Monday 31 December 2018

ĐIỂM TIN NĂM QUA - Vũ Linh

Diễn Đàn Trái Chiều

 Bước qua năm mới, Diễn Đàn này xin được điểm qua những tin quan trọng nhất của năm 2018 vừa qua, liên quan đến TT Trump nói riêng và chính trường Mỹ nói chung.
Dưới nhãn quan của TT Trump, dĩ nhiên là có nhiều tin vui mà cũng không ít tin không vui mấy.
       Ta thử bắt đầu bằng những tin ít vui.
Để những người bị bệnh Dị Ứng Trump, nghiến răng nghiến lợi chống Trump cảm thấy… vui, đỡ nản chí và có hứng thú đọc tiếp. Ít ra cũng hy vọng là vậy!

TIN ÍT VUI
Cái tin không vui lớn nhất dĩ nhiên là chiến thắng của đảng DC trong cuộc bầu Hạ Viện vừa qua.
Kết quả cuối cùng cho thấy hai điểm nổi bật: thứ nhất, DC chiếm thêm 40 ghế, chiếm được thế đa số khá mạnh tại Hạ Viện; và thứ nhì, DC đại thắng chiếm toàn bộ tiểu bang lớn nhất Mỹ, Cali. Hai chiến thắng lớn mà thật ra không lớn.
Lớn vì chiếm được Hạ Viện với đa số tới 40 ghế, cao hơn dự trù khá nhiều, nhờ việc kiểm phiếu giờ chót qua những phiếu gửi qua bưu điện cũng như việc đi hốt phiếu từng nhà (ballot harvesting). Không lớn vì số phiếu mới chiếm được thua xa số phiếu của CH chiếm được trong hai lần bầu giữa mùa đầu tiên dưới TT Clinton và TT Obama. Không lớn cũng vì tại Hạ Viện, số ghế của DC hiện giờ là 235, tức là nắm thế da số với 17 ghế, một thế đa số khá mong manh khi trong nội bộ phe DC, có ít ra là hai tá dân biểu rất bảo thủ của các tiểu bang miền Nam, có thể biểu quyết chống những biện pháp quá cấp tiến.
Lớn vì DC chiếm được Cali một cách trọn vẹn, từ hành pháp đến lập pháp đến tư pháp. Thành đồng CH tại Quận Cam thất thủ toàn diện. Chiến thắng rất lớn vì Cali trước  đây là thành đồng của CH, là lãnh địa của các TT Nixon và Reagan. Trong 30 năm qua, Cali đã lột xác trở nên thành đồng DC nhờ chuyển biến dân số qua sự du nhập của giới trẻ trí thức đổ xô vào thung lũng silicon San Jose, sự phát triển mạnh của hệ thống TV cáp với cả trăm hãng phim TV và cả triệu tài tử không tên lập nghiệp tại Hollywood, và di dân Nam Mỹ tràn vào Los Angeles và San Diego. Nhưng chiến thắng này cũng không lớn vì vẫn mang tính cục bộ. Đến các cuộc bầu tổng thống, cử tri đoàn của cả 50 tiểu bang vẫn là những người có tiếng nói quyết định. Tại Thượng Viện liên bang, Cali vẫn chỉ có hai ghế như tất cả các tiểu bang khác. Dù sao, cả nước sẽ có cơ hội xem đảng DC điều hành tiểu bang như thế nào khi nắm toàn quyền sinh sát. Những khó khăn hay thất bại của Cali sẽ bị mổ xẻ, nghiên cứu rất kỹ. Và cũng sẽ được phe đối lập CH tận tình chiếu cố.
Cuộc bầu giữa mùa này đã để lại dấu ấn lớn trong hai vấn đề khá quan trọng:
-                Phụ nữ tích cực tham gia vào chính trị hơn bao giờ hết, một lý do quan trọng là năm 2018 là năm các bà cô nổi loạn chống việc các ông ăn hiếp, sách nhiễu tình dục, khởi đầu bằng việc tố đại gia Hollywood Harvey Weinstein bắt chẹt các cô ôm hy vọng được làm tài tử. Kết quả là số phụ nữ tranh cử và đắc cử đã đạt nhiều kỷ lục. Phần lớn các phụ nữ năng động này đều là đảng viên hay cử tri DC.
-                Việc đi hốt phiếu bầu cử từng nhà của những người không đi bầu, gọi là ‘ballot harvesting’ dường như đã trở thành một cái mánh gian lận hợp pháp được đảng DC xử dụng mạnh, nhất là tại Cali, nơi cả chục ứng cử viên CH bị thua liểng xiểng giờ chót.
Tin không vui lớn thứ nhì cho TT Trump tất nhiên là việc công tố Mueller vẫn kiên trì đi câu không mệt mỏi, cho dù gần hai chục ‘siêu’ thợ câu đã được trả bạc triệu để ngồi cả hai năm trời mà vẫn chỉ câu được vài ba con tép lép, như Manafort, Papadopoulos, Cohen,... chưa đủ làm mồi để bắt con tôm hùm Trump.
Đã vậy, lại có tin cả chục ngàn tin nhắn trao đổi giữa cặp uyên ương Peter Strzok và Lisa Page trong thời gian họ còn làm việc với công tố Mueller đã bị xoá. Luật sư của TT Trump, ông Rudolph Giuliani đã đòi FBI điều tra.
 Cái công lớn của công tố Mueller là đã thành công nuôi dưỡng tinh thần nghi ngờ Trump cho không phai nhạt. Nếu ông có phúc trình đúc kết thì mọi nghi ngờ sẽ tan biến, bất kể phúc trình kết tội hay không kết tội TT Trump. Cứ treo cái gươm lủng lẳng trên đầu nạn nhân vẫn là cách hành hạ nạn nhân hứng thú hơn là cất gươm đi hay chém chết luôn, phải không?
Tin không vui lớn thứ ba là cái đám di dân Trung Mỹ vẫn kiên trì chọn nước Mỹ này làm vùng đất hứa, bất kể việc xứ của mấy tay ‘da trắng thượng tôn’ này đã bầu một tay chúa kỳ thị làm tổng thống. Cả chục ngàn người mở cuộc vạn lý trường chinh tân thời từ Trung Mỹ, đến tận biên giới Mỹ-Mễ, một hai đòi vào, bắt nước Mỹ phải nuôi vì xứ họ nghèo quá không nuôi họ được. Họ công khai đòi tiền hối mại 50.000 đô một đầu người để về xứ lại, nhưng dân Mỹ ít người biết để có thể giúp họ vì TTDC cố dấu không dám đăng tin, sợ đám di dân mất ‘chính nghiã’.
Chưa ai biết câu chuyện cuối cùng sẽ được giải quyết như thế nào, chỉ biết TT Trump đã phải đấm mõm mấy anh tổng thống Mễ và Trung Mỹ một chục tỷ đô để họ giữ đám di dân này bên kia biên giới Mỹ. Ai cũng biết giải pháp này chỉ là loại vá viú tạm, chẳng trị được căn bệnh trầm kha di dân. Cái quái lạ là trong khi cả thế giới mắc bệnh bất trị ‘mê Mỹ’ thì chính đa số dân Mỹ lại mang bệnh Dị Ứng Trump nặng. Cái oái ăm lớn hơn nữa là TT Trump lại là tổng thống CH được hậu thuẫn mạnh nhất trong khối dân gốc La-tinh tại Mỹ sau TT Bush con. Gần 40% các ông và 30% các bà gốc Nam Mỹ ủng hộ TT Trump. Ông McCain được 31% phiếu của dân Latinos, ông Romney 27%, và ông Bush con 40%.
Tin không vui mới nhất là nội các Trump vẫn lủng củng, vẫn còn có quá nhiều người tổng thống thấy không hợp ý. Các bộ trưởng Y Tế, Ngoại Giao, Cựu Chiến Binh, Lao Động, Tư Pháp, Nội Vụ, cả Cố Vấn An Ninh Quốc Gia và Cố Vấn Kinh Tế, đều bị áp lực mất job. Ba ông tướng giúp TT Trump ổn định ‘chính trường’ thời mới dọn vào Tòa Bạch Ốc đều đã hay sắp sửa được về hưu lại. Cả ba ông đều được ‘phe ta’ ca tụng ngất trời xanh, coi như những thiên tài hiếm có của nhân loại, để có dịp thắc mắc “sao những người giỏi đều không hợp tác với Trump?”. Cái tiếu lâm trong câu chuyện là những người nghỉ làm này hình như bất thình lình đều trở thành ‘giỏi’ hết sau khi họ từ chức, còn khi họ tại chức thì chẳng được mấy ai khen giỏi, mà lại còn bị mạt xát ‘tới bến’ luôn. Trong con mắt của ‘phe ta’, tất cả những người nào không hợp tác hay chống Trump đều là ‘giỏi’ hết.
Khiến kẻ này nhớ lại một biến cố lớn của năm 2018: sự ra đi của TT Bush Cha. TTDC ca tụng ông Bush cha chẳng qua chỉ là cách đá giò lại xéo qua TT Trump vì khi sinh thời, ông Bush cha không ủng hộ ông Trump. Cố TT Bush bên kia thế giới chắc không vui gì cho dù được nghe khen. Ít ra thì gia đình ông Bush, nhất là TT Bush con, đã nhìn thấy rõ và mời TT Trump tham dự đám táng cũng như công khai chống mọi đả kích ông Trump trong dịp này.
Tin không vui cho TT Trump nhưng kích thích TTDC và quần chúng nhất là tin cô đào đóng phim sex Stormy Daniels công khai tiết lộ đã có giao du một lần với ông Trump các đây cả chục năm và ông Trump khi ra tranh cử tổng thống đã tìm cách bịt miệng cô, trả cho cô ta đâu 130.000 đô. Đúng là chuyện ruồi bu nhưng lại được TTDC khai thác cả năm trời, khi cô này được liên tục phỏng vấn trên báo và TV không ngừng, lại còn được phong làm “Anh Hùng” của một thành phố tại Cali. Nước Mỹ ai ngờ hết người hùng đến độ phải đi kiếm một cô đào đóng phim sex phong làm thần tượng.
Đại khái, đó là những tin không vui mấy cho TT Trump.

TIN VUI HƠN
Nhìn vào những tin có vẻ vui hơn cho TT Trump thì hình như có nhiều hơn.
Tin vui quan trọng nhất: CH tăng thế đa số tại Thượng Viện trong khi 3 thượng nghị sĩ CH chống TT Trump mạnh nhất (McCain, Flake và Corker) đã bị loại. Đây chắc chắn là tin vui lớn nhất cho TT Trump. Với thế đa số này, nhất là 4 thượng nghị sĩ quan trọng nhất vừa đắc cử nhờ TT Trump đích thân đi vận động tranh cử giúp (Florida, Indiana, Missouri, North Dakota), TT Trump sẽ có dịp bổ nhiệm những nhân viên nội các hợp ý với ông hơn, nhất là dễ dàng bổ nhiệm quan tòa liên bang và thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có khuynh hướng bảo thủ, bảo đảm hệ thống tư pháp của Mỹ sẽ đi theo hướng bảo thủ ít nhất trong một thế hệ, 20-30 năm nữa. Đây có lẽ là gia tài lớn nhất TT Trump sẽ để lại cho hậu thế. Mà cái đau của đảng DC là cái gia tài này không thể xoá được dễ dàng như TT Trump đang xóa gia tài cấp tiến của TT Obama, vì không ai có quyền giải nhiệm qua tòa hết. Chưa kể với thế đa số này, phe đối lập DC sẽ không có cách nào truất phế TT Trump qua đàn hặc được.
Trong vấn đề Tư Pháp này, chiến thắng ‘vĩ đại’ nhất là việc thẩm phán Brett Kavanaugh đã được phê chuẩn vào TCPV, cho dù chưa có thẩm phán nào bị đánh tàn tệ như ông trong lịch sử TCPV, ngoại trừ thẩm phán Clarence Thomas thời TT Bush cha.
Với thẩm phán Ruth Ginsburg đang vật lộn với ung thư, có nhiều triển vọng TT Trump sẽ có dịp bổ nhiệm thêm một thẩm phán bảo thủ nữa vào TCPV. Đây sẽ là ác mộng thực sự cho phe cấp tiến và đảng DC, vì phe bảo thủ sẽ nắm đa số tuyệt đối 6-3, hay 5-4 nếu Chánh Án John Roberts muốn biểu quyết theo phe cấp tiến trong nỗ lực cố giữ thế trung dung cho TCPV. Thiên hạ sẽ có dịp chứng kiến Nội Chiến Thứ Hai của Mỹ khi Thượng Viện phải phê chuẩn thêm một thẩm phán bảo thủ. Trừ phi DC đảo chánh được TT Trump thì không ai thấy DC sẽ có cách nào cản TT Trump được.
Một tin vui hoàn toàn bất ngờ là cuộc họp thượng đỉnh giữa TT Trump với Cậu Ấm Ủn mà cả thế giới đều hoan nghênh, ngoại trừ đảng DC và TTDC Mỹ. Ngay từ ngày lên ngôi thay bố đến nay, Cậu Ấm đã mau mắn khẳng định vai trò độc tài sắt máu, hung hãn nhất, hơn xa bố và ông nội. Đã vậy, cậu tốt nghiệp đại học Thụy Sỹ nên không ngu như hai ông anh. Một người cực kỳ nguy hiểm. Cậu đụng với một người cực kỳ nguy hiểm khác, là ông Thần Trump của Mỹ. Thiên hạ lo vãi... nước là sẽ có đại chiến nguyên tử. Nhưng không khác gì hung thần chống cộng Nixon đi gặp đồ tể Mao, ông Trump đã đi gặp Cậu Ấm Ủn trong một cuộc họp mặt lịch sử tại Tân Gia Ba. Phe cấp tiến DC và TTDC cụt hứng, loay hoay không biết phải khen hay chửi. Cuối cùng, chỉ biết ... chê là “chẳng có kết quả gì hết”. Làm như thể cuộc xung đột Bắc Hàn với Mỹ có thể hóa giải trong hai ngày sau khi hai ông Trump và Kim bắt tay và cụng ly với nhau.
Cái thiếu lương thiện của ‘phe ta’ là đã không đủ can đảm nhìn nhận vài chuyện mà TT Trump đã làm được trong khi Đấng Tiên Tri không làm nổi. Như Bắc Hàn đã chấm dứt thử nghiệm bom và hỏa tiễn cả năm nay rồi, Nam Hàn và Bắc Hàn đã nói chuyện nhiều lần, hủy bỏ hàng trăm đồn biên giới, tham gia Thế Vận Hội chung, đồng thời nhiều công dân Mỹ đã được BH trả tự do mà vẫn khoẻ mạnh, không bị đánh đến gần chết rồi mới cho về như anh Otto Warmbier dưới thời Đấng Tiên Tri. Đều là những nhượng bộ lớn của BH trong khi Mỹ chưa làm bất cứ gì để giải tỏa cấm vận.
Với kinh nghiệm của một doanh gia, TT Trump đã đạt được nhiều thành quả cụ thể nhất trên phương diện kinh tế.
Sau khi luật thuế mới ra đời, trái với mọi tiên đoán của các ‘chuyên gia kinh tế’ cấp tiến kể cả một ông Nobel kinh tế, kinh tế tăng trưởng như nước gặp đê vỡ. Trong khi trong tám năm dưới Đấng Tiên Tri, tăng trưởng kinh tế năm thì mười họa mới bò lên gần tới 3% còn thì èo uột dưới 2%, thì dưới thời Trump, tăng trưởng đã vượt qua mức này liên tiếp ba tam cá nguyệt liền, đến độ các chuyên gia kinh tế của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang rét run, kéo thắng tay mạnh, tăng lãi suất liên tục. Các thống kê về công ăn việc làm leo thang không ngừng với cả trăm ngàn việc mới mỗi tháng trong khi số người sống bám vào trợ cấp rớt ào ào.
TT Trump chẳng những đảo lộn kinh tế trong nước, ông cũng tìm cách thay đổi cuộc diện mậu dịch quốc tế, công khai ban hành chính sách mậu dịch “Nước Mỹ Trước Tiên”. Ông cho rằng nước Mỹ đã bị ăn hiếp quá mức và các tổng thống Mỹ cận đại đã quá yếu đuối, bị cú đầu mà vẫn nín khe. Thời đại đó đã qua rồi. Bây giờ TT Trump sẽ là người áp đặt một chính sách mậu dịch công bằng với Mỹ hơn, bảo vệ quyền lợi của dân lao động và kỹ nghệ Mỹ mạnh hơn. Hai việc TT Trump đã hay đang làm:
1.   Phá vỡ chính sách mậu dịch của tân đế quốc đỏ Trung Cộng, tìm cách tái lập cân bằng thương mại Mỹ-TC, hay ít nhất cũng cắt giảm tối đa thâm thủng mậu dịch gần 500 tỷ mỗi năm của Mỹ. TT Trump đe dọa tăng thuế nhập cảng hàng TC, và TC đe dọa trả đũa lại. Chưa thấy kết quả cụ thể gì, nhưng ít ra thì hai bên cũng đang điều đình, và trong tương lai, Mỹ sẽ không còn lãnh cãi thâm thủng mấy trăm tỷ đó nữa.
2.   Điều đình lại với hai anh láng giềng Canada và Mexico, thu hồi thỏa ước mậu dịch NAFTA để thay thế bằng một thỏa ước có lợi nhiều hơn -hay có hại ít hơn- cho Mỹ. Cuối cùng đã khai sanh ra thỏa ước mới USMCA.
Câu hỏi lớn: tại sao các chính quyền Mỹ trước Trump có thể cúi đầu chấp nhận ‘xâm lăng thương mại’ của TC cũng như những lợi dụng của hai anh láng giềng quá dễ dàng mà không có biện pháp đối phó hay ngăn chặn gì hết như vậy được? Phải đợi đến Trump mới dám làm. Như vậy có phải TT Trump đã có biện pháp bảo vệ nước Mỹ tốt hơn các vị tiền nhiệm không? Như vậy tại sao lại chống Trump? Chống Trump để được cái gì? Để chịu thiệt thòi như trước sao?
Trong cuộc chiến mậu dịch với TC này, có điều thật lạ lùng mà kẻ này không hiểu nổi: tại sao có các cụ tỵ nạn Việt có thể một mặt gân cổ chửi Tầu Cộng, mà mặt khắc lại chửi Trump đánh TC một cách cụ thể và hữu hiệu nhất như vậy được? Các cụ không thấy nổi cái mâu thuẫn vì chống Trump quá hóa mù quáng sao?
Thành quả lớn nhất cũng là vô hình nhất của TT Trump là việc thu hồi cả ngàn luật lệ thủ tục kinh doanh, xóa bỏ gia tài lớn nhất của TT Obama, giúp việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế lên mạnh nhất đồng thời giảm thiểu guồng máy công chức lè phè.
Một tin vui cho những người không thích chiến tranh: TT Trump sẽ mang 2.000 lính Mỹ từ Syria về, cùng với 7.000 lính từ Afghanistan về, sau khi ISIS đã bị đánh đến gần như tan hàng hết rồi. Không biết trong số này có bao nhiêu lính Mỹ gốc Việt, chỉ hy vọng những người này sẽ về kịp để ăn Tết Nguyên Đán với gia đình. Các cụ tỵ nạn có con cháu đi ra mặt trận Trung Đông có dám hoan hô TT Trump không?
Quyết định này đã bị khối bảo thủ cực đoan đả kích, vì họ cho là có thể giúp ISIS sống lại để đe dọa an ninh vùng Trung Đông lại. Chỉ trích này có vẻ không vững lắm. Tại Syria, ISIS vẫn đang bị TT Assad với sự giúp đỡ của Nga truy lùng, khó sống lại được, trong khi quân số 2.000, phần lớn là lính hậu cần và văn phòng để hỗ trợ cho các phi vụ đánh bom, không thể mang tính quyết định quan trọng. Tại Afghanistan, Mỹ vẫn còn duy trì 7.000 người, đóng vai trò chính là cố vấn và huấn luyện cho quân đội Afghannistan.

Riêng đối với công đồng tỵ nạn Việt, trong khi đại đa số ủng hộ TT Trump từ đầu , thì mới đây đã nổ ra ‘phong trào ‘ chống Trump khá mạnh, vì đánh đúng vào ‘tử huyệt’, điểm lo ngại của rất nhiều dân tỵ nạn thiếu hiểu biết, bị lừa gạt quá dễ. Đó là vấn đề trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp về VN.
Diễn Đàn này đã bàn chi tiết rồi (xin xem trang Trục Xuất và Extradition), khỏi cần đào bới thêm. Chỉ cần nhắc lại điểm chính yếu: Với chính quyền CSVN, TT Clinton ký thỏa ước năm 1995, TT Bush ký thoả ước năm 2008, TT Obama mạc nhiên chấp nhận gia hạn thỏa ước 2008 về vấn đề này. Trong cả 2 văn kiện, không có một điều khoản nào cấm trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp về VN nếu họ đã qua Mỹ trước tháng 7 tháng 1995. Kẻ này công khai thách thức tất cả những người nào tố TT Trump phản lại hay lật ngược hai thỏa ước này dám đưa ra bằng chứng cụ thể, trích dẫn điều khoản đặc biệt nào trong hai thỏa ước đó ghi rõ ‘cấm không được trục xuất di dân Việt phạm pháp nếu vào Mỹ trước 12/7/1995’. Nếu không làm được, coi như những người đó đã công khai lừa bịp dân tỵ nạn, hay nhẹ nhất cũng là tiếp tay phổ biến fake news.
Điều đáng nói là phản ứng của các cụ tỵ nạn bị bệnh Dị Ứng Trump. Thay vì tố cáo những người phạm pháp là những con sâu làm rầu nồi canh như trong tất cả mọi cộng đồng trong mọi xã hội trên thế giới, thì các cụ vẫn lo đánh Trump. Một cụ dõng dạc phán “việc trục xuất dân tỵ nạn gây tổn lòng tin của dân tỵ nạn”. Thưa cụ, chính là những xuyên tạc của truyền thông và của cụ đã “gây tổn lòng tin”. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chuyện “trục xuất dân tỵ nạn” hết. Chỉ là trục xuất dân tỵ nạn phạm pháp thôi. Các cụ cũng chỉ là chơi cái trò lập lờ đánh lận con đen giống như TTDC viết về di dân bấp hợp pháp Mễ mà luôn luôn “quên” cái “bất hợp pháp”.

Năm 2018, cũng như năm 2017, đã là một trong những năm sóng gió nhất trong lịch sử cận đại Mỹ. Chỉ vì ông Thần Trump làm tổng thống, một tổng thống năng động hơn tất cả các tổng thống khác, thật sự muốn đảo lộn cả nước, từ chính trị đến văn hoá, quân sự đến ngoại giao, y tế đến giáo dục,...
Năm tới 2019, có thể sẽ còn sóng gió hơn nhiều. Quý độc giả nhớ cột ... seat belt cho chặt.

DECEMBER 29 - 2018

NHÀ NƯỚC ĐÓNG CỬA
Cuối cùng thì Nhà Nước đã đóng cửa. Cho đến nay, khi bản tin này được viết thì vẫn chưa mở cửa lại. Tin Nhà Nước ‘đóng cửa’ dĩ nhiên đã gây hoang mang không ít cho thiên hạ, phần lớn vì TTDC Mỹ và truyền thông thông ngôn của tỵ nạn hùa theo, hù dọa, công kích đủ kiểu. Có nhiều khói mù cần giải tỏa.
Trước hết là lý do tại sao và ai gây ra.
Lý do căn bản là việc cấp tiền xây tường biên giới Mỹ-Mễ. Thượng Viện thông qua một ngân sách tạm trong đó việc chuẩn chi tiền để xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ được hoãn lại qua tháng Ba năm tới mới bàn. Ngay sau đó, Hạ Viện cũng thông qua một ngân sách tạm, trong đó có dự chi 5,7 tỷ đô cho bức tường. Dự luật ngân sách của Hạ Viện được chuyển qua Thượng Viện lại để đúc kết thành một ngân sách duy nhất cho tổng thống ký. Thượng Viện biểu quyết nhưng không đủ phiếu, đưa đến tình trạng không có đồng thuận, tức là không có ngân sách chung, tổng thống không có gì để ký. Nhà Nước không có tiền, phải đóng cửa.
Ở đây, phải nhìn cho rõ sự phức tạp của vấn đề. Phe CH không đủ phiếu đa số để thông qua, vì một số khá nhiều thượng nghị sĩ CH ‘đào ngũ’ về nhà nghĩ lễ sớm để tránh biểu quyết về một vấn đề quá gai góc. Mà cho dù tất cả đều hiện diện bỏ phiếu thuận thì cũng không đủ 60 phiếu vì phe DC ‘nhất trí’ biểu quyết tuyệt đối chống mọi ngân sách cho việc xây tường.
TTDC la hoảng “Trump đóng cửa Nhà Nước vì không được tiền xây tường”. Theo như kẻ này nhìn thấy, đây là chuyện vu cáo lộ liễu nhất. Nếu quý vị đọc và hiểu kỹ, TT Trump chưa có quyết định gì trong diễn tiến trên tuy ông đã khẳng định nhiều lần phải có tiền xây tường trong ngân sách. Nhà Nước đóng cửa vì không có tiền, mà không có tiền là vì ngân sách không được quốc hội phê chuẩn, chẳng liên quan gì đến TT Trump.
TTDC và vài cụ tỵ nạn la hoảng về chuyện đóng cửa Nhà Nước sẽ khiến công chức làm việc không lương, cũng như vài người bị đuổi về nhà trong dịp lễ cuối năm. Có anh còn bi thảm hoá câu chuyện bằng cách hỏi móc thật ngớ ngẩn “Không biết họ và gia đình họ có trách cứ gì ông [TT Trump] không?”. Chuyện bá láp! Công chức được nghỉ nằm nhà đi chơi với gia đình trong dịp lễ, còn gì vui hơn? Đã vậy, dù không đi làm, vẫn được trả lương đầy đủ không thiếu một cắc sau khi Nhà Nước mở cửa lại, có gì khiếu nại? Ta đừng quên công chức Mỹ không lãnh lương mỗi ngày mà lãnh lương mỗi tháng, nếu Nhà Nước đóng cửa trong những ngày trong khoảng hai kỳ lương thì chẳng ảnh hưởng một ly ông cụ nào đến cuộc sống của công chức, chỉ ảnh hưởng nếu Nhà Nước đóng cửa trong ngày phát lương cuối tháng, nhưng sau khi Nhà Nước mở cửa lại, họ lãnh lương hồi tố hết, chẳng thiếu một xu.
Dù sao thì việc Nhà Nước đóng cửa đã trở thành chuyện ‘cơm bữa’ trong chính trường Mỹ, chẳng có gì kinh hoàng, càng không phải là tận thế.
Trong khi Nhà Nước đóng cửa, phe ta la hoảng công chức đang chết đói, thì các lãnh tụ DC phè phỡn phơi nắng tại Hawaii (Nancy Pelosi) hay Bahamas (Maxine Waters). Nhà Nước đóng cửa, mấy vị này cũng không lãnh lương mà, phải không?
Về việc toàn thể khối DC chống việc cấp tiền xây tường, sự thật vẫn chỉ là cái mánh giả dối của DC. Với những người có trí nhớ kém, xin nhắc lại là TT Clinton là tổng thống đầu tiên ra lệnh xây bức tường biên giới, rồi cả hai tổng thống kế nhiệm Bush và Obama đều tiếp tục xây tường. Không phải ông Trump là tổng thống đầu tiên đòi xây tường. Ông chỉ là người đòi xây tường cao hơn, hiệu quả hơn. che hết lỗ hổng còn lại và đắt tiền hơn thôi.
Thế thì tại sao lại nghiến răng nghiến lợi chống bức tường của Trump? Chỉ là chuyện vừa có lý cớ chống TT Trump trên căn bản Dị Ứng Trump, chống tất cả những gì Trump làm, vừa có dịp ra tranh cử với khối dân gốc Nam Mỹ là họ hoan nghênh đám di dân. Vấn đề hoan nghênh đám di dân này càng ngày càng trở nên sinh tử đối với đảng DC khi họ đang mất quá nhiều phiếu của dân da trắng, tiêu biểu là việc thất cử của bà Hillary. DC và TTDC tìm cách che dấu sự thật này bằng cách núp dưới những khẩu hiệu vớ vẩn như ‘túp lều lớn đa dạng’, ‘chính sách di dân nhân đạo’, ‘giúp dân Nam Mỹ trốn chạy bạo loạn, đàn áp chính trị’,…
Ông dân biểu gốc ‘Chú Ba’ Ted Lieu của Cali (dĩ nhiên) dõng dạc tuyên bố “Chúng ta sẽ không xây bức tường ngu xuẩn đó”. Câu hỏi cho ông này: tại sao Trump xây tường là ngu xuẩn? Thế khi Clinton, Bush và Obama xây tường thì có ngu xuẩn không?
Vài anh tỵ nạn ngây ngô làm vẹt lập lại chủ trương “nối vòng tay lớn” của DC và TTDC như máy mà không hiểu gì về sự thật trong hậu trường sân khấu cải lương chính trị Mỹ.

CHỨNG KHOÁN TIẾP TỤC NÓNG LẠNH
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục nóng lạnh. Một ngày trước lễ Giáng Sinh, Dow Jones đã rớt 650 điểm, hơn 2%, xuống dưới 22.000.
So với cao điểm 26.800 hồi đầu tháng 10, Dow đã rớt 4.800 điểm, hay 18%. So với 18.000 điểm ngay trước khi ông Trump được bầu tháng 11/2016, Dow vẫn còn tăng 4.000 điểm, hay 22% trong hai năm. Mức tăng trung bình 11% một năm này có vẻ bình thường hơn là mức tăng vô lý gần 50% trong hai năm trước đây. Dù vậy, các chuyên gia thấy việc rớt 18% trong ba tháng qua là chỉ dấu đáng lo ngại.
Một ngày sau lễ Giáng Sinh, Dow mở màn, tăng gần 300, sau đó rớt mấy chục, cuối ngày tăng gần 1.100 điểm! Ngày hôm sau, Dow mở cửa chợ, rớt ngay 550, đến cuối ngày, tăng 260 điểm. Đúng là Dow của ông Thần Trump, cũng sáng nắng chiều mưa, không ai đoán trước được.
Nhìn vào diễn biến trên, ít ai dám tiên đoán qua đầu năm 2019, thị trường sẽ mau chóng ổn định lại, hay tiếp tục nóng lạnh nữa.
Có tin TT Trump hết sức bực tức về việc NHDTLB vừa tăng lãi suất lên nữa sau khi Dow Jones đã rớt hơn 3.500 điểm và đã tham khảo ý kiến các cố vấn về việc thay thế chủ tịch hội đồng NHDTLB, ông Jerome Powell.
Việc NHDTLB tăng lãi suất trong khi thị trường chứng khoán rớt ào ào trong ba tháng liền là một việc làm hết sức hy hữu, cực kỳ hiếm thấy, chứng tỏ NHDTLB quả là quá khắt khe. Nhiều chuyên gia giải thích NHDTLB lấy quyết định dựa trên dự phóng tương lai lâu dài, chứ không dựa trên sự trồi sụt nhất thời của thị trường chứng khoán. Nhưng cũng có người cho rằng có thể đây là một hành động có tính ‘thách thức’ TT Trump của NHDTLB sau khi ông Trump chỉ trích NHDTLB.
Bộ trưởng Tài Chánh Mnuchin đã cho biết TT Trump sẽ không thay thế chủ tịch NHDTLB.
Có vài yếu tố căn bản đưa đến việc nóng lạnh này.
-             Mức tăng trưởng 50% là vô lý và ‘phản khoa học’, trước sau gì cũng phải tự điều chỉnh.
-             Giới doanh gia lo ngại sách lược tăng trưởng kinh tế của TT Trump sẽ bị cản bởi một Hạ Viện trong tay của đảng DC và một chính sách tiền tệ quá khắt khe của NHDTLB. Nhưng vẫn tin sẽ còn tăng trưởng.
-             Việc tăng lãi suất mà TT Trump chỉ trích cũng có thể có hậu quả thuận lợi khi lãi suất cao thu hút tiền đầu tư vào Mỹ.
-             Điểm lạc quan nữa là theo báo Wall Street Journal, mức hàng bán lẻ đã lên tới những mức cao nhất từ nhiều năm qua. Dân Mỹ bán cổ phiếu lấy tiền mua sắm trong dịp Giáng Sinh chăng?
Tóm lại, chưa có đồng thuận về hậu quả lâu dài của chính sách kinh tế của TT Trump và những quyết định của NHDTLB.
Trong khi đó, giá trị đồng đô Mỹ vẫn tiếp tục không ngừng tăng trên thế giới so với các ngoại tệ mạnh khác. Tháng Chạp này đã leo lên mức cao nhất từ hai năm nay. Giá trị đồng đô cao chứng tỏ giới kinh doanh tin tưởng ở kinh tế Mỹ trong dài hạn, nhưng hậu quả không lợi cho kinh tế Mỹ khi hàng hoá và du lịch Mỹ trở nên đắt hơn cho thế giới.

CẬP NHẬT CUỘC ĐIỀU TRA CỦA MUELLER
Cuộc điều tra của công tố Mueller vẫn dậm chân tại chỗ, chẳng ai nhìn thấy gì mới lạ, cũng chẳng ai biết khi nào sẽ chấm dứt, công tố Mueller đã câu được gì.
Báo Washington Post công bố một danh sách tràng giang đại hải những người đã bị bắt, truy tố, cùng những tội của họ đã bị ông Mueller vồ. Đọc thoáng qua là chết khiếp. Đọc kỹ thì thấy … chuyện bé xé ra to. Hay chính xác hơn, chuyện không có mà cố vặn vẹo ra cho có để biện minh cho việc đã tốn mấy chục triệu đô tiền thuế dân đóng.
Trước hết, có hai loại người bị ông Mueller vồ: 1) một nhóm người Nga, tất cả đều đã về Nga, truy tố cho có, chẳng đi đến đâu hết; và 2) một số nửa tá những con tép lép được ‘phe ta’ dùng hoá chất nhập cảng từ Trung Cộng, cố gắng bơm cho to lên bằng tôm tích, nhưng vẫn chưa đi đến đâu.
Sau đó, điều đáng chú ý là đám công dân Nga bị truy tố can dự vào bầu cử, nhưng không có người Mỹ nào hay nhân viên nào của ông Trump can dự đến. Những người Mỹ bị truy tố thì toàn là vì những tội cá nhân của họ, chẳng có gì liên quan hay có thể là bằng chứng về việc ông Trump thông đồng với Nga, là mục tiêu thực sự của cuộc điều tra của ông Mueller.
Có tin mới lạ là toàn bộ cuộc điều tra của công tố Mueller có thể sẽ bị liệng vào thùng rác vì xuất phát từ một việc làm trái phép hay bất hợp pháp của cựu giám đốc FBI, ông James Comey. Theo nguồn tin này, do báo Western Journal loan tải, GĐ Comey trao đổi emails với vài viên chức bộ Tư Pháp Obama, theo đó họ biết rõ Hồ Sơ Nga – Russian Dossier- là hồ sơ ngụy tạo, vô bằng chứng, nhưng vẫn dựa trên đó, xin toà FISA cho phép theo dõi Ủy Ban Vận Động Bầu Cử Trump.
Nếu tin này đúng sự thật thì cuộc điều tra của công tố Mueller, là hậu quả trực tiếp của cuộc điều tra của ông Comey, đã phát xuất từ một việc làm gian trá của ông Comey hợp tác với bộ Tư Pháp của TT Obama nhắm cản ông Trump và giúp bà Hillary, đương nhiên cũng là việc làm bất hợp pháp.

TT TRUMP ĐI IRAQ
Tin bất ngờ cuối năm, TT Trump đi thăm lính Mỹ tại Iraq. Chuyện cũng bình thường vì tất cả các tổng thống đều làm vậy. Và tất cả các báo thường loan tin trong tinh thần cổ võ, hoan nghênh. Nhưng với TT Trump thì dĩ nhiên là khác: phản ứng của TTDC vẫn là chống đối, bôi bác, đả kích.
NBC tung tít lớn “Trump là tổng thống đầu tiên từ 2002 đã không thăm lính nhân dịp Giáng Sinh”. Sau khi tin TT Trump đi thăm lính tại Iraq được công bố, NBC vẫn giữ nguyên quan điểm, giải thích chi tiết “TT Trump đến trại David để lấy máy bay vào lúc 12.06 AM”, quá nửa đêm Giáng Sinh 6 phút nên tin của NBC trên nguyên tắc vẫn đúng! Đúng là chuyện chẻ sợi tóc làm năm để chỉ trích.
Một tờ báo viết bài đả kích TT Trump không đi thăm lính, cho lên báo đúng ngày Giáng Sinh, một ngày trước khi tin TT Trump đi Iraq được loan báo. Ngày hôm sau, khi tin TT Trump được công bố, tờ báo vỗ ngực khoe nhờ chỉ trích của TTDC nên TT Trump đành miễn cưỡng phải đi Iraq. Làm như thể TT Trump đọc bài báo đả kích, vội vã chạy ra tàu bay, bay đi Iraq liền vậy?! Như ông chồng bị bà xã sai ra chợ mua bó rau, nhẩy lên xe Honda đi liền vậy. Tổng thống đi đâu, nhất là đi thăm chiến trường, phải chuẩn bị cả tháng hay ít ra cả tuần trước, nhưng kệ, có cớ chửi thì cứ chửi.
Một tờ báo khác nhận định “TT Trump đi Iraq vận động tranh cử”. Thế thì các TT Clinton, Bush con và Obama đi thăm lính thì là gì?
Lại một tờ báo khác chất vấn TT Trump không có quyền ký tên trên mũ đỏ MAGA mà nhiều anh lính yêu cầu. Khi TT Obama thăm lính tại Afghanistan và ký ảnh của mình trên các báo hay tờ rời quảng cáo tranh cử, dĩ nhiên chẳng có báo hay đài TV nào khiếu nại TT Obama đang “vận động tranh cử” hết. 
Anh Philippe Reines, cựu cố vấn của bà Hillary đã mau mắn tuýt “Tôi dám cá không có anh lính nào bỏ tiền túi ra mua mũ đỏ MAGA này, mang từ Mỹ qua hết, mà Trump đã lấy tiền thuế của dân ra mua rồi phát cho họ”. Khỏi cần hỏi anh Reines lấy tin này ở đâu. CNN thực tế hơn, đoán mò TT Trump đã mang theo cả lố mũ đỏ để phát. Không cần trưng bằng chứng.

TT Trump chụp hình với một toán biệt kích. TTDC mau mắn đả kích ngay “Trump công khai hoá hình quân nhân biệt kích, khiến tính mạng họ bị đe dọa”.
Những cái này, không biết phải gọi là “tìm sâu” hay “tìm dòi”?
Sau khi thăm lính Mỹ tại Iraq, TT Trump đã ghé Đức, thăm quân nhân Mỹ tại đây luôn. Cũng tình trạng tương tự: lính đứng xếp hàng chờ xin chữ ký trên mũ đỏ MAGA. Cũng phản ứng tương tự của TTDC.

MỸ VÀ LIÊN HIỆP QUỐC
Liên Hiệp Quốc khiếu nại tổ chức này bị đe dọa hết tiền nuôi các đơn vị quân lực đang duy trì hòa bình –peace keeping forces- trên thế giới, đặc biệt là tại vài nước Phi Châu. Vài chính khách LHQ đã mau mắn tố Mỹ phải chịu trách nhiệm vì từ chối đóng góp thêm.
TT Trump đã có chính sách đóng góp vào LHQ khác xa chính sách trước của TT Obama.
Năm 2000, dưới thời TT Clinton, Mỹ điều đình với LHQ và được thỏa thuận sẽ đóng góp 22% vào ngân sách tổng quát của LHQ, và 27% vào ngân sách các lực lượng đặc biệt duy trì hòa bình. LHQ có hơn 200 quốc gia thành viên, nếu chia đồng đều thì mỗi nước chỉ phải đóng góp có 0,5% thôi, nhưng vì Mỹ quá lớn nên phải đóng góp nhiều hơn, xấp xỉ hơn 1/5 ngân sách tổng quát và gần 1/3 ngân sách các lực lượng quân sự. Dưới thời TT Bush con, quốc hội biểu quyết giới hạn mức đóng góp tới tối đa là 25%.
TT Obama mau mắn ký sắc lệnh cho phép vượt qua giới hạn do quốc hội ấn định, để Mỹ đóng góp... không giới hạn. Sắc lệnh có vẻ bất hợp Hiến, nhưng vì phe DC kiểm soát cả hai viện, nên chẳng ai phản đối.
TT Trump quyết định, tái lập giới hạn của quốc hội. Vài chính khách DC đã chỉ trích “TT Trump làm giảm uy tín Mỹ trên thế giới”. Trong quan điểm DC, tất cả mọi chuyện, chỉ việc tung tiền thuế của dân ra là tốt nhất.

TÒA MỸ PHẠT CẬU KIM
Một quan tòa liên bang đã phán chính quyền Bắc Hàn phải bồi thường 501 triệu đô cho gia đình anh Otto Warmbier, sau khi gia đình này đã truy tố chính quyền Bắc Hàn và đòi một tỷ đô bồi thường về cái chết của ông con. Anh Warmbier là một sinh viên đi du lịch Bắc Hàn, táy máy xé một bích chương tuyên truyền của Bắc Hàn, bị bắt nhốt tháng 1/2016 và tuyên án 15 năm tù. Tháng 6/2017, sau khi TT Trump vận động, anh được trả tự do về Mỹ sau khi bị tra tấn, đánh đập gần chết, về Mỹ trong cơn mê bất tỉnh, vài ngày sau thì chết. Gia đình anh tố cáo khi anh bị bắt, chính quyền Obama từ chối can thiệp, lại còn khuyến cáo gia đình không nên làm gì để chọc giận cậu Ấm Ủn, chỉ nên kiên nhẫn ngồi chờ lòng nhân đạo của cậu Ấm.
Phán quyết của ông tòa chỉ là chuyện vớ vẩn. Chẳng ai tin BH sẽ nhận lỗi và chịu bồi thường một xu nào. Cũng chẳng ai tin việc này sẽ cản trở cuộc đàm phán Mỹ-BH về việc giải giới vũ khí nguyên tử BH.

NỖI ÁM ẢNH CỦA BÀ HILLARY
Bà Hillary mới gửi thiệp chúc Giáng Sinh cho dân Mỹ.
 Thiệp chúc mừng là bức hình chụp hai ông bà và cô con gái tại Tòa Bạch Ốc khi ông chồng còn làm tổng thống. Chỉ chứng tỏ Tòa Bạch Ốc thật sự đã là một ám ảnh không thể lôi ra khỏi đầu óc bà Hillary được.
Hình thiệp Chúc Giáng Sinh 2018 của bà Hillary


Một thăm dò mới nhất của USA Today cho biết chỉ có 15% cử tri DC cảm thấy kích thích nếu bà Hillary ra tranh cử năm 2020, trong khi 70% thấy bà không nên ra nữa.