Friday, 27 April 2018

HẢI QUÂN V.N.C.H. RA KHƠI, 1975 VÙNG IV SÔNG-NGÒI


Điệp Mỹ Linh
Biên khảo

Khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 1975, Việt-Cộng đưa nhiều đơn vị về chung quanh Cần-Thơ, cố tạo áp lực ngay “trung tâm não bộ” của Vùng IV Chiến-Thuật.

Lúc bấy giờ, những Lực-Lượng Hải-Quân, một phần phải yểm trợ sông Đại-Ngãi – dòng sông huyết mạch từ Cần-Thơ xuống Cà-Mau, đi qua Bạc-Liêu – để hộ tống các ghe lúa gạo từ Bạc-Liêu về; phần còn lại rút về phòng thủ Cần-Thơ.

Tuy có nhiều đụng độ giữa Lực-Lượng Hải-Quân V.N.C.H. và Lực-Lượng Việt-Cộng chung quanh Cần-Thơ; nhưng vì Việt-Cộng dồn mọi nỗ lực lớn để tấn công Saigon, cho nên, tương đối áp lực địch tại Cần-Thơ không đủ làm bận tâm những giới chức thẩm quyền V.N.C.H.

Bằng cớ là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam – Tư-Lệnh Quân-Đoàn IV –đã tăng phái cho mặt trận Vùng III một số lực lượng của Vùng IV. Và, theo chỉ thị của Tư-Lệnh Hải-Quân V.N.C.H., Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi kiêm Tư-Lệnh Hạm-Đội Đặc-Nhiệm 21 – Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng – đã cho di chuyển một số đơn vị về yểm trợ Vùng III Sông-Ngòi.

Tình hình Vùng IV Sông-Ngòi còn rất yên tĩnh; nhưng Tổng-Lãnh-Sự Mỹ tại Cần-Thơ – Francis Terry McNamara – cũng đặt kế hoạch di tản nhân viên Việt và Mỹ của Tòa Tổng-Lãnh-Sự.

Ngày 21 tháng 4, trong dịp về Saigon nhận tiền phát cho nhân viên, Tổng-Lãnh-Sự Francis T. McNamara trình bày với Đại-Tá George Jacobson về kế hoặch di tản nhân viên. Theo Tổng-Lãnh-Sự McNamara, di tản bằng trực thăng sẽ gặp trở ngại về vấn đề tiếp tế nhiên liệu; vì vậy, Tổng-Lãnh-Sự McNamara yêu cầu được di tản bằng đường thủy. Đại-Tá Jacobson đồng ý. Nhờ ngoại giao khéo, Tổng-Lãnh-Sự McNamara được một nhân viên USAID – Cliff Frink – cung cấp hai LCM8.

Sau khi Phan-Thiết thất thủ, Vũng-Tàu bị đe dọa trầm trọng và các mặt trận Long-An, Tuyên-Nhơn, Trà-Cú, v. v… bùng nổ, Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng triệu tập đơn vị trưởng của những đại đơn vị Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi, đặt kế hoạch di tản để bảo vệ lực lượng trong trường hợp Vùng IV Chiến-Thuật bị tấn công. Trong phiên họp này, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang – Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211 – tỏ vẻ không đồng ý với giải pháp di tản.

Ngày 27 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Thăng gặp Thiếu Tướng Lê Văn Hưng – Tư-Lệnh-Phó Quân-Đoàn IV. Hai vị sĩ quan cao cấp trao đổi tình hình chiến sự. Tướng Hưng cho Phó-Đề-Đốc Thăng biết rằng Tướng Nguyễn Khoa Nam đã liên lạc với Bộ-Tổng-Tham-Mưu Saigon, nhưng không có một kế hoạch nào từ Bộ-Tổng-Tham-Mưu về việc rút xuống Vùng IV cả. Phó-Đề-Đốc Thăng hỏi dò Tướng Hưng về việc di tản. Tướng Tư-Lệnh-Phó Vùng IV Chiến-Thuật đáp: “Tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ ở lại, bắn đến viên đạn cuối cùng rồi tôi sẽ tự sát!”

Ngày 28 tháng 4, lúc 3 giờ chiều, Phó-Đề-Đốc Thăng liên lạc với Thiếu Tướng Nguyễn-Khoa-Nam, trình bày những biến chuyển quân sự mới nhất. Tướng Nam bảo có vài chính trị gia và tướng lãnh đã bàn kế hoạch rút về Vùng IV, cố thủ. Nhưng dường như đó là những ý kiến cá nhân, chưa có sự đồng thuận nào của chính phủ trung ương. Tướng Nam cũng cho Phó-Đề-Đốc Thăng biết là Ông vừa liên lạc với Bộ-Tổng-Tham-Mưu, có thể, với vị Tổng-Tham-Mưu-Trưởng mới – Trung Tướng Vĩnh Lộc – chính phủ sẽ cố thủ để điều đình.

Chiều 28 tháng 4, một chiếc phà và hai LCM8 chở khoảng 30 người Mỹ, một số đông nhân viên Việt-Nam và Tổng-Lãnh-Sự Mỹ tại Cần-Thơ – Francis T. McNamara – trên đường ra biển, bị Giang-Đoàn 25 Xung-Phong chận lại.

Được thông báo về sự việc này, Thiếu Tướng Hưng yêu cầu Phó-Đề-Đốc Thăng đến nơi, tăng phái vài giang đỉnh để kéo chiếc phà và hai LCM8 chở số người Việt Mỹ đó về lại Cần-Thơ.

Khi đến nơi, Phó-Đề-Đốc Thăng chỉ hỏi: “Có quân nhân Việt-Nam nào đào ngũ, trốn trên đó không?” Sau khi được xác nhận là “Không”, Phó-Đề-Đốc Thăng cho phép chiếc phà và hai LCM8 ra đi. Quyết định này của Phó-Đề-Đốc Thăng không có sự tham khảo ý kiến của Tướng Lê Văn Hưng hoặc Tướng Nguyễn Khoa Nam; vì hai vị Tướng này đang bay chỉ huy hành quân.

Chiều 29 tháng 4, một Thiếu-Tá tòng sự tại phòng hành quân Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon gọi cho Phó-Đề-Đốc Thăng, thông báo rằng Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon đã chuẩn bị rút! Tối, vị Thiếu-Tá này gọi lại và cho hay: Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon và nhiều chiến hạm đã rời Saigon!

Vì sự liên lạc từ trung ương đến các Vùng không còn chặt chẽ nữa, cho nên, đến giờ phút đó Phó-Đề-Đốc Thăng vẫn chưa biết Trung Tướng Vĩnh Lộc đã được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Quân-Lực V.N.C.H.!

Tối 29 tháng 4, khoảng 8 giờ, Trưởng Khối An-Ninh Hải-Quân – Đại-Tá Chiến-Binh Nguyễn Văn Tấn – gọi điện thoại mời Phó-Đề-Đốc Thăng về Saigon; nhưng Đại-Tá Tấn không cho biết lý do. Phó-Đề-Đốc Thăng bảo để Ông suy nghĩ, 11 giờ đêm gọi lại, Ông sẽ trả lời.

Ngay sau đó, Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng – Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi – ra lệnh “tự do vận chuyển”! Lệnh này được chuyển sang Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thông –Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương kiêm Tư-Lệnh Đặc-Nhiệm 214 – chứ không chuyển cho Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang – Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211.

11 giờ đêm, Phó-Đề-Đốc Thăng cho tập họp tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ, rồi thông báo quyết định của Ông là sẽ ra đi. Ai muốn đi, về đem gia đình vào; ai không muốn đi, xin giữ an ninh giùm cho những người đi.

Đến giờ phút đó Phó-Đề-Đốc Thăng cũng vẫn chưa nghe Đại-Tá Tấn gọi lại.

Khuya 29 rạng ngày 30 tháng 4, trong khi các LCM đưa Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng và Bộ-Tham-Mưu Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi đang chạy trên sông Cửa Tiểu thì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam liên lạc truyền tin, muốn nói chuyện với Phó-Đề-Đốc Thăng; nhưng Phó-Đề-Đốc Thăng không trả lời.

Trong khi những sự việc kể trên xảy ra tại Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi thì tại Căn-Cứ Tiếp-Vận Bình-Thủy, tình thế vẫn yên, cho đến…

…Sáng 30 tháng 4, sau khi nghe lệnh Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, Căn-Cứ Tiếp-Vận Bình-Thủy trở nên rối loạn.

10 giờ sáng, Đại-Tá Cơ-Khí Nguyễn Ngọc Xuân – Chỉ-Huy-Trưởng Căn-Cứ Tiếp-Vận – tập họp nhân viên và tuyên bố tan hàng!

12 giờ trưa, Đại-Tá Xuân lấy một LCM đi ra hướng biển cùng với khoảng 20 PBR của Lực-Lượng Thủy-Bộ.

Sau đó, Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ kiêm Tư-Lệnh Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211 – Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang – từ một PBRđang chạy song song với LCM chở Đại-Tá Xuân, hỏi: “Đi làm chi, Xuân? Ở lại đi.” Đại-Tá Xuân im lặng. LCM vẫn tiến. Một lúc sau, Đại-Tá Trang cho lệnh PBR quay về.

Tại Bộ-Tư-Lệnh Trung-Ương, sau khi nhận được lệnh “tự do vận chuyển” từ Phó-Đề-Đốc Thăng, Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thông – Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương – truyền lệnh này đến những đơn vị ở xa và thông báo một cách hạn chế cho nhân viên tại Đồng-Tâm. Đại-Tá Thông nhắn nhủ: “Ai không muốn đi thì cố giữ an ninh, trật tự giùm cho những người muốn đi.”

Sau đó, Đại-Tá Nguyễn-Văn-Thông cùng một số người xuống ba chiếc LCM8, đi ra sông Cửa Tiểu.


MẶT TRẬN TUYÊN-NHƠN
NHỮNG ĐỤNG ĐỘ NHỎ TẠI VÙNG IV SÔNG-NGÒI

Trong khi những biến cố trọng đại xảy ra tại Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi và tại Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương thì những Lực-Lượng Hải-Quân đóng rải rác trong lãnh thổ Vùng IV Sông-Ngòi phải chống trả với các đơn vị chủ lực của Việt-Cộng tại những mặt trận sau đây:

Xã Hòa-Thành thuộc địa phận Cà-Mau

Tin tình báo của Tiểu-Khu An-Xuyên và Trung-Đoàn 32 Bộ-Binh tại Cà-Mau cho hay: Sau khi viên Phó-Xã-Trưởng xã Hòa-Thành bỏ hàng ngũ Quốc-Gia sang đầu thú với Việt-Cộng, Việt-Cộng đưa quân cấp tiểu đoàn về tấn công xã Hòa-Thành.

Xã Hòa-Thành cạnh bờ sông, cách Tiền-Doanh Yểm-Trợ khoảng ba cây số. Xã này là vị trí chiến lược của Tiểu-Khu An-Xuyên và cũng là nơi Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn 2 Thủy-Bộ cùng nhiều Giang-Đoàn Thủy-Bộ khác trú đóng.

Ngày 16 tháng 4, sau khi được yêu cầu, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 72 Thủy-Bộ – Đại-Úy Khai – đưa đoàn chiến đỉnh về xã Hòa-Thành. Sau khoảng 15 phút khởi hành, đoàn giang đỉnh bị Việt-Cộng xử dụng B40, B41 và các loại súng nhỏ tấn công.

Đoàn giang đỉnh phản công nhưng rất hạn chế vì hai bên bờ sông là nhà dân.Khi phát hiện Bộ-Chỉ-Huy Việt-Cộng đóng ngay cạnh bờ sông, đầu con rạch dẫn nước ra sông, đoàn chiến đỉnh phải xử dụng M79 và súng cối 81 ly bắn trực xạ.

Khoảng nửa giờ giao tranh, Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn 2 Thủy-Bộ cho tăng cường thêm vài chiến đỉnh nữa. Sau đó không lâu, quân V.N.C.H. làm chủ tình hình.


Rạch Sỏi thuộc tỉnh Kiên-Giang

Lực lượng Hải-Quân vùng Kiên-Giang trong tháng 4 năm 1975 gồm những đơn vị sau đây:
§  Căn-Cứ Hải-Quân Kiên-An, đóng tại Xẻo-Rô.
§  Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi, đóng tại Rạch-Sỏi.
§  Toán Sưu-Tập 5, đóng trong Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi.
§  Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ

Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân ThiếuTá Phan Hữu Niệm – gồm có:
§  Bộ-Chỉ-Huy lưu động, đóng tại Rạch-Sỏi vào thời điểm này.
§  Giang-Đoàn 70 Thủy-Bộ, do Hải-Quân Thiếu-Tá Thùy Trinh Bạch chỉ huy.
§  Giang-Đoàn 71 Thủy-Bộ, do Hải-Quân Đại-Úy Dương Văn Tèo chỉ huy.
§  Một Monitor, một LCM6 và một Fom do Giang-Đoàn 29 Xung-Phong biệt phái.
§  Bốn PBRdo Giang-Đoàn 53 Tuần-Thám tăng phái.

Ngoài nhiệm vụ phòng thủ an ninh những khu vực kể trên, Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ còn phối hợp hành quân với Tiểu-Khu Kiên-Giang, hai Chi-Khu Kiên-Thành, Kiên-An và hai Trung-Đoàn 32 - 33 Bộ-Binh.

Vì tình hình quân sự trong vùng trách nhiệm của Hải-Quân trong tháng 4 hơi sôi động hơn những tháng trước, cho nên, công tác của Hải-Quân lúc bấy giờ hơi nặng về:
§  An ninh Căn-Cứ Hải-Quân Kiên-An.
§  An ninh Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi.
§  An ninh những tiền đồn vòng đai Tiểu-Khu Kiên-Giang.

30 tháng 4, lúc 4 giờ sáng, Việt-Cộng tấn công Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi bằng B40, B41, súng cối và đại liên. Chỉ-Huy-Trưởng Tiền-Doanh Yểm-Trợ và nhiều nhân viên bị thương. Lập tức, các giang đỉnh tại bến được phái đến chận tuyến Bắc và tuyến Nam kinh Cái Sắn. Những giang đỉnh hoạt động xa được điều động về yểm trợ Căn-Cứ Hải-Quân Xẻo-Rô, đề phòng địch “dương Đông, kích Tây”.



Khi trận chiến đang tiếp diễn, Tiểu-Khu Kiên-Giang thông báo cho Hải-Quân biết rằng Việt-Cộng đột kích vào phi trường Rạch-Sỏi, lấy hai thiết giáp M113 và đang chạy về hướng Kiên-Tân.

Hai Alpha trang bị M72 được lệnh án ngữ đầu cầu phía Bắc Tiền-Doanh Yểm Trợ để ngăn hai chiến xa. Không có Pháo-Binh yểm trợ, vì Tiền-Doanh Yểm-Trợ tọa lạc ngay khu thị tứ.

Khoảng 7 giờ sáng, Hải-Quân đưa từng toán quân ra ngoài, đẩy lui địch. Địch rút lui khoảng một cây số, nhưng vẫn tiếp tục pháo kích vào đơn vị Hải-Quân.

10 giờ 30 sáng cùng ngày, nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn 1 Thủy-Bộ –Hải-Quân Thiếu-Tá Phan Hữu Niệm – liên lạc Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ và được chỉ thị theo lệnh địa phương – nghĩa là theo lệnh Bộ-Binh! Thiếu-Tá Niệm rất ngạc nhiên, nhưng vẫn liên lạc Tiểu-Khu. Tiểu-Khu cho biết lệnh Quân-Đoàn: Tử thủ!

Lúc này Việt-Cộng lại pháo kích nặng hơn. Ban tham mưu Hải-Quân đặt kế hoạch rút khỏi Tiền-Doanh Yểm-Trợ Rạch-Sỏi vào lúc 6 giờ chiều. Nhưng sau đó, Việt-Cộng pháo kích dữ dội hơn, Hải-Quân quyết định rút sớm hơn dự dịnh.

Ba giờ chiều cùng ngày, tất cả đơn vị Hải-Quân thuộc Tiểu-Khu Kiên-Giang thực hiện kế hoạch di tản rất chu đáo.

Ngày 1 tháng 5, lúc 3 giờ chiều, Lực-Lượng Hải-Quân thuộc Tiểu-Khu Kiên-Giang đến Hòn Tre, neo phía Bắc Hòn Tre. Thiếu-Tá Niệm triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Kết quả cuộc họp là không ai muốn tiếp tục đi. Ban tham mưu đi đến quyết định: Vào Hòn Tre – nơi Duyên-Đoàn 43 trú đóng – giao tất cả chiến đỉnh cho ban tiếp thu Việt-Cộng!


Kinh Chợ Gạo

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Võ Văn Bảy – gồm Giang-Đoàn 21 Xung-Phong và Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chận.

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 có nhiệm vụ tuần tiễu, phục kích ngăn chận địch vượt sông, yểm trợ hải pháo cho các đồn, phối hợp hành quân với Tiểu-Khu và Chi-Khu, thuộc lãnh thổ Định-Tường và Kiến-Hòa.


Từ cuối tháng 3, đơn vị du kích 232 của Việt-Cộng tạo áp lực nặng trên quốc lộ 4, với mục đích cầm chân Sư-Đoàn 7, Sư-Đoàn 9 và Sư-Đoàn 22 – từ Qui-Nhơn vào, đang dưỡng quân – của Quân-Lực V.N.C.H.

Ngày 1 tháng 4, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2, Bộ-Chỉ-Huy đặt tại Chi-Khu Chợ Gạo, được chỉ định phối hợp hoạt động trực tiếp với Chi-Khu Chợ Gạo để bảo vệ thủy lộ huyết mạch từ miền Tây về Saigon.

Ngày cũng như đêm, trong những cuộc hành quân giải tỏa chướng ngại vật do Việt-Cộng đặt trên kinh Chợ Gạo, hoặc tuần tiễu bảo vệ ghe thuyền, hay hành quân hộ tống những đoàn ghe, v. v… các đơn vị của Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.2 lúc nào cũng bị địch phục kích và tấn công bằng đủ loại vũ khí.

Ngày 14 tháng 4, Giang-Đoàn 21 Xung-Phong đang biệt phái cho Biệt-Khu Thủ-Đô, được Giang-Đoàn 45 Ngăn-Chận – do Hải-Quân Đại-Úy Nguyễn Văn S. chỉ huy – đến thay thế.

Đêm 26 tháng 4, Việt-Cộng pháo kích vào Chi-Khu Chợ Gạo.

30 tháng 4, lúc 2 giờ sáng, sĩ quan trực trung tâm hành quân Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Trung-Ương – tức là Lực Lượng Đặc-Nhiệm 214 – thông báo Lực-Lượng chấm dứt chỉ huy, các đơn vị tùy nghi định liệu!

 Image result for Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn

Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn

MẶT TRẬN TUYÊN-NHƠN

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ – đóng cạnh Chi-Khu Tuyên-Nhơn; gồm hai đơn vị sau đây:
§  Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn.
§  Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá T.M.H.

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 chịu trách nhiệm hai vùng sông rạch thuộc tỉnh Kiến-Tường (Mộc-Hóa) và Định-Tường.

Là một chướng ngại đáng kể đối với những đơn vị Việt-Cộng lâm le muốn đưa quân vào Long-An bằng đường thủy, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những trận thư hùng. Trong tất cả những trận đụng độ, phải kể đến những cuộc tấn công quy mô của Trung-Đoàn E1 Việt-Cộng vào Tuyên-Nhơn vào cuối năm 1974.

Đêm 6 tháng 12 năm 1974, Việt-Cộng tấn công dữ dội và chiếm được chợ Tuyên-Nhơn cùng nhiều đồn. Nhưng Việt-Cộng cũng vẫn không thể xâm nhập vòng đai đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn; vì Chi-Khu đóng cạnh Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân.

Trong thời điểm này, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ – và Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám đều về Đồng-Tâm hội. Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo – phải túc trực tại Bộ-Chỉ-Huy Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh để điều hợp hành quân. Chỉ còn Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – là sĩ quan thâm niên hiện diện tại đơn vị.

Thiếu-Tá Tuấn điều động và chỉ huy phản công. Việt-Cộng rút lui, bỏ lại hơn 20 xác!

Đêm 7 tháng 12 năm 1974, để rửa hận, Việt-Cộng lại tấn công tàn bạo hơn, quyết dứt điểm Hải-Quân để tiến chiếm Chi-Khu Tuyên-Nhơn; nhưng vẫn bị Hải-Quân chống trả mãnh liệt. Việt-Cộng lại rút lui, bỏ lại 11 xác!

Sau đó, biết không thể dứt nổi Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Việt-Cộng vẫn cố giữ những địa điểm đã chiếm; đồng thời pháo kích dai dẳng vào đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn.

Không-Quân Việt-Nam được điều động đến và Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh cũng tham chiến, chận đường tiến quân của địch.

Ngày 11 tháng 12 năm 1974, trên đường viện binh, một Chinook chở một đại đội Trinh-Sát thuộc Sư-Đoàn 9 bị Việt-Cộng dùng SA7 bắn hạ. Rất nhiều thương vong!

Kể từ thời điểm này cho đến tháng 3 năm 1975, đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn luôn luôn bị áp lực của địch rất nặng nề.

Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Việt-Cộng lại tấn công hết sức quy mô và tàn bạo vào Chi-Khu Tuyên-Nhơn. Hải-Quân và quân bạn chống trả rất mãnh liệt. Cuối cùng, Việt-Cộng phải rút lui, để lại trận địa khoảng 200 xác! Vũ khí của địch bị tịch thu phải chuyển vận bằng GMC.

Sau chiến thắng tại Tuyên-Nhơn, Hải-Quân Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn được đề nghị thăng Trung-Tá tại mặt trận.

Ngày 23 tháng 4, Thiếu-Tá Tuấn về Saigon họp. Khi trở lại đơn vị, trên đường từ Cai-Lậy vào Mộc-Hóa để vào Tuyên-Nhơn, Thiếu-Tá Tuấn xử dụng GMC và bị Việt-Cộng pháo kích liên tục. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc truyền tin với người bạn cùng khóa – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận – xin tiếp viện. Nhưng ăng-ten bị gãy, cuộc điện đàm đứt đoạn.

Tối 24 tháng 4 Thiếu-Tá Tuấn về đến Tuyên-Nhơn.

Ngày 26 tháng 4, Việt-Cộng dốc toàn lực tấn công Tuyên-Nhơn. Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 đi phép. Lực-Lượng Hải-Quân tại Tuyên-Nhơn bị pháo kích nặng nề. Tất cả hệ thống truyền tin bị hư hại. Thiếu-Tá Tuấn cố gắng liên lạc với Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám. Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cho Thiếu-Tá Tuấn biết rằng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cũng đang bị địch pháo kích dữ dội. Và, với giọng thất vọng, Ông nói với Thiếu-Tá Tuấn: “Thôi, mày báo cáo chi nữa. Hai đứa mình chịu trận cho đến chết thôi!” Cuộc điện đàm vừa đến đó, bỗng, một tiếng nổ lớn, mọi tần số liên lạc truyền tin đều bất khiển dụng! Cùng lúc đó, Việt-Cộng đứng thẳng người, vừa tràn vào phòng tuyến của quân V.N.C.H. vừa bắn chứ không còn ẩn núp nữa!

Tuy trận chiến khốc liệt như vậy, nhưng Tuyên-Nhơn vẫn đứng vững như tinh thần chiến đấu kiên cường của Người Lính V.N.C.H.

Sau khi không phá vỡ được phòng tuyến Tuyên-Nhơn, Trung-Đoàn E1 Việt-Cộng phong tỏa Tuyên-Nhơn bằng một hệ thống phòng không dày đặc và thả thủy lôi trên mọi thủy trình dẫn đến Tuyên-Nhơn. Sự tiếp tế cho Chi-Khu và Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 vô cùng khó khăn.

Tối 29 tháng 4, Tư-Lệnh-Phó Lực-Lượng Trung-Ương – Hải-Quân Đại-Tá Vũ Xuân An – từ Đồng-Tâm, liên lạc được với Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn và ra lệnh Thiếu-Tá Tuấn, bằng mọi cách, phải đưa đơn vị rời Tuyên-Nhơn.

Là một sĩ quan nặng tinh thần kỹ luật, Thiếu-Tá Tuấn triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp. Tất cả sĩ quan chỉ mới tề tựu được mấy phút thì Việt-Cộng tiến vào và dừng lại cách vòng đai căn cứ Hải-Quân một khoảng ngắn. Hai bên không nổ súng. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc, hỏi Đại-Tá An: “Có đi được không, Commandant?” Đến lúc đó Đại-Tá An mới cho Thiếu-Tá Tuấn biết là đã rã ngũ! Thiếu-Tá Tuấn lại liên lạc với Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo – để được xác nhận.

Hiểu rõ tình hình, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn nhân danh Tư-Lệnh Hải-Quân, tuyên bố giải nhiệm những đơn vị Hải-Quân trong vùng trách nhiệm; rồi Ông mở đường máu, đưa đoàn chiến đỉnh về Bến-Lức.

Khi đoàn chiến đỉnh vừa rời nơi đồn trú khoảng một cây số thì bị Việt-Cộng tấn công. Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám vừa phản công vừa xuôi theo sông Vàm-Cỏ.

Tối 30 tháng 4, khoảng nửa đêm, đoàn giang đỉnh về gần đến kinh Thủ-Thừa, Việt-Cộng bắn chỉ thiên, gọi đoàn giang đỉnh lại.Để tránh đổ máu, Thiếu-Tá Tuấn ra lệnh đoàn tàu cứ tiến, không được bắn trả; trừ trường hợp Việt-Cộng cố tình tiêu diệt mình thì mình mới tự vệ.

Thấy đoàn chiến đỉnh vẫn tiếp tục di chuyển, chiến xa Việt-Cộng hạ nòng súng bắn trực xạ. Nhiều nhân viên Giang-Đoàn chết và bị thương. Tức tốc, đoàn chiến đỉnh bắn trả.

Khi bắt được tần số truyền tin nội bộ của Hải-Quân, Việt-Cộng kêu gọi Thiếu-Tá Tuấn cho chiến đỉnh ủi bãi, lên bờ trình diện. Quá phẫn uất, Thiếu-Tá Tuấn đưa nòng súng “ru-lô” lên…

Khuya 30 tháng 4, rạng ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên sông Vàm-Cỏ-Tây, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – đi vào lịch sử!

ĐIỆP MỸ LINH