Tuesday 20 March 2018

TƯỞNG NIỆM CỐ TT: TRẦN VĂN HƯƠNG Một Nhân Sĩ Suốt Đời Giữ Tiết Tháo

Trong phạm vi bài này, xin mạn phép kể lại những ngày sau cùng của một chính khách thanh liêm, cương trực, suốt đời giữ được tiết tháo và lòng yêu nước: 


Ngày 29/04/1975 Đại sứ Hoa Kỳ ông Martin đến Tư dinh đường Công Lý với một tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp.



Đại Sứ Martin nói:



Thưa Tổng thống tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhân danh chánh phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Ngài rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng thống muốn. Chánh phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng thống cho đến ngày Tổng thống “Trăm tuổi già”



Cố Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời bằng tiếng Pháp:



Thưa ngài Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông Đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng sản vào được Saigon, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông đại sứ đã đến viếng tôi.



Khi nghe câu “Les États-Unis ont aussi leur part de responsabilités (Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó), Đại Sứ Martin giật mình nhìn trân trân cụ Trần Văn Hương.




Vào năm 1978, khi Việt cộng trả lại “Quyền công dân” cho ông Dương Văn Minh, các anh em đang “Học tập cải tạo” đều bị bắt buộc đi xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu “Tổng thống” Dương Văn Minh đang “Hồ hởi phấn khởi” đi bầu quốc hội “Đảng cử dân bầu” của Cộng sản.



Có một sự kiện làm mọi người phải chảy nước mắt mỗi khi nhớ đến, lòng thêm kính mến và cảm phục cụ:

Trước khi chánh quyền Cộng sản tổ chức bầu cử quốc hội đầu tiên, cụ Hương được họ thông báo sẽ có một buổi lễ để chính phủ trả quyền công dân cho cụ.



Sau đó tại buổi lễ được quay phim tuyên truyền, khi một cán bộ thay mặt chính quyền đọc văn bản về đường lối của Cộng sản:



“Chánh sách khoan hồng, rộng lượng” của nhà nước đối với những “Thành phần” như cụ.



Nhưng cụ đã dõng dạc phát biểu:



“Tôi xin phép từ chối. Tôi không nhận cái quyền công dân này. Dù gì tôi cũng là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi mà giờ đây họ vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo, chưa được trả quyền công dân. Tôi sẽ là người sau cùng nhận cái quyền công dân này, sau khi binh sĩ và nhân viên của chúng tôi đã được nhận”



Ðại diện của chánh quyền Cộng sản, không ngờ sự thể xảy ra như vậy.

Quá tức giận, họ ra lịnh cúp máy thu thanh, thu hình. Vài ngày sau cụ nhận được lịnh quản thúc tại gia 03 năm. Cụ Hương nói với người nhà.



“Bọn nó cũng chẳng cần phải quản thúc tao. Tao già và đau yếu như vầy, có khi nào bước chân ra khỏi nhà đâu mà cần phải quản thúc”



Dưới đây là 01 mẫu chuyện được nhắc lại như một giai thoại.

_______

Hồi 04/1954 khi có sự vụ lịnh của Thủ tướng Ngô Ðình Diệm bổ nhiệm cụ Hương làm Đô trưởng Saigon - Chợ Lớn - Gia Định.



Cụ đi làm việc hàng ngày bằng chiếc xe đạp Alcyon. Khi vào Tòa Đô Chánh nhận việc, người lính gác cổng chặn lại, không cho cụ vào.



Cụ phải nói thật:

"Tôi là Ðô Trưởng" họ cũng không tin.

Cụ phải trình sự vụ lịnh vừa mới được bổ nhiệm. Người lính mới hoảng hồn, chắp 02 tay lạy cụ nhưng cụ từ tốn, an ủi mấy câu, rồi dẫn xe đạp vào làm việc.



Sau cùng trong hoàn cảnh cơ cực của thời đất nước bị đô hộ bởi miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, các Đại sứ của các nước Pháp, Úc cho người đến thăm cụ và cho biết họ có thể can thiệp với Cộng sản cho cụ ra khỏi nước với lý do đi trị bệnh.

Nhưng cụ tiếp tục từ chối, cương quyết ở lại chia sẻ cùng dân quân miền Nam sự tủi nhục và nghèo đói dưới gông cùm Cộng sản. Cuộc sống rất thiếu thốn, cụ phải sai người nhà đem mấy bộ đồ veste còn tốt của cụ ra chợ trời bán. Ðể an ủi người nhà bớt đau lòng, cụ Hương bình thản giải thích:



Từ đây cũng đâu có dịp nào mặc nó nữa, đem bán đi chớ để làm chi! Thuốc men cụ dùng hàng ngày là do bà Trần Văn Văn và bạn bè ở Pháp gửi về tặng cụ. Những thứ thuốc nào không cần dùng, cụ đưa cho người em rể cụ đem ra chợ trời bán, lấy tiền chia đều cho gia đình con cháu đong gạo.



Gia đình cụ Hương đã chịu chung số phận đau khổ và bi đát tột cùng từ tinh thần đến vật chất khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản.



Khi cụ qua đời, đám tang được tổ chức tại nhà trong hẻm 210 đường Phan Thanh Giản, bên cạnh trường Marie Curie. Có một sự kiện thú vị cũng cần nên kể ra nơi đây là anh con trai trưởng của cụ là Trần Văn Giỏi đi ra phường để xin phép mua một cái hòm quốc doanh, nhưng bị người tài xế trung thành của cụ chận ngang và anh này chạy vào Chợ Lớn mua một cổ quan tài gỗ với giá 10.000 Ðồng (tiền Việt cộng bấy giờ).

Ông Ba Tàu chủ trại hòm, nghe nói là mua cho Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa nên bớt xuống còn 5.000 đồng.

Một trong những ước nguyện của cụ là khi chết được chôn ở Nghĩa Trang Quân Ðội với lễ nghi quân cách của một Binh nhì, nhưng việc nầy cũng không thành.

Tuy nhiên một an ủi cho cụ là được hỏa táng tại Lò thiêu Thủ Ðức, trước sự hiện diện đông đủ của học trò, cùng hầu hết thân hào, nhân sĩ miền Nam không quản ngại mạng lưới công an chằng chịt chung quanh lò thiêu.
Image result for Trần Văn Hương



Cụ mất hồi 04 giờ chiều ngày: 27/01/1982, tức ngày mùng 03 Tết năm Nhâm Tuất, thọ 81 tuổi.



Cụ Trần Văn Hương không hề nhận quyền công dân của Cộng sản, và cho đến khi qua đời vào năm 1982, thì cụ vẫn còn là công dân của Việt Nam Cộng Hòa.



Xin nói thêm:

Dưới đây là bài diễn văn của cố Tổng thống Trần Văn Hương đọc trước Quốc Hội Lưỡng Viện VNCH vào ngày: 26/04/1975.



(Xin trích 01 phần)



Thưa quý vị:

Tôi xin hứa với anh em, tất cả ở trong Quân đội, là ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà Đất nước không còn. Thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em chiến sĩ. Đó là cái nguyện vọng tha thiết của tôi, suốt cả đời.