Tuesday, 20 March 2018

Tiếng Hát Trong Khu Vườn Hoang


Một lần nữa mùa Xuân lại trở về với đất trời. Tiếng hát của nàng xuân từ những khu rừng xa thẳm vang dần đến thành phố, nơi đã quá mệt mỏi với một mùa Đông dài. Hoa Thủy Tiên nở rộ ở lối vào của đường xe điện ngầm, những chiếc xe chở hàng cồng kềnh làm chật đường phố, trẻ con tụ tập từng nhóm như những cụm hoa nơi ngưỡng cửa, tiếng xe chạy, và những tiếng rao hàng một lần nữa lại vang lên khắp nơi.

Vâng, mùa xuân đã về, và thành phố trở nên thơ mộng hơn với những giàn hoa nhài thơm ngát, những tiếng chim hót trên cây táo già đang trổ lá non, những cây dương như vươn mình lên trong lớp vỏ trắng, những bông hoa súng trong hồ nước bắt đầu hé nở để khoe sắc thắm trong những buổi sáng mùa xuân trong lành, tươi mát.

Vào những buổi sáng chủ nhật, đoàn tàu đi ra ngoài thành phố chở theo đầy ắp người, “những kẻ hành hương đi tìm vùng đất hứa”, háo hức, vội vã chạy ra khỏi thành phố, để được nhìn thấy vẻ đẹp kỳ diệu của mùa xuân. Rồi khi chiều xuống, đoàn tàu đó lại mang về những người với tay xách nách mang, những bó hoa đủ màu và những giỏ trái cây đầy ắp. Đôi mắt của họ còn rạng ngời với sự quyến rũ của mùa xuân, và trong tai họ vẫn còn âm vang của những lời ca xuân thần thoại.

Khi nhìn thấy những dấu hiệu này, tôi biết rằng tôi cũng sẽ phải đi theo tiếng nhạc đó, bỏ lại sau lưng những náo động, ồn ào của thành phố, để tìm lại sự yên tĩnh trong màu xanh của cây lá mà tôi hằng yêu thích.

Khi con tàu chạy ra khỏi nhà ga, tôi hát thầm:

“Em cho anh mùa xuân, 
Đường hoa vào phố nhỏ, 
Nhạc chan hòa đây đó..." 
(thơ Kim Tuấn - Nhạc Nguyễn Hiền)

như lời từ giã thành phố để đi theo nhịp đập của con tim đến với mùa xuân.

Tôi đã được nghe kể về một nơi gần như bị lãng quên ở bờ biển phía Nam, nơi mà mùa xuân và tôi có thể sống rất riêng tư, không ai phiền nhiễu - một nơi vắng vẻ không nhà cửa, chỉ có chim chóc, hoa lá, cây rừng, và cỏ dại. Thỉnh thoảng mới có một vài nông dân làm việc rất âm thầm, lặng lẽ. Một nơi tràn ngập hơi thở dịu dàng trong cõi lung linh của ánh sáng và trầm lắng của âm thanh.

Thật đúng với những gì tôi đã nghe kể, vì khi con tàu dừng lại sân ga, chân tôi được bước lên những tấm thảm màu xanh êm ả, và khi con tàu rời sân ga, nó đã “nhẹ nhàng” mang theo những ồn ào của nó để trả lại sự tĩnh lặng cho vùng không gian kỳ diệu này.

Sau một mùa đông ở thành phố, giờ chợt “rớt” đột ngột vào sự yên lặng của vùng ngoại ô, khiến cho tôi có cảm giác như vừa lạc vào một nơi im lìm, ma quái, huyền ảo, chỉ nên ngắm nhìn chứ không nói năng hoặc gây ra tiếng động. Hình như có một vẻ đặc biệt nào đó về tất cả mọi thứ mà đôi mắt tôi có thể nhìn thấy, rừng cây trông giống như những đám mây màu xanh, những bông hoa bên đường, những căn nhà nông trại chìm khuất trong vườn cây ăn trái - tất cả giống như trong giấc mơ. Cảnh vật lặng yên như một bức tranh, và đều có màu xanh mượt mà của thiên nhiên. Không một lay động mạnh hay âm thanh ồn ào, ngoại trừ tiếng rì rào của gió xuân, làm rung nhẹ những chồi non đang vươn lên trên bầu trời yên tĩnh, thỉnh thoảng có vài tiếng chim, và tiếng suối róc rách giống như những lời hát dịu dàng, ru ngủ những dòng nước đang chảy vội.

Mặc dù, có những ngôi nhà thấp thoáng đó đây, rõ ràng là nơi có người ở, nhưng không thấy một bóng người, chỉ hoàn toàn là sự im lặng chìm trong màu xanh của cây cối. Tôi tự hỏi những người nông dân ẩn trốn ở đâu, tôi đã đi cả tiếng đồng hồ, qua những trang trại, những sân nhỏ, và những cánh đồng vắng, nhưng không hề nhìn thấy một người nào cả. Muốn hỏi thăm đường đi, nhìn quanh cũng chỉ thấy vài chú sóc nhút nhát, và khi gõ cửa những căn nhà của nông trại thì chúng cũng chỉ im lìm như hang thỏ.

Khi tôi bước đi trong sự tĩnh lặng mê hoặc đó, tôi đã đến trước một ngôi nhà có kiến trúc cổ xưa - loại kiến trúc của thời “thuộc địa" - gần như bị che kín bởi những giàn hoa trắng, được bao quanh bởi một khu vườn với những cây táo cổ thụ và thảm cỏ mùa xuân xanh biếc. Khu vườn tựa như khung cảnh của một nơi thờ phượng thần linh, được vẽ trong những bức tranh cổ của Hy Lạp, hoặc chỉ được diễn tả trong thơ văn huyền thoại, hay trong chuyện cổ tích.

Ngôi nhà cũ này có lẽ đã là nơi ở của một người thích yên tĩnh, cô độc. Tôi nhấc chiếc then gài cửa trắng lên, bước qua thảm cỏ đã từ lâu không có dấu chân, lên trên hiên nhà nơi có những bông hoa tử đằng - wisteria - rũ xuống. Qua cửa sổ, tôi thấy một cây đàn dương cầm cũ, chắc đã từ lâu không có ngón tay ai đặt lên phím đàn để tạo nên những âm thanh trầm bổng.

Ngoài ra, căn nhà trống rỗng, chẳng có gì khác. Khi đi vòng quanh phía sau, nơi những chuồng ngựa và nhà kho nghiêng tựa vào nhau như đang say ngủ. Tôi tìm thấy một cửa sổ bị hỏng, và trèo vào trong căn phòng trống trơn, tạo ra những âm thanh vang vọng lại. Ngôi nhà bị bỏ hoang. Rõ ràng là không có ai sống ở đó trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, hình như nó đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một người nào đó đến cư ngụ, và dường như nó đang chờ đợi. Những chiếc giường ngủ kiểu cổ có bốn cột, được đặt trong ba phòng ngủ, với màn cửa và khăn trải giường sạch sẽ. Những chiếc tủ bằng gỗ quý, khi mở ngăn kéo, tôi nhìn thấy những muỗng nĩa cũ bằng bạc, những bộ bát đĩa rất đẹp, khiến tôi liên tưởng đến bà của tôi, tuy da nhăn nheo nhưng vẫn còn nụ cười rất tươi và đôi mắt già tinh nghịch.

Tôi để ý thấy một căn phòng nhỏ hơn hẳn các căn phòng khác, một phòng ngủ nhỏ xíu và trắng xóa, ở bên ngoài cửa sổ có những đóa hoa hồng đang hé nở. Nhưng điều làm tôi chú ý hơn cả với một cảm giác lạ, đó là một kệ sách nhỏ, trong đó có khoảng hai mươi, hay ba mươi quyển sách, cùng một biểu hiện của sự bị lãng quên, không dùng tới - bị lãng quên nhưng vẫn có vẻ được chăm sóc - đó là một nét quyến rũ đặc biệt của tất cả mọi thứ trong ngôi nhà cổ này. Vâng, tất cả mọi thứ dường như đã bị lãng quên, tuy vẫn còn đó, để gợi trí tò mò hay tưởng nhớ. Tôi lấy từng cuốn sách, thỉnh thoảng có những cánh hoa rơi ra từ các trang sách - và tôi chợt nhìn thấy những hàng chữ viết tay với nét bút dịu dàng, đôi khi có những vệt đánh dấu trên trang sách. Rõ ràng đây là một thư viện nhỏ bé, thân yêu của một cô gái trẻ. Điều gây ngạc nhiên cho tôi nhất, khi thấy rằng một nửa số sách là của các nhà thơ tình cảm người Pháp. Trong đó có một ấn bản quý hiếm của Ronsard, một ấn bản đẹp của Alfred de Musset, và quyển Mademoiselle de Maupin của Théophile Gautier. Tại sao những cuốn sách quý giá này lại để ở đây, trong ngôi nhà của một nông trại hoang vắng như thế này?

Câu hỏi này sẽ được trả lời một cách kỳ bí ở phần sau. Ngay bây giờ, tôi đã cảm thấy yêu thích nơi yên tĩnh, cũ kỹ này. Tôi khép chiếc cổng màu trắng, tiếp tục đi tìm một ai đó để tìm hiểu xem ngôi nhà hoang này có thể được thuê trong mùa hè với giá tiền mà một người có lợi tức khiêm tốn như tôi có thể chịu được.

Tôi được giới thiệu đến một ngôi nhà ở trang trại cũ kỹ, thấp thoáng sau những hàng cây cách đó một phần tư dặm. Ở đó tôi đã gặp đôi vợ chồng già. Ông chồng, một người nông dân điển hình, gầy, cằm đầy râu, với đôi mắt màu xám sáng lấp lánh, tiềm ẩn một sự khôi hài khôn khéo. Bà vợ,  với khuôn mặt hiền hậu, hồng hào như quả táo chín. Họ rõ ràng là những người khá giả, nhưng không hiểu họ nghĩ gì - vì một lý do nào đó mà lúc bấy giờ tôi không thể đoán ra được - có vẻ như họ không muốn cho thuê ngôi nhà kia và nêu nhiều lý do khó khăn cho một hợp đồng thuê mướn.

Họ lập đi lập lại nhiều lần về sự yên tĩnh, buồn chán của nơi này. Họ sợ rằng tôi sẽ cảm thấy rất cô đơn. Rằng không ai có thể ở đó trong một thời gian dài...Sau này tôi hiểu được sự do dự của họ, nhưng trong lúc đó tôi chỉ xem nó như là một phần của cách trả giá ở địa phương này mà thôi. Sau cùng thì cũng xong, giá tiền thuê nhà đã vượt qua được sự không có ý muốn cho thuê nhà của họ, bất kể những nguyên nhân thầm kín nào đó. Và vì vậy tôi đã được thuê để ở - trong bốn tháng - ngôi nhà im lặng, với những hàng giậu đầy hoa trắng, với nhà kho và chuồng ngựa như đang tựa vào nhau ngái ngủ, với cây đàn dương cầm cũ kỹ, và khu vườn kỳ lạ đó. Rồi khi mùa hè đến, từ tháng 5 đến tháng 6, tôi thường nằm dưới gốc cây táo vào buổi trưa, mơ màng đọc những cuốn sách cũ trong kệ sách, và qua mí mắt hé mở, ngắm nhìn ánh sáng lung linh trong âm thanh trầm lắng của cảnh vật.

Tôi đã sống trong căn nhà cũ đó được khoảng một tháng. Vào một buổi chiều, một chuyện lạ xảy ra với tôi. Tôi nhớ rất rõ, đó là chiều thứ Ba ngày 13 tháng Sáu. Tôi đang đọc sách, hay đúng ra là đang thả hồn trong cuốn Anatomy of Melancholy của Burton. Tôi nhớ rằng khi đang đọc thì một quả táo còn xanh, với một vài cánh hoa vẫn còn bám vào cuống, rơi xuống trên trang sách cũ ố vàng. Tôi cho rằng tôi đang ngủ mơ, mặc dù đôi mắt và hai tai của tôi rộng mở, vì đột nhiên tôi nghe ra một giọng hát nhẹ nhàng của một thiếu nữ trẻ, vọng ra từ một nơi nào đó giữa những cành lá um tùm. Tiếng hát rất yếu đuối, gần như không thể nhận thấy, như thể nó đến từ không khí. Thoáng đến, thoáng đi, như mùi hương ngọt ngào của hoa Tường Vi - tưởng như một cô gái đang đi qua đi lại, mơ màng ngân nga trong một buổi chiều im vắng. Tuy nhiên, tôi vẫn không thấy một bóng người nào cả. Khu vườn chưa bao giờ có vẻ cô đơn hơn lúc này. Và một sự kiện khác khiến tôi cảm thấy kỳ lạ là những lời hát vọng đến tôi từ trên không lại là tiếng Pháp, nửa buồn, nửa vui, của một ca sĩ người Pháp đã qua đời. Tôi đã cố tìm kiếm xem những âm thanh ngọt ngào đó phát xuất từ đâu, nhưng vẫn hoài công vô ích. Có phải đó là những con chim đang hát bằng tiếng Pháp trong khu vườn hoang này? Lúc này giọng hát dường như đến gần tôi hơn, nghe như là tiếng hát của một thiên thần vọng ra từ thân cây mà tôi đang tựa vào. Và lần này thì tôi nghe rõ những lời hát buồn:

Chante, rossignol, chante,
Toi qui as le cœur gai;
Tu as le cœur à rire,
Moi, je l'ai-t-à pleurer.
Hát đi, con chim Họa Mi, hát lên đi,
Mi có trái tim vui vẻ,
Mi có trái tim để cười,
Còn ta, ta chỉ có trái tim để thổn thức.

Tuy tôi có cảm giác là giọng hát ở ngay bên bờ vai, nhưng không nhìn thấy ai cả, rồi giọng hát dừng lại với âm thanh nghe như tiếng nức nở; và một lúc sau tôi lại nghe thấy tiếng khóc như vọng lại từ phía xa, khoảng giữa khu vườn. Sau đó là một sự im lặng, để lại cho tôi những suy ngẫm về hiện tượng kỳ lạ này. Đương nhiên, tôi cho rằng đó chỉ là một giấc mộng giữa ban ngày, trong khi nửa mơ nửa tỉnh trên những trang sách cũ. Nhưng ngày hôm sau, và ngày sau nữa, người ca sĩ vô hình ấy vẫn tiếp tục cất tiếng hát trong vườn, và tôi không hài lòng với sự kiện không thể giải thích như vậy.

A la claire fontaine,Nơi bồn nước trong,

khi tiếng hát vọng lại qua hàng cây lá rậm rạp của khu vườn.

M'en allant promener,
J'ai trouvé l'eau si belle
Que je m'y suis baigné,
Lui y a longtemps que je t'aime,
Jamais je ne t'oublierai.
Trong khi dạo chơi,
Em đã thấy một bồn nước đẹp,
Em đã ngâm mình trong đó,
Em đã yêu anh từ lâu lắm,
Và em không bao giờ quên anh.

Thật là kỳ lạ khi nghe thấy giọng hát đó cứ văng vẳng trong khu vườn, từ một nơi nào đó giữa những nhánh cây lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời - nhưng không nhìn thấy một bóng người - chung quanh đây, trong vòng nửa dặm, cũng không có một ngôi nhà nào khác. Một người với ý nghĩ thực tế nhất chắc cũng phải đi đến kết luận là “dẫu mơ ước cũng không thể có một lý luận nào để giải thích cho sự kiện như thế này." Đối với tôi, điều duy nhất tôi nghĩ, là linh hồn của một cô gái trẻ đẹp đã vương vấn ở khu vườn này, với những nỗi đau buồn khiến cô ta không thể yên nghỉ dưới đáy mồ.

Ngày hôm sau tôi đã có một xác nhận về dự đoán của mình. Khi một lần nữa tôi nằm dưới gốc cây táo yêu thích của tôi, vừa đọc sách vừa lắng nghe, và rồi tôi như chìm vào trong một giấc mộng được ru bằng tiếng côn trùng, và hương vị bốc lên từ mặt đất dưới hơi nóng của mặt trời. Khi tôi cúi xuống trang sách, tôi đột nhiên có cảm giác kỳ lạ như có ai đó đang ghé qua vai tôi để cùng đọc, và mái tóc của cô gái đang rơi xuống phủ lên trên trang sách. Đó là quyển thơ của Ronsard tôi đã tìm thấy trong phòng ngủ nhỏ. Tôi quay lại, nhưng một lần nữa, không thấy gì cả. Tuy nhiên, lần này tôi biết rằng tôi đã không ngủ mơ, và lên tiếng:

"Này cô gái, hãy nói cho tôi biết về nỗi đau khổ của cô - để tôi có thể giúp trái tim buồn phiền của cô được an nghỉ."

Lẽ dĩ nhiên là không có câu trả lời; nhưng đêm đó tôi mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Tôi thấy mình đang ở trong vườn vào buổi chiều, và một lần nữa, nghe thấy tiếng hát lạ lùng kia - nhưng lần này, khi tôi nhìn lên, người ca sĩ không còn vô hình nữa. Đi về phía tôi là một cô gái trẻ với đôi mắt nâu u uẩn, đầy nước mắt, và mái tóc dài xõa xuống ngang lưng. Cô mặc một chiếc áo choàng trắng, có thể đó là một tấm vải liệm hay một chiếc áo cưới? Cô ấy dường như không nhìn thấy tôi, mặc dù cô ta đi thẳng đến chỗ gốc cây nơi tôi đang ngồi. Đến dưới gốc cây, cô quỳ xuống, úp mặt xuống đất khóc nức nở như thể trái tim cô đang tan vỡ. Mái tóc dài của cô rũ xuống như chiếc áo choàng, và trong giấc mơ, tôi vuốt nhẹ nó một cách thương hại và lẩm bẩm những lời an ủi cho một nỗi buồn nào đó mà tôi không hiểu... Tôi bỗng giật mình thức dậy, bàng hoàng với những hình ảnh đã hiện ra trong giấc mơ. Ánh trăng sáng rực rỡ, chan hòa trong phòng. Đứng dậy từ giường, tôi nhìn ra vườn, trăng rằm sáng như ban ngày. Tôi có thể nhìn thấy cây táo ở trong giấc mộng, và một ý nghĩ bất chợt đến với tôi. Sau khi thay quần áo, tôi vào một trong những nhà kho cũ của nông trại và tìm thấy một cái xẻng. Tôi đi đến chỗ gốc cây nơi tôi đã nhìn thấy cô gái khóc trong giấc mơ, và đào xuống chỗ cô gái đã gục mặt xuống khóc.

Khi đào được khoảng hơn một gang tay thì đụng vào một vật gì rất cứng, và trong một vài khoảnh khắc tôi đã moi lên được một cái hộp nhỏ, với hình dạng, cho thấy đây là một chiếc hộp giống như loại hộp mà bà của tôi vẫn dùng để đựng kim chỉ, và vật dụng may vá. Sau khi lấp đất lại chiếc hố mà tôi đã đào, tôi mang chiếc hộp vào trong nhà, và dưới ánh đèn đã mở ra xem có những gì trong đó.

Ngay lập tức, tôi hiểu tại sao linh hồn của cô gái đau khổ đó cứ đến khu vườn để đi qua đi lại và hát những bài hát tiếng Pháp - vì trong kho báu mà tôi vừa tìm thấy dưới gốc cây táo, báu vật của một linh hồn đau khổ khôn nguôi, là những bức thư tình viết bằng tiếng Pháp với nét chữ rất đẹp, trong khoảng thời gian năm hay sáu năm về trước. Có lẽ tôi không nên đọc chúng - nhưng tôi đã đọc chúng với sự kính trọng đối với tình yêu mãnh liệt đã khiến họ vui vẻ, hạnh phúc và thực sự đã làm cho những lá thư như có "mùi vị ngọt ngào và nở hoa trong lòng đất", tôi cảm thấy mình đã được sự tin cẩn của người đã khuất, là người bạn trung thành, đáng tin cậy với câu chuyện tình của họ. Trong số những lá thư đó có những bài hát ngắn, trong đó có hai bài tôi đã được nghe qua tiếng hát dịu dàng trong vườn, và dĩ nhiên, có rất nhiều cánh hoa héo gợi nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc đã qua của đôi tình nhân trẻ.

oOo

Không phải chỉ với những sự kiện đêm đó khiến tôi có thể giải thích được tất cả câu chuyện, mặc dù không khó để hiểu được thảm cảnh gì đã xảy ra. Từ những lời truyền miệng của những người trong khu phố, cùng với một tấm bia mộ trong khu nghĩa trang sau nhà thờ đã cho tôi biết những phần còn lại. Linh hồn của cô gái trẻ vẫn hát trong vườn là con gái của ông bà chủ nông trại. Cô là đứa con duy nhất của họ, một cô gái xinh đẹp, nhưng tính tình khác lạ không giống những người chung quanh, cô sống vui vẻ nhưng ít giao thiệp với người khác. Khi còn bé, cô là một đứa trẻ rất kỳ diệu, và khi lớn lên, cha mẹ cô cho rằng cô đã đến từ một thế giới khác hơn là của họ. Đối với họ, cô con gái giống như là một nhân vật trong một câu chuyện cổ tích, kỳ lạ đầy bí ẩn.

Chẳng bao lâu cô đã phát triển nhu cầu tinh thần khác thường. Từ những ngày dài lang thang trong rừng, cô trở về nhà với những bông hoa lạ lùng. Sau đó cô muốn mua sách, hình ảnh và âm nhạc, những thứ mà hầu hết những đứa trẻ nghèo khó khác chưa bao giờ biết đến. Sau cùng cô đã chọn con đường của mình, đi học tại một trường đại học về thời trang, và tình yêu lãng mạn ngắn ngủi của cuộc đời cô bắt đầu. Ở trường học, cô đã gặp một thanh niên người Pháp lãng mạn, người đã đọc Ronsard cho cô và viết những bức thư với nét bút bay bướm như tôi đã tìm thấy trong chiếc hộp chôn dưới gốc cây táo. Một thời gian sau, người thanh niên ấy đã trở lại Pháp, và rồi những bức thư đã không còn đến nữa. Tháng ngày lặng lẽ trôi qua, rồi trong một ngày dài, khi cô ngồi bên cửa sổ, nhìn ra con đường chan hòa ánh nắng trước mặt, cô đã nhận được một bức điện tín. Người yêu của cô đã qua đời. Tấm bia đá nơi nghĩa trang ở nhà thờ của dân làng cho biết phần còn lại. Cô gái ấy đã chết khi còn quá trẻ - chỉ mười chín tuổi. Và những người qua đời lúc mái tóc vẫn còn xanh, mang theo tất cả những hy vọng và ước mơ chưa thành tựu, như những chồi non vừa chớm nở trong tim, có lẽ linh hồn họ đã còn vương vấn chút bụi trần, chứ không thảnh thơi yên nghỉ trong mộ phần, như những người đã trải qua một cuộc đời dài, an lòng khi nhắm mắt, xuôi tay.

oOo

Ngày hôm sau, tôi đem cái hộp nhỏ đựng những lá thư tình đến một góc vườn yên tĩnh, và tìm những cành táo khô để làm một giàn thiêu - vì tôi nghĩ rằng đó là ước muốn của linh hồn cô gái trẻ đó - để rồi những từ ngữ đẹp và những nét chữ hoa mỹ trong những lá thư đó sẽ biến thành khói, tan vào hư vô, về xum họp với linh hồn của đôi tình nhân trẻ bên kia thế giới.

Rồi từ đó, những tiếng hát buồn bã, đau khổ không còn vang lên trong khu vườn hoang già nua, cằn cỗi. Phải chăng cô gái trẻ, cuối cùng, rồi cũng đã được an giấc nghìn thu?
Duy Thanh

Phóng tác theo truyện ngắn: The Haunted Orchard của Richard Le Gallienne (January 1912)


Chú thích:
Pierre de Ronsard (11 September 1524 – 27 December 1585)
Nhà thơ trữ tình của Pháp, trong lúc sinh thời, ông được gọi là “Hoàng Tử của những nhà thơ - prince of poets".
https://en.wikipedia.org/wiki/Pierre_de_Ronsard