Thờ cúng tổ tiên giữa người Công giáo và người không Công giáo có những khác biệt trong hình thức thể hiện. Với quan niệm tổ tiên chỉ hưởng dùng những công phúc, nên trong Công giáo, giỗ chạp thường chú trọng đến việc xin lễ, đọc kinh chung và làm những việc lành để hướng về ông bà tổ tiên, họ ít quan tâm đến việc sửa soạn đồ cúng, tuyệt đối không đốt vàng mã.
Trên bàn thờ tổ tiên chỉ có cắm hương trước di ảnh tưởng nhớ ông bà cha mẹ, một đĩa trái cây, một bình hoa với mục đích tôn kính ông bà cha mẹ chứ không hàm ý mời ông bà cha mẹ dùng. Chính vì thế mà giỗ chạp trong Công giáo là dịp những người sống lập công phúc thay cho người chết để họ mau đền hết tội lỗi của mình, sớm được hưởng nhan Chúa nơi Thiên đàng.
Đặt vấn đề
Thờ cúng tổ tiên là một đề tài được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước chú ý nghiên cứu vì tính phổ biến và tầm quan trọng của nó trong tâm thức tôn giáo của các tộc người trên đất nước, không riêng chỉ người Việt; không chỉ trong quá trình lịch sử; mà là một hiện tượng đang nổi lên trong thời kỳ sau chiến tranh với việc xây dựng lại đình, đền, nhà thờ họ, việc tu sửa lăng mộ, tìm người mất tích, viết gia phả, địa chí... Vấn đề này đã được đề cập, tìm hiểu trên nhiều khía cạnh khác nhau như nghi lễ cúng tế trong ma chay giỗ chạp, niềm tin vào linh hồn, vào sự chết, văn khấn trong nghi lễ, thứ tự hành lễ, v.v...
Đây là một đề tài rất rộng, và cũng hẹp tuỳ theo cách tiếp cận của mỗi người, mỗi lĩnh vực khác nhau. Thờ cúng tổ tiên đã được xác tín là một đạo hiếu của người Việt Nam nói riêng, của nhiều dân tộc khác trên thế giới nói chung. Bởi vấn đề vừa rộng, vừa hẹp của nó nên thờ cúng tổ tiên đã có nhiều những tranh luận khác nhau. Trong các chuyên luận, các thuật ngữ được đưa ra để “mổ xẻ” tranh luận sôi nổi. Từ việc tranh luận thuật ngữ “thờ” đến thuật ngữ “cúng” và cả thuật ngữ “tổ tiên” nữa. Khi hiểu tổ tiên là những người đã khuất, nếu chỉ đơn thuần là những người thân trong dòng họ, gia đình, việc thờ cúng có sự khác nhau giữa những nhóm tộc người. Khi hiểu tổ tiên là những người đã mất, bao gồm cả những người ngoài dòng tộc, như những người có công với làng với nước, thì việc thờ cúng cũng có sự khác nhau. Mỗi tộc người, mỗi nhóm tôn giáo có những quan niệm và cách thờ cúng hay tôn kính với người đã khuất theo tư duy và quan niệm của riêng mình. Do vậy, vấn đề là rất phong phú, đa dạng.
Dưới góc độ tôn giáo, cụ thể là quan điểm của người Công giáo Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên có sự khác biệt so với quan điểm của các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng khác trong xã hội. Do đặc thù của chuyên đề, chúng tôi chỉ đề cập đến việc thờ cúng tổ tiên của người Việt theo đạo Công giáo, không đi sâu vào phân tích việc thờ cúng tổ tiên nơi người Công giáo ở các tộc người khác nhau. Điều đó là rất khó thực hiện. Bởi lẽ, mỗi tộc người trên lãnh thổ Việt Nam này có những quan niệm về linh hồn, về sự chết và sự tồn tại của linh hồn sau khi chết là khác nhau. Cách thực hành việc tưởng nhớ, báo hiếu, cúng giỗ tổ tiên của họ cũng khác nhau.
Thực hiện chuyên đề này chúng tôi mong muốn góp phần làm sáng tỏ quan điểm về thờ cúng hay thờ kính, hay tôn kính tổ tiên của người Công giáo Việt Nam. Bằng những tư liệu lịch sử, những tư liệu điền dã ở làng đạo Tử Nê (Bắc Ninh) và các xứ họ đạo khác, chúng tôi mong muốn phần nào khắc hoạ sinh hoạt tôn giáo này trong cộng đồng giáo dân Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua đó, người đọc có thể thấy được quan niệm về sự chết nơi người Công giáo, quan niệm về linh hồn, về thiên đàng, địa ngục, luyện ngục của người Công giáo. Trong khi trình bày, chúng tôi dựa vào các tư liệu lịch sử, các quy định của giáo luật Công giáo, những tư liệu điền dã, những số liệu điều tra xã hội học để minh chứng, luận giải cho vấn đề nghiên cứu.
1. Làng Công giáo Tử Nê: lịch sử và hiện tại
Tử Nê xưa kia còn có tên chữ là Vân Mộng, tên nôm là làng Móng. Làng Công giáo Tử Nê ngày nay thuộc xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tiếp giáp với xã Xuân Lai huyện Gia Bình; phía đông – đông bắc tiếp giáp xã Quỳnh Phú, phía nam và đông nam giáp thị trấn Thứa. Sông Móng là dải phân cách ranh giới giữa xã Tân Lãng - huyện Lương Tài với huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia, thời kỳ phong kiến phương Bắc đô hộ Lương Tài gọi là Lang Tài. Thời nhà Lý Bắc Ninh có tên là lộ Bắc Giang, có Nam Định, tức Gia Lương trong đó. Thời Trần Bắc Ninh chia làm hai lộ: Bắc Giang và Lạng Giang, Thiện Tài (Lang Tài) thuộc về lộ Bắc Giang. Thời Hậu Lê, lộ đổi thành đạo, Bắc Ninh đổi thành Bắc đạo. Năm 1466 Lê Thánh Tông đổi Bắc đạo thành Thừa tuyên Bắc Giang. Năm 1469 vua Lê Thánh Tông sửa Thừa tuyên Bắc Giang thành trấn Kinh Bắc, có 4 phủ là Từ Sơn, Bắc Hà (Tây Âu cũ), Lạng Giang và Thuận An. Trong đó, phủ Thuận An có 5 huyện là Gia Lâm, Lang Tài, Siêu Loại, Văn Giang, Gia Định. Thời Nguyễn, năm 1822 vua Minh Mệnh đổi Trấn Kinh Bắc thành Trấn Bắc Ninh. Năm 1831 đổi Trấn thành Tỉnh. Gia Lương thuộc tỉnh Bắc Ninh. Thời Pháp thuộc Bắc Ninh chia làm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (năm 1895). Tỉnh Bắc Ninh gồm 2 phủ, 8 huyện, 78 tổng, 599 xã. Các phủ gồm: Thuận Thành và Từ Sơn. Các huyện gồm: Gia Lâm, Gia Bình, Lang Tài, Quế Dương, Tiên Du, Văn Giang, Yên Phong, Võ Giàng. Sau năm 1945, bỏ cấp tổng giữ lại cấp huyện, bỏ tên phủ, châu. Tháng 8/1950 hai huyện Gia Bình, Lang Tài hợp nhất thành huyện Gia Lương. 1/4/1963, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Năm 1997 lại tách như cũ thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Năm 1999, huyện Gia Lương lại tách thành huyện Gia Bình và Lương Tài.
Làng Nê nằm gần khúc giữa của sông Bái Giang. Sông Bái Giang chảy chính giữa huyện Gia Lương từ tây sang đông, tiếp xúc với sông Thái bình ở các xã Trung Kênh, Lai Hạ, Minh Tân (Đức Trai cũ), tiếp với sông Đuống ở Kênh Than. Làng Nê cũng nằm cạnh quãng giữa đường liên tỉnh số 20, đoạn từ sông Đuống đi Cẩm Giàng. Như vậy, làng Nê nằm tại trung tâm hai trục chính thuỷ bộ huyết mạch của huyện Gia Lương, nằm về phía bắc cách huyện lỵ Gia Lương khoảng 3 km1.
2. Đạo Công giáo tại Tử Nê
2.1. Sơ lược việc truyền bá đạo Công giáo tại Việt Nam
Công giáo chỉ được truyền bá vào Việt Nam một cách có hệ thống và qui mô kể từ đầu thế kỉ XVII với các thừa sai dòng Tên, nhưng trước đó (khoảng năm 1533) đã có giáo sĩ Inêkhu đến truyền đạo ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy (thuộc tỉnh Nam Định hiện nay)2. Bước sang thế kỉ XVII, Việt Nam rơi vào tình trạng chia cắt: Đàng Trong và Đàng Ngoài, rồi tiếp đó là chiến tranh Trịnh Mạc, chiến tranh Trịnh Nguyễn.
Thời kỳ này, nhiều giáo sĩ Công giáo người Bồ Đào Nha và người Pháp xâm nhập mạnh cả vào hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài. Điển hình là sự có mặt của giám mục người Pháp Alexan de Rhodes (1591 – 1660), người đã có công chuyển mẫu tự tiếng Việt theo chữ La tinh thành chữ quốc ngữ để làm phương tiện truyền bá đạo rất có hiệu quả. Sang thế kỉ XVIII, nhà Nguyễn thực hiện chính sách cấm đạo, hạn chế sự phát triển của đạo Công giáo. Thực dân Pháp viện nguyên cớ tôn giáo, nổ súng xâm lược Việt Nam. Gần 100 năm (1858 – 1945), dưới sự bảo trợ của thực dân Pháp, đạo Công giáo ngày càng phát triển. Cho đến nay, Giáo hội Công giáo đã phát triển rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam, gần 8% dân số Việt Nam theo đạo Công giáo với hơn 5 triệu giáo dân, 33 giám mục, 2.200 linh mục ở 25 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh là Hà Nội, Huế và thành phố HCM.
2.2. Quá trình truyền bá và phát triển đạo Công giáo tại Tử Nê
Giáo sĩ Alexander de Rhodes (hay gọi theo tên Việt là Đắc Lộ) thuộc dòng Tên đến Thăng Long năm 1627. Làng Nê lúc đó mang tên làng Vân Mộng, tên nôm là làng Móng, có thể đã tiếp xúc với các giáo sĩ thừa sai từ đó. Tuy nhiên, chưa có một cơ sở sử liệu nào hoàn toàn chắc chắn về thời gian đạo Công giáo được truyền vào Tử Nê. Trong lịch sử xã Tân Lãng có viết: “Vào thế kỉ XVII – năm 1629 một người có quốc tịch Bồ Đào Nha tên là Anrê Minh đến truyền đạo, bắt đầu từ thôn Tử Nê sau tiếp tục truyền sang các thôn: Hương La, Bái Giang, Ngọc Cục và một số khác”4. Theo ghi chép của nhà thờ Công giáo, năm 1659, khi Tòa Thánh lập giáo phận Đàng Ngoài thì vùng đất Bắc Ninh đã có những cứ điểm truyền giáo như Kẻ Roi, Kẻ Nê, Kẻ Mốt…
Do đó, có thể giả thuyết làng Tử Nê theo đạo Công giáo từ rất sớm, có lẽ là khoảng thời gian từ 1630- 1650. Giai đoạn từ cuối thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII (khoảng từ 1680 – 1802), Tử Nê đã trở thành nơi có các giáo sĩ dòng Tên người nước ngoài coi xứ hoặc lui tới đều đặn. Chính các giáo sĩ dòng Tên ở Việt Nam đã đôn đốc việc xây dựng nhà thờ tại Kẻ Nê trong thời gian họ ở đây (khoảng sau năm 1751). Năm 1757, địa phận Đông, trong đó có tỉnh Bắc Ninh được trao cho dòng Đa Minh. Từ đó về sau Tử Nê được các giáo sĩ dòng Đa Minh quan tâm phát triển.
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, mở đầu triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945) đóng đô ở Phú Xuân (tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay). Để trả công Bá Đa Lộc trong việc giúp mình giành lại ngai vàng, Gia Long đã cho tự do truyền bá đạo Công giáo, mặc dù bản thân ông không theo. Sau gần 20 năm được yên ổn dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), người Công giáo bắt đầu vấp phải những khó khăn trong quá trình truyền bá phát triển đạo kể từ triều vua Minh Mạng về sau. Với những sắc dụ cấm đạo, người Công giáo đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hành, thi cử, giao thương buôn bán, thậm chí còn bị truy sát…
Tình trạng này kéo dài đến năm 1858, khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Sau Hoà ước Nhâm Tuất (1862) vấn đề được tự do giảng đạo của các thừa sai ngoại quốc về cơ bản đã giải quyết xong. Thời gian này, do sự phát triển mạnh về số lượng giáo dân trong cả nước, Tòa Thánh đã phải chia nhỏ các giáo phận ra để dễ bề coi sóc giáo dân.
Tại Tử Nê, năm 1870, linh mục coi xứ Nê trở thành giám mục giáo phận Đông, xứ Nê trở thành Tòa giám mục giáo phận Đông trong 13 năm. Ngày 29/5/1883, Tòa Thánh lập thêm giáo phận mới: giáo phận Bắc (tức Bắc Ninh ngày nay) tách ra từ giáo phận Đông, gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, một số huyện của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội. Nhận thấy Kẻ Nê là nơi giao thông thuận lợi cả đường sông lẫn đường bộ, người dân có thuần phong mĩ tục đạo đức nên các Giám mục đã di chuyển chủng viện gồm 2 trường: Lý đoán và Latinh từ Kẻ Mốt về Kẻ Nê. Xứ Nê trở nên phồn thịnh nhất nhì trong địa phận Đông.
Như vậy, cho đến năm 1883, Tử Nê đã có mặt và chính thức được ghi nhận với vai trò là một làng Công giáo toàn tòng, là nơi đặt Tòa giám mục Bắc Ninh; nơi đặt đại, tiểu chủng viện.
Giai đoạn từ 1883-1954 là giai đoạn đạo Công giáo ở Tử Nê được phát triển thuận lợi với số linh mục và giám mục đã cai quản xứ Tử Nê kể cả người Tây Ban Nha và người Việt là 48 người. Trong đó, người Tây Ban Nha là 22, người Việt là 26. Giai đoạn này chỉ tính riêng thôn Tử Nê có 13 người đã được đào tạo làm linh mục ở xứ đạo này.
Thời kỳ 1954 – 1975: sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết (20/7/1954) nhiều giáo dân Công giáo làng Tử Nê di cư vào Nam. Theo thống kê của Đảng ủy xã Tân Lãng thì 26% dân số toàn xã di cư vào Nam thời kì này, tổng số là 211 hộ với 834 nhân khẩu. Riêng làng đạo Tử Nê có 700 tín đồ thì 300 người di cư vào Nam, 400 người ở lại (chiếm tỷ lệ 42,8%). Đây chính là thời kỳ Tử Nê đã có những xáo động lớn về dân số. Nhưng đây cũng là thời gian người Công giáo Tử Nê có những biến chuyển trong sinh hoạt tôn giáo, đó là sự gắn bó giữa đạo với đời, gắn bó giữa tôn giáo với dân tộc. Điều này có ý nghĩa với giáo dân Tử Nê, là bước đệm quan trọng để người dân Tử Nê đón nhận cuộc cách tân của Công Đồng Vatican II sau đó. Năm 1975, Việt Nam thống nhất hai miền Nam Bắc. Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện đường lối Đổi Mới toàn diện đất nước. Dựa trên đường lối đổi mới toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam đề ra đường hướng hoạt động cho đạo Công giáo được xác định qua Thư chung 1980, cùng với cả nước đồng bào theo Công Giáo tại Tử Nê dần dần hòa nhập vào xã hội, xác tín mối quan hệ khăng khít giữa tôn giáo và dân tộc, “quyết tâm gắn bó với vận mệnh quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”.
Khoảng thời gian từ 1975 – 1989, sau khi linh mục chính xứ Nguyễn Văn Quyền qua đời, do tình hình thiếu linh mục trong giáo phận Bắc Ninh, Tử Nê không có linh mục trực tiếp quản xứ. Mọi việc đạo đều do Ban hành giáo đảm nhiệm, thỉnh thoảng có linh mục phụ tá Tòa giám mục về làm lễ cho giáo dân. Tháng 2/1989, linh mục Trần Đăng Căn được Tòa giám mục bổ nhiệm về làm chánh xứ Tử Nê, kiêm quản hạt Gia Lương. Cùng với giáo dân Tử Nê, linh mục Trần Đăng Căn kiến thiết, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo thêm những tông đồ chăm lo việc đạo tại Tử Nê. Các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tôn giáo trong làng như: đi kiệu, vãn hoa, ngắm đàng thánh giá… đã được khôi phục và phát triển. Đặc biệt, sau Công đồng Vatican II, giáo dân được phép thờ cúng tổ tiên, vì vậy tại Tử Nê, những tập tục như thờ kính tổ tiên, sinh hoạt trong dòng họ, lập gia phả… đã được giáo dân quan tâm. Xu hướng trở lại với những sinh hoạt văn hóa dân gian đang trở thành xu hướng chung trong nếp nghĩ và lối sống của giáo dân Tử Nê.
2.3. Các tổ chức, hội đoàn tôn giáo ở họ đạo Tử Nê hiện nay
Ban Hành giáo: Ban Hành giáo là cụm từ chỉ một tổ chức Công giáo bao gồm những người trợ giúp đắc lực cho linh mục trong việc phụng vụ, mục vụ, đôn đốc các công việc có liên quan đến xứ, họ đạo như: duy trì, tổ chức các hội đoàn, xây dựng, sửa chữa nhà thờ xứ, họ đạo, cày cấy ruộng nhà thờ… Ban hành giáo có Ban hành giáo xứ và Ban hành giáo họ. Ban Hành giáo xứ Tử Nê bao gồm: 1 chánh trương, 1 phó trương, 1 thư kí và 1 thủ quỹ; Ban Hành giáo họ Tử Nê do giáo dân Tử Nê bầu ra với các thành phần sau: 1 trùm trưởng, 1 trùm phó, 3 quản giáo nam, 3 quản giáo nữ, 1 tư bệnh.
Các tổ chức hội, đoàn: Các tổ chức hội đoàn Công giáo tại Tử Nê đóng vai trò quyết định trong việc hình thành và tồn tại của họ đạo Công giáo này. Trải qua thời gian, các tổ chức hội đoàn không ngừng đổi mới trong công tác tổ chức cho phù hợp mục đích và điều kiện thực tế. Do đó, số thành viên trong các tổ chức hội đoàn cũng có sự thay đổi. Cụ thể, làng Công giáo Tử Nê bao gồm các hội đoàn như: Hội dòng ba Đa Minh; Hội Mân Côi; Hội Gia Trưởng Giuse; Hội trống, trắc; Đoàn dâng hoa; Đoàn kèn; Ca đoàn; Đoàn nghĩa binh thánh thể; Đoàn giáo lí viên; Hội bác ái gia đình Martino; Ngoài ra xứ đạo Tử Nê còn thành lập nên các ban giúp việc nhà xứ khi có việc trọng như Ban đón tiếp giáo dân; Ban ẩm thực; Ban trông xe.
2.4. Sinh hoạt tôn giáo ở họ đạo Tử Nê:
Về cơ bản, họ nhà xứ Tử Nê thực hiện sinh hoạt tôn giáo theo như chương trình phụng vụ đại cương. Sinh hoạt tôn giáo của người Công giáo nói chung và người Công giáo Tử Nê nói riêng được chia theo 2 mùa là mùa Linh mục và mùa Vọng. Mùa Linh mục (hay còn gọi là mùa thương khó) là mùa Chúa Giêsu chịu khổ nạn để rồi sống lại. Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Mùa Linh mục được mở đầu vào ngày lễ Tro và kết thúc vào ngày lễ Phục Sinh, một trong những ngày lễ lớn của Giáo hội. Còn mùa Vọng là mùa được kết thúc vào lễ Giáng Sinh (25/12). Đây cũng là thời điểm kết thúc 1 năm phụng vụ cũ để bước vào 1 năm phụng vụ mới.
Với cách phân lịch như trên, giáo dân Tử Nê tổ chức những sinh hoạt tôn giáo cụ thể như sau:
Các ngày trong tuần: Các buổi sáng và buổi trưa là giờ nguyện của các thành viên trong hội dòng ba Đa Minh. Buổi tối, giáo dân trong họ tập trung đọc kinh tại nhà thờ với những kinh như: kinh làm dấu Thánh giá, kinh Chúa Thánh Thần, kinh Tin, Cậy, Mến, kinh ăn năn tội, lần hạt 5 chục, kinh cám ơn, kinh vực sâu, kinh dâng mình. Những buổi đọc kinh chung như vậy thường được gọi là những buổi nhà thờ.
Vào ngày Chúa Nhật (Chủ Nhật), giáo dân tham dự thánh lễ tại nhà thờ xứ Tử Nê cùng với giáo dân toàn xứ. Những buổi lễ này thường do linh mục chính xứ làm lễ. Trong thánh lễ, linh mục xứ đọc và giảng giải về phúc âm, ca đoàn hát các bài thánh ca, đoàn kèn thổi những bài kèn về đạo… Đây không chỉ là thời gian để các tín đồ thực hiện các nghi thức tôn giáo mà còn là dịp giúp mọi người dân trong giáo xứ gặp gỡ, trao đổi thông công với nhau… Cũng như các buổi nhà thờ, các buổi lễ vào ngày Chúa Nhật (Chủ Nhật) thường kéo dài khoảng 1 giờ. Ngoài ra, vào các ngày trong xứ họ có việc như có người qua đời, có đám cưới… các thánh lễ được tổ chức theo thời gian và nghi thức mà giáo hội và linh mục chính xứ qui định.
Tuy nhiên, tại Tử Nê, sinh hoạt tôn giáo thực sự thể hiện rõ là những sinh hoạt văn hóa thông qua những cuộc rước kiệu, những ngày ngắm Đàng Thánh Giá và những ngày lễ lớn như lễ Phục Sinh, lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Giêsu lên trời… Vào những ngày lễ lớn, giáo dân Tử Nê đều nghỉ “việc xác” và tham dự các nghi lễ Công giáo đầy đủ. Giáo dân ăn mặc đẹp (nữ mặc áo dài, nam đóng sơ vin, không phân biệt già trẻ), xếp hàng theo các đoàn hội, tay cầm hoa hoặc nến tham gia các cuộc rước kiệu chung quanh khu vực nhà thờ và nhà chung. Những tháng tôn kính Đức Mẹ Maira như tháng 5, tháng 6 và tháng 10, giáo dân ngoài việc tổ chức các buổi rước kiệu chung quanh nhà thờ, múa hát dâng hoa.. còn tổ chức “rước Đức Mẹ về nhà mình” để tỏ lòng tôn kính Mẹ và xin những ơn lành cho gia đình, dòng họ mình. Việc rước Đức Mẹ về nhà không bắt buộc mà phải tùy vào điều kiện của từng gia đình. Thông qua các cuộc rước và những sinh hoạt tôn kính Đức Mẹ, người giáo dân Tử Nê đã khéo léo kết hợp những nét văn hóa truyền thống của dân tộc như sử dụng các làn điệu dân ca của các miền trong các bài hát dâng hoa, sử dụng các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng khi ngắm Đàng Thánh Giá… Với gần 400 năm kể từ khi làng Công giáo Tử Nê được thành lập, trải qua những thăng trầm của lịch sử làng đạo Tử Nê vẫn giữ cho mình những nét riêng của một làng Công giáo với những sinh hoạt tôn giáo, văn hóa riêng biệt. Các yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc đã biến đổi cho phù hợp với các yếu tố tôn giáo, làm cho sinh hoạt tôn giáo không những không tách biệt với những hoạt động văn hóa, mà còn trở nên phong phú và đặc sắc hơn. Chính những sinh hoạt, hoạt động tôn giáo đó là những nét đẹp văn hóa của người Công giáo Tử Nê nói riêng và của người Công giáo Việt Nam nói chung.
3. Thờ cúng tổ tiên - một đạo hiếu truyền thống của người Việt
Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam, tục thờ cúng tổ tiên đã thực sự ăn sâu trong đời sống xã hội và tâm thức dân tộc Việt Nam. Trong mọi gia đình người Việt Nam từ lâu tín ngưỡng này đã trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trên nền của “đạo hiếu”. Từ tổ tiên với tư cách huyết thống gia tộc đến cả dân tộc; dân cả nước thờ các vua Hùng, kính hiếu mẹ Âu Cơ, các anh hùng dân tộc… Còn ân nghĩa với cha mẹ thực bất tận, bất diệt, công cha như trời, nghĩa mẹ như biển. Đạo thờ cúng tổ tiên đó của dân tộc Việt Nam đã thực sự là một nét đẹp văn hoá của những con người thiên về “trọng tình” hơn “trọng lý”. Thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam ngày càng được củng cố, mở rộng thêm khi mà các nền văn hoá Đông, Tây du nhập vào. Với sự giao thoa các yếu tố văn hoá từ bên ngoài, có những quan điểm khác nhau về thờ cúng tổ tiên ở những giai đoạn lịch sử, ở những luồng tư tưởng khác nhau như tư tưởng của Nho giáo, tư tưởng của Phật giáo, Công giáo. Người Việt xưa nay sống trong môi trường làng – làng huyết tộc – là một cơ cấu tổ chức lâu đời và đặc thù của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. “ Văn hoá Việt Nam xét về bản chất là một nền văn hoá xóm làng”.
Làng Việt Nam từ lâu đã là nơi sinh ra và bảo lưu văn hoá làng – văn hoá dân tộc. Cho đến nay, văn hoá làng vẫn tồn tại với sự ngưng kết đậm đặc trong lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hoá dân gian… Làng Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết những con người với nhau một cách chặt chẽ, bền bỉ và lâu dài trong quá trình hình thành và phát triển. Làng được xây dựng trên nền móng của quan hệ huyết thống, được mở rộng thêm ra nhiều dòng họ. Làng cũng lớn dần trong sự phát triển của từng dòng họ. Và, thờ cúng tổ tiên đóng một vai trò không nhỏ trong việc duy trì môi trường gia tộc và môi trường làng.
Người Việt quan niệm rằng, con người có hồn và xác, xác thì có chết nhưng hồn thì tồn tại mãi ở thế giới khác, mà hồn mới là yếu tố cao quý của một con người. Hồn và xác liên kết với nhau tạo nên sinh vật hoạt động được. Linh hồn chỉ thoát ra khỏi thể xác khi thực sự đã chết8. Người Việt quan niệm “Dương sao âm vậy”, con người sau khi chết còn có một cuộc sống nơi suối vàng giống như cuộc sống nơi trần thế với những nhu cầu tất yếu như ăn, mặc, chi tiêu và cả tích luỹ phòng khi bất trắc. Do vậy, những người thân cần cúng giỗ để tổ tiên không bị thiếu thốn nơi âm gian, nơi chín suối. Người Việt cho rằng “chín suối” là nơi sinh tồn của linh hồn tổ tiên sau khi thác, giống như cõi Niết Bàn trong quan niệm của Phật giáo, nơi Thiên Đàng của Công giáo.
Với quan niệm như vậy, người Việt coi việc cúng giỗ là một đạo hiếu và họ không bao giờ bỏ cúng giỗ ông bà cha mẹ, cúng giỗ tổ tiên của mình. Việc cúng giỗ là biểu hiện mối dây liên kết mật thiết giữa tổ tiên - những người đã khuất với con cháu - những người còn sống. Hay chính là biểu hiện mối quan hệ giữa hai thế giới của người sống và người đã thác. Mặt khác, thờ cúng tổ tiên chính là việc con cháu thể hiện sự biết ơn của mình đối với công giáo dưỡng của cha mẹ. Chính vì vậy, việc cúng giỗ càng chu toàn bao nhiêu thì lòng con cháu càng an tâm thanh thản bấy nhiêu. Từ lòng tôn kính, sự mong muốn báo đáp cho tổ tiên ở nơi “chín suối”, từ niềm tin vào linh hồn tổ tiên sau khi thác, con cháu tìm cách báo hiếu với tổ tiên bằng việc cúng giỗ, thắp hương tưởng niệm, cẩn báo với tổ tiên mỗi dịp lễ tết, mỗi khi có việc trọng đại như hôn nhân hay tang lễ. Đây cũng là những dịp người lớn muốn nhắc nhở cho con cháu về cội nguồn của dòng họ và ghi nhớ việc báo hiếu với tiên tổ. Trong các cuộc điều tra về tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tiến hành từ 1995 đến nay thì người Việt thực hiện việc thờ cúng tổ tiên chiếm tỷ lệ trung bình là 98%.
Thờ cúng tổ tiên mang tính chất phổ quát nhưng đồng thời cũng mang tính khu biệt trong các hình thức thể hiện với từng nhóm xã hội – tôn giáo cụ thể. Điều đó còn tuỳ thuộc vào niềm tin và quan niệm cụ thể của mỗi nhóm xã hội – tôn giáo này. Chính những đặc tính khu biệt của những hình thức thể hiện việc báo hiếu tổ tiên đã tạo nên sự phong phú, đa dạng và khởi sắc của việc thờ cúng tổ tiên. Điểm đầu tiên tạo nên sự khu biệt đặc thù ở các tôn giáo và các nhóm xã hội là quan niệm về hồn và nơi ở của hồn sau khi chết. Người vô thần thì không tin có linh hồn và cuộc sống sau khi chết, họ quan niệm “chết là hết”. Người Phật tử thì quan niệm đời sống con người gắn chặt với kiếp. Sau khi chết nếu hồn chưa thoát được nghiệp chướng sẽ vẫn còn bị vướng vào vòng luân hồi để quay trở lại một kiếp nào đó tương xứng với những gì mình đã làm trong kiếp trước. Do vậy, Phật giáo chủ trương không sát sinh vì có thể động vật ấy là một sinh linh đầu thai từ kiếp trước. Với quan niệm này việc báo hiếu tổ tiên được thực hiện bằng những nghi lễ cầu siêu theo phương thức nhà Phật, nhà có tang ma sẽ mời sư thầy đến tụng kinh cho người chết mau siêu độ; đến ngày lễ Vu Lan con cháu đến chùa dâng lễ cúng Phật cầu cho cha mẹ. Lễ Vu Lan theo quan niệm Phật giáo là ngày Phật đại xá, những việc lành con cháu làm trong ngày này thì cha mẹ được hưởng phúc.
Người Công giáo có một quan niệm riêng về sự tồn tại của linh hồn và thể xác, về nơi mà hồn sẽ “cư ngụ” sau khi chết – đó là Thiên đàng, địa ngục hay nơi luyện ngục. Đối với người Công giáo thì Thiên đàng do chính Đức Chúa Trời cai quản, đó là nước Đức Chúa Trời (Luca 9:2, 11, 60, 62; I Cô-rinh-tô 6:9, 10; 15: 50). Địa ngục thì không phải là nơi để hành tội kẻ ác sau khi chết, mà là nơi nghỉ có hy vọng dành cho người chết, kẻ thiện ác đến đó để chờ sự sống lại với họ. Địa ngục hiểu theo nghĩa Kinh thánh là Mồ mả (Thi Thiên: 139:8), đó là mồ mả chung của nhân loại. Còn luyện ngục là nơi dành cho những người chưa sạch tội, chưa được lên Thiên đàng, phải chờ ngày phán xét.
Người Công giáo nói chung, giáo dân Tử Nê nói riêng quan niệm chết không phải là hết. Họ tin rằng: Những người sống đẹp lòng Thiên Chúa, không mắc tội sẽ được lên Thiên đàng và được gọi là các Thánh. Những người còn mang tội thì tuỳ thuộc vào tội nặng hay nhẹ mà phải xuống luyện ngục hay hoả ngục để đền bù tội lỗi mình đã làm khi còn sống và được gọi là các linh hồn. “Các linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được, và đến ngày tận thế, xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên Thiên đàng, hưởng hạnh phúc đời đời, kẻ dữ sa hoả ngục chịu phạt vô cùng"11. Như vậy, quan niệm về sự chết, về sự sống, về phần hồn, phần xác là những tín điều mà mọi giáo dân đều phải tin theo mặc dù việc giải thích những điều này chưa có những luận cứ rõ ràng. Điều chính yếu là ở niềm tin của người giáo dân.
Trong niềm tin Công giáo, người giáo dân Tử Nê luôn hướng đến sự sống đời sau, mọi cố gắng ở hiện tại là nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho đời sau của mỗi người. Điều đó không có nghĩa là họ hướng về cái chết, mong đợi cái chết, mà đó là ý thức về sự chết của người Công giáo Tử Nê. Giáo dân Công giáo Tử Nê cũng tin rằng giữa những người đang sống và những người đã khuất (các Thánh và các linh hồn) vẫn có mối liên hệ qua lại. Các Thánh sẽ cầu bầu cùng Chúa cho những người sống. Những người sống có thể làm việc lành phúc đức, đọc kinh cầu nguyện để lập công phúc cho các linh hồn nơi luyện ngục/hoả ngục vì các linh hồn khi qua đời không tự mình làm gì được nữa. Người sống tạo lập các công phúc nhằm giúp các linh hồn chuộc những tội lỗi đã phạm phải khi còn ở trần gian, có thể lên Thiên đàng và lại cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chính người sống. Mối quan hệ qua lại giữa người sống với các Thánh, các linh hồn và Thiên Chúa chính là cơ sở niềm tin của sự chuyển giao công trạng. Người sống thờ kính những người đã khuất để bày tỏ lòng biết ơn của mình với họ vì những gì họ đã làm cho con cháu khi còn sống và cả những điều họ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho con cháu sau khi chết. Kết quả điều tra tại Tử Nê cho thấy mục đích của việc thờ kính tổ tiên là để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên chiếm 97,5%.
Dưới đây chúng ta sẽ xem xét cụ thể về hình thức thờ kính/thờ cúng tổ tiên của nhóm cộng đồng giáo dân theo đạo Công giáo. Trước khi đi vào vấn đề này chúng ta cần xem xét thêm về mặt thuật ngữ. Để hiểu thực chất từ “thờ cúng” (lễ bái, cúng bái) của người theo đạo Công giáo, chúng tôi đã tra từ ADORATION trong cuốn Từ điển Văn hoá Kitô giáo của Pháp thì thấy ghi: Thờ lạy (Adoration) là sự thờ phụng dành riêng cho Thiên Chúa. Hành động tôn giáo này được biểu lộ bằng sự bái gối hay quỳ lạy cùng với lời cầu nguyện kèm theo”13. Từ điển phụng vụ của DOM ROBERT Légall, từ thờ lạy viết chi tiết: “Từ gốc, ADORATION, có nghĩa là thờ lạy, lời xin, thời Kitô giáo sơ kỳ, cử chỉ này chỉ dành để tôn kính hoàng đế. Các Kitô hữu thì dành cử chỉ này để tôn vinh Thiên Chúa và Đức Kitô”.
Không kể việc linh mục hôn bàn thờ và thày phó tế hôn sách Thánh sau khi công bố - dấu chỉ lòng tôn kính với Thiên Chúa và với lời Người - phụng vụ Rôma còn đề cao việc tôn thờ Thánh giá sau khi đã bái gối 3 lần: đó là thái độ tôn kính đối với vị vua, hướng theo tư tưởng của thánh Gioan trong trình thuật Thương Khó. Ngày 14/9 cũng có nghi thức tôn thờ thánh giá bằng việc hôn kính.
Hiểu theo nghĩa rộng, tôn thờ là hành vi nhắm đến việc phụng tự dành cho một mình Thiên Chúa. Thông thường hơn, phải kể Thánh Thể là đối tượng được tôn thờ bằng việc lễ bái gối hay quì gối. Tôn thờ, cũng Từ điển này ghi là: “Latreia, gốc từ Hy Lạp có nghĩa là Phục vụ. Từ này chỉ việc phục vụ có tính cách phụng vụ dành cho Thiên Chúa, tức là việc thờ lạy. Còn tôn kính là việc phục vụ dành cho các Thánh. Biệt kính là thái độ tôn kính đối với Đức Trinh nữ Maria”. Như vậy, vấn đề thờ cúng/thờ kính/ tôn kính hay sùng kính tổ tiên đã rõ ràng.
Chúng ta đi vào các hình thức chủ yếu của nghi lễ này trong cộng đồng giáo dân Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ mà trường hợp làng đạo Tử Nê là điểm nghiên cứu đại diện. Có thể nói cơ sở của việc thực hiện tôn kính tổ tiên của người Công giáo xứ Tử Nê xuất phát ngay trong giáo lý của họ. Niềm tin tôn giáo của họ được đặt trọn vẹn vào Đấng tối cao là Thiên Chúa. Thiên Chúa là trung tâm điểm của mọi vấn đề, mọi sự lý giải, mọi ngôn từ diễn tả đều nhằm tôn vinh hình ảnh của Chúa Trời. Việc thờ kính tổ tiên, báo hiếu tổ tiên là những điều thuộc về con người, giáo lý của họ đã đề ra như là những điều luật, buộc mọi người phải giữ, phải chu toàn. Trong “thập giới” (Mười điều răn của Thiên Chúa) thì sau ba điều răn dạy con người thờ phụng Thiên Chúa, điều răn thứ tư buộc giáo dân phải “thảo kính cha mẹ”. Điều này là điều rất quan trọng buộc mỗi giáo dân Công giáo phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện. Điều này đứng sau việc tôn thờ Thiên Chúa. Ngoài “Thập giới” Kinh thánh còn răn dạy: “Hỡi con, hãy săn sóc cha con lúc tuổi già, con cũng nể vì, đừng nhục mạ người lúc còn đương sức” (Hc 7: 27-28).
Con cái luôn quan tâm, chăm sóc cha mẹ khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa. Người sẽ ghi nhận và chúc phúc cho việc làm đó: “Kẻ quý trọng cha sẽ được dài ngày, người an ủi mẹ sẽ được công ơn nơi Chúa” (HC, 3-6). Người Công giáo nói chung, giáo dân Tử Nê nói riêng tin rằng sự hiện hữu của con người là hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng. Cha mẹ có vai trò cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo ra sự sống và duy trì sự sống. Và con cái luôn phải biết ơn công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, không ngoại trừ một lý do nào, bởi đó không chỉ là bổn phận mà còn là việc làm đạo đức mà con cái dành tặng cha mẹ, cũng là việc làm đẹp dâng lên Thiên Chúa. Kinh Thánh công nhận niềm hạnh phúc của một gia đình là cha mẹ biết thương yêu con cái và con cái biết vâng lời, hiếu thảo với cha mẹ.
Đây chính là cơ sở để người giáo dân Công giáo nói chung và người Công giáo Tử Nê nói riêng thực hành việc thờ kính tổ tiên. Theo đó, thờ kính tổ tiên trước hết là đạo làm người, là lòng thành kính, biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước. Do đó, dù một thời gian dài bị lãng quên với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt bản địa do cách nhìn hạn chế từ phía Giáo hội, nhưng việc thờ kính tổ tiên vẫn tồn tại trong tâm khảm đời sống tâm linh của người Công giáo Tử Nê16. Đây là một vấn đề mang tính lịch sử trong quá trình truyền giáo mở rộng “nước Chúa” của Toà thánh Vatican, Việt Nam không là ngoại lệ.
Trước khi đi vào các hình thức thờ kính tổ tiên của người Công giáo ở Tử Nê chúng ta cần xem lại thái độ ứng xử của Toà thánh và các đoàn truyền giáo đối với vấn đề này trong lịch sử truyền giáo của đạo Công giáo.
4. Thái độ ứng xử của đạo Công giáo với vấn đề thờ cúng tổ tiên
4.1.Thái độ ứng xử của Toà thánh La Mã
Vấn đề thờ cúng tổ tiên của Công giáo tại Việt nam nói riêng, ở phương Đông mà chủ yếu là Trung Quốc kéo theo sự quan tâm của hơn chục vị Giáo hoàng trên nhiều ngả với những cuộc tranh luận giữa các thừa sai thuộc các dòng truyền giáo khác nhau. Trong khi các linh mục dòng Tên ở Trung Quốc không lên án cúng tế Khổng Tử và ông bà ông vải, thì các thừa sai Pháp ở Việt Nam lại phản đối quyết liệt vì cho rằng nghi lễ ấy là rối đạo không khác gì lễ nghi thờ Bụt, thờ Thần.
Giáo hoàng Clemente XI (1700 – 1721) tổ chức một hội nghị gồm các giám mục để bàn về vấn đề này và sau đó chấp nhận bản nghị quyết của Toà Điều tra trong Tông hiến đề ngày 20-11-1704. Theo đó Giáo hoàng buộc các giám mục, linh mục của tất cả các dòng truyền giáo đều phải tuân theo Toà thánh trong việc bác bỏ thờ cúng tổ tiên. Không chấp nhận bất kể sự khiếu nại nào. Giáo hoàng Clemente XI còn ban hành Tông chiếu Exilladie đề ngày 19-3-1715, nhắc lại hai Tông hiến 1704 và 1710 và Sắc lệnh Nam Kinh 1707 phạt vạ tuyệt thông những ai không tuân phục Toà thánh La Mã về những lễ nghi đã bị bác bỏ, buộc các thừa sai ở phương Đông (trong đó có Việt Nam) phải tuyên thệ trung thành với Toà thánh La Mã trong vấn đề này. Giáo hoàng Benedicto XIV (1740 – 1758) ban hành Tông chiếu Exquo đề ngày 11-7- 1742 truyền phải tuân theo Tông chiếu Exilladie (1715), phạt vạ tuyệt thông tất cả những ai bất tuân. Đến lúc đó cuộc tranh luận thờ cúng tổ tiên tạm chấm dứt.
Vấn đề thờ cúng tổ tiên được bàn trở lại nửa đầu thế kỷ XX với Huấn dụ Plane Compertn est của Thánh bộ Truyền giáo La Mã, được giáo hoàng Piô XII chấp thuận ngày 7-12-1939. Huấn dụ bác bỏ hai Tông chiếu Exquo (1742) và Exilladie (1715). Tiếp theo giáo hoàng ra sắc lệnh Summi Portificantus công nhận những nghi lễ thờ cúng tổ tiên không phải là những nghi lễ đích danh tôn giáo, mà chỉ là những biểu thị lòng sùng bái chính đáng đối với những bậc tài đức trong nước cũng như lòng hiếu thảo đối với người quá cố.
Vấn đề thờ cúng tổ tiên được tái khẳng định trong Công đồng Vatican II (1962- 1965), trong đó nhấn mạnh đến sự hiệp thông với người đã mất như sau: Tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh thần, đều họp thành một giáo hội duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài (Ep 4,16). Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa người còn sống dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Nhận biết đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ dâng lời cầu cho người đã chết. Vì “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành Thánh” (2 – Macabê 12, 46) (GH 49 - 50).
4.2. Thái độ ứng xử từ các đoàn truyền giáo với vấn đề thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam
Dòng Đa Minh: Dòng Đa Minh là một trong những dòng truyền giáo có mặt đầu tiên tại Việt Nam. Năm 1679, Toà thánh La Mã chia địa phận Đàng Ngoài thành hai: địa phận Tây và Đông Đàng Ngoài. Địa phận Đông Đàng Ngoài được giao cho dòng Đa Minh cai quản. Có thể nói, trong các dòng truyền giáo ở Việt Nam thì dòng Đa Minh có thái độ tiêu cực nhất đối với vấn đề thờ cúng tổ tiên.
Ngày 7-6-1759, Pater lui Huy bề trên cả đại diện tông toà quản địa phận Đông ra thư gửi cho các giáo sĩ và giáo dân địa phận nói về 36 “sự rối nước An Nam, Đức Thánh Pha Pha đã đoán phi”, trong đó có nhiều “sự rối” về thờ cúng tổ tiên18. Năm 1796, Đức thày Phê ra thư gửi bổn đạo địa phận Đông nhắc lại việc cấm làm nhà táng, khi đưa xác không được đi kiệu ông thánh nọ, bà thánh kia19. Dòng Đa Minh có đưa ra một số lễ thức cho việc “đưa xác” người qua đời, chấp nhận một số phong tục như nhận câu đối phúng viếng của gia quyến trong tang ma. Tuy nhiên các câu đối đó phải đảm bảo nguyên tắc “không có điều gì phạm sự đạo”.
Hội truyền giáo Paris (MEP): Về tổng thể thì quan điểm vẫn là nghiêm cấm giáo dân thực hành thờ cúng tổ tiên. Tại Huế, trong một thời gian dài, các thừa sai hội Truyền giáo Paris và các thừa sai dòng Tên bất đồng với nhau về cách nhìn nhận và ứng xử với thờ cúng tổ tiên. Tư liệu lịch sử cho biết một số địa phận đặt dưới quyền cai quản của hội Truyền giáo Paris, giáo dân được phép thực hiện hình thức cúng hậu. Hình thức cúng hậu vào nhà thờ Công giáo được duy trì đến giữa nửa thế kỷ XX. Thời điểm cuối thế kỷ XIX ngày càng nhiều người nộp tiền của, đất đai vào nhà thờ để xin lễ hậu. Người xin cúng hậu gồm cả người có con trai và người không có con trai nối dõi. Đôi khi con trai của người nào đó đem ruộng đất, hương hoả của cha mẹ để lại cúng hậu vào nhà thờ để hàng năm nhà thờ lo cầu nguyện linh hồn cho bố, mẹ (hoặc có khi cả ông bà) vào ngày giỗ. Dần dần, cúng hậu đã trở thành một vấn đề mà không chỉ linh mục, giám mục mà cả Toà thánh La Mã quan tâm. Năm 1905, Toà thánh La Mã ban sắc truyền về cúng hậu. Trong việc tưởng nhớ người qua đời, giáo hội Công giáo lấy ngày 2-11 hàng năm để cầu cho các tín hữu đã qua đời và cầu cho các đẳng hoặc cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục. Đây là dịp để các tín hữu cầu cho các linh hồn của người thân đã quá cố được nhẹ tội và có thể lên Thiên đàng.
Các nghi thức thờ kính tổ tiên của giáo dân Tử Nê
Có thể nói trong chu kỳ một năm, người giáo dân Tử Nê thực hiện việc thờ kính tổ tiên vào các dịp như Tết Nguyên đán, lễ các đẳng, đám tang, giỗ chạp, cưới xin… với những hình thức đa dạng và phong phú. Thờ cúng tổ tiên của người Công giáo Tử Nê được thể hiện rõ ràng và đậm nhất qua các nghi thức tang ma và giỗ chạp. Trong tang ma chúng tôi chia thành các giai đoạn cụ thể như giờ phút trước khi chết, khi người tín đồ qua đời, nghi thức an táng. Sau đó là nghi thức giỗ chạp.
Người Công giáo Tử Nê nói riêng, vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung từ nửa cuối thế kỷ XIX, khi qua đời gọi là sinh thì, giờ hấp hối gọi là rình sinh thì. Một số người già giải thích rằng: người Công giáo quan niệm khi đó là chết nơi trần thế, nhưng là sự khởi đầu một đời sống mới nơi Thiên đàng. Giờ phút chết cũng có nghĩa là thời (thì) điểm khai sinh một cuộc sống mới ở nơi khác. Chuông nhà thờ xứ dành cho người chết là chuông sinh thì hay còn gọi là chuông sầu, chuông tử.
Người Công giáo trước hết là người Việt nam, vì vậy nhiều nội dung tang phục, tang chế... đối với người qua đời là tín đồ Công giáo được thực hành tương tự như người không theo Công giáo. Song về mặt tang lễ thì có nhiều điều khác biệt, thể hiện rõ đặc thù do giáo hội quy định.
Khi tín đồ sắp qua đời, đang hấp hối các thừa tác viên (linh mục hay phó tế hoặc một trong số những người trong Ban hành giáo) được mời đến làm lễ xức dầu bệnh nhân với những nghi thức đã được quy định trong thánh lễ và ngoài thánh lễ. Thân nhân và các đồng đạo khi biết tin người hấp hối đều tập trung tại nhà người hấp hối, đọc kinh cầu nguyện cho người sắp qua đời được “ơn chết lành và được hưởng nhan Chúa”, đồng thời cũng là nâng đỡ về mặt tinh thần cho thân nhân người sắp qua đời và giúp đỡ những công việc có thể. Kết quả điều tra tại Tử Nê cho thấy 90% gia đình giáo dân có mời linh mục đến làm phép xức dầu, 86,3% tín đồ tập trung đọc kinh cầu nguyện tại gia đình người đang hấp hối.
Theo lời kể của một số người cao tuổi trong họ đạo Tử Nê thì trước những năm 1980, khi có tín đồ trong họ đạo sắp qua đời, thừa tác viên được mời đến làm lễ xức dầu bệnh nhân. Trên đường đi đến nhà người bệnh, thừa tác viên có chức thánh được hộ tống bởi một cậu bé và một người cầm lọng che dù thời tiết mưa hay nắng. Cậu bé cầm chuông đi theo, lắc chuông kêu cho tới khi đến gia đình người hấp hối mới dừng lại. Giáo dân Tử Nê gặp thừa tác viên đi xức dầu bệnh nhân phải quỳ xuống cho tới khi họ đi qua. Việc làm này thể hiện sự sùng kính của người giáo dân trước Mình Thánh Chúa khi thừa tác viên rước đến cho “kẻ liệt”. Ngày nay thừa tác viên vẫn được mời đến làm lễ xức dầu bệnh nhân nhưng không còn cảnh chuông kêu lọng che như xưa nữa. Việc cử hành nghi lễ xức dầu bệnh nhân được cử hành âm thầm hơn. Vào giờ phút hấp hối (sinh thì) này ngoài việc nâng đỡ người đang hấp hối về mặt thể xác các gia đình có người hấp hối còn chuẩn bị một bàn thờ gồm có tượng Chúa chịu nạn, bình nước phép, nến, sách nghi thức để thừa tác viên cử hành các nghi thức cho người sắp qua đời.
Khi qua đời, người chết được đặt trên giường, xung quanh có thể rắc hoa tươi. Vào một thời điểm thích hợp người thân làm lễ tẩm liệm, nhập quan. Người Công giáo không có quan niệm chết vào giờ lành hay dữ, không chọn ngày, giờ tốt đưa tang; không thiết hồn bách, làm nhà táng, minh tinh, không có linh xa (kiệu hay xe) đưa rước linh hồn người qua đời. Tuy nhiên, luật buộc một số ngày như chủ nhật mùa vọng, mùa chay, phục sinh, các lễ trọng, thứ 4 lễ Tro và Tam nhật vượt qua không được làm lễ an táng người qua đời, mà phải đổi ngày khác.
Khi có người chết, ngoài việc báo với chính quyền thôn, người thân phải báo cho linh mục chính xứ và Ban hành giáo biết tin. Nhà thờ rung chuông sầu (chuông tử hay chuông sinh thì) báo hiệu cho các tín hữu có đồng đạo qua đời. Tuỳ theo số tiếng (7 hay 9 tiếng) mà có thể biết người qua đời là nam hay là nữ, già hay trẻ. Nếu người mất là người cao tuổi thì tiếng chuông sầu cuối sẽ rung dài, còn nếu là người trẻ tuổi thì tiếng chuông sầu sẽ rung ngắn. Nếu người qua đời là linh mục thì chuông sầu rung lên cả ngày đêm cho tới khi việc an táng linh mục quá cố kết thúc. Khi nghe chuông sầu, tín đồ ngừng việc đang làm hướng về phía nhà thờ đọc Kinh lạy Cha, tỏ lòng tiếc thương người qua đời.
Ở xứ đạo Tử Nê và các xứ họ đạo khác đều có một cỗ đòn đưa táng. Từ khi tín đồ Công giáo Tử Nê qua đời cho tới khi tiến hành nghi thức an táng tại nhà thờ, họ hàng, bà con và các đồng đạo lần lượt thay nhau cầu nguyện canh thức bên thi hài người quá cố. Người ta đặt một bàn nhỏ, trên có nước thánh, hoa quả, một bát hương và hương để sẵn trước linh cữu người quá cố. Giáo dân Công giáo Tử Nê khi đến viếng xác người mới qua đời thường thắp hương, vái lạy người chết và đọc kinh cầu nguyện. Khi giờ an táng được ấn định, thừa tác viên có chức thánh đến gia đình có tang để đón rước thi hài người quá cố đến nhà thờ cử hành thánh lễ an táng. Thừa tác viên đọc lời nguyện và rảy nước thánh lên thi hài người quá cố. Khi đã cầu nguyện xong, người ta kiệu quan tài đến nhà thờ, thánh giá đi đầu và thừa tác viên có chức thánh đi trước quan tài. Người quá cố được đưa vào nhà thờ trong tư thế: nếu là giáo dân thì đặt quay mặt về phía bàn thờ Chúa, còn đối với người có chức thánh thì đặt quay mặt về phía giáo dân. Thánh lễ an táng được cử hành theo nghi thức phụng vụ mà Giáo hội quy định. Việc cử hành phụng vụ trong thánh lễ đều mang ý nghĩa cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Những người tham dự thánh lễ đều hướng đến việc xin ơn cầu nguyện cho người quá cố sớm được hưởng nhan Chúa.
Sau nghi thức tại nhà thờ, người qua đời được đưa đi an táng. Thứ tự thường là: cờ tang, thánh giá nến cao, trẻ nam, trung nam, bát âm, vòng hoa, quan tài, thân chủ người qua đời, bổn đạo đưa tiễn. Người Công giáo Tử Nê giống nhiều xứ đạo Công giáo khác không có tục lệ khi đưa tiễn bố qua đời đi phía sau, tiễn đưa mẹ qua đời đi giật lùi phía trước quan tài. Các hình thức khóc lóc, lăn đường, cắt tóc tang... đều bị giáo hội cấm ngặt24. Tại Vườn Thánh linh mục hoặc thừa tác viên tiến hành các nghi thức tiễn biệt cuối cùng với người quá cố theo như Giáo hội quy định như nghi thức làm phép ngôi mộ mới, nghi thức từ biệt trước khi hạ quan tài xuống huyệt. Tiễn đưa người quá cố có đông đủ họ hàng thân thích, thân bằng cố hữu và các đồng đạo trong họ, trong xứ đạo. Ở đây có sự liên kết giữa những người chung một đức tin, chung một “ngôi nhà Chúa Giêsu”, và đó cũng là cơ sở cho những hành vi tôn kính với người quá cố sau ngày an táng. Sau khi an táng người qua đời, gia đình người giáo dân Tử Nê lập bàn thờ tôn kính. Bàn thờ tổ tiên người Công giáo Tử Nê được trang hoàng bày biện với bát hương, hương, nến, đèn, lọ hoa, di ảnh người quá cố, đôi khi là bài vị, Kinh thánh và hoa quả. Bàn thờ tổ tiên của người Công giáo được lập nhưng phải tuân theo nguyên tắc nhất định, đó là: bàn thờ tổ tiên không được đặt ngang bằng hay cao quá bàn thờ Chúa Giêsu.
Người Công giáo Tử Nê không có tục bốc mộ, thiêu xác hay cốt người qua đời. Người qua đời được “đào sâu chôn chặt”, còn gọi là kim tĩnh, mộ có thể được xây kiên cố. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy 100% giáo dân Tử Nê thực hiện kim tĩnh người quá cố.
Trải quá trình, người Công giáo Tử Nê cũng như những xứ đạo vùng đồng bằng Bắc Bộ dần dần xuất hiện các loại kinh cầu nguyện liên quan đến người qua đời và tôn kính tổ tiên như: kinh cầu cho bệnh nhân; kinh cầu cho người hấp hối; kinh cầu cho người vừa tắt thở; kinh cầu nguyện lúc tẩm liệm; kinh cầu cho các linh hồn... Tuy không thực hành nghi lễ cúng theo nghi lễ truyền thống của người Việt, tín đồ Công giáo không vì vậy mà không có những hình thức tưởng niệm riêng. Những hình thức này dựa trên tập tục cổ truyền, nhưng đưa nội dung Công giáo vào, như 3 ngày: đi thăm mộ, cầu kinh; 49 ngày: lễ và đọc kinh cầu nguyện; 100 ngày: lễ và đọc kinh cầu nguyện; giỗ đầu (tiểu tường): đọc kinh cầu nguyện; giỗ hết (đại tường): đọc kinh cầu nguyện. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy tất cả các hình thức trên đều được thực hiện trong cộng đồng giáo dân Tử Nê.
Hàng năm đến ngày giỗ - được coi là dịp thực hiện những nghi thức thờ kính tổ tiên quan trọng nhất - gia đình người Công giáo Tử Nê thường có hai hình thức tưởng niệm chính: xin lễ bàn thờ hoặc xin lễ mồ. Trong các ngày giỗ, người giáo dân Tử Nê xin lễ, đọc kinh, thăm mộ và tổ chức bữa cơm gia đình mà người ta cũng gọi là ăn cỗ29. Thánh lễ trong ngày giỗ thường có sự tham gia đầy đủ của các con cháu trong gia đình cũng như của tất cả giáo dân trong họ đạo Tử Nê. Các nghi thức cử hành lễ giỗ không khác nhiều so với các thánh lễ khác. Chỉ có điều, khi thánh lễ bắt đầu, một người trong gia đình người quá cố sẽ cầm một bó hương, đi từ dưới nhà thờ lên trên gian cung thánh, đứng trước linh hương và vái lạy trước sự chứng kiến của mọi đồng đạo. Linh mục làm lễ giỗ phải thông báo tên thánh của người xin lễ giỗ để cộng đoàn giáo dân hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn đó. Ngoài ra, buổi tối gia đình người có giỗ thường tổ chức đọc kinh, cầu nguyện cho linh hồn người qua đời. Các đồng đạo trong họ, xứ cũng được mời đến đọc kinh chung. Kinh bắt buộc phải đọc là Kinh cầu cho các linh hồn. Ở xứ đạo Tử Nê, ngày trước những người không có con trai để lo việc cúng giỗ cầu nguyện hàng năm, trước khi qua đời, người quá cố thường nghĩ đến chuyện “cúng hậu” vào nhà thờ Công giáo30. Theo lời của các cụ già và theo minh chuông còn lưu giữ trong nhà thờ xứ Tử Nê, bà Hậu Tình là một trong những trường hợp cúng hậu vào nhà thờ xứ Tử Nê.
Ngoài những ngày giỗ, niên lịch Công giáo còn dành riêng ngày 2/11 để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, đó là ngày lễ các đẳng hay còn gọi là lễ cầu hồn. Tháng 11 dương lịch hằng năm được gọi là tháng Cầu hồn. Vào dịp này giáo dân thường lo tu sửa lại Vườn Thánh, tu sửa mộ chí thân nhân, linh mục, tu sĩ. Buổi chiều ngày 2-11, một thánh lễ được diễn ra trong nhà thờ để cầu nguyện cho các linh hồn. Sau đó linh mục cùng giáo dân đi từ nhà thờ xứ ra Vườn Thánh. Dọc đường giáo dân đọc kinh cầu nguyện. Sau đó tín đồ tản đi thắp nến trên mộ người quá cố là thân nhân, đồng hữu của mình. Ngoài ra vào các dịp cuối năm, đầu xuân, giáo dân Tử Nê thường ra Vườn Thánh tảo mộ, tưởng nhớ người qua đời. Việc thờ kính tổ tiên được người Tử Nê chú trọng, biểu hiện rõ nhất ở những nghi thức diễn ra trong hai ngày: ngày cuối năm và ngày mồng 2 Tết Nguyên đán.
Tại Tử Nê, vào ngày 30 Tết, trong những gia đình tộc trưởng bàn thờ tổ tiên đã được lau chùi sạch sẽ, trang hoàng đẹp đẽ, bày biện thêm nhiều quả, hoa tươi. Vào tối ngày cuối cùng của năm, mọi người trong tộc đều tập trung về nhà ông tộc trưởng, trước khi đọc kinh cầu nguyện cho tiền nhân, người tộc trưởng tuyên bố lý do của việc tập trung cả chi tộc ngày hôm đó. Sau đó, người tộc trưởng đốt hương và vái lạy trước bàn thờ tổ tiên trong sự chứng kiến của toàn thể chi tộc. Sau khi thắp hương, nến, điện trên bàn thờ tổ tiên, buổi cầu nguyện cho tổ tiên bắt đầu diễn ra. Kinh cầu nguyện cho tổ tiên thường là những kinh trong sách bổn và 50 kinh kính mừng với ý chỉ cho tổ tiên. Sau khoảng 1 giờ, việc đọc kinh cầu nguyện kết thúc, mọi người tâm niệm trong mình những tâm tình về công ơn của tổ tiên, ông bà. Ngừơi ta nói chuyện và kể lại những câu chuyện về các bậc tiền nhân.
Đây là dịp con cháu hỏi han người cao tuổi về những điều về người quá cố. Người lớn tuổi thì say sưa kể cho con cháu nghe về những bậc cố nhân, những kỉ niệm xưa. Tất cả tạo nên một không khí thiêng liêng, gần gũi và gợi nhớ về tổ tiên. Vào đầu năm mới, ngày 2 Tết, con cháu lại tập trung ở nhà ông tộc trưởng lần nữa để chúc tết lẫn nhau và chủ yếu là để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Hình thức cũng giống như buổi lễ cầu nguyện cho tổ tiên vào đêm 30 Tết. Sau đó các gia đình Công giáo trong làng thường “kết thành từng đoàn, toán đến các nhà có người chết trong năm để cầu nguyện cho người quá cố” hay đi đọc kinh chúc tết mọi gia đình đồng đạo khác33. Đây là một tập tục tốt đẹp của làng giáo Tử Nê mà không phải ở làng Công giáo nào cũng thực hiện được.
Do không thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên theo truyền thống của người Việt, tín đồ Công giáo vì vậy cũng không thực hành những nghi lễ liên quan đến họ tộc như không xây từ đường họ tộc và cũng không có ngày giỗ tổ (họ tộc). Thông thường, thánh quan thày của họ đạo được xem là tổ họ. Ngày kỷ niệm thánh quan thày được xem là ngày giỗ họ. Và đó là một trong những lễ lớn của họ đạo. Tuy nhiên, người Công giáo Tử Nê vẫn lập gia phả, vẫn ghi nhớ ngày giỗ để truyền cho con cháu các thế hệ kế tiếp. Thông thường trong mỗi gia đình tộc trưởng thường có một cuốn sổ ghi ngày mất, tên thánh của ông bà tổ tiên cho đến đời thứ 3, thứ 4. Còn các đời trước đó thì người ta chọn ngày mồng 2 Tết Nguyên Đán làm ngày cầu nguyện chung cho tiền nhân. Thực tế hiện nay ở Tử Nê việc lập gia phả đã có nhiều. Có hai hình thức lập gia phả phổ biến: một là lập cây gia phả, hai là lập bảng gia phả và treo trên tường tại một nơi trang trọng trong gia đình. Việc lập gia phả trong gia đình giáo dân Công giáo Tử Nê đã cho thấy ý thức của người dân làng Tử Nê về ông bà tổ tiên, về gia đình, dòng tộc, về họ hàng thân tộc…
Ngoài ra, việc tôn kính tổ tiên của giáo dân Tử Nê còn được thực hiện vào các dịp khác trong năm như cưới xin, khi gia đình có việc trọng đại nào đó hay khi đi làm ăn xa… Kết quả điều tra điều tra xã hội học tại Tử Nê tháng 3 năm 2008 cho thấy người Công giáo xứ Tử Nê thực hiện việc thờ kính tổ tiên vào dịp lễ tết chiếm 87,5%, khi tổ chức đám tang và giỗ là 96,3%, đám cưới là 53,7%, lúc gia đình có việc vui, trọng đại như con cái đỗ đạt, hay có người nhà đi làm ăn xa là 65%, vào ngày lễ các đẳng là 83,8%, tôn kính tổ trong các giờ cầu nguyện chiếm 61,3% và trong các thánh lễ là 87,6%34. Đối với việc tôn kính tổ tiên của giáo dân Tử Nê trong các lễ cưới, kết quả điều tra cho thấy có 86,3% số giáo dân đồng tình với việc cô dâu, chú rể phải bái lạy tổ tiên hai bên gia đình. Điều này cho thấy ý thức sâu sắc của giáo dân Tử Nê về ông bà tổ tiên. Chính ý thức về cội nguồn, về ơn nghĩa sinh thành là động lực và là lời răn dạy sâu sắc cho những thành viên mới bước vào đời sống hôn nhân.
“Khi con cháu kết hôn thì chú rể, cô dâu phải bái lạy tổ tiên để trình báo với ông bà ông vải, cũng là dịp để cho lớp trẻ nhớ đến công ơn của tổ tiên mình, nhớ đến công lao cha mẹ đã sinh thành và giáo dưỡng chúng. Cũng đồng thời là sự nhắc nhở chúng có ý thức giáo dục con cái chúng sau này phải biết ơn cha mẹ, biết sống có hiếu với cha mẹ. Như vậy cũng là làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Phỏng vấn sâu, nam giới, chức việc tôn giáo xứ đạo Tử Nê)
Một số nhận xét - kết luận
Thờ cúng tổ tiên có nền tảng cơ sở xuất phát từ giáo lý của đạo Công giáo. Có thể khẳng định rằng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng giáo dân Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung, làng đạo Tử Nê nói riêng có cơ sở nền tảng trong chính giáo lý của họ. Vấn đề báo hiếu tổ tiên là điều mọi người phải quan tâm, giáo lý Công giáo đã đề ra những gì mà mọi tín đồ phải giữ, để chu toàn chữ hiếu đối với ông bà cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời.
Với người Công giáo, Kinh Thánh là cơ sở nền tảng cho giáo lý và giáo luật của đạo Công giáo.
Bộ Kinh Thánh có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Công giáo, trong đó họ tìm thấy cơ sở niềm tin của họ, tìm thấy lời chỉ dạy về cách sống, cách ứng xử với Thiên Chúa với con người, mà tương quan với con người bao gồm các quan hệ với cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, bạn hữu, và cả kẻ thù. Chính lòng hiếu thảo được Thiên Chúa chúc phúc và ban cho con cháu được sống lâu. Các tín đồ Công giáo luôn nhớ rằng, nếu việc thảo kính được ghi nhận thì việc không quan tâm đủ đến cha mẹ cũng không được Chúa bỏ qua. Những người con không lo phụng dưỡng cha, và còn khinh thường mẹ thì phạm tội rất nặng: “Như người lộng ngôn, kẻ bỏ bê cha, kẻ khinh rẻ mẹ, là chọc giận Đấng tạo thành ra nó”35. Theo quan niệm của Công giáo, tội lộng ngôn là tội xúc phạm đến danh của Thiên Chúa, mà ở đây những ai ruồng rẫy cha mẹ thì không chỉ đắc tội với cha mẹ, mà còn xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Như thế, trong giáo lý Công giáo, chữ hiếu rất quan trọng, buộc mỗi người phải tuân thủ vì đó là luật của Chúa. Việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ là bổn phận bắt buộc, cha mẹ không phải mang ơn con cái về những điều đó. “Hết lòng tôn trọng cha con, đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra, làm sao con báo đền được điều họ cho con?”.
Đạo Công giáo rất đề cao công đức của cha mẹ dành cho con cái, cao đến nỗi chỉ duy một việc sinh thành thôi con cái đã không thể nào báo đáp được rồi. Đây là chiều kích sâu xa của Công giáo, cho thấy việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ là một bổn phận, không có lý do gì mà con cái có quyền thoái thác bổn phận đó, ngay cả khi cha mẹ không thể lo toan cho con cái một cuộc sống đầy đủ, không làm tròn trách nhiệm làm cha mẹ, thì con cái vẫn phải thực hiện chữ hiếu vì công sinh thành ra mình. Đức Giêsu cũng đã lấy tiêu chí thảo kính cha mẹ là tiêu chí đầu tiên mà tín đồ phải thực hiện để được nên trọn lành37. Kinh Thánh công nhận niềm hạnh phúc trào tràn của một gia đình mà cha mẹ biết thương yêu con cái, và con cái biết kính trọng và thảo hiếu với cha mẹ.
Việc thờ kính tổ tiên trong cộng đồng giáo dân Công giáo có những đặc trưng cơ bản của nó.
Người Công giáo tin rằng, con người có hồn và xác, cả hồn và xác đều do Thiên Chúa tạo dựng nên, được thể hiện qua ý nghĩa của trình thuật Thiên Chúa tạo dựng nên Ađam và Êva trong Kinh Thánh. Thuỷ tổ của loài người là Ađam và Eva.
Từ cơ sở niềm tin đó, những người giáo dân Công giáo có những hình thức báo hiếu riêng với ông bà tổ tiên đã qua đời. Trong Công giáo, thánh lễ là công việc chuyển tải nhiều công phúc nhất. Việc thờ kính tổ tiên nơi người Công giáo có những đặc trưng cơ bản của nó như người chết được linh mục làm thánh lễ ở nhà thờ, được làm phép mồ trong Vườn Thánh. Trong ba ngày sau đó, họ hàng, làng xóm sẽ đến nhà hiếu để đọc kinh cầu nguyện cho người qua đời.
Trong nhiều ngày đầu, thân nhân đều ra viếng mộ mỗi ngày, có gia đình thực hiện việc đó đến khi giỗ trăm ngày. Các chu kỳ giỗ thông thường là mỗi năm một lần vào ngày mà người đó mất, người ta xin lễ, đọc kinh, thăm mộ. Vào những dịp giỗ trọng (như 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu…) tất cả con cháu xa gần đều phải về “ăn giỗ” để tưởng nhớ người đã qua đời và để thể hiện sự “hiếu”, sự “kính” của mình với tổ tiên.
Một đặc trưng nữa của việc tôn kính tổ tiên nơi người Công giáo là: ngoài những ngày giỗ, niên lịch của Giáo hội còn dành một ngày riêng để cộng đoàn và con cháu cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, đó là ngày mồng hai tết Nguyên đán và ngày mồng 2 tháng 11. Vào ngày đó ở các xứ đạo ngoài thánh lễ do linh mục tổ chức tại nhà thờ, người giáo dân còn xin lễ cầu cho ông bà cha mẹ, các gia đình tổ chức đi thăm mộ, sửa sang mộ, dọn dẹp Vườn Thánh. Một số nơi linh mục còn tiến hành dâng lễ ngay tại Vườn Thánh. Trong những ngày này người giáo dân nhắc nhở con cháu tham gia thánh lễ đầy đủ và làm việc lành với ý chỉ cầu bầu cho ông bà cha mẹ và các linh hồn khác đang còn ở luyện ngục.
Việc tang ma giỗ chạp trong cộng đồng giáo dân Công giáo có nhiều yếu tố hội nhập với văn hóa bản địa. Người ta cũng đặt một bàn nhỏ trưng hoa quả trước linh cữu người quá cố khi xác còn quàn tại nhà, có đặt lư hương để những người viếng xác thắp hương và xá người chết. Trong nhà người Công giáo cũng có bàn thờ ông bà cha mẹ, và nhiều người vẫn thường thắp hương ở đó, nhiều gia đình có đặt hoa quả nhất là trong dịp giỗ, dịp tết, hay khi cây nhà có trái đầu mùa… Nhưng, người Công giáo không tin người chết sẽ hưởng dùng những hoa trái ấy, họ làm thế là để biểu lộ lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu mà thôi. Các dịp giỗ chính như giỗ bảy tuần, giỗ trăm ngày, giỗ giáp năm, giỗ mãn tang, là những yếu tố được nhập từ văn hóa bản địa. Những mốc thời gian ấy vốn là truyền thống lâu đời của người Việt và người Công giáo ở Việt Nam cũng vẫn giữ những truyền thống ấy. Nhìn chung, người giáo dân Công giáo rất quan tâm đến việc báo hiếu tổ tiên. Điểm giống nhau giữa người Việt Công giáo với người Việt không theo Công giáo là họ đều thừa nhận sự tồn tại bất tử của linh hồn, nhưng điểm khác biệt giữa họ là quan niệm về hình thức tồn tại của linh hồn và do đó dẫn đến sự khác biệt về hình thức biểu lộ việc thờ cúng tổ tiên.
Trong việc thờ cúng tổ tiên có sự khác biệt giữa người Công giáo và không Công giáo. Khác biệt cơ bản là khác biệt trong quan niệm về hồn và sự tồn tại của hồn sau khi chết: Trong quan niệm của người Công giáo, một khi con người đã chết thì họ có được hưởng nhan Chúa hay đến nơi luyện ngục chờ phán xét. Linh hồn ở nơi luyện ngục sẽ được con cháu cầu nguyện để sớm lên Thiên đàng, và ở đó họ lại cầu bầu cùng Chúa cho con người ở dương thế. Với người Công giáo thì những người đã chết không có quyền giáng phúc, chẳng làm hại ai và càng không báo thù ai. Còn người Việt không theo Công giáo quan niệm linh hồn sau khi rời khỏi thể xác sẽ về nơi suối vàng để gặp tổ tiên ở đó. Nơi đó, cũng giống như dương gian, tổ tiên cũng có những nhu cầu như ăn, mặc, ở hay các nhu cầu khác như khi còn sống. Tổ tiên ở đó khác người sống ở chỗ: tổ tiên không thể làm ra những thứ mà mình cần sử dụng, mà phải nhờ con cháu gửi xuống. Con cháu sẽ gửi xuống những của cải vật chất cho ông bà qua những dịp giỗ, lễ tết, khi gia đình có công việc trọng đại. Những sản phẩm gửi cho tổ tiên bằng cách thông thường nhất là đốt vàng mã và cúng tế. Do vậy, cúng giỗ là một hình thức báo hiếu tổ tiên, nếu không cúng giỗ chu toàn cho ông bà tổ tiên nơi suối vàng sẽ bị tổ tiên quở trách, thậm chí nổi giận mà có thể gây ra những điều không may cho con cháu còn đang sống.
Với người Công giáo, điều duy nhất mà tổ tiên ông bà có thể làm cho người thân và con cháu hay những người đã giúp đỡ họ đang còn sống là họ sẽ cầu bầu cùng Chúa giáng phúc cho những người ấy. Đây cũng là biểu hiện mối tương quan giữa người sống và người chết theo quan điểm của Công giáo. Cho nên tín đồ Công giáo thường không sợ ông bà tổ tiên, họ chu toàn việc cúng giỗ theo những cách thức riêng của Công giáo chỉ nhằm mục đích duy nhất là mong cho tổ tiên sớm chuộc xong lỗi lầm của mình, để mau hưởng kiến Chúa. Vì thế, những việc mà con cháu làm mang ý nghĩa báo hiếu thuần túy. Báo hiếu tổ tiên còn là nghĩa cử nhớ về nguồn cội, mà nguồn cội trong Công giáo được đẩy đi xa đến tận Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là niềm tin của người tín đồ. Ở người Việt không Công giáo, cúng giỗ cũng là để nhớ về nguồn cội, nhưng nguồn cội của họ là ông bà tổ tiên, ghi nhớ nguồn cội để con cháu tự tin vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nguồn cội còn có ý nghĩa giáo dục con cháu luôn xứng đáng với danh dự của tiền nhân.
Thờ cúng tổ tiên giữa người Công giáo và người không Công giáo có những khác biệt trong hình thức thể hiện. Với quan niệm tổ tiên chỉ hưởng dùng những công phúc, nên trong Công giáo, giỗ chạp thường chú trọng đến việc xin lễ, đọc kinh chung và làm những việc lành để hướng về ông bà tổ tiên, họ ít quan tâm đến việc sửa soạn đồ cúng, tuyệt đối không đốt vàng mã. Trên bàn thờ tổ tiên chỉ có cắm hương trước di ảnh tưởng nhớ ông bà cha mẹ, một đĩa trái cây, một bình hoa với mục đích tôn kính ông bà cha mẹ chứ không hàm ý mời ông bà cha mẹ dùng. Chính vì thế mà giỗ chạp trong Công giáo là dịp những người sống lập công phúc thay cho người chết để họ mau đền hết tội lỗi của mình, sớm được hưởng nhan Chúa nơi Thiên đàng.
Với người Việt, do tin rằng tổ tiên còn hưởng dùng những của cúng nên việc chuẩn bị giỗ và đồ lễ cúng được coi trọng. Khi mời ông bà về với con cháu, nếu không có điều kiện kinh tế sửa soạn “mâm cao cỗ đầy” thì ít ra cũng phải có bát cơm, quả trứng, bộ quần áo bằng mã để hoá cho ông bà khỏi đói rét. Nếu không làm được như vậy thì con cháu sẽ không an lòng, thậm chí sẽ mang tội bất kính, bất hiếu với tổ tiên và có thể bị tổ tiên giận dỗi hay trừng phạt.
Việc thờ cúng tổ tiên có những điểm tương đồng giữa cộng đồng người Việt không Công giáo và giáo dân Công giáo. Điểm tương đồng trước tiên là quan niệm về sự chết. Chết không phải là hết. Mặc dù cả hai nhóm xã hội – tôn giáo này có lối diễn tả về sự tồn tại và nơi cư ngụ của linh hồn sau khi chết có khác nhau, nhưng đều diễn tả một điểm: chết không phải là hết. Vì tin rằng chết không phải là hết nên cả người Công giáo và không Công giáo cùng chung một điểm nữa là luôn tin rằng tổ tiên sẽ còn quan tâm đến con cháu, vẫn luôn bên cạnh con cháu trong cuộc sống hàng ngày với những vui buồn của con cháu. Tổ tiên vẫn còn duy trì mối quan hệ với những người đang sống và luôn “cần” đến người sống, một bên cần người sống lập công phúc đền tội thay để sớm hưởng nhan Chúa nơi Thiên đàng, bên kia cần người sống dâng cúng đồ lễ để có cái sử dụng nơi suối vàng.
Cho dù quan niệm như thế nào, thì việc giỗ chạp trước tiên là một cách thức để báo hiếu tổ tiên. Dù muốn dù không mỗi người đều phải thừa nhận những gì mà chúng ta đang thừa hưởng là do tổ tiên để lại. Mỗi người đều có cha mẹ, đều phải mang ơn sinh thành của cha mẹ. Hay nói khác đi mỗi người đều được cấu thành từ những tế bào gia đình, lớn hơn là dòng họ, tổ tiên. Vì thế, xã hội hay những nhóm xã hội đều có bổn phận ghi ơn tổ tiên, đồng thời khuyến khích mỗi thành viên trong gia đình và dòng họ, trong cộng đồng phải báo hiếu tổ tiên. Điều này rất được coi trọng trong xã hội Việt Nam và trở thành bản sắc trong văn hoá Việt Nam.
Một điểm tương đồng nữa trong vấn đề thờ cúng tổ tiên giữa người theo đạo Công giáo và người không theo đạo Công giáo là vấn đề tìm về nguồn cội. Trong việc báo hiếu, tôn kính tổ tiên cả hai nhóm xã hội – tôn giáo đều có ý nghĩa này. Tầm quan trọng của nguồn cội góp phần làm cho cho con người ý thức về sự khác biệt giữa người và vật40, đồng thời nó là một trong những yếu tố không thể thiếu để ổn định mọi mặt tâm lý, tình cảm, ý chí, lý trí của một con người.
Tóm lại, việc báo hiếu tổ tiên dù thể hiện dưới dạng thức nào chăng nữa thì cũng để chỉ mối tương quan gắn bó giữa người sống và người chết, để chỉ mối liên kết cuộc sống trần thế với thế giới sau khi con người qua đời. Tuỳ theo quan niệm về linh hồn tổ tiên tồn tại như thế nào, cuộc sống sau khi con người qua đời thể hiện ra sao mà có các hình thức thể hiện của người sống cho phù hợp với quan niệm của nhóm xã hội – tôn giáo đó. Khi việc thờ cúng tổ tiên giữ vai trò thắt chặt những mối liên hệ trong gia đình, dòng họ, làm cho những mối liên hệ ấy ngày càng bền vững hơn qua những nghi lễ cúng giỗ tổ tiên, thì mỗi khi nhớ về cội nguồn tiên tổ, người ta cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Mặt khác, khi nhớ đến tổ tiên cũng là nhớ đến những gương sáng mà tiền nhân để lại, nhớ đến những giá trị truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, dù niềm tin khác nhau, có thể dẫn đến những hình thức khác nhau của việc thờ kính/thờ cúng hay tôn kính tổ tiên, thì về cơ bản các nhóm xã hội vẫn có điểm giống nhau trên cơ sở kính trọng, hiếu lễ với tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên nghiễm nhiên trở thành một “tập quán” không thể thiếu được của người Việt Nam, nó trở thành đặc điểm văn hoá đặc thù trong văn hoá Việt Nam.
Lê Đức Hạnh