Thursday 26 April 2018

Thế giới có an bình, hạnh phúc không khi bị Trung Quốc thống trị? - Đại-Dương

Một số học giả, chính trị gia, ký giả đã, đang và sẽ tốn nhiều giấy mực, nước bọt để thuyết phục rằng Trung Quốc đang trỗi dậy mà không có cách nào ngăn chặn được. Vì thế, chuyện thay thế vai trò siêu cường của Hoa Kỳ sẽ chóng vánh và không thể tránh được dù trên phương diện kinh tế, quân sự, kể cả chính trị!
Niềm tin của họ dựa vào so sánh kinh tế: GDP nominal năm 2018 của Hoa Kỳ là 20,200 tỉ USD so với 13,100 tỉ của Trung Quốc mà tính theo GDP sức mua (PPP) thì 20,200 tỉ và 25,100 tỉ. Do đó, một số cho rằng Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ.
Nhưng, GDP nominal per capita năm 2017 của Hoa Kỳ là 59,500 USD so với 8,600 của Trung Quốc.
Trong bài Autocracy With Chinese Characteristics Beijing's Behind-the-Scenes Reforms đăng trên Tạp chí Foreign Affairs số tháng Năm và tháng Sáu 2018, Giáo sư Chính trị học Uyen Uyen Ang thuộc Đại học Michigan đã phân tích về ảnh hưởng của chế độ chính trị đã tác động lên nền kinh tế Trung Quốc qua ba thời kỳ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình.
Ang thừa nhận “Tây Phương đã sai lầm khi tin vào phát triển kinh tế sẽ kéo theo thay đổi chính trị về hướng dân chủ. Trung Quốc đã làm ngược lại khi quan-liêu-hoá hệ thống đảng Cộng sản và Nhà nước mà kinh tế vẫn phát triển nhanh và ổn định”.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kết quả từ ba thời kỳ quan trọng Mao, Đặng, Tập thì Ang kết luận: “Hiện nay, Bộ máy Đảng và Nhà nước (không kể giới quân sự và doanh nghiệp quốc doanh) đã hơn 50 triệu người. Tốp ưu tế chính trị chiếm 1% (khoảng 500,000 cán bộ) giữ vai trò quản trị guồng máy quan liêu của Trung Quốc”. Kinh tế thời Mao là lệnh từ trên xuống, chặn sáng kiến từ dưới lên nên thất bại. Đặng dân-chủ-hoá các cải cách để bảo đảm hệ thống quan liêu có trách nhiệm, thúc đẩy cạnh tranh, và hạn chế quyền lực cá nhân của nhà lãnh đạo (cởi mở kinh tế, siết chặt chính trị). Vì thế, giới lãnh đạo hiện thời ở Bắc Kinh cũng nên lưu ý tới bài học này”.
Bắc Kinh áp dụng chính sách “kinh tế ăn cướp” bằng cách chèn ép thương mại, cưỡng đoạt tài nguyên thiên nhiên, ăn cắp tài sản trí tuệ của nước khác mà làm giàu, trái với tinh thần toàn-cầu-hoá do Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) quy định.
Chính sách này đang gặp phản ứng gay gắt vì nợ công của Trung Quốc năm 2018 lên tới 257% GDP và dự kiến 327% vào năm 2022, nhưng, các chuyên gia ở Trung Quốc lại nói chỉ có ĐCS may ra biết là bao nhiêu. Bắc Kinh giăng chiếc “bẫy nợ” đã gặp phản ứng dữ dội tại Pakistan, Sri Lanka, Marawi (ở Phi Luật Tân).
Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành chính sách đối đầu kinh tế với Chủ tịch Tập Cận Bình bằng cách tố cáo những vi phạm luật pháp thương mại quốc tế và hành động ăn cắp tài sản trí tuệ. Mỹ trừng phạt các vi phạm của Trung Quốc trị giá 60 tỉ USD/năm. Bắc Kinh trả đũa kinh tế 60 tỉ USD mà không chứng tỏ các vi phạm của doanh nhân Mỹ. Lập tức, Trump ra lệnh cứu xét việc trừng phạt Trung Quốc thêm 100 tỉ USD nữa. Liên Âu và các đồng minh Châu Á tuy ít bằng lòng với chiến lược “Nước Mỹ Trên Hết”, nhưng, vẫn tố cáo chính sách thương mại không-công-bằng của Trung Quốc. Liên Âu phàn nàn Sáng kiến Con đường và Vành đai (BRI) trị giá 900 tỉ USD đã làm chia rẽ tổ chức này.
Sau lần gặp mặt hai ngày, kể từ 17-04-2018, giữa Thủ tướng Shizo Abe và Tổng thống Donald Trump tại Florida thì giới chuyên gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Âu chuẩn bị họp tam phương vào tuần tới ở Geneve để giải quyết các vấn đề giao dịch không-công-bằng liên quan đến tình trạng sản xuất dự thừa, trợ cấp bóp méo thị trường, doanh nghiệp nhà nước nhằm chuẩn bị cho cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại vào tháng năm tại Ba Lê.
Tổng thống Trump cũng ra lệnh cho Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia rà soát lại vấn đề tái gia nhập Hiệp ước Hợp tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) như mong đợi của nhiều nước quanh Vành đai Thái Bình Dương.
TPP gồm 12 quốc gia ký kết năm 2015 chiếm 38.2% GDP toàn cầu và 1/3 lượng thương mại thế giới. Hiệp ước Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương được 11 nước ký kết vào tháng 3-2018 chiếm 13.5% GDP nên rất mong Hoa Kỳ tái nhập.
Tập Cận Bình không thể làm mưa làm gió như trước vì cộng đồng quốc tế đã nhìn rõ âm mưu kinh tế thâm độc của Trung Quốc.
Trong bài "Sức mạnh quân sự Trung Quốc vươn ra toàn cầu" đăng trên BBC ngày 15-02-2018, Tác giả Jonathan Marcus đã nhận xét về sức mạnh của Trung Quốc xuyên qua các tài liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London.
Thứ nhất, kế hoạch hiện-đại-hoá quân sự của Bắc Kinh tiến nhanh hơn dự đoán của giới chuyên gia quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực Không quân và Hải quân đã buộc Hoa Thịnh Đốn phải lấy Trung Quốc thay cho làm bậc thang đánh giá sức mạnh quân sự Hoa Kỳ.
Trung Quốc tiến bộ về kỹ thuật quân sự nên có thể sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm J-20, tự đóng tàu sân bay thứ hai và dự trù cho nhu cầu bảy chiếc, kể cả loại sử dụng năng lượng nguyên tử, tự hoàn toàn chế tạo tuần dương hạm Type 055 tương đương với khả năng của Tây Phương. Bắc Kinh đang chế tạo loại hoả tiễn tầm xa, nếu thành công sẽ triệt hạ nhiên liệu cơ và trinh sát cơ của địch quân trước khi lâm trận.
Thứ hai, sức mạnh chiến lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể nới rộng vùng phong toả và chống tiếp cận (A2AD) ra tận khu vực nước sâu của Thái Bình Dương. Nhưng, giới chuyên gia quốc tế nghi ngờ khả năng tích hợp giữa các loại chiến cụ, vũ khí tối tân và hiện đại khi Trung Quốc chưa đưa ra được học thuyết tương ứng. Do đó, hiệu quả tác chiến của PLA chỉ ở trong vòng lý thuyết và giả định.
Thứ ba, sức mạnh quân sự Trung Quốc nguy hiểm nhất thuộc phần cạnh tranh xuất cảng vũ khí với Hoa Kỳ. Thông thường Mỹ không bán vũ khí hiện đại nhất cho các nước, kể cả đồng minh, ngoài trừ Anh Quốc nên bỏ trống một thị trường màu mỡ cho Trung Quốc nhảy vào.
Bắc Kinh sẵn sàng bán công nghệ vũ khí hiện đại cho bất cứ quốc gia nào chưa có, với kỹ thuật vũ khí tương đương 75% của Tây Phương mà giá chỉ bằng phân nữa nên rất hấp dẫn. Bắc Kinh đã bán phi cơ không-người-lái vũ trang (UAV) cho Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Ả-rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Myanmar trong khi Mỹ chỉ trang bị cho Anh và Pháp.
Đệ nhị Thế chiến xảy ra khi Đức Quốc Xã và Quân phiệt Nhật đã xây dựng được lực lượng quân sự vượt trội và một xã hội sùng bái bạo lực nhờ thể chế độc tài toàn trị kích động tâm lý bành trướng, bá quyền.
Tập Cận Bình và Vladimir Putin đang cố xây dựng mô hình xã hội trại lính để thực hiện tham vọng thống trị thế giới.
Nhân loại nhất quyết không cho phép hai ông vua không ngai này tái diễn thảm hoạ Thế chiến Thứ hai.
Hoa Kỳ tình nguyện dẫn đầu đang được các cường quốc lẫn nhiều quốc gia yêu chuộng hoà bình, mến mộ tự do, ham muốn phát triển, cầu mong hạnh phúc thành hình một mặt trận bảo vệ khát vọng chung của loài người.
Đại-Dương