Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang, 1895-1976), nhà văn nổi tiếng người Trung Hoa nhưng lại viết bằng tiếng Anh để bàn về nghệ thuật, văn hóa và nhân sinh quan của người Trung Quốc. Chào đời tại tỉnh Phúc Kiến trong gia đình của một mục sư Cơ Đốc nhưng đến tuổi trưởng thành ông từ bỏ niềm tin truyền thống của gia đình để đến với Khổng giáo và Phật giáo.
Lâm Ngữ Đường… thời thơ ấu
Hơn ba mươi năm sau, Lâm Ngữ Đường quay trở lại với Cơ Đốc giáo. Trong tác phẩm“From Pagan to Christianity” (1959) ông viết:
“Trở về với Kinh Thánh, tôi thấy Kinh Thánh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mặc khải chính xác qua Chúa Giê-xu; chính sự mặc khải đó đã đem Thượng đế xuống ngang tầm mắt tôi để tôi có thể nhận biết Ngài."
Lâm Ngữ Đường đậu bằng cử nhân tại Đại học St John (Thượng Hải), rồi nhận học bổng bán phần cho chương trình tiến sĩ tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Cuộc đời của ông bắt đầu khám phá thế giới Phương Tây dù những ngày ở Harvard không trọn vẹn vì học bổng bị cắt nửa chừng.
Từ Hoa Kỳ ông và vợ lưu lạc sang Pháp và lấy bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Jena ở Leipzig (Đức) năm 1923. Khoảng thời gian 1923-1926, ông về lại Trung Quốc và dạy văn chương Anh tại Đại học Bắc Kinh.
Lâm Ngữ Đường (1895-1976)
Năm 1928, Lâm Ngữ Đường đến sống tại Hoa Kỳ. Ông dịch các tác phẩm Trung Hoa sang tiếng Anh, những loại sách này rất được yêu thích tại đây. Theo gợi ý của nhà văn Pearl Buck, năm 1935 ông viết “My Country and My People”, tác phẩm miêu tả một cách tinh tế và thẳng thắn tính cách cùng não trạng của người Trung Quốc.
Tác phẩm này được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau đồng thời khiến Lâm Ngữ Đường trở thành nhà văn Trung Hoa đầu tiên có tên trong danh sách các tác giả có sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Lâm Ngữ Đường và nhà văn Pearl Buck (hình chụp tháng 12/1942)
Năm 1937, tác phẩm “The Importance of Living” với văn phong ý nhị chiếm một vị trí mổi bật trong bản liệt kê “best seller” tại Hoa Kỳ. Tiếp đến là các tác phẩm “Between Tears and Laughter” (1943), “The Importance of Understanding” (1960), “The Chinese Theory of Art”(1967), “Moment in Peking” (1939), “The Vermilion Gate” (1953).
Năm 1954, Lâm Ngữ Đường được mời đến Singapore giữ chức Viện trưởng Đại học Nangyang mới được thành lập và chưa đi vào hoạt động. Sáu tháng sau ông quay lại Pháp sau khi những sáng kiến của ông không được thực hiện, và đại học tân lập này vẫn chưa hoạt động. Từ năm 1965, Lâm Ngữ Đường và vợ đến sống ở Đài Loan.
Sau khi mất, Lâm Ngữ Đường được an táng tại nhà riêng ở Dương Minh Sang, Đài Bắc, Đài Loan. Ngôi nhà này hiện là Thư viện Tưởng niệm Lâm Ngữ Đường, trong khi ngôi nhà của Lâm Ngữ Đường ở Ban Tử (Trung Quốc), nơi ông chào đời, cũng trở thành viện bảo tàng.
Mộ Lâm Ngữ Đường tại Đài Loan
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến tác phẩm “The Importance of Living”, được Lâm Ngữ Đường sáng tác bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ năm 1937. Học giả kiêm dịch giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Một quan điểm về sống đẹp”, thường được biết đến qua hai chữ “Sống Đẹp”.
Ngay phần mở đầu bản dịch của tác phẩm, Nguyễn Hiến Lê viết: “Tôi đã đọc nhiều cuốn viết về Nghệ Thuật Sống nhưng không cuốn nào có một tầm quan trọng và làm cho tôi suy nghĩ nhiều bằng cuốn này”.
Lý do dịch giả đưa ra thật đơn giản. Các nhà văn Phương Tây thường đưa ra những qui tắc thực tế về cách xử thế và làm việc, cho nên tuy hữu ích thật nhưng không để lại nhiều dư âm trong suy nghĩ của người đọc. Ngược lại, những nhà văn Phương Đông thường có một cái nhìn bao quát hơn để người đọc tự hình dung và tự tìm lấy kết luận.
Học giả & Dịch giả Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê cho rằng tác giả Lâm Ngữ Đường đưa ra một cái nhìn bao quát về cuộc sống vì chỉ có sống mới là quan trọng. Người ta thường quên, dù mình làm việc hay tiêu khiển, dù mình trau dồi tâm trí, dựng nên những học thuyết triết lí, xã hội, kinh tế hay chính trị... cũng chỉ để phục vụ sự sống, để duy trì đời sống, cải thiện nó, làm cho nó phong phú lên, dễ chịu hơn, cao đẹp hơn.
Thế cho nên, Nguyễn Hiến Lê khẳng định trong lời tựa của bản dịch năm 1964 tại Sài Gòn: “… Những cuốn sách khác chỉ bàn về “kỹ thuật sống”… riêng cuốn của Lâm Ngữ Đường mới xét về “nghệ thuật sống”…
Công việc dịch thuật của dịch giả cũng gặp một trở ngại lớn là không tìm ra được nguyên tác bằng tiếng Anh của tác phẩm “The Importance of Living” nên ông phải dùng
bản tiếng Trung “Sinh hoạt đích nghệ thuật” do Việt Duệ dịch (nhà xuất bản Thế giới Văn hóa - 1940) và bản tiếng Pháp “L’importance de vivre” của nhà Correa năm 1948.
Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, tác phẩm “Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đường
“Sống Đẹp” gồm 14 Chương và được dàn trải qua các vấn đề liên quan đến cách sống. Những vấn đề đó bao gồm nhân sinh quan về cuộc sống, quan niệm sống của người Hy Lạp và Trung Hoa, vấn đề tôn giáo, chuyện chính trị, những vấn đề về hạnh phúc như chủ nghĩa độc thân, óc tưởng tượng, tinh thần hài hước…
Bên cạnh những vấn đề lớn còn có những khía cạnh nhỏ nhặt nhưng không kém phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày như nghệ thuật đọc sách, nghệ thuật viết văn hay cái thú khi đi du lịch...
Tất cả những vấn đề nhỏ cũng như lớn trong cuộc sống được tác giả trình bày bằng một bút pháp “tự nhiên như hơi thở” chứ không mang tính các hàn lâm như ta thường thấy trong các tác phẩm “học làm người”. Đó cũng là lý do tại sao tác phẩm của Lâm Ngữ Đường lại trở thành “best seller” trong thế giới Phương Tây.
Ấn bản “The Importance of Living”, năm 1938
Bàn về tính hài hước, họ Lâm cho rằng tính này lại liên quan mật thiết với tinh thần thực tế. Hài hước có khi là độc ác vì làm cho người ta vỡ mộng, nhưng chính nhờ vậy mà ta khỏi đâm đầu vào bức tường đá của thực tế. Hài hước cũng làm giảm cái nhiệt tâm của người ta, nhưng nhờ vậy mà người ta mới thọ.
“Chỉ biết thực tế mà không biết hài hước, tức là loài vật.
Biết mộng tưởng mà không biết hài hước thì là cuồng nhiệt.
Biết thực tế và biết mộng tưởng là có lí tưởng.
Biết thực tế và biết hài hước là có óc bảo thủ.
Biết mộng tưởng lại thêm óc hài hước thì là mộng.
Biết thực tế, biết mộng tưởng, lại biết hài hước là biết mình”.
Lâm Ngữ Đường kể một câu chuyện hài hước nhưng khi đọc xong, sự “tiếu lâm” đó lại gây cho người đọc nhiều suy nghĩ:
“Một người bị giam ở địa ngục, sắp được đầu thai, tâu với Diêm Vương: “Như quả Đại Vương muốn cho tôi trở về dương gian, thì tôi xin được vài điều kiện”. Diêm Vương hỏi: “Điều kiện nào?”. Người đó đáp: “Tôi xin được làm con một vị Tể tướng, làm cha một vị Trạng nguyên; tôi xin được một ngôi nhà ở giữa một khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có đủ loại trái cây; lại xin có một người vợ rất đẹp và nhiều tì thiếp diễm lệ, hết thảy đều ngoan ngoãn chiều chuộng tôi; lại xin châu bảo chất đầy phòng, lúa chất đầy lẫm, tiền bạc chất đầy rương, mà tôi thì được làm công khanh, một đời vinh hoa phú quí, sống lâu trăm tuổi”. Diêm Vương đáp: “Trên dương gian mà có được con người như vậy thì ta đây đã đầu thai thay ngươi rồi !”.
Lâm Ngữ Đường là một học giả nghiêm túc...
nhưng ông cũng có những nét khôi hài thật dí dỏm
Bàn về cá tính trái ngược của người Phương Đông và người Phương Tây, Lâm Ngữ Đường phân tích:
“Triết gia Trung Hoa nhìn đời y như thi nhân, triết lí của họ giống thơ hơn là giống khoa học, trái hẳn với phương Tây. Nhờ họ cảm mạnh được nỗi vui buồn, sự thăng trầm của đời sống nên họ mới có được một triết lí vui vẻ. Thấy ngày xuân thấm thoát mà người ta cảm được cái bi kịch của nhân sinh; nhìn hoa nở rồi tàn mà người ta động mối thương tâm. Mới đầu người ta buồn rầu, chán ngán rồi sau giác ngộ và mỉm cười tinh ranh như một triết gia lão thành”.
Người Hi Lạp ý thức rằng “đã làm người thì phải chết”, một đôi khi còn phải chịu một định mạng cay nghiệt nữa. Nhưng xét về đại thể, người Hi Lạp yêu đời sống và vũ trụ. Họ dùng khoa học để khám phá thế giới vật chất, họ cũng cố tìm trong vũ trụ Chân – Thiện – Mỹ.
Trong khi đó, người Trung Hoa cho con người là “vạn vật chi linh”. Khổng giáo thậm chí còn đặt con người ngang hàng với Trời, Đất nữa. Đàn ông hay đàn bà, ai cũng có tính dục, cũng biết đói, biết khát, cũng có lúc sợ, lúc giận dữ, cũng chịu cảnh đau ốm, khổ não và cũng chết. Tác dụng của văn hóa theo Khổng giáo là điều hòa những nhiệt tình cùng dục vọng đó. Một khi điều hòa được thì con người cũng ngang hàng với Trời và Đất.
Lâm Ngữ Đường còn thi vị hóa cuộc sống như… “một bài thơ”. Bài thơ đó có đầy đủ niêm luật, tiết điệu và có cả “những chu kỳ thịnh suy của nó”.
“Mới đầu là tuổi nhỏ ngây thơ rồi tới tuổi xuân vụng về, ráng thích ứng với xã hội, nhiều nhiệt tình, nhiều tham vọng, dại dột mà có lí tưởng. Tiếp tới một tuổi hoạt động kịch liệt, rút được nhiều kinh nghiệm trong xã hội và về bản chất con người. Tuổi trung niên, hoạt động giảm đi, tính tình dịu đi, như một trái cây đương chín hoặc một thứ rượu ngon đã hết nồng, đối với nhân sinh lần lần có một quan niệm khoan dung hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng ngạo nghễ hơn, “bất chấp” hơn.
“Rồi tới khi bắt đầu xế bóng, các hạch nội tiết hoạt động giảm đi, chúng ta mới thật là có được cái triết lí của tuổi già, cái tuổi hòa bình, ổn định, nhàn dật mà mãn nguyện. Sau cùng, sinh mệnh tàn lụi và ta ngủ một giấc vĩnh viễn. Đáng lẽ, người ta phải nhận được cái đẹp của những nhịp điệu đó trong đời sống như nhận được cái đẹp trong những bản đại hòa tấu…
“Một vài người tấu vụng, nhiều âm không điều hòa, mỗi lúc một lớn mãi lên, át hẳn cả điệu chính, có khi còn làm cho khúc nhạc phải ngưng lại và người đó phải nhảy xuống sông hoặc bắn một phát súng vào đầu mình. Chỉ tại những người đó thiếu sự giáo dục, chứ bình thường thì đời người phải tiến trong một cuộc vận chuyển rất mực nghiêm túc…”
(hết trích)
Lâm Ngữ Đường: “Trong tất cả những quyền của phụ nữ, quyền lớn nhất là được làm mẹ”
***
Trong tập “Hồi ký” của mình (Nhà xuất bản Văn học – 1993) dịch giả Nguyễn Hiến Lê kể lại chuyện một người bạn là Bác sĩ Trần Văn Bảng (cùng học trường Bưởi) đã làm một bài thơ 5 đoạn có tên là “Sống đẹp” sau khi đọc Lâm Ngữ Đường. Có một đoạn được ông coi là hay nhất nên trích lại:
“Đây tư tưởng chín tầng mây siêu việt
Sang sảng nghe tiếng nói của thánh hiền
Ngọc chuốt, châu gieo, lời vàng, ý thép
Khiến tâm linh hoan lạc cõi vô biên”
Một độc giả đã bình luận tác phẩm “Sống Đẹp” một cách ngắn gọn nhưng thật xúc tích:
“Đọc quyển sách này rồi thì có thể sau đó các bạn sẽ nghĩ khác đi... thậm chí sẽ sống hơi khác đi một chút!”.