Monday 25 February 2019

Chia Xẻ Vài Cảm Nghĩ (3) NGƯỜI VIỆT, CHIM TRỜI, VÀ DĨ VÃNG - Tôn Thất Phương

Chim trời cá biển”, người Việt mình nói thế. Câu này có nhiều nghĩa, nhưng ở đây tôi chỉ nói về chim trời:  Con nào cũng phải biết tự lo cho mình mà sống.

Vườn nhà tôi có vài thứ mà chim trời ưa thích: Hai cây táo to, hai cây mận và một cây Fig (“Sung Ngọt”), được chăm sóc nên năm nào cũng cho nhiều quả. 

Và cứ tới cuối Hè hay đầu Thu, mỗi ngày chim trời kéo đến liên hoan “được mùa”!  Tôi nghĩ chim cũng có cái khổ của chúng: Con người cứ liên tiếp khai thác đất hoang nên giang sơn của chim ngày càng bị thu hẹp, thức ăn cũng ít dần... Cho nên chim có đến ăn cũng chỉ là tự nhiên thôi, chúng nào biết gì đâu?  Thôi thì chia nhau cho công bằng: “chim bảy người ba”, rồi hạ xuống “chim chín người một”!  Những ngày xưa thơ ấu, mấy con chim Chào Mào hay hót líu lo trên những đọt cây cao, hay những chú Chích Chòe có cái đuôi nháy nháy trong mấy cành bưởi, đã chẳng là những đứa bạn hay quanh quẩn để đem cho tôi chút vui vui trong những trưa hè im vắng hay sao?  

Có loại chim chỉ ăn quả, cũng có loại chỉ ăn hạt.  Trước nhà tôi có gần mười “cây Muối”, bọn két hồng (Galah), két mào vàng (Cockatoo) hay kéo đến từng bầy, vừa ăn hạt vừa xả lá đầy mặt đất. Dọn dẹp cũng cực, nhưng tôi nghĩ: “chim trời cá biển”, thôi cứ để cho chúng ăn. 

Những cây Muối này là một khám phá tình cờ mà kỳ thú.  Thì ra chúng cũng là một loại với những cây được trồng dọc con đường gần nhà tôi ở Huế (khi tôi còn nhỏ).  Chẳng rõ tên cây là gì, do hạt/trái của chúng mằn mặn nên chúng tôi kêu đại là “cây Muối”. Hạt cây Muối, nhỏ thì làm đạn bắn súng ống tre, to hơn thì làm đạn bắn ná, chơi rất tiện. Chúng làm bạn với tôi trong suốt những tháng ngày còn ở Tiểu Học. 

Con đường có dãy cây Muối này có tên là Nguyễn Hiệu, làm hồi nhỏ tôi cứ thắc mắc Nguyễn Hiệu là ai.  Con đường này khá dài, bắt đầu từ tường thành gần trường tiểu học Trần Quốc Toản. Bên hai hông trường và thẳng góc với đường Nguyễn Hiệu là hai đường Tăng Bạt Hổ và Tống Duy Tân, cũng là hai cái tên để (lúc đó) tôi cứ thắc mắc:  Họ là ai? 

Lớn lên, những cái tên quen thuộc ngày xưa vẫn nằm trong tâm khảm.  Tôi biết ra được đây là tên của ba chiến sĩ Cần Vương:  

Cụ Tăng Bạt Hổ là người dẫn đường cho cụ Phan Bội Châu đi Nhật.  Theo hồi ký của cụ Phan,  “Ông Tăng sành đường đi Nhật đi Tàu như lấy đồ trong túi”.

Cụ Phan còn viết:  “Ông [Tăng] rất dày công trong công việc của Duy Tân Hội, cho nên trong Việt Nam Nghĩa Liệt Sử, tôi để tên ông đứng đầu sổ”. 

Sách của tác giả Phương Hữu còn cho biết cụ Tăng đã từng tham gia cuộc “chinh Nga” của quân Nhật vào đầu thế kỷ 20, và trong lễ chiến thắng khao quân, cụ đã khóc với vua Nhật để xin giúp Việt Nam: 

Thân phiêu bạt đã đành vô lại (1)
Biết bao phen Thượng Hải, Hoành Tân
 (2)
Chinh Nga nhân buổi hoàn quân
Tủi mình bô bá theo chân khải hoàn
Nâng chén rượu ân ban hạ tiệp
Gạt hàng châu khép nép quì tâu:
“Trời Nam mù mịt nghìn thâu
Gió thu như thổi dạ sầu năm canh”
...
 

Hai cụ Nguyễn Hiệu (hay Nguyễn Duy Hiệu) và Tống Duy Tân đều khởi nghĩa Cần Vương và tuẫn nạn.  Cụ Tống Duy Tân là thầy giáo, bị học trò của mình là Cao Ngọc Lễ mua chuộc không được nên bán đứng cho quân Pháp.  Người đương thời cảm khái, có làm câu đối: 

Vô địa khả dung Cao Ngọc Lễ
Hữu tiền nan mãi Tống Duy Tân
 (3).  

Những con đường mang tên các cụ, không biết bây giờ vẫn còn hay đã bị thay đổi?  Chẳng lẽ bây giờ nó đã (tôi hoàn toàn không mong như thế) mang những cái tên “mới mẻ” khác,  chẳng hạn như Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, hay Tô Vĩnh Diện?  Nếu vậy, ắt rồi cũng sẽ có những đứa trẻ lớn lên với nhiều thắc mắc: Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện... là ai, họ đã làm gì?

Mấy ngàn năm lịch sử của loài người đã chứng minh rằng, những gì là chính nghĩa thì sẽ trường tồn. Thời gian biến đổi, những đứa trẻ (như tôi của thuở đó) sẽ có ngày lớn lên, và sẽ quay lại nhìn dĩ vãng của chính mình để tìm hiểu tên của những con đường nơi mình đã sống, và xem đó là tên của những người như thế nào, họ đã làm những gì?

Con người ta, ai chẳng có gia đình để yêu thương, lo lắng, ai chẳng quí trọng tính mạng mình? Các chiến sĩ Cần Vương, các cụ Nguyễn Hiệu, Tống Duy Tân, v.v… cũng chỉ là con người như tất cả chúng ta thôi, nhưng vì nhìn xã hội mà không muốn tương lai của các thế hệ sau sẽ khó khăn, cho nên đành chẳng đặng đừng, những mong sự gắng gỏi của mình có thể mang lại được đổi thay cho thời cuộc. 

Ba hộ mất nhà Tần, huyết mạch ức niên còn thấy đó
Một thân còn nước Sở, tóc da bảy thước có màng chi
 (4). 

TTP
(24-02-2019)
** ** **
(1)   Vô lại: Không nơi để ở, lưu lạc.
(2)   Hoành Tân: Yokohama.
(3)   Không đất nào dung Cao Ngọc Lễ - Tiền tài chẳng lụy Tống Duy Tân” (Nan mãi: Khó mua [chuộc] được).
(4)   Thơ văn Phan Bội Châu.