Saturday, 21 April 2018

Facebook và thông tin cá nhân của bạn - Hà Dương Cự

Ông Mark Zuckerberg, chủ nhân của Facebook. (Hình: Getty Images)

Facebook là mạng xã hội (social network) lớn nhất thế giới. Mới đây Facebook đã bị tai tiếng rất nhiều, đến nỗi ông trùm Facebook Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ. Sự việc xảy ra làm sao? Bạn có cần quan tâm đến không?
Vụ tai tiếng Cambridge Analytica và Facebook
Vào Tháng Ba vừa qua báo The New York Times và The Guardian bên Anh đăng tin là công ty Cambridge Analytica, có trụ sở bên Anh vào năm 2014 đã lấy được dữ liệu cá nhân của nhiều triệu người dùng Facebook. Tờ báo cũng đăng thêm là Cambridge Analytica có tiếp xúc với Lukoil, công ty dầu hỏa của Nga. Lukoil muốn dùng dữ liệu của Cambridge Analytica để xen vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Sau khi những bài báo đó được đăng lên thì có nhiều phản ứng từ nhiều phía, đòi hỏi Facebook phải cho biết rõ mọi sự kiện và có những biện pháp gì để ngăn chặn sự việc như vậy sẽ xảy ra trong tương lai.
Facebook hoạt động ra sao
Facebook là một mạng trong hệ thống thông tin toàn cầu Internet. Ngoại trừ ở một vài nước cấm Facebook như Trung Quốc, mọi người đều có thể ghi tên vào mạng Facebook không tốn tiền. Bạn có thể cho Facebook biết là mình hiện đang ở đâu, đang làm gì, học trung học ở đâu, học đại học trường nào, để hình mình lên và nhiều thông tin khác.
Một khi bạn đã là thành viên của Facebook thì bạn có thể làm “bạn” (friend) với những thành viên khác của Facebook. Chữ “bạn” ở đây có thể là cha, mẹ, con cái hay bất cứ người nào. Thí dụ bạn tìm trên Facebook những người cùng học trung học, bạn thấy có một người quen. Bạn  gửi một tin nhắn qua Facebook là bạn muốn làm bạn với người đó. Nếu người đó chấp nhận thì hai người sẽ là bạn trên Facebook. Ngược lại, những người khác cũng có thể gửi cho bạn một tin nhắn xin kết bạn và bạn có thể chấp nhận hoặc từ chối.
Mọi người thường đăng lên Facebook những hoạt động của mình, như đi đâu chơi thì đem hình để lên Facebook. Những người “bạn” trên Facebook đều thấy những hoạt động của bạn và ngược lại bạn cũng biết họ làm gì. Đó là điểm hấp dẫn của Facebook. Có nhiều người thường để hình ảnh của con mình lên trên Facebook để cha mẹ bên Việt Nam có thể thấy hình cháu mình.
Bạn có thể tự hỏi nếu vào Facebook miễn phí thì Facebook lấy tiền ở đâu để hoạt động? Xin thưa, Facebook làm ra tiền hoàn toàn là do quảng cáo.
Lịch sử và dữ kiện về Facebook
Facebook được bắt đầu ở Đại Học Harvard. Ông Zuckerberg cùng mấy bạn cùng học ở Harvard thành lập Facebook vào năm 2004. Lúc đầu Facebook cũng có nhiều vấn đề. Trước đó một năm ông Zuckerberg là thảo chương viên chính của phần mềm Facemash. Đó là một dịch vụ trực tuyến cho phép các sinh viên đánh giá sự thu hút của các sinh viên khác. Nhưng Facemash chỉ tồn tại được có mấy ngày và bị Harvard đóng cửa vì vi phạm luật. Chính ông Zuckerberg cũng suýt bị đuổi vì vụ này, nhưng mọi sự được dàn xếp ổn thỏa.
Tuy chỉ có mấy ngày nhưng cũng có tới 450 sinh viên vào Facemash và bỏ phiếu 22 ngàn lần. Sự kiện này làm cho Zuckerberg nghĩ đây là một sáng kiến hay. Tháng Hai, 2004, Facebook được tung ra cho sinh viên Harvard sử dụng. Ông Zuckerberg dùng chữ Facebook là vì từ Facebook dùng để chỉ những tờ giấy phát ra cho sinh viên mới vào trường trong đó có ghi các thông tin về các sinh viên và giáo sư.
Các sinh viên vào Facebook có thể để hình của mình lên cùng những thông tin cá nhân như lịch trình các lớp học. Nội trong 24 giờ đã có 1,200 sinh viên ghi tên gia nhập Facebook và trong vòng một tháng nửa số sinh viên học cử nhân đã tham gia Facebook. Sau đó các sinh viên của những trường danh tiếng khác như Yale hay Stanford cũng được quyền tham gia. Tới Tháng Sáu, 2004, thì đã có  trên 250 ngàn sinh viên từ 34 trường đại học ghi tên vào Facebook. Tới cuối năm thì con số lên tới trên một triệu.
Vào năm 2005, học sinh và sinh viên các trường đại học ngoài Hoa Kỳ được tham gia vào Facebook  và tới cuối năm thì con số hội viên tích cực lên tới 6 triệu. Facebook mở rộng cho tất cả mọi người vào năm 2006.
Tới năm 2012 thì Facebook vượt qua số 1 tỷ người dùng. Năm ngoái ông Zuckerberg tuyên bố là Facebook có trên 2 tỷ người dùng mỗi tháng. Thế giới có 3.7 tỷ người có truy cập vào mạng Internet, trừ ra khoảng 700 triệu người Hoa không vào Facebook được thì còn 3 tỷ. Như vậy cứ trong ba người truy cập vào Internet thì có hai người vô Facebook mỗi tháng.
Ảnh hưởng của Facebook
Facebook đã đem lại cho người dùng một dụng cụ giúp cho mọi người có thể liên lạc với rất nhiều người khác. Facebook cho phép bạn ngồi ở nhà mà có thể biết tin tức của bạn bè, người thân ở khắp nơi trên thế giới. Có nhiều người quen cả mấy năm không liên lạc nhưng vẫn theo dõi hoạt động của nhau qua Facebook.
Vì Facebook giúp bạn kết nối với mọi người trên khắp thế giới và mọi việc đều xảy ra nhanh chóng nên nhiều người bị nghiện Facebook như là nghiện thuốc lá, cứ 10 hay 15 phút là phải vào Facebook xem có gì lạ không.
Theo một thống kê thì trung bình một ngày có 1.4 tỷ người truy cập vào Facebook. Trung bình mỗi lần truy cập là 20 phút. Không một tổ chức hay một chính phủ nào có thể có được sự chú ý đến như vậy.
Từ những dữ liệu thu thập hàng ngày Facebook dùng những phần mềm đặc biệt để có thể xếp loại (profiling) người dùng. Thí dụ một người lên Facebook hay nhấp chuột vào những quảng cáo về mỹ phẩm thì Facebook biết người này thích mỹ phẩm.
Nếu bạn là một người hay đăng trên Facebook mọi chuyện thì Facebook biết nhiều về bạn hơn bất cứ một tổ chức nào khác trên thế giới. Họ biết bạn đi đâu, làm gì, thích gì và “bạn” của bạn là ai. Một chính quyền độc tài kiểm soát dân chúng chặt chẽ như Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thể biết nhiều về bạn đến như thế.
Các công ty đều muốn đăng quảng cáo trên mạng Facebook vì quảng cáo ở đây hữu hiệu hơn quảng cáo trên báo hay trên truyền hình. Thí dụ một công ty chuyên về mỹ phẩm thì chỉ cần quảng cáo cho những người thích mỹ phẩm, không cần quảng cáo cho những người khác.
Tại sao những dữ liệu cá nhân lại có thể xen vào chính trị? Facebook hay một công ty khác như  Cambridge Analytica có thể xếp loại người dùng theo khuynh hướng chính trị và dùng sự kiện đó để loan những tin có tính cách khích động cho một loại người nào đó.
Không muốn Facebook biết về bạn
Nếu bạn không muốn Facebook biết gì về bạn thì cách tốt nhất là đừng bao giờ ghi tên vào đó. Một khi đã ghi tên vào Facebook thì khó mà có thể làm gì được. Trong một bài báo đăng trên trang nhất của tờ New York Times ngày 12 Tháng Tư vừa qua một phóng viên kể lại là ông ta là một thành viên của Facebook nhưng ít khi vào đó và không bao giờ nhấp chuột vào quảng cáo. Khi ông ta đào sâu vào Facebook thì thấy khoảng 500 nhà quảng cáo có các thông tin cá nhân của ông ta. Facebook còn lưu trữ hồ sơ về những người bạn đã bỏ từ lâu và toàn bộ sổ điện thoại của ông ta.
Vì Facebook quá mạnh nên chính phủ Hoa Kỳ đang đòi hỏi Facebook phải bảo vệ các thông tin cá nhân. Nhưng ông Zuckerberg chỉ hứa hẹn là sẽ có những biện pháp cụ thể trong tương lai. 
Hà Dương Cự