Sunday 16 December 2018

Người Bạn Tàu


Trần Thi

Hôm 26 tháng 11 vừa qua, các đài TV xôn xao nói đến việc NASA đã đưa phi thuyền đáp xuống được Hỏa Tinh (Mars) sau bảy tháng du hành qua hơn 301 triệu dặm (> 484 triệu km) trên không gian. Tuy vậy, thành tựu đáng phục đó dường như chỉ để mọi người ngưỡng mộ khen thưởng và không có gì phải bàn cãi thêm. Cho nên, sang hôm sau thì TV lại trở lại với các bình luận sốt dẻo về các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa vào cuối tháng 11 tại hội nghị thượng đỉnh G20.

Nhưng cũng nhờ thế mà Hùng lại được dịp nhớ đến anh bạn người Tàu với câu chuyện khá lâu trước đây về việc Trung Hoa phóng phi thuyền lên không trung. Anh bạn này tên là Xu Đông, lúc trước làm cùng sở với Hùng. Hai bên quen nhau nhiều vì trong chỗ làm có bàn ping pong; Xu Đông thích đánh bóng bàn và Hùng thích trốn việc; nên cả hai thường rủ nhau ra đánh ping pong. Và Xu Đông cũng hay cùng với Hùng đi ra ngoài ăn trưa chung.


Có một lần cùng đi ăn trưa, không biết nhân chuyện gì đó Hùng nói với Xu Đông là bây giờ Trung Hoa cũng giỏi quá, từ năm 2003 đã phóng được lên không trung một phi thuyền có người điều khiển. Thực ra thì lời khen này của Hùng cũng chỉ đúng một nửa thôi, nếu so với việc Hoa Kỳ đã phóng phi thuyền đáp xuống được mặt trăng vào năm 1969, sớm hơn Trung Hoa đến 34 năm. Đó là chưa kể  lên được không trung rồi, nhưng có đáp được xuống mặt trăng và cuối cùng có trở về lại được trái đất hay không thì lại là một chuyện khác. Dù vậy, công bằng mà nói, Trung Hoa cũng đạt được những tiến bộ lớn trong lãnh vực không gian.

Nghe Hùng khen nước Tàu của anh, Xu Đông cám ơn và nói thêm:


Dạo đó, tôi cũng nghĩ như anh. Nghe tin như vậy, mừng quá, từ Canada tôi gọi điện thoại về cho người bạn học cũ đang làm việc tại Bắc Kinh để chúc mừng và hỏi thăm thêm.

Xu Đông cho biết năm 2003 là lúc anh đang theo học chương trình tiến sĩ ngành điện tử bên Canada. Trước đó, khi còn ở bên Tàu thì anh làm việc tại một học viện khoa học, kỹ thuật gì đó tại Bắc Kinh.

Hùng hỏi tiếp:  Bạn anh thể nào mà lại chẳng rủ anh về lại Bắc Kinh làm việc sau khi học xong?

Thay vì trả lời câu hỏi, Xu Đông lại nói tiếp đến chuyện phi thuyền:

Người bạn học cũ đó nói với tôi là đừng nhìn vào những hình ảnh trên TV mà tưởng lầm. Anh ta nói là chương trình phóng phi thuyền lên không gian chính yếu là do các khoa học gia người Nga thực hiện. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, các khoa học gia Nga không có việc làm. Thì chính phủ Tàu tuyển dụng họ về làm việc, nhờ vậy chương trình không gian mới thành công tới đó. Còn các người đứng ra họp báo, tuyên bố kết quả thì dĩ nhiên phải là các viên quản lý người Tàu.

Xu Đông nói với Hùng, với một âm hưởng vẫn còn mang vẻ thất vọng. 

Nhìn người lại nghĩ đến ta, bỗng dưng Hùng nhớ đến chuyện Việt Nam cũng là quốc gia Á Châu đầu tiên có người lên không trung chứ kém gì ai?  Còn nhớ là vào năm 1980 trong chuyến bay lên không gian, Liên Xô có cho một "anh hùng" người Việt Nam đi theo quá giang. Sau đó người hùng có tên là Phạm Tuân này còn được ân thưởng danh hiệu cao quý nhất của Liên Xô là “Anh Hùng của Liên Xô” (Hero of the Soviet Union) chứ đâu phải chuyện đùa. Trong khi cả nước Việt Nam thì cho đến hết năm 2018 và chắc chắn là còn tiếp tục dài hạn, vẫn không chế tạo ra nổi một chiếc máy bay trực thăng, chứ nói gì đến chuyện chế ra phi thuyền!

Nếu nhìn vào “lịch sử nhân loại” để xem ai lên được không trung sớm, thì "ta" chỉ kém “anh cả Liên Xô” và hơn xa “chị hiền Trung Quốc!”  Thế mới biết là Việt Nam "ta" lúc nào cũng lắm người tài!

Không muốn làm anh bạn đồng nghiệp người Tàu này bị bẽ mặt thêm, nên Hùng giữ im lặng không dám đem ra khoe cái thành tích của một anh Việt Nam chỉ cần "đu" theo phi thuyền Liên Xô là cũng đủ để trở thành "anh hùng." Bởi thế, Hùng rất thông cảm với Xu Đông trước nỗi bẽ bàng kiểu này.

Nỗi niềm như vừa được khai thông, Xu Đông nói như tâm tình:

Anh biết không, lúc còn làm việc ở Bắc Kinh, tôi cũng hay được mời tham dự các buổi hội thảo chuyên môn, trong đó tham dự viên đại đa số toàn là khoa học gia, nhà nghiên cứu hoặc là chuyên viên.  Còn diễn giả thì tất nhiên là quý vị có chức quyền hoặc học vị cao.  Bình thường thì mấy lúc đó là lúc để phô trương những thành quả đạt được hay những viễn kiến được đề ra nhằm để đưa Trung Hoa vượt trội lên. Họp xong, thì từ tham dự viên cho đến diễn giả, ai cũng vui vẻ ra về với một niềm vui là nước Tàu trong nay mai sẽ đứng đầu thế giới.

Xu Đông tự nhiên im lặng, và Hùng cũng để yên cho Xu Đông đang suy nghĩ.

Được một lúc, anh bạn Xu Đông nói tiếp:

- Tuy nhiên, khi có một tham dự viên nào có câu hỏi gì đặt ra cho diễn giả và câu đó hơi khó trả lời, thì diễn giả chỉ vào tham dự viên đó hỏi: Anh tên gì, học ngành gì, bằng cấp đến đâu, tiến sĩ hay cao học, tốt nghiệp từ trường đại học nào?

Hùng nghe đến đây thì thực sự là quá đỗi kinh ngạc vì không thể tưởng tượng được lại có chuyện như vậy xảy ra tại một diễn đàn của buổi hội thảo quy tụ các thành phần ưu tú của một đất nước, nhất là vào thời điểm của những năm cuối thế kỷ 20 tại Trung Hoa.

Rồi Xu Đông và Hùng phải ăn nhanh để trở về sở.

Xem ra vẫn còn ấm ức, trên đường về Xu Đông hỏi Hùng:

- Nếu ở vào trường hợp đó, thì anh trả lời như thế nào?

Hùng nói:

- Tôi cũng không biết sẽ trả lời ra sao. Nhưng để tôi kể cho anh nghe chuyện của xứ tôi, lúc xưa có một người học rất giỏi, 10 hay 11 tuổi gì đó đã đỗ Trạng Nguyên. Lúc Trạng được đưa vào gặp Vua, thấy Trạng còn bé tí, Vua hỏi Trạng giống giống như câu của các ông xếp lớn các anh hỏi. Thì ông Trạng 10-11 tuổi của xứ tôi trả lời là: Mới đẻ ra ông ấy đã biết chữ rồi, không phải học ai hết cả; có chữ nào không biết thì đem ra hỏi sư ở chùa.

Xu Đông rất ngạc nhiên, hỏi: Có như vậy nữa à, thật không? Sau đó thì ông Trạng thế nào?

Hùng nói:

- Chuyện có thật chứ. Ông Trạng đó có tên là Nguyễn Hiền. Còn sau khi nghe ông Trạng trả lời, thì Vua nổi giận, đuổi ông Trạng về nhà bắt học lại lễ nghĩa cho đúng cách.

Xu Đông lắc đầu: Chuyện này mà xảy ra tại xứ tôi, thì nguyên dòng họ Nguyễn đó chắc bị xóa sạch.

***

Rồi đến một hôm khác, cũng đi ăn trưa, bàn chuyện “thiên hạ sự”, Hùng và Xu Đông lan qua phần kiếm hiệp nói đến các truyện của Kim Dung. Rồi lân la sang đến chuyện phim ảnh võ thuật. Xu Đông cũng phải công nhận là mấy tay viết phim và đạo diễn người Mỹ, đâu có tập “kung fu” ngày nào đâu mà họ làm phim nói được nhiều cái tinh túy của võ thuật Trung Hoa.

Như trong phim Kung Fu Panda, đạo diễn cho anh chàng gấu Panda chết lên chết xuống, cuối cùng mới đoạt được bí kíp truyền đời của môn phái.  Nhưng đến khi cả hai thày trò Panda nghiêm trang trịnh trọng mở bí kíp ra xem, thì trong đó chỉ thấy trống trơn và chẳng có ghi bất cứ điều gì bí truyền!

Ngạc nhiên đến độ "tỉnh người," khi ấy Panda mới “ngộ” được bí quyết “vô chiêu thắng hữu chiêu.” Và sau đó thì anh chàng gấu Panda lè phè luộm thộm này đánh bại được mọi thứ hổ quyền, hầu quyền, và đủ thứ quyền...

Đang tắc lưỡi khen lấy khen để các cố vấn phim ảnh của Hollywood đã “tuyệt vời” trong việc giới thiệu giùm võ thuật Trung Hoa đến khắp thế giới, thì Xu Đông nói:

- Anh biết không, vậy mà lúc đó phim Kung Fu Panda bị cấm không cho chiếu tại Trung Hoa.

Hùng rất đỗi ngạc nhiên:

- What? Có cái gì trong phim Kung Fu Panda là chống cộng đâu? Mà ngược lại, còn nói lên được tinh túy của võ thuật Trung Hoa và đem lại hãnh diện cho người Tàu nữa, thì tại sao lại cấm?

Xu Đông cho biết:  Chính quyền nước tôi cấm phim này bởi vì nó... hay quá!

Hùng: Gì mà lạ vậy?

Xu Đông:

- Nó là như thế này, thời đó Trung Hoa mới “mở cửa." Cho nên cho chiếu phim của Hollywood, nhưng bước đầu thì ưu tiên cho các phim họa hình. Lại đúng lúc phim Hoa Mộc Lan (Mulan) cũng mới được sản xuất ra. Mặc dù là phim Mỹ làm, nhưng nói về huyền thoại Hoa Mộc Lan (Hua Mulan) quá hay, cho nên dân Trung Hoa đi xem rất đông. Rồi kế tiếp là tới phim Kung Fu Panda cũng lại quá hay. Nếu cho chiếu nữa, thì dân Tàu sẽ chẳng ai đi xem phim nội địa. Vì sợ như thế, cho nên phải cấm phim Mỹ để dân Tàu phải xem phim Tàu.

Hùng giả vờ ngốc nghếch:

- Nói là cho dân Tàu được tự do, nhưng họ không có chọn lựa nào khác thì đâu thực sự có tự do?

Xu Đông nói:

- Nhưng trong nước thì đâu có ai biết. Lúc còn ở Bắc Kinh, tôi đọc được bài báo của một ông professor người Tàu của đại học Hồng Kông viết về người Tàu. Đọc xong, thì cũng như rất nhiều người khác, tôi nổi giận và xem ông giáo sư đó là ăn phải bả Tây phương và phản bội người Tàu.

Hùng tò mò hỏi: Ông professor đó viết gì vậy bạn?

Xu Đông:

- Ông giáo sư Hồng Kông đó viết là với cá tính đặc biệt của dân Tàu, thì người Tàu chỉ giỏi nhất được có hai nghề: Đầu bếp nấu ăn (chef cook) và Thày dạy võ (kung fu master). Hai loại người này thì chỉ lo giấu nghề để đem lợi và danh cho cá nhân họ. Với một tinh thần như vậy, người Tàu không thể cạnh tranh với thế giới bên ngoài trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật hay kinh tế.

Lần này thì Hùng thật sự là tò mò:

- Còn bây giờ ra tới ngoài, bạn thấy ông giáo sư Hồng Kông đó nói sao?

Xu Đông nói:

- Thì ông giáo sư đó nói đúng quá chứ còn gì nữa. Đi làm lâu rồi, bạn có thấy được bao nhiêu đồng nghiệp người Tàu sẵn lòng chia sẻ sự hiểu biết của họ cho cả nhóm để tất cả cùng tiến? Trong khi bạn thấy người Mỹ không, ngoại trừ những chuyện tối mật, còn ngoài ra biết điều gì là họ sẵn sàng chia sẻ, chỉ dẫn cho người khác và sẵn sàng học hỏi từ người khác. Họ it có mang trong người tinh thần của một kung fu master muốn giấu nghề và vì quá tự cao, ngại mất thể diện nên cũng không muốn học hỏi từ người khác.

Anh nói thêm:

- Bởi vì quá tự cao không muốn thẳng thắn hỏi người khác để học vì sợ mang tiếng là kém cỏi, cho nên người Tàu rất hay thich lén lút copy...

Hùng chưa hiểu trọn ý, nên nói: Thì Mỹ thì cũng là tổ sư copy, nhất là sau thời Đệ Nhị Thế Chiến...

Xu Đông ngắt lời Hùng:

- Đúng là cả hai đều copy lúc ban đầu nhưng sau đó rất khác nhau. Người Mỹ họ copy được thứ gì, thì việc đầu tiên là tháo gỡ các thứ đó ra ngay, rồi lo tìm hiểu nguyên lý vận động. Hiểu được nguyên lý vận động rồi, họ mới làm lại giống hệt, hoặc cải tiến, và sau đó có thể chế ra cái khác hay hơn. Còn người Tàu thì thích copy theo kiểu "sao y bản chánh," làm giống hệt và copy ra thành nhiều bản. Sau đó, càng sản xuất ra được nhiều, càng thu lợi được nhanh thì càng được tiếng là giỏi. Thành ra về lâu về dài thì số lượng có cao nhưng phẩm chất không bảo đảm.

Nghe thấy Xu Đông nói cũng có phần hợp lý, nhưng Hùng cũng chưa hoàn toàn đồng ý, anh nói:

- Nhưng thấy Trung Hoa cũng chế tạo được các phản lực chiến đấu cơ xem ra cũng cao cấp, chứ đâu phải chuyện chỉ đơn giản là copy.

Xu Đông xác nhận là anh không biết gì về các bí mật quốc phòng và vì là người Tàu anh cũng mong muốn và hy vọng là kỹ nghệ quốc phòng của người Tàu rồi ra cũng sẽ ngang hàng và cuối cùng sẽ vượt hơn của Nga, của Mỹ.  

Nhưng qua những gì mà anh đã biết về người Tàu của anh, Xu Đông vẫn chưa tin tưởng, anh nói:

- Làm được chiến đấu cơ phản lực là chuyện giỏi, đáng khen. Nhưng cho tới nay, chiến đấu cơ siêu thanh của Trung Hoa chưa thực sự tham dự trận không chiến sinh tử nào thì cũng không biết khả năng tránh né hỏa tiễn, hay nhào lộn chiến đấu của các máy bay này ra sao.

Thấy anh bạn Xu Đông này có những nhận xét rất thật tình về sự “ưu việt” của nước Tàu của anh, cho nên Hùng cũng không muốn làm anh buồn lòng thêm khi đưa thêm ra ví dụ điển hình khác là chiếc hàng không mẫu hạm Liaoning mà Trung Hoa mua lại của Ukraine. Đó là chuyện của năm 1998. Trong khi Hải quân Hoàng gia Nhật đã có hàng không mẫu hạm từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Thực sự là không mấy ai trong số các bạn đồng nghiệp người Trung Hoa lại thích Xu Đông. Họ xem anh như một gã gàn, cứ hay nghĩ xa xôi không thực tế, nhất là có cái nhìn rất “tiêu cực” về chính xứ sở mẹ đẻ của anh, nơi đã đưa anh đi du học, một nơi mà đúng ra anh phải hết lời khen ngợi.

Nhưng Xu Đông thì lại có quan niệm hơi khác. Anh nghĩ rằng nếu Trung Hoa mà chỉ gồm toàn những thành phần chuyên tung hô xưng tụng lẫn nhau về những thành tựu “ghê gớm” của Trung Hoa mà không chịu nhìn vào những khuyết điểm sinh tử của mình, thì khi chạm trán với một sức mạnh không cần thổi phồng, không cần phô trương như Mỹ, thì Trung Hoa sẽ không có cách gì để đương đầu với “sự thực cuối cùng” và sẽ lại ngã gục thê thảm như những lần trước đây trong lịch sử Trung Hoa.  

Vì quan niệm như thế, nên Xu Đông hơi khe khắt với những nhận xét hay phê bình của anh về Trung Hoa với hy vọng là nhắc nhở được đồng hương của anh là đừng quá sống trong huyền thoại.  

Nghe Xu Đông bày tỏ ý nghĩ anh muốn cải thiện Trung Hoa bằng cách giúp người dân từ bỏ được căn bệnh kiêu ngạo thái quá để Trung Hoa tiến được thật xa, tự nhiên Hùng chợt đâm lo.

Hùng lẩn thẩn nghĩ là nếu như Trung Hoa càng có ít những người như anh bạn Xu Đông này, thì có lẽ sẽ tốt hơn cho Trung Hoa và đồng thời tốt hơn cho cả thế giới.  

Vì lẽ một Trung Hoa mà thiếu vắng đi sự ngạo mạn của dòng máu Đại Hán, thì đó sẽ không còn phải là một Trung Hoa chân chính.

Còn đối với thế giới bên ngoài, với một Trung Hoa đầy tham vọng mà lại lịch sự và tế nhị thì đó sẽ lại càng là điều nguy hiểm gấp bội lần so với một Trung Hoa xấc xược và kiêu ngạo.

Trần Thi