Quân lính của Trương Tác Lâm (Zhang Zuolin) với súng máy Maxim và Hotchkiss/Nhật Bản - Tháng 3 năm 1927 |
Phạm Văn Tuấn
Lý Nguyên Hồng (1864-1928) |
Tuy nhiên các căng thẳng đã xẩy ra khi Thủ Tướng Đoàn Kỳ Thụy (Duan Qirui) muốn bắt Quốc Hội đồng ý trong việc Trung Hoa chống Đức. Phản ứng trước sự việc này là Quốc Hội đã truất phế Đoàn Kỳ Thụy với sự đồng ý của Tổng Thống, vì vậy Thủ Tướng họ Đoàn bèn tìm sự ủng hộ của các tướng quân thiên về việc chống Đức. Trong số các tướng lãnh này, có Trương Huân (Zhang Xun), còn được gọi là “tướng đuôi heo” (the pig-tailed general) bởi vì các quân lính của ông ta còn để đuôi sam, để tỏ lòng trung thành với nhà Thanh.
Vào ngày 1/7/1917, tướng Trương Huân đưa quân vào Bắc Kinh, tuyên bố phục hồi đế chế nhưng sau 12 ngày, quân của Trương Huân đã bị đẩy lui và Thủ Tướng Đoàn Kỳ Thụy nắm lại được quyền lực.
Phùng Quốc Chương (1859-1919) |
Cách phối hợp ảnh hưởng của Phùng Quốc Chương và Đoàn Kỳ Thụy có thể đưa tới sự ổn định xứ sở nhưng hai sự việc đã diễn ra.
Tại miền nam Trung Hoa, để chống lại việc Đoàn Kỳ Thụy trở lại nắm quyền, nhà lãnh tụ Tôn Dật Tiên công bố việc thành lập một chính phủ khác đặt tại Quảng Châu (Guangzhou), vì vậy Đoàn Kỳ Thụy đã hạ lệnh chiếm tỉnh Hồ Nam (Hunan) đồng thời thương thuyết với người Nhật Bản về các món tiền vay nợ Nishihara và chấp nhận các huấn luyện viên quân sự Nhật Bản.
Các sự việc này đã làm gia tăng sự chia rẽ giữa các lãnh tụ của đạo quân Bắc Dương (the Beiyang army): Thủ Tướng Đoàn Kỳ Thụy được nhóm An Huy (the Anhui clique) ủng hộ trong khi các người theo Tổng Thống Phùng Quốc Chương được gọi là nhóm Trực Lệ (the Zhili clique). Trực Lệ là biệt danh của tỉnh Hà Bắc.
1/ Các Đốc Quân.
Vào thời gian từ 1916 tới 1928, nước Trung Hoa bị chia rẽ do một số đốc quân (warlord) tức là các tướng lãnh địa phương. Những viên tướng này có vũ khí mới, quân số gia tăng, đã dùng các phương tiện giao thông mới như xe lửa và tầu thủy để chiếm giữ một vùng đất nhưng họ không có khả năng tổ chức một bộ máy chính quyền.Vào năm 1911, các nhà cách mạng Trung Hoa có đảng phái nhưng không có quân lực, nên đã không thể chiếm chính quyền, vào giai đoạn này các đốc quân có binh lực nhưng không có đảng phái hậu thuẫn, nên cũng thất bại. Họ đã thiếu đi các nguyên tắc và các định chế chính trị. Vào thời kỳ của các đốc quân, chính quyền suy đồi, người dân đau khổ và xã hội thoái hóa do việc canh tân đất nước đã không cân bằng, việc trang bị quân sự quá nhanh khiến cho chính quyền trung ương không kiểm soát nổi các địa phương.
Khởi đầu, một đốc quân là một viên tướng có ý chí mạnh, có bộ hạ và binh lính phục tùng. Các đốc quân phải nuôi ăn quân đội của mình bằng tiền thuế đánh vào hàng hóa, vào dân chúng của các làng xã, thành phố, vào các tuyến đường giao thông. Các đốc quân cũng là những người gian xảo và nguy hiểm, nhiều âm mưu, thường thay đổi bất ngờ trong cách hợp tác nhưng họ thiếu cách tổ chức chính trị mới, họ không thể vượt khỏi phạm vi địa phương nên thường phải chấp nhận chính quyền trung ương.
Vào thời gian đầu, nhóm An Huy mạnh thế hơn nhưng tới năm 1920, sức mạnh chính trị của nhóm này bị phân tán, bị nhóm Trực Lệ đánh bại rồi qua năm 1924, nhóm Trực Lệ cũng sụp đổ.
Từ nay bắt đầu thời kỳ phân hóa cực độ và chế độ của các đốc quân (warlords) xuất hiện:
'The Old Marshal' Trương Tác Lâm (1875-1928) |
- Tại vùng Mãn Châu và vùng đông bắc có nhóm Phụng Thiên (Fengtian) đứng đầu do tướng Trương Tác Lâm (Zhang Zuolin), còn được gọi là “Tướng Già” (the Old Marshal);
- Tại tỉnh Sơn Tây (Shaanxi) lạc hậu và nghèo nàn có tướng Diêm Tích Sơn (Yan Xishan) với biệt danh “Tổng Trấn kiểu mẫu” (the Model Governor);
- Các tỉnh phía dưới sông Dương Tử thuộc quyền của tướng Tôn Truyền Phương (Sun Chuanfang), trước kia là thành viên của nhóm Trực Lệ; phần đất giữa sông Dương Tử thống trị do tướng Ngô Bội Phu (Wu Peifu), được gọi là “Tướng Triết Lý” (the Philosopher Marshal);
- Phần phía nam còn lại thuộc quyền của nhóm Quảng Tây, gồm có các đốc quân kiểm soát tỉnh này
- Và cuối cùng, phần đất tây bắc của nước Trung Hoa thuộc quyền kiểm soát yếu kém của tướng Phùng Ngọc Tường (Feng Yuxiang) hay “Tướng Thiên Chúa Giáo” (the Christian General).
Các khu vực của Trung Hoa nằm dưới quyền kiểm soát của các đốc quân |
Trong thời gian phân hóa chính trị này, chính quyền tại Bắc Kinh vẫn tiếp tục hoạt động bởi vì bản Hiến Pháp tạm thời năm 1912 vẫn còn được coi là giá trị trong suốt thời kỳ của các đốc quân và người dân vẫn mong muốn rằng nước Trung Hoa sẽ được chuyển sang chế độ dân chủ. Chính quyền này vẫn còn là biểu tượng của chủ quyền quốc gia và là niềm hy vọng cho sự đoàn kết trong khi đó các lực lượng ngoại quốc đều công nhận đây là chính quyền hợp pháp.
Nhờ tính hợp pháp này, chính phủ tại Bắc Kinh đã có thể vay mượn các nước ngoài mà tai tiếng nhất là món nợ Nishihara do Nhật Bản cung cấp vào năm 1917-18. Một phần của món nợ này dùng để duy trì chính quyền trung ương, một phần thưởng công cho các người ủng hộ. Nước Trung Hoa cũng xóa được món tiền bồi thường cho nước Đức và Áo Hung do loạn Quyền Phỉ (the Boxer) gây nên, đồng thời có thể tham dự vào Hội Nghị Hòa Bình Paris năm 1919 và Hội Nghị tại Washington năm 1921-22 (the Washington Conference of 1921-22).
Tại cuộc Hội Nghị Washington, nước Nhật chấp nhận rút lui khỏi tỉnh Sơn Đông (Shandong) và nước Anh chịu xóa bỏ tờ giao kèo thuê mướn Uy Hải Vệ (Weihaiwei). Trong cuộc thương thuyết với nước Nga, Trung Hoa cũng phục hồi được chủ quyền đã mất với chính quyền của Sa Hoàng trong khi đó bộ Giáo Dục gia tăng các tiêu chuẩn, bộ Tư Pháp ban hành các luật lệ mới và cải tiến nhà tù, các bộ sở khác đều mang lại một số thành quả tốt nhưng tất cả chưa mang lại một chính quyền hữu hiệu và đất nước Trung Hoa còn nằm trong tay của các thế lực quân sự.
Như vậy tại sao chế độ đốc quân đã xuất hiện vào thời gian này? Theo Jerome Ch’en, đây là kết quả của các hành động của ông Viên Thế Khải và di sản của ông này là việc tạo ra một số lớn các đốc quân (warlords), bởi vì đa số các tướng lãnh của đạo quân Bắc Dương của ông Viên Thế Khải đều trở thành các xứ quân hùng cứ nhiều nơi.
Có sử gia lại cho rằng tại Trung Hoa, một khi chính quyền trung ương suy thoái, sẽ xuất hiện các trung tâm quyền lực địa phương, thí dụ là các cuộc nổi loạn vào giữa thế kỷ 19, đặc biệt với loạn Thái Bình Thiên Quốc (the Taiping rebellion), đã khiến cho triều đình nhà Thanh phải nhân nhượng các quyền lực quân sự địa phương.
Có nhiều câu chuyện kể về các đốc quân và hành động của họ: các bộ hạ của tướng Ngô Bội Phu đã dùng văn phòng chống nha phiến để làm trung tâm thu thuế, tướng Trương Tác Lâm khi di chuyển trong vùng Thẩm Dương (Shenyang) đã ngồi trong xe bọc sắt Packard được gắn súng liên thanh.
Sử gia James Sheridan chia các đốc quân ra làm 4 loại:
- Các nhà lãnh đạo quân sự Bắc Dương, thuộc thế hệ thứ nhất của các đốc quân, gồm có Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Quốc Chương.
- Loại thứ hai là các đốc quân bảo thủ với tướng Ngô Bội Phu, người thường nhắc nhở các giá trị Khổng Giáo.
- Loại thứ ba có tính “phản động” (reactionaries) bao gồm tướng Trương Huân, người đã phục hồi triều Mãn Thanh vào năm 1917, và viên tướng tai tiếng Trương Tông Xương (Zhang Zongchang), được gọi là “Tướng Thịt Chó” (the Dog-meat General), vừa ái quốc, vừa rất ưa thích ăn thịt chó.
- Cuối cùng là nhóm các tướng cải cách, gồm Phùng Ngọc Tường (Feng Yuxiang) và Diêm Tích Sơn (Yan Xishan).
Diêm Tích Sơn (1883-1960) |
Phùng Ngọc Tường là “Tướng Thiên Chúa Giáo” (the Christian General), đã dùng các tiêu chuẩn đạo đức, không cho phép binh lính được uống rượu, đánh bạc và chửi thề, cũng như ngăn cấm việc hút thuốc phiện và tìm cách chữa bệnh cho các kẻ nghiện ngập.
Cũng có tướng bắt binh lính làm đường, phòng ngừa lũ lụt, chống nạn mãi dâm và tật bó chân, nâng cao trình độ học vấn, như tướng Diêm Tích Sơn, được gọi là “Tướng Kiểu Mẫu”, cai quản tỉnh Sơn Tây (Shanxi) từ cuộc cách mạng năm 1911 tới năm 1949.
Các đốc quân thường hùng cứ các miền đất gồm một số tỉnh, có khi gồm cả phần bờ biển.
'The Young Marshal' Trương Học Lương (1901-2001) |
Căn cứ kém nhất vì thiếu các phòng thủ thiên nhiên là phần đất hạ lưu sông Dương Tử, thuộc quyền tướng Phùng Ngọc Tường, còn được gọi là “Tướng Lưu Động” (mobile warlord).
Một đòi hỏi thứ hai đối với các đốc quân là nguồn tài chính dùng để trả lương cho binh lính và mua súng đạn.
Các đốc quân kiếm tiền theo hai cách. Thứ nhất, họ đã dùng tiền thuế đáng lẽ ra phải trả về cho chính phủ trung ương. Người ta ước lượng rằng tại Vân Nam, tối thiểu ¾ thuế địa phương được dùng vào các mục tiêu quân sự. Cách thứ hai là đặt ra các loại thuế đặc biệt hay tính thuế phụ thu. Đường xe lửa là một nguồn lợi tức của các đốc quân.
Ngô Bội Phu đã dùng tiền lời của tuyến đường xe lửa Bắc Kinh - Hán Khẩu, đánh thêm thuế vào các hàng hóa chuyên chở, dùng tài sản của đường xe lửa để vay nợ ngân hàng. Phùng Ngọc Tường thu tiền vào cửa tại các trung tâm giải trí trong thành phố Bắc Kinh. Nhiều đốc quân khác đã trồng và đánh thuế thuốc phiện.
Một cách gây quỹ khác của các đốc quân là liên lạc với các thế lực ngoại quốc với lý do chống lại chế độ Mãn Thanh, trong khi đa số các đốc quân ưu thế chấp nhận tinh thần quốc gia, mong muốn nước Trung Hoa được đoàn kết.
Đốc quân của vùng Mãn Châu là Trương Tác Lâm đã nhận sự trợ giúp quân sự của Nhật Bản trong cuộc đụng độ Phụng Thiên – Trực Lệ vào năm 1924.
Ngô Bội Phu dùng các móc nối tư nhân, nhờ nước Anh và Hoa Kỳ để có được các món tiền vay mượn và súng đạn.
Các hành động của các đốc quân đã làm cho cuộc Cách Mạng Trung Hoa càng trở nên rắc rối, khó hiểu, trong khi đó giới học thức rút lui khỏi chính quyền, lớp người giàu có chạy khỏi miền quê, băng đảng tràn ngập các địa phương, các tống tiền quân sự đã tàn phá nền kinh tế, đê điều và công tác dẫn nước vào ruộng bị bỏ lơ, nạn lụt lội và nạn đói ăn thường xuyên xẩy ra.
Trong hoàn cảnh không có một chính quyền trung ương vững chắc và cách kiểm soát ý thức hệ, người dân được phần nào tự do tư tưởng và trước các rối loạn của đất nước, đã diễn ra các phong trào đòi cải cách, đặc biệt là Phong Trào Ngũ Tứ và các tổ chức đảng phái chính trị trong đó có đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng.
2/ Phong Trào Ngũ Tứ.
Sinh viên Bắc Kinh biểu tình ngày 4-5-1919 chống Hiệp Ước Versailles |
Trễ hơn vào cùng một ngày, căn nhà của ông Tào Nhữ Lâm (Cao Rulin), bộ trưởng giao thông trong Nội Các của Thủ Tướng Đoàn Kỳ Thụy, bị đốt cháy và một vị bộ trưởng khác bị đánh trọng thương. Cả hai vị này bị tấn công bởi vì họ bị coi là thân Nhật Bản, là liên hệ tới “21 Đòi Hỏi” của Nhật Bản và tới các món nợ Nishihara.
Kết quả của vụ biểu tình là 30 sinh viên bị chính quyền bắt giữ, một người chết vì các vết thương. Vào các ngày sau, sinh viên đã chuyển hóa biến cố này thành cuộc phản đối toàn quốc, họ tìm kiếm sự ủng hộ của các tỉnh, bắt đầu bằng cuộc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và hô hào chỉ mua các sản phẩm của Trung Hoa. Cuộc phản kháng này đã lan sang trên 200 thành phố khác, căng thẳng nhất tại Thượng Hải là nơi đã có một cuộc tổng đình công làm đóng cửa các cửa hàng và vài nhà máy.
Phản ứng của chính quyền Bắc Kinh đối với vụ biểu tình này của sinh viên và học sinh đã không rõ ràng. Trong khi để cho công cuộc phản kháng lan sang các tỉnh khác, chính quyền kể trên lại bắt giữ hơn một ngàn người cho tới đầu tháng 6. Vào ngày 10, ông Tào Nhữ Lâm và hai bộ trưởng khác rời khỏi chính phủ rồi 3 ngày sau nữa, toàn thể chính phủ từ chức. Chính quyền Bắc Kinh này đã chuẩn bị ký tên vào Hiệp Ước Versailles nhưng vì các phản kháng của sinh viên và công nhân tại Paris, phái đoàn Trung Hoa đã không ký kết.
Biến cố Ngày 4 Tháng 5, được gọi là Phong Trào Ngũ Tứ, là một phản ứng quốc gia trước mối đe dọa vào chủ quyền của Trung Hoa, đã đạt được sự ủng hộ phổ biến hơn các sự việc khác. Các người quốc gia này đã dùng nhiều hình thức như biểu tình, tẩy chay và đình công.
Vào năm 1905, một cuộc tẩy chay được tổ chức để phản kháng việc giới hạn sự di dân Trung Hoa qua Hoa Kỳ. Năm 1908, con tầu Nhật Bản Tatsu Maru đã bị nhà cầm quyền Trung Hoa bắt giữ vì chuyên chở các đồ lậu và lá cờ Nhật Bản bị hạ xuống. Sau đó việc xin lỗi chính quyền Nhật Bản và trả tiền bồi thường cho tầu Nhật của chính phủ Bắc Kinh đã gây nên sự phản kháng mãnh liệt hơn, các hàng hóa của Nhật Bản bị đốt bỏ, các công nhân từ chối dỡ hàng từ các con tầu Nhật Bản. Vào năm 1919 này, Phong Trào Ngũ Tứ còn là khởi đầu của một cuộc cách mạng Văn Hóa, tấn công đạo Khổng và hướng nhìn về phương tây để tìm ra cách giải quyết các khó khăn của Trung Hoa.
Vào các năm đầu của nền Cộng Hòa, đã có các thay đổi về xã hội và kinh tế. Từ năm 1919, nước Trung Hoa đã có một giới trí thức mới vào khoảng 5 triệu người nhờ các trường học tổ chức theo phương tây, nhờ sự phát triển của các thành phố ven biển, nhất là Thượng Hải và nhờ sự xuất hiện của giới tư sản mới như là một lực lượng chính trị. Công cuộc chuẩn bị tư tưởng mới cũng có gốc rễ từ cuộc Cải Cách 100 Ngày vào năm 1898, từ mối đe dọa vào chủ quyền và bị làm nhục do các xâm lấn của các nước ngoài.
Có hai ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển Phong Trào Ngũ Tứ. Thứ nhất là do Đại Học Quốc Gia Bắc Kinh trong công tác cải biến trí thức và thứ hai là vai trò của tạp chí “Tân Thanh Niên” (Xin qingnian = New Youth) đã phổ biến các biến cố trong nước.
Thái Nguyên Bồi (1868-1940) |
Sau vài năm sinh sống tại châu Âu, ông Thái Nguyên Bồi trở lại Trung Hoa vào năm 1916 và khi Viên Thế Khải đã qua đời, trong khung cảnh tự do hơn, ông Bồi đã làm Viện Trưởng Đại Học Bắc Kinh.
Ông Thái Nguyên Bồi là một học giả cổ điển chuyển hướng thành cách mạng, đã tuyên bố ngay rằng trường đại học phải là nơi chuyên về học vấn cao cấp và ông đã tập họp quanh mình một số học giả xuất sắc với các tư tưởng bài bác tôn giáo.
Hồ Thích (1891-1962) |
Trong ban giảng huấn còn có Hồ Thích (Hu Shi) (1891-1962), người đã hoàn tất luận án Tiến Sĩ của trường Đại Học Columbia, Hoa Kỳ về triết học cổ điển Trung Hoa. Ông rất có ảnh hưởng trong Phong Trào Ngũ Tứ, và còn là Viện Trưởng Viện Đại Học Bắc Kinh (a president of Peking University). Năm 1939, ông được đề nghị nhận giải Nobel về Văn Chương.
Tạp chí “Tân Thanh Niên” được Trần Độc Tú thành lập tại Thượng Hải vào năm 1915, đã trở nên nơi tập trung các trận tấn công vào toàn bộ hệ thống giá trị Khổng Học. Trong số báo đầu tiên, Trần Độc Tú đã kêu gọi thanh niên bằng bài mở đầu: “Người Trung Hoa thường khen ngợi một người đã hành động như một ông già dù còn trẻ, trong khi người Anh và người Mỹ khuyến khích giữ cho trẻ dù phải già đi”. Giống như nhiều nhà trí thức đương thời, Trần Độc Tú đam mê chủ thuyết Darwin và tin tưởng rằng trong cuộc tranh đấu, chỉ có kẻ mạnh nhất sống sót. Trần Độc Tú cho rằng các truyền thống này là nguyên nhân chính đã khiến cho nước Trung Hoa yếu hèn và ông ta đã tấn công nền văn hóa Khổng Giáo bằng cách bài trừ tôn giáo, chú trọng tới yếu tố kinh tế trong đời sống mới và tính độc lập cá nhân. Một nhân vật quan trọng cũng muốn cải cách các truyền thống Khổng Giáo là học giả Khang Hữu Vi (Kang Youwei).
Một công cuộc khác chối bỏ quá khứ là việc cải cách ngôn ngữ. Vào cuối thế kỷ 19, lối văn cổ điển (văn ngôn) đã được đề nghị thay thế bằng văn bạch thoại (baihua) và học giả Lương Khải Siêu (Liang Qichao) đã thử viết bằng thứ văn mới này, rồi từ năm 1910, đã có nhiều cuốn tiểu thuyết phổ thông dùng bạch thoại dành cho sắc dân thành thị. Qua năm 1912, bộ Giáo Dục Trung Hoa đã cho thành lập một ủy ban đặt ra các tiêu chuẩn phát âm và các lớp học dùng mẫu tự La Mã cũng được Viên Thế Khải chấp thuận. Tất cả các sự việc kể trên đã chuẩn bị cho cuộc cách mạng văn học mà nhân vật chủ chốt là Hồ Thích.
Lỗ Tấn (1881-1936) |
Ảnh hưởng lớn lao của Phong Trào Ngũ Tứ là các tư tưởng mới đã thắng thế. Việc giới thiệu và phổ biến các tư tưởng mới tại Trung Hoa còn do một nhân vật quan trọng khác là Nghiêm Phục (Yan Fu) (1853-1921). Từ năm 1895, Nghiêm Phục đã phiên dịch nhiều tác phẩm triết học của phương tây. Qua đầu thế kỷ, Lương Khải Siêu cũng bàn luận các tư tưởng của cuộc Cách Mạng Pháp, các quan niệm về tự do cá nhân. Các bài viết của Karl Marx đã được nhiều người Trung Hoa biết tới trước năm 1911 nhưng hai ý thức hệ chính trị hấp dẫn nhất các nhóm ảnh hưởng là chủ thuyết xã hội và chủ thuyết vô chính phủ (anarchism).
Phạm Văn Tuấn
(Đặc San Lâm Viên)
(Đặc San Lâm Viên)
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., The Gate of Heavenly Peace by Jonathan D. Spence, the Viking Press, N.Y. 1991; China, A Political History by Richard C. Thornton, the Westview Press, Colorado, 1982; A History of the World in the Twentieth Century by J.A.S. Grenville, Harvard Univ. Press, Mass. 2000.