Tuesday 11 September 2018

Đại Văn Hào Victor Hugo và Tác Phẩm "Các Kẻ Khốn Cùng" - Phạm Văn Tuấn

Victor Hugo là nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, nhà viết kịch danh tiếng nhất của nước Pháp, là nhân vật dẫn đầu phong trào Lãng Mạn (the romantic movement) của nền Văn Chương Pháp. Các tác phẩm của ông gồm 45 cuốn với hai cuốn tiểu thuyết được toàn Thế Giới biết đến, là cuốn "Anh Gù của Nhà Thờ Đức Bà" (The Hunchback of Notre Dame, 1831) và cuốn "Các Kẻ Khốn Cùng" (Les Misérables, 1862), với hai nhân vật trong truyện là anh gù Quasimodo trong cuốn tiểu thuyết trước và Jean Valjean trong cuốn sau. 
Những tác phẩm của ông đều phản ánh các phong trào chính trị và văn chương của thời đại mà ông đang sống, bộc lộ rõ niềm tin của ông nơi Khoa Học, nơi nền Dân Chủ và Tự Do. Victor Hugo đã chào đời vào năm 1802 và qua đời năm 1885, và do các tác phẩm đồ sộ, thế kỷ 19 với nền văn chương đặc sắc của nước Pháp, đã được gọi là "Thế Kỷ của Victor Hugo".
Đặc San Lâm Viên mời quý vị đọc bài biên khảo của tác giả Phạm Văn Tuấn về tác phẩm "Les Misérables - Các Kẻ Khốn Cùng" của Victor Hugo được tạo dựng trong bối cảnh lịch sử và đời sống của dân Pháp ở giữa thế kỷ thứ 19.


Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)

1- Bối cảnh lịch sử của Tác Phẩm "Các Kẻ Khốn Cùng".

Ngày 14 tháng 7 năm 1789, dân chúng Pháp đã biểu tình và đập phá Ngục Bastille, nơi tượng trưng cho vương quyền và chế độ chuyên chế. Biến cố này đã chấm dứt "chế độ cũ", mở đường cho châu Âu bước vào một thời đại mới. Tới đêm hôm mồng 4 tháng 8 năm 1789, Quốc Hội đầu tiên của nước Pháp đã tuyên bố rõ ràng rằng "chế độ phong kiến bị bãi bỏ", đồng thời đặt ra các nguyên tắc dùng cho nền trật tự mới.


Ngày 26-8, Quốc Hội đó lại cho phổ biến "Bản Tuyên Bố các Quyền Lợi của Con Người và Công Dân" (the Declaration of the Rights of Man and Citizen) với các điểm chính như sau:
  1. Mọi người được sinh ra bình đẳng với các quyền lợi bằng nhau. 
  2. Mọi công dân có quyền bầu ra các đại biểu để làm ra luật pháp. 
  3. Mọi người được tự do nói, viết, hay in ra các ý kiến miễn là người đó không lạm dụng đặc quyền này. 
  4. Số tiền thuế mà một người phải đóng sẽ được căn cứ vào số lượng tài sản mà người đó có.
Năm 1793, Vua Louis 16 và Hoàng Hậu Marie Antoinnette bị đưa ra pháp trường và bị chặt đầu. Hành động này của các nhà cách mạng Pháp đã làm rung động toàn thể châu Âu, và các nước chung quanh đang tìm cách chống lại lực lượng cách mạng Pháp. Ngay tại nước Pháp, người dân cũng bị chia rẽ làm hai, một phe ủng hộ chế độ cũ, một phe muốn phát triển các lý tưởng của cuộc Cách Mạng.

Trong thời kỳ cách mạng Pháp này, đã diễn ra các cảnh tàn nhẫn vì mục tiêu bảo vệ Tự Do và Đại Văn Hào Charles Dickens trong tác phẩm "Câu Chuyện của hai Thành Phố" (A Tale of Two Cities) đã mô tả cảnh pháp trường, nơi hành quyết các nhà quý tộc và ngay cả các nạn nhân vô tội.

Sau khi nước Cộng Hòa Pháp được tuyên bố thành lập vào năm 1792, Hội nghị Quốc Ước (the Convention, 1793-95) bị chia rẽ thành hai phe phái với Danton, Robespierre một bên và bên kia là các nhà cách mạng khác theo đường lối riêng. Nước Pháp đã muốn xuất cảng lý tưởng cách mạng ra khắp châu Âu với ba châm ngôn là “Tự Do, Công Bằng và Tình Huynh Đệ” (Liberté, Egalité, Fraternité). Thời kỳ độc tài của Robespierre đã khiến cho người dân Pháp phải chịu đựng giai đoạn khủng bố (the Reign of Terror) rồi sau đó là chế độ Tổng Tài (the Directory) kéo dài tới năm 1799. Sau cuộc chiến tranh với nước Anh, nước Áo và đặc biệt sau cuộc chiến thắng tại xứ Ý đã xuất hiện một vị tướng trẻ lừng danh: Napoléon Bonaparte.

Napoleon Bonaparte
Cuối năm 1804, Napoléon Bonaparte chấm dứt chế độ Tổng Tài, trở nên Hoàng Đế. Dưới thời Napoléon I, nhiều cải cách trong nước Pháp được thực hiện, văn hóa Pháp và các lý tưởng của người Pháp được phổ biến tại khắp châu Âu cho tới năm 1810. Gần như 100 triệu người dân Pháp và các nước chung quanh nằm dưới quyền kiểm soát của Napoléon. Sự thất trận của đoàn quân Pháp trên miền đất Nga vào năm 1812 đã khiến cho Napoléon phải thoái vị, chịu rút lui ra đảo Elba nằm trong miền Địa Trung Hải. Nhưng rồi Napoléon đã trở về đất Pháp vào năm 1815 và lại thua trận Waterloo vào tháng 6 năm đó. Napoléon bị đầy ra đảo St. Helena nằm trong vùng biển Đại Tây Dương rồi qua đời vào năm 1821.

Sau thời Đế Chế Thứ Nhất (the First Empire) kéo dài từ 1804 tới 1815, nước Pháp đã khánh kiệt vì chiến tranh, 1 triệu 700 ngàn người đã chết trên các mặt trận. Dòng họ Bourbons trở lại chính quyền với Vua Louis 18. Nhà Vua này là một nhân vật ôn hòa, đã chấp nhận một hiến pháp và một thể chế đại nghị nhưng đồng thời lại muốn phục hồi các đặc quyền của "chế độ cũ". Thời gian trị vì của Vua Louis 18 kéo dài từ 1815 tới 1824 với cảnh hòa bình tương đối. Khi Charles X lên ngôi vua nước Pháp vào năm 1824, nhà Vua này lại muốn tiêu hủy Hiến Pháp và muốn cai trị thần dân theo đường lối quân chủ chuyên chế của thế kỷ 18. Nhưng bạo loạn đã nổ ra vào năm 1830 và Vua Charles X phải thoái vị.

Nước Pháp không thể trở về với "thần quyền" của vua chúa nữa mà phải theo nguyện vọng của người dân và phải đáp ứng các nhu cầu của cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ. Vào thời gian này, các phát minh Khoa Học và Kỹ Thuật đã khiến cho giới trung lưu (the middle class) trở nên giàu có và trở thành một sức mạnh kinh tế và chính trị.

Năm 1830, Hầu Tước Orléans được hai Viện Quốc Hội chấp nhận làm Vua nước Pháp với danh hiệu Louis Philippe. Dưới thời Vua Louis Philippe này, người dân chỉ được đi bầu khi nào đã nộp đủ một số tiền thuế cho nên trong số 30 triệu dân của nước Pháp thời đó, chỉ có độ 200 ngàn cử tri. Chính quyền của nước Pháp từ nay lệ thuộc vào ý muốn của giai cấp tư sản.

Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ đã làm thay đổi lối sống của người dân nước Pháp và các nước châu Âu. Tại nước Pháp, đường xe lửa đã được mở mang tới các miền xa xôi. Năm 1836, nước Pháp có 270 cây số đường xe lửa với dịch vụ chuyên chở người và hàng hóa. Vào giai đoạn này, dân chúng nông thôn bắt đầu đổ về sinh sống tại các thành thị vì công việc làm ăn và vì các cải thiện kinh tế. Nhiều nhà máy, cơ xưởng được thành lập. Các vấn đề xã hội bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ phát triển kỹ nghệ này. Đã thường xuyên xẩy ra các vụ đình công, các vụ rối loạn.

Napoleon III
Sau ba ngày biến động tại thành phố Paris, Vua Louis Philippe phải thoái vị và nền Cộng Hòa Thứ Hai (the Second Republic) được công bố vào ngày 24/2/1848. Chính phủ Pháp lâm thời của giai đoạn này gồm các nhân vật mang tính lý tưởng như nhà thơ Alphonse de Lamartine, luật sư Ledru-Rollin, nhà xã hội Louis Leblanc.

Cuộc phổ thông đầu phiếu được công bố và các cải tiến nhiều điều kiện làm việc được trù liệu, nhưng rồi nền kinh tế suy sụp đã làm sống lại tinh thần bảo thủ của giai cấp tư sản và kết quả là ông Hoàng Louis Napoléon Bonaparte, người cháu của Vua Napoléon I, được bầu lên để vãn hồi trật tự, ổn định và cai trị nước Pháp. Tháng 6 năm 1848, các công nhân của thành phố Paris đã nổi loạn nhưng sau đó bị dẹp tan bởi quân đội của Quốc Hội. Ngày 2/12/1851, Louis Napoléon giải tán Quốc Hội rồi qua năm 1852, thiết lập nên Đế chế Thứ Hai (the Second Empire) và trở thành Vua Napoléon III.

2- Phong trào Văn Chương Lãng Mạn.

Xã hội Pháp đang thay đổi bộ mặt. Lối sống vật chất tư sản (the bourgeois materialism) và các cách kiếm tiền (the making of money) là các vấn đề của thời đại. Trước các hoàn cảnh xã hội này, các nhà văn như Victor Hugo, như Honoré de Balzac, đã tìm cách mô tả những tật xấu, những bệnh hoạn mà xã hội Pháp đang gặp phải. Cuộc tranh đấu chống các bất công xuất phát từ cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ tại nước Anh cũng được Charles Dickens trình bày trong các tác phẩm danh tiếng.

Victor Hugo
Tại nước Pháp, nhà văn Victor Hugo đã dùng lịch sử của nước Pháp trong giai đoạn từ năm 1789 tới các cuộc nổi dậy đẫm máu sau này tại thành phố Paris, làm nền móng cho tác phẩm "Các Kẻ Khốn Cùng" (Les Misérables). Ông đã cố gắng diễn tả sự tranh chấp giữa các người bảo hoàng và các người cách mạng, giữa các người bảo thủ và các người cấp tiến, mô tả bản chất của giới trung lưu và giới công nhân. Khi đứng trước các lợi nhuận và đặc tính cơ khí hóa, tác giả Victor Hugo đã nghiêng về phía chủ trương nền dân chủ, tính nhân đạo và việc coi trọng tự do.

Tác phẩm "Các Kẻ Khốn Cùng" xuất hiện vào năm 1862 là thời kỳ của Phong Trào Văn Chương Hiện Thực (Realism) nhưng lại mang nhiều đặc tính của các cuốn tiểu thuyết lãng mạn (romantic novels).

Vào thế kỷ 17, Phong Trào Văn Chương Cổ Điển (Classicism) đã được các nhà viết kịch lừng danh tiêu biểu, chẳng hạn như Racine, Corneille và Molière. Phong trào này đặt ra các quy luật (rules), đề cao các thái độ thuần lý (rational attitudes) và dùng đường lối khách quan để đi tới các chủ đề nghệ thuật trong cách diễn tả về con người, về thiên nhiên. Các đặc tính của phong trào văn chương cổ điển là trật tự (order), luận lý (logic) và sự trong sáng (clarity).

Qua thế kỷ 19, phong trào Văn Chương Lãng Mạn (Romanticism) đã xuất hiện để đáp ứng các nhu cầu và khát vọng của thế kỷ mới, đã thách đố các quy luật cũ và đòi hỏi sự tự do tuyệt đối trong chủ đề và kỹ thuật văn chương. Phong trào Lãng Mạn đã dùng tới trí tưởng tượng vào các công cuộc sáng tạo và nhiều nhà văn mới xuất hiện trên các văn đàn như tại nước Pháp có Chateubriand và bà De Stael, tại nước Anh là Lord Byron và Sir Walter Scott, còn đại diện cho nước Đức là Goethe và Schiller.

Các đặc tính của phong trào văn chương lãng mạn có thể kể ra như sau:

  1. nhấn mạnh đến "cái Tôi" (the I) và tính chủ quan, sự quan trọng của cá nhân, 
  2. dùng tới trí tưởng tượng, sự bí ẩn, đặc tính siêu nhiên (the supernatural), nét vẻ độc đáo (fantastic), 
  3. cốt truyện đòi hỏi sự công bằng dành cho mọi người, dùng tới bối cảnh của thời Trung Cổ để trình bày những điều khác lạ, ở bên ngoài xã hội quen thuộc, 
  4. nhân vật anh hùng trong truyện cam chịu số phận bi thương, với các hành động đi ra ngoài giới hạn của các chấp nhận xã hội, 
  5. các nhân vật trong truyện dù cho đã theo lý tưởng, theo lẽ phải, nhưng số mệnh đã đưa đẩy họ tới các hoàn cảnh bi thương, 
  6. bối cảnh địa phương là một đặc điểm, với tình yêu thiên nhiên và những môi trường khắc nghiệt như mưa bão, đêm tối hay các sự kiện bất thường khác, 
  7. trong cốt truyện có pha trộn cả sự đẹp, sự xấu, tính thô kệch, tính cao cả... 
  8. tác giả tin tưởng vào các tiến bộ luân lý, chính trị và xã hội, 
  9. đường hướng không thiên về lý trí, bộ óc, mà về tình cảm, cảm xúc, và trái tim đã hướng dẫn các hành động, 
  10. mặc dù mang tính vô trật tự, thái quá hay sốt sắng, các nhân vật trong truyện vẫn hành động vì sự tự do và chống lại mọi hình thức áp chế.

3- Cốt truyện "Các Kẻ Khốn Cùng".

Jean Valjean là một tên tù, được thả ra sau 19 năm bị giam cầm và bị phạt làm việc trên các con thuyền chèo vì tội ăn cắp một ổ bánh mì và vì các âm mưu vượt ngục. Tại thị trấn Digne, anh ta bị từ chối, không cho ngủ đêm ngoại trừ vị giám mục Myriel có lòng tốt. Nhưng Jean Valjean lại phản bội lòng thánh thiện của vị giám mục bằng cách ăn cắp một số đồ vật bằng bạc của nhà thờ. Khi bị cảnh sát bắt được và bị đưa trở lại nhà thờ, vị giám mục đã che chở cho kẻ phạm tội bằng cách nói rằng đó là các món quà tặng, và rằng anh Valjean sẽ thay đổi. Sau vài lần ăn cắp vặt khác, Jean Valjean quả thực đã hối cải. Dùng tên giả là Madeleine, Jean Valjean đã xây dựng được một nhà máy và mang lại thịnh vượng cho thị xã Montreil.

Cosette
tranh của Emile Bayard (1862)
Một người đàn bà trẻ, cô đơn, tên là Fantine, đến Montreil tìm kiếm công việc làm. Bà này mang mặc cảm vì có một đứa con không cha. Trên đường đi kiếm ăn, Fantine đã giao đứa con gái Cosette cho vợ chồng chủ quá trọ, tên là Thénardier. Tại thị xã Montreil, Fantine làm việc trong nhà máy của ông Madeleine nhưng về sau, bị sa thải và không còn tiền trả cho vợ chồng chủ quán Thénardier. Vì các khó khăn tài chính, Fantine quay sang nghề làm điếm rồi sau một lần gây gổ với một tên vô lại địa phương, Fantine bị thanh tra cảnh sát Javert bắt. Nhờ sự can thiệp của ông Madeleine, Fantine không bị tống giam nhưng do bị cảm sốt nặng, sức khỏe của người đàn bà này suy yếu hẳn đi, và khi gần chết, Fantine được ông Madeleine hứa sẽ mang đứa con gái Cosette lại cho gặp mặt.

Vào lúc này, ông Madeleine lại gặp một vấn đề khó xử. Một người đàn ông khác bị thanh tra Javert bắt, bị gán cho là tên Jean Valjean và sắp bị kết tội. Sau một đêm trường dằn vặt, ông Madeleine quyết định thú nhận quá khứ của mình. Tại thành phố Arras, ông ta đã minh oan cho kẻ bị cáo buộc trong một phiên xử rồi vài ngày sau, ông Madeleine bị thanh tra Javert bắt khi đang ở bên giường bệnh của Fantine. Hoàn cảnh khủng khiếp này đã làm cho người đàn bà đó chết ngay vì xúc động.

Cũng vào đêm bị bắt, Jean Valjean đã vượt ngục nhưng rồi sớm bị bắt trở lại và bị gửi tới trại tù tại Toulon, một thành phố hải cảng. Một hôm, Valjean đã cứu mạng cho một thủy thủ bị rơi từ các dây buồm và rồi Valjean đã nhẩy xuống biển, giả vờ như bị chết đuối và sau đó, trốn về thị trấn Montfermeil là nơi có quán trọ của vợ chồng Thénardier. Jean Valjean đã giải thoát được Cosette khỏi tay của vợ chồng chủ quán này và mang đứa bé đi sống ẩn náu tại thành phố Paris.

Jean Valjean
Tại Paris, Jean Valjean sinh sống trong khu nhà cho mướn Gorbeau đổ nát, xa xôi, và mặc dù các đề phòng, Valjean vẫn bị thanh tra Javert theo dõi nên bất ngờ, phải trốn chạy và tìm tới một tu viện. Nhờ sự giúp đỡ của một người làm vườn tên là Fauchelevent mà Valjean đã cứu mạng khi trước, Valjean đã thuyết phục được bà ni viện trưởng nhận cho làm người phụ việc trồng cây và nhận Cosette làm học trò. Valjean và Cosette đã trải qua vài năm sống hạnh phúc trong cảnh cô tịch của tu viện.

Tại thị xã gần đó có Marius là một thanh niên 17 tuổi, sống với ông nội tên là Gillenormand, nhưng vì giận ông nội, Marius đã bỏ nhà, lên thành phố Paris sinh sống tại khu La Tinh và tham gia vào nhóm sinh viên cấp tiến. Tại khu vườn Luxembourg, Marius đã gặp và yêu thương Cosette một cách âm thầm, rồi sự thiếu thận trọng của Marius đã làm tan vỡ mối tình đầu đó. Cosette đã ra đi mà không để lại địa chỉ. Một hôm, Marius nhìn qua một khe hở của bức tường, thấy một gia đình gồm có cha, mẹ và hai con gái, sinh sống trong cảnh tồi tàn. Nhưng rồi có một nhà Mạnh Thường Quân tới giúp đỡ, đó là ông Leblanc và cô con gái. Marius lại quá ngạc nhiên khi nhận ra cô gái đó chính là Cosette. Sự vui mừng của Marius không kéo dài được lâu khi chàng thanh niên này khám phá ra một âm mưu gài bẫy ông Leblanc. Marius liền báo cho cảnh sát và nhận được lệnh của thanh tra Javert trở lại căn phòng khi trước.

Khi ông Leblanc trở lại thì kẻ âm mưu chính là Thénardier, đã trói ông Leblanc và đòi tiền chuộc. Âm mưu này bị thất bại khi thanh tra Javert tới nơi đúng lúc nhưng cũng vào lúc này, ông Leblanc đã trốn mất, đồng thời cũng không tìm thấy dấu tích của cô gái Cosette. Nhờ sự giúp đỡ của người con gái của Thénardier, Marius đã tìm ra Cosette và thú nhận tình yêu với cô nàng này. Nhưng tình hình chính trị bất ổn của thành phố Paris đã khiến cho Valjean quyết định đưa Cosette qua nước Anh sinh sống. Việc làm đầu tiên của Valjean là tới một nơi ẩn náu.

Tại thành phố Paris vào lúc này, đã có nhiều nơi nổi loạn. Một người bạn của Marius, tên là Enjolras, đã lập ra một khu công sự chiến đấu trước cửa tiệm rượu Corinth. Do bị thất vọng, Marius cũng tham gia vào nhóm người nổi loạn, cũng như Valjean vì các lý do đặc biệt, và việc làm đầu tiên của nhóm người chống đối chính quyền này là tìm ra kẻ gián điệp trong hàng ngũ của mình. Người bị khám phá lại chính là thanh tra Javert, ông này bị trói lại và chờ lúc bị trừng trị. Valjean tình nguyện ra tay thủ tiêu Javert nhưng vào lúc cuối, đã tha chết cho Javert và thả cho đi.

Khi trở về tiệm rượu, Valjean chỉ thấy còn một số ít người sống sót và Marius bị thương nặng. Valjean đã đưa Marius qua lỗ cống và đi lần theo đường cống của thành phố Paris nhưng khi ra khỏi hầm cống, Valjean lại bị Javert bắt được. Tuy nhiên, Javert đã để cho Valjean mang Marius tới nhà ông nội của anh ta và rồi trong tình trạng khó xử, Javert đã thả Valjean. Vì cảm thấy không làm đúng theo nhiệm vụ, thanh tra Javert đã tự sát.

Sau đó, Marius phục hồi khỏi các vết thương và đã thuyết phục được ông nội về cuộc hôn nhân với Cosette. Việc phải sống xa Cosette đã làm héo hon Jean Valjean vì cuộc đời của ông ta không còn ý nghĩa nữa. Rồi Thénardier do vô tình, đã cho Marius biết rằng người cứu mạng Marius nơi hầm cống chính là Jean Valjean, sự việc này đã khiến cho Marius và Cosette tìm đến an ủi Jean Valjean trên giường bệnh.

4. Sơ Lược về Victor Hugo (1)
Cha và Mẹ của Victor Hugo
Victor Hugo chào đời vào ngày 26 tháng 2 năm 1802 trong tỉnh Besancon, nước Pháp, là con trai thứ ba của ông Joseph Léopold Sigisbert Hugo và bà Sophie Trébuchet. Từ nhỏ ông đã có thiên khiếu về văn thơ. Năm 1817, Victor Hugo lãnh được bằng khen danh dự của Hàn Lâm Viện Pháp về một bài thơ dự thi rồi tới năm 1819, đã đoạt giải nhất trong một kỳ thi thơ phú toàn quốc.

Victor Hugo từ trần vào ngày 22 tháng 5 năm 1885 và được chôn cất trong Điện Panthéon, nơi an nghỉ của các vĩ nhân của nước Pháp.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., World Literature by Arthur Bell & Others, Barron’s, N.Y. 1994; The Book of Great Books by W. John Campbell, Metrobooks, N.Y. 1997.

https://en.wikipedia.org/wiki/Les_Mis%C3%A9rables

(1) Phần phụ chú của Ban Biên Tập, trich trong tiểu sử của Victor Hugo, cùng tác giả Phạm Văn Tuấn:
Đại Văn Hào Victor Hugo (1802-1885)
http://www.dslamvien.com/2018/07/dai-van-hao-victor-hugo-1802-1885.html