Wednesday, 4 April 2018

BẠN , BÈ và BẠN…..ĐỜI - Trần Trung Chính

“Bạn “ còn được gọi dưới một danh từ khác, đó là “bằng hữu”. Có nghĩa là những người bạn là những người đồng trang lứa với mình.

“Bè” là sự kết nối những con người không cùng trang lứa. Tập họp của Bè có thể là bao gồm những người cùng chung một sở thích, cùng chung một nhiệm vụ trong xã hội…Sự sai biệt về tuổi tác có thể biến thiên từ nhỏ đến lớn.

Trong văn học Việt Nam và văn học trên cả thế giới, những người viết văn đã mô tả , kể lể, tường thuật…về tình bạn. Nhưng sau khi bị “Phỏng Giái” (đảo ngược của cặp chữ Giải Phóng , thời điểm sau 30 /4/1975), những người viết văn VN mới viết nhiều hơn về người “bạn tù” (bạn đồng tù thì đúng hơn)  .


Một người bạn gái của người viết đậu dược sĩ từ VN trước 1975, lấy chồng là một bác sĩ. Cả gia đình di tản sang Hoa Kỳ vào những ngày cuối tháng 4/75, gia đình có 2 con : một sinh tại VN, một sinh tại Hoa Kỳ. Sau hơn 25 năm sống chung, khi 2 con đã tốt nghiệp Đại Học, thì ông chồng đơn phương nạp đơn xin ly dị (mà không lỗi  về ai cả). Ông chồng bác sĩ không về VN cưới vợ trẻ mà lập gia đình (làn thứ hai) với một người đàn bà khác, nhan sắc thì không bằng cô dược sĩ, địa vị trong xã hội thấp kém hơn và nhất là “nghèo” hơn. Tuy vậy cặp vợ chồng này lại trông rất là có hạnh phúc và vui vẻ.

  dược sĩ lấy làm thắc mắc đem chuyện hỏi người viết. Xin tóm lược vài điều mà người viết trả lời cô dược sĩ trong tính cách “bằng hữu” như sau :

1/ Người viết xin cô dược sĩ từ bỏ ý nghĩ “tự cao – tự đại” như là : một người đàn bà xấu hơn mình, địa vị thấp kém hơn mình và nghèo hơn mình thì không có quyền được hưởng hạnh phúc như mình đã có.

2/Người đàn ông khi lấy vợ là tìm một người “bạn đời” chứ họ không muốn và không thích “vợ” là boss của mình !! Cô dược sĩ của tôi là boss của ông chồng chứ không phải là bạn đời , cho nên ông chồng xin ly dị rồi lấy một người khác sống rất hạnh phúc vì ông đã tìm được “bạn đời”.

3/Những người tài giỏi thành công trên nhiều phương diện lại không có nhu cầu cần sống chung nhờ vả đối tác của mình. Công thức 1 + 1 = 2 không hữu hiệu trong đời sống hôn nhân và gia đình, theo ý kiến riêng của người viết, công thức 1/2 + ½ = 1 hữu hiệu hơn vì về mặt hình thức, ít ra người này cấn có  nhu cầu sống chung với người kia.

Cái khó khăn của công thức này là 2 cái một nửa có matching được với nhau không ? (Matching giống như một đôi giày phải cùng một size và một chiếc giày phiá trái matching với một chiếc giày bên phải . Có vậy mới được gọi là đôi giày) . Năm 1974, một nhà xã hội học của Pháp đề nghị công thức : “phân nửa số tuổi của người chồng + 7 = số tuổi của người vợ”, thí dụ cậu con trai 20 tuổi nên lấy vợ được 17 tuổi, nếu người đàn ông 30 tuổi thì lấy vợ cỡ 22 tuổi là vừa vặn. Nếu người đàn ông 50 tuổi thì nên lấy vợ cỡ 32 tuổi, và nếu ông già 80 tuổi thì tái hôn với một bà cỡ 47 hay 50 tuổi thì quá là OK.

Nhưng ông Heffner (chủ nhân tạp chí và công ty Playboys) đã phá vỡ công thức này khi ông 87 tuổi cưới cô vợ thứ 5th mới có 22 tuổi. Để chúc mừng đôi trai tài gái sắc này, xướng ngôn viên Nguyễn Hữu Công trên chương trình phát thanh Little Sài Gòn vùng Nam Cali đã xin phép các thính giả nghe đài cho ông sửa lời ca của bản nhạc “ 60 năm cuộc đời” do cố nhạc sĩ Y Vân sáng tác từ những năm đầu của thập niên 1960 như sau :

….năm anh 20 , bà nội em mới sinh ra đời……...
….ngày anh 40, má em mới sinh ra đời…..
….ngày anh 60, em mới vừa ăn thôi nôi…

Cũng may là ông Heffner không nghe không hiểu tiếng Việt chứ không thì ông sẽ kiện anh Nguyễn Hữu Công “tới bến” về cái tội “xâm phạm đời tư” cá nhân của ông, làm ông “mắc cở” không dám đi ra ngoài vì sợ bọn con nít Việt Nam hát “nhạc chế” để ghẹo ông vòi tiền ăn bánh kẹo.

Tháng 6/1978, tôi và một vài người bạn vượt biên ngả Khe Sanh – Lao Bảo, dự tính vượt biên giới Lào – Việt qua Savanakhet, rồi vượt sông Mekong để qua Thái Lan. Chúng tôi bị bắt ngay tại bến xe Khe Sanh vì mình không giống với người địa phương, da mặt trắng trẻo, hồng hào có da có thịt, quần áo lành lặn tươm tất, chân đi giầy và đầu đội mũ trong khi dân địa phương không có cái gì cả (không phải họ trần truồng, nhưng quần áo của họ thì rách rưới, chân đi đất, chỉ có vài người mang dép chứ tuyệt nhiên không có ai mang giầy ). Một tuần sau chúng tôi bị chuyển về Trung Tâm Thẩm Vấn của Ty Công An Thừa Thiên một thời gian ngắn, rồi bị chuyển lên nhà lao Thừa Phủ.

Tháng 8/1978, cả nhóm vượt viên bị chuyển từ nhà lao Thừa Phủ lên Trại Cải Tạo Bình Điền để lao động (khổ sai). Tại đây, tôi gặp rất nhiều sĩ quan cấp úy người miền Nam trong Sư Đoàn TQLC và một số Liên Đoàn BĐQ, tất cả đều bị bắt làm tù binh từ tháng 3/1975 (trước khi Dương Văn Minh đầu hàng) nên họ muốn biết tình hình sinh hoạt tại Sài Gòn. Lúc đó Trại Bình Điền chỉ có 2 phân trại 1 và 2, tù nhân phải đi xây dựng lán trại cho phân trại 3, 4 và 5.

Tôi nói với Thiếu Úy TQLC Nguyễn Mạnh Tường của TĐ 4 TQLC và Thiếu Úy Nguyễn Văn Thịnh của Liên Đoàn 15 BĐQ là tôi “đánh hơi” sẽ có cuộc tàn sát tập thể tại trại tù Bình Điền này, qua một số dấu hiệu khả nghi như sau :

1 )Các tù nhân chỉ xây dựng lán trại chớ không được đào hào chiến đấu cho vệ binh. Tất cả các hào chiến đấu của vệ binh không phải là hào kiểu chữ A hay kiểu chữ L, mà là kiểu hào có “cù lao ở giữa” để đặt súng liên thanh và súng cộng đồng cỡ lớn.

2) Tất cả những hào chiến đấu đều trên cao điểm và ngó vào các trại tù.

3) Từ Sài Gòn ra Huế nên tôi biết việc chiến tranh với Trung Cộng là điều tất yếu sẽ xảy ra, Việt Cộng chuyển quân trang quân dụng cũng như vũ khí nặng bằng đường xe lửa xuyên việt.

4) Người Hoa được khuyến cáo nên rời khỏi VN càng sớm càng tốt (chính tôi nghe đài Bắc Kinh nói tiếng Việt kêu gọi ngày đêm).

6) Quân đội Trung Cộng không có tàu đổ bọ và Hải Quân rất yếu kém nên luận điệu của Ban Giám Thị nói là đào hào để chống quân xâm lược Trung Quốc là điều láo lếu. Quân Trung Cộng chỉ có bộ binh và pháo binh, cho nên khi chọc thủng 2 phòng tuyến Cao Bằng  - Lạng Sơn và phòng tuyến Hà Giang – Lai Châu rồi tiến gần vào Hà Nội thì bọn VC sẽ tàn sát bọn tù như bọn mình.

Tôi và anh Khiêm (dân Tây Ninh của sư đoàn 25 Bộ Binh) sẽ trốn trại , Thiếu Úy Nguyễn Trọng Tường thắc mắc là chúng tôi không biết đường, không chuẩn bị lương thực và nước uống thì làm sao về tới Sài Gòn được. Tôi giải thích cho ông bạn của tôi là điểm chính của cuộc vượt trại này là sẽ bị bắn chết để cả 2 chúng tôi sẽ được chôn cất riêng trên đồi, chứ không nằm trong hố chôn tập thể trong trại. có gì đi nữa thì mai sau người nhà từ trong Nam ra dễ kiếm thân xác được chôn riêng hơn là tìm trong hố chôn tập thể. Thiếu Úy Tường đồng ý với lối lập luận này.

 Vài ngày sau, chúng tôi lên đường, nhưng bị bắt ngay trong 2 giờ loanh quanh trong rừng. Tôi bị bắn trúng xớt lưng , viên đạn AK -47 xém chừng 2- 3 milimét là chạm tủy sống. Cả 2 chúng tôi bị nhốt cùm 2 chân trong nhà nghiêm giam, 2 tuần sau khi tôi bị bắt, Thiếu Úy Tường bị đưa vào nhà nghiêm giam với cái mặt sưng vếu vì cái tội rải truyền đơn viết tay “Đả Đảo Cộng Sản”.

Anh bạn Tường thổ lộ tâm sự là muốn làm chuyện động trời này để bị VC “xử tử” về tội “phản động chống phá Cách Mạng”, nghĩa là cũng muốn được chôn riêng trên đồi chứ không muốn chôn chung trong hố chôn tập thể.

Thời gian bị cùm khá lâu nên tôi được Tường kể cho nghe về tiểu sử của Tường trong Tiểu Đoàn 4 TQLC như sau :

Năm 1967, khi chưa có kết quả kỳ thi Tú Tài 1, Tường rời nhà dòng bỏ tu về nhà vì thân sinh qua đời, bà mẹ đang bị bệnh phải nằm nhà thương Saint Paul Sài Gòn, Tường đút lót để làm lính kiểng của quân cụ ở trại  Phan Thanh Giản đầu đường Trần Quốc Toản, gần ngã sáu Hiền Vương -  Lê Văn Duyệt. Vì là chủng sinh học trong trường đào tạo tu sĩ nên sinh ngữ rất khá, Tường apply đi làm Sở Mỹ ở căn cứ Long Bình. Vào bệnh viện Saint Paul thăm mẹ, Tường gặp nữ bác sĩ T. săn sóc cho bà cụ. Tường đã mượn lon Thiếu Úy của chef trong đơn vị để lấy le với bác sĩ T. Cô bác sĩ tin ngay vì “Thiếu Úy “ Tường có lambretta đời mới chở cô đi ăn kem và khiêu vũ tại vũ trường vào những ngày cô rảnh rỗi. 

Năm 1971, tất cả lục quân Hoa Kỳ rút về nước nên Tường bị Lay-off, Tường trở về làm anh lính gác cổng của trại Phan Thanh Giản  Một hôm khoảng 2 giờ chiều cô bác sĩ lái xe Mini Cooper của hãng Austin – England đi trên đường Trần Quốc Tỏan để tới bệnh viện Saint Paul làm việc. Vô tình cô bác sĩ ngó vào cổng trại thì thấy “Thiếu Úy” Tường (lúc này là binh nhì nên không có lon Thiiếu Úy trên cổ áo) đang kéo con ngựa có bánh xe để cho xe  ra vào cổng trại. Đi lố một chút, nhưng cô lui xe lại rồi quẹo vào cổng trại, thắng xe ngay trước hàng rào, mở cửa xe bước xuống rồi tát cho Tường một cái tát nẩy lửa. Xong cô bác sĩ leo lên xe lui lại rồi bẻ tay lái vọt khỏi cổng.

Ông Trung Úy chef ca trực thấy hết từ đầu đến cuối, ông chạy ra hỏi han với giọng thông cảm : ” Bà giáng rồi hả?”. Tường nói mình cảm thấy quá nhục nhã, nên ngay tối hôm ấy làm đơn xin đi học khóa 4/71 Thủ Đức. Sĩ quan trưởng trại Phan Thanh Giản còn cẩn thận hỏi lại :”cậu có biết là sau khi tốt nghiệp Thủ Đức , cậu không có quyền ưu tiên chọn về Quân Cụ không ?” . Tường trả lời “Dạ biết”

Sau 12 tuần huấn nhục, Tường được gắn alpha, và được đi phép đầu tiên. Cùng hàng trăm SVSQ bước xuống xe buýt quân đội đậu trước khu vực nhà sách Khai Trí, Tường bắt gặp cô bác sĩ đang đứng trước nhà sách ngó mình chăm chăm vừa ngạc nhiên như muốn hỏi : “ Ủa, mới mấy tháng trước là binh nhì gác cổng mà sao bây giờ đã là SVSQ ?”.

Tường nói với tôi “mình quê quá, không dám chào nữa là, chứ nói gì đến chuyện giải thích này nọ”. Thế rồi vội vàng lên xe Honda ôm vọt mất. Tới Mùa Hè Đỏ Lửa, khóa 4/71 ra trường là ra nhận đơn vị luôn không được về phép 10 ngày như thông lệ. Tường nhận đơn vị là Tiểu Đoàn 4 TQLC do Trung Tá Trần Xuân Quang (biệt danh là Quang Bóp Cổ) làm Tiểu Đoàn Trưởng. Mãi tới khi Sư Đoàn TQLC cắm cờ VNCH trên Cổ Thành Quảng Trị ngày 16 tháng 9 năm 1972, Tường mới được đi phép 10 ngày về Sài Gòn thăm nhà.

Khi hết phép trở lại đơn vị, hậu cứ Sư Đoàn chỉ định Thiếu Úy Nguyễn Trọng Tường chỉ huy tất cả các quân nhân hết phép trở lại đơn vị. Tình cờ làm sao, cô bác sĩ T. lại cầm đầu phái đoàn CARITAS Sài gòn đem phẩm vật cứu trợ ra Huế. Ngồi trên máy bay , cô biết chắc đây là ông Thiếu Úy thứ thiệt do quân phục có cầu vai giống như sĩ quan Hải Quân của Binh Chủng TQLC, nhất là các quân nhân xưng hô trình báo với Thiếu Úy thì không thể giả mạo được.

Thiếu Úy Nguyễn Trọng Tường say sưa nói với tôi “Kỷ niệm đẹp của tôi với bác sĩ T. là cặp mắt vừa ngây thơ, vừa thắc mắc, vừa muốn tôi giải thích mà lại không dám yêu cầu. Thôi cứ để cô bác sĩ nghĩ sao về mình cũng được” .

Thiếu Úy Nguyễn Trọng Tường rời khỏi nhà kỷ luật vào cuối năm 1981, rồi vài tháng sau anh bạn của tôi được thả về Sài Gòn. Bà Mẹ tổ chức cho Tường vượt biên vào khoảng 1983 và Tường định cư ở Australia. Khi tôi về tới Sài Gòn tháng 6/1984 thì không gặp được Nguyễn Trọng Tường. Tới năm 1990, Tường có qua Nam Cali, chúng tôi có nói chuyện với nhau qua điện thoại của một người bạn. Từ đó đến nay đã 28 năm không biết thêm tin tức gì khác.

Ngày 21 tháng 3 năm 2018 vừa qua, tôi đã tham dự lễ an táng anh bạn Trần Văn Loan (qua đời ngày 12 tháng 3 năm 2018 thọ 71 tuổi - 1947 – 2018, sau vài năm bị bệnh gan trầm trong) được chôn cất tại nghĩa trang Oaks Hill San José. Gọi là anh bạn vì anh lớn hơn tôi 3 tuổi, thi đậu Tú Tài và vào học chứng chỉ Dự Bị Toán Lý Hóa (MPC) ở Đại Học Khoa Hoc Sài Gòn trước tôi 3 năm. Anh tình nguyện nhập khóa 23 Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat năm 1966 và tốt nghiệp vào tháng 12 năm 1970. Anh chọn binh chủng TQLC và đã tham dự các trận đánh lớn ở vùng hỏa tuyến như trận Hạ Lào năm 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa Quảng Trị 1972 ( đại đội của anh đã bắn cháy chiến xa T 54 ngay tại cầu Đông Hà giúp cho các đơn vị bạn kịp thoát về phía Nam và 2 Lữ Đoàn TQLC đã lập được tuyến phòng thủ vững chắc tại sông Mỹ Chánh làm quân xâm lăng Bắc Việt bị chận đứng tại tuyến Mỹ Chánh này).

Dĩ nhiên anh Trần Văn Loan có tham dự chiến dịch tái chiếm Quảng Trị của Sư Đoàn TQLC : chiến dịch này do Trung Tướng Ngô Quang Trưởng phát động dự trù bắt đầu từ 19-6-1972 đến 19-9-1972, kế hoạch này của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng hoạch định  đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận. Sư Đoàn TQLC đã cắm cờ VNCH trên Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 16 tháng 9 năm 1972, nghĩa là trước thời hạn quy định đúng 3 ngày.

 Anh Trần Văn Loan bị VC bắt làm tù binh tại cửa biển Thuận An vào ngày 25 tháng 3 năm 1975 khi tàu đổ bộ  của Hải Quân bị mắc cạn không thể chuyên chở TQLC rút về Đà Nẵng được, lúc đó Đại Tá Nguyễn Thành Trí – Tư Lệnh Phó của Sư Đoàn TQLC , đang ở ngoài khơi cửa biển Thuận An chỉ huy cuộc rút quân từ Huế về Đà Nẵng. Đại Tá Nguyễn Thành Trí phải xin lệnh của Thiếu Tướng Bùi Thế Lân – lúc đó đang ở Đà Nẵng. Thiếu Tướng Bùi Thế Lân ra lệnh cho Đại Tá Nguyễn Thành Trí bỏ lại tất cả 4 tiểu đoàn TQLC rút về Đà Nẵng, lý do thật giản dị vì Hải Quân không thể áp sát vào bờ biển để bốc binh sĩ lên tàu được. Sau này, anh Trần Văn Loan cho biết là anh ở tù chung với Thiếu  Úy Hải Quân - thuyền trưởng chiếc tàu đổ bộ bị mắc kẹt ở cửa biển Thuận An ngày 25 tháng 3 năm 1975 (lâu ngày quá tôi quên mất tên của vị Thiếu Úy thuyền trưởng này). Chi tiết này được anh bạn học thời trung học CVA của tôi là Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Trân –tốt nghiệp khóa 27 Trường Võ Bị Quốc Gia , đứng cạnh ngay Đại Tá Nguyễn Thành Trí vào thời điểm đó.

Sau nhiều lần di chuyển qua các trại tù Khe Sanh, Cồn Tiên, Ái Tử… năm 1977 các tù binh được chuyển giao lại cho Công An và chuyển tới Trại Cải Tạo Bình Điền  (nằm giữa Lăng Minh Mạng và căn cứ Phú Xuân của Sư Đoán 1BB hướng về  thung lũng A Sao – A Lưới).

Anh Trần Văn Loan nhiều lần trốn trại nhưng không thoát , anh bị cùm 2 chân nhốt trong conex trong nhiều năm dài. Một bữa khi Trật Tự tháo cùm để anh ra giếng tắm, anh Trần Văn Loan lững thững qua cổng ra vào của trại bước ra ngoài. Lính canh bắn súng báo động, bọn vệ binh xúm vào bắt anh trói gọn rồi giải lên văn phòng Giám Thị Phân Trại Trưởng. Đại Úy Nguyễn Văn Ái – Giám Thị Phân Trại Trưởng Phân Trại 4 ra lệnh cho vệ binh cởi trói và ông ta nói với anh Loan : “ Mày Đại Úy, Tao cũng Đại Úy, mày biết thừa là cấp Đại Úy chỉ là tay sai chớ đâu có quyền quyết định gì đâu. Tao chỉ có nhiệm vụ giữ mày thôi, quyền phóng thích nằm ở Bộ Nội Vụ ngoài Hà Nội. Mày còn trẻ hãy giữ mạng sống để làm chuyện có ích khác. Tao coi mày như em, có thể nói thẳng với mày ý nghĩ của tao vì tao sắp “phục viên” rồi, chế độ này không coi tụi mày ra gì đâu, nếu được thả về với gia đình thì phải tìm cách vượt biên ra nước ngoài thì mới sống được”. Thấy Đại Úy Ái chân tình, anh Loan hứa sẽ không vượt ngục nữa.

Do đó anh Loan được thả cùm, ra ngoài ở - không còn bị nhốt trong nhà nghiêm giam và đi lao động như anh em tù khác. Nhờ vậy, dù ở phân trại 1 tôi đã gặp anh Loan ngoài ruộng sắn của phân trại 2 vào thời điểm tháng 6 năm 1982. Tháng 6 năm 1984, tôi được trả về Sài Gòn và không biết số phận của anh ra sao. Tháng giêng năm 1988 tôi vượt biên sang Thái Lan, khi bước vào trại Phanat Nikhom tôi được một bạn trẻ cũng ở tù tại phân trại 2 loan báo là anh Loan đã ở  trại Phanat Nikhom được 1 tháng rưỡi rồi. Thật là một cơ may hiếm hoi vì vào thời điểm đó, trong trại Phanat  Nikhom chỉ có 3 người ở tù chung tại Trại Cải Tạo Bình Điền trên tổng số khoảng 18,000 thuyền nhân và bộ nhân (vượt biên bằng đường bộ qua biên giới Thái – Miên ngả Siemreap – Battambang) tạm trú trong trại tỵ nạn.

Tháng 4 năm 1988, anh Loan triệu tập tất cả các cựu quân nhân QL/VNCH để tổ chức NGÀY QUỐC HẬN 30-4-1975 ,  anh đích thân soạn diễn văn để đọc tại buổi lễ với nội dung lược sử ý nghĩa NGÀY QUỐC HẬN để cho Ban Lãnh Đạo của Trại Tỵ Nạn (người Thái Lan) , Đại Diện Cao Ủy LHQ về Tỵ Nạn tại Thái Lan và đồng bào VN trong trại hiểu rõ vấn đề (bản dịch ra Anh Ngữ do Giáo Sư Tôn Thất Cung- nguyên thông dịch viên của cơ quan MACV tại Sài Gòn , phụ trách).

Tháng 8/1988, anh được chuyển qua trại Bataan – Philippines để học đời sống tại Hoa Kỳ và nhập cư tại San José vào đầu năm 1989. Tôi gặp lại anh tại trường Element School ROBERT KENNEDY trên đường Lucretia – San José trong dịp kỷ niệm 30-4 tại San José. Hội trường của trường tiểu học nhỏ bé quá không đủ sức chứa số người tham dự, nên những lần sau các buổi lễ đều được tổ chức tại công viên St James. Kỷ niệm đáng nhớ của tôi là nhân kỳ Việt Cộng tổ chức EXPO 1994, anh Loan làm trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình chống đối bọn VC,  chúng tôi từ San José lên SF bằng nhiều phương tiện cá nhân khác nhau nhưng anh Loan và Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia Bắc Cali có thuê 2 xe bus để chở đồng bào lên SF biểu tình. Ngay tại hiện trường, anh Loan cầm loa tay hô hào và điều động đồng bào, đi đi lại lại không ngừng nghỉ để phòng hờ một số người quá khich vượt khỏi nơi qui định mà Cảnh Sát SF quy định cho doàn biểu tình.

Hai vợ chồng người bạn (quen biết anh Loan và tôi trong trại Phanat Nikhom) thấy anh Loan đã lớn tuổi mà chưa lập gia đình nên định giới thiệu anh Loan với vài bà bạn của họ. Một người trả lời như sau : “ Thôi tôi biết ông Loan rồi, qua Mỹ không lo làm ăn mà cứ tối ngày đi biểu tình chống Cộng không à,như vậy làm sao có thì giờ và tiền bạc dẫn vợ con đi shopping…”. Tôi nói với anh Loan là tấm gương biểu tình chống Cộng của anh làm mấy bà  “kỹ sư” Việt Nam né tránh. Thật thà, anh nói lại “thân phận tỵ nạn của mình làm sao đủ kích thước để với tới mây cô “kỹ sư” ở Silicon Valley này”. Tôi giải thích : “Kỹ sư mà tôi nói với anh không phải là engineer, mà là SƯ TÍNH KỸ”. Anh chỉ cười trừ, anh tâm sự : “trước 1975, tôi đi lính TQLC là loại lính “sống hùng + sống mạnh nhưng khó sống lâu” nên các cô cũng e ngại phải nghĩ đến tương lai có thể góa bụa. Cũng may là khi ở tù VC mình chưa có gia đình, chứ nếu có thì Vợ đi đằng Vơ, Mình đi đắng Mình chứ ai mà chờ được mình, vì biết bao giờ bọn VC mới thả mình ra.”
Anh cho tôi biết, anh trốn trại liên tục không phải vì muốn trở lại Sài Gòn tìm gia đình mà là cứ bị ám ảnh về chuyện bọn Việt Cộng chôn sống tập thể như hồi Mậu Thân 1968, VC đã chôn sống hơn 7,000 người tại  Huế trong những hố chôn ở nhiều nơi khác nhau.. Khi trốn trại , sác xuất bị bắn chết lên tới 99% nhưng anh Trần Văn Loan không sợ vì nếu bị bắn chết, mình sẽ được chôn riêng trên đồi, 10 năm  - 20 năm sau, thân nhân của mình ra Huế tìm mình thì sẽ dễ kiếm thấy hơn là tìm trong những hố chôn tập thể những 700 - 800 người tại mỗi phân trại của Bình Điền. Tôi hoàn đồng ý với anh vì tôi cũng có cùng suy nghĩ như anh hồi tôi trốn trại ở phân trại 1 vào tháng 2/1979 !

Tuổi già là con tàu đắm, từ 2012 anh Loan đã yếu lắm rồi, tiểu đường, cholesterone cao, áp huyết cao, thận bị suy mà còn bị thêm chứng “đau gan trầm trọng”. Tuy vậy anh Loan vẫn cố gắng nhờ bạn bè hay đàn em trong Võ Bị chở ra 70 West Hedding (tiền đình của Santa Clara County) để dự lễ chào cờ đầu năm,  tham dự NGÀY QUỐC HẬN 30-4, hay kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6. Có lần tôi gặp anh thấy anh tươi tỉnh hồng hào và mập mạp, tôi khen bây giờ anh “đẹp lão” ra phết, anh ghé tai tôi nói nhỏ “ hồng hào gì ông ơi, mặt đỏ vì áp huyết đang lên cao , còn mập mạp thì đúng là phồn vinh giả tạo vì mình đang bị thận yếu, nước cứ đọng lại bên trong,làm da bị phù lên đó thôi…”

Đám tang của anh đặc biệt không có thân nhân đeo khăn tang (chỉ có 2 vợ chồng người chị ruột của anh Loan từ Philadelphia sang San José tiễn đưa em trai xuống lòng đất). Số người đến dự lễ an táng anh Trần Văn Loan đều là bạn bè thân hữu , đông nhất có thể kể  là đại gia đình của Thủy Quân Lục Chiến, đại gia đình các Cựu Sinh Viên Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat, đại gia đình các cựu quân nhân quân binh chủng khác trong Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc Cali, các thân hữu của anh Loan trong Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia Bắc Cali, một số quý vị đại diện cho các đảng phái chính trị sinh hoạt tại Bắc Cali…Đám tang của anh Trần Văn Loan cũng không có bất cứ nghi thức tôn giáo nào , đặc biệt có quân nhạc thổi kèn clarinette để gửi lời chào Tiễn Biệt với người quá cố do chính anh Vịnh thực hiện ( Anh Vịnh là bạn đồng khoá 23 của Trường VBQG Dalat  – Anh Vịnh thuộc Quân Nhạc thứ thiệt trước khi gia nhập Trường Võ Bị)  
Khi qua đời ở tuổi 71, tôi phỏng đoán là anh Trần Văn Loan có 2  thống khoái ( = có cảm giác thích thú, thỏa mãn đến cực độ) :

1/ Thống khoái thứ nhất : anh không còn bị ám ảnh đến chuyện bị chôn sống tập thể, anh cũng không sợ bị di dời hay “nhà nước cần lấy đất nghĩa trang để phục vụ cho quyền lợi của Đảng và Nhà Nước Cộng Sản”.

2/ Thống khoái thứ hai : anh biết chắc là khi về “cõi âm”, anh không phải đi “họp tổ” để “học tập chính trị”. Nằm xung quanh ngôi mộ của anh là những người Mễ, Mỹ đen, người Hoa, người Việt…họ rất  “dễ chiịu” (“nice”) với anh khi lúc sống cũng như khi xuống cõi âm, khác với bọn VC lúc nào cũng mang tính kỳ thị, luôn đòi xét duyệt lý lịch và miệng thì cứ xoen xét “đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội tiến bộ”.

Tháng 8/1988, khi vừa tới Philippnes, anh Loan có gửi thư cho tôi ,trong đó anh thuộc nằm lòng 2 câu thơ của Đặng Dung :

   ….Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
                                            Gươm mài bóng nguyệt đã bao rày.

Nay tôi xin giở lại cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim để chép lại nguyên tác bài thơ Thuật Hoài bằng chữ Hán Nôm của danh tướng Đặng Dung đời Hậu Trần, cũng như bài thơ được chuyển qua chữ quốc ngữ của sử gia Trần Trọng Kim để chúng ta cảm thông với anh Trần Văn Loan về nỗi u hoài của anh.

THUẬT HOÀI  của Đặng Dung

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca,
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.
Tri chủ hữu hoài phú địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma !

        Bản dịch chữ nôm của sử gia Trần Trọng Kim như sau :

        Việc đời bối rối tuổi già vay,
        Trời đất vô cùng một cuộc say,
        Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
        Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
        Vai nghiêng trái đất mong phò chúa,
        Giáp gột sóng trời khó vạch mây.
        Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
        Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

San José ngày 04 tháng 4 năm 2018
Trần Trung Chính