Sunday 18 March 2018

Truyện "Sư Phá Giới" & Thơ Giấu Trong Hang - Chin Shun-Shin ( Nguyễn Nam Trân - Exryu Japan )

Exryu Cuối Tuần đã upload 2 bài viết mới nhất của anh Đào Hữu Dũng - Exryu Japan gởi về chia sẻ với gia đình Exryu tối qua. 

Thơ Giấu Trong Hang (Tạp bút thơ Đường) Nguyên tác: Chin Shun-Shin  ( Nguyễn Nam Trân - Exryu Japan )

Chúng tôi cũng đã bổ túc thêm 3 bài đã post tuần trước

Giới thiệu nhà văn Chin Shun-Shin Nguyễn Nam Trân - Exryu Japan )
Tâm sự nữ thi nhân - (Tạp bút thơ Đường) - Nguyên tác: Chin Shun-Shin ( Nguyễn Nam Trân - Exryu Japan ) 
Truyện người thỉnh kinh - (Cầu pháp tăng)  -  Nguyên tác: Chin Shun-Shin ( Nguyễn Nam Trân - Exryu Japan )

Nếu không xem được trực tiếp trong mail xin mời vào trang nhà : http://www.ERCT.com



TRUYỆN “SƯ PHÁ GIỚI”
(Tạp bút thơ Đường)
Nguyên tác: Chin Shun-Shin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Bài này biên dịch chương nhan đề Ensai Shônin (Viên Tái thượng nhân) thuật lại sự tích nhà sư Ensai (Viên Tái) đăng trong Tôshi Shinsen (Đường Thi Tinh Tuyển, 1989, trang 132-143).
Có lẽ tác phẩm ghi chép cụ thể nhất về hoàn cảnh xã hội thời Vãn Đường là Nittô guhô junrei kôki 入唐求法巡礼行記 (Nhập Đường cầu pháp tuần lễ hành ký) của tăng Ennin 円仁(Viên Nhân, 794-864). Dĩ nhiên ở một đất nước lắm sách vở như Trung Quốc thì loại ghi chép về thời Đường hãy còn lại rất nhiều. Thế mà trong số đó, không có bản nào sánh kịp ký sự du hành của Ennin, một người nước ngoài.
Nhà Nhật Bản học Edwin O. Reischauer (1910-1990)
chuyên gia về Ennin ở ĐH Harvard
Lý do là trong tác phẩm mình viết, Ennin kể lại toàn những trải nghiệm cá nhân nên nó mới có giá trị đặc biệt. Khi một nhà sư từ ngoại quốc về, ông được lệnh bề trên phải tường thuật những điều nghe thấy và còn phải trả lời cho nhiều người chung quanh khi họ đặt câu hỏi về trải nghiệm của bản thân ông. Có lẽ điều đó đã khiến Ennin ghi chép thật tỉ mỉ. Nhiều chuyện đối với người nhà Đường thì quá hiển nhiên, những tưởng không có giá trị gì, thế mà ông cũng ghi chép một cách chi tiết. Bởi vì yếu tố thời gian sẽ làm cho những gì tưởng là hiển nhiên trở thành khó hiểu.
Ennin nhập Đường năm Jôwa (Thừa Hòa) thứ 5 (838) dưới triều Thiên hoàng Ninmyô (Nhân Minh, trị vì 833-850). Lúc đó, theo nguyên hiệu của nhà Đường là năm Khai Thành thứ 3 đời vua Văn Tông. Trên chuyến Khiển Đường Sứ năm Jôwa thứ 5 nói trên, đồng thuyền với ông còn có nhà sư Ensai 円載 (Viên Tái). Ennin lúc đó tròn 44 tuổi nhưng về Ensai, không ai rõ ông đã bao nhiêu. Vì không biết năm sinh năm mất của ông, ta chỉ có thể phỏng đoán. Chức danh của Ennin là Shôyakusô 請益僧 (Thỉnh ích tăng) (1), còn Ensai chỉ là Gakumonshô 学問生 (Học vấn sinh) (1). Kẻ trước - như Ennin - là người đi tìm một ông thày để giải tỏa những mối nghi ngờ trong học vấn và phải sớm quay về nước nên còn được gọi là Gengakushô 還学生 (Hoàn học sinh) (1). Như vậy, ông phải là một nhà sư đã có trình độ cao, chỉ còn một chút ngờ vực trong lòng mà thôi. Còn người sau - như Ensai - thì mục đích là lưu lại bên đó một thời gian lâu hơn để học tập, do đó được gọi là Rugakushô 留学生 (Lưu học sinh) (1). Nói nôm na thì Gengakushô có mục đích quan sát tại chỗ để hoàn chỉnh kiến thức trong khi mục đích của Rugakushô là học tập. Ensai như vậy phải là một người tương đối trẻ. Trong cuộc Kentôshi 遣唐使 (Khiển Đường Sứ) vào năm Enryaku (Diên Lịch, 804), tăng Saichô最澄 (Tối Trừng, 766 / 67 - 822) là Gengakushô trong khi Kuukai 空海 (Không Hải, 774-835) là Rugakushô. Lúc đó, Saichô đã tròn 37, còn Kuukai mới 30. Gọi là trẻ nhưng họ đều phải có kiến thức vững vàng về Phật học. Ngay một thiên tài như Kuukai mà lúc lên đường, tuổi cũng đã 30. Do đó, ta có thể suy đoán mà không sợ nhầm lẫn lớn rằng Ensai đã vào đất Đường năm ông khoảng 30 tuổi.
Ensai là một nhân vật đáng chú ý. Lý do là kể từ ngày đó, không ai rõ về hành trạng của ông. Riêng Ennin sau khi về nước, ông đã trở thành vị tọa chủ đời thứ ba của chùa Enryaku (Diên Lịch). Ông chính là Jigaku Daishi 慈覚大師 (Từ Giác đại sư), là tổ sư phái Sanmon (Sơn môn, để phân biệt với Jimonha (Tự môn), một nhánh Thiên Thai khác bắt nguồn từ chùa Onjô 園城寺 (Viên Thành) mà tăng Enchin 円珍 (Viên Trân) là tổ, NNT). Về Ennin thì hành trạng và trứ tác của ông, mọi người đều đã rõ. Trong khi ấy, vì Ensai không trở về nước nên muốn biết tin tức, ta chỉ có thể dựa vào vài mẩu chuyện rời rạc do các học tăng có dịp sang bên nhà Đường kể lại.
Ennin và Ensai đi chung thuyền qua bên ấy nhưng hoạt động trên đất Đường của họ không có gì giống nhau. Sinh viên du học như Ensai có thể lên thẳng núi Thiên Thai chứ tăng nhân nghiên cứu như Ennin thì không được cấp giấy phép lên đó. Ennin ở lại đất Đường ước chừng 10 năm và đã tả lại rõ ràng sinh hoạt từng ngày một của mình trong ký sự lữ hành nói trên. Khi Ennin về nước rồi, đến lượt Enchin 円珍 (Viên Trân, 814-891) nhập Đường. Ông đã tiếp xúc được với Ensai rồi cùng nhau đi Trường An. Tuy Enchin cũng ghi chép về chuyến đi của mình nhưng thông tin không còn giữ lại được bao nhiêu. Ký lục nói trên tên gọi là Gyôryakushô 行暦抄 (Hành lịch sao). Enchin sau đó trở thành tọa chủ đời thứ 5 của chùa Enryaku và là ông tổ của Jimonha (Tự Môn phái) với danh xưng Chishô Taishi智証大師 (Trí Chứng đại sư). Trong cuốn Gyôryakushô vừa nhắc tới, ông đã không vẽ ra một hình ảnh thơm tho tốt đẹp gì về Ensai.
Enchin kể rằng khi từ Nhật qua gặp Ensai thì Ensai chỉ thường xuyên  đặt câu hỏi: “Sao, đem qua được bao nhiêu tiền ?”. Hơn nữa, vào năm Hội Xương thứ 2 (843), có hai lưu học sinh khác là Enshuu 円修 (Viên Tu) và Eun 恵運 (Huệ Vận) đã cho biết: “Ai cũng nghe tin là Ensai có lần xâm phạm tiết hạnh một ni cô”. Ngoài ra, Enchin còn nhắc đến lời kể lại của Hòa thượng Dôsen 道詮 (Đạo Thuyên), theo đó thì học tăng Enshuu là người có lòng tin sâu sắc, khi thấy Ensai hay trốn chùa đi chơi, đã khóc rống lên và can gián:
-Nhà nước cấp cơm áo cho anh, mọi người ai cũng chờ đợi anh học hành thành tài về nước, trở lại chùa xưa (ý nói Enryaku) để truyền bá đạo pháp. Cớ sao anh không chuyên cần làm việc đó mà lại gây ra bao điều tội lỗi. Ơi hỡi, ông xanh!
Ơi hỡi, ông xanh! (Thương thương thiên thiên蒼蒼天天) là tiếng kêu than mạnh mẽ nhất rồi. Thế nhưng, tác giả còn cho biết chẳng những không nghe lời Enshuu can gián, ngược lại, Ensai còn lấy đó làm hận, định dùng người Shiragi新羅 (Tân La, một nước trên bán đảo Triều Tiên, NNT) để đánh thuốc độc nhưng lúc ấy Enshuu đã lên thuyền về nước nên ông ta không thực hiện được âm mưu.
Năm Hội Xương thứ 3 (844) là lúc Ennin còn đang ở bên nhà Đường. Trong tập ký sự lữ hành, vào mục tháng 12, ông cho biết có nhận được lá thư của một người gửi đến với mẩu tin:
A xà lê (Thày) Ensai dâng biểu xin cho hai tăng sinh đệ tử được về Nhật Bản.
Ở giai đoạn đó, chính sách bài Phật của vua Vũ Tông đã thành một cao trào, toàn thể Phật tử nhà Đường đang ở trong một tình trạng căng thẳng. Ngay giữa lúc ấy, một nhà sư từng xúc phạm đến ni cô trên núi Thiên Thai chẳng những không bị trục xuất mà còn được yên thân thì quả là chuyện kỳ lạ. Hai tăng sinh đệ tử của Ensai tên là Ninkô 仁好 (Nhân Hảo) và Junshô順昌 (Thuận Xương). Họ đã theo chỉ thị của ông, mang được một số kinh sách về Nhật.
Thêm vào đó, Ensai đã nhận được lời giải đáp về 30 thắc mắc về ý nghĩa tôn giáo từ tọa chủ Quảng Tu 広修của chùa Quốc Thanh 国清thuộc phái Thiên Thai và gửi về Nhật. Văn bản này gọi là “Đường Quyết” 唐決 (Giải đáp xác quyết từ nhà Đường) nó đã có ảnh hưởng lớn lao đến giáo lý tông Thiên Thai của Nhật Bản. Qua việc đó, thật khó lòng nghĩ rằng ông là người hay trốn chùa đi chơi. Thực ra, Ennin cũng đã trình lên Hòa thượng Chí Viễn志遠 ở chùa Ngũ Đài Sơn ba mươi điều thắc mắc như vậy để nhờ giải đáp nhưng vì đã có người làm rồi nên họ không nhận nữa và ông đành ra về tay không. Có thể phong cách của Thiên Thai và Ngũ Đài không hoàn toàn giống nhau nhưng việc họ muốn ban bố lời giải đáp hay không đều tùy thuộc vào sự đánh giá nhiệt tình của người cầu đạo. Hiện nay ở Tôdaiji (Đông Đại Tự), hãy còn truyền lại “Ngũ bách vấn luận” 五百問論 do Ensai chép tay từ bên nhà Đường.  
Chuyện tăng Ensai “phá giới” chỉ đến từ lời đồn đại. Những chứng cứ bằng hiện vật như “Đường Quyết”, “Ngũ Bách Vấn Luận” vv.. đều đã chứng minh rằng ông là một nhà sư chuyên tâm cầu học.
Thực ra, cuộc tranh giành ảnh hưởng bên trong phái Thiên Thai Nhật Bản cũng gay cấn chẳng thua gì tục giới. Ví dụ chính cá nhân Enchin – đệ tử của Gishin義真 (Nghĩa Chân) – thì sau khi Gishin tạ thế, đã đối lập với đám đệ tử ruột của Saichô (Tối Trừng) trong việc thừa kế tông môn – đã phải đóng cửa tu hành không hạ sơn (= lung sơn籠山 rôzan) suốt 12 năm trời (2). Trong cuộc tranh chấp này, đệ tử đàn em của ông là Enshuu円修 (Viên Tu) đã bị trục xuất khỏi chùa.
Có thể việc về nước lúc đó của Ensai sẽ gây nhiều khó khăn. Tiếng tốt của ông cho dù được rao truyền đến Nhật chắc cũng không làm ông vui chút nào. Ta có thể suy luận như vậy mà không sợ lầm lẫn.
Năm Genkei nguyên niên (877) dưới triều Thiên hoàng Yôsei (Dương Thành), Ensai mới lên đường về nước và có đem theo vài ngàn kinh sách. Giữa đường chẳng may gặp bão và chết đuối. Ông đã lưu ngụ bên nhà Đường tất cả 40 năm. Giả sử lúc vào đất Đường ông 30 tuổi thì khi định về quê, ông đã là một lão tăng 70 rồi. Một nỗi khổ nữa cho ông là không thể đặt chân lên cố quốc.
Tôi đã định bụng thế nào cũng phải viết một cuốn tiểu thuyết về ông nhưng vì không có thời giờ rảnh nên ý định đó đành bỏ qua. Hồi đang chuẩn bị cho công việc đó, hình ảnh Ensai mà tôi vẽ ra trong trí là một con người vô cùng đáng yêu. Tuy lòng ông dạt dào tình cảm đối với quê hương nhưng biết sự trở về của mình sẽ không được những người khác hoan nghênh nên đành nán lại đất Đường những 40 năm.
Khi đến 70 tuổi và biết chắc chắn những kẻ thù địch không còn coi mình là nhân vật nguy hiểm, ông mới tìm cách về nước. Nhưng than ôi, con thuyền đưa ông đã chìm xuống đáy biển sâu. Điều này quả là vô cùng đau xót.
Tôi đã trưng ra những chứng cớ cụ thể cho thấy Ensai không hề là một ông sư “phá giới”. Thế nhưng hãy còn một số bằng chứng nữa trong Đường thi mà tôi muốn trình bày ở đây.
Việc học tăng Abe no Nakamaro安倍仲麻呂 (698-770) tức nhà sư Chôkô晁衡 (Triều Hành) khi lên đường về Nhật, Vương Duy 王維đã làm thơ đưa tiễn là câu chuyện đã quá nổi tiếng. Bài thơ của họ Vương được sao lục lại trong Tôshisen 唐詩選 (Đường Thi Tuyển), (tuyển tập thơ Đường lưu hành ở Nhật từ đời Edo, NNT). Ngoài ra còn có thơ Bao Cát (Kiết) 包佶 tống biệt ông nữa. Theo phong tục Trung Quốc thì khi các Khiển Đường sứ hoặc lưu học sinh trở về, người nước ấy đều có thơ văn tặng đáp. Dĩ nhiên, nếu là người không có tiếng thì tác phẩm sẽ không được lưu truyền. Do đó chỉ thấy thơ Vương Duy và thơ Bao Cát (Kiết). Tuy vậy, kể từ chuyến đi của Abe no Nakamaro về sau, thơ tống tiễn người Nhật chỉ toàn là do các tăng lữ chứ không ai khác. Giả Đảo 賈島 có bài ngũ ngôn luật thi “Tống Trử Sơn Nhân Qui Nhật Bản” nhưng đây là ngoại lệ duy nhất. Nhân vì “sơn nhân” có nghĩa là người lánh đời nên cũng có xác suất người được tặng thơ là kẻ đã xuất gia.
Nhìn vào Toàn Đường Thi thì những tăng nhân được tặng thơ tống biệt mà tên họ có ghi rõ ràng chỉ có Trí Tạng智蔵 và Viên Nhân, mỗi người một bài.
Tác giả bài “Tống Viên Nhân Tam Tạng qui Nhật Bản” là một vị tăng tên Tê Bạch 栖白 (có thể đọc là Thê Bạch). Ông từng sống ở chùa Tiến Phúc và giữ chức Nội Cung Phụng. Thơ ông còn giữ lại được 16 bài. Tuy ông là một vị tăng nổi tiếng nhưng khó có thể gọi là nhà thơ hay. So với ông thì Bì Nhật Hưu 皮日休và Lục Qui Mông陸亀蒙, hai người từng tặng thơ tống biệt cho Ensai (mỗi người hai bài) mới là những nhà thơ lớn của thời Vãn Đường. Ngoài ra còn có một bài khác (thất ngôn luật thi) do Nhan Huyên顔萱 nhưng không ai rõ về tiểu sử của ông này.Toàn Đường Thi chỉ chép lại 3 bài thơ của ông ta, trong đó một bài nhan đề “Tống Viên Tái thượng nhân”. Tuy không biết những bài thơ tống biệt vừa kể có đủ sức gột rửa tiếng nhơ cho Ensai (Viên Tái) hay không nhưng cũng xin trích dẫn ra đây.
Trước tiên, đó là thơ Bì Nhật Hưu. Bài thứ nhất có tên là “Tống Viên Tái thượng nhân qui Nhật Bản”:
Giảng điện đàm dư trước tứ y,
講殿談餘著賜衣
Gia phàm khước phản cựu thiền phi.
椰帆卻返旧禅扉
Bối đa chỉ thượng kinh văn động,
貝多紙上経文動
Như ý bình trung Phật trảo phi
如意瓶中佛爪飛
Cụ mẫu ảnh biên trì giới túc,
颶母影邊持戒宿
Ba thần cung lý thụ trai qui.
波神宮裏受斎帰
Gia sơn đáo nhật tương hà nhập,
家山到日将何入
Bạch tượng tân thu thập nhị vi.
白象新秋十二圍
(Ý: Sau những bài thuyết pháp trên điện, thày được ban thưởng áo cà sa màu tía nhưng đã nương theo cánh buồm lá cọ để trở về mái chùa xưa. Trên giấy bối, kinh văn chuyển động. Từ bình như ý, xá lợi Đức Phật muốn bay lên. Chớp nháng, mây trời vần vũ báo tin bão tố sắp nổi dậy nhưng thày kiên tâm trì giới. Bên trong cung điện của thần sóng, thày vẫn không chểnh mảng việc chay tịnh. Nhưng khi đến nước nhà rồi, không biết thày sẽ đưa được gì về. Con voi trắng chở kinh cho thày mùa thu này đã béo ra đến mười hai ôm).
Tứ y là chiếc áo được ban tặng. Thường thì đối với giới tăng lữ, đó là một chiếc áo cà sa màu tím, gọi là “tứ tử”賜紫. Trong bài thơ Tê Bạch tặng Ensai, ta thấy có chữ “ tứ tử” này. Nếu Ensai được liệt vào hàng tăng nhân nhận áo cà sa màu tím như vậy ông phải là một vị cao tăng bởi vì không phải người nào cũng có quyền mặc tử y. Vương Duy trong bài “Tùng quân từ” 従軍辞có câu: “Lai tấu quân môn trước tử y” 来奏軍門著紫衣 (muốn nói rằng trong quân đội, vinh dự này dành cho người có quân công, NNT).
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá cây cọ (thung lư, thông lư, 棕櫚 palm tree), trải ra thật bằng rồi lấy kim khắc chữ, sau đó đổ dầu lên cho đen đi. Các kinh điển của Phật cũng được ghi chép lại theo lối ấy. Tuy có nghĩa là lá (patra) nhưng khi ám tả sang chữ Hán thì thành “bối đa la”貝多羅 (pa-to-ra). “Như ý bình” vốn ám chỉ đồ chứa đựng bảo vật để cúng dường và bảo vật quí hơn cả là xá lợi. Xá lợi chính là di cốt của Đức Phật. Chữ này thường được dùng theo nghĩa tượng trưng và  tương đương với Phật trảo hay “móng tay của Phật”.
Hai chữ “bối đa chỉ” 貝多紙 (giấy lá bối) và “như ý bình” là một đối cú. Cách nói này diễn tả được sự chuyên cần học tập kinh kệ và gắng gổ tu hành của Ensai.
“Cụ mẫu ảnh” là những tia chớp nháng báo hiệu cơn bão lớn sắp kéo tới còn “Ba thần cung” tức cung điện của Long vương, người tạo ra sóng gió. Tác giả khen Ensai trên đường về đã không hề lơ là việc giữ trai giới để chống trả ba đào trên biển cả. Tuy vậy, ông vẫn lo lắng không biết bạn sẽ đặt chân lên cố hương Nhật Bản như thế nào ? Lời tục thường ví von “áo gấm về làng” (ý cẩm hồi hương). Đối với một tăng sĩ thì áo gấm đó là kết quả của sự dùi mài học tập. Tác giả đưa ra việc mang theo nhiều kinh sách về nước với mục đích khen ngợi Ensai là người học rộng và đã giác ngộ lẽ đạo. Điều đó được tượng trưng bằng hình ảnh Phổ Hiền bồ tát cưỡi con bạch tượng sáu ngà mà ông cho là rất phù hợp với cảnh ngộ của Ensai. Đặc biệt là giữa mùa thu mới đến này, bạch tượng ấy đã ăn uống no nê nên béo tốt, to đến 12 vi. Vi đây là một vòng tay ôm. Tưởng tượng ra ngày khải hoàn của bạn sau 40 năm dùi mài tu tập, Bì Nhật Hưu khấn nguyện để Ensai được như thế nhưng than ôi, nhà sư vì sóng to gió lớn, đã không hề thấy lại quê hương.

Sau đây là bài thơ thứ hai của họ Bì:
Linh đào vạn lý tối Đông đầu,
霊涛萬里最東頭
Xạ Mã Đài thâm ngọc thự thu.
射馬臺深玉曙秋
Vô hạn thuộc thành vi khỏa quốc,
無限属城為裸国
Kỷ đa phân giới thị Tiên châu.
幾多分界是亶州
Thủ kinh hải để khai long tạng,
取経海底開龍蔵
Tụng chú không trung tán thẩn lâu.
誦咒空中散蜃楼
Bất nại thử thời bần thả bệnh,
不奈此時貧且病
Thừa phu trực dục bạn sư du.
乗桴直欲伴師遊
(Ý: Sóng cao đến tận mây bủa suốt vạn dặm tận vùng Cực Đông. Ở quê hương Yamatai của thày giờ đây chắc trời thu tươi sáng lắm. Nghe nói muốn tới nơi gọi là Tiên châu đó, phải qua bao nhiêu thành quách nước người trần truồng và còn vượt nhiều ranh giới. Vì muốn có kinh nên thầy xuống mở kho tàng của Long vương dưới đáy bể, lại đọc thần chú xua sạch ảo ảnh (mirage) sinh ra trong không trung. Nếu lúc ấy, không vì đau ốm và nghèo túng, ta đã lên bè cùng vượt biển với thầy rồi).
Xạ Mã Đài vốn được chú thích “tức kim vương thành dã” (nghĩa là kinh đô nhà vua bây giờ) nhưng cách viết trên có lẽ đến từ một kiểu đọc khác của Yamatai邪馬台 (Da Mã Đài), tên nước Nhật thời cổ. Ensai lên đường vào mùa thu. Trời lúc ấy bắt đầu lạnh và trong như ngọc. Nơi ông trở về là một xứ sở kỳ quái lạ lùng mà Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện từng nói tới.
Ra khỏi nước có vua đàn bà hơn bốn nghìn dặm thì đến nước người trần truồng (khỏa quốc) rồi nước răng đen (hắc xỉ), sau đó đi về hướng đông nam thì mới gặp nó...
Thấy rằng phải vượt qua biết bao nhiêu là biên giới mới đến được Tiên châu亶州, địa điểm nhắc tới trong câu thơ của tác giả. Thế nhưng nếu đọc Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện, sẽ không thấy nơi nào gọi là Tiên châu. Theo lời chú của Sử Ký, Tần Thủy Hoàng Kỷ, dẫn Quát Địa Chí 括地志thì:
Tiên châu nằm giữa biển Đông. Tần Thủy Hoàng sai Từ Phúc dẫn một đoàn đồng nam đồng nữ ra ngoài biển tìm Tiên nhân遷人(hay 仙人).
Như vậy Tiên châu亶州 chắc phải là Nhật Bản, một thuyết khác cho rằng tên ấy ám chỉ Lưu Cầu. Dù sao, khi nói về giải đất Ensai sắp trở về, Bì Nhật Hưu nào biết gì hơn ngoài chuyện chép trong sách vở. Sau đó, ông đưa ra một hình ảnh gây sốc là “thủ kinh hải để” (xuống đáy biển mò kinh). Chúng ta biết Ensai đã chìm dưới đáy nước nên cách biểu hiện bằng từ hoa này của ông thật đáng kinh ngạc. Bì Nhật Hưu mô tả được nhiệt tình thỉnh kinh của Ensai, ngay khi xuống đáy biển rồi vẫn còn muốn lấy kinh mang về. Có lẽ tin Ensai ngộ nạn đã đến tai Bì Nhật Hưu, còn nếu như điều ấy không xảy ra thì ta thấy nhà thơ như đã đoán biết cái chết của bạn, một điều khiến chúng ta cảm thấy rờn rợn.
Thời gian tiễn chân Ensai , Bì Nhật Hưu đang sống trong cảnh nghèo nàn, bệnh hoạn. Nhà Đường lúc ấy cũng dần đi đến chỗ suy tàn. Sau khi Ensai rời đất Đường được 30 năm, triều đại này đã bị tiêu diệt. Hai năm trước đó, Hoàng Sào khởi binh như để hô ứng với cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi. Hình như chỉ vài năm sau, chính Bì Nhật Hưu cũng mắc kẹt trong thành Trường An vốn đang ở dưới sự kiểm soát của Hoàng Sào, bị bắt rồi bị giết. Nói “hình như” bởi vì giữa thời loạn lạc, lấy ai đứng ra ghi lại những sự việc cỏn con như thế. Sau khi nhà Đường diệt vong, Ngũ đại Thập quốc bắt đầu. Nghe nói Bì Nhật Hưu có lúc lãnh chức Thái Thường Bác Sĩ của nước Ngô Việt (Triết Giang), một trong Thập quốc. Còn chuyện con ông, Bì Quang Nghiệp皮光業, trở thành Tể tướng của Ngô Việt thì đã được minh xác.
Nhất định là khi tiễn đưa Ensai, nhà thơ họ Bì rất bi quan. Ông nhớ lại câu nói của Khổng Tử chép trong Luận Ngữ.
Thầy dạy (Tử viết): Nếu không hành đạo được thì ta sẽ thả bè (thừa phu乗桴) mà nổi trôi ngoài biển (phù hải). Lúc đó người có thể theo ta là Do đó thôi chăng? (Luận Ngữ, Công Trị Trường).
Do là Trọng Do tức Tử Lộ. Nơi không hành được đạo thì đúng là nói về nhà Đường lúc bấy giờ. Ensai là kẻ đang lên thuyền về nước. Tác giả có ý bảo nếu Khổng tử muốn cùng với Tử Lộ đi “lưu vong” ngoài biển thì nhà sư ơi, giờ đây tôi cũng xin theo anh lên thuyền ra khơi mà thôi!
Không ai thân với Bì Nhật Hưu hơn Lục Qui Mông. Ông Lục là một văn nhân không ra làm quan, được biết nhiều như nhà nghiên cứu canh nông. Thơ qua lại giữa ông và họ Bì được thu thập trong “Tùng Lăng Xướng Họa Thi tập” 松陵唱和詩集. Lúc tiễn đưa Ensai, Lục Qui Mông cũng có mặt và đã họa lại bài thơ tống biệt thứ nhất của họ Bì. Thơ nhan đề: “Trùng họa Tập Mỹ 襲美 (Tập Mỹ là tên tự của Bì) Tống Viên Tái Thượng Nhân Qui Nhật Bản Quốc” :
Lão tư Đông cực cựu nham phi,
老思東極旧巖扉
Khước đãi thu phong phiếm bạc quy.
卻待秋風泛舶帰
Hiểu phạn dương ô đương thạch khánh,
暁梵陽烏當石磬
Dạ Thiền âm hỏa chiếu điền y.
夜禅陰火照田衣
Kiến phiên kinh luận đa doanh khiếp,
見翻経論多盈篋
Thân thực sam tùng đại kỷ vi.
親植杉松大幾圍
Dao tưởng đáo thì tư Ngụy khuyết,
遥想到時思魏闕
Chỉ ưng dao bái vọng tà huy.
只応遥拝望斜輝
(Ý: Khi về già tuy nhớ cánh cửa đá chùa xưa ở vùng Cực Đông nhưng phải đợi khi gió thu nổi đưa đường, thày mới lên thuyền con mà về quê cũ. Người như thày xưa nay luôn tu hành chăm chỉ. Sáng kể từ lúc mặt trời mới mọc, gióng khánh đá, cho đến tối, mặc cà sa tọa thiền trong ánh lửa đêm leo lét. Xem kìa, kinh thày dịch chất đầy cả rương và những cây tùng thày tự tay trồng nay đã lớn hàng ôm. Về đến nơi, khi nhớ đất nước này, từ bên đó chắc thầy chỉ có thể vái chào ánh mặt trời lặn ở phương Tây thôi nhỉ)
“Hiểu phạn dương ô” và “dạ Thiền âm hỏa” là một đối cú. Trong vầng thái dương có một con quạ 3 chân, nhưng “dương ô” còn có thể hiểu là thái dương. “Thạch khánh” tức khánh bằng đá, một nhạc khí dùng trong chùa, còn “điền y” là tấm áo cà sa thô sơ. Đối cú này hàm ý khen ngợi Ensai là một nhà tu hành cần mẫn. Lúc ở bên nhà Đường, từ lúc tờ mờ từ khi đánh vào khánh đá cho đến lúc chiều về, ngồi tọa thiền dưới ánh đèn leo lét (âm hỏa), lúc nào Ensai cũng chú tâm tu học. Do đó kinh điển ông dịch được mới chất đầy cả hòm rương (doanh khiếp). Ở lại đất ấy nhiều năm, những cây thông cổ thụ (sam, tùng) chính tay ông trồng nay đã to đến hàng ôm. Do đó, về đến quê hương chắc nhiều khi thày sẽ nhớ đất Đường. “Khuyết” có nghĩa là cánh cửa cung điện, còn vẻ trang nghiêm, nguy nga của nó thì được diễn tả bằng chữ “Ngụy”. Theo một cách giảng nghĩa khác, “Ngụy khuyết” còn là nơi treo các pháp lệnh, ám chỉ triều đình. Nhân vì Trung Quốc nằm ở phía Tây của nước Nhật cho nên khi Ensai nhớ về đất Đường, chắc chỉ nhìn được ánh trời chiều (tà huy) mà thôi.
Lục Qui Mông còn một bài thơ tống biệt nữa nhan đề “Văn Viên Tái thượng nhân hiệp Nho thư kịp Thích điển qui Nhật Bản Quốc, cánh nhất tuyệt (một bài tuyệt cú)”:
Cửu lưu tam tạng nhất thì khuynh,
九流三蔵一時傾
Vạn trục quang lăng Bột Giải thanh.
萬軸光凌渤澥聲
Tùng thử di biên Đông khứ hậu,
従此遺編東去後
Khước ưng hoang ngoại hữu chư sinh.
卻応荒外有諸生
(Ý: Một thời thày đã chuyên chú đến kinh điển nhà Phật và học thuật chư gia. Ánh sáng hàng vạn quyển sách khiến thày không sợ tiếng sóng dữ trên biển Bột Hải. Từ khi tác phẩm thánh hiền để lại được thày chuyển về Đông thì chắc nơi hoang dã ấy cũng sinh ra được nhiều nhà trí thức)
“Cửu lưu” nghĩa là chín ngành văn học nghệ thuật của Trung Quốc, còn “tam tạng” ám chỉ ba tạng Kinh, Luật, Luận Phật giáo. Ông (Ensai) có một thời đã yêu thích những ngành đó nên đã mang Nho thư cùng với Phật điển về nước. Số kinh sách đồ sộ ấy sẽ phát ra ánh sáng làm chùn bước những ngọn sóng to trên biển Bột Giải (tức Bột Hải) (2). Di thư của thánh hiền khi được ông chuyển về Đông sẽ làm cho chốn xa xôi hoang dã ấy (hoang ngoại) có được nhiều người chữ nghĩa (chư sinh).
Người mà Ensai thân nhất có lẽ là là Bì Nhật Hưu, còn như Lục Qui Mông chắc ông chỉ quen biết trong chỗ xướng họa. Lục Qui Mông thích canh nông tức là một ngành học thực tế, chưa hẳn đã bị Phật giáo lôi cuốn. Chẳng qua là sau khi được Bì Nhật Hưu cho biết lúc về nước, ngoài kinh Phật, Ensai còn đem theo cả sách vở nhà Nho nên họ Lục mới lấy làm cảm kích, nhân đó tặng thêm một bài thơ thứ hai để nói lên tình cảm đặc biệt của mình.
Bốn bài thơ nói trên xin được dùng làm tư liệu minh họa hình ảnh Ensai. Nếu như quí vị muốn tham khảo thêm cho bài viết này thì hãy còn có bài thơ sau đây do Tê (Thê) Bạch viết tặng Ennin (Viên Nhân):
Gia sơn lâm vãn nhật,
家山臨晩日
Hải lộ tín qui nhiêu.
海路信帰撓
Thụ diệt hồn vô ngạn,
樹滅渾無岸
Phong sinh chỉ hữu triều.
風生只有潮
Tuế cùng trình vị tận,
歳窮程未盡
Thiên mạt quốc nhưng dao.
天末国仍遥
Dĩ nhập Mân vương mộng,
已入閩王夢
Hương hoa cảnh ngoại ngao.
香花境外邀
(Ý: Quê nhà nằm phía mặt trời chiều, đường trên biển chỉ còn biết phó mặc mái chèo. Rặng cây không còn thấy nữa, mới biết thuyền đã ra khỏi bờ. Chỉ có gió biển làm cho sóng dậy. Năm đã hết mà đường còn xa. Cuối đất rồi sao chưa tới quê nhà. Chắc đã nhập vào trong giấc mộng của Mân vương (3) mà mang hương hoa ngao du ở cõi ngoài).

Tokyo ngày 2 tháng 3 năm 2018
NNT

Chú thích:
(1)      Đây là cách đọc cổ có tính lịch sử, khác với lối đọc bây giờ.
(2)      Quốc gia độc lập xưa kia hùng cứ vùng ven biển Triều Tiên và Bắc Trung Quốc, có liên hệ mật thiết với Nhật nhưng nay đã mất.
(3)      Điển tích chưa nắm. Mân  (909-945) thường được hiểu như một nước trong Ngũ đại thập quốc, ở vùng biển Phúc Kiến gần Đài Loan. Bị Nam Đường diệt. Ngoài ra, hương hoa là thức để dâng lên Đức Phật. Có thể ý tác giả lo lắng cho chuyến trở về chắc đầy khó khăn trên biển của Ennin. Tiếc là Chin Shun-Shin cũng không giảng nghĩa.
Thư mục tham khảo:
1)    Chin Shun-Shin, 1989, Tôshi Shinsen (Đường Thi Tân Tuyển), Shinchôsha xuất bản, Tokyo.
2)    Hình ảnh Internet.

 

 


* Nguyễn Nam Trân :
Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com