Sunday 18 March 2018

Boris N. Yeltsin (1931-2007) Nhà Cải Cách của Nước Nga


Tấm hình lịch sử: Boris Yeltsin đứng diễn thuyết trên nóc một chiếc chiến xa đậu trước Nhà Trắng của Moscow cùng với các ủng hộ viên cầm lá cờ của Liên Bang Nga, ngày 19 tháng 8 năm 1991.
(ảnh của: Diane-Lu Hovasse—AFP/Getty Images)

1/ Tuổi trẻ của Boris N. Yeltsin

Boris Nikolayevich Yeltsin ra đời vào ngày 1-2-1931 tại làng Butka, quận Talisky, thuộc tỉnh Sverdlovsk Oblast, nước Nga. Cha của Boris là ông Nikolay Yeltsin, là người đã bị kết án vì khuấy động chống Xô Viết vào năm 1934, nên bị đưa đi tù cải tạo trong 3 năm. Sau khi được thả ra khỏi nhà tù, ông Nikolay đã bị thất nghiệp một thời gian rồi làm công nhân xây dựng. Bà mẹ của Boris tên là Klavdiya Vasilyevna Yeltsina làm nghể thợ may.

Cậu Boris Yeltsin đã theo học trường trung học Puskin tại Berezniki và là một học sinh rất yêu thích thể thao, nhất là các môn bóng rổ, trượt tuyết, chạy việt dã, quyền anh và môn vật, mặc dù cậu đã bị mất ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay trái trong một tai nạn cưa lựu đạn khi cậu cùng vài người bạn lẻn vào một kho đạn của quân đội để ăn cắp vài trái lựu đạn.


Sau khi học xong trung học, Yeltsin theo học ngành xây dựng (construction) tại trường kỹ thuật Miền Ural (the Ural State Technical University) tại thành phố Sverdlovsk, tốt nghiệp năm 1955. Từ năm 1955 tới năm 1957, ông Yeltsin làm đốc công (a foreman) trong tổ hợp xây dựng Uraltyazhtrubstroy rồi tới năm 1963, làm việc tại thành phố Sverdlovsk, được thăng chức từ giám đốc công trình (construction site superintendent) lên Giám Đốc Xây Dựng (chief of the Construction Directorate) của Liên Hiệp Công Ty (Trust) Yuzhgorstroy. Năm 1963, ông Yeltsin được nâng lên hạng kỹ sư trưởng (chief engineer) rồi 2 năm sau là người đứng đầu Cơ Quan Nhà và Cao Ốc tại thành phố Sverdlovsk (the Sverdlovsk House-Building Combine).

Năm 1968, ông Boris Yeltsin được tham gia vào Giới Nomenclatura, đây là thành phần cao cấp của Đảng Cộng Sản Liên Xô. Ông trở nên Bí Thư (secretary) của Ủy Ban địa phương, phụ trách phần phát triển kỹ nghệ vào năm 1975 rồi năm sau, 1976, được Bộ Chính Trị (the Politburo) đề cử làm Bí Thư Thứ Nhất (the first secretary) của Ủy Ban Đảng tại thành phố Sverdlovsk Oblast và đây cũng là một trong các nơi kỹ nghệ quan trọng nhất của Liên Xô. Ông Yeltsin giữ chức vụ này cho tới năm 1985.

Vào năm 1977, khi là một đảng viên cao cấp của thành phố Sverdlovsk, ông Yeltsin đã theo lệnh của Moscow, đứng ra trông coi công việc phá hủy tòa nhà Ipatiev, là nơi vị Sa Hoàng cuối cùng Nicholas II và gia đình đã bị toán quân Bolshevik giết hại.

Ông Yeltsin được kết nạp vào Bộ Chính Trị (the Politburo) từ ngày 24/12/1985 tới năm 1987, được cử làm Thị Trưởng của thành phố Moscow, đồng thời ông cũng là Bí Thư Thứ Nhất của Ủy Ban Đảng Thành Phố Moscow (the First Secretary of the CPSU Moscow City Committee). Sự thăng chức này là do hai ông Mikhail Gorbachev và Yegor Ligachev. Ngoài ra, ông Yeltsin còn được tặng một tòa nhà ở miền quê (dacha), nơi mà trước kia gia đình của Gorbachev đã từng cư ngụ. Trong thời gian làm thị trưởng này, ông Yeltsin nổi tiếng là một người chủ trương cải cách (a reformer) và bình dân (a populist).

Vào năm 1987, ông Yeltsin đã đụng độ với nhân vật chủ trương cứng rắn Yegor Ligachev và ông Mikhail Gorbachev về vấn đề bà Raisa, vợ của ông Gorbachev, đã vi phạm vào các công việc quốc gia. Tới ngày 21/10/1987, trước Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô, ông Yeltsin đã tỏ ra bất mãn vì đà cải cách quá chậm chạp và ông đã xin từ chức khỏi Bộ Chính Trị, và khi đó, ông Gorbachev đã tố cáo ông Yeltsin là chưa trưởng thành về chính trị (politicle immaturity) và tuyệt đối vô trách nhiệm (absolute irresponsibility). Vào lúc này, không ai trong Bộ Chính Trị ủng hộ ông Yeltsin và ông Boris Yeltsin còn bị chỉ trích cho tới ngày 11/11/1987 rồi bị loại khỏi chức vụ Bí Thư Thứ Nhất của Ủy Ban Đảng Thành Phố Moscow.

Sau khi bị giáng chức, ông Yeltsin phải nằm bệnh viện và đã có lần muốn tự sát. Khi đã bình phục, ông Yeltsin bèn tìm cách phục thù. Khi ông Gorbachev thành lập Nghị Hội của Các Đại Biểu Nhân Dân (the Congress of People’s Deputies), ông Yeltsin đã chỉ trích mạnh mẽ ông Gorbachev vì các cải cách quá chậm chạm, và vì vậy, ông Yeltsin đã bị Tạp Chí Sự Thật (Pravda) bêu xấu, mô tả ông Yeltsin là kẻ say rượu khi thuyết trình tại Hoa Kỳ, nhưng vì sự bất mãn của dân chúng đối với chế độ vào thời kỳ đó tăng cao, khiến cho sự nói xấu kể trên càng làm lợi cho ông Boris Yeltsin.

2/ Tổng Thống của Liên Bang Nga 

Vào tháng 3 năm 1989, ông Boris Yeltsin được dân chúng thành phố Moscow bầu làm đại biểu trong Nghị Hội của Các Đại Biểu Nhân Dân rồi sau đó lại là một thành viên của Xô Viết Tối Cao của nước Nga (the Supreme Soviet of Russia). Qua ngày 29/5/1990, ông Yeltsin được đề cử vào chức vụ Chủ Tịch của Chủ Tọa Đoàn Xô Viết Tối Cao Nga (Chairman of the Presidium of the Supreme Soviet of the Russian SFSR) và đã giữ chức vụ này tới ngày 10/7/1991. Ông Yeltsin được sự ủng hộ của các nhân vật dân chủ và bảo thủ của Xô Viết Tối Cao.

Trong cuộc bầu cử Tổng Thống của Nước Cộng Hòa Nga (the Russian Republic) vào ngày 12/6/1991, ông Boris Yeltsin đã giành được 57% phiếu bầu, đánh bại đối thủ được ông Gorbachev ủng hộ, là ông Nikokai Ryzhkov, chỉ có được 16% phiếu bầu.

Vào giai đoạn này, các nhân vật chính yếu chống đối chương trình cải tổ Perestroika của ông Gorbachev, đã dựng nên một cuộc đảo chính vào ngày 18/8/1991. Khi đó ông Gorbachev bị giữ tại vùng biển Crimea, còn ông Yeltsin vội vã chạy lại Tòa Nhà Trắng của Nước Nga (the White House of Russia), đây là trụ sở của Xô Viết Tối Cao tại thành phố Moscow. Chính vào lúc biến động này, ông Yeltsin đã diễn thuyết trên nóc của một chiến xa. Cuộc đảo chính đã thất bại bởi vì đa số dân chúng đã biểu tình phản đối phe nổi loạn rồi qua ngày 21/8, tất cả các lãnh tụ đảo chính phải bỏ chạy khỏi thành phố Moscow và ông Gorbachev được giải cứu và trở về thành phố Moscow. Sau thắng lợi này, ông Boris Yeltsin được khắp nơi trên thế giới ca tụng.

Với tư cách là Tổng Thống, vào ngày 6/11/1991, ông Yeltsin đã ra một nghị định giải tán đảng Cộng Sản trên khắp đất nước Nga. Tiếp theo, vào đầu tháng 12/1991, xứ Ukraine đã bỏ phiếu đòi độc lập khỏi Liên Bang Xô Viết. Rồi một tuần lễ sau vào ngày 8/12/1991, ông Yeltsin đã gặp Tổng Thống xứ Ukraine là ông Leonid Kravchuk và một lãnh tụ của xứ Belarus là ông Stanislav Shushkevich.  Kết quả là cả ba nhân vật này đã công bố việc giải thể (the dissolution) Liên Bang Xô Viết và sẽ thành lập Khối Thịnh Vượng của các Quốc Gia Độc Lập (the Commonwealth of Independent States - CIS). Ông Boris Yeltsin đã hành động như vậy để loại trừ ông Gorbachev khi mà ông này đang tìm cách phục hồi quyền hành sau cuộc đảo chánh vào tháng 8 vừa qua. Mặt khác, ông Gorbachev đã tố cáo ông Yeltsin là đã vi phạm nguyện vọng của toàn dân trong cuộc trưng cầu dân ý, bởi vì đa số dân chúng đã muốn duy trì Liên Bang Xô Viết.

Vào ngày 24/12/1991, Liên Bang Nga (the Russian Federation) đã thay thế vị trí của Liên Bang Xô Viết (Soviet Union) trong Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rồi ngày hôm sau, ông Mikhail Gorbachev từ chức và kết quả là Liên Bang Xô Viết đã bị giải thể.

Sau khi giải thể Liên Bang Xô Viết, ông Boris Yeltsin muốn thực hiện một cuộc cải cách kinh tế tận gốc, tái cấu trúc từ hệ thống kinh tế chỉ huy lớn nhất thế giới, sang một nền kinh tế thị trường tự do (a free market economy). Vào lúc này, các cố vấn của ông Yeltsin đã tranh luận giữa hai cách thực hiện nhanh hay chậm. Nhưng tới cuối năm 1991, ông Yeltsin đã theo các lời khuyên của các nhà kinh tế học phương tây và các cơ sở kinh tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (the World Bank) và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ (the U.S. Treasury Department) là những cơ quan đã khai triển các chính sách tiêu chuẩn dùng việc chuyển hóa kinh tế trong thập niên 1980. Chính sách kinh tế mới này của Liên Bang Nga được gọi là Sự Đồng Ý của Washington (the Washington Consensus) hay cách điều trị va chạm mạnh (shock therapy), đây là cách phối hợp các biện pháp dùng để giải tỏa giá cả (to liberalize prizes) và ổn định ngân quỹ quốc gia. Các biện pháp này đã được thử nghiệm tại Ba Lan nhưng các nhà hoạch định chính sách nghi ngờ khi được dùng tại nước Nga, trong khi đó người phụ tá cho ông Yeltsin là ông Yegor Gaidar, một nhà kinh tế 35 tuổi, lại ủng hộ kế hoạch này.

Ngày 2 tháng 1 năm 1992, ông Boris Yeltsin đã ra lệnh lưu động hóa các nền ngoại thương, giá cả và tiền tệ, đồng thời nước Nga đi theo cách ổn định kinh tế vĩ mô (macro-economic stabilization), một chế độ cứng rắn để kiểm soát nạn lạm phát. Theo chương trình ổn định này của ông Yeltsin, lãi xuất phải được tăng thật cao, phải hạn chế tiền tệ và giới hạn tín dụng. Để cân bằng các nguồn lợi tức và chi phí quốc gia, ông Yeltsin đã tăng thuế, cắt các trợ cấp của chính quyền dành cho kỹ nghệ và xây dựng, cắt giảm các trợ cấp xã hội.

Vào đầu năm 1992, giá cả bắt đầu tăng vọt trên khắp đất nước Nga, nhiều kỹ nghệ phải đóng cửa và nền kinh tế đang đứng trước cảnh suy thoái. Các cải cách đã tàn phá các mức sống bình thường, các nhóm dân đã hưởng trợ cấp của chính quyền bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó, lợi tức giảm, thất nghiệp cao, nhiều phạm vi kinh tế bị xóa sạch. Nền lạm phát quá mức này (hyperinflation) đã tiêu hủy các tiết kiệm cá nhân và 10 triệu người Nga lâm vào cảnh bần cùng. Vài kinh tế gia còn cho rằng nước Nga vào thời kỳ này đã chịu cảnh suy sụp kinh tế nặng nề hơn cuộc Đại Suy Thoái (the Great Depression) của năm 1930 tại Hoa Kỳ và tại nước Đức. Vì vậy nhiều nhà chính trị tìm cách xa lánh chương trình cải cách của ông Yeltsin và vào tháng 2/1992, ông Alexander Rutskoy, Phó Tổng Thống của nước Nga, đã gọi chương trình cải tổ kinh tế của ông Yeltsin là tiêu diệt kinh tế (economic genocide).

Trong suốt năm 1992, ông Boris Yeltsin đã phải tranh đấu với Xô Viết Tối Cao của nước Nga (the Supreme Soviet of Russia), với Nghị Hội của Các Đại Biểu Nhân Dân (the Congress of People’s Deputies) về các vấn đề kiểm soát chính quyền, về các chính sách của chính phủ, về ngân hàng và tài sản, rồi Nghị Hội lần thứ 7 đã bác bỏ đề nghị của ông Yeltsin đề cử ông Yegor Gaidar vào chức vụ Thủ Tướng. Qua ngày 26/3/1993, Nghị Hội lần thứ 9 đã đòi cách chức ông Boris Yeltsin, nhưng không thành vì thiếu 72 phiếu, tức là chưa đủ 2/3 đa số phiếu.

Ngày 21/9/1993, ông Boris Yeltsin tuyên bố trên đài truyền hình quyết định của ông là giải tán bằng sắc lệnh Xô Viết Tối Cao và Nghị Hội của Các Đại Biểu Nhân Dân, rồi cũng vào đêm hôm đó, Xô Viết Tối Cao công bố rằng họ đã giải nhiệm chức vụ Tổng Thống của ông Boris Yeltsin và ông Phó Tổng Thống Alexander Rutskoy đã tuyên thệ chức vụ Tổng Thống mới. Đây là cuộc khủng hoảng Hiến Pháp của tháng 10 năm 1993.

Tại thành phố Moscow, đã có các cuộc biểu tình đông tới hàng chục ngàn người phản đối đời sống mới dưới thời ông Boris Yeltsin, đồng thời nạn tham nhũng cũng gia tăng cùng với số tội phạm, thực phẩm và nhiên liệu trở nên khan hiếm, tài sản dồn vào tay của các nhóm nhỏ của những người đầu cơ, lợi dụng…

Qua đầu tháng 10 năm 1993, ông Yeltsin đã dùng tới quân đội và lực lượng an ninh, và ra lệnh cho các chiến xa pháo kích vào Tòa Nhà Trắng Nga (the Russian White House) là trụ sở của Quốc Hội Nga, biến cố này đã làm cho hơn 500 người bị chết và 1,000 người bị thương.

Vì Xô Viết Tối Cao đã bị giải tán, các cuộc bầu cử vào tháng 12 năm 1993 được tổ chức để bầu lên một Quốc Hội mới gọi là Duma Quốc Gia (the State Duma) đồng thời một cuộc trưng cầu dân ý đã chấp thuận một Hiến Pháp mới, theo đó quyền hành của Tổng Thống được tăng thêm, cho phép ông Boris Yeltsin có quyền chỉ định các nhân viên chính phủ, quyền giải nhiệm Thủ Tướng và trong trường hợp đặc biệt, có quyền giải tán Duma.

Vào tháng 12 năm 1994, ông Boris Yeltsin đã ra lệnh xâm lăng quân sự vào xứ Chechnya, việc làm này đã làm cho khối tây phương bất mãn bởi vì ông Yeltsin đã trở nên một lãnh tụ Cộng Sản kiểu cũ, đã không còn là một người cải cách dân chủ (a democratic reformer).

Sau khi đế quốc Liên Xô sụp đổ vào cuối tháng 12 năm 1991, ông Yeltsin đã đề cao chương trình tư nhân hóa (privatization) như là cách san xẻ tài sản, vì thế vào cuối năm 1992, ông Yeltsin đã phát động một chương trình tặng các quỹ phiếu miễn phí (free vouchers) cho dân chúng, như là một cách để khởi đầu chương trình tư nhân hóa kể trên. Mỗi người dân được lãnh một quỹ phiếu (voucher) có giá trị tương đương với 10,000 đồng rúp (rubles) để mua trong các xí nghiệp quốc doanh mà họ chọn lựa. Việc làm này khiến cho chỉ sau vài tháng, các quỹ phiếu kể trên đã rơi vào tay các kẻ trung gian, chuyên đầu cơ, họ đã mua lại các quỹ phiếu bằng tiền mặt. Ngoài ra còn có các chương trình khác để làm thăng tiến cách tư nhân hóa (privatization) nhưng tất cả các biện pháp kinh tế kể trên chỉ làm lợi cho các nhóm đầu cơ (oligarchs), họ đã thu gom các phạm vi tài chánh, năng lượng, kỹ nghệ, truyền thông… thành các quyền lợi riêng, họ là các nhân vật ủng hộ ông Boris Yeltsin.

3/ Tổng Thống nhiệm kỳ II

Vào tháng 2 năm 1996, ông Boris Yeltsin tuyên bố rằng ông sẽ ra tranh cử chức vụ Tổng Thống nhiệm kỳ II, điều này làm cho nhiều người nghi ngờ bởi vì vấn đề sức khỏe và các hành vi bất thường như say rượu, vấp ngã của ông Yeltsin, cùng với sự mất tín nhiệm của dân chúng. Nhưng ông Yeltsin đã thay đổi nội bộ của nhóm vận động tranh cử, giao quyền hành cho người con gái tên là Tatyana Dyachenko và chỉ định ông Anatoly Chubai làm trưởng ban vận động tranh cử kiêm cố vấn về chương trình tư nhân hóa, đồng thời hai ông Yeltsin và Chubai đã tuyển một số nhân vật đầu cơ tài chính và truyền thông (oligarchs) vào công việc vận động tranh cử qua truyền hình và qua các báo chí lớn. Hai giới này đã mô tả sự tương phản giữa chính quyền của ông Yeltsin so với sự trở về của chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị và sự đe dọa sẽ có một cuộc nội chiến nếu một người cộng sản được bầu vào chức vụ Tổng Thống.

Kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 7 năm 1996 là ông Boris Yeltsin giành được 53.8% phiếu bầu, ông Gennady Zynganov được 40.3% và còn lại 5.9% thuộc về các ứng cử viên khác. Cũng vào cuối năm này, ông Yeltsin phải vào bệnh viện vì giải phẫu ghép 5 mạch tim (quintuple heart bypass surgery).

Trong nhiệm kỳ Tổng Thống thứ hai này của ông Yeltsin, nước Nga đã vay của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và một số ngân hàng khác món tiền 40 tỉ mỹ kim, và các người chống đối ông Yeltsin cho rằng món tiền này đã bị ăn cắp bởi các người phụ tá của ông Yeltsin rồi chuyển vào các ngân hàng ngoại quốc. Vào năm 1998, đồng rúp (rubles) của nước Nga bị suy sụp, tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính (the 1998 financial crisis).

Trong cuộc chiến tranh Kosovo vào năm 1999, ông Yeltsin đã phản đối kịch liệt Khối Quân Sự NATO chống lại Nam Tư và cảnh cáo rằng sẽ có chiến tranh thế giới nếu người Mỹ và người Đức can thiệp vào vấn đề này.

Vào ngày 15/5/1999, ông Boris Yeltsin đã thoát khỏi một cuộc truất phế do không đủ 2/3 số phiếu của các đại biểu Duma. Các đối thủ của ông Yeltsin đã tố cáo ông phạm phải nhiều hành vi vi hiến (unconstitutional activities), gồm việc ký Hiệp Ứơc Belavezha (the Belavezha Accords), giải thể Liên Bang Xô Viết vào năm 1991, cuộc đảo chính tháng 10 năm 1993 và gây ra cuộc chiến tranh Chechnya năm 1994.

Tới tháng 9 năm 1999, ông Boris Yeltsin đã bãi nhiệm Thủ Tướng Sergei Stepashin và giải tán Nội Các, đây là cuộc giải tán lần thứ tư. Ông Vladimir Putin, một người chưa nổi danh, được bổ nhiệm vào chức vụ Thủ Tướng và ông Yeltsin còn công bố rằng ông hy vọng sẽ để ông Putin thay thế mình sau này.

Cuối cùng vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, lúc 12 giờ trưa, ông Boris Yeltsin đã công bố trên đài truyền hình rằng ông từ chức, quyền hành do Thủ Tướng Vladimir Putin đảm nhiệm, cho tới cuộc bầu cử sắp tới vào ngày 26/3/2000. Ông Boris Yeltsin đã xin dân chúng Nga tha thứ cho ông vì các nhầm lẫn trong thời gian vừa qua khi ông cầm quyền và nói rằng nước Nga cần có các nhà lãnh đạo chính trị mới để đi vào kỷ nguyên mới.

Sau khi từ chức, ông Boris Yeltsin trở về cư ngụ trong tòa nhà Gorky-9 tọa lạc tại phía tây thành phố Moscow. Ông không xuất hiện ra bên ngoài nhưng đã cùng với ông Mikhail Gorbachev công khai chỉ trích chương trình mới của ông Putin là xa lánh nền dân chủ dành cho nước Nga và trở về hình thức trung ương tập quyền chính trị của thời đại Xô Viết khi trước.

Ông Boris Yeltsin qua đời vào ngày 23 tháng 4 năm 2007, ở tuổi 76, vì nghẽn mạch tim (congestive heart failure). Tang lễ của ông Yeltsin được tổ chức tại Nhà Thờ Chúa Cứu Thế của thành phố Moscow (the Cathedral of Christ the Saviour). Ông Boris Yeltsin là chính khách người Nga đầu tiên có tang lễ được cử hành tại một nhà thờ sau 113 năm, trước đó là Hoàng Đế Alexander III. Khi qua đời, ông Yeltsin để lại bà vợ góa Naina Iosifovna Yeltsina mà ông đã kết hôn vào năm 1956 và hai cô con gái Yelena và Tatyana, sinh vào các năm 1957 và 1959.

Vào ngày Tang Lễ của ông Boris Yeltsin, 25/4/2007, Tổng Thống Putin đã công bố ngày này là Ngày Quốc Tang với các lá cờ được kéo lên nửa cột cùng với các chương trình giải trí bị tạm ngưng.

Ông Boris Yeltsin là Tổng Thống đầu tiên của Liên Bang Nga (the Russian Federation), giữ chức vụ này từ năm 1991 tới năm 1999. Khi mới lên nhậm chức, ông Boris Yeltsin được đa số dân chúng tin tưởng và ủng hộ, nhưng sự tín nhiệm này suy giảm thật nhiều về sau (còn 2%).

Thời đại của ông Yeltsin là giai đoạn tràn lan các vụ tham nhũng, suy sụp kinh tế, sự bất công và nạn thất nghiệp tăng cao, với nhiều vấn đề rắc rối về xã hội và chính trị. Các cải tổ của ông Yeltsin đã tác hại tới các mức sống tiêu chuẩn của người dân bình thường, làm giàu cho một số người biết đầu cơ, trục lợi.


Ông Boris Yeltsin đã thực hiện một cuộc cách mạng để lật đổ chế độ cộng sản Liên Xô nhưng chương trình cải cách của ông tại nước Nga đã gặp thất bại, bởi vì ông Yeltsin đã muốn xây dựng nền dân chủ bằng sức mạnh.

Sau khi Đế Quốc Liên Xô sụp đổ, ông Boris Yeltsin đã thừa hưởng một nước Nga bị lạc hướng (disoriented) bởi vì trong thời gian các người cộng sản cầm quyền, họ đã xóa sạch không những Thượng Đế (God) mà ngay cả các nhận thức căn bản về đúng hay sai (right or wrong). Theo các người cộng sản, một sự việc được coi là đúng (right) khi phục vụ giai cấp công nhân mà không cần quan tâm tới các căn bản đạo đức thông thường.

Khi nắm quyền hành, ông Boris Yeltsin và các cố vấn kinh tế đã cho rằng ưu tiên hàng đầu trong các công việc phải làm là chuyển giao các tài sản của nhà nước vào tay các tư nhân, và kết quả của sự nhầm lẫn này là tài sản của đất nước bị lọt vào tay của các kẻ tham nhũng, các kẻ đầu cơ và cơ hội, các băng đảng…, khiến cho đa số dân chúng bị sinh sống trong cảnh nghèo khó hơn thời trước.

Trong thời gian từ năm 1992 tới năm 1998, tổng sản lượng quốc nội (gross domestic product) đã giảm đi 50%, khiến cho các công nhân nhà máy trong nhiều tháng không có tiền lương, và do vậy, sự bất mãn của dân chúng tăng cao. Tại nước Nga, người dân quen với lối sống theo phân phối của nhà nước, tới ngày nay, họ bất mãn vì các trợ cấp xưa kia đã bị cắt bỏ, ngoài các lý do khác như các nạn trộm cắp, băng đảng, tham nhũng… Cũng vì số tội phạm gia tăng trong thời gian ông Boris Yeltsin cầm quyền mà ông Vladimir Putin, một nhân vật chỉ huy mật vụ, đã được chọn lựa, để rồi ông Putin này lại đưa đất nước Nga trở về chế độ toàn trị (authoritarianism).

Chế độ Cộng Sản sau khi áp dụng chủ thuyết toàn trị trên đất nước Nga trong 74 năm, đã để lại một thứ di sản độc tài, rất khó cải tiến thành chế độ dân chủ và công việc canh tân đòi hỏi một khoảng thời gian rất dài, có lẽ cả một thế kỳ.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia. Org., Britannica Encyclopedia, A History of Russia by Nicholas Riasanovsky, 4th Edition, Oxford Univ. Press, N.Y. 1984, The 20th Century – A World History by Clive Ponting, Henry Holt and Co., N.Y. 1999.

Đọc thêm:

Boris Yeltsin - Wikipedia
https://en.wikipedia.org/wiki/Boris_Yeltsin

Boris Yeltsin - Facts & Summary - HISTORY.com
https://www.history.com/topics/boris-yeltsin

Boris Yeltsin | president of Russia | Britannica.com
https://www.britannica.com/biography/Boris-Yeltsin

Boris Yeltsin - President (non-U.S.) - Biography
https://www.biography.com/people/boris-yeltsin-9538949