau ở hai bên.




Hình 10: Hình bản vẽ đầu tiên của đồng 1 dollar năm 1935 với chữ ký chấp thuận của TT Franklin Roosevelt và lời yêu cầu thay đổi vị trí của hai quốc huy trước và sau.

Có rất nhiều người Việt khi sang Mỹ bày tỏ với tôi sự ngạc nhiên và thắc mắc về hình tượng Thiên Nhãn trên đồng một dollar mà họ sử dụng hằng ngày, họ nói với tôi là sao nó giống Cao Đài quá. Vâng, rất đúng, chính đây là hình Thiên Nhãn theo đúng định nghĩa của Cao Đài. Người đóng góp trong việc sách động chính phủ Mỹ in hai mặt của quốc huy mà mặt sau có hình Thiên Nhãn lên đồng tiền một dollar từ năm 1935 chính là ông Henry Wallace (1888-1965), nguyên bộ trưởng nông nghiệp và thương mại của Mỹ và cũng là phó Tổng Thống một nhiệm kỳ (nhiệm kỳ thứ ba 1941-1945) cho Franklin Roosevelt, vị Tổng Thống lừng danh (tuy tật nguyền nhưng đắc cữ đến 4 nhiệm kỳ) của Mỹ trong Thế Chiến thứ Hai. Henry Wallace đáng lẻ ra đã là người thay thế Roosevelt làm Tổng Thống Mỹ chứ không phải Harry Truman, lý do giản dị là ông Wallace thua cuộc chánh trị nên ông Truman mới được chọn là ứng cử viên phó TT trong nhiệm kỳ 4 và đương nhiên lên làm TT khi ông Franklin Roosevelt qua đời lúc tại chức năm 1945 (gần cuối Thế Chiến thứ Hai). Cả ba ông Roosevelt, Wallace và Truman đều là Đại Trưởng Lão cấp 33 của Masonic và chính Harry Truman là người đã quyết định thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (xem ra thì khi lên làm TT thì phải hành động theo mục đích của quốc gia, chứ không phải là người của đảng hội gì nữa). 
Ông Henry Wallace là người tốt nghiệp nghề nông và theo dõi rất say mê về thần linh học, ông có quá nhiều bạn bè trong Theosophical Society (hội Thông Thiên Học của bà Helena Blavatsky) cho nên bị thất sủng trong chánh trường Mỹ và bị đẩy ra khỏi danh sách ứng cử viên phó TT trong nhiệm kỳ 4 của ông Franklin Roosevelt và không còn giử những chức vụ chính quyền gì nữa kể từ đó.

Theo một tài liệu mà tôi từng đọc được, ông Wallace và một số các bạn bè trong Masonic và Theosophy, vào khoảng năm 1929-1930 bằng một cách nào đó nhận được một thông điệp huyền bí là Thượng Đế đã giáng trần ở miền Đông Á Châu, các ông nầy mới cử ra một nhóm người phiêu lưu sang tận Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bản và Trung Quốc để điều tra. Vì đây là những năm sôi sục chuẩn bị cho Thế Chiến thứ Hai cho nên việc tìm kiếm đầy phiêu lưu nầy bị hủy bỏ dang dở vì lý do an ninh. Không biết có phải thông điệp huyền bí nầy ngụ ý việc Thượng Đế đã đến VN mở ra đạo Cao Đài hay không ?

Trong các văn kiện Cao Đài mà tôi từng đọc qua có nhắc đến việc vào khoảng 1949-1950 có một Trưởng Lão Masonic (không rõ là Master hay Grand Master) từ Anh Quốc đã tìm đến thăm Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh và đã ứa nước mắt mà nhận ra rằng mình đã đến đây quá trễ, vì theo ông, Thượng Đế đã đến và đã ra đi. Có thật hay không chuyện nầy, thật tình tôi không biết rõ cho lắm.

X - ĐỀN THỜ THÁNH KUKULKAN Ở CHICHEN-ITZA, YUCATAN, NAM MEXICO 

Vùng đất của người Mayan ở miền Nam Mexico (Yucatan) có một nơi nổi tiếng là Chichen-Itza, rất gần khu du lịch Cancun. Chữ Chichen-Itza nghĩa đơn giản nhất là “bên bờ miệng giếng ở Itza” (vùng nầy có một giếng nước thiên nhiên rất lớn) và chữ Itza ngụ ý các nhà phù thủy về nước (water magicians). Thật sự mà nói các chữ phiên dịch từ tiếng Mayan sang tiếng Anh rồi sang tiếng Việt thì ý nghĩa không được rõ ràng cho lắm. Khu vực đền đài xưa cũ nầy chỉ mới được tìm ra sau nầy (khoảng 1852) từ trong các đám rừng rậm trong tình trạng hoàn toàn hoang phế. Nền văn minh của người Mayan là một nền văn minh rực rở nhất, vì cách đây từ 500 cho đến hơn 2000 năm xưa (hay có thể còn xa xưa hơn nữa) họ đã biết rất nhiều về toán học, thiên văn và xây dựng.

Chắc các bạn còn nhớ những lời tiên tri về ngày tận thế năm 2012 theo lịch của người Mayan ? Trên thực tế lịch Mayan chỉ nói đến việc chấm dứt của một thời kỳ để chuyển sang một thời kỳ khác hoà bình hơn. Những bí mật trong các đền đài Mayan mà phần lớn đã bị đổ nát vẫn đang là đề tài nghiên cứu của các nhà chuyên môn về khảo cổ và nhân văn. Rất nhiều sách viết về Mayan mà thật tình đầu óc tôi không thể nào “tiêu thụ” cho hết những chi tiết. Gần đây nhất vào tháng hai năm nay (2018), hội nghiên cứu PACUNAM với phương tiện lidar đã ngạc nhiên khi biết được vùng đất từ chung quanh đó cho đến nước Guatemala đã từng là nơi sinh sống của vài triệu người vào lúc thịnh vượng nhất chứ không phải chỉ vài chục ngàn dân như họ đã nghĩ trong các lần khảo sát từ trước đến nay.


Hình 11: Đền thờ Thánh Kukulkan ở Chichen - Itza ở Yukatan, Nam Mễ Tây Cơ.
Lưu ý là đền thờ có 9 bực thang.

Ngôi đền đẹp nhất ở đây là đền thờ Thánh Kukulkan (El Castillo, cái thành). Kukulkan có nghĩa là “Feathered Serpent” (rắn có lông ?), tên hiệu của một vị thánh đã từng giúp người dân miền Trung và Nam Mỹ phát triển từ ngàn xưa (dân Aztec ở Mexico và dân Inca ở Peru lại dùng một tên khác để chỉ ông thánh nầy, đó là Quetzalcoatl). Những con chim két to lớn màu sắc rực rỡ vùng sông Amazon là biểu tượng rõ ràng nhất cho chữ “Feathered” và “Quetzalcoatl” nói trên.
Hình 11 là hình của đền thờ nầy, đền nổi tiếng nhất nhờ xây đúng hướng trong thiên văn làm sao cho mỗi năm vào đúng hai ngày xuân phân (khoảng 21 tháng 3) và thu phân (khoảng 21 tháng 9), ánh sáng mặt trời rọi thẳng vào hai đầu rắn hai bên bậc thang tạo nên hình thân rắn dài với thân và đuôi rắn nổi rỏ lên trong ánh sáng rực rở.

Điều quan trọng mà tôi muốn chỉ ra đây là chín bậc thang của đền thờ và đây không phải là kim tự tháp (pyramid) duy nhất có 9 bậc thang. Có hai kiến trúc bằng đá khác ở các vùng chung quanh cũng có 9 bậc thang tương tự: Pyramid of the Jaguar ở Tikal và Temple of Inscriptions ở Palenque. Ngoài ra còn có vô số kim tự tháp bằng đất nén có 9 bậc trong khoảng Trung Mỹ kéo dài từ Nam Mexico cho đến Panama. Khi người Tây Ban Nha đến vùng Trung và Nam Mỹ, họ thắc mắc về 9 bậc thang ở các đền thờ và được thổ dân trả lời rằng đây là biểu tượng cho chín cõi mà linh hồn sẽ phải trải qua sau khi chết. Các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo người Tây Ban Nha lúc đó với đầu óc bảo thủ nặng nề liền dịch ngay ra đây là 9 tầng địa ngục (nine underworlds), các ông nầy bèn đập phá dẹp sạch những đền thờ tương tự ở vùng Mexico City ngày nay, dùng vật liệu gạch đá đó để xây cất các giáo đường mới cho Thiên Chúa Giáo. Các giáo sĩ nầy còn đốt sạch các sách vở của những người thổ dân vùng Trung và Nam Mỹ vì thấy không thích hợp với Thánh Kinh và niềm tin của chính họ. Đây đúng là các hành động cuồng tín Thiên Chúa Giáo (hơi giống các ông Hồi Giáo cuồng tín ngày nay), vì nó đã làm các nhà nghiên cứu ngày nay hối tiếc vô cùng, họ phải gặp nhiều khó khăn ngày nay để tìm hiểu về tôn giáo, lịch sử và văn minh của châu Mỹ trước thời Christopher Columbus. 

Cũng nên nhắc qua là người ta thường nói đến việc các người Aztec từng mổ ngực người rồi móc tim ra làm lễ vật dâng cúng Thượng Đế ở các đền thờ, hư thật thế nào không rõ nhưng tôi nghĩ việc nầy cũng có thể đã xảy ra trong các thời kỳ ma giáo (bàng môn tả đạo) lộng hành như ở các tôn giáo khác trong quá khứ. Tuy nhiên việc nầy đã không bao giờ xảy ra nơi Chichen-Itza và các lời đồn đãi về việc giết người để tế thần ở giếng nước Chichen-Itza ngày xưa có thể chỉ là việc chụp mũ, không có thật, vì tôi có đọc trong một số báo National Geographic là người ta không tìm thấy những chứng cớ rõ ràng cho việc nầy sau khi dò xét dưới đáy giếng bằng các phương tiện hiện đại nhất.
Một việc khác là đền thờ Thánh Kukulkan có 4 cầu thang ở 4 bên, mỗi cầu thang có 91 bậc, tổng cộng 364 bậc và thêm vào đó là bậc thang cuối trên điện thờ, như vậy là 365 bậc tương ứng với 365 ngày trong một năm ?

XI- CẤU TRÚC TOÀ THÁNH CAO ĐÀI TÂY NINH

Nếu không đọc các tài liệu lịch sử của đạo Cao Đài, người ta ít biết rằng bản đồ chu vi và cấu trúc bên trong Toà Thánh Tây Ninh là do cơ bút vạch ra. Người lãnh tụ Cao Đài trong giai đoạn xây dựng là ông Phạm công Tắc (1890-1959) nhưng người vẽ ra các họa đồ lại là một nhân vật huyền bí vô hình, đó là chơn linh ông Lý Thái Bạch, Giáo Tông đạo Cao Đài trong cõi vô hình. Việc Lý Thái Bạch (xem ghi chú 1) của Cao Đài và hội thánh Thái Bạch của các nhóm thần linh học Tây Phương lúc bấy giờ (hội thánh cõi vô hình “Great White Brotherhood” của Theosophical Society, Rosicrucians, Illuminati và gần đây nhất là của hội  đạo The Summit Lighthouse ở Grand Teton, Wyoming, USA) có liên hệ gì với nhau hay không, đây đúng là một đề tài khó viết và khó nói mà tôi đang cố gắng tìm hiểu. Cả hai, chơn linh Lý Thái Bạch và hội thánh Thái Bạch, đều ở cõi vô hình. Không biết có bạn nào xung phong tình nguyện lên đó tìm giúp tôi xem hư thật ra sao không ?

Cơ cấu kiến trúc bên trong Toà Thánh Tây Ninh có những điểm gần giống như bức hình trên chiếc yếm dãi (Apron) Masonic của ông George Washington. Khi bước vào từ trước hai bên là các lầu chuông trống như các nơi thờ phượng khác, một bức hình Tam Thánh biểu lộ hiệp ước giữa Thượng Đế và Nhân Loại. Bước vào bên trong là bàn thờ chữ Khí  (một trong Tam Bửu: Tinh, Khí, Thần, ba thành phần căn bản của một con người). Nơi bàn thờ chữ Khí là ngai vị của 3 lãnh đạo cơ quan lập pháp Hiệp Thiên Đài của đạo Cao Đài: Hộ Pháp, Thượng Sanh và Thượng Phẩm. Bước xuống là 9 bậc thang từng nấc một lên đến trên cùng là 7 chiếc ngai của 7 lãnh đạo hành pháp của Cao Đài: 3 Đầu Sư, 3 Chưởng Pháp và một Giáo Tông. Kế tiếp là một khoảng trống nhỏ Cung Đạo nơi các chức sắc Cao Đài dùng cơ bút để tiếp xúc với thế giới vô hình. Khoảng Cung Đạo nầy mới là đúng ý nghĩa chính thức của Hiệp Thiên Đài, nơi tiếp xúc giữa Trời và Người. Trên hết là Bát Quái Đài có một quả cầu tượng trưng cho càn khôn vũ trụ với một hình Thiên Nhãn tượng trưng cho Thượng Đế (như đã nói ở phần trên).

Hình 12 chỉ rõ 7 chiếc ngai trước bàn thờ Thượng Đế, hình 13 chỉ rõ 4 bậc thang trong số 9 bậc thang bước lên (step-up) của Cửu Trùng Đài bên trong Toà Thánh Cao Đài, hình 14 là một khung cửa sỗ có hình Thiên Nhãn bên trong một khung tam giác.

Hình 15 là một pyramid trước Toà Thánh Cao Đài có hình bát quái (8 góc) với 9 bậc thang, tuy được gọi là Cửu Trùng Thiên, nhưng đây lại là nơi hỏa táng cho các chức sắc cao cấp của đạo. Người ta tin rằng hỏa táng cho các ông ở nơi đây ngụ ý linh hồn các ông sẽ khỏi phải vượt Cửu Trùng Thiên mà lên thẳng về cõi bác quái bên trên (lại thêm một nhóm người “ở trên luật pháp”, above the laws ?). Tôi không mấy đồng ý về việc nầy cũng như với hình bát quái và 3 màu sơn xanh, đỏ, vàng (vì đã nói cả ba chi đạo ngang nhau, sao lại có chiếu trên chiếu dưới ? Tôi ngờ đây là phàm ý chứ không phải thiên ý). 



Hình 12: Thiên Nhãn và 7 chiếc ghế
của các lãnh đạo hội thánh Cửu Trùng Đài của Cao Đài Tây Ninh.



Hình 13: Lưu ý các nấc thang trên nền nhà của Toà Thánh.
Có tất cả 9 bậc thang đi lên từ trước bước vào.


 

Hình 14: Hình Thiên Nhãn trên các cửa sổ Toà Thánh
bao bọc trong hình tam giác y như trên mặt sau của quốc huy Mỹ.



Hình 15: Một tháp 9 bậc hình 8 góc (bát quái) trước Toà Thánh, tuy mang tên Cửu Trùng Thiên nhưng chỉ dùng làm nơi hỏa thiêu hài cốt của các chức sắc cao cấp mà thôi.


XII - NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

Trước hết phải kể là Freemasonry và đạo Cao Đài đã có cùng một định nghĩa và hiểu biết về Thượng Đế qua hình con mắt như là một biểu tượng. Đối với tôi, hình con mắt trên chiếc yếm dãi của George Washington, hình con mắt trên mặt trái của quốc huy Hoa Kỳ và hình con mắt trên quả Càn Khôn trong Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh là MỘT. Tuy nhiên trên thực tế Cao Đài và Freemasonry chưa bao giờ có một cuộc họp mặt bàn luận về việc nầy hết, hơn thế nữa chính phủ Mỹ hằng ngày không bao giờ biết gì đến Cao Đài hay theo đuổi những nguyên tắc gì của đạo Cao Đài.

Đáng lưu ý nhất là trong các hoạt động hằng ngày của một TT Mỹ, người ta chỉ dùng mặt trước của quốc huy làm phù hiệu, chứ nhở các bạn có cắc cớ thình lình hỏi một ông TT Mỹ về hình Thiên Nhãn trên mặt trái của quốc huy xem nó có nghĩa là gì, chắc chắn ông ta sẽ ngạc nhiên và ú ớ ngay. Những hình ảnh vẽ ra bởi các vị khai quốc công thần lúc lập ra xứ Mỹ không còn có một giá trị tinh thần nào nữa đối với các chính trị gia Mỹ ngày nay.

Việc kế đó là biểu tượng 7 ngôi sao trong chùm sao Bắc Đẩu trên chiếc yếm dãi của ông Washington, được đối chiếu bằng 7 chiếc ngai của các lãnh tụ cơ quan hành pháp Cửu Trùng Đài. Kế là chín bậc thang trong Toà Thánh tương ứng với 9 bậc thang trong chiếc yếm dãi và cũng là 9 bậc thang trên nóc đền thờ kỹ niệm ông George Washington của Masonic. Nên nhớ là trên căn bản là Cao Đài và Freemasonry đã không bao giờ đối diện hay hợp tác với nhau trong thế giới hữu hình nầy, tất nhiên chúng ta phải chấp nhận một điều là cả hai đều nhận cùng chung một thông điệp từ cõi vô hình. Ai và guồng máy nào trong cõi vô hình đã tạo ra sự trùng hợp hoà đồng như vậy ? Không biết đối với các bạn thế nào, chứ đối với tôi, tôi đã bắt đầu có nghi vấn về một hội thánh trên cơi trên vô hì́nh gồm các đấng chơn linh đã đắc đạo và giác ngộ trên cõi đời nầy. Đối với chúng ta, họ là các đại sư huynh, đại sư tỷ đã tốt nghiệp trước chúng ta trên trường học địa cầu nầy. Hãy đếm ra các bậc thánh nhân danh tiếng như Phật Thích Ca, Quan Âm, Jesus, Mose, Mohamed, Krisna, Khỗng Tử, Lão Tử, vân vân .., họ chính là những linh hồn cao cấp đang ráng sức cố gắng giúp đỡ lớp đàn em như chúng ta phát triển linh hồn và gìn giữ sự bình yên cho trái đất. Chính nơi đây (trái đất) mới là chiếc nôi chung của tỷ tỷ linh hồn, cần thiết cho sự tiến hoá tương lai về tâm linh của lớp hậu sinh đang ngụp lặn trong những đẳng cấp thấp hơn (cả người lẫn vật). Tôi không nghĩ rằng các bậc tiền bối đó tu đắc đạo chỉ để lên ngự “toà sen” hay chỉ trèo lên cõi thiên đàng mà an hưởng các thú vui trần tục như chúng ta biết trên quả địa cầu nầy.

Xét lại việc tương đồng giữa Mayan và Freemasonry cũng như Cao Đài về chín tầng trời, 9 cõi mà linh hồn sẽ đi qua sau khi chết như người Mayan đã tin tưởng. Nếu chúng ta tin rằng các hiểu biết gì cũng đều phải truyền đi bằng các phương tiện hữu hình, chúng ta chắc phải tin rằng chắc là các người theo Freemasonry từ ngàn xưa đã đi lạc sang Trung và Nam Mỹ mà truyền đạo ? Chuyện nầy thật sự phi lý vì Freemasonry không bao giờ đi truyền đạo hết, đừng nói đến chuyện xây đền thờ có 9 tầng để lộ liểu ra ngoài. Hay là Cao Đài được truyền vào VN bởi những người Mayan ? Lại càng phi lý hơn. Như vậy chúng ta hãy chấp nhận một điều là các kiến thức tôn giáo nầy đã được truyền đi qua một phương tiện vô hình. Đừng quên là Thánh Kukulkan từng được kính trọng và thương mến ở châu Mỹ tự ngàn xưa, giống như Jesus ở châu Âu hay Khổng Phu Tử, Thánh Krisna và Phật Thích Ca ở châu Á.

Theo tôi biết thì theo các hội Thần Linh Học, tất cả các vị thánh nầy đều nằm trong một hiệp hội trên cõi vô hình, đó là hội thánh Thái Bạch (Great White Brotherhood) bao gồm các chơn linh đã đắc đạo. Đây có thể là nơi mà các thông điệp tôn giáo đã được truyền ra từ bao nhiêu ngàn năm đến nay. Chúng ta tiếp nhận các thông điệp nầy và viết lên trên Thánh Kinh, trên kinh Phật, trên Koran, trên Đạo Đức Kinh vân vân .....

Một điểm tương đồng quan trọng nhất trong các sự kiện mà tôi đã trình bày ở trên là việc xác nhận của chín từng trời mà linh hồn phải vượt qua sau khi chết để trở về với Thượng Đế. Đây chính là một điểm then chốt có thể thay đổi sự suy nghĩ của các bạn về các tôn giáo xưa nay, ngay cả với tôn giáo mà các bạn đang tin tưởng và cầu nguyện hằng ngày.

XIII - LUẬN VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA LINH HỒN

Chúng ta từ đâu đến và khi chết sẽ đi về đâu ? 

Dù không cần phải nói ra, ai sinh ra và lớn lên trên trần thế đều tự hỏi câu hỏi nầy. Chính vì không biết rõ câu trả lời mà bao nhiêu người trong chúng ta đã sa vào cạm bẩy của những kẻ tà giáo, vì tham danh tham lợi họ đã mang chúng ta vào vòng ma đạo, hoặc chết oan uổng hay giết người một cách vô lý mà cứ ngỡ mình đang phụng sự cho một lý tưởng cao đẹp xa vời nào đó. Biết bao nhiêu máu và nước mắt đã phải đổ ra rồi trong hiện tại và quá khứ ? Chỉ vì chúng ta không biết được là chúng ta từ đâu đến và khi chết sẽ đi về đâu.

Thử nghĩ bạn ngồi xem một con kiến bé tí chạy lăng xăng trên mặt đất, chắc có lúc bạn phải thầm phục cho ai đó đã tạo ra một bộ máy tinh vi như vậy. Trong một cơ thể nhỏ bé như vậy mà có một sức mạnh vô song, một tình đồng đội đáng phục và nhất là một trí khôn đáng kể. Đùng một cái, nếu bạn dí con kiến dưới ngón chân khiến cho con vật bị tan xác. Câu hỏi chính của tôi với bạn là cái trí khôn nhiệm mầu đó đã đi về đâu ?

Đây chính là điểm then chốt trong xác định về linh hồn. Tôi phải nhìn nhận rằng khi tôi lớn lên tôi đã được ảnh hưởng bởi tư tưởng Cao Đài trong việc nầy và cho đến nay qua bao nhiêu năm, sự suy nghĩ nầy vẫn không thay đổi : linh hồn tiến hoá từ vật chất lên thảo mộc lên côn trùng lên cầm thú và lên đến loài người.

Trong mỗi cấp bậc lại có nhiều đẳng cấp riêng tuỳ theo trình độ tiến hoá. Ngay cả trong loài người, loài sinh vật tiến hoá nhất trên địa cầu nầy, nhìn chung quanh chúng ta cũng nhận ra là mỗi người mỗi vẻ và không ai giống ai, đúng như BS Brian Weiss (1944-hiện tại) (xem ghi chú 2) đã nói:

”Đây là một trường học mà từ lớp mẫu giáo cho đến lớp cao học và các ứng viên tiến sĩ cùng ở chung một lớp”. Đúng, bên trong chúng ta (vật chất, thảo mộc, côn trùng, cầm thú và nhân loại) đều là những linh hồn đang trên con đường tiến hoá, tuy khác nhau về đẳng cấp nhưng vẫn là huynh đệ chung một nhà.

Có nhiều bạn chắc sẽ nghịch ý với tôi và sẽ nói là tin tưởng nơi sự hiện hữu của linh hồn là mê tín dị đoan, là cuồng tín và phản khoa học vì chúng ta đã và đang không bao giờ nhận thấy được linh hồn. Tuy nhiên luận lý nầy lại vấp vào một điểm rất khoa học khác là sở dỉ chúng ta không nhận thấy một thứ gì chẳng qua chỉ vì chúng ta không có một bộ cảm (sensor) để nhận biết chứ không phải là không có. Thử nghĩ nếu ta thiếu mất nhãn quan, xem ta có thấy gì không ? Chính vì giác quan loài người giới hạn trong ngũ giác thông thường mà chúng ta cần phải tiến hoá trên phương diện linh hồn để đạt một mức giác quan khác cao hơn. Nếu chúng ta có thêm một cảm quan (sensor) mà nhận biết được linh hồn, chắc cuộc sống sẽ đổi thay nhiều lắm, ai ai cũng sẽ run sợ mà bỏ ra đi tu chăng ? Chắc chắn đây không phải là ý muốn của Thượng Đế. Không học hành, không thử thách thì sự tốt nghiệp chắc chắn sẽ trở thành vô nghĩa.

XIV - CỬU TRÙNG THIÊN : MỘT BỘ MÁY THANH LỌC LINH HỒN TINH VI VÀ VĨ ĐẠI CỦA TẠO HOÁ

Trong quá khứ các tôn giáo dùng địa ngục như một nơi tội đày cho linh hồn của những ai đã làm những điều gì không phải, những điều răn nầy tuy giúp con người bớt đi tội ác nhưng lại giúp những giới tu sĩ hay giới cầm quyền có dịp thao túng hà hiếp người khác một cách vô lý. Lại có không ít những người mơ lên cỏi niết bàn hay thiên đàng, chỉ để được vui sướng hơn những người khác. Chắc chắn là không có thiên đàng địa ngục theo kiểu nầy rồi !

Theo định nghĩa của Cửu Trùng Thiên trong Cao Đài thì trái đất chúng ta đang cư trú là một thảo cầm viên hay một sở thú gần đúng theo ý nghĩa, với tỷ tỷ linh hồn muôn người muôn vật đang tiến hoá. Chung quanh được bao bọc bởi chín tầng trời mà thế giới chúng ta đang sống là dưới đáy của tầng trời đầu tiên, nơi nặng nề nhất.

Vì đây là nơi học hỏi và tiến hoá cho nên đủ mọi giai cấp, muôn người muôn vật, đủ mọi nghiệp mọi căn đều thể hiện ra rất rõ ràng. Trong người chúng ta có ba thành phần căn bản: Tinh, Khí và Thần. “Tinh” là thể xác, “Khí“ (second body) là lớp bao bọc chung quanh theo y như khuôn khổ của “Tinh”, và “Thần” mới chính là linh hồn mà chúng ta thường nói tới. Điều nầy có vẻ mới đối với chúng ta nhưng lại đã được biết từ lâu bởi các tu sĩ Lão Giáo, Phật Giáo Mật Tông, các Yogi và các tôn giáo cổ xưa. Các bạn có biết không là hầu hết các tôn giáo cổ của Ai Cập đều biết về điều nầy ? Thí dụ như chiếc quan tài (sarcophagus)  của vua Tutenkhamun được làm thành ba lớp, điều nầy đã làm các nhà khảo cổ ngạc nhiên và thắc mắc không ít vì không biết tại sao.
“Thần” sử dụng “Tinh” và “Khí” để tiến hoá như cây cỏ cần rễ và thân. Khi chúng ta qua đời chỉ có phần “Tinh” là hư hoại nhưng phần “Khí” và “Thần” thoát ra ngoài, nhẹ nhàng hơn nhưng lại bơ vơ và lạc lỏng hơn, cần một sự hướng dẫn của một chân sư hay của một thân nhân nào đó đã quá vãng. Với lớp “Khí” tương đối nặng nề, linh hồn dĩ nhiên không sao thoát khỏi tầng trời thứ nhất nầy. Có những linh hồn ngoan cố từ chối là mình đã chết, bám chặc vào lớp “Khí” mà nhởn nhơ vì nhìn thấy lớp “Khí” cũng rất giống như thân thể nhưng vẫn còn tồn tại, do đó từ chối mọi lời khuyên của các linh hồn khác tiến hoá hơn là mình đã chết rồi. Đây chính là lý do vì sao có các hiện tượng ma quỷ như ta đã biết. Theo như sách Tử Thư Tây Tạng, cũng có những linh hồn lại không chịu nỗi cái lạnh lẻo u ám trong cỏi chết mà vội vả bám vào cái ấm áp của một bào thai gần bên, nhiều khi là bào thai cầm thú nên lại phải sống thêm một kiếp thú cầm. Nghĩ lại thì các chuyện nầy cũng rất là hợp lý.
Lại cũng có những linh hồn chết vì bị giết oan uổng nên phải mang trên lớp “Khí” của mình các dấu vết của cái chết của lớp “Tinh” vừa qua. Các linh hồn nầy khi trở lại đầu thai kiếp khác nhưng trên mình vẫn còn mang một vài dấu vết của các vết thương tiền kiếp trên xác thân mới, chính đây là các dấu vết chúng ta gọi đó là “bớt” (birthmarks) mà chúng ta thường thấy trên thân thể chính mình hay rõ ràng nhất trên các trẻ sơ sinh. Giáo sư BS Ian Stevenson (1908-2007) của Đại học Virginia là người đã từng nghiên cứu rất khoa học về các hiện tượng nầy và từng viết nhiều sách tham khảo về đầu thai và các dấu “bớt” rất hay và rất có giá trị. Một thí dụ về “bớt” (birthmarks) là vết bớt trên đầu ông Michael Gorbachev mà chúng ta từng biết. Việc gì đã xảy ra trong tiền kiếp của ông nầy ? Tôi đoán là một cái chết không mấy bình an trong các cuộc cách mạng ở Nga trước đó.

Thật sự không có một chi tiết gì trên sách vở nào viết về những gì đã, đang và sẽ xảy ra ở các tầng trên của Cửu Trùng Thiên, nhưng tôi nghĩ cởi bỏ lớp “Khí” khi lên các tầng trên là điều hợp lý nhất vì đây là lúc mà chúng ta trở về với cái “ta” nguyên thủy đã hiện hữu và tiến triển từ thuở tạo thiên lập địa ban sơ. Các tầng trên có thể chỉ là những nơi “xét lại, học thêm và an nghỉ”, tuỳ theo trình độ tiến hóa của mỗi linh hồn mà sẽ được quyết định là sẽ phải lưu trú ở nơi tầng nào cao hơn, nhẹ nhàng hơn.

Cái quan trọng nhất khi bước vào các cõi trên là linh hồn phải qua một nghiệp cảnh đài trước ba vị thẩm phán tâm linh trong cõi vô hình, chính nơi đây là nơi cuộc đời vừa qua được chiếu lại như video nhanh cho ta xem từng chi tiết nhỏ. Trong các sách của ông Edgar Cayce (1877-1945), the Sleeping Prophet của Mỹ (xem ghi chú 3), thì gọi đây là “Akasic Records”, nơi ghi nhận tất cả các sự kiện trong vũ trụ từ thuở sơ khai. Đến thế nầy thì các linh hồn khó cải khó chối tội lỗi mà thật sự đây là lúc các linh hồn tự nhiên sẽ cảm thấy vô cùng ăn năn vì những nghiệp mới họ vừa tạo ra trong kiếp vừa qua.

Đây cũng là lúc linh hồn được quyết định lên đâu trong các cõi bên trên (nhiều khi lại thấp hơn cõi lưu nghỉ kiếp trước, nghĩa là phải xuống lớp dưới học lại), vì mỗi nơi có một trường học khác và một loại an nghỉ khác nhau. Ở các nơi đây các linh hồn sẽ học thêm các bài học mới về những gì cần thiết và quan trọng để chuẩn bị cho kiếp tới, có thể là âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, văn hoá vân vân.... Để chờ đợi cho trần thế có đủ điều kiện cho linh hồn được trở về, nhiều khi có thể phải chờ cả nhiều tháng nhiều năm và có thể đến nhiều ngàn năm (xem ghi chú 4), do đó các linh hồn sau đó đều phải an nghỉ trong tình trạng được bao bọc (cocooning) trong một tổ kén tinh vi của tạo hoá. Khi cơ hội đầu thai đã đến, linh hồn sẽ được đánh thức bởi một đồng hồ báo thức thiên nhiên, rời khỏi tổ kén và được hướng dẫn bởi một vị thánh để xem sơ lược qua về kiếp tới trước khi trở về trần thế. Nên nhớ rằng dù kiếp sắp đến là khổ sở hay đau đớn, tất cả các linh hồn đều rất hồn nhiên vui vẻ mà chấp nhận vì kinh nghiệm sống nơi thế gian là các bài học quí giá vô cùng cần thiết cho sự phát triển về tâm linh, không có một chọn lựa nào khác. Đây là lý do vì sao có kẻ thế nầy người thế khác mà vẫn phải chịu đựng suốt một kiếp. Có những đứa bé sinh ra rồi chết thình lình gần như không có nguyên do gì chính đáng, đây có lẻ là vì các linh hồn trông thấy sự việc diễn biến không như mình nghĩ lúc ban đầu nên bỏ cuộc, thế thôi. Có nhiều khi linh hồn xuống trần thế nhưng vẫn được theo dõi bởi một linh hồn thân thiết khác bên cạnh trong suốt cuộc đời, người ta gọi đây là các vị thiên thần đỡ đầu (guardian angels), sẵn sàng báo động lúc hiểm nguy hay an ủi lúc chán nản.

Tôi không biết Freemasonry hay các cổ thư Ai Cập hay các sách vở (đã bị thiêu hủy) của người Mayan có viết gì nhiều về các chi tiết trong Cửu Trùng Thiên hay không, nhưng trong các bài kinh Thiên Đạo của Cao Đài có các bài thơ tuyệt tác mô tả một chuyến “tốc hành” qua 9 tầng trời của linh hồn con người sau khi chết, mà mỗi tầng mất đến 9 ngày mới qua được, tổng cộng là 81 ngày (kinh Nhất Cửu cho đến Cửu Cửu).

Tôi không nghĩ rằng ai cũng có thể đi các chuyến “tốc hành” như vậy, mà chỉ những người đắc đạo hay được ân xá bởi Thượng Đế mà thôi. Hình 16 là sơ đồ của Cửu Trùng Thiên theo kinh sách Cao Đài. Điều đáng lưu ý là không rõ nơi tiếp giáp giữa từng trời thứ 9 và mặt trời có một khoảng cách nào không. Tính ra vượt một khoảng cách 146 triệu km giữa trái đất và mặt trời trong vòng 81 ngày thì vận tốc nầy khá cao : 75,102.88 km/h hay 20.86 km/sec. Vận tốc nầy nhanh đến 83.1 lần vận tốc 900 km/h của các phi cơ chuyên chở dân sự của Boeing và Aibus. Đây là giả thuyết là vận tốc đều và trung bình, nhưng có thể càng xa địa cầu và mặt trời, tốc độ có lẽ nhanh hơn nhiều.
Theo NASA, vận tốc cho một hỏa tiển lọt vào được quỷ đạo là 7.9 km/sec, để ra khỏi trọng trường trái đất là 11.19 km/sec. Để thoát khỏi sức hút của mặt trời và thái dương hệ, phi thuyền vũ trụ Voyager 1 cần vận tốc 17 km/sec. Tính ra thì vận tốc của linh hồn khi đi tốc hành qua Cửu Trùng Thiên là 20.86 km/sec, cao hơn các con số nầy nhiều, bảo đảm cho linh hồn rời được khỏi Thái Dương Hệ mà trở về với Thượng Đế nếu luật trọng trường còn áp dụng.

Các bạn nghĩ là các tu sĩ Cao Đài từ thuở 1920s đã tìm ra vận tốc nầy do tự chính họ ? Không, họ nhận biết qua cơ bút từ cõi vô hình mà thôi.








Diêu Trì Kim Mẫu (Mặt Trời)



Cõi trời thứ 9
Tạo Hóa Thiên



Cõi trời thứ 8
Phi Tưởng Thiên



Cõi trời thứ 7
Hạo Nhiên Thiên



Cõi trời thứ 6
Kim Thiên



Cõi trời thứ 5
Xích Thiên



Cõi trời thứ 4
Huỳnh Thiên



Cõi trời thứ 3
Thanh Thiên



Cõi trời thứ 2
Vườn đào Tây Vương Mẫu



Cõi trời thứ 1
Vườn Ngạn Uyễn (bao gồm đất nước và không khí)








Hình 16: Cấu trúc Cửu Trùng Thiên (chín từng trời bao bọc chung quanh địa cầu) theo như trong chín bài kinh cửu cửu của Cao Đài dùng để tụng cầu siêu cho người chết. Phải mất 9x9=81 ngày cho linh hồn vượt qua khỏi Cửu Trùng Thiên.


Xét cho kỹ thì Cửu Trùng Thiên chẳng qua chỉ là một bộ máy thanh lọc linh hồn, đào luyện giúp cho các linh hồn có dịp tiến hoá trở về với Thượng Đế. Trong kinh sách Cao Đài có những bài kinh miêu tả những gì bên ngoài Cửu Trùng Thiên, nhưng tôi không muốn bị vướng mắc vào các cuộc phiêu lưu xa hơn khi chính mình chưa biết rành rọt về những cái cận kề (một cuộc du hành ngoài vạn dậm cần một bước vững chắc đầu tiên).

Có một bài thơ Hán Việt mà tôi thích nhất trong các áng văn thơ Cao Đài, tôi không rõ là nguyên bản bằng chữ Hán hay chữ Hán Việt như sau (tác giả bài thơ là Thượng Đế, xem ghi chú 5):

Thanh thanh nhựt nguyệt Cửu Trùng Thiên, 
Hiện xuất cao nhân tại nhãn tiền.
Bất quản hổ tranh thâu Bắc Cực,
Chỉ nguy long đấu đoạt Nam Uyên.
Sinh tồn cụ pháp vô công trác,
̉ hậu cùng đồ uổng lộdiên. 
Hữu đạo, hữu công du tự khả, 
 công, vô đạo tổng đồ nhiên.

Bốn câu cuối có lẻ diễn tả rõ ràng nhất: tu luyện cho linh hồn trong sáng (câu 5), chứ không khi chết đi thì uổng phí vì cuộc hành trình sẽ phải kéo dài thêm (câu 6). Vượt Cửu Trùng Thiên là việc dễ dàng với những người “có đạo có tu” (câu 7), nhưng “không đạo không tu” thì rốt cuộc coi như không có cơ hội nào (câu cuối).

XV - TRỌNG TRƯỜNG HAY NGHIỆP TRƯỜNG ?

Một câu hỏi quan trọng mà tôi và nhiều người khác đã nghĩ ra là không biết linh hồn (Thần) được kiểm soát bởi một định luật nào của vũ trụ hay chỉ là đơn giản bởi trọng trường như mọi vật chất khác. Giả sử không gian của thể xác và linh hồn đều là 3 chiều và tuyến tính (linear) thì có thể là linh hồn vẫn chịu luật Newton của trọng trường. Có vài khoa học gia thử dùng cân rất chính xác để đo trọng lượng của một con người đang hấp hối, lúc trước và sau khi chết, kết quả là có một sai biệt rất nhỏ nhưng đúng là có một sai biệt mà khó biết là bắt nguồn từ đâu. Lại thêm một câu hỏi khác là nếu đây là trọng lượng, nếu có, thì là của lớp Khí hay cả hai lớp Khí và Thần ? Có thể nào chúng ta dùng một luật nào mới hơn của vật lý để tìm hiểu thêm ?

Tôi thử đặt ra một thuyết mới là “nghiệp trường” (field of karma). Có thể nào đây là sức hút đã lôi kéo các linh hồn trầm luân trong các kiếp luân hồi mà không sao dứt được ? Có thể nào linh hồn nhận được cùng một lúc một sức hấp dẫn từ Thượng Đế (kéo lên) và từ nghiệp lực (kéo xuống) và sự thăng tiến chỉ có thể xảy ra khi lực kéo lên lớn hơn lực kéo xuống ?

XVI - THAY LỜI KẾT

Tôi sinh ra và lớn lên sống hết tuổi thiếu niên ở vùng gần Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh, dĩ nhiên tôi có nhận một số ảnh hưởng bởi đạo Cao Đài trong tuổi ấu thơ. Hai ngày lễ lớn của Cao Đài là ngày vía Chí Tôn (9 tháng giêng âm lịch) và lễ kỹ niệm hội yến Diêu Trì (rằm tháng 8 âm lịch), khi tôi lớn lên tôi có hỏi nhiều câu hỏi mà cha mẹ tôi không sao trả lời được về ý nghĩa các ngày lễ nầy. Các câu hỏi nầy đã trở lại ám ảnh tôi suốt tuổi trưởng thành cho đến lúc đến tuổi hưu trí như hiện nay. Nó kích thích tôi tìm đọc nhiều các sách báo liên hệ về tôn giáo và tâm linh mỗi khi tôi đến các thư viện thành phố hay các hiệu sách Mỹ lúc nhàn rỗi. Rốt cuộc đến tuổi già tôi chỉ tìm được giải đáp cho non phân nửa các thắc mắc tôi có ngày xưa về Cao Đài và các tôn giáo khác, chưa nói là đã đi sâu vào một tôn giáo nào. Nói chung, tôi chỉ có một tầm nhìn đại cuộc chứ không biết được nhiều tiểu tiết cho lắm.
Rồi có một lúc nào đó cái chết sẽ đến với mọi người, sớm hay muộn mà thôi. Chuẩn bị cho sự ra đi không có lúc nào gọi là muộn hay sớm vì ít ra ai trong chúng ta cũng có thân nhân hay bằng hữu đã ra đi. 

Tinh luyện cho tinh thần, gìn giữ sức khỏe là những việc cần thiết nhất. Tôi cảm thấy không nhất thiết phải khuyên các bạn phải nghe và tin theo những gì tôi đã biết được, và cũng không thấy cần thiết mà khuyên lơn các bạn phải tin theo đạo Cao Đài (Cao Đài thuần tuý không chi không phái) như tôi. Chỉ nên nhớ rằng “hữu đạo hữu công” là điều tâm niệm để chuẩn bị trở về với cõi hư vô. 

Mong các bạn sống vui vẻ bình yên trong tình thương của Thượng Đế và sẽ vượt được Cửu Trùng Thiên để trở về với Ngài sau chỉ một kiếp nầy thôi.

*************

Ghi chú (1) - Lý Thái Bạch, đúng là thi sĩ Lý Bạch (701-762) thời nhà Đường, TQ, vì ông có cho một số bài thơ tuyệt tác qua cơ bút trong Cao Đài. Dù huyền thoại ghi nhận ông đã chết một cách ngông nghênh khi say rượu nhảy xuống ôm vầng trăng ở Động Đình Hồ, người của Lão Giáo lại cho rằng ông đi tu rất lâu trước khi chết và đắc vị Tiên. Ông được xưng tụng trong Cao Đài là Lý Đại Tiên Trưởng, Giáo Tông Cao Đài trong cõi vô vi. Qua cơ bút ông có một cung cách rất là huynh trưởng và lãnh tụ.

Ghi chú (2) - Bác sĩ Brian Weiss tốt nghiệp ở các đại học danh tiếng Columbia và Yale của Mỹ, chuyên viên (trưởng ngành) về phân tâm học (psychiatry), ông tình cờ tự khám phá ra là trong khi thôi miên, các bệnh nhân của ông khai ra những việc trong tiền kiếp và những liên quan giữa tiền và hậu kiếp. Ông vẫn còn sống. Phòng mạch của ông ở Miami, Florida từng tấp nập các thân chủ muốn biết về nguồn gốc bệnh trạng qua luân hồi.

Ghi chú (3) - Edgar Cayce, người bình thường nhưng tự nhiên khám phá rằng nếu thiếp đi, ông có thể đọc được bệnh lý và chửa bệnh cho nhiều người. Ông nói đến những liên quan giữa bệnh trạng kiếp nầy và nghiệp báo của tiền kiếp. Rất nổi tiếng ở Mỹ khoảng 1930-1945 và có rất nhiều sách viết về ông.
Ghi chú (4) - Bà Đoàn thị Điểm (1705-1748), tác giả quyển Chinh Phụ Ngâm Khúc nổi danh. Linh hồn của bà được phái xuống dùng cơ bút trong việc khai mở đạo Cao Đài và là tác giả của những bài kinh thơ Thế Đạo của Cao Đài cũng như thi tập Nữ Trung Tùng Phận, cũng của Cao Đài. Theo lời cơ bút của bà, linh hồn bà đã ở lại cõi trời thứ 7 trong suốt gần 200 năm, nhờ việc mở đạo Cao Đài mà bà đã lập công và thoát khỏi Cửu Trùng Thiên. Khẩu khí qua văn từ của bà không mấy thay đổi so với lúc còn sống và đúng điệu một bà thầy đồ ngày xưa của Nho Giáo.
Ghi chú (5) - Phần lớn các bài cơ bút của Cao Đài từ khoảng 1925-1932 thì tương đối đáng tin cậy. Cơ bút và đồng bóng là những con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm và tuyệt đối không nên sử dụng và tin tưởng một cách bừa bãi. Cao Đài gần như không còn một bài cơ bút nào của Thượng Đế từ khoảng 1932. 

********

(Just written in the memory of my parents)
Nguyễn Minh Việt Sơn
Rockford, Illinois, U.S.A., tháng 3 - 2018.
E-mail: wilson19732000@yahoo.com
March 19th, 2018


© "Khi phát hành lại bài này cần phải có sự đồng ý của tác giả
và ghi rõ nguồn lấy từ
 www.erct.com"