Saturday, 15 September 2018

Đọc truyện ngắn của Tiểu Tử - Nguyễn Ngọc Chính

Nếu bạn là người thích đọc những cây bút người miền Nam trước 1975 như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên của một thời đã qua… chúng ta vẫn còn bắt gặp một nhà văn đương thời với bút hiệu Tiểu Tử, nối tiếp thế hệ những nhà văn miền Nam.

Tuy “đương thời” nhưng Tiểu Tử năm nay đã gần 90, cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng vẫn còn sáng tác (từ nước ngoài) những truyện ngắn “rặc chất Nam bộ”. Ông sinh năm 1930 tại Gò Dầu, Tây Ninh, tên thật Võ Hoài Nam, con của Giáo sư Võ Thành Cứ, dạy tại trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn.

Ông tốt nghiệp kỹ sư tại Marseille (Pháp) năm 1955, về nước và cũng dạy tại trường Pétrus Ký, niên khóa 1955-1956. Cuối năm 1956, ông vào làm việc tại hãng xăng Shell Việt Nam cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ.

Năm 1979, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Sau đó, ông làm cho công ty Đường Mía tại Côte d’Ivoire, Phi Châu, từ 1979 đến 1982. Ông trở lại làm cho Shell Côte d’Ivoire và về hưu năm 1991 tại Paris.

Trước 1975, ông phụ trách mục biếm văn “Trò Đời” trên nhựt báo Tiến, với bút hiệu Tiểu Tử. Bút hiệu nầy ông vẫn dùng cho những bài tạp văn và truyện ngắn của ông tại hải ngoại, sau 1975. Ông đã xuất bản tại nước ngoài tập truyện ngắn “Những mảnh vụn”(2004), “Bài ca vọng cổ” (2006), “Chuyện thuở giao thời” (2015).

Trong bài “Giới Thiệu Truyện ngắn “Nội” Của Tiểu Tử Võ Hoài Nam”, Lê Tấn Tài viết:

“Truyện của Tiểu Tử càng đọc càng thích thú, say mê, dìu độc giả về những kỷ niệm thân yêu của một thời trên quê hương Tây Ninh yêu dấu. Ông Vương Văn Ký, người cùng sanh trưởng tại quận Gò Dầu với Tiểu Tử, đã viết tặng ông câu đối, như sau:

“Cố quốc đậm đà tình Tiểu Tử,
Trời tây thắm thía điệu Hoài Nam”

Tiều Tử - Võ Hoài Nam

Văn phong của Tiểu Từ là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng hay cũng có thể… “duyên dáng vì bình dị”. Tiểu Tử không “làm văn màu mè”, mà các nhà phê bình văn học gọi là “làm giáng với những từ ngữ bóng bẩy, chải chuốt”.

Đó là cách viết, theo tôi nghĩ, chỉ có những tác giả người miền Nam chân chất mới viết được. Người đọc đôi khi có cảm giác tác giả không mấy bận tâm về kỹ thuật viết lách. Rõ ràng là ông viết với tấm lòng bình dị theo kiểu… “nghĩ sao viết vậy”.

Trong tập truyện ngắn “Bài ca vọng cổ” có một truyện cùng tên kể lại cuộc gặp gỡ của hai người Việt tại Côte d’Ivoire tận Châu Phi. Đó là cuộc gặp “kỳ lạ” giữa tác giả với một thanh niên da đen:

“Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy”. Rồi lại nhắm mắt lim dim… Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”: “Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng… đang vươn lên ngọn khói… á… lam… à… chiều…”

Hóa ra đó là một thanh niên da đen đang ca vọng cổ. Tác giả chào “Bonjour” và hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp: “Anh hát cái gì vậy?”“Một bài ca của Việt Nam”. Anh ta tự giới thiệu mình là Jean, người ta thường gọi là “Jean le vietnamien” ở Borotou. Jean là “con lai”, có mẹ người gốc Nha Trang… Tiểu Tử cũng tự giới thiệu mình là người Việt Nam.   

“Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:
– Trời ơi!… Bác là người Việt Nam hả?
Rồi hắn vỗ lên ngực:
– Con cũng là người Việt Nam nè!

“Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe môt xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt…

“Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:
– Trời ơi!… Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!… Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng “hết lớn” bác à!”

(hết trích)

Cười ra nước mắt cũng là một trong những yếu tố hài hước trong truyện của Tiểu Tử. Trong “Thầy Năm Chén”, ông thầy thuốc, suốt đời làm việc nghĩa, bị cách mạng hành hạ nên chuẩn bị cho con vượt biên. Khi giã từ con, ông đưa cho con, thằng Kiệt, “một cái gói mầu đỏ đã phai màu, cột làm nhiều gút”. Ông nói: “Cho con cái ni (ông già người gốc Huế). Con giữ trong người để hộ thân”.

Kiệt vượt biên đến Canada an toàn. Một hôm dở cái gói của cha cho trong lúc ra đi và thấy rong đó có gói … ba cái răng vàng. Thầy Năm Chén đã trở thành vô sản nên chỉ còn biết cạy ba cái răng vàng cho con “làm của hộ thân” đi tìm đường sống ở xứ người. Độc giả bỗng hiểu tại sao từ ngày con đi, ông Năm Chén… chỉ húp cháo.

***

Ông Tư, trong “Im lặng”, là người thuộc loại “tư sản mại bản” ở Saìgòn nhưng ông đã “bí mật đóng góp tài chánh cho Giải phóng”. Khi “giải phóng miền Nam”, ông không những không được trả ơn, mà bị hành hạ, gia sản bị lấy sạch.

“Bỗng nhiên ông Tư nhận thức rằng tất cả những gì thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ của ông đang chờ đợi ông ở nhà”. Nhưng bà vợ tiếc cuả, uất hận vì bị cách mạng lừa gạt, suốt ngày đay nghiến, trách móc chồng.

Rốt cuộc hai vợ chồng tìm đường sang Pháp, nơi con trai ông đã được bố mẹ gởi đi du học, đã thành đạt, có nhà cửa sang trọng. Ông con hỏi bố ở chơi bao nhiêu ngày. Ông Tư nói ở lại luôn! Ông con nói, giọng đặc “Việt kiều yêu nước”:

“Ủa, sao lại ở luôn. Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên cổ mình hết; vậy mà ba má bỏ qua đây luôn. Thiệt là vô lý”.

Ông Tư trở thành một người câm, không nói gì được với ai nữa. Cho đến một hôm ông lầm lũi lội xuống biển để cho nước cuốn đi. Ông hóa ra là một “thằng khôn” đã vượt biên, nhưng cái đau đớn bám ông già cho dù có trốn ở cuối chân trời, rốt cuộc chỉ có nước biển mới rửa sạch.

Nhà văn Tiểu Tử giới thiệu tác phẩm mới: "Chuyện thuở giao thời" năm 2015

Trong số các truyện ngắn của Tiểu Tử, “Chiếc khăn mùi xoa” có thể coi là điển hình cho những tình cảm đầy nước mắt tình nghĩa của những người sống lưu vong nơi đất khách, quê người. Cũng có thể coi đây như một vở cải lương lãng mạn nhưng lại chân thực của người miền Nam.

Nhân vật chính là “con Huê”. Thoạt đầu, người đọc cứ tưởng đây là một con bé nào đó ở vùng quê Lục tỉnh. Thực ra, đây là một người đàn bà đã luống tuổi. Nhân vật nam là một người tỵ nạn ở Pháp, ông ta kể lại câu chuyện với một người bạn đồng hương:

“Con Huê tiễn tao ra cổng, đứng ngập ngừng một lát rồi bỗng nói một mạch, là lạ, như tụi mình trả bài thuộc lòng thuở nhỏ: Anh qua bên Tây, gặp anh Cương nói em gởi lời thăm ảnh. Nó nói rồi bỏ chạy vội vào trong, tao thấy nó đưa tay quệt nước mắt mấy lần. Tao đứng chết trân, nhớ lại lời con Nhàn, em con Huê, nói với tao: Anh biết không, chị Huê thương anh Cương từ hồi còn nhỏ lận. Người con gái ở quê mình nó thật thà, trung hậu đến mức độ mà khi trót thương ai thì thương cho đến chết. Họ coi đó là tự nhiên như nước lớn, nước ròng”.

“Con Huê” từ ngày còn đi học cho đến nay, trên đầu đã hai thứ tóc, chỉ biết có một người tên Cương. Sau năm 1975, Cương vượt biên rồi định cư ở Pháp. Con gái ông Cương, sống ở Bruxelles, kể lại cho Tiểu Tử hay bố mẹ cô đều đã qua đời. Trước khi chết, Cương dặn con gái:

“Con ráng tìm cách về Nhơn Hoà, Cầu Cỏ, trao cái này cho cô Hai Huê, nói ba không quên ai hết”.

“Cái này” là một bao thư, trong đó có chiếc khăn mùi xoa cô Huê đã tặng Cương thời trẻ. Người con gái thương bố và cũng thương cô Hai Huê nên về Việt Nam, một đất nước hoàn toàn xa lạ với cô. Cô tìm về Nhơn Hoà tìm người đàn bà tên Huê để trao lại kỷ vật của bố. Cô Hai Huê ngất xỉu khi nghe tin người bạn xưa nay đã chết bên trời Tây.

Hai người đàn bà - một già, một trẻ - ôm nhau khóc. Truyện khiến người đọc ngỡ ngàng khi cô gái mang cô Hai Huê sang Bỉ, sống với nhau như hai mẹ con. Truyện khiến người đọc dù có tâm hồn sỏi đá cũng cảm thấy lòng mình xao xuyến. Người ta tự hỏi, cuộc đời của những người Việt sao mà éo le đến vậy?

Người ta thường nói văn chương là hư cấu. Nhưng đọc truyện của Tiểu Tử, người ta thấy cái chân thực và có cảm tưởng không có chi tiết nào là kết quả của sự tưởng tượng. Tất cả đều là những chuyện tác giả đã sống, hay đã nghe kể lại.

Vả lại, ở Việt Nam, thực tế thường vượt xa tưởng tượng. Cái đau đớn, cái thảm kịch mỗi người Việt Nam đã và đang sống, không có người viết văn nào, giầu óc tưởng tượng tới đâu, có thể bịa ra.

Nhà văn Tiểu Tử (chụp năm 2013)

Tiểu Tử hiện sống tại Pháp nhưng văn của ông “không Tây chút nào”! Trái lại, rất Việt Nam, hay nói chính xác hơn là “Nam Việt”. Lối viết của ông tựa như người ta kể chuyện bên ly la-de, bên tô hủ tíu… với những chữ “nghen”, “héng”, “nghe”…

Trong truyện ngắn “Ngụy”, bà Năm cháo lòng nói với bà H có chồng đi “học tập cải tạo” một câu thật cảm động và cũng rất nhân bản: “Cần gì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà…”. Tiểu Tử viết:

“Lạ quá! Chỉ có mấy tiếng “mình với nhau” mà sao nghe ấm cúng vô cùng. Nhứt là trong hoàn cảnh này, trong giai đoạn này. “Mình với nhau” là sự nhận diện của những người cùng đứng về một phía. “Mình với nhau” nói lên sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ, cần nương tựa vào nhau, nâng đỡ nhau để sinh tồn. “Mình với nhau” là tình người không dị biệt giai cấp. Cho nên, khi mở rộng vòng tay, bà Năm cháo lòng chỉ cần nói có mấy tiếng đó thôi là quá đầy, quá đủ...”

Kể cũng lạ. Dưới ngòi bút của một tác giả người miền Bắc, miền Trung, gọi người đàn bà là “con” Huê, “con” Nhàn nghe có vẻ hỗn… nhưng ở Tiểu Tử, nó chỉ có sự thân mật. Ở ngoài đời cũng vậy, nghe ông gọi “con nhỏ này, con nhỏ kia”, người nghe chỉ cảm thấy sự thân tình.

Ngay cả tên những nhân vật cũng “đặc sệt” miền Nam. Không hề có Lan, Cúc, Hồ Điệp, Giáng Hương, như trong tiểu thuyết miền Bắc, cũng không có Nga My, Diễm My, Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Huê, con Nhàn, con Lúa, thằng Rớt, thầy Năm Chén, thằng Lượm, bà Năm Chiên, bà Năm Cháo lòng.

Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Tiểu Tử (và cả cây bút Nguyễn Ngọc Tư ở trong nước) đã chứng tỏ ngôn ngữ địa phương, cách diễn tả địa phương đã làm giàu cho văn hoá dân tộc.

Thật đáng mừng là ngày nay chúng ta vẫn còn những cây bút như Tiểu Tử. Dù đang sống trong môi tường sinh hoạt của Phương Tây nhưng ông vẫn còn giữ được “bản sắc Việt” nói chung và ngôn ngữ miền Nam nói riêng.

Nói cho cùng, mọi bắt chước theo lối diễn tả “không phải là của chính mình” sẽ là một sai lầm, nó chỉ làm cái vốn văn hoá của ta nghèo đi. Thậm chí, đến một mức độ nào đó, nó còn hủy hoại những gì ta vốn có.

Tiểu Tử còn là một họa sĩ nghiệp dư

***

* Các bạn có thể đọc trên Blog “Nam kỳ Lục tỉnh” tại (https://sites.google.com/site/nhavantieutu/tuyen-tap/chi-tu-u) một số truyện ngắn và phiếm luận của nhà văn Tiểu Tử.

***