Sunday, 16 December 2018

CHÚT NGHĨA TÌNH CÒN LẠI

Trời trong xanh, phẳng lặng, vài cụm mây trắng như bông tô điểm nền trời. Chiếc tầu Celebrity chở du khách lướt sóng êm ái trên biển Địa Trung Hải. Chúng tôi ngồi trên boong tầu hứng gíó mát và nhìn hoàng hôn xuống dần trên biển. Nhìn biển cả mênh mông, trên trời dưới nước xanh trong ngắt một mầu cho ta một cảm giác thật dễ chịu, dịu ngọt, lâng lâng, nhưng lại thấy thân phận con người sao quá nhỏ bé, qúa mong manh trước biển trời bao la, và thấy rõ cuộc sống giới hạn của con người như bọt sóng. Nhìn những đàn chim bay là là trên mặt biển kiếm ăn, rồi chúng bay xa ra khỏi tầm mắt, biến mất vào mầu xanh của biển, đàn chim bay đưa vào mắt tôi một cảnh đẹp siêu thực nhưng rồi tôi lại thấy thân phận chúng sống sao mà chật vật, không biết một đời chúng có bao lần được ăn no, ngủ yên.

Du lịch đã trở thành một nhu cầu của dân chúng. Du thuyền và tầu du lich không còn là một xa xỉ phẩm dành cho những nhà giầu có, những kẻ có đặc quyền, nó đã trở nên thịnh hành và phổ thông cho hầu hết mọi người từ trên 10 năm qua, đã trở thành một kỹ nghệ của tư bản và thương mại. Hàng trăm chiếc tầu chở du khách thăm viếng khắp nơi trên thế giới.  Châu Âu, châu Á, châu Úc, châu Mỹ, châu Phi nơi nào cũng có hàng chục chiếc du thuyền, du tầu dành cho du lịch. Con tầu chở chúng tôi gồm có 14 tầng, chở 1700 du khách, gần 800 nhân viên phục dịch, gồm thủy thủ đoàn, nhân viên hành chánh, văn nghệ sĩ, giải trí viên, chuyên viên, nhạc công, nhà bếp và nhiều bồi phòng, lao công dọn dẹp v.v…

Tôi đang mơ màng thả hồn theo gío biển, thì một cặp Mỹ Việt lại chỗ tôi, ê Phú hả, tôi nhìn kỹ phải vài chục giây sau mới nhận ra Hòai. Hoài dẫn cô bạn Mỹ lại giới thiệu với tôi. Đây là Jennifer, vợ tôi. Hòai giới thiệu rồi thao thao kể cho tôi nghe về anh, về cô vợ đẹp, tuơi trẻ. Jennifer có nhiều nét Á Đông, cô thích tất cả mọi thứ có tính Việt, thích ăn đồ ăn Việt như phở, gỏi cuốn, chả gìo, ăn được nước mắm, mắm nêm, mặc áo dài khi có dịp, đi lễ chùa, nói tiếng Việt , cô nói còn bệp bẹ, và rất giới hạn. 

Suốt tuần lễ trên tầu, Hoài và tôi gặp nhau đến chục lần. Vì trước tháng tư năm 1975, chúng tôi gặp nhau thường xuyên và đã chia sẻ với nhau nhiều chuyện buồn vui. Sau khi xong Tú Tài, anh vào Y Khoa tôi vào Luật. Anh hơn tôi ở nhiều khía cạnh, to cao, có nét con trai, khỏe mạnh, đẹp trên trung bình, học khá, có hậu thuẫn mạnh của gia đình tuy không giầu có nhưng không để anh phải lo tiền bạc. Những ngày nhàn du trên tầu là lúc anh có nhiều dịp suy tư và tâm tình với tôi về cuộc đời. Hoài thích tôi và muốn tôi chia sẻ qúa khứ với anh, mà một phần đời anh tôi đã biết, đã chứng kiến và tham dự. Hoài ra đời trong một gia đình hạnh phúc, ông bà cha mẹ, anh em hòa thuận. Những biến động của đất nước không ảnh hưởng nhiều vào đời sống của Hoài; như thời Pháp mạt, bị quân Nhật đảo chánh tháng 3, 1945, vua Bảo Đại đươc trao trả chính quyền, chánh phủ Trân Trọng Kim được thành lập, rồi quân Tầu vào miền Bắc để giải giới hàng quân Nhật. Nạn đói Ất Dậu, gây nên thảm cảnh người chết la liệt đường phố nhất là ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, số tử vong lên đến 2 triệu người. Tây trở lại với ý đồ tái lập lại thuộc địa nhưng bị toàn dân nổi lên chống đối và cuộc kháng chiến bùng nổ… Hoài được nuôi dưỡng che chở như được sống trong một con tầu lớn ít bị hay không bị sóng nước hay mưa bão làm chao đạo

MỐI TÌNH ĐẦU.

Hai năm đầu của Đại Học Y Khoa là những năm vất vả nhất, vì bài vở nhiều nếu trượt qúa hai lần là đi ra.  Hoài kể: Khi tôi vào Y Khoa là lúc gia đình tôi có nhiều thay đổi. Bố mẹ tôi có thêm bạn, có nhiều người từ lâu không liên lạc nay lại đến nối lại tình thân. Vào thập niên 50,60, vào Y Khoa rất khó, khi vào được Y Dược là niềm hãnh diện lớn cho gia đình và họ hàng. Nhiều nhà giầu có, quyền thế đi tìm, đi ngắm sinh viên Y Dược Khoa cho con cái. Tôi thường thấy bố mẹ thì thầm nhỏ to về đám này, đám nọ, cô này cô nọ cho tôi khi tôi trúng tuyển vào Y Khoa. Đến tuổi hai mươi, tôi, hơi muộn, mới thích nhìn mấy cô bạn gái xinh đẹp, trắng trẻo, thích những cảnh đẹp thiên nhiên, thích suy tư vẩn vơ, thích mơ mộng. Đã nhiều lần tôi nhìn ngắm say sưa Bảo Liên, Ái Trinh rồi đưa hình ảnh của mấy cô bạn gái nhỏ này vào giấc ngủ êm đềm. Mỗi lần mẹ tôi nhắc đến lấy vợ, nhắc đến cô này cô nọ là tôi tìm mọi cách gạt đi  với hàng ngàn lý do như: đang bận học, vấn đề động viên, chưa có thì gìơ, chưa làm ra tiền để nuôi vợ…, nên chưa muốn lấy vợ sớm. Bố mẹ tôi sợ nhất ý nghĩ tôi phải bỏ học vì gánh nặng gia đình qúa sớm. 

Lên năm thứ tư thì vấn đề vợ con lại được bố mẹ tôi nhắc đến. Mẹ tôi nói bà Xuân muốn giới thiệu cho tôi con gái ông bà Lai đang làm công chức, con nhỏ rất xinh đẹp, công dung ngôn hạnh vẹn toàn, cháu cụ phủ Hoài Sơn. Con gái một danh gia vọng tộc, nếu không giấm ngay sẽ mất, những lý do cũ tôi đưa ra không còn tính thuyết phục bố mẹ tôi nhất là bà mai. Một đứa con gái đẹp như vậy cả nết lẫn sắc thì dễ gì tìm, mẹ tôi nói con cứ thử gặp xem sao rồi hãy tính.   Để chiều lòng hai ông bà gìa, tôi theo hai cụ đi thăm ông bà Lai và nhìn mặt Bảo Hạnh. Bảo Hạnh bẽn lẽn bưng nước ra mời khách, và đã hớp hồn tôi ngay lần đầu nhìn thấy nàng. Bảo Hạnh có cái nét đẹp tôi ưa thích, hội tụ những điểm của Bảo Liên, của Yến, Loan, Tú Ái, nhất là nàng có một nét gì đó đã ẩn sâu trong tiềm thức của tôi, nét mặt hơi tròn trĩnh, (người thiếu óc thẩm mỹ thì gọi là tiên nữ có cặp má bánh đúc) mũi thẳng, mắt hơi có nét buồn, như

Đôi mắt người Sơn Tây
U Uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
(thơ Quang Dũng)

Mỗi lần thấy tôi, nàng tỏ vẻ e thẹn, nhưng luôn luôn ban cho tôi một nụ cười tình thật thơ ngây, quyến rũ 

Nhìn anh em cười cả đôi mắt
Hút thẳng anh vào cõi mộng mơ

nàng có nhiều điểm, nhiều dáng dấp, hình ảnh của một  người tôi yêu, tôi tôn thờ, người đã cả cuộc đời chỉ biết lo cho chồng con, đó là hình ảnh mẹ tôi. Cứ thấy cô nào có nét gì đó của mẹ tôi là tôi yêu, tôi thích, tôi chỉ nhận thức được điều này khi đã thật sự trưởng thành. Sau một thời gian ngắn qua lại tìm hiểu nhau, gia đình Hoài làm lễ ăn hỏi. Bước vào năm thứ tư Y Khoa, bài vở bắt đầu bớt đi nhưng thực tập nhiều hơn, có nghĩa là sinh viên chúng tôi có thể soay sỏa được nhiều thì gìơ đi o bạn gái, đánh bài, nhẩy đầm …

Riêng tôi, tôi dành hết thì gìơ đưa Bảo Hạnh đi Vũng Tầu, ĐàLạt, ngồi bên thác Cam Ly, bên hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, nghe suối Lam Tuyền róc rách, Bảo Hạnh rót vào tai tôi những điệp khúc yêu thương, tình tự: vừa thấy anh là em yêu liền, anh như người trời đã dành sẵn cho em, nếu sau này không có anh chắc em sẽ chết mất. Những ngày ở Đalạt, chiều nào chúng tôi cũng tản mạn trên những con đường đồi dốc dưới những rặng thông già nghe gío vi vu thổi. Bên cảnh đẹp thiên nhiên, bên cô gái nhí nhảnh, chạy nhảy tung tăng, tôi thâý đời không còn gì đẹp hơn đuơc nữa. Mình như Từ Thức lạc thiên thai. 

Cuối năm thứ tư, chúng tôi làm lễ cưới rồi trở lại Đalạt hưởng tuần trăng mật, chúng tôi đi thăm lại cảnh cũ, không còn chỗ nào đẹp và được nhắc nhở đến như một thắng cảnh mà không có dấu chân chúng tôi. Lúc đó chúng tôi cảm nhận được những mỹ từ ban cho thành phố này như: Đalat sương mờ, thành phố của tình yêu, thành phố của thông reo, thành phố của hoa muôn sắc tươi vui…, Đalat của những cô gái bản Thượng sinh tươi tắm trần dưới suối cạn, những dân bản đeo gù trên đường đèo đi về các buôn xa mờ… 

Sau bẩy năm miệt mài đèn sách, tôi ra trường vào lúc cuộc chiến đang hồi sôi động. Tôi bị động viên mang cấp bậc Trung Úy. Gần 60 tân bác sĩ được tuyển chọn đi các đơn vị, gần l/3 khoảng 20 tân bác sĩ đã dành được chỗ tốt theo truyền thống COCC (con ông cháu cha, con cháu các ông bà quyền thế, con giai, con rể các tướng lãnh, …) các vị này sẽ được tuyển về làm việc tại những nơi an toàn như Tổng Y Viện, quân Y Viện lớn…, theo nghị định bổ nhiệm theo nhu cầu, số còn lại được tuyển chọn hay bốc thăm để đi các đơn vị tác chiến.

Chỗ tốt cấp hai là những nơi như Bộ Tư Lệnh Không Quân, Hải Quân, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát. Những nơi còn lại như Nhẩy Dù, TQLC, Biệt Kích, các sư đoàn bộ binh…được rút thăm cho các tân bác sĩ còn lại. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, các sinh viên Dân Y đều phải học tập căn bản quân sự, để khi ra trường có thể được động viên và đưa ngay ra các đơn vị tác chiến.

Gia đình bên vợ tôi đã bầy tỏ ý định giúp tôi sau khi tốt nghiệp sẽ ở lại làm việc ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, cùng lắm là làm việc tại Quân Y Viện lớn như Quân Y Viện Duy Tân Đà Năng, Quân Y Viện Nha Trang, tôi gạt luôn ý tốt này của họ. Lúc này vợ chồng tôi có một đứa con trai, đặt tên cháu là Quang Hảo, vì mọi sự đối với chúng tôi: hạnh phúc gia đình toàn hảo.

ĐẤT LỞ

Tôi chọn đơn vị Bộ Binh, và được đưa ra Quân Đoàn 1, Vùng 1 Chiến Thuât. Lúc này là lúc chúng tôi phải đương đầu với thực tế của cuộc sống, vợ chồng phải lo nơi ăn chốn ở. Hạnh đưa con ra sống gần chồng ở Huế, được 6 tháng thì bỏ về lại Saigon, tuy ở gần chồng nhưng tôi theo đơn vị đi biền biệt, có tháng về có tháng không. Bố mẹ vợ tôi, những người sinh ra và lớn lên trong thời Pháp thuộc, trên 30 năm đã qua rồi mà chưa tỉnh ngủ vẫn giữ nề nếp cũ không thay đổi. Ông bà chỉ muốn cho con cái lớn lên trở thành các quan đốc, quan trạng ( thời Pháp thuộc, một số ít theo Tây và có công với họ, được cho đi học 4 năm trở thành Medecin Indochinoise tương đuơng với cán sự Y Tế sau này), dân chúng rất nể sợ bọn này và kêu họ là quan Đốc, quan Trạng). Khi con trai đã không thỏa mãn được ước mơ của ông bà, bây giờ họ dồn nỗ lực vào con gái, con rể, họ muốn tôi ra trường ở lại Saigon, ban ngày đi làm, chiều tối mở phòng mạch vừa làm giầu vừa làm cho bố mẹ nở mày nở mặt. Họ quên thời gian đã thay đổi nhanh, giá trị con người không còn tùy thuộc vào danh vị ước lệ, quyền thế aỏ mà là học vấn, khả năng thực có, hiểu biết sẵn sàng phục vụ xã hội, con người. Ai cũng phải tối thiểu làm đầy đủ bổn phận của mình, từ một anh công nhân đến các chuyên viên cao, các chính trị gia … thì xã hội mới thăng tiến được, và như thế mọi người đều được hưởng phúc lợi.

Tình hình chiến sự vẫn đè nặng đều lên người quân nhân, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác để ngăn chặn sự xâm lược của Cộng quân tại vùng giới tuyến, mùa hè đỏ lửa, tái chiếm Quảng Trị. Ngay sau khi Hiệp Định Paris được ký kết 27/1/1973, Hoa Kỳ nhằm vào việc rút quân trong danh dự, tiếp nhận lại tù binh, giúp VNCH tự lực qua công cuộc VN hoá chiến tranh, nhưng Cộng Sản luôn luôn vi phạm Hiệp Định qua các vụ xâm nhập, cướp đất dành dân, họ không hề từ bỏ mục tiêu tối hậu là xâm chiếm miền Nam. Là một quân nhân, là y sĩ Đai úy, gia đình sống đôi nơi, nên lúc nào cũng thấy eo hẹp tiền tài. Đời sống vật chất. xa xỉ, phù phiếm tại các thành thị laị được phô trương qúa mức làm tăng áp lực đến cho gia đình Hoài. Anh đã bắt đầu nghe thấy đôi lời bóng gío về Hạnh nhưng anh tin ở tình yêu mãnh liệt mà Hạnh đã dành cho anh nên không dễ gì làm nàng thay đổi. Sang năm 1974, tin Hạnh bỏ anh và con cho bố mẹ chồng trở thành sự thật. Anh cảm thấy mọi sự chung quanh như đang sụp đổ.

Tháng Ba năm 1975, Ban Mê Thuột bị Cộng quân tiến chiếm, miền Trung hỗn loạn, các đơn vị chiến đấu của ta phần bị tan rã, phần rút vào Nam. Khi Hoài vào tới Saigon, anh chỉ còn kịp đưa cha mẹ, anh chị em và cháu Hảo lên tầu Hải Quân rút ra khỏi Saigon và đi Subic Bay. Sau gần l tháng ở Subic Bay, rôì Guam, rồi Fort Chaffee, gia đình anh được Hội bảo trợ đưa về New Jersey. Những người bảo trợ giúp mọi người trong gia đình anh tìm việc làm, anh kiếm được một chân phụ y tá trong nhà thương, anh được các bác sĩ Mỹ tận tình chỉ dẫn để học thi lấy bằng tương đương ECFMG. Hoài lao vào công việc lao động mới, anh tìm quên lãng, hành thân sác 12 giờ mỗi ngày, để thời gian choán hết nỗi chán chường, nhưng anh không sao lãng bổn phận cuả anh đối với cha me, với Hảo. Sau khi lấy được bằng tương đương, anh cũng phải dầy công lắm mói xin được một chỗ tập sự. Khi có chỗ tập sư với lương tập sự, gia đình đã thấy thoải mái. Mất gần 8 năm lăn lộn với việc làm, học tập, thực tập, anh trở lại một bác sĩ nội khoa, được hành nghề với tất cả chức năng của một bác sĩ. Anh như một người bị rớt xuống vực thẳm, trời sụp trên đầu, đất lở ngay dưới chân, vợ bỏ, nước mất, nghề nghiệp cũng mất, đúng là nước mất nhà tan.  Anh phải làm lại từ đầu và may mắn đã cho anh toại nguyện.

DUYÊN TÌNH MIỀN ĐẤT MỚI

Trên chuyến máy bay American Airlines đường dài từ San Francisco đến Nữu Ước, khi máy bay vào vùng trời Ohio, thì loa phóng thanh gọi có quí vị hành khách nào là Bác sĩ trên máy bay, xin vui lòng lên phía trước giúp l vị cao niên đang bị đau ngực và bụng nặng, cần giúp đỡ gấp. Anh lên phía trước cùng với các tiếp viên dùng phương tiện và thuốc cấp cứu có sẵn để cứu chưã bệnh nhân. Rất may cơn đau tim giảm và bệnh nhân được cho ngồi tĩnh dưỡng, máy bay không cần phải đáp xuống khẩn cấp. Khi máy bay đáp xuống phi trường Newark, con gái của bệnh nhân tìm Hoài để cám ơn. Sau l tuần lễ họp hành, hội thảo, anh trở về lại San Jose làm việc. 

Gần một tháng sau, một cô gái xuất hiện ở văn phòng anh, gặp anh để cảm ơn anh đã gíup bố cô trong cơn đau nguy kịch trên máy bay. Anh trả lời đó là một việc bình thường của một bác sĩ, ai ở địa vị của anh cũng phải làm như vậy. Từ đó, cô gái tên Jennifer Phyllis thường lại thăm, lúc một mình, lúc đi với bố. Jen ngoài đôi mươi, da trắng mịn, tóc hung, mắt xanh, má hồng, môi mọng như mầu mận, lúc nào cũng sẵn sàng nở nụ cười, hết sức hấp dẫn. Anh tưởng lòng mình đã khô héo, tim đã nặng thương tật, nhưng Jen đã tới hàn gắn nó và làm nó rung động trở lại. Tóc Jen sợi nhỏ, mịn màng lúc nào cũng tỏa ra như bay quanh đầu, quanh cổ cô, như muốn cột lấy Hoài vào cuộc đởi cô từ lúc nào, mỗi lần Jen tới thăm anh:

Em lùa gíó biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non

(Thơ Huy Cận)

Jen thổ lộ với Hoài, nàng thích anh ngay từ lần đầu nhìn thấy anh, dáng dấp không chải chuốt, có chút gì phong nhà, chút nghệ sĩ, chút trí thức bất cần đời,
 
Lần đầu ân ái trao bằng mắt
Rồi để tình thương xuốt trọn đời
 
(Thơ Hồ Dzếnh)

NGHĨA TÌNH XƯA

Hoài kể tiếp sau khi Hoa Kỳ nối lại bang giao với Việt Nam, anh nhờ tìm gia đình bố mẹ Bảo Hạnh thì được biết rằng họ sống trong nghèo túng, vất vả. Anh gửi tiền về giúp đỡ họ. Ông bà Lai ân hận chỉ vì hai chữ danh vọng và tiền bạc, mà ông không tìm thấy ở Hoài, nên đã gián tiếp bằng lòng cho Hạnh bỏ Hoài chạy theo một người giầu có. Hắn tên Khoan, hắn kèm Bảo Hạnh học thi Trung Học, hắn thầm yêu Bảo Hạnh, nhưng biết thân phận mình không bao giờ được gia đình Hạnh chấp nhận, tình yêu cuả hắn nếu có, chỉ là đường một chiều, là đường cụt. Không ngờ thời thế đổi thay, hắn chạy theo, bỏ học, đi đổ đồ Mỹ, sau mở Bar ở Cam Ranh, trở nên giầu sụ. Lúc rủng rỉnh tiền bạc, hắn tìm Hạnh đúng vào lúc nàng đang sống eo hẹp, ông bà Lai cũng bị chóang ngợp với  đống quà hắn cung phụng, nên đã siêu lòng ngả về hắn. Thế là hắn chiếm được tình cảm của ông bà Lai và Hạnh. 

Khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam, Khoan bị CS chiếu cố, hắn trắng tay, và biến mất. Hoài khuyến khích con về thăm ông bà ngoại, mẹ và mấy đứa em cùng mẹ khác cha sanh sau này, và gíup đỡ họ.  Anh tha thứ tất cả những khổ nạn, những ác độc, gỉa dốí, lừa lọc mà con người đã gây ra cho anh, gia đình anh và đồng loại nhưng anh sẽ không bao giờ quên chúng.  Anh nghĩ dẫu tình xưa đã hết, đã vào mộ từ lâu nhưng nghĩa vẫn còn.

Đường đời ta gặp lại nhau, 
mở lòng tha thứ, ban nhau nụ cười.

Jen đã mang lại cho anh một niềm tin, tình thương và nụ cười

ĐỖ PHÚ