Sunday, 16 December 2018

Con Ma Ở Rạp Hát Lido - Đào Văn Bình

Văn Nhân là văn sĩ nổi tiếng đã có vài chục tác phẩm xuất bản. Nếu như sinh ra ở Hoa Kỳ hay Tây Phương thì chàng ta đã trở thành triệu phú, đời sống đế vương. Thế nhưng thị trường chữ nghĩa của người Việt hải ngoại thì nhỏ, “văn chương hạ giới lại rẻ như bèo”, báo free, báo biếu, báo chợ, báo cắt dán khơi khơi đăng truyện của chàng mà không phải trả nhuận bút, nhà xuất bản kiếm được mớ tiền khi xuất bản sách của chàng…thế nhưng chính tác giả lại nghèo kiết xác. 

Bên cạnh viết văn là nghề tay trái, chàng lại phải có nghề tay phải là bán bảo hiểm để sinh sống. Thế nhưng văn nhân, nghệ sĩ mà chọn nghề bán bảo hiểm là chọn lầm nghề cho nên cuộc sống vẫn không khá. 

Vào những năm đầu của thập niên 1990 hải ngoại nở rộ phong trào trình diễn đại nhạc hội, thu hình rồi sản xuất băng Video, đáp ứng đúng thị hiếu giải trí của đa số người Việt lớn tuổi không sao thích nghi với nền văn hóa, văn nghệ xứ người và tiếc thương những gì của những ngày tháng cũ mà Hằng Nga là trung tâm độc quyền, nổi tiếng nhất. 


Giới thiệu chương trình văn nghệ thì ai mà chẳng giới thiệu được. Thế nhưng nếu MC là một cô gái hay một cậu mặt mũi dễ coi, ăn nói duyên dáng thì cũng khá hơn là cứ phải nghe, phải nhìn những khuôn mặt khó coi, ăn nói rẻ tiền, xuất hiện trên sân khấu. Chính vì thế mà Trung Tâm Hằng Nga đã tìm tới Văn Nhân. Mới đầu thì Văn Nhân từ chối, vì nhà văn có khi nào lên sấu khấu" Ngay soạn giả tuồng cải lương cũng còn không lên sâu khấu nữa kìa. 

Nhưng vì bà vợ thúc ép quá cho nên Văn Nhân “Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần tới đâu.” Thế nhưng do “tổ đãi”, do tài ăn nói lưu loát, kiến thức rộng của nhà văn, ngôn ngữ có lựa chọn, dù đôi khi cứng nhắc nhưng không đến nỗi bình dân và rẻ tiền, lại biết cách làm việc, thêm đầu óc khôi hài dí dỏm…cho nên đã chinh phục ngay được khán giả. Ở hải ngoại, người ta mua băng Hằng Nga về để xem, làm quà biếu bạn bè, chiếu trong các quán ăn, quán nhậu, quán Karaoke, quá cà-phê và nhất là trên các chuyến xe đò xuyên bang…khiến Văn Nhân nổi tiếng như cồn, còn hơn cả tăm tiếng của nhà văn năm xưa. 

Bề ngoài tiền bạc và danh vọng thì như vậy, nhưng bên trong không phải không có những xung đột nội tâm. Từ giã cuộc sống trầm mặc của nhà văn thường suy nghĩ về chiều sâu triết lý của cuộc sống, sẵn sàng tố cáo những cái kịch cỡm, thói hư tật xấu của xã hội…nay lao vào cuộc sống bèo bọt của thế giới âm thanh, khóc than, nói cười trên sân khấu… nhiều khi chỉ là những gì nhai lại, Văn Nhân không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng, nhất là trong việc giới thiệu ca sĩ. Cái khổ là Văn Nhân thường phải vò đầu, bứt trán để “sáng chế” ra những mỹ từ sao cho thích hợp với từng người. Chẳng hạn, đối với ông bà ca sĩ nổi tiếng ngày xưa nay đã “sáu, bảy bó” nhưng vẫn còn lên sân khấu thì Văn Nhân phong cho câu “tiếng hát vượt thời gian”. Điều đó có nghĩa là “ cái già chẳng ăn thua gì, ông bà đây vẫn hát hay, giọng vẫn trong trẻo, ngọt ngào như thời còn son trẻ.” Rồi thì “giọng hát mượt mà” để ai muốn hiểu sao thì hiểu, để phong tặng các ca sĩ có lẽ có thân hình “mượt mà” hơn là giọng hát. Rồi “đây là ca sĩ đang lên”, “được ưa chuộng nhất” để giới thiệu các ca sĩ hạng vừa vừa, hát đệm trong chương trình. Rồi thì khi cô, cậu nào có giọng hát bình dân chuyên điệu Boléro…thì Văn Nhân hiểu rằng không còn cách giới thiệu nào hay hơn là cho họ danh hiệu “làm sống lại hình ảnh Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết của thập niên 1950”. Rồi còn các cô cậu ca sĩ lần đầu tiên được Trung Tâm Hằng Nga lăng-xê thì Văn Nhân tán “sự xuất hiện của…sẽ đem lại nhiều luyến nhớ cho khán giả.”
Sống trong thế giới xô bồ, hỗn tạp của ca nhạc và ánh đèn sân khấu như thế, do bản tính trầm mặc cố hữu, Văn Nhân tránh các buổi tụ họp tán gẫu sau mỗi lần trình diễn của các ca sĩ. Hơn nữa tính của bà xã lại hay ghen, thỉnh thoảng bíp, sau này thì gọi cell phone để kiểm soát xem “thằng chả” có lẹo tẹo với cô nào không" Nổi tiếng rồi thì mấy cô gái trẻ bám theo là chuyện thường lắm. Cứ cảnh giác cho chắc ăn.

Trung Tâm Hằng Nga thường tổ chức các show tại rạp hát Lido nằm ở 116 bis Avenues des Champs-Elysees của Paris là một hý viện cổ xây cách đây cả trăm năm nhưng cũng nổi tiếng vì có ma….nhưng không phải ma Tây mà ma Việt. Các văn nghệ sĩ Tây, Đầm trình diễn ở đây bàn tán rằng họ thường xuyên thấy một thiếu phụ Việt Nam, ăn mặc theo kiểu quý phái của Sài Gòn- Gia Định những năm 1920. Về đêm, trong những lúc vắng vẻ cứ từ phòng quản lý ở trên lầu thướt tha bước xuống. Rồi có khi con ma ngồi xuống bên cạnh hoặc đứng sau lưng các nghệ sĩ, im lặng không nói gì. Trong không khí chộn rộn ở hậu trường, người ra người vô nên chẳng ai để ý. Ai cũng cho đó là nhân viên của đoàn hát hoặc có thể một khán giả nào đó ái mộ các nghệ sĩ cho nên tìm cách vào hậu trường nhìn cho thỏa thích. Thế nhưng khi giật mình, quay nhìn cho kỹ thì họ không thấy con ma đâu mà chỉ thấy một người đàn bà đang bước vội lên lầu rồi biến mất vào phòng quản lý. Thậm chí có người còn nói, những lúc về khuya đã trông thấy con ma lang thang trên sân khấu hoặc ngồi ủ rũ trên hàng ghế của khán giả một hồi lâu rồi biến mất. Hôm nay, không giống như mấy show trước, sau buổi trình diễn, do mỏi mệt bởi chuyến bay đường dài xuyên lục địa, rồi nào là tập dượt và mất ngủ vì lạ nhà, Văn Nhân không theo đám văn nghệ sĩ kéo ra khu chợ Việt ở Quận 13 ăn cháo khuya, tán dóc. Chàng tựa đầu vào một chiếc ghế bành và thiếp đi lúc nào không hay. Vừa chợp mắt được dăm ba phút chàng thấy từ trên lầu một thiếu phụ bước xuống. Thiếu phụ khoảng 25 tuổi, khuôn mặt thật đẹp nhưng vương vấn nét buồn diệu vợi. Đầu nàng vấn tóc trần với chiếc trâm bạc dắt ngang, cổ đeo kiềng vàng. Nàng mặc một chiếc áo nhung màu huyết dụ làm nổi bật chiếc cổ cao và đôi bàn tay trắng ngần. Thiếu phụ đi đôi hài nhung đen thêu chỉ vàng làm bước đi của nàng nhẹ như mây bay. Tất cả vóc dáng, trang phục khiến con người thiếu phụ tỏa ra một vẻ đẹp quý phái lạ lùng. Trong đầu óc vừa mệt mỏi vừa mơ màng, khi nhìn thấy thiếu phụ, Văn Nhân nghĩ rằng đây có thể là một vũ công mà Trung Tâm thuê mướn, hóa trang, trình diễn phụ với các ca sĩ, dĩ nhiên là nhiều cô rất đẹp, cho nên chàng lên tiếng hỏi:

-Sao cô không đi ăn cháo khuya với mọi người"

Bằng giọng nói rất nhỏ nhẹ, cô gái đáp:

-Em không phải là nhân viên của đoàn hát. Em là chủ nhân của hý viện này.

Nghe nói thế Văn Nhân giật mình hỏi:

-Cô còn trẻ quá, làm sao cô có thể làm chủ một hý viện to lón như thế này" Vẫn với giọng nói như trong mơ, cô gái đáp:

-Hý viện này đã qua bao đời chủ nhưng em là chủ nhân của nó cách đây khoảng 70 năm. Nghe cô gái nói thế, Văn Nhân nổi da gà và giọng nói trở nên ấp úng:

-Thế thì cô là ma hiện về à" Bởi vì nếu gần 70 năm thì cô phải là một bà lão chứ sao trẻ đẹp như thế này"

Nghe hỏi thế cô gái đáp ngay:

-Phải, em là ma nhưng xin ông đừng sợ vì em chẳng hại ai cả. Em chẳng hiểu sao người ta lại sợ ma. Rồi như thể câu nói đã gợi lên bao nỗi đau, cô gái bật khóc, nói:

-Em chết cách đây 70 năm. Đời em là một khúc nhạc bi thương. Em chưa hề kể chuyện ấy cho ai. Nay thấy ông là một nhà văn, có thể truyền đạt cho đời cho nên em mới mạo muội kể ra. Ông có vui lòng lắng nghe không"

Nói xong cô gái tự nhiên ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh.

Là một nhà văn, thích nghe cũng như quan sát chuyện đời rồi dặm mắm dặm muối thêm vào đó để viết thành tiểu thuyết. Hơn thế nữa câu chuyện lại lạ lùng cho nên đầu óc tò mò trấn áp cả nỗi sợ ma cho nên Văn Nhân nói cứng:

-Cô cứ nói đi. Tôi đâu có sợ ma. Tôi cũng là con...ma xó đây. (1)

Dù trong giấc mơ Văn Nhân vẫn còn đầu óc khôi hài. Cô gái nhìn Văn Nhân ra chiều cảm ơn. Rồi bằng giọng nói pha lẫn với nước mắt, nàng kể:

“Em tên Mộng Quỳnh. Vào năm 1921 khi em còn là cô gái 19 tuổi sinh ra và lớn lên ở Gia Định thì Maurice Cognaq đã 52 tuổi và đang làm Công Sứ Định Tường. Do cha y làm chủ hý viện Lido này, quen lớn với những quan chức trong Bộ Thuộc Địa thường lui tới hý viện, đã chạy chọt để đề bạt Maurice lên chức Thống Sứ Nam Kỳ. Lúc đó cha em đang làm việc tại dinh thống sứ. Ngày Maurice nhậm chức, y cho phép tất cả gia đình nhân viên phục vụ được tham dự tiệc vui và em cũng được cha em dẫn đi. Nhưng đâu có ngờ đây lại là ngày định mệnh oan nghiệt. Maurice là một gã rất háo sắc. Kể từ khi gặp em, Maurice mê mệt và theo mãi rồi cuối cùng xin cưới em vì bà vợ đầm của y chết cách đây hơn một năm. 

Trước lời cầu hôn của Maurice cha mẹ em điếng cả người. Nếu lấy hắn thì trớ trêu quá. Còn nếu từ chối thì sinh mạng của em, của cha mẹ em không biết thế nào. Cuối cùng thì ông bà gạt nước mắt xin em hãy hy sinh để cứu mạng gia đình cũng như nàng Kiều bán mình chuộc cha năm xưa. 

Trong thời gian đó em đã có bồ. Em và Công đã yêu nhau. Công 21 tuổi, học Trường Chasseloup Lauba và đang chuẩn bị thi Bac Deux. Công đẹp trai, con nhà nghèo nhưng hiếu học và yêu em hết mực. Em thường gọi Công với cái tên thân mật là Anh Tư vì Công là con thứ ba trong gia đình. Cha mẹ em cũng rất thương Anh Tư và hứa khi đậu xong, ông bà sẽ cho làm đám hỏi. Vào những ngày chủ nhật, em và Anh Tư thường đi Sở Thú chơi. Còn những dịp lễ lớn tụi em đi Lái Thiêu ăn trái cây. 

Mối tình của tụi em đẹp như hoa như mộng. Nghe tin em phải lấy Maurice, Công chết lặng người, khóc hết nước mắt. Đã có lúc tụi em định ôm nhau nhảy xuống Cầu Bình Lợi tự vẫn nhưng Công trấn tĩnh lại nói em hãy ráng sống. Anh Tư nói hắn ta năm nay đã hơn năm mươi tuổi. Nhiều lắm là mười, hai mươi năm nữa hắn cũng chết. Dù thế nào anh vẫn thương em và chờ đợi em. Ngày em “lên xe hoa” cũng là ngày em “lên xe tang”. 

Giữa vòng vây phủ của dinh thống sứ, một con chim bay cũng không lọt, em không còn cách nào liên lạc với Anh Tư. Vì quá nhớ thương ảnh, em nghĩ ra một kế, nói với Maurice rằng nay em đã là vợ quan thống sứ cần phải giỏi tiếng Pháp để giao dịch với bao giới thượng lưu Pháp. Nghe nói thế Maurice đồng ý ngay. Em nhờ ba em giới thiệu Công với Maurice. Vì ngay tình nên Maurice không nghi ngờ chi cả. Thế là kể từ đó mỗi tuần em được gặp Anh Tư nhưng có học hành chi đâu mà hai đứa chỉ ôm nhau khóc vùi. 

Những giây phút đắm đuối bên nhau như Ngưu Lang- Chức Nữ đó kéo dài được một năm. Sau đó có lẽ do có người mách bảo Maurice nghi ngờ và thay bằng một bà giáo người Pháp. Rất may Maurice không ra lệnh cho mật thám giết Anh Tư. Cuộc sống trong cô đơn, buồn tủi của em như thế kéo dài năm năm. Vào năm 1926, cha của Maurice ở Paris qua đời. Xác của ổng được lưu giữ trong phòng lạnh để chờ Maurice về thọ tang. Lúc này Phong Trào Bình Dân ở Pháp thắng thế, chính sách thuộc địa thay đổi đôi chút cho nên địa vị của Maurice chưa chắc đã giữ được. Chính vì thế mà Maurice đệ đơn từ chức đồng thời đưa em về Pháp. 

Ngày em xuống tàu rời Cảng Sài Gòn, cha mẹ em coi em như đã chết. Em không biết trong số ông Tây bà Đầm và quan chức Việt Nam tiễn đưa quan thống sứ về nước có Anh Tư lẫn trong đó không" Về tới Paris, thọ tang cha xong, Maurice thay cha làm chủ hý viện. Trong những lúc Maurice bận rộn hoặc phải đi xa, em thay hắn làm quản lý. Căn phòng trên lầu là nơi em làm việc và nghỉ trưa. Qua tới đây em không còn sợ Maurice như xưa. Vì quá nhớ thương Anh Tư, em lén gửi thư cho ảnh và nhờ ba em chuyển. 

Thế nhưng thơ đi thì có, thơ về thì không. Em nghĩ Anh Tư mòn mỏi trông chờ trong tuyệt vọng đã lập gia đình với người khác. Thế nhưng vào một ngày kia, khi em đang ở trong phòng quản lý thì một người gõ cửa bước vào. Người đó không ai khác hơn là Anh Tư. Nhìn thấy ảnh em cứ ngỡ đây là giấc mơ. Nhưng khi Anh Tư ôm chặt và hôn tới tấp lên mặt em thì em hiểu rằng đây là sự thực. 

Rồi qua dòng nước mắt Anh Tư kể cho em nghe cuộc đời ảnh sau khi bị Maurice đuổi không cho làm précepteur nữa. Kể từ đó, sợ mật thám bắt, anh cắt đứt liên lạc với ba em và đổi địa chỉ. Sau khi lấy xong Bac Deux, năm năm sau tốt nghiệp kỹ sư công chánh, ảnh xin được việc làm tại Sở Tràng Tiền. Lúc này ảnh cũng đã lớn cho nên ba má ảnh giục cưới vợ nhưng ảnh cương quyết chờ đợi em. 

Khoảng năm sau, ảnh bỏ công việc này và xin làm chuyên viên cơ khí cho con tàu Marseille chuyên chạy đường Thượng Hải, Hongkong, Sài Gòn, Singapore và Pháp để thực hiện ước mơ gặp lại em. Sau khi dành dụm được một số tiền và phần nào rành đường đi nước bước ở Pháp, ảnh trốn ở lại và lên Paris tìm em. 

Và ngày hôm nay đây....ảnh đã đạt được giấc mơ đó. Trong vòng tay ấm áp của Anh Tư em thấy đời em như sống lại và em đã khóc...khóc hết nước mắt, nhưng đó là những giọt nước mắt hoan lạc. Và em đã hưởng được những giây phút tuyệt vời bên Anh Tư dù em đã làm vợ Maurice hơn bảy năm. 

Thế rồi dưới sự sắp xếp của em, lợi dụng những lúc Maurice đi xa hoặc bận công việc, Anh Tư đều lên đây gặp em. Tụi em cũng đã bàn tính đến chuyện cùng trốn sang Thụy Sĩ để sống với nhau. Cuộc ái ân vụng trộm như thế kéo dài được ít tháng thì một ngày kia khi hai đứa còn đang ở trong phòng thì Maurice mở cửa bước vào. 

Theo em, Maurice hoàn toàn ngay tình, không biết gì cả. Nhưng có lẽ hôm đó hắn thay đổi chương trình hoặc quên một món đồ gì đó nên quay lại lấy. Thật oan nghiệt! Khi thấy em đang trong vòng tay của Công, Maurice nhận ra ngay người thanh niên năm xưa đã kèm em học ở Dinh Thống Sứ. Y giận điên người và rút trong người ra khẩu súng lục, chĩa thẳng vào Công. 

Trước tình thế nguy cấp đó, em gỡ tay Công ra rồi thét lên “Không được bắn!” Rồi em nhào lên đứng trước mặt Công, không ngoài mục đích mong Maurice, vì không nỡ giết em mà Công có cơ hội chạy thoát. Thế nhưng khi em vừa nhào tới trước mặt Công thì một phát đạn nổ vang. Khi thấy em ôm ngực, lảo đảo thì chính Maurice cũng kinh hoảng nhìn trừng trừng vào đôi tay của hắn và khẩu súng rớt xuống sàn. Maurice không ngờ chính hắn đã giết vợ hắn. 

Theo em nghĩ, Maurice không hề có ý giết em. Nhưng có lẽ lúc hắn bóp cò cũng chính là lúc mà em đã đứng án ngữ để che chở cho Công cho nên em đã chết thế cho Công. Vì em chết oan và chết vào giờ linh. Hơn thế nữa vì em lúc nào cũng còn thương nhớ Anh Tư và những giây phút mặn nồng bên ảnh, khiến em không đầu thai được và cũng không thể lìa xa căn phòng này. Đã gần bảy mươi năm qua em chưa hề thố lộ chuyện này với ai. Nay cơ duyên gặp anh và thấy anh là nhà văn vốn đa cảm cho nên em nhờ anh một chuyện, không biết anh có vui lòng giúp cho không"” 

Nghe câu chuyện thương tâm như thế. Dù không biết hậu quả tốt xấu thế nào, dĩ nhiên là không thể từ chối cho nên Văn Nhân nói:

-Chuyện gì tốt lành cho cô thì tôi sẵn sàng.

Nghe Văn Nhân nói thế, cũng bằng cái nhìn thật biết ơn, cô gái nói:

-Anh làm ơn đến chùa, thỉnh một vị sư tu hành đức độ, xin cho em một thời kinh siêu độ để em có thể đi đầu thai. Có như thế thì kiếp sau em mới có hy vọng gặp lại Anh Tư. Nếu còn như thế này thì chỉ làm khổ em, khổ Anh Tư và khổ người ta. 

Cô gái vừa nói đến đây thì từ ngoài cửa, những tiếng tru tréo bỗng vang lên: -Anh Văn Nhân ơi! Bộ anh chê tụi em sao mà không chịu đi ăn với tụi em" Anh ở đây để nói chuyện với ma hay sao"

Đấy là những tiếng lá ó của mấy cô ca sĩ, nhân viên đoàn hát ăn cháo khuya xong kéo về. Và cũng là lúc Văn Nhân giật mình thức dậy. Vừa dụi mắt, lắc nhẹ đầu cho tỉnh táo, Văn Nhân đưa mắt nhìn lên căn phòng quản lý. Căn phòng vẫn đóng cửa im lìm và Mộng Quỳnh cũng biến đâu mất. Thấy chàng chẳng trả lời trả vốn chi cả, mấy cô gái lại lên tiếng chọc ghẹo:

-Trông anh sao ngơ ngác như bị ma nhập vậy! Rồi những tiếng cười chọc ghẹo lại rộ lên. Không một phản ứng, Văn Nhân lặng lẽ đứng dậy, đi vào phòng vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo. Sáng hôm sau, lấy cớ bận chuyện riêng, chàng một mình tới ngôi chùa Việt Nam cũng ở Paris thuật lại cho sư cụ nghe câu chuyện tối qua. Nghe xong sư cụ thở dài nói:

-Đời là bể khổ bến mê! Hiện nay các nhà ngoại cảm đã tiếp xúc được với nhiều hồn oan nơi cõi âm. Rất nhiều người không sao siêu thoát được vì họ đã chết một cách oan khiên, nghiệt ngã. Cứu độ chúng sinh sao cho “Âm siêu, dương thới” là bổn phận của nhà Phật. Xin ông đừng lo. 

* * *
Ba ngày sau, trong căn nhà ấm cúng tại Thành Phố Melbourne, Úc Châu, Văn Nhân ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành, với một ly nước cam uống cho lại sức. Còn bà vợ thì lăng xăng sắp xếp lại vali, quần áo của chàng và nấu một nồi phở là món “tủ” mà Văn Nhân ưa thích. Chuyến trình diễn đường dài như thế lần nào cũng khiến chàng mệt mỏi và thèm ngủ. Đầu dựa ngửa vào chiếc ghế và chàng thiếp đi lúc nào không hay. Chàng vừa chợp mắt được vài phút thì từ ngoài cửa một người đàn bà bước vào. Trong giấc ngủ trưa mệt mỏi và chập chờn, chàng cứ tưởng đó là người bạn của bà xã tới chơi nhưng khi người đàn bà đến gần và lên tiếng thì chàng nhận ra đó là Mộng Quỳnh. Vẫn trong bộ trang phục quý phái, nhưng hôm nay khuôn mặt của nàng có tươi hơn một chút. Nàng nói:

-Cám ơn anh. Nhờ có anh nói với sư cụ mà em được hưởng một thời kinh siêu độ. Pháp Phật đã làm em giác ngộ và em đã trả lại tất cả những gì gọi là ảo ảnh vô thường của trần gian và được đi đầu thai. Em cũng cầu xin kiếp sau sẽ không còn gặp những chuyện oan trái nữa và nguyện được ăn đời ở kiếp với Anh Tư để đáp lại những ân tình mà Anh Tư đã dành cho em.

Nói xong nàng mạnh dạn nắm lấy đôi tay của Văn Nhân, lắc nhẹ. Hình như đôi mắt bồ câu của nàng long lanh vì nước mắt. Trước tình thế đó, Văn Nhân không còn cách nào hơn là lên tiếng an ủi:

-Mộng Quỳnh! Không có chi Mộng Quỳnh à. Đó chỉ là bổn phận thôi. Nghe nói thế, bằng một giọng rất tỉnh táo, Mộng Quỳnh nói tiếp:

-Em nhờ anh, với văn tài, xin anh viết lại truyện này để người đời biết được những chuyện đau thương dưới thời đất nước bị cai trị bởi Thực Dân Pháp. Nói xong nàng từ từ lùi xa rồi bóng nàng biến mất sau khung cửa. Ngay lúc đó những tiếng eo éo bỗng vang lên:

-Anh mớ gì dữ vậy" Mộng Quỳnh! Mộng Quỳnh là con nào"

Đó là tiếng la của bà vợ, cùng với những những cái lắc mạnh vào vai đã làm Văn Nhân tỉnh giấc. Vì còn đang mơ màng cho nên Văn Nhân chưa hiểu chuyện gì thì bà vợ lại đay nghiến:

-Gớm thật! Mới có vài ngày lại thêm con Mộng Quỳnh nữa. Nó là con nào vậy"
Văn Nhân đưa đôi mắt ngơ ngác nhìn vợ. Và có lẽ cũng phải mất ít phút sau chàng ta mới tỉnh táo hẳn. Chàng nhận ngay ra rằng bà vợ “sư tử Hà Đông” của mình lại ghen bóng ghen gió bởi vì trong cơn mê vừa rồi miệng chàng đã thốt ra những tiếng “Mộng Quỳnh, Mộng Quỳnh”. Bằng giọng thật dịu dàng và có vẻ nịnh vợ, chàng nói:

-Mộng Quỳnh là con ma. Thôi “honey” cho anh ăn phở đi. Anh đói bụng lắm rồi. Vừa ăn phở anh sẽ kể cho “honey” nghe. Bà vợ dù có ngúng ngoảy, ra oai thêm đôi chút nhưng rồi cuối cùng cũng thương thằng chả, bằng cách quay lại bếp, dọn ra hai tô phở. Mùi thơm của phở, vị béo của thịt bò, giá sống hành trần, cái nóng còn bốc hơi của nước dùng làm Văn Nhân tỉnh người. Vừa ăn, chàng lấy lại tự tin và cứ thành thật kể lại tất cả những gì chàng nghe và thấy trong giấc mơ xảy ra tại Hý Viện Lido. Kể xong, Văn Nhân tin tưởng rằng bà vợ sẽ xúc động và cảm thương cho cuộc đời trái ngang của Mộng Quỳnh. Thế nhưng bà vợ “Xì” một cái nói:

-Tin ông thì đổ thóc giống ra mà ăn! Ông là nhà văn, ông viết gì chẳng được. Có lần trên sân khấu nghe ông khen mấy cô ca sĩ, về nhà tôi hỏi ông ‘có thực vậy không anh"’ thì ông nói ‘Anh phịa đó!’ Vậy thì chuyện này biết đâu ông thích con Mộng Quỳnh nào đó rồi phịa ra chuyện ma" Ông không thích nó sao trong giấc ngủ ông còn ‘Gọi thầm tên em"’. Ông định chối hả" ”Nghe vợ nói thế Văn Nhân cụt cả hứng. Bằng sự thông minh vốn có còn rơi rớt lại Văn Nhân “ngộ” ra rằng, một khi đàn bà đã ghen, dù ghen bóng ghen gió, nếu cứ dùng lý luận giải thích thì “từ chết tới bị thương”. Thôi thì chịu thua cho êm chuyện. Nở một nụ cười như mếu, Văn Nhân nói:

-Em của anh thánh thật! Chẳng cái gì qua mặt được em. Chuyện Con Ma Ở Rạp Hát Lido là chuyện anh phịa đó. Còn Mộng Quỳnh là tên cuốn thiểu thuyết anh đang thai nghén. Toàn chuyện phịa thôi em ơi!

Nghe Văn Nhân đấu dịu thế, dường như bà vợ cũng đã nguôi ngoai. Khẽ nguýt một cái bà nói:

-Ông tưởng qua mặt được tui hả. Còn khuya! Nè, nhất vợ nhì Trời đó nghe ông!

Đào Văn Bình 
(trích tuyển tập Mê Cung sắp xuất bản)
(1) Ma xó nằm ở một góc nhà cho nên biết hết mọi chuyện.