Wednesday 4 April 2018

Mỹ Trị Con Cọp Sút Chuồng - Vi Anh



Tờ báo Apple Daily ở Hồng Kông có một bài ví Trung Cộng [TC] như một con cọp được Tây phương nuôi cho mập, đang phản chủ, sút chuồng chống lại Tây Phương. Trong đó Mỹ thức tỉnh trước đang kềm chế con vật hung dữ này.

Tây Phương nói chung Tây Âu và Bắc Mỹ hay Thế Giới Tự do thời Chiến tranh Lạnh đang đứng trước hai mối đe doạ của Nga hậu CS và TQ hiện CS. Cả Nga và TC vốn là hai chế độ được Tây Phương hào phóng viện trợ kỹ thuật, đổ vốn đầu tư nuôi cho mập sau khi Liên xô đột quị vì kinh tế kiệt quệ và suy tàn vì chạy đua võ trang trong Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao với Mỹ. Tây Phương nhất là Mỹ lầm tưởng khi giúp hai chế độ này đổi mới kinh tế thì dân chúng khá lên trở thành tầng lớp trung lưu sẽ chuyển hoá độc tài CS, mở rộng chánh trị hơn.

Nhưng 30 năm sau Nga thành con gấu, TC thành con cọp sút chuồng chống lại Tây Phương. Người dân Việt gọi hiện tượng này là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà tai hại cho chủ nhà. Tây Phương gọi là nuôi con hổ dữ, nay trở thành hai mối đe dọa mà Tây phương buộc phải chung sống. Việc Nga hậu CS và TC hiện CS chống phá Liên Âu và Mỹ thì vô số kể, mọi mặt khó mà liệt kê ra hết.

Báo Manila Times của Phi cho TC và Nga đó là «chính quyền chuyên chế, đàn áp bên trong, thống trị bên ngoài».. Báo Courrier International cũng trích dẫn như thế và trình bày cho người Pháp biết. Tuần báo The Economist cũng nói «Trong 10 năm gần đây, Tây phương nỗ lực giúp Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, hội nhập vào thế giới. Nhưng trên thực tế, chế độ Trung Quốc không ngừng gia tăng chính sách kềm kẹp dân chúng, đả phá một số giá trị văn minh Tây phương như là tự do kinh tế, dân chủ chánh trị.

Báo Apple Daily ở Hồng Kông nhận định: Tây phương hãy tự trách mình đã không biết nhìn xa, đã lầm tưởng rằng giúp Trung Quốc trở thành một nền kinh tế tự do sẽ đưa đến một chế độ dân chủ. Nào ngờ Bắc Kinh luôn luôn tìm cách thay đổi nguyên trạng trên bàn cờ thế giới để làm lại dựa trên những cơ sở mới. Từ khi Tập Cận Bình tuyên bố ý định sửa đổi Hiến Pháp để có thể trở thành hoàng đế, người dân Trung Hoa tức giận nhưng không dám phản đối công khai. Trong khi đó, báo chí Tây phương không tiếc lời chỉ trích. Apple Times của Hồng Kông viết tiếp: Xã luận của tuần báo Anh nói thẳng «Tây phương nuôi chó sói trong nhà» nhưng rõ ràng là gần như thế. Ngay từ khởi đầu, Đặng Tiểu Bình sang tận Hoa Kỳ để nhờ Mỹ giúp Trung Quốc hội nhập hệ thống kinh tế thế giới. Mục đích là để được chuyển giao công nghệ, nguồn vốn đầu tư - hai thứ mà Trung Quốc hoàn toàn thiếu thốn.

Nhật báo độc lập của Hồng Kông cảnh báo: WTO chỉ là món khai vị. Con đường tơ lụa «một vành đai, một con đường» phủ khắp địa cầu mới là món ăn chính.

Trung Quốc dẹp qua một bên lời hứa mở cửa thị trường, tăng thêm gọng kềm kiểm soát, doanh nghiệp nước ngoài phải tuân theo ý của thiên triều nếu không muốn bị trừng phạt nặng nề. Bàn tay của đảng Cộng Sản ngày càng thô bạo. Trong 5 năm của Tập Cận Bình, giới dân chủ bị đàn áp thê thảm. Trong nội bộ đảng, xu hướng cải cách bị «bóp miệng». Giá trị phổ quát của nhân quyền, tự do dân chủ trở thành «cấm kỵ».

Trong nhiều thập niên qua, Tây phương nuôi một con hổ hung dữ, và giờ đây con hổ này đang nhe nanh vươn móng sắt. Vì sao nên nỗi? Tây phương hãy tự than thân đã nuôi một con thú dữ. Nếu vẫn còn tiếp tục hy vọng Trung Quốc tự do hóa kinh tế và chính trị thì đúng là ảo tưởng.

Tờ Manila Times của Philippines tỏ ra dè dặt trước quyết định «sốc» của đảng Cộng Sản Trung Quốc mở đường cho Tập Cận Bình cai trị mãn đời, có thời gian để thực hiện ba «đại công trình»: chống tham nhũng, con đường tơ lụa mới và tăng cường quân sự, thực hiện chính sách thống trị Biển Đông, thay đổi nguyên trạng, bằng sức mạnh.

Tây Phương trong đó Mỹ thấy rõ sai lầm và sửa chữa. TT Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới coi Nga và TC là “đối thủ”. Chánh quyền Mỹ chống mưu đồ TC chiếm đoạt sở hữu trí tuệ, phát minh của các doanh nghiệp quốc tế bằng biện pháp bắt chẹt các xí nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Mưu đồ thành lập một «Silicon Valley» tại Hoa lục, bị tổng thống Mỹ Donald Trump thọc gậy bánh xe.

Los Angeles Times ngày 12/03/2018 đi tin, Donald Trump ký sắc lệnh, nhân danh «nhu cầu an ninh quốc gia», không cho công ty điện tử Singapore Broadcom mua lại, với giá 117 tỷ đôla, hãng chế tạo «chip» điện tử Qualcomm của Mỹ. Trước đây 5 năm, một hợp đồng khổng lồ như thế có lẽ đã được chấp thuận dễ dàng.

Trong tương lai, Ủy ban xem xét đầu tư của Mỹ, dưới tên gọi CFIUS, nếu được Quốc Hội cho thêm thẩm quyền như dự trù, sẽ có thể «cấm» các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Chính vì những chuyển nhượng này mà Bắc Kinh kiểm soát được đời tư của công dân, xâm nhập tài khoản trên mạng xã hội của các nhà họat động nhân quyền, dân chủ.

Mỹ đang mở chiến dịch, đúng ra là chiến tranh thương mại đối với TC. Mỹ áp đặt suất thuế 25% cho thép và 10% cho nhôm, và hàng 100 mặt hàng TC xuất cảng sang Mỹ dự thu thêm 60 tỷ thuế trên hàng hoá của TC. Còn TC tăng thuế từ 15 đến 25% nhắm vào gần 130 sản phẩm của Hoa Kỳ nhập vào TQ.

Theo Julien Marcilly, đại diện cho công ty bảo hiểm cho các doanh nghiệp Pháp Coface, nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại, Trung Quốc bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ. Tổng kim ngạch xuất cảng của Mỹ sang Trung Quốc chỉ tương đương với 0,5% GDP của nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ. Ngược lại xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm tới 5% tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc.

Mỹ là nước giàu tài nguyên và nhiên liệu, khoa hoc kỹ thuật cao. TC thua xa.. Hàng hoá TC made in China mang tiếng xấu. TQ đông dân nhưng lợi tức đầu người thấp hơn Mỹ rất nhiều, sức mua yếu, thị trường TQ so với Mỹ yếu hơn. Mỹ là thị trường lớn nhứt thế giới. Hàng hoá made in USA được trọng vọng, tín cẩn  trên thế giới nhiều lần hơn của TQ. Mỹ giao thương với nhiều nước hơn TC. Đô la Mỹ được nhiều nước lấy làm bản vị cho đồng tiền quốc gia. Thương mại TC không thể đấu với Mỹ.

Theo phân tích của giáo sư Tôn Lập Bình (Sun Liping) đại học Tinh Hoa ở  Bắc Kinh thì Washington có nhiều đồng minh trên thế giới hơn TC. Mỹ có thể trông cậy vào nhiều đồng minh để phần nào bù đắp vào chỗ trống do Trung Quốc để lại. Còn TC  không có được ngõ thoát hiểm an toàn như Mỹ. Chuyên gia trường đại học Tinh Hoa Bắc Kinh kết luận: "Chiến tranh thương mại, nếu có, sẽ gây phương hại nhiều cho nền kinh tế Mỹ, nhưng còn đối với Trung Quốc, đây là chuyện sống còn". (VA)