Tuesday 11 September 2018

Trả lời chính thức của Viện Ngôn ngữ học về đề xuất cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền

Kính chuyển để tùy nghi thẩm định. Tài liệu xuất xứ từ trong nước, xin thông cảm nếu thấy có từ ngữ nào không vừa ý.  Người chuyển chỉ chú trọng về nội dung.
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học

CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ, CHUYỆN KHÔNG NÊN BÀN NỮA
Tưởng chuyện này đã êm rồi (xã hội còn nhiều chuyện cần bàn hơn) nhưng hôm nay đọc những dòng giận dữ của GS Trần Đình Sử, tôi thấy cần lên tiếng để ủng hộ GS Trần Đình Sử, góp thêm tiếng nói bác bỏ đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền (thông qua Bản đề xuất của tác giả).

Những điều tôi viết ra đây cũng là ý kiến của Viện Ngôn ngữ học gửi lãnh đạo cấp trên (tháng 1/2018), nhân có chỉ đạo đề nghị Viện Ngôn ngữ học cho ý kiến về Bản đề xuất cải cách chữ viết của PGS Bùi Hiền (một người mà trong quan hệ bình thường hàng ngày tôi rất kính trọng).’


Hội đồng khoa học của Viện Ngôn ngữ học đã họp (mở rộng) thảo luận về đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiển, sau đó đã tổng hợp các ý kiến để báo cáo lên lãnh đạo cấp trên. Ý kiến của Hội đồng khoa học Viện Ngôn ngữ gồm có 3 phần:

-Vài nét về lịch sử phát triển của chữ Quốc ngữ (bao gồm những điểm bất cập và những đề nghị cải tiến, sửa đổi trước đây)
-Những bất hợp lí trong đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền

-Kết luận của Viện Ngôn ngữ học
Với tư cách là Viện trưởng, tôi là người tổng hợp các ý kiến của Hội đồng khoa học mở rộng, tôi cũng trao đổi ý kiến với một số chuyên gia về ngữ âm, chữ viết có uy tín như GS Nguyễn Văn Lợi, PGS Hoàng Dũng …Vì đây là nội dung được gửi lên lãnh đạo cấp trên (chắc không có ai là nhà ngôn ngữ học) nên cách viết phải giản dị, tuy nhiên vẫn không tránh được một số thuật ngữ chuyên môn. Sau đây là những nôi dung được tổng hợp:

1 Vài nét về lịch sử phát triển của chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ được hình thành trong khuynh hướng chung của các giáo sĩ Tây Phương muốn Latin hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ. Quá trình xây dựng chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, với sự góp sức của nhiều người, trong đó có người Việt Nam.

Các tài liệu cho thấy vào thế kỉ 17, chữ Quốc ngữ đã có một diện mạo khá ổn định, gắn với việc xuất bản cuốn Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum) của linh mục Alexandre de Rhodes tại Roma, năm 1651.

Có thể nói, thế kỷ 17 với sự ra đời của Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum) của Alexandre de Rhodes đã đánh dấu diện mạo hiện đại của chữ Quốc ngữ. Thế kỷ 18, 19, chữ Quốc ngữ tiếp tục hoàn thiện và có hình thức như ngày nay.

Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm tương đối khoa học. Tuy nhiên nó vẫn có nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác. Ở diện mạo hiện nay, chữ Quốc ngữ vẫn tồn tại một số nhược điểm sau đây:

– Cùng một âm nhưng được ghi bằng những con chữ khác nhau. Ví dụ, 3 chữ cái “c”, “k” và “q” đều được dùng để ghi âm /k/, chữ “y” và “i” đều được dùng để ghi âm /i/;

– Âm đệm có lúc ghi là “u”, có lúc ghi là “o”;

– Các nguyên âm đôi có cách ghi lưỡng khả, phụ thuộc vào vị trí của nguyên âm đôi trong âm tiết, ví dụ: iê/yê/ia/ya, ươ/ưa, uô/ua;

– Vị trí đánh dấu thanh không theo nguyên tắc nhất quán: lúc thì đánh vào âm chính, lúc thì đánh ở giữa âm tiết cho cân đối.

Đây chính là lí do trong một thời gian dài, liên tục có những ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ Quốc ngữ trên nhiều phương diện khác nhau.

Năm 1902, một Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ đã được thành lập (do Jean Nicholas Cheon đứng đầu).

Năm 1956, ở Miền Nam, Uỷ ban Ngôn ngữ cũng đưa ra đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ; năm 1973 Uỷ ban Điển chế Văn tự cũng ra đời. Ở Miền Bắc, Hội thảo Cải tiến Chữ Quốc ngữ được tổ chức năm 1960.

Từ đó đến nay đã có nhiều hội thảo khoa học tiếp tục đề cập đến chuyện cải tiến chữ Quốc ngữ. Gần đây nhất, trong ba cuộc hội thảo lớn về chữ Quốc ngữ (năm 2015 tại Phú Yên, năm 2016 tại Bình Định và tại Quảng Nam) đều có những tham luận nói đến những nhược điểm và ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, vấn đề cải cách chữ quốc ngữ đã từng được bàn đến nhiều lần, trên nhiều phương diện và đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền không phải là một ý kiến mới trong giới ngôn ngữ học.

Tuy nhiên, ngôn ngữ nói chung và chữ viết nói riêng là một sản phẩm của cộng đồng và mang tính quy ước. Chính cộng đồng sẽ quyết định sự phát triển của chữ viết, chứ nó khó lòng bị chi phối bởi ý chí, nguyện vọng hay đề xuất của một cá nhân hoặc bị cưỡng bách thực thi bởi một mệnh lệnh hành chính. Chính vì thế, cho dù đã có những Hội nghị về cải tiến chữ Quốc ngữ với hàng loạt các đề xuất của các nhà ngôn ngữ học nhưng tất cả đều không được áp dụng vào thực tế.

Cho đến nay, đại đa số các ý kiến đều cho rằng, mặc dù có những nhược điểm như trên, chữ Quốc ngữ vẫn là một loại chữ ghi âm rất tốt, và hiện nay vẫn đang thực hiện tốt chức năng là chữ viết thống nhất của nước Việt Nam, dùng để ghi lại tiếng Việt vì những lí do sau đây:

Thứ nhất, chữ Quốc ngữ có đủ khả năng để ghi lại toàn bộ các âm có thể có trong tiếng Việt hiện đại. Không có một âm nào trong tiếng Việt lại không thể dùng chữ Quốc ngữ ghi lại.

Thứ hai, chữ Quốc ngữ đã phát triển đến giai đoạn ổn định, được cả cộng đồng chấp nhận và sử dụng một cách tự nhiên, mang tính quy ước và phổ cập.

Thứ ba, chữ viết của một ngôn ngữ không đồng nhất với ký hiệu ngữ âm quốc tế, nó còn ẩn chứa cả văn hoá nữa. Cho nên, không nhất thiết phải áp dụng nguyên tắc “một âm vị ghi bằng một kí tự và ngược lại”. Về nguyên tắc, ngôn ngữ (âm thanh) luôn biến đổi theo thời gian, trong khi chữ viết lại cố định, cho nên qua thời gian bao giờ cũng có sự vênh nhau giữa âm vị cần ghi và ký tự dùng để ghi.

Dĩ nhiên, nhằm giúp chữ Quốc ngữ thực hiện tốt chức năng của mình, giới ngôn ngữ học hiện đang rất quan tâm đến vấn đề chuẩn hóa chính tả (quy chuẩn cách viết), cách viết tên riêng gốc tiếng nước ngoài (đề nguyên dạng, phiên âm hay chuyển tự), tên riêng gốc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đây là những vấn đề mà việc giải quyết một cách triệt để đòi hỏi cần phải ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam.

2. Những bất hợp lí trong đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền

2.1.Về mặt pháp lí

PGS.TS Bùi Hiền coi tiếng Việt là tiếng Kinh: “Tạm thống nhất lấy tiếng Hà Nội làm cơ sở ngữ âm cho việc xác định bảng chữ cái tiếng Việt (tiếng Kinh)…(tr.3 của Bản đề xuất)”. Điều này vi phạm nguyên tắc bình đẳng dân tộc bởi Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam coi tiếng Việt là Ngôn ngữ Quốc gia có nghĩa là của chung toàn dân tộc (Nation) Việt Nam chứ không chỉ của một tộc người. Ngoài ra, về mặt pháp lí, hiện nay chưa có văn bản chính thức nào của Nhà nước quy định tiếng Hà Nội là tiếng chuẩn.

2.2.Về mặt khoa học

Phương án đề xuất Cải tiến chữ quốc ngữ mà PGS.TS Bùi hiền nêu ra rất lộn xộn, chắp vá và hoàn toàn không mang tính khoa học. Điều này thể hiện ở các điểm dưới đây:

– Thứ nhất, đã là nghiên cứu khoa học không thể có cách diễn đạt mơ hồ như ” Tạm thống nhất ..”. Việc xác định tiếng nói vùng nào của Việt Nam làm chuẩn chính âm hiện chưa đươc khẳng định.

– Thứ hai, PGS.TS Bùi Hiền đã có những nhầm lẫn cơ bản về mặt ngôn ngữ học. Trong tiếng Việt, tiếng Hà Nội không phải là tiếng có thể đại diện cho một diện mạo ngữ âm trung thực và khách quan của tiếng Việt. Trên thực tế, tiếng Việt có nhiều vùng phương ngữ, thổ ngữ khác nhau với các biến thể đặc điểm ngữ âm, từ vựng khác nhau. Như vậy, nếu chỉ dựa vào hệ thống ngữ âm tiếng Hà Nội để làm cơ sở cải tiến chữ viết thì không phản ánh trung thực và đầy đủ ngữ âm tiếng Việt. Đề nghị của PGS.TS Bùi Hiền sẽ làm tăng vọt số lượng các từ đồng âm, đồng tự, gây khó khăn cho việc đọc hiểu văn bản.

– Thứ ba, PGS.TS Bùi Hiền không phân biệt được các khái niệm ngữ âm – âm vị học, không phân biệt được âm và chữ. Các con chữ mà ông đưa ra không liên quan gì tới đặc điểm ngữ âm của nó.

Ông chưa nhận diện đầy đủ về hệ thống ngữ âm – âm vị học tiếng Việt. Bảng 16 nguyên âm được đề cập trong phần 2 của Bản đề xuất là không có cơ sở khoa học khi cho rằng có các âm vị /e, ɔ, o/ dài trong đối lập với /e, ɔ, o/ ngắn. Nhiều ví dụ dẫn ra khiến người đọc băn khoăn về sự tồn tại của nó trong tiếng Việt hay tính phổ biến của nó. Tác giả liệt kê âm vị /y/ trong đối lập với /i/ cũng hoàn toàn không có cơ sở khi không đưa được các cặp đối lập tối thiểu âm vị học mà lại dẫn ra các biến thể chữ viết “ti”~ “ty”.

Điều này còn được thể hiện khi tác giả xử lí trường hợp nguyên âm đôi /uo/ và tổ hợp bán nguyên âm /w/ + âm chính /o/ giống nhau (trường hợp “cuốc” và “quốc” được thống nhất ghi thành “kuok”, hay “cua” và “qua” được thống nhất ghi thành “kuô” theo phương án của tác giả). Ví dụ này cho thấy ông đã đi ngược lại với nguyên tắc “một chữ ghi một âm và ngược lại” của chính mình.

Bên cạnh đó, cách trình bày của ông trong Bản đề xuất cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về cách kí hiệu phiên âm quốc tế: phiên âm âm vị học được quy định chung của thế giới là trong gạch chéo /…/, và phiên âm ngữ âm học được quy định chung của thế giới là trong móc vuông […]. Nếu đã không hiểu được các khái niệm căn bản nhất (âm tố, âm vị, ngữ âm học, âm vị học,…) thì sao có thể bàn tới việc xây dựng (hay cải tiến, cũng như sử dụng) chữ viết cho ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc?

– Thứ tư, PGS.TS Bùi Hiền không có sự hiểu biết về từ nguyên học và ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Các chữ cái c-k-q tuy dùng để ghi cùng một âm vị /k/, chữ cái d, gi, r để ghi cùng một âm vị /z/, ch-tr để ghi cùng một âm vị /c/ trên bình diện đồng đại (nếu theo hệ thống ngữ âm tiếng Hà Nội) song về lịch sử chúng ghi các phụ âm khác nhau trong tiếng Việt ở thời kì xuất hiện chữ Quốc ngữ (Thế kỉ 17). Sở dĩ các linh mục dùng chữ d để ghi cái âm /z/ thời đó vì khi đó đối với các từ ghi “da”, “dì” trong tiếng Việt thì cái con chữ “d “này được dùng ghi một âm có đặc điểm về phát âm gần với phụ âm được ghi “d” trong nhiều ngôn ngữ ở châu Âu. Việc nhập ch- tr và ghi bằng con chữ “c” cũng vậy

– Thứ năm, đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đi ngược lại hoàn toàn xu hướng chung của các nước sử dụng tự dạng Latin. Không có bất kì bộ chữ có tự dạng Latin nào sử dụng chữ cái “w” để ghi âm vị /ŋ/. Đề nghị dùng “w” thay cho “ng” sẽ phá vỡ tính hệ thống trong quan hệ giữa âm và chữ, khiến người học khó học, khó nhớ. Cách làm này khiến người nước ngoài vốn quen với các hệ chữ viết tự dạng Latin khó tiếp nhận chữ Quốc ngữ, vì thế gây khó khăn cho việc phổ biến tiếng Việt, chữ Việt (chữ Quốc ngữ) ra quốc tế.

Tương tự, không có bộ chữ có tự dạng Latin nào sử dụng con chữ “q” để ghi âm vị /tʰ/. Bên cạnh đó, việc tạo nên một con chữ mới để thể hiện phụ âm /ɲ/, không thể gõ trên bàn phím máy tính gây khó khăn lớn trong việc sử dụng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Điều này vi phạm nguyên tắc tiện dụng trong xây dựng chữ viết.

– Thứ sáu, tác giả còn đề xuất thêm tới 04 con chữ cái mới trong phương án cải tiến của mình. Điều này cho thấy hệ chữ viết của ông không tiết kiệm, gọn nhẹ hơn so với phương án cũ.

– Thứ bảy, học tiếng Việt, chữ Việt là quyền lợi và trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam thuộc các dân tộc khác nhau. Đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền làm cho chữ Quốc ngữ trở nên khác xa chữ viết của một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số (phần lớn dựa trên tự dạng Latin), vì thế gây cho khăn cho người dân tộc thiểu số tiếp thu chữ Quốc ngữ.

2.3. Về mặt thực tiễn

Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền sẽ làm vô hiệu hóa một kho văn liệu khổng lồ với các ấn phẩm được viết bằng chữ Quốc ngữ, làm đứt gẫy sự liên tục văn hóa của cả một dân tộc. Nếu muốn lưu giữ và truyền tải khối tri thức, văn hóa của dân tộc cho các thế hệ sau, chúng ta sẽ phải tổ chức in ấn, chế bản lại. Đây là một việc làm cực kì tốn kém. Không chỉ có thế, sự thay đổi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh… do thay đổi toàn bộ hệ thống văn bản, giấy tờ, dữ liệu hiện hành đang được công nhận trên toàn thế giới.

Với tư cách là một loại chữ viết ghi lại ngôn ngữ dân tộc, trải qua những phát triển lịch sử, chữ Quốc ngữ ngày nay đã trở thành một tài sản văn hóa vô cùng quý giá của người Việt. Bản kiến nghị của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là mong muốn của một cá nhân, hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Chúng ta chưa có những điều tra về nguyện vọng của xã hội về vấn đề này nhưng những phản ứng của cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã cho thấy điều đó. Chữ viết, sau khi được xã hội thừa nhận là tài sản chung của mọi người. Xã hội chưa có nhu cầu thay đổi thì cá nhân không thể tùy tiện đề xuất thay đổi, đặc biệt là những đề xuất đó lại rất thiếu cơ sở khoa học như đã phân tích ở trên.

Mặt khác, bản thân hệ thống chữ Quốc ngữ hiện hành vẫn đang thực hiện rất tốt vai trò của mình trong đời sống của xã hội nước ta. Mặc dù có một số bất hợp lí nhưng những bất hợp lí này là có thể chấp nhận được và không cản trở đến quá trình giao tiếp bằng tiếng Việt. Vì vậy, bất cứ một sự cải tiến nào cũng sẽ làm đảo lộn mọi lĩnh vực trong xã hội.

3. Kết luận

Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền như đã phân tích là ý kiến của một cá nhân có thể có xuất phát từ mục đích tốt nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn; hiểu biết chưa toàn diện về ngữ âm học, ký tự học nên thiếu tính khoa học và thực tiễn, không có tính khả thi. Trong tình hình chữ Quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, Viện Ngôn ngữ học cho rằng hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kì cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ.

Nguồn: Fb Trần Huy Mẫn

Những bức ảnh ‘thương và hận’ trong ngày khai trường ở Việt Nam.

Học sinh chui túi nylon vượt sông đi học ở Điện Biên. (Hình: VOV)
VIỆT NAM . – Hôm 5 Tháng Chín, tại Việt Nam, hơn 20 triệu học sinh bắt đầu buổi khai trường. Ba lô, cặp sách của các em trĩu nặng trên vai cũng đồng nghĩa là những mối lo âu của phụ huynh về trường lớp, những vất vả lo toan về học phí, về chén cơm nuôi con ăn học.
Cũng trong ngày này, trên mạng xã hội facebook, người ta chia sẻ và loan truyền nhau nhiều hình ảnh lo lắng, thương cảm và cả sự phẫn nộ về một nền giáo dục yếu kém, lạc hậu,… mà nhiều người gói gọn trong 3 chữ ‘thương và hận.’ Thương là thương các em học sinh còn hận là hận nhà cầm quyền.
* Khai trường bên bờ suối
Học sinh khai giảng bên bờ suối ở Lai Châu. (Ảnh: Nguyễn Long Khánh)
“Người ta khai giảng tưng bừng/ Tôi nay khai giảng rưng rưng lệ sầu”.
Đó là lời thầy Nguyễn Long Khánh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. ‘Chia sẻ’ của thầy trên mạng xã hội được dư luận quan tâm đặc biệt. Thầy Khánh cho biết 3 năm học gần đây trường đều tổ chức khai giảng bên bờ suối vì sân trường quá chật hẹp. Thầy cũng cho biết cơ sở vật chất hoàn toàn tạm bợ, trang thiết bị dạy học ở mức tối thiểu. Số lượng học sinh tiểu học có 315 em, trung học cơ sở có 243 em.
* Chui vào túi nylon vượt sông đi học.

Học sinh chui túi nylon ở Điện Biên. (Ảnh: VOV)
Còn tại bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) là một trong những bản xa xôi và nghèo khó nhất của xã Na Sang. Do đang vào mùa lũ, nước suối Nậm Chim (rộng hơn 20 mét) lên cao khiến nhiều học sinh phải chui vào túi nylon và nhờ người lớn vừa bơi trong dòng nước lũ vừa kéo qua suối để kịp đến trường.
Cách vượt nước lũ như vậy thật nguy hiểm, nhưng ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên cho báo chí biết: “Việc cho học sinh vào túi nylon rồi người lớn đưa cho qua suối như vậy phản cảm quá, nhưng cũng là một cách để bảo đảm an toàn cho các cháu bởi đặc thù của các tỉnh miền núi, nhất là vùng sâu, xa người dân sống phân tán, địa hình hiểm trở, ngăn cách bởi sông suối.
Ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cũng đồng tình khi cho rằng: “Tôi biết nói ra nhiều người có thể cười nhưng chẳng có cách nào đưa các cháu qua suối lúc mưa lũ lớn như thế, được còn chui vào túi nilon đưa qua là đơn giản nhất, tương đối an toàn”.
* Lội bùn đi khai giảng.
Thầy cô và học sinh lội bùn đi khai giảng ở Thanh Hóa. (Hình: VTC)
Tại Huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là nơi chịu thiệt hại nặng của đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều nơi phải khai giảng trong tình trạng thiếu lớp học, do đã bị mưa lũ cuốn trôi. Để đến được trường, nhiều thầy cô và học sinh của huyện Quan Hóa phải chống gậy, lội bùn.
* Leo thang, vượt cầu nguy hiểm.
Ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, học sinh phải leo cầu thang cao dựng đứng để lên cầu bị gãy vì mưa lũ để vượt sông đi học. (Hình Facebook)
* Băng đèo, vượt suối để đến trường.
Băng đèo, lội suối đến trường (Hình: Hội khuyến học Quảng Trị)
Tại xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị những trẻ thơ người sắc tộc thiểu số Vân Kiều phải tự băng đèo, vượt suối để đến trường. Việc bì bõm lội qua 5, 6 con suối trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với các em.
* Thu học phí giá trên trời.
Phụ huynh vây kín sân trường chiều 4 Tháng Chín đến hơn 18 giờ vẫn chưa giải tán (Hình: Facebook Hà Phượng)
Tại Hà Nội không có cảnh gian nan cực khổ trên đường đến trường, nhưng học phí và hàng chục khoản thu không rõ mục đích khác khiến phụ huynh học sinh phẫn nộ.
Tại trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) khoản tiền phải nộp đầu năm lên đến hơn 8 triệu đồng. Nhiều phụ huynh đã đến trường đề nghị hiệu trưởng giải thích, nhưng bà hiệu trưởng không trả lời và bỏ ngang buổi họp. Trước đó, một số phụ huynh phản đối các khoản thu bất hợp lý này trên mạng xã hội Facebook và thay vì trả lời, giải đáp thắc mắc, giáo viên phụ trách đã đến nhà đề nghị cha mẹ học sinh gỡ bài viết, một số phụ huynh còn bị công an xã Sơn Đồng mời làm việc.
“Việc đăng tải thông tin dễ nảy sinh ra mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cũng như ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. Phát hiện như vậy lãnh đạo xã chỉ đạo công an mời người dân đăng bài ra để trao đổi, làm rõ”, ông Nguyễn Hữu Thắng – Trưởng Công an xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) nói với Báo Pháp Luật TP.HCM như vậy.
* Vượt lũ để đến trường.
Các em ở ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1) đến trường khai giảng bằng đò. (Ảnh: TTXVN)
Năm nay, lũ ở đồng bằng Sông Cửu Long về sớm, mực nước tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang ở mức vượt báo động II, cường suất mỗi ngày lên 4 – 5cm. Mặc dù tại Đồng Tháp chưa có trường bị ngập nhưng nhiều nơi bị chia cắt khiến việc đến trường của các em học sinh gặp khó khăn. Để đến trường khai giảng các em phải đi bằng đò.
* Thèm được đi học.
Còn tại Tân Phú, Sài Gòn, trên Facebook của Jen Tran đăng tấm ảnh có người vô tình chụp được cảnh ba bé gái bán vé số khoảng 6-7 tuổi leo lên hàng rào một trường học để ngắm nhìn cảnh các học sinh đang rộn rã tựu trường. (UV)