Friday, 2 November 2018

Thế Chủ Công của Hoa Kỳ - Phạm Gia Đại

Năm 2018 đánh dấu một khúc quanh trong chính sách của Mỹ đối với thế giới – nước Mỹ đang trên đà tiến công. Ngày 20 tháng Giêng năm 2017, Tổng Thống Donald Trump 70 tuổi chính thức nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nước Mỹ có nhiều cải cách về kinh tế và thất nghiệp giảm xuống, nhưng chưa có nhiều thay đổi đáng kể về đối ngoại. Vào cuối năm 2018, đặc biệt trong tháng 10, nhiều biến chuyển quan trọng đã diễn ra trong chính sách của Mỹ với thế giới, mà trọng tâm là nhắm vào Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa.
Tổng Thống Donald Trump đã đọc bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước đoàn kết chống lại chủ nghĩa xã hội vì chủ nghĩa này đi tới đâu là reo rắc nghèo đói phá hoại đến đó. Một thí dụ cụ thể là Venezuela từ một nước giầu có nhờ dầu hỏa, nay đã có 2 triệu dân phải tha phương cầu thực vì nạn đói đang hoành hành trong nước. Phó Tổng Thống Mike Pence đã dùng những từ ngữ nặng nề chỉ đích danh Trung Cộng là hiểm họa cho thế giới và là kẻ thù của Mỹ. Thượng Nghị Sĩ Marcos Rubio, người Mỹ gốc Cuba,  cũng lên tiếng đòi Hoa Kỳ phải triệt hạ hết các căn cứ quân sự của Trung Cộng xây dựng trái phép từ các đảo san hô, đá ngầm trên Biển Đông.
Điểm nổi bật là Hoa Kỳ công nhận Đài Loan trở lại sau hơn bốn thập niên bức tử chế độ Việt Nam Cộng Hòa, và đưa Đài Loan ra khỏi Hội viên thường trực Liên Hiệp Quốc để mời Trung Cộng vào thay thế, theo hiệp ước Thượng Hải ký kết với Bắc Kinh năm 1972. Thời gian đó, Mỹ công nhận một nước Trung Hoa. Ngày 31-10-2018, Giám Đốc Viện Hoa Kỳ Brent Christensen (tương tự như chức đại sứ) họp báo tại Đài Bắc tuyên bố Washington tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Mỹ vừa bán một số lượng vũ khí lên đến $330 triệu USD, vì Đài Loan cần gia tăng chi phí quốc phòng để đối phó với những đe dọa và xâm lăng từ Hoa Lục. Ông nói những biện pháp không hòa bình của Trung Cộng đối với Đài Loan là đe dọa khu vực và là mối quan tâm của Hoa Kỳ. Ông David Helvey, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng về Châu Á Thái Bình Dương cho biết Mỹ vẫn cam kết bảo đảm khả năng tự vệ cho Đài Bắc theo Luật quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act).
Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Ngụy Phụng Hòa phản ứng gay gắt với các hành động thách thức chủ quyền của Bắc Kinh, nhất là về Đài Loan, có thể khiến Bắc Kinh sử dụng vũ lục. Ngoài ra Hoàn Cầu Thời Báo và South Morning Post cũng đăng các lời chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ tại Hoa Lục, đánh phá về kinh tế, vì đồng nhân dân tệ chưa bao giờ rớt xuống thấp nhất trong vòng thập niên qua. Về mặt kinh tế, theo CNN, bộ tư pháp Mỹ đã buộc tội 2 sĩ quan Trung Cộng đột nhập vào một xưởng chế tạo máy bay chiến đấu của Mỹ tại Hoa Lục để đánh cắp các bí mật quân sự, và hãng Fujian Jinhua của Trung Cộng cũng bị tố cáo đã ăn cắp bằng sáng chế các con chip điện tử của hãng Mỹ Micron Technology.
Nói tóm lại, chính sách của Mỹ đang từ án binh bất động chuyển qua thế tấn công Trung Cộng trên hai mặt trận kinh tế và quân sự. Tại Biển Đông, Mỹ vẫn duy trì luật lưu thông hàng hải và không lưu tự do bất chấp các cảnh cáo và đe dọa từ phía Bắc Kinh. Mỹ đã liên tục phái các hạm đội của hải quân, kể cả Đệ Thất Hạm Đội và hạm đội tiềm thủy đĩnh nguyên tử, vào Biển Đông để sẵn sàng tác chiến khi cần thiết. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã hai lần công du Việt Nam, bồi thường chất độc mầu da cam hàng trăm triệu để kéo cộng sản Việt Nam (CSVN) về phía Mỹ, và tìm các căn cứ chiến lược dọc ven biển VN cho hải quân Hoa Kỳ. Mỹ thiết lập liên minh tứ cường thường được ví như Viên Kim Cương bao gồm Nhật-Ấn-Úc và Mỹ nhằm chống lại Đường Lưỡi Bò. Phó Tổng Thống Mike Pence quan niệm rằng Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc, và một thể chế dân chủ là giải pháp tốt nhất cho Hoa Lục. Quan niệm một nước Trung Hoa từ thời Chu Ân Lai, qua Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình đã lỗi thời. Ngoài ra, Trung Cộng sẽ phải trả giá rất đắt nếu còn tiếp tục uy hiếp các nước trong vùng và muốn độc chiếm Biển Đông.
Để tiếp sức với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ vừa ký kết hiệp ước kinh tế và quốc phòng với quỹ dự trữ lên đến 70 tỷ để cùng sản xuất vũ khí dùng chung cho mục tiêu ngăn chặn Trung Cộng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cũng trong mục tiêu này, Ấn Độ đã nhường cho Nhật được sử dụng ba căn cứ của Ấn gần Eo Biển Malacca để giữ giòng hải lưu chiến lược nối hai đại dương này.
Theo tờ South Morning Post, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Bộ Chỉ Huy Nam Hải, tỉnh Quảng Đông ngày 25-10 vừa qua để đốc thúc việc tăng cường quân sự sẵn sàng ứng chiến với Mỹ tại Biển Đông và Eo Biển Đài Loan. Nhưng mặt khác, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng yêu cầu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa kỳ James Mattis cho ông ta hội kiến tại Washington vào tuần lễ đầu tháng 11.
Liên minh quân sự của đồng minh còn có thêm Anh Quốc. Đô đốc Jones thuộc hải quân Anh lên tiếng cam kết ủng hộ đồng minh thực thi tự do hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương, và việc Chiến Hạm HMS Albion của Anh Quốc đã đi ngang qua Hoàng Sa và đến thăm Việt Nam và đầu tháng 9 đã làm cho Bắc Kinh vô cùng giận dữ. Thêm vào đó, Pháp chuyển giao cho CSVN Khu Trục Hạm Hermes, trọng tải 3,500 tấn trang bị các hỏa tiễn tối tân, và các đại bác 155 ly tự hành có thể bắn xa 42 km và có khả năng di động, và các hỏa tiễn phòng không đặt trên đất hay trên chiến hạm. Ngoài ra, Pháp và Liên Âu còn có kế hoạch sẽ xây dựng lại công xưởng Ba Son, tại Sài Gòn, thành một công xưởng lớn nhất Đông Nam Á, có khả năng đóng các khu trục hạm hạng trung 5,000 tấn. Tháng 10-2018 vừa qua đi trong tình hình Biển Đông đã dậy sóng vì thế chủ công của Hoa Kỳ. Liệu có biến cố gì có thể xẩy ra trong hai tháng cuối của năm 2018? (Tin Tổng Hợp)
Phạm Gia Đại