Saturday 21 April 2018

sổ tay thường dân Tưởng Năng Tiến: Nền Giáo Dục Của Một Quốc Gia Độc Lập - Nạn Nhân & Thủ Phạm

1 doc lap
Không có gì quý hơn độc lập tự do”
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Nguyễn Chí Thiện


Vào buổi khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, 3 tháng 9 năm 1945, Chủ Tịch Nước Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập.” Ngay “giờ phút” đó, chắc chắn, toàn dân không ai có thể hình dung ra được là cái “nền giáo dục của một nước độc lập” nó mắc (tới) cỡ nào?
Phải đợi đến gần hai phần ba thế kỷ sau, giá cả mới được ghi rõ – theo Mỹ Kim bản vị – trên báo Sài Gòn Tiếp Thị:
“Tháng Bảy mới là thời điểm chính thức các trường đầu cấp nhận hồ sơ tuyển sinh, nhưng hiện nay tại Hà Nội, cuộc chạy đua vào lớp 1 đã lên đến đỉnh điểm. Dù không giấy mực hay tuyên bố chính thức ‘giá’ vào trường điểm là bao nhiêu, nhưng các bậc phụ huynh đều hiểu muốn cho con vào trường mình mong muốn đều phải mở hầu bao. Một suất vào trường điểm lên đến cả vài nghìn USD.”
“Vài” là bi nhiêu?
Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế có con số chính xác hơn: VN đứng hạng nhì trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương về giá hối lộ cho một năm học vào trường công lập. Phải trả ba ngàn đồng để mua một chỗ ngồi học trong những trường công lập uy tín là một khoảng tiền rất lớn trong một đất nước mà lợi tức trung bình hằng năm chỉ nhỉnh hơn hai ngàn hai trăm đô chút xíu. (“A Transparency International report has found Vietnam to have the second highest bribery rates for public schools in the Asia Pacific region. It costs up to $3,000 to buy a place at the most sought after public schools, a huge expense in a country where annual average incomes barely top $2,200).”
Không có thông tin nào về giá để được dậy ở trường điểm Hà Nội cả nhưng chắc chắn là cũng không rẻ lắm vì ngay ở những vùng xa/vùng sâu mà số tiền (“chạy cho một suất”) cũng đã cao ngất trời rồi – theo báo Lao Động, số ra ngày 14 tháng 3 năm 2018:
“Để được ký hợp đồng ngắn hạn và lời hứa vào biên chế, có giáo viên phải chi từ 200-300 triệu đồng nhưng cuối cùng vẫn không có việc làm ổn định.”
Nguyên do đưa đến hoạn nạn (“tiền mất tật mang”) được báo Tiền Phong, số ra cùng ngày, cho biết thêm chi tiết:
“Chuyện hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp mất việc có nguồn cơn từ việc 3 đời lãnh đạo huyện này đã ‘ký bừa’ hợp đồng với hơn 600 giáo viên, nhân viên giáo dục.”
May mắn là Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã lên tiếng “can thiệp” kịp thời, và “đề nghị” một phương cách giải quyết (hết sức vô tư) như sau:
“Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở GD&ĐT có giải pháp can thiệp… đề nghị các cơ quan liên quan sớm có phương án sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các giáo viên làm việc tại địa phương.”
Với “hướng tiếp nhận tối đa” thế này thì nhiều lớp học sẽ có hai hay ba giáo viên phụ trách. Người đứng đầu, người đứng cuối, và nếu vẫn dôi dư thì nhét thêm một ngồi giữa (lớp) nữa là xong. Học sinh sẽ được dậy dỗ kỹ càng hơn, và – chung cuộc – chả ai bị mất việc cả. Nhờ vậy, giới quan chức địa phuơng sẽ hết phải thấp thỏm, và phải nhờ đến trung ương can thiệp – như tin loan của báo Dân Trí hôm 28 tháng 3 năm 2018:
“Đắk Lắk đề nghị báo chí tạm dừng đưa tin 500 giáo viên mất việc … nhằm tránh làm nóng vấn đề.”
Vấn đề, thực ra, không chỉ giới hạn vào chuyện bạc tiền. Giáo giới còn phải trả giá bằng nhiều hình thức khác nữa cơ.
Hôm 16 tháng 11 năm 2016, tờ Vietnamnet ái ngại cho hay: “Chuyện giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh được điều đi tiếp khách đã làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT sáng nay.” May thay, câu chuyện đã nguội ngay, ngay sau khi ông Phùng Quang Nhạ giải thích (xuê xoa) rằng có nhiều vị khách tưởng giáo viên là tiếp viên nên chỉ “vui vẻ chút thôi” – chứ cũng không có gì là nghiêm trọng lắm!
Đến đầu tháng ba năm 2018 thì có “sự cố” khác, nóng hơn chút xíu, khi báo chí đồng loạt loan tin: Cô giáo phải qùi gối trước phụ huynh. Đến cuối tháng này lại có thêm chuyện nóng mới: Phụ huynh đánh cô giáo mang thai nhập viện!
Bạo lực học đường, nói cho nó công tâm, không chỉ đến từ một phía. Cha mẹ học sinh, đôi khi, chỉ vì “nóng lòng báo thù” cho con cái nên hơi quá tay chút xíu thôi. Giáo chức, không ít vị, cũng rất đáng bị trách phạt bằng những hình thức nặng nề hay thô bạo:
– 2 doc lap
Ảnh: giaoduc.net
Điều an ủi là loại cô thầy bất nhân tuy nhiều nhưng… không nhiều lắm. Bên cạnh thành phần bất hảo, vẫn có những nhà mô phạm tận tâm và khả kính.
Ngày 23 tháng 3 năm 2018 – ông Trần Tuấn Khanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang – cho biết: “Đến thời điểm này toàn tỉnh có trên 3.000 em học sinh không trở lại lớp từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 … Đa số là học sinh lớp 8, 9. Các em này một phần do hoàn cảnh khó khăn, ăn tết xong các em theo gia đình lên những thành phố lớn để làm ăn. Mặc dù các em chưa đến tuổi lao động nhưng cũng đi theo cha mẹ.”
Đây là tình trạng phổ biến trên toàn quốc chứ không riêng chi ở An Giang. Đôi nơi, giáo viên đã hết sức tận tụy trong việc tìm lại học trò – theo như lời tự thuật của thầy giáo Vũ Văn Tùng:
“Những ngày tháng Ba khi hoa Pơ Lang đang nở đỏ rực trời Tây Nguyên, những giáo làng vùng sâu chúng tôi lại tất bật với hành trình lên nương tìm kiếm học trò. Khoác vội chiếc ba lô và cưỡi lên ‘con ngựa sắt’ già, tôi lại bắt đầu một cuộc hành trình hơn 40km đi tìm kiếm học trò. Sau gần 2 giờ đồng hồ rong ruổi đường rừng, tôi tìm thấy em trong một túp lều giữ rẫy của người dân vào đúng giờ nghỉ trưa.
Vừa nhìn thấy tôi, em ngượng ngùng đứng nép vào vai bạn. Tôi tiến lại gần em và nói: về với thầy với lớp đi em. Bỗng có tiếng lanh lảnh của một người phụ nữ trạc tuổi 40 ‘sao anh lại cướp công của tôi?’ và kèm sau đó là những ngôn từ chua chát khác.
Loay hoay tìm hết lời lẽ vận động, giải thích, mãi đến xế chiều thầy trò tôi mới được người phụ nữ ấy tha cho về với 60.000 đồng là nửa ngày công của em.
Đưa em về nhưng trong lòng tôi vẫn canh cánh một nỗi lo vì không biết sẽ giữ được em bao lâu khi mà gánh nặng mưu sinh đang đè nặng trên đôi vai cô học trò bé nhỏ.”
Thầy Tùng khiến tôi thốt nhớ đến tâm sự của một một nhà văn tiền bối:
“Sau khi đỗ tiểu học, tôi thi vào Trung -học. Những bạn của tôi ở từ các tỉnh tới, nói nhiều giọng khác nhau: Quảng – nam, Quảng -ngãi, Thừa -thiên, Bình – thuận, Ban- mê- thuột… Sau mỗi kỳ nghỉ Tết mỗi kỳ nghỉ Hè, lũ bạn đi học mang theo quà địa phương của mình. Bạn Quảng-nam mang theo khoai lang khô và bánh tổ, bạn Quảng-ngãi mang theo đường phổi, bạn Phan-thiết mang theo nước mắm nhĩ, còn rim mức, kẹo mè, bánh in, bánh cốm thì gần như không ai không có…
Ngoài những bạn học người kinh, ký túc xá còn nhận những học sinh người Rhadé, những Y Bliêng, Y Phơm, Y Bih, R’om Rock, Nay Phin… Họ đồng phục kaki vàng và trao đổi trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp… Những buổi chiều trong sân trường, Y Phơm hay biểu diễn môn bắn ná cho chúng tôi xem và mách rằng: ‘Thằng Y Bliêng đó, nó giầu lắm. Nhà nó có năm con voi và nhiều con trâu… Ở ký túc xá ăn, học, ngủ đều đúng giờ giấc nhưng khi thích chúng tôi vẫn lén nhẩy rào hay chun rào ra phố xem xi-nê…” (Võ Hồng. Người Về Đầu Non. NXB Văn: Sài Gòn, 1968).
Nhà văn/nhà giáo Võ Hồng sinh năm 1921, và bắt đầu dậy học từ năm 1943. Tuổi ấu thơ và tuổi học trò của ông đều gói trọn trong thời gian nước nhà còn bị đô hộ và lệ thuộc. Phải đợi đến ngày 3 tháng 9 năm 1945, ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ Tịch Hồ Chí Minh mới long trọng cho biết: “Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập.”
Không có gì quý hơn độc lập tự do”
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
 (Nguyễn Chí Thiện)
Đến giờ thì không riêng đồng bào miền Bắc mà dân chúng mọi miền, kể luôn miền ngược, cũng đều biết việc nó làm, tội nó phạm ra sao!
Tưởng Năng Tiến

Nạn Nhân & Thủ Phạm


1 nan nhan
Thấy ngay thủ phạm: vàng sao lá cờ!
Nguyễn Chí Thiện (1961)


Ngày 20 tháng 2 năm 1947, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm Thanh Hoá và ân cần căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu… Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu.” Hôm ấy chắc Bác không được khoẻ, nói năng nhỏ nhẹ (và yếu ớt) quá nên chả ai nghe gì ráo trọi.
Bởi vậy, sáu mươi lăm năm sau – năm 2012 – Chủ Tịch Trương Tấn Sang lại phải “ân cần” nhắc lại: “Phấn đấu… xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong ước.”
Bác đã đi xa. “mong ước” của Người (xem ra) cũng còn xa lơ, xa lắc – theo như thông tin của báo chí nước nhà:
“Vụ ‘hot girl’ xứ Thanh” vừa nguội, và cũng mới bớt buồn (chút xíu) thì báo Tuổi Trẻ lại ái ngại cho hay một tin buồn khác: “Năm đinh tặc sa lưới.” Tuy sự việc xẩy ra ở Bình Dương nhưng cả năm “đối tượng” bị bắt giữ đều là dân Thanh Hoá. Mẩu tin này được hằng triệu người quan tâm, cùng với hàng ngàn lời bình luận rất khắt khe và nặng vẻ kỳ thị (hay phân biệt) vùng miền:
Phạm Xuân Quang Con mẹ nó, cho chém hết tụi này đi.
Thuy Do chặt tay lũ này được rồi, đồ khốn xem thường mạng sống của người dân
Pham Kieu Theo em lột trần bọn này, đứng xếp hàng, rải đinh của bọn nó ra, từng đứa một vào bò, lăn lộn trên số đinh đấy
Trần Thanh Lại là người Thanh Hóa …
Thành Tiến Đm lại là dân Thanh Hoá …
Quỳnh Như Hỏi sao ngta ác cảm với thanh hoá
Két Sắt An Toàn Thanh hoá nhiều người xa quê không chịu làm ăn lương thiện cuối cùng được ngồi nhà đá ăn cơm cả xô.
Tôi cũng xa quê, xa lắm, và xa gần trọn cả đời. Trên bước đường lưu lạc, thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp những đồng hương Thanh Hóa. Chưa ai gây cho tôi một ấn tượng xấu xa nào cả, nếu không muốn nói là hoàn toàn ngược lại.
Có lần, tại Vang Vieng – một thị trấn giữa đèo, ở Bắc Lào – cô thợ hớt tóc nhất định trả lại tiền công chỉ vì tôi nhỏ nhẹ “cảm ơn” trước khi từ biệt. Cô gái nói nghe như hát: “Ui chao ơi, con nỏ biết chú là người Việt mô. Người mình chi mà cao rứa hè?”
Sau đó, cháu còn gọi điện thoại cho chồng – một chàng trai cùng quê, làm nghề xây dựng, hay nói chính xác hơn là phụ hồ, và đang thất nghiệp – nhắn phải chạy ngay ra tiệm để “gặp ông chú ni lạ lắm.” Đây là lần đầu tiên họ gặp mặt một “Việt Kiều” và cũng là lần đầu tiên tôi có dịp nói chuyện với hai người bạn, từ Thanh Hoá.
2 nan nhan
Ảnh chụp ở Vang Vieng năm 2015
Ở Thái Lan thì phần lớn di dân Việt Nam – bất kể Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Thanh Hoá – không đi phụ hồ, cũng không hớt tóc. Họ thường giúp việc ở tiệm ăn, nếu chưa có đủ vốn để “làm chủ” một cái xe bán trái cây hoặc nước dừa.
Cứ mỗi lần nhìn thấy đồng bào mình tất bật trong mấy hàng quán chật chội, nhễ nhại mồ hôi nơi các công trường, hay lầm lũi đẩy những xe bán hàng rong (loanh quanh khắp phố phường Bangkok) tôi đều muốn ứa nước mắt. Ở tuổi đôi mươi – lẽ ra – họ phải được ngồi ở giảng đường đại học, thay vì suốt ngày đầu tắt mặt tối nơi đất lạ xứ người.
Tất cả đều rất cần cù, nhẫn nại, chắt chiu và (vô cùng) chịu thương, chịu khó. Tuy thế, gần như không ai kiếm được quá năm trăm Mỹ Kim mỗi tháng nhưng ai cũng dành dụm phân nửa (hoặc hơn) số tiền nhỏ nhoi này để gửi về quê cho gia đình, hay chòm xóm.
Tôi chưa bao giờ có dịp bước chân ra đến miền Trung nên không thể hiểu được tại sao đa phần những người trẻ tuổi nơi đây lại phải tha phương (hay đi rải đinh những nẻo đường quê hương) để mưu sinh? Bản tin “năm đối tượng quê Thanh Hoá” vừa bị bắt vào ngày 27 tháng 2 vừa qua không làm suy giảm mối hảo cảm của tôi với người dân ở vùng đất này mà chỉ khiến nhớ đến một bài báo khác (“Ai Rải Đinh Trên Con Đường Giáo Dục”) của tác giả Trương Khắc Trà. Ông đặt vấn đề:
Giáo viên bị bắt quỳ gối ở Long An, học sinh bóp cổ giáo viên ở Bến Tre, hàng trăm giáo viên bỗng nhiên mất việc ở Đắc Lắc…tất cả những điều đó buộc xã hội phải nhìn nhận lại nghề giáo.”
Tôi thì trộm nghĩ thêm rằng mọi ngành nghề hiện nay đều có vấn đề, chứ chả riêng chi nghề giáo:
– Ai rải đinh vào ngành giao thông mà Tổng Kiểm Toán Hồ Đức Phước cho hay là mới kiểm toán 49 dự án BOT và đã giảm được 173 năm thu phí, và đây mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.
– Ai rải đinh vào ngành nông nghiệp để nông dân phải đổ rau củ thối, trong khi nhà nước vẫn chi ra hằng 100 triệu Mỹ Kim cho hàng nhập khẩu?
– Ai rải đinh trên vào ngành công nghiệp để đến thế kỷ 21 mà Việt Nam vẫn chưa làm được con đinh vít, và mỗi năm vẫn phải nhập cảng hằng chục ngàn tấn tăm tre và đũa tre từ Trung Quốc?
– Ai rải đinh vào ngành lâm nghiệp khiến “dân chở hai cái thớt gỗ thì bị bắt vì tội phá rừng, quan chở nguyên dàn cây cổ thụ đi hàng nghìn km thì không ai phát hiện ra?”
– Ai rải đinh vào ngành ngoại giao khiến nạn lạm thu xẩy ra “ở khắp địa cầu,” và nạn nhân phẫn uất đến độ có người tự đâm dao vào ngực, tử vong ngay trước Toà Đại Sứ VN ở Malaysia?
– Ai rải đinh vào ngành công an khiến (nguyên) Tổng Cục Trưởng u Cục Cảnh Sát vừa bị bắt vì tội danh chứa bạc, người dân đã đặt ngay ra câu hỏi: “còn đương kim Tổng cục trưởng – Trung tướng Trần Văn Vệ – thì sao” ?
– Ai rải đinh vào hệ thống ngân hàng khiến cho đại diện Ngân Hàng Nhà Nước khuyến nghị thân chủ phải thường xuyên kiểm tra tiền gửi để tránh mất cắp? Ai cắp?
– Ai rải đinh vào ngành lập pháp mà ghế đại biểu quốc hội có thể chạy được bằng tiền và dân biểu quốc hội lại “âm thầm” nhập quốc tịch nước ngoài?
– Ai rải đinh vào ngành tư pháp mà toà xử dân ăn cắp hai con vịt bị lãnh án 13 năm tù, còn cán bộ đi xe bảng số giả, tông chết người thì chỉ bị xử phạt hành chính?
– Ai rải đinh vào ngành xây dựng mà đường ống nước sông Đà vỡ đến lần thứ hai mươi mốt?
– Ai rải đinh vào hàng ngũ quân đội để cho lực lượng này bạc nhược đến độ không “giải phóng” nổi “một cái sân chơi gôn bé tí” – theo như lời than phiền của một nhà thơ: Một sân gôn bé tíThế mà quân đội taMãi không giải phóng đượcCòn nói gì Hoàng Sa.
– Ai rải đinh vào ngành y tế để bệnh nhân phải nằm chồng chất lên nhau, và dùng thuốc ung thư giả được coi là chuyện bình thường!
3 nan nhan
Ảnh: FB
Mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách của đất nước đều bị bọn quốc tặc rải đinh (mười phân) ráo trọi thì xá chi mấy mảnh thép lụn vụn, trên vài con hương lộ ở Bình Dương. Cứ chăm chăm ném đá tới tấp vào vài tên đinh tặc lắt nhắt (những kẻ chỉ vì bần cùng sinh đạo tặc) thì sợ rằng chúng ta đã nhầm lẫn – tai hại – giữa nạn nhân và thủ phạm!
Tưởng Năng Tiến