Tuesday 20 March 2018

Nói Chuyện Với Đầu Gối. Phiếm Luận về Văn Học và ngôn ngữ - BS Nguyễn Thượng Vũ

Khi tôi còn trẻ, tôi muốn học làm nghề Viết Văn nhưng Bố tôi nói: con viết tiếng Việt đầy lỗi chính tả, làm sao mà tính sinh sống bằng nghề viết Văn được? Con phải chọn một nghề vững chắc có thể nuôi sống mình chứ không thể tin cậy vào nghề viết Văn. Các nhà văn Pháp mà con học trong trường như Hugo, Lamartine, Baudelaire, Apollinaire .. đều nghèo đói cả khi về già. Con nhớ ông Petrus Trương Vĩnh Ký là một nhà Văn, một nhà Bác Học bậc nhất nước Việt Nam mà vào tuổi già cũng sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật…
 
Bố tôi còn nhắc cho tôi 1 câu thơ bằng Hán Văn mà tới giờ này – hơn 60 năm sau- tôi vẫn còn nhớ  như hôm nào còn là một thanh niên trẻ , đầy nhiệt huyết và ảo tưởng:
 
Lập thân tối hạ thị văn chương.
 
(mà lúc đó tôi hiểu một cách nôm na là ở đời, chọn nghề khổ nhất,  bết bát nhất, nghèo nhất là chọn nghề Viết Văn) .
 
Thực tình ra câu thơ có nhiều hàm ý sâu xa  về phong cách con người, về triết lý nhân sinh con người , về bản tính sĩ phu con người nữa  mà, 60 năm trước tôi chưa hiểu biết hết ý nghĩa .
 
Sáu mươi năm sau, bây giờ  tôi hết sức đồng  ý với Bố tôi là tôi không đủ  tài làm nghề viết Văn, nếu làm thì cũng không có đủ độc giả , rồi cũng chết đói mà thôi.
 
Bài viết này chỉ là bài phiếm luận viết nhân dịp  Trường Trung Học Petrus Ký  kỷ niệm thành lập được 90 năm kể từ ngày viên gạch xây trường được đặt nền móng vào năm 1926. Và kỷ niệm 30 năm hội Ái Hữu các cựu học sinh Trường.
 
Hồi tôi lớn lên tại Hanoi trong thập niên 40 và 50, khó kiếm ra những sách ca ngợi nhiều  về công trình văn học của Trương Vĩnh Ký và các bạn ông ta như Huỳnh Tịnh Của, học trò ông ta như Trương Minh Ký , như các nhà văn vào thế hệ cháu ông như Đốc Phủ Sứ Hồ Biểu Chánh. ..
 
Tôi nghĩ – nhưng cũng có thể tôi nghĩ lầm - nếu các sách xuất bản thời đó tại Hanoi có nhắc dến các nhân vật này thì cũng chỉ nhắc qua loa , không bao giờ coi họ  là những nhà văn có ảnh hưởng quan trọng trong nền Văn Học Việt Nam.
 
Người ta không biết nhiều về Văn Học Miền Nam có lẽ  vì các học giả như Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim, hay Phạm Quỳnh không để ý  nhiều đến vài trò của Văn Học Miền Nam,  hay rất ít được tiếp xúc với Văn Học Miền Nam, ít  được đọc các sách vở xuất bản tại Saigon & Gia Định.
 
Một  lý do chính  là các sách vở in tại Saigon và Gia Định hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX không được mang ra bán nhiều tại các hiệu sách tại Hanoi,  nên các học giả Bắc Hà vô tinh không để ý tới kho tàng Văn Học Miền Nam.
 
Các người như Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyển Văn Vĩnh không phải là những người hẹp hòi , họ không có óc địa phương và không có ý định cố tinh gạt bỏ kho tàng quý giá Miền Nam này. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu tài liệu để đọc, thì làm sao mà viết được ?
 
Sau này các nhà Văn miền Nam - sinh đẻ tại Miền Nam hay di cư, sinh sống trong Nam trước và sau 1954 -  với các tác phẩm mới viết ra đời, có đầy đủ phẩm chất và  có đủ phương tiên quảng bá với  báo chí,  nên mới được người ta để ý đến nhiều.
 
Trong các nhà văn này, trước và sau 1954,  phải kể đến các người như Vương Hồng Sển, Huỳnh Văn Lang, Sơn Nam, các nhà giáo kiêm văn sĩ như Linh Mục Thanh Lãng,  Sử gia Phạm Văn Sơn,  KQ Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, LM Lương Kim Định, Nguyễn Hiến Lê, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyên Sa , Cung Trầm Tưởng vv…
 
Lẽ dĩ nhiên còn rất nhiều nhà văn giá trị khác nữa , nhưng khuôn khổ bài viết này không cho phép tôi nói lên hết. 
 
Trương Vĩnh Ký là một nhà Bác Học có giá trị vào cỡ hạng quốc tế chứ không phải riêng gì của dân tộc Việt Nam.
 
Ông nói lưu loát 27 thứ tiếng, ông  viết hơn 100 tác phẩm (có tài liệu  viết ông là tác giả 119 tác phẩm), tác phẩm nào cũng vô cùng giá trị cả. Cùng người bạn là Đốc Phủ Sứ Paul Huỳnh Tịnh Của, ông sáng lập ra tờ Báo đầu tiên của cả nước Việt Nam vào năm 1865 (khởi đầu dưới tên một người công chức Pháp của phủ  Toàn Quyền) và 4 năm sau, năm 1869 , thì chính quyền Thuộc Địa chính thức chỉ định ông là Giám Đốc với Huỳnh Tịnh Của làm phụ tá.
 
Hết cả các học sinh Việt Nam đều phải học Kim Vân Kiều với bản của học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim , nhưng ít ai biết  Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên dịch Kim Vân Kiều ra chữ Quốc Ngữ.  Bản dịch đầu tiên , vô cùng quý giá này , còn giữ 1 bản tại Thư Viện Quốc Gia Pháp ( Bibliothèque Francois Mitterrand)  tại Paris XIII.
 
Năm 1876,  Ất Hợi, Trương Vĩnh Ký được Phủ Toàn Quyền chỉ định ra thanh tra Bắc Kỳ, tìm hiểu nguyên do tại sao lại có tinh trạng chế độ quan liêu tham nhũng quá nặng tại Bắc Kỳ , và soạn thảo ra một phương cách hành chánh và hình sự để  cải tổ tinh trạng thối  nát này.
 
Sau khi làm tờ trình cho thượng cấp thì Trương Vĩnh Ký có viết về “ Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi” (Voyage au Tonkin en 1876 Ất Hợi ) kể lại những gì đã xẩy ra khi đi thanh tra ngoài Bắc.  Tác phẩm này đã làm cho triều đình Huế thù ghét và coi Trương Vĩnh Ký là việt gian, bán linh hồn cho Pháp.
 
Tác phẩm này cũng cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về xã hội Bắc Kỳ thời đó,  của một nhân chứng ra quan sát thực tế và ghi chép lại cảm tưởng của mình,  ngay sau khi hoàn tất cuộc du hành này.
 
Tác phẩm “Phép Lịch Sự An Nam” ( Les convenances et les civilités Annamites) là một tác phẩm đầu tiên về Phong Tục Học được soan thào bằng Quốc Ngữ,  theo thể loại mới, ngăn nắp hơn, tây phương hơn,  khác với nhửng công trình biên khảo rất giá trị - nhưng hơi luộm thuộm -  khác của các tiền nhân đi trước , trong đó phải kể công trình biên khảo khai phá của nhà bác học Lê Quý Đôn nhà Hậu Lê (Kiến Văn Tiểu Lục) .
 
“Phép Lịch Sự An Nam” tuy không đầy đủ bằng các khảo cứu về Phong Tục Học sau này,  nhưng nó đã dọn đường cho thế hệ sau của các người như Phan Kế Bính (Phong Tục Việt Nam) , Pierre Huard (Connaissance Du Vietnam) Toán Ánh và Nhất Thanh (Đất Lề Quê Thói)…
 
Toan Ánh với 11 cuốn Nếp Cũ, các cuốn  Việt Nam Chí Lược, Phong Lưu Đồng Ruộng, Nếp Xưa , Phong Tục Việt Nam , Tín Ngưởng Việt Nam, Hồi Hè Đình Đám , cho chúng ta thừa hưởng  1 công trình biên khảo về Phong Tục Học vô cùng đồ sộ và phong phú.
 
Tôi nghĩ – nhưng rất có thể tôi nghĩ sai –ảnh hưởng của các người đi trước Toan Ánh  như Trương Vĩnh Ký, Phan kế Bính và nhất là linh mục Leopold Cadière trên tác phẩm của Toan Ánh không phải là nhỏ.
 
Như Leopold Cadière , Nhất Thanh cũng là một linh mục, nếu tôi không  lầm. Cuốn sách của ông  “Đất Lề Quê Thói” hết sức hàn lâm và đầy đủ chi tiết. Ông viết rất ngăn nắp và dễ hiểu. Tôi nghĩ các linh mục Thiên Chúa Giáo đã đóng góp không kể xiết  về Văn Học Việt Nam kể từ  thời Alexandre De Rhodes sang Việt Nam để giảng đạo.
 
Linh Mục Leopold Cadière  sống 60 năm trời tại Việt Nam, nhất là Miền Trung, vùng  Huế. Ông viết hơn 250 công trình biên khảo về Lịch Sử, Văn Học, Nghệ Thuật, Phong Tục, Ngôn Ngữ, Âm Nhạc  về Việt Nam. Ông là người Việt Nam hơn rất nhiều người Việt Nam. 
 
Ông là một trong những người người sáng lập  và biên khảo nòng cốt của tập San “Les Amis Du Vieux Huế”  (Đô Thành Hiếu Cổ, Những Người Bạn Của Cố Đô Huế ) , một tập san vô cùng giá trị, có lẽ - theo ý kiến rất thô thiển của tôi – còn giá trị hơn tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Bulletin De L’Ecole Francaise D’Extrême Orient (BEFEO)  nhiều.
 
Linh Mục Cadière là người đầu tiên tìm hiễu phong tục , ngôn ngữ và đời sống  của các dân tôc thiểu số , sinh sống miền Cao Nguyên thượng du.
 
Công trình của ông ảnh hưởng nhiều đến các  công trình biên khảo về Văn Học và Phong Tục Học của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, người Giám Đốc cuối cùng củaTrường Viễn Đông Bác Cổ  EFEO tại Việt Nam và sau này cũng là Bộ Trưởng Giáo Dục của Chính Phủ Hồ Chí Minh trong 28 năm liên tục.
 
Các tác phẩm của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Huyên như “Chants Alternés des Garcons et Filles D’Annam” "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam"  và “Introduction à l’étude De l’Habitation sur Pilotis dans l’Asie du Sud Est”  "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á" (these de Doctorat , Paris 1934) “Recueil Des Chants De Marriage Thổ De Lang Sơn et Cao Bằng” “ Những bài Hát Lễ Cưới của Dân Tộc Thổ Vùng Lang Sơn , Cao bằng”  1943  , “Văn Minh Nước Nam” “Sự Thở Phụng Thánh Thần tại Việt Nam” , là những công trình biên khảo vô cùng giá trị mà các học giả và sinh viên ngày nay bây giờ vẫn dùng  để tham khảo.
 
Tôi rất thích khi thấy Nguyễn Văn Huyên là người đầu tiên đưa ra và bảo vệ giả thuyết tại vùng “Châu Á  Gió Mùa”  (Asie Des Moussons) bao gồm hầu hết tất cả Đông Nam Á và các vùng lân cận đã xuất hiên một nền văn minh tiền-Ấn Độ và tiền-Trung Hoa (Pre-Indian and Pre-Chinese Civilization) .
 
Trong nhiều năm, ngoài Paul Mus, không có ai trong trường Viễn Đông Bác Cổ đồng ý với giả thuyết này.
 
Gần đây chúng ta thấy có 1 vài  học giả ngoại quốc ,  bắt đầu tin là trước khi người Trung Hoa và Ấn Độ sang Việt Nam thì Việt Nam có thể  có giai đoạn đầu của một một nền văn minh căn bản rồi.( vấn đề này còn nan giải và vô cùng phức tạp, nó còn nhiều yếu tố ẩn mã chưa giải đáp)
 
Khi Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm bùng nổ trong thời gian 1955-58 , các học giả và văn nghệ sĩ dinh líu vào vụ này bị tù đầy,  hay cấm hành nghề, nhiều người phải bỏ quê hương, đi ăn mày, sống đầu đường só chợ, không dám về sống với các con vì sợ liên luỵ đến các con.
 
Nguyễn Mạnh Tường và Đào Duy Anh cũng bị dinh líu về vụ này. Nguyễn Văn Huyên đã đứng ra che trở cho hai người bạn này, cho vào làm nhân viên Bộ Giáo Dục ( nhân viên thừa hành , cấp dưới, không có chức vụ lớn gì cả ) nhưng nhờ có giấy tờ tuỳ thân  là  công chức thì có thẻ Hộ Khẩu, không phải đuổi đi các vùng Lao Cai, Yên Bái, Lai Châu…
 
Đó là một hành động can trường, trong chế đô Cộng Sản man dại thời điểm đó, có thể nguy hiểm tới tính mang và tương lai của chính mình , cũng như con cái mình. Tôi kính phục ông ta vào khía cạnh này. Hơn nửa, Nguyễn Văn Huyên làm Bộ Trưởng 28 năm mà không hề vào đảng Cộng Sản cho tới khi chết.
 
Gia tài Văn Hoá của Paul/Paulus Huỳnh Tịnh Của cũng đồ sộ không thua kém bao nhiêu  công trình văn hoá của Trương Vĩnh Ký.
 
Tuy Huỳnh Tịnh Của viết ra có 17 cuốn sách (so với trên 100 cuốn của Petrus Ký) , nhưng bộ Đại Nam Quấc  Âm Tự Vị là một cuốn sách được người ta kính trọng cho tới ngày nay. Cuốn Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của cũng là cuốn Tự Vị đầu tiên bằng quốc ngữ của Việt Nam.
 
Huỳnh Tịnh Của định nghĩa lại rõ ràng sự khác biệt giữa Tự Vị và Tự Điển.
Tự Vị cho người tham khảo ý nghĩa của một chữ hay một cụm chữ. Tự Điển lớn rộng hơn, cho người tham khảo thêm các điển tích, điển cố liên quan tới chữ/cụm chữ  đó. Chúng ta thấy cuốn Kim Vân Kiều của Nguyễn Du gồm có 3254 câu tương đối là một cuốn sách mỏng nhưng khi bình luận, bàn về các điển cố liên quan đến các chữ Nguyễn Du dùng trong Truyển Kiều thì có thể lên tới cả ngàn trang.
 
Đốc Phủ Sứ Huỳnh Tịnh Của có cuộc đời hạnh thông hơn người bạn ông (và có lúc là thượng cấp của ông)  là Trương Vĩnh Ký. Có lẽ vì ông chưa bao giờ giữ các chức vụ quan trọng như Petrus Ký, không làm việc trong Cơ Mật Viện của Huế nơi mà cả triều đình cũng như Vua e dè vì sợ ông là  tai mắt (việt gian) người Pháp gài để dò xét Triều Đình.
 
Huỳnh Tịnh Của cũng chẳng bao giờ giữ chức vụ một người thanh tra trung ương, được cử ra Bắc Kỳ làm tất cả hệ thống Quan Lại , Sĩ Phu Bắc Hà phải run sợ.
 
Tôi thích cách Huỳnh Tịnh Của phân biệt chữ kép “bụng dạ” như sau: Dạ là phần trên rốn , và bụng là phần dưới rốn. Tôi không biết Huỳnh Tịnh Của tham khảo tài liệu nào mà phân chia như vậy nhưng tôi thích cách phân chia này của Huỳnh Tịnh Của.
 
Trong Phong Tục và Văn Hoá Việt Nam, các chữ tim, bụng dạ, lòng dạ, tấm lòng , vv… có một hàm ý sâu xa về tâm hồn, tâm linh  chứ không phải chỉ riêng về ăn uống , tuần hoàn máu, hay tiêu hoá mà  thôi.
 
Người có lòng dạ tốt là người tử tế , nhân hậu . Người Bụng dạ xấu là người không tử tế, hay dèm pha hay thù hại  người khác.
 
Thay lòng đổi dạ là kẽ phản phúc , không thể tin cậy được. Kẻ gan dạ là người rất can đảm, không sợ nguy hiểm.
 
Người có con tim tốt/tâm địa tốt  là người tử tế, hay thương người, chứ không phải là người có cái tim mạnh khoẻ, không bị cao áp huyết máu
 
Các thí dụ trên cho ta thấy là người Việt Nam cũng như người Trung Hoa đặt trung tâm suy nghĩ của tâm hồn vào tim,  vào lòng dạ, bụng dạ ,  vào gan ; trong khi khoa học Âu Tây coi đó chỉ là nôi tạng về tuần hoàn máu, về tiêu hoá thức ăn.
 
Âu Tây  đặt trọng tâm suy nghĩ  vào cái óc., và hầu hết các xã hội tân tiến Âu Mỹ chấp nhận Óc là bộ phận quan trọng nhất, duy nhất có thể xuất phát ra các tư tưởng, ý nghĩ  của mỗi cá nhân.
 
Vào khoảng năm 1988 , môt bênh nhân đau tim nặng, bà Claire Sylvia,  được thay tim vì tim bà quá hư hỏng từ nhiều năm. Bà được nhận tim từ 1 người thanh niên  trẻ 18 tuổi,   bị chết vì tai nạn xe cộ xẩy ra trong vùng tỉnh Boston ngày hôm trước.
 
Sau khi giải phẫu và ghép tim  xong một thời gian thì bà ta bắt đầu  thèm khát uống bia/ beer. Beer là một thứ mà bà Claire Sylvia ghét nhất trước khi giải phẫu tim, mà bà tránh không bao giờ uống suốt cuộc đời bà trước khi giải phẫu.
 
Sau đó.  bà thấy thèm ăn loại ớt xanh,  mà xưa nay bà không bao giờ ăn cả, bà cũng thèm ăn gà chiên Kentucky fried Chicken, việc mà bà rất ghét xưa nay.
 
Với thời gian, tinh tinh bà cũng thay đổi. Xưa nay bà là người rút dát, rụt dè, khống nói to tiếng với ai cả. Nay bà trở thành người có nhiều tự tin, hay lên tiếng cho ý kiến và không để ai ép bức mình.
 
Việc đó các bạn hữu cũng như con cái bà đều nhận thấy.
 
Lần lần sự thay đổi lấn sang khía cạnh tinh dục của bà. Bà trở thành một người gay thích phụ nữ như một người đàn ông khác.
 
Khi ngủ, bà hay nằm mơ thấy 1 người thanh niên trẻ , người đó báo cho bà biết là anh ta tên là Tim.
 
Bà Claire Sylvia hỏi nhà thương tên người đã cho bà trái tim của anh ta,  thì nhà thương từ chối không cho biết vì pháp luật không cho phép.
 
Bà đi hỏi các bác sĩ giải phầu thì không ai biết gì cả. Họ chỉ nhận được trái tim và họ giải phẫu thôi.
 
Bà Claire đi tới tỉnh Boston là nơi mà tai nạn lưu thông xẩy ra, bà vào thư viên tìm kiếm các vụ tai nạn lưu thông xẩy ra vào tháng bà được giải phẫu, bà tìm thấy tên một thanh niên 18 tuổi là Tim Lamirande và tìm kiếm nơi cư ngụ gia đình anh ta.
 
Sau cùng bà gặp gia đình, cha mẹ và chi em của Tim, họ cũng xác nhận Tim ngày xưa rất thích Kentucky Frie chicken, uống beer, ăn ớt xanh.
 
Câu chuyện bà Claire Sylvia có được làm thành film cinema và bất cứ ai cũng có thể thuê DVD phim này về coi.
 
Tôi viết dài dòng về việc bà Claire Sylvia vì tôi muốn nhấn mạnh giả thuyết các tế bào tim hay gan, ruột, có thế lưu giữ một phần nào ký ức ( cellular residual memory) do óc phát ra trong quá khứ  và mang ký ức đó  chuyển sang ( memory transfer)  thân thể  của bệnh nhân được ghép tim, gan etc..không hẳn là một giả thuyết điên khùng.
 
Nếu giả thuyết đó được chứng minh , thì cách nói của các cụ : bụng dạ tốt, tâm địa tốt, có thể có 1 căn bản khoa học.
 
Có một tờ báo Văn Học miền Nam tên là Tạp Chí Bách Khoa là một tờ báo, một cơ quan truyền thông văn học vô cùng giá trị.
 
Có lẽ cho tới ngày nay, Việt Nam chưa có một tờ Đặc San nào có giá trị như vậy, có nhiều nhân tài cộng tác như vậy, trong suốt 20 năm trời của miền Nam Việt Nam.
 
Hồi đó tất cả những người có tên tuổi về Văn Học miền Nam đều cộng tác bài vở với Bách Khoa, từ Huỳnh Văn Lang đến Nguyễn Hiến Lê,  từ Vương Hồng Sển tới Thanh Lãng, từ Vũ Quốc Thúc tới Nguyễn Cao Hách, từ Doãn Quốc Sỹ tới Võ Phiến, từ Mai Thảo tới Nguyên Sa, từ Vũ Khắc Khoan tới Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, từ Trần Ngọc Ninh tới Trần Văn Tích, từ Cao văn Luận đến Lê Thanh Minh Châu , từ Nguyễn Đăng Thục tới Nguyễn Thế Anh,   Lê Văn tới Nguyển Văn Trung, , từ  Minh Phong Phạm Ngọc Thảo  đến  Nguyễn Thị Hoàng, từ  Nguyễn Ngu í, Bùi Giáng tới Cung Trầm Tưởng, vv.…
 
Trong suốt thời gian đó , ngoài Hanoi không có một tập san nào có tầm cỡ như tập san Bách Khoa cả.
 
Nói như vậy không phải là ngoải Bắc không có nhân tài, nhưng sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm,  gần như tất cả tinh hoa văn hoá ngoài Bắc bị chà đạp tù tội, các người khác tuy không vào tù nhưng hết sức sợ hãi, tay lúc nào cũng sờ gáy xem còn hay mất,  bắt buộc – dù trái với lý tưởng và nguyện vọng mình - phải viết văn theo chỉ đạo và giáo điều của đảng.
 
Vì sự gò bó tinh thần như vậy, vì lúc nào cũng sợ Công An mời lên “làm việc”  như vậy, không ai có bụng dạ phóng khoáng viết văn theo đúng lý tưởng, theo đúng con tim của mình.
 
Nguyễn Tuân , tác giả cuốn sách  “Vang Bóng Một Thời” một tác phẩm mà tôi say mê khi còn trẻ, khi trở về Hanoi sau nhiều năm xa cách, gặp lại bạn hữu. Ông  ngồi hút điếu thuốc lào, uống chén trà xanh,  rôi lẩm bẩm tâm tình với mấy người bạn thân: “Đéo mẹ, chúng mày tưởng gì ? tao sở dĩ còn sống ngày hôm nay là vì tao biết sợ… ”
 
Trần Dần viết câu thơ khi đọc thấy trong lòng muốn thắt lại:  ‘Tôi bước đi/ không thấy phố/ không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ trên màu cờ đỏ. ... Ít lâu sau, Trần Dần bị bỏ tù Hoả Lò.
 
Phùng Cung viết một bài “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” là một truyện ngắn hay, nói về con ngựa ngày xưa oai phong ra trận mà bây giờ già rồi chỉ được ở nhà kéo xe mà thôi. Thế mà có người chạm nọc, cho Công An mời đi “làm việc” mút mùa.
 
Phùng Quán . lúc hút thuốc lào rẻ tiền, uống chén trà xanh, ngà ngà say thuốc lào, ăn nói “linh tinh” làm vài  câu thơ đọc cho mấy thằng bạn thân nghe : “Bút giấy tôi ai cướp giật đi, Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.   Chỉ nói chuyện và làm thơ “linh tinh” với mấy người bạn thân tinh mà ngày hôm sau có Công An mời lên và bị đầy đoạ cho tới khi chết, không ngóc đầu lên nổi.
 
Các học giả, các văn sĩ, triết gia Bắc Hà sống trong khung cảnh đó thì làm sao có tâm hồn viết lách,  sáng tạo gì nữa ?
 
Ai ai cũng phải lo cái mạng sống của mình trước đã. Bản năng sinh tồn không cho phép các học giả ngoài Bắc viết như Tập San Bách Khoa.  Trong Nam lại khác,  ai có chân tài là có chỗ đứng trong Bách Khoa.
 
(lẽ dĩ nhiên, tôi biết thân, biết phận, nên không bao giờ dám gửi bài cho anh Huỳnh Văn Lang in trong Bách Khoa J  )
 
Ngoài Bắc người ta viết và  ca ngợi Trăm Hoa Đua Nở, nhưng chính tại miền Nam người ta mới có Trăm Hoa Đua Nở thực sự.
 
Theo tôi nghĩ – nhưng cũng có thể tôi nghĩ sai – các tạp san nổi tiếng xa xưa như Nam Phong Tạp Chí, như Phong Hoá, có vai trò khai phá nền Văn Học mới của dân tộc ta , nhưng thực chất – substance -bài vở của Bách Khoa trong Nam sau này có giá trị về văn hoá, về hiểu biết,  hơn các đàn anh đi trước rất nhiều.
 
Tôi được nghe là các người như Đào Duy Anh khi vào Saigon sau 1975 , là đi kiếm ngay tờ Bách Khoa tại Toà soạn để đọc và mang về Hanoi làm tài liệu tham khảo.
 
Ông Đào Duy Anh là một học giả, một sử gia có thực tài, nếu ông sống trong Nam trong thời gian Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà, được tự do viết lách, khảo cứu ,  thì tôi nghĩ nền Văn Hoá nước ta sẽ sáng lạn hơn giờ nhiều
 
Đào Duy Anh không thua kém gì bất cứ ai đã cộng tác với Bách Khoa cả. Tôi thích cách viết văn của Đào Duy Anh hơn Nguyễn Mạnh Tường, ông đi thẳng ngay vào vấn đề bàn cãi chứ không mất thì giờ nói văn hoa, bóng bẩy , mỹ miều như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
 
Tôi có găp và ăn  cơm với Đào Duy Hùng, con ông Đào Duy Anh. Anh có cho tôi biết là ngày xưa ở Huế có học cùng với - và là bạn thân của-  một người bạn khác của tôi-:BS  Vũ Đình Minh.
 
Khi nói chuyện với Đào Duy Hùng  thì tôi có cảm tinh ngay. Tôi chưa gặp ông Đào Duy Anh bao giờ cả,  nhưng hồi nhỏ tôi xử dụng cuốn tự vị Pháp-Việt  Đào Duy Anh rất nhiều lần.  Cuốn tự vị của ông làm theo khuôn khổ cuốn tự vị Larousse nhưng to lớn hơn và có nhiều chi tiết giúp cho cậu học trò nhỏ bé tại Hanoi làm bài dễ dàng hơn.
 
Tôi thấy công trinh khảo cứu của Đào Duy Anh về ” Danh Giới Việt Nam Qua Các Thời Đại”  là một công trình khảo cứu Sử Học vô cùng giá trị, tuy nhiên tôi không đồng ý với ông về “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam” trong bộ Lịch Sử Cổ Đại Việt Nam, (tuy nhiên vấn đề này ngoài phạm vi bài viết này nên không dám mạo bàn nơi đây).  Bộ sách về Luận Giải Truyện Kiều của Đào Duy Anh là một bộ sách vô cùng giá trị mà cho tới giờ này, tôi nghĩ  ít có sách nào sánh bằng.
 
Một chi tiết Sử Học về nhà Hậu Lê và Mạc Đăng Dung  mà Đào Duy Anh khám phá và viết ra làm tôi thích thú vô cùng.
 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép là Mạc Đăng Dung tự trói mình, tạc hai tượng bằng  vàng khối ,  lớn bằng người thường,  và dâng châu  Quy và Thuận cho nhà Minh để xin nhà Minh tha. 
 
Trái lại, Đào Duy Anh cho chúng ta biết hai châu Quy và Thuận đã chính thức thuộc Trung Hoa từ thời nhà Tống từ nhiều thế kỷ trước. Các tài liệu nhà Tông, nhà Nguyên đều có vẽ châu Quy & Thuận nằm trong danh giới Trung Hoa, vậy thì làm sao mà đời Minh Tuyên Đức,  Mạc Đăng Dung có thể dâng hiến hai châu này lại cho nhà Minh được ?.
 
Hai châu Quy & Thuân thuộc vùng xôi đậu, lúc bên này lúc bên kia, dân cư vùng đó  phần lớn là người Nùng.Trước thời Ngô Quyền thì việc này không có gì quan trọng cả, vì nước ta thời đó là 1 quận của Trung Hoa, cả hai bên danh giới đều thuộc về Tầu hết.
 
Trong thời gian đó, không ai đặt nó thành vấn đề cả.
 
Vào  thời kỳ độc lập nhà Lý, khi Tống Địch Thanh mang quân sang xâm chiếm nước ta,  Nùng Chí Cao mang đội quân du kích người Nùng ra chống cự lại. Người  Nùng ( họ hay tự xưng là người Thổ, thuộc nhóm Tầy,  Choáng)  là một dân tộc can trường, hai bên đánh nhau qua lại rất gay go trong nhiều tháng, Nùng Chí Cao thua , phải cắt đất , dâng hai châu Quy và Thuân cho Tống Địch Thanh.
 
Việc này xẩy ra từ  thời Lý  Thái Tông, hai châu này thuộc Trung Hoa từ lâu rồi thì làm sao mà Mạc Đăng Dung lại dâng được cho nhà Minh ?
 
Tuy vậy Sử Gia Trần Trọng Kim vẫn chép lại Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và gọi Mạc Đăng Dung là kẻ cắt đất, bán nước, phản thần, phản quốc và vô liêm sỉ. Thật tinh ra Trần Trọng Kim tiên sinh chỉ cần mở Tống Sử hay Nguyên Sử là thấy ngay ( hai bộ sử mà tiên sinh tham khảo rất nhiều lần khi soạn Việt Nam Sử Lược).
 
Theo tôi nghĩ – và tôi cũng có thể nghĩ sai -  Trần Trọng Kim chắc thừa biết chi tiết này khi ông soạn bộ sử lược , nhưng ông đã có thành kiến sẵn về Mạc Đăng Dung rồi mà ông coi là vô liêm sỉ, là phản quốc, là gian thần. Nếu đưa chi tiết lịch sử này vào thì đương nhiên Trần tiên sinh gỡ tội và miễn trách  Mạc Đăng Dung rồi, một việc mà trong lòng, ông không chấp nhận làm.
 
Trong những năm  1505 -1527  , nhà Hậu Lê thối nát như bùn. Các vua Lê lúc đó là hôn quân,  bạo đế, tàn ác, dã man, lấy vợ người ta, giết hại người ta, tịch thu vơ vét tài sản  của dân, đến nỗi chính Sứ Thần Trung Hoa làm báo cáo cho Hoàng Đế nhà Minh , gọi vua Lê là Vua Lợn (Lê Tương Dực) và Vua Quỷ (Lê Uy Mục. Đây là người Trung Hoa gọi, còn dân Việt Nam tại Thăng Long còn dùng nhiều chữ nặng hơn để kêu họ.
 
Như vậy hành động truất phế Vua Quỷ và Vua Lợn và người kế nghiệp họ là một hành động đáng khen, giải thoát toàn dân ra khỏi cảnh khổ đoạ, lầm than ,  chứ sao lại dùng các chữ Gian Thần, Bán Nước, Phản Quốc,  Vô Liêm Sỉ , để gọi Mạc Đăng Dung ?
 
Trong nửa đầu của thế kỷ XX, tiên sinh Trần Trọng Kim là Thái Sơn Bắc Đẩu của Văn Học Việt Nam,  kẻ hâu sinh mạt học này  không khỏi cảm thấy buồn buồn khi thần tượng mình tôn thờ suốt thời niên thiếu đã không còn là khuôn vàng thước ngọc như khi xưa nữa .
 
Hồi còn trẻ tôi được biết là cuốn tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên của Việt Nam là cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, in năm 1925.  Hoàng Ngọc Phách là một nhà giáo  có tiếng, dậy học tại nhiều trường Trung Học  và ông có dậy học nhiều đồng nghiệp đàn anh của tôi.
 
Trong cuốn tiểu thuyết lãng mạn này , Song An Hoàng Ngọc Phách có viết 1 câu “ Phi Cao Đẳng , Bất Thành Phu Phụ”, câu này được nhiều thế hệ thiếu nữ Việt Nam nói đi nói lại  như một câu ca dao, tục ngữ.
 
Hồi tác phẩm này được in ra, nó trở thành một làn sóng thần mãnh liệt đẩy vào thế hệ thanh niên  Việt Nam thời đó. Nó mang một tư tưởng lãng mạn về ái tinh, về sự thoát ly gia đình chưa từng thấy vào năm 1925 khi tác phẩm này mới in ra.
 
Hoàng Ngọc Phách cho nhiều bạn hữu biết cuốn Tố Tâm dựa theo cảm hứng khi ông đọc cuốn La Dame Aux Camelias của Alexandre Dumas. Câu chuyện buồn và cả hai nhân vật chánh của Tố Tâm và La Dame Aux Camelias đều chết vì là một nạn nhân oan trái của xã hội và ái tinh.
 
La Dame Aux Camellias về sau được Verdi soan thành opera rất thành công dưới tên La Traviata. Nếu ai chưa coi opera này thì là một thiếu sót lớn lao. Nếu không có thì giờ đi coi thì có thể mở Youtube.com  coi cũng thấy những nghệ sĩ nhất thế giới như Pavarotti, Placido Domingo, Maria Callas, Anna Netrebko… đóng thì cũng vô cùng thích thú. Nhiều người nói là Maria Callas trong La Traviata thì không ai bằng cả. Tôi thấy Anna Netrebko người Nga cũng hay tuyệt vời.
 
Cuốn tiểu thuyết Tố Tâm là một cuốn sách có một địa vị quan trọng trong nên Văn Học Việt Nam hồi đầu thập niên 20 thế kỷ trước, tuy nhiên nó không phải là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nước ta.
 
Cũng như về báo chí ,  Gia Định Báo của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của xuất bản trước các báo chí Bắc Hà nhiều thập niên , sĩ phu Nam Kỳ cũng viết và in tiểu thuyết trước Hoàng Ngọc Phách 11 năm (1914) .
 
Cuốn sách tiểu thuyết đầu tiên in tại Việt Nam là cuốn Hà Hương Phong Nguyệt Truyên (xin coi hình đính kèm). Nó được in từng đọan ít trang một ( roman feuilleton) trong  nhiều năm trời trong tờ báo ‘Causeries Sur L’Agriculture et sur le Commerce”  mà tên Việt Nam nghe lãng xẹt là Nông Cổ Mín Đàm. (Vừa uống trà vừa nói chuyện Buôn Bán và Canh Nông).
 
Cái tên “Hà Huơng Phong Nguyệt truyện” nó có hàm ý là truyện “trai gái” , tiếng Hán chữ ‘Phong Nguyệt” ( trăng gió) theo cách hiểu biết phổ thông là truyện “trai gái” tư tinh với nhau, yêu thương nhau.
 
Tôi chưa được đọc cuốn tiểu thuyết này bao giờ, hồi xưa ở Saigon cũng có một số người có. Cụ Vương Hồng Sển khoe cụ còn giữ một ấn bản rất đẹp nhưng xin coi thì cụ không cho coi. Khi Chính Quyên Cộng sản vào Nam thì họ bắt nạp tất cả sách vở in trong thời đại “Mỹ Nguỵ” để  đốt hết, nhiều gia đình có,  nhưng đem đi đốt trước ngay tại nhà để  tránh vạ, không dây với hủi.
 
Bây giờ không biết tại Saigon có còn cuốn này không ? Hơn nữa vì in theo kiểu Roman Feuilleton  trong suốt mấy năm trời nên phải giử cả chồng báo. .
 
Ngày xưa Học Giả/nhà Văn Bình Nguyên Lộc có nói là hồi ông còn trẻ ông có đọc rồi. Khi đọc xong bị thân phụ bắt gặp, bì đánh đòn, phạt nặng và cấm không được đọc nữa. Ông Bình Nguyên Lộc cho biết là đọc cũng chẳng “thấy gì” , không hiểu tại sao người ta lại gọi là văn chương đồi bại, truỵ lạc.
 
Học giả Bình Nguyên Lộc là thân phụ của BS Tô Dương Hiệp, Giám Đốc bệnh Viên Tâm Thần,  Biên Hoà,  trước 1975. Anh Hiệp nay đã qua đời rồi, anh học trên lớp tôi, lớp anh BS Trần Văn Tích hiên đang về hưu bên Đức. 
 
Tôi được biết thư viên Quốc Gia Pháp Francois Mitterrand tại Paris có toàn bô Nông Cổ Mín Đàm, nếu có anh chị nào muốn đọc – nhất là các anh chị bên Pháp -  thì có thể lại thư viện này coi.
 
Tôi không biết Thư Viện Đại Học Yale có bộ này không ? Hồi xưa có anh Học Giả Huỳnh Sanh Thông làm quản thủ Thư Viện Yale thì Đại Học này có mua được nhiều tài liệu quý giá về Văn Học Việt Nam, không biết anh Thông có dịp mua sách này không ?
 
Cái tin tức này có lẽ phải hỏi anh GS Huỳnh Chiểu Đẳng thì may ra mới biết được Yale University có bản này hay không ? .
 
Cách đây vào khoảng 20 năm, khi cháu Hoài trang làm residency về Internal medicine tại Yale, tôi có lên thăm cháu và có gặp giáo sư Jonathan Spence , một sử  gia  về Trung Hoa hàng đầu trên thế giới ( In Search of Modern China) trong thư viện. Jonathan Spence cho tôi biết ở Harvard có 1 bức tranh Tầu do người họa sĩ của Hoàng Đế Càn Long vẽ bữa tiệc phái đoàn Việt Nam của Nhà Tây Sơn đưa sang Bắc Kinh triều Cống và xin tạ lổi vua Càn Long vì  đã đánh nhau với quân Mãn Thanh .
 
Vì phái đoàn Tây Sơn khôn khéo nhận là Việt Nam thua nặng trong trận Đống Đa , nên vua Càn Long được giữ thể diện ; nhà vua  đặt tiệc yến  thết phái đoàn ngoại giao Việt Nam . Trong thư tạ lỗi, Nguyện Huệ cũng viết là đáng lẽ chính mình phải sang tận nơi tạ lỗi với Hoàng Đế Càn Long nhưng vì đang bị bệnh nặng , không đi được và phái người cháu ruột sang thay. (có tài liệu viết là 1 con  Nguyễn Huệ đi thay).
 
Các thư viên của Yale , Stanford hay Harvard Universities có nhiều tiền, họ sẵn sàng trả giá   rất cao để mua những tài liệu quý giá mà họ chưa có.
 
Bài viết này quá dài với khuôn khổ Đặc San Trường Petrus Ký kỷ niệm 90 năm thành lập trường và 30 năm thành lập hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký tại Bắc California.
 
Xin phép quý vị tạm chấm dứt và xin hẹn một dịp khác.
 
Bài này viết để biểu hiệu lòng kính trọng của tôi với nhà  Bác Học Trương Vĩnh Ký và lòng quý mến của tôi với bao nhiêu bạn hữu thân tinh , cựu học sinh của Trường.
 
(Xin coi hình chụp trang bìa của Hà Hương Phong Nguyệt Truyện sau đây.)
 
Nếu có nhiều sai lầm ấu trĩ , xin quý vị vui lòng bỏ qua
 
Nguyễn Thuợng Vũ

Related image